Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Kim Vàng Ai Nỡ Uốn Câu

Kim Vàng Ai Nỡ Uốn Câu

Kho tàng ca dao lục bát cho chúng ta nhiều bài học rất thâm thúy.  Câu “kim vàng ai nỡ uốn câu” nói lên cái ý là không ai dùng một món quý giá như cây kim bằng vàng mà uốn nó thành lưỡi câu là vật tầm thường để câu cá.  Đó là chuyện lãng phí, xài không đúng chỗ. Câu lục (câu 6 chữ) này dẫn ý cho câu bát ở dưới diễn giải một bài học về cách dùng lời nói trong việc xử thế:

Người khôn sao nỡ nói nhau nặng lời?

Thực vậy, nhiều người học cao, hiểu rộng, được xem như người khôn, mà lúc tức giận, không kềm chế được môi miệng, phát ra những lời vô độ, những lời nói nặng, làm người nghe ngạc nhiên thầm nghĩ ông này có khôn không?

Lời nói có tác dụng rất mạnh, rất lớn cho người nghe.  Lời xây dựng giúp người nghe thăng tiến, lời phá hoại có thể giết người, nếu không giết thể xác thì cũng giết chết tâm hồn, như câu ca dao sau đây diễn tả:

Roi song đánh đoạn thì thôi,
Một lời siết cạnh suốt đời không quên.

Vì vậy, cha mẹ nên cẩn thận lời nói với con trẻ, tránh quát mắng, tránh nặng lời với con, mà tập kiên nhẫn, từ tốn khi dạy con. 

Chúng tôi có vợ chồng người bạn quen biết lâu năm.  Anh chồng dễ nổi nóng, khi giận thì hay tuôn tràn lan những lời không đẹp, mà khi mở miệng thì không kềm được nữa.  Có khi mắng nhiếc, chì chiết cả 10-15 phút.  Chị vợ buồn khổ vô cùng vì anh ta hay “giận cá chém thớt”, đem cơn giận ngoài đường về trút cho vợ con!  Gần đây gặp lại, tôi ngạc nhiên thấy anh thay đổi rất nhiều, điềm đạm ra, hay cười, ít nói, chậm giận.  Nhà tôi hỏi riêng chị vợ bí quyết gì thay đổi được anh.  Chị tiết lộ rằng khi biết anh tin vào thuyết luân hồi, nên chị thường tìm cách nói bâng quơ (nhưng mục đích cho anh nghe):  “Làm người thì khó, làm chó thì dễ.  Ai không giữ gìn môi miệng, thì chừng chết đi, chuyển kiếp làm chó để tha hồ sủa”.  Cuối cùng thì anh thấm và biết “tu cái miệng”.  Một điều quan trọng là anh nhận ra anh bị tập nhiễm tánh nóng giận từ cha anh, từ ông nội của anh, nên anh đang cố giúp cho các con “bẻ xiềng” thoát ra khỏi sự trói buộc của con quỷ thịnh nộ.   

Một bé gái, tên Beth, 10 tuổi, viết một bức thư cho cha mẹ em, trong đó em nói “ước gì cha mẹ đối xử nhau như với khách”.  Lý do là em thấy mỗi lần có khách đến thăm thì cha mẹ dịu dàng, nhẹ nhàng với nhau, tỏ ra như một gia đình hạnh phúc; chừng khách về thì không khí nặng nề trở lại, cha mẹ tiếng bấc, tiếng chì với nhau, hằn học nhau.  Em ước nhà mình luôn luôn có một người khách quan trọng để cha mẹ làm hòa với nhau.   Một hôm, em tới nhà bạn, gia đình bạn này theo Tin lành, em thấy trong phòng ăn nhà bạn có treo một tấm bảng có câu mà em rất thích:  

"Christ is the head of this house. The unseen guest at every meal. The silent listener to every conversation."

Chúa Giê-su Christ là gia trưởng của nhà này.  Người khách ẩn mặt trong mỗi buổi ăn.  Người im lặng lắng nghe mọi lời đối thoại”.

Beth chép lại và treo trong phòng ngủ của em.  Em xin phép cha mẹ cho đi dự sinh hoạt nhà thờ với bạn.  Cha mẹ thấy em có niềm vui sau mỗi lần đi nhà thờ, mới tò mò đi cùng với em và dự sinh hoạt với hội thánh.  Sau một thời gian, cả nhà trở thành Cơ-đốc nhân.  Bây giờ, ngoài câu “Christ is the head of this house…” em còn dán thêm vài câu khác tại phòng ăn, nhà bếp, như:  “Mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19),  “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào”. (Cô-lô-se 4:6).  Beth hiện nay rất sung sướng vì thấy cha mẹ thuận thảo nhau, gia đình có bầu không khí thương yêu, vui mừng, bình an.

Thân mẫu của nhà thơ Tiểu Minh Ngọc, khi còn sinh tiền, đã dán câu Kinh Thánh Ê-phê-sô 4:29 trong nhà bếp để con cháu ghi nhớ:  “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến”.  Mỗi lần tưởng nhớ đến mẹ, cô TMN như còn nghe văng vẳng lời mẹ dạy:  “Là con dân Chúa, chúng ta nên giữ gìn miệng lưỡi, cẩn thận trong lời nói của mình, giống như sứ đồ Gia-cơ nói, “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia-cơ 3:2).  Chúng ta nên cầu xin Chúa Thánh Linh chỉ dạy chúng ta biết nói đúng lúc, đúng lời, và đúng người; hầu cho người nghe hiểu được ý tốt lành và có mối quan hệ thân thiết với chúng ta trong tình yêu Thiên Chúa!”

Châu Sa

 

Người Vàng Kim

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” - Ê-phê-sô 4:29

“Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình.” - Gia-cơ 3:2

"Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng cứu chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, Sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!" - Thi-thiên 19:14

"Kim vàng ai nỡ uốn câu,

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời?" 1

          Khôn ngoan sống ở trên đời,

Nghĩ về ích lợi trong lời nói ra!

          Nói sao dịu ngọt, thơm tho,

Nói sao nghe đến, thuận hòa, thích ngay,

Nói sao buồn cũng vui thay,

Nói sao tâm trí được đầy linh ân,

Nói sao gây dựng tình thân,

Nói sao tất cả đến gần với nhau,

Nói sao vơi những niềm đau,

Nói sao hiệp một dạt dào yêu thương!

 

           Sức Ngài ta mãi tựa nương,

Xin quyền năng thánh dẫn đường, sửa sai,

          Kim vàng quý giá giữ ngay,

Thanh cao lời nói, Danh Ngài hiển vinh,

          Khôn ngoan gìn giữ lòng mình,

Sống cho trọn vẹn hành trình theo Cha!

          Lời lành, ý tốt nói ra,

Theo như ý Chúa, để mà giúp nhau,

          Đừng nên sắc bén như dao,

Vô tình chia cắt đớn đau lòng người…

          Thành tâm suy xét ai ơi,

Hết lòng kính Chúa, làm người vàng kim!

Tiểu Minh Ngọc

________________

1 Ca dao Việt Nam

 


Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Con Ếch chết vì cái miệng

Con Ếch chết vì cái miệng

Đầu mùa mưa, ở thôn quê (dĩ nhiên VN), người ta hay xách đèn đi soi ếch.  Cô hay chú ếch nào nằm im thin thít thì không ai biết ở đâu mà bắt.  Chú nào há miệng ọp ọp là dễ bị chụp nhất, từ đó có câu tục ngữ “con ếch chết vì cái miệng”.  Không phải con ếch thôi, con người cũng chuốc vạ vào thân (tự chiêu kỳ họa) bằng lời nói.  Chúng ta thường nghe câu: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” để khuyên răn hoặc nhắc nhở nhau. Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh dạy “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi”  (18:21), ngụ ý lời nói có thể đem lại sự sống mà cũng có thể gây ra cái chết cho người và cả cho chính mình.  Vì vậy, ca dao khuyên:

Chim khôn tránh bẫy, tránh dò,
Người khôn mở miệng, đắn đo từng lời.

Bộ truyện Tam Quốc Chí ghi lại câu chuyện của Dương Tu phò Tào Tháo.  Dương Tu hiểu rộng, biết nhiều, nhưng phải cái bệnh hay khoe kiến thức không đúng chỗ và không đúng người, nên bị giết lảng nhách.  Mời đọc chuyện “Cái Lưỡi cắt Cái Cổ” đã đăng trên Nếp Sống Mới, tháng 7-8 năm 2004:

Dương Tu (hay Dương Đức Tổ) là một nhân vật thời Tam Quốc, ngay từ trẻ đã nổi tiếng thông minh, học nhiều biết rộng. Ông cha của Dương Tu làm quan dưới triều nhà Hán, còn ông thì lại phò Tào Tháo nên đã bị mang tiếng là thiếu sáng suốt vì phò trợ không đúng người.  Tào Tháo là tay đại gian hùng, tánh đa nghi, chủ trương thà giết lầm hơn là bỏ sót, thà ta phụ người chứ không để người phụ. Dương Tu tuy giỏi giắn nhưng không khôn ngoan, ông đã can thiệp vào chuyện gia đình của Tào Tháo. Nguyên, Tào Tháo phân vân giữa việc lập Tào Phi hay Tào Thực làm thế tử.  Dương Tu giúp cho Tào Thực những mánh khóe, bí quyết để được lòng cha.  Chừng Tào Tháo biết được thì rất giận Tu.  Thêm vào đó, Dương Tu còn khoe khoang kiến thức không đúng lúc, lại phát ngôn bừa bãi càng làm Tào Tháo ghét.  Một lần Tháo sai người kiến tạo một vườn hoa.  Khi công việc xong, Tháo đến xem, không khen không chê một lời, chỉ cầm bút viết một chữ “hoạt” ()vào cửa vườn, rồi ra về.  Mọi người không ai hiểu gì.  Dương Tu giảng: “Chữ ‘môn’ (cửa) có chữ ‘hoạt’ bên trong thì thành chữ ‘khoát’ () (là rộng).” Người ta sửa cho cái cửa hẹp lại và mời Tháo ra xem. Tháo bằng lòng lắm, vui vẻ hỏi: “Ai khéo biết ý ta thế?”  Chừng biết chính là Dương Tu, Tháo khen ngợi nhưng trong lòng thêm ghét.  Lại một hôm, người vùng Tái Bắc dâng về một hộp sữa, Tháo cầm bút viết lên nắp hộp ba chữ “nhất hợp tô” (一合 ), rồi để trên bàn mà lui vào.  Tu bước tới phủ, trông thấy thế, bèn bảo lấy thìa chén, mời các quan ngồi vào cùng ăn hết hộp sữa.  Tháo bước ra hỏi sao lại ăn như thế. Tu đáp: - Trên nắp hộp đã viết rõ: “nhất nhân nhất khẩu tô” 一人一口 (mỗi người một hớp sữa), chúng tôi đâu dám trái lệnh thừa tướng?  Tháo cười hỉ hả khen Tu vì nhận ra được chữ HỢP chiết tự ra là Nhân Nhất Khẩu 人一口, nhưng lòng càng ghét hơn.  Tháo vốn đa nghi, lúc nào cũng sợ có người ám hại, nên thường căn dặn bọn hầu cận: - Trong lúc ta nằm mơ, thường hay nổi nóng giết người đấy.  Vậy những lúc ta đang ngủ, các ngươi chớ có lại gần!  Một hôm, Tháo ngủ ngày trong trướng, cái chăn đang đắp tụt rơi xuống đất.  Một viên hầu cận vội bước lại, kéo chăn đắp lên mình Tháo. Bỗng Tháo ngồi bật dậy, rút gươm chém người ấy rồi lại đắp chăn vào, nằm xuống như ngủ say, không biết gì cả… Độ nửa giờ sau thức dậy, giả bộ hớt hải: “Ai giết người hầu của ta đây?”  Mọi người kể lại việc mới xảy ra.  Tháo khóc òa lên một hồi, rồi truyền chôn cất người ấy rất long trọng.  Ai ai cũng tưởng Tháo vì ngủ mê, hoảng hốt nên giết lầm người hầu.  Chỉ riêng Dương Tu hiểu rõ thâm ý của Tháo.  Khi đưa đám tang người ấy, Tu trỏ tay vào quan tài lẩm bẩm than rằng: “Không phải thừa tướng ngủ mê đâu!  Chính ngươi mới là kẻ mê ngủ!  Có kẻ nghe lọt, mật báo với Tháo. Tháo càng căm giận Tu vì thấy Tu biết được lòng dạ của mình, như “đi guốc trong bụng mình” vậy! Bản án tử hình đã treo sẵn mà Tu không nhận ra.  Một lần đi đánh trận, quân Tào Tháo bị kẹt tại Tà Cốc, tiến thoái lưỡng nan, dùng dằng không quyết.  Một buổi chiều, Tháo đang ngồi buồn bực, thì nhà bếp mang bát thang gà lên dâng.  Tháo nhìn trong bát có miếng gân gà, bất giác thở dài một tiếng, chạnh nghĩ đến tình thế gay go lúc ấy mà buồn.  Vừa vặn, Hạ Hầu Đôn bước vào xin khẩu hiệu đi tuần trong đêm, Tháo buột miệng nói: “Gân gà! Gân gà!”  Dương Tu nghe khẩu hiệu như thế thì bảo quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút quân.  Hạ Hầu Đôn kinh hoảng hỏi thì Tu đáp: “Cứ suy hai tiếng hiệu lệnh “gân gà” thì đủ biết là Vương sắp rút về bất thần đó. Vì cái gân gà không có thịt, dai lắm, ăn chẳng thú vị gì, mà bỏ thì tiếc.  Nay, quân ta tiến lên thì không thắng nổi, lùi thì sợ người ta cười, ở đây mãi cũng vô ích, chi bằng rút về cho xong.  Ngày mai, thế nào cũng có lệnh ban sư… nên tôi cho thu xếp hành trang gọn ghẽ để lúc lâm hành khỏi lục đục vội vàng. Hạ Hầu Đôn khen: “Ông thật đã hiểu thấu ruột gan của Ngụy vương!” Rồi Đôn cũng cho quân sửa soạn hành trang. Đêm ấy, Tháo bồn chồn rối loạn trong lòng, không sao ngủ được, thân cầm búa sắc, lén đi tuần hành quanh các trại. Khi đến trại Hạ Hầu Đôn, thấy quân sĩ đua nhau sửa soạn hành trang như sắp rút về đến nơi. Tháo giật nẩy mình, triệu Đôn tới hỏi. Được biết đó do ý của Dương Tu. Tháo gọi Tu vào hỏi. Tu đem ý nghĩa cái “gân gà” ra giải đáp. Tháo đùng đùng nổi giận, đập án mắng: “Sao ngươi dám vẽ chuyện, làm rối loạn lòng quân?” Lập tức thét đao thủ phủ lôi Tu ra chém, rồi truyền đem bêu thủ cấp ngoài viên môn làm lệnh!

Châu Sa

 


Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Kho Tàng (The Treasure)

 

KHO TÀNG  (The Treasure)

Ngay từ năm đầu Trung học, tôi đã thích đọc sách về phiêu lưu, trinh thám.  Quyển truyện “Vàng và máu” của Thế Lữ làm tôi say mê đọc đi đọc lại nhiều lần.  Những cuộc săn tìm khó khăn, nguy hiểm của những người đi tìm kiếm những bảo vật trong kho tàng luôn thu hút người đọc.  Như người chiến binh trước khi ra trận, hay như người sắp thi hành một sứ mạng nguy nan, họ trang bị không những các thứ cần thiết như tấm bản đồ, chiếc la bàn, những ẩn số, ẩn ngữ để mở cửa kho tàng mà còn một vốn kiến thức rộng và một tinh thần vừa kiên nghị vừa uyển chuyển, tùy cơ ứng biến.  Đã có những người bỏ mạng trước cửa kho báu cũng như có nhiều người bỏ cuộc nửa chừng.  Kết cuộc thì thường có một người giải mã đúng được ẩn ngữ thì chiếm được kho tàng. 

Năm 2010, một quyển sách nhỏ, tựa là The Thrill of the Chase, tự truyện của Thiếu tá Không quân Hoa Kỳ hồi hưu Forrest Fenn được in ra.   Tác giả có thú tiêu khiển là chơi đồ cổ và sưu tầm tiền vàng, ngọc quý.  Ông biết mình bị ung thư, có thể chết bất cứ lúc nào vì đã 80 tuổi, nên quyết định đặt những vật cổ đồng tiền cổ, những viên ngọc, những đồ gốm cổ, tất cả trị giá trên 1 triệu đô la Mỹ vào trong một cái rương và ông chôn giấu trên rặng núi Rocky Mountains.  Trong quyển sách có một bài thơ 24 câu tả chỗ giấu rương.   Tin nầy loan ra, nhiều người hăm hở đi tìm.  Có người phỏng đoán con số người phiêu lưu này lên tới hàng trăm ngàn người.  Trong số đó đã có 2 người thiệt mạng.  Điều không dễ là vì rặng núi Rocky Mountains rất dài chạy qua nhiều tiểu bang phía Tây Canada và Hoa kỳ.  Có người cho rằng ông Forrest Fenn phịa chuyện này và hăm đưa ông ra tòa.  Mãi đến 10 năm sau, tháng 6, năm 2020, một sinh viên y khoa đã tìm được chiếc rương châu báu này trên rặng núi RM thuộc tiểu bang Wyoming.  Độ 3 tháng sau, ông Fenn lìa đời lúc 90 tuổi với sự mãn nguyện vì biết có người tìm được kho tàng mình giấu, và điều này đã minh oan cho ông là người thật, việc thật. 

Dịp đầu năm Tân Sửu 2021, vợ chồng chúng tôi ngồi ôn lại những ơn phước mình nhận được sau gần 40 năm sống trong đức tin Cơ-đốc.  Những ơn phước này giống như một kho tàng quý báu đầy những bửu vật mà Chúa đã ban cho.  Chúng tôi đắc ý nhất là 7 viên ngọc, được đặt tên theo 7 mẫu tự của chữ K.H.O.T.A.N.G. với các đặc tính như sau:

K:  Khôn ngoan (Wisdom)

Tôi trân quý viên ngọc này vì là một vị Minh sư để tôi vấn kế thường xuyên chính là Thánh Linh.  Qua Thánh Linh, tôi học cách đối nhân, xử thế khôn ngoan.  Những ân tứ thuộc linh giúp tôi phân biệt được những gì có giá trị tạm thời và những gì có giá trị lâu dài.  Phân biệt được cái gì là hư không và cái gì không hư.  Phân biệt được hình và bóng.  Biết  những gì mắt trần thấy được chỉ là cái bóng, là bản sao (copy), trong khi đó bản chánh gốc nằm trên thiên đàng, vì vậy đam mê vật chất đời này là bỏ hình bắt bóng.   Như tác giả thư Hê-bơ-rơ viết trong chương 11, tôi nhận ra nơi mình đang sống chỉ là cõi tạm, nơi tôi nhắm tới là quê hương ở trên trời. 

H:  Hân hoan (Joy)

Hân hoan hay vui mừng là m đức thứ hai trong 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh.  Cuộc đời nhiều nỗi buồn hơn vui, nên vui mừng được là một ơn phước lớn.  Trước kia mình quá thụ động vì để những thăng trầm cuộc đời chi phối, ảnh hưởng hay nói đúng hơn là làm chủ tình cảm của mình.  Nay mình chủ động, nhìn thấy hoạn nạn, nghịch cảnh là cơ hội tốt rèn luyện nhân cách, thử thách đức tin của mình, vì vậy mình thấy niềm vui và cảm tạ, ngợi khen Chúa luôn.   Ông Phao lô trong thư Tê-sa-lô-ni-ca khuyên chúng ta:  Hãy vui mừng mãi mãi,  cầu nguyện không thôi,  phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy”.

O:  Ơn cứu rỗi (Salvation blessing)

Ơn cứu rỗi là ơn lớn nhất mà Đức Chúa Trời ban cho con người.  Ân điển đó được Chúa Giê-su thực thi, kết hợp với đức tin của chúng ta mà tạo nên Ơn Cứu Rỗi (Ê-phê-sô 2:4-8).  Tất cả mọi tôn giáo chính trên thế gian đều dạy tín đồ ăn hiền ở lành, duy chỉ có Cơ đốc giáo chỉ phương cách đến được sự cứu rỗi.  Qua thời gian, tôi càng ngày càng quý viên ngọc này, vì ơn cứu rỗi là Phước hạnh trọn gói:  được làm con cái Đức Chúa Trời, đồng kế tự với Chúa Giê xu, được hưởng mọi thứ phước thiêng liêng từ các nơi trên trời .. (Ê-phê-sô 1:3).

T:  Thương Yêu (Love)

Thương yêu là mỹ đức đầu tiên trong 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh.  Tình thương yêu quan trọng vì có thể khơi nguồn các mỹ đức khác.    Ai ai cũng cần tình yêu: từ quan chí dân,  từ tiểu tốt tới đại gia, từ binh nhì tới đại tướng, từ tổng thống tới tổng khậu. 

Khi hạt giống tình yêu và hạt giống vui mừng được gieo ra thì hạnh phúc sẽ đơm bông kết trái (Happiness blooms where seeds of Love and Joy are planted. Anon. )

Đời sống vốn đầy những tham lam, thù hận, nhưng bài học tâm linh Chúa Giê-su dạy chúng ta thương yêu và tha thứ.  Trước kia Tham & Thù, ngày nay Thương & Tha.  Tha thứ cho kẻ thù không phải chuyện dễ làm, nhưng khi chúng ta tập được tình thương yêu vô điều kiện (agape) của Thiên Chúa thì không có gì quá khó.  Chúa là tình yêu.  Chính tình yêu của Ngài đã thu hút chúng ta tới với Chúa và tới với nhau.   

Không yêu không biết Chúa Trời,  
Vì Ngài là đấng muôn đời yêu thương. 
(1 Giăng 4:8)

Câu quen thuộc mà mọi con cái Chúa đều thuộc là:  Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Giăng 3:16).

A: An Bình (Peace)

Cuộc đời nhiều lo lắng, bất an.  Nguyên do là vì chúng ta không biết ngày mai của mình ra sao.  Tương lai luôn bất ổn, bất định và nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra.  Tuy nhiên, nếu chúng ta tin rằng Chúa là đấng nắm tương lai của minh, thì mình thấy được bình an dễ dàng.  Bình an và vui mừng là 2 món quà lớn trong đời sống.  Sống an lạc, chết an lành là ước mơ của nhiều người.  Người Do Thái gặp nhau thường chào và nói Shalom như lời chúc bình an.  Nghe giống như tiếng chào “mạnh giỏi của VN.  Nhưng tìm hiểu sâu hơn thì SHALOM có 6 nghĩa này:  Sức khỏe, Hòa bình, An toàn, Lành mạnh, Ơn huệ, Mừng vui.

Trong Chúa có sự bình an.  Chúa nhắc 3 lần trong Phúc âm Giăng chương 14 Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.  Sứ đồ Phao lô cũng khuyên trong thư Phi-líp chương 4  Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.  Sự bình an của Đức Chúa Trời Vượt Quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Nhìn lại 7 viên ngọc này, chúng ta thấy 3 mỹ đức đầu tiên của Trái Thánh Linh hiện diện: Thương yêu, Vui mừng, Bình an. 

N: Nuôi Dưỡng (Nurture)

Thi Thiên 23 nhắc chúng ta nhớ Chúa là đấng chăn chiên, mà chúng ta là chiên của Chúa nên không lo gì thiếu thốn thức ăn, thức uống cho thể xác và cho cả tâm linh.  Kinh Thánh là bánh, nước hằng sống nuôi dưỡng tâm linh chúng ta hằng ngày.   Nguồn cung cấp của Chúa là vô tận, vô biên, tất cả tùy thuộc vào lượng đức tin của chúng ta.  Điều này làm tôi nhớ đến câu thơ của Cao Bá Quát:  “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng”.  Chúng ta nên biết rằng đây là thức ăn lành mạnh, bổ dưỡng mọi bề, nên cần phải năng ăn.  Thời mới tin nhận Chúa, chúng ta như trẻ con cần uống sữa, nên sứ đồ Phi-ê-rơ dạy:  hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn”;  sau một thời gian, chúng ta cần học hỏi những điều sâu nhiệm hơn trong đạo Chúa như người lớn không uống sữa nữa mà cần đồ ăn đặc, như tác giả Hê-bơ-rơ nhấn mạnh trong chương 5:  “Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ”.

G:  Gìn Giữ (Protection)

Nếu biết rằng Thánh Linh luôn che chở, bảo bọc, gìn giữ mọi lúc thì Cơ đốc nhân chắc không sợ hãi gì.  Thi Thiên 23:4 ghi: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi:   Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.   

Mỗi con cái Chúa trên đường thánh hóa như viên ngọc đang được giũa, được mài, nên được Thánh Linh “gìn vàng, giữ ngọc”.   Sách Phục Truyền Luật Lệ ký ghi rằng Đức Chúa Trời gìn giữ người Chúa chọn  như con ngươi của mắt mình (32:10).  Chúa Giê-su cũng đã phán: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20b). 

Trong cơn dịch lệ, lúc gian truân, chúng ta biết nơi cầu viện:

Người sẽ kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời người;
Trong cơn gian truân, Ta sẽ ở cùng người;
Giải cứu người, và tôn quý người.
   (Thi-Thiên 91:15 BHĐ)

 ***

Người phiêu lưu thường mang theo bản đồ, la bàn, vũ khí phòng thân, trong khi đó người phiêu lưu tâm linh có Kinh thánh làm bản đồ, nhìn vào Chúa Giê-su làm la bàn chỉ phương hướng, dùng Lời Chúa làm gươm, đức tin làm thuẫn đỡ.  Nhiều kho tàng có 2 lớp cửa, nên cần 2 chìa khóa.  Kho tàng tâm linh cũng cần 2 chìa khóa, đều có tên bắt đầu bằng chữ T:  Tin và Tuân (Tin cậy & Vâng lời).

Sau gần 40 năm trong nhà Chúa, chúng tôi rút ra vài nhận định:

1/ Đường theo Chúa là đường đầy phước hạnh, niềm vui và bình an,

2/ Mỗi con cái trong Chúa đều đang sở hữu một kho tàng tâm linh quý báu mà không tiền của nào có thể mua.

3/ Vợ chồng tôi không hề hối tiếc thời gian sống trong đức tin những năm qua,

4/ Nếu bạn chưa có niềm tin trong Chúa mà do một cơ duyên nào đó đọc tới những dòng chữ này thì xin biết rằng chúng tôi muốn giới thiệu cho bạn một quan niệm sống, một con đường sống phước hạnh mà chính chúng tôi đã trải qua gần 40 năm.  Mong bạn suy ngẫm.  Nếu có câu hỏi, xin bạn để lại lời nhắn dưới trang này, hoặc email cho tôi.

Châu Sa
April 4, 2021

 

Nhà thơ Tiểu Minh Ngọc gửi tặng bài thơ:

K.H.O. T.À.N.G.

KHO TÀNG ngọc quý Chúa ban,

Gìn vàng giữ ngọc, đeo mang vào lòng!

Hân hoan vui thỏa từ trong,

Bên ngoài khen ngợi thật không gì bằng!

Ngọc - Ơn cứu rỗi, rất cần,

Cho ta được sống cạnh gần bên Cha!

Thương yêu chân thật, thiết tha,

Điều đầu tiên nhất để mà hiệp nhau!

An bình trong Chúa trên cao,

Dẫu bao thử thách, không nao núng gì!

Lời Ngài nuôi dưỡng mọi thì,

Tâm hồn, thể xác kiên trì không thôi!

Thánh Linh gìn giữ, trông coi,

Giúp ta vượt khỏi núi đồi gian nan!

 

Bảy viên ngọc quý Chúa ban,

Thật là vô giá, KHO TÀNG cho ta!

Hết lòng cảm tạ ơn Cha,

Ngợi khen tình Chúa bao la đời đời,

Truyền ra Đấng Christ khắp nơi,

Khi Ngài trở lại, mọi người ăn năn!

 

***
Đường theo Chúa, thật nhiều phước hạnh,

Được bình an, cất cánh bay cao,

Vui mừng khôn xiết, ngọt ngào,

Bạn ơi, hãy đến bước vào Nhà Cha!

Bạn nên thử, để mà khỏi tiếc,

Nhưng thỏa lòng, khi biết được rằng,

Linh hồn được cứu là cần,

Con người thể xác sẽ dần qua đi!

 Hãy tin Chúa, toàn tri, toàn tại,

Sống trong Ngài, kết trái Thánh Linh,

Vâng Lời hết trọn hành trình,

Kho tàng vô giá tâm linh đời đời!

Tiểu Minh Ngọc


Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Lễ Thương Khó

 

Nhân ngày Lễ Thương khó của Chúa Giê-su, nghe tôi đọc cặp câu đối:

Tuân phụ lệnh, Con Trời giáng thế,
Thương nhơn loài, Cứu Chúa hi sinh.

Một người bạn nhận xét âm hưởng câu đối này nghe quen quen, hình như nghe từ câu nào. 

Tôi nhắc: “An Lộc địa”.  Anh ồ lên một tiếng và tiếp: “Sử ghi chiến tích”.   Tôi tiếp: “Biệt Cách dù, vị quốc vong thân”.

Anh nói viết câu đối mỗi câu 7 chữ tách làm đôi: 3 chữ / 4 chữ như 2 cặp đối trên truyền tải ý tưởng mạnh mẽ, sắc bén, diễn tả được tính cách bi hùng của câu chuyện.

Anh em tôi bèn kể lại chuyện xưa: Trận An Lộc năm 1972: Một trận đánh ác liệt trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Liên đoàn 81 Biệt cách nhảy dù đã chiến anh dũng với đặc công quân đội miền bắc khiến cho lực lượng cả hai bên bị thiệt hại rất nhiều.

Những người lính còn sống phải lập một nghĩa trang tại chỗ để chôn tử sĩ.  Để đánh dấu một trang sử đáng nhớ này, một cô giáo làm bài thơ có 2 câu nổi bật mà nhiều người vẫn còn nhớ sau gần 50 năm:

An Lộc Địa, Sử Ghi Chiến Tích  
Biệt Cách Dù,  Vị Quốc Vong Thân.

Sự hi sinh vì đại cuộc nào cũng đáng trân quý,  nhất là sự hi sinh của Chúa Giê-su.  Chúng tôi bèn ôn lại cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giê-su.

Cuộc đời của Chúa Giê-su có 5 biến cố lớn, có thể đặt thành 1 câu cho dễ nhớ:  Sinh – Tử - Phục – Thăng – Hồi

1.    Sinh:  sự giáng sinh của Chúa Giê-su là một huyền nhiệm:  trinh nữ Mari được hoài thai bởi Thánh Linh.  Con Trời lại sanh trong chỗ thấp hèn, mang thân xác loài người, nhưng có lai lịch từ Trời, nên Ngài được gọi là Thần-Nhân.

2.    Tử:  Chúa Giê-su chết vì tình yêu nhân loại quá lớn lao, bao nhiêu tội lỗi con người Đức Chúa Cha đã chất lên Chúa Giê-su.  Ngài hi sinh chịu chết, huyết đổ ra để tội lỗi thế nhân được tẩy sạch, và ai tin vào điều này sẽ được ơn cứu rỗi. 

3.    Phục:  Chúa Giê-su đã chịu chết và chôn, đến ngày thứ ba, Đức Chúa Trời khiến Chúa Giê-su sống lại, để qua đó, tín nhân cũng nhận được sự phục sinh.  Chúa Giê-su phục sinh với thân thể được biến đổi (transformed), cũng có thân xác (môn đồ Thô-ma rờ được vết đinh đóng trên hai bàn tay Chúa; Chúa ăn cá nướng với đồ đệ tại biển Ti-ba-ri-út), nhưng thân thể này đi xuyên qua cửa đóng kín tại phòng cao lúc các môn đồ họp.

4.    Thăng:  40 ngày sau phục sinh, Ngài thăng thiên.  Ngài thăng thiên để Đấng Yên Ủi tức là Thánh Linh có thể xuống để ban năng quyền, dẫn dắt, dạy dỗ con cái Chúa. 
Năm nay 2021, chúng ta kỷ niệm Thương khó của Chúa Giê-su là ngày 2 tháng 4; Lễ Phục sinh ngày 4 tháng 4; Lễ Thăng Thiên: ngày 13 tháng 5 (tức là 40 ngày sau Lễ Phục sinh); Lễ Ngũ Tuần ngày 23 tháng 5, kỷ niệm ngày Thánh Linh giáng xuống như những cái lưỡi bằng lửa ghi trong Công-Vụ chương 2.

5.    Hồi (hồi lai):  biến cố này chưa xảy ra, nhưng con cái Chúa đang trông đợi, đó là thời điểm Chúa Giê-su trở lại, để đưa những tín đồ thật (còn sống hay đã chết) hội ngộ với Chúa trên đám mây, gọi là rapture.  Kinh Thánh cho biết những người còn lại sẽ trải qua 7 năm đại nạn khốn khổ.

Cuộc đời Chúa Giê-su thật là khó hiểu và không dễ tin, nhưng ai tin được thì quả là ơn phước lớn.  Anh em chúng tôi lắng lòng mình cảm tạ ơn Chúa mở mắt, mở lòng mình để tin được điều khó tin, chấp nhận được điều khó chấp nhận, nên bây giờ trở thành con cái Đức Chúa Trời.  Chúng tôi cùng cầu xin nhiều người cũng được ơn cứu rỗi như chúng tôi. 

Châu Sa

Ngày 1 tháng 4, 2021