Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Chích hay không chích?

 Chích hay không chích?

Hỏi:  Vợ chồng tôi cùng 70 tuổi, khỏe mạnh, hiện có cơ hội chích vaccine ngừa Covid-19, nhưng phân vân không biết có nên chích hay không.  Tôi có 2 con, con trai thì đốc thúc việc chích, con gái thì chống đối nói chích thì lợi không bằng hại.  Xin BS cho tôi lời khuyên.

 

Đáp:  Trường hợp của anh chị cũng thường gặp tại khắp nơi trên thế giới.  Điều trái khoáy là nhiều người ở vùng có điều kiện để được chích thì không chịu chích, trong khi dân vùng khác kiếm đỏ mắt không ra.  

Người chống chích cho rằng thuốc vaccine làm không đúng tiêu chuẩn, cho ra lò quá sớm, ai nhận vaccine là làm vật thí nghiệm... có thể bị những biến chứng không ngờ ngay cả tử vong.  Họ nói vaccine của hãng Pfizer và Moderna dùng một mẩu gene, mRNA, cho vào cơ thể để tập rèn cho tế bào cách chống cự, nhờ đó sức miễn nhiễm của cơ thể tăng lên là một ý tưởng mới mẻ và điên rồ.  Bộ gene trong cơ thể người nhận vaccine sẽ bị biến đổi, sau thời gian năm tháng, sẽ thấy cái lợi trước mắt không bù với cái hại dài lâu.  Ngay trước mắt, một bác sĩ ở Florida đã chết sau khi chích vaccine Pfizer vào tháng 12/2020.

Người "chịu" chích cho rằng so sánh, hay đem lên bàn cân thì không chích rủi ro nhiều hơn chích.  Không vaccine nào toàn hảo, kể cả những loại vaccine có từ lâu đời.  Loại vaccine nào cũng có những phần trăm bất toàn.  Tuy nhiên, tới gần cuối tháng 3, số người mắc bệnh và số tử vong giảm khá nhiều ở Hoa Kỳ, Anh và nhất là Israel là những nơi có nhiều người được chích vaccine.  Israel dẫn đầu với trên 50% dân chúng đã được chích.  Ở Hoa Kỳ, 126 triệu người đã được chích, sau đó có hơn 2000 người chết, tính ra xác suất tử vong rất nhỏ, vả lại nhiều cái chết chưa hẳn do phản ứng thuốc.  

Nhiều bằng chứng thấy rằng người được chích 2 mũi và sau 2 tuần sẽ ít bị bệnh, ít lây lan bệnh cho người khác, nếu có bệnh thì không trầm trọng.  Nhiều người cao niên hăm hở đi chích vì muốn có thể thăm con cháu, ôm hôn con cháu.  Rồi đây, có thể người đi du lịch phải xuất trình vaccine passport mới lên được máy bay. 

Nếu ai hỏi tôi lời khuyên, tôi chỉ nói: "take it at your own risk".  Mỗi người tùy bệnh sẵn có (bệnh nền) của mình, tham khảo với bác sĩ gia đình rồi tự minh quyết định chích hay không chích.

Châu Sa

2021.03.26

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Gã Trai Trẻ Câu Cá Rô

Trai Trẻ Câu Cá Rô

Sứ đồ Phao-lô thực hiện 3 vòng truyền giáo.  

Vòng 1 vào năm 48-49.  

Vòng 2 năm 51-53.  

Vòng 3 năm 54-57.

Thời gian vòng 1, ông viết thư tín Galati,

Thời vòng 2, ông viết 2 thư tín, đó là Tesalonica I và Tesalonica II,

Thời vòng 3, ông viết 3 thư tín, đó là Corinto I, Corinto II và Rô-ma.

Mẹo nhớ:  Dùng câu “Gã Trai Trẻ Câu Cá Rô” để nhớ 6 thư tín trên: 

:  Galati

Trai Trẻ:  Tesa I và II

Câu Cá:  Corinto I và II

:  Rô-ma

Các bạn có thể dùng câu khác để giúp trí nhớ.  Miễn sao nhớ là được. 

7 thư tín còn lại ông Phao-lô viết lúc nào?  

- Thời gian bị quản thúc tại La mã từ năm 60 – 67 AD.

Cuộc đời của Phao-lô là một tấm gương tận tụy, tận tâm, tận lực, tận hiến trong phục vu;  không nề chịu khó, chịu khổ, chịu cực, chịu đựng vì danh Chúa.

Ông cho biết: "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi."  (Philip 4:13).  

Mong mỗi người chúng ta theo gương Phao-lô biết nương cậy vào Đấng Toàn Năng.

Châu Sa.

March 22, 2021

 

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Chuyện 3 Chén Cơm

Sáng nay, cô Tim rất vui vì được tới nhà ngoại và ôm ngoại.  Suốt năm nay, vì dịch Covid, bà Ngoại không cho ai bước vô nhà bà vì sợ lây.  Phải đợi 21 ngày sau mũi chích ngừa thứ nhì, bà mới bật đèn xanh cho Tim tới thăm và ăn cơm với bà. 

Sau khi bà cháu hỏi han và ôm hôn nhau đã đời, mới vào bàn ăn nhỏ cạnh bếp.  Tim thấy trên bàn có bày sẵn 3 chén cơm sắp hàng ngang.  Chén số 1 bên trái là chén cơm nguội, kế là chén cơm nóng sốt ở giữa đánh số 2, sau cùng chén số 3 bên tay phải là chén gạo sống chứ không phải là cơm.  

Tim thấy hồi hộp muốn tìm hiểu hôm nay ngoại định dạy gì qua 3 chén này.  Bà ngoại gốc là nhà giáo nên bà luôn có những câu chuyện ngụ ngôn ý nhị cho các cháu học khi bà có dịp gặp.  

“Ba chén 1,2,3 này, con chọn chén nào?”, ngoại hỏi.

Tim dè dặt đáp: “Bây giờ, con đang đói bụng, và có sẵn chén cơm nóng đây, nên chén số 2 là chén con chọn. Khi nào đói bụng mà không có cơm nóng, con sẽ hâm lại chén cơm nguội còn chén gạo số 3 chắc con để dành cứu đói cho ngày mai”. 

Bà ngoại hài lòng cách lý giải của Tim.  Bà khen: “Con biết nắm cơ hội khi có dịp chọn chén cơm sốt dẻo, vì để vài tiếng đồng hồ sau thì cơm nóng cũng thành cơm nguội. Chọn chén số 2 là biết sống hiện tại, vui hưởng mỗi phút giây đang trôi qua đời mình vì thời gian đi qua không bao giờ trở lại.  Chén cơm nguội số 1 tượng trưng cho quá khứ.  Chúng ta trân quý những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm cho ta những bài học của đời sống.  Trái lại những kỷ niệm đau buồn như chén cơm thiu, cần đem chôn đi.  Nhớ là chúng ta không phải là sử gia hay nhà khảo cổ học nên đừng cứ bươi móc dĩ vãng vì nếu sống mãi với quá khứ thì không ai bước tới được.”

-       Ngoại ơi! Có phải đó cũng là ý của sứ đồ Phao-lô khi nói câu:  quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước” trong Thư tín Phi-líp 3:14 không ngoại?

-       Đúng lắm.  Ngoại nhắc con là Tiên tri Ê-sai cũng ghi lại lời dạy của Đức Chúa Trời:  Đừng nhớ lại sự đã qua, và chớ nghĩ đến sự đời trước” (43:18).

Ngoại nói tiếp: “Trước khi ăn, con nên nhớ ơn người nông dân trồng được cây lúa với bao khó nhọc:

Hai tay bưng bát cơm đầy,
Dẻo ngon một hạt, đắng cay muôn phần.

Cũng nhớ ơn cha mẹ, ông bà hay người cho con bữa ăn.  Nhưng quan trọng nhất là, cảm tạ Thiên Chúa đã tạo mọi thuận lợi để hột gạo được thành hình và Chúa cũng cho con có sức khỏe để ăn được ngon miệng.  Sống với lòng biết ơn là chìa khóa hưởng phước nghe con.

Bây giờ hai bà cháu dâng lời cảm tạ Chúa rồi cầm đũa dùng bữa trưa.  Ăn xong, bà giảng cho cháu gái tầm quan trọng của chén thứ 3:

 -  Hiện tại nó là chén gạo nhưng sẽ là chén cơm của ngày mai.  Gạo nấu thành cơm chỉ giữ được một thời gian ngắn, trong khi gạo sống dễ dự trữ lâu ngày.  Học tánh cần cù, nhẫn nại của con kiến (kiến tha lâu đầy tổ) mà “tích cốc phòng cơ” (dành gạo phòng khi đói) để tránh phải xin, phải vay mượn.  Nhưng con cũng phải nhớ là đừng quá lo lắng cho ngày mai mà quá tích trữ và thành nô lệ cho vật chất.  Chúa Giê-su dạy: “Ngày mai sẽ lo về việc ngày mai, sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”  (Ma-thi-ơ 6:34).  Sống hôm nay nhưng cần có viễn kiến ngày mai.  Sống không có viễn kiến, không khải tượng, không mục đích thì chỉ là tồn tại chứ không sống động.”  Tim liền hỏi: “ Ngoại ơi! Ngoại có viễn kiến không? Ngoại cho con biết mục đích sống của Ngoại được không?”  Ngoại hớp một ngụm nước trà, từ từ đáp: “Ở tuổi trên 80, ngoại biết có thể về với Chúa bất cứ lúc nào, nên ngoại luôn dọn mình chuẩn bị.  Về thể chất, ngoại ăn uống lành mạnh, vận động thân thể, giữ gìn sức khỏe để khỏi làm gánh nặng cho con cháu.  Ngoại giữ tinh thần lạc quan, tích cực, hướng thượng và cầu nguyện, cảm tạ, ca ngợi Đức Chúa Trời luôn.  Mỗi ngày, ngoại cầu xin Chúa thăm viếng từng đứa con, từng đứa cháu để mỗi đứa đều phát triển được 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh.  Ngoại cầu xin Chúa ban cho con một người chồng nhân hậu, khôn ngoan, có tình thương,  biết kính sợ Chúa, biết dẫn dắt gia đình.  Ngoại ước mơ có ngày thấy được đứa cháu cố của ngoại.  Lúc đó, ngoại sẽ ăn mừng lễ Thượng thọ!

Tim cám ơn ngoại.  Cô nói: “một buổi nghe Ngoại nói chuyện còn hơn đọc 10 pho sách.”

Châu-Sa
(Nếp Sống Mới)
March 21, 2021


Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Lời Chứng của Châu Sa và Minh Chung

 Thuyền Hồn Neo Bến

Được trưởng dưỡng trong môi trường tam giáo:  Khổng – Thích – Lão, khi tiến tới thì sử dụng đạo làm người của Khổng, khi thoái thì có tư tưởng thoát tục của Lão Trang, còn cuộc sống tâm linh về sau thì trao cho Đức Phật, tôi thấy đã quá đủ.  Tôi thích tư tưởng của các vị tiên nho xưa như Nguyễn Công Trứ khi học hành, thi cử, làm việc cũng như lúc hưởng nhàn.  Cha mẹ tôi thờ cúng ông bà theo quan niệm của đạo Lão như đại đa số dân Việt thường làm.  Lúc tôi còn nhỏ, vào các lễ lớn như rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10, mẹ tôi thường đưa anh em chúng tôi đi chùa, lạy Phật, ăn chay.  Cậu tôi làm hòa thượng tại một chùa ở Tân Vạn, Biên Hòa, là một nhà tu hành đạo cao, đức trọng.  Ông rất có uy tín với mọi người trong họ vì không những ông có kiến thức rộng rãi, mà còn có tâm hiền lành, từ bi như Đức Phật.  Mỗi lần gặp gỡ, nói chuyện với ông, tôi thấy lòng lâng lâng thoát tục.  Tuy có cảm tình đặc biệt, nhưng thú thật là tôi không hiểu được hết triết lý của đạo Phật.  Tư tưởng thoát tục, yếm thế của đạo Phật lại làm cho tôi nghĩ rằng đạo này chỉ thích hợp khi tôi ở vào tuổi mùa Đông cuộc đời. 

 Tôi chỉ biết mơ hồ về đạo Chúa và cũng không thấy hứng thú tìm hiểu thêm, mặc dù thỉnh thoảng theo bạn bè đi dự các buổi lễ, tôi thấy không khí nhà thờ rất trang nghiêm, người theo đạo lúc nào cũng vui tươi, từ tốn.   Có điều không hay là vào thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), có sự đối xử phân biệt thiếu tế nhị ở các cấp chính quyền,  thiên vị thuận lợi cho người Công giáo hơn người các tôn giáo khác.  Rồi đến thời đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 đến cuối tháng 4 năm 1975), nhiều chuyện rối ren xảy ra, phần nhiều là do những phần tử cực đoan, quá khích của Phật giáo và Công giáo.  Điều này làm tôi chán ngán, không muốn tìm hiểu thêm hai tôn giáo lớn này nữa.  Tôi có tìm đến sinh hoạt với hội Thông Thiên Học một thời gian, nhưng rồi phải chìm đắm trong việc học hành để ra trường, rồi bị trưng dụng vào quân đội.      

Sau năm 1975, bị quay cuồng trong cơn lốc đời, song hành với những biến cố đau buồn của dân tộc, tôi suy gẫm nhiều về kiếp người, về cuộc đời.  Tôi như bị hụt hẫng, không còn niềm tin vào đâu nữa,  tôi thấy tương lai của mình và của con cái thật là đen tối.

 

Năm 1979, gia đình chúng tôi tị nạn tại Nam Dương, ban đầu tại đảo nhỏ Kuku, sau đó được chuyển tới đảo Galang.  Một điều đánh mạnh vào sự suy nghĩ của tôi trong thời gian này là tôi thấy các vị linh mục Công Giáo, các mục sư Tin Lành từ các xứ khác tới để giúp đỡ cho người tị nạn trên các đảo.  Các vị này quả có lòng bác ái như Chúa dạy cho họ.  Tiền bạc, thư từ chuyển qua tay các vị thì không sợ thất lạc.  Họ cũng truyền giáo, nhất là các mục sư Tin Lành, nhưng tôi thấy nghĩa cử của họ nói lên rất nhiều về đạo Chúa.   Tôi có đi nghe vài ông mục sư Tin Lành giảng đạo và thấy có cảm tình với những người theo đạo này qua đời sống của họ, nhưng lúc đó, tâm tư tôi rối bời nên không nghĩ tới việc tìm hiểu sâu hơn. 

Tháng 7-1980, gia đình chúng tôi đến định cư tại Falls Church, tiểu bang Virginia.

Vào giữa năm 1982, trong khi đợi kết quả kỳ thi FLEX, một bằng hành nghề y khoa ở Hoa kỳ, tôi đi tìm việc làm tạm để phụ vợ tôi nuôi con.  Chạy ngang qua nhà thờ Fairfax Circle Baptist Church (ở thành phố Fairfax, Virginia), tôi nhìn thấy tấm bảng treo trên tường, đề “Vacation Bible School”.  À, đây là lớp dạy Thánh Kinh mùa hè.  

 Tôi đã có dịp đọc vài Kinh Phật, tôi đã đọc Kinh Dịch, còn Kinh Thánh?  Ngoài một ít câu trưng dẫn Kinh Thánh tôi tìm thấy trong những sách Học Làm Người của ông Hoàng Xuân Việt, thú thật tôi rất dốt Kinh Thánh.  Văn chương Âu Mỹ chịu ảnh hưởng Kinh Thánh rất nhiều, cho nên tôi nghĩ rằng không đọc qua Kinh Thánh là một điều thiếu sót rất lớn cho tôi.  Tôi nghĩ mình nên lợi dụng thời gian rảnh rỗi này để tìm hiểu Kinh Thánh. 

Tôi dừng xe, tiến tới gõ cửa văn phòng nhà thờ.  Mục sư Gennings tiếp tôi, sau khi nghe tôi muốn tham dự lớp học Thánh Kinh, ông cười và cho biết rằng lớp này chỉ dành cho trẻ em, và ông chưa bao giờ thấy có người lớn nào tới xin học.  Thấy tôi có lòng muốn học Kinh Thánh, ông hứa tìm người tình nguyện dạy cho tôi.  Vài ngày sau, ông gọi điện thoại cho tôi biết, có 2 người: ông Bill Pettus và bà Lorraine Perry chịu dạy Thánh Kinh cho tôi vào mỗi sáng Chúa Nhật từ 9:30 đến 10:30.  Tôi rủ vợ tôi cùng đi học.  Vợ tôi phản đối, hỏi tôi chắc hết chuyện làm rồi sao mà đi nhà thờ học Kinh Thánh.  Tôi nói “em cứ coi như mình đi học Anh ngữ vì mình cần trau dồi thêm tiếng Anh”.  Vợ tôi nghe có lý nên bằng lòng và dẫn theo hai đứa con nhỏ của chúng tôi:  Minh Triết 9 tuổi, Minh Ngọc 8 tuổi.  Các con tôi vào lớp thiếu nhi, còn vợ chồng tôi có lớp riêng do hai người Mỹ nói trên dạy.  

Chúng tôi học sách Sáng Thế ký (Genesis), sách Êdíptô ký (Exodus), rồi sau đó qua Tân Ước, bằng sách Giăng (John).  Khi thấy chúng tôi có vẻ cảm động về đời sống và sự hy sinh của Chúa Giê-Su, hai người hướng dẫn này mời chúng tôi tin nhận Chúa để được sự cứu rỗi.  Chúng tôi cảm ơn, và cho họ biết rằng chúng tôi cần tìm hiểu thêm, cần thời gian để suy nghĩ xem có niềm tin thật sự không.  Có lúc tôi cũng bực mình vì thấy họ muốn thúc đẩy mình tin nhận Chúa sớm.  Về sau thì tôi hiểu và thông cảm được với họ vì lối suy nghĩ của người Tây phương là cấp tốc, muốn thấy làm là có kết quả ngay, không giống lối suy nghĩ của người Đông phương là có chiều sâu và cần thời gian để cân nhắc. 

Khi sinh hoạt chung với nhà thờ Fairfax Circle Baptist Church này, chúng tôi nhận thấy những người tin kính Chúa là những người rất tốt, họ đối xử với chúng tôi như anh em.  Họ thương yêu, giúp đỡ nhau.  Con cái họ rất ngoan, không hút thuốc, không nhậu nhẹt, không xài cần sa ma túy.  Khi định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi thường lo lắng cho các con mình, sợ chúng tập nhiễm những cái xấu của nền văn minh vật chất bản xứ mà hư hỏng đi.  Nay, chúng tôi ước ao con mình có được niềm tin và có đời sống thánh thiện tốt đẹp như các thanh niên trong Hội Thánh này.  Tôi nhận thấy nhiều người Tin Lành rất siêng năng:  siêng học, siêng làm, siêng đạo.  Công thức Tam Siêng này giúp cho họ sống đắc thắng ngoài đời cũng như trong đạo. 

Vài bạn bè gọi điện thoại khuyên tôi nên dạy con giữ truyền thống.  Đồng ý là có vài truyền thống cũ của người mình cần bảo tồn như kính trọng người lớn tuổi chẳng hạn, nhưng có những phong tục đã lỗi thời không thể ép con cái theo được.  Tam giáo tuy thâm thúy nhưng con trẻ sống tại Hoa Kỳ không thể hiểu được.  Thánh Kinh thì có nhiều bản dịch khác nhau, giá rẻ; nhà thờ thì nhan nhản, thành thị cũng như thôn quê đều có; trong trường trung học, đại học thì có “Bible Club”.  Con trẻ chừng lớn đi học xa vẫn có thể đi nhà thờ để học hỏi, để sinh hoạt cho đời sống tâm linh của chúng.  Sau một năm rưỡi tìm hiểu đạo cũng như lòng mình, chúng tôi vui lòng đầu phục, tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa của đời mình.  Thời gian tìm hiểu của chúng tôi có hơi lâu có lẽ vì tiếng Anh của mình còn yếu lúc đó.  Nếu có Hội Thánh Việt Nam hay có đồng hương đi trước chỉ dẫn thì chắc chúng tôi đã lãnh hội nhanh hơn. 

Nghĩ lại lúc đầu chúng tôi muốn lợi dụng nhà thờ để học tiếng Anh, học Kinh Thánh, không dè tình yêu của Chúa thu hút và quyền uy Chúa bắt phục chúng tôi.  Thật cuộc đời có những khúc quanh bất ngờ. 

Hồi mới qua Mỹ, có người bạn đi trước báo động rằng qua xứ này, người Tin Lành họ dụ dữ lắm, có thể tới với họ lúc đầu để được giúp đỡ rồi sau đó tránh đi, đừng theo Tin Lành vì mình phải giữ đạo ông bà mình chứ.  Thấy anh ta thiên kiến, tôi cười và nói đùa:  “Tưởng theo tin dữ thì tôi sợ, chứ tin lành thì tôi cho dụ”.  Kết tội người đi giảng đạo là “dụ” thì không đúng vì họ không dụ dỗ người khác làm chuyện quấy, mà là giới thiệu người khác về một nguồn phước mà họ đang nếm và muốn người khác cũng được hưởng như họ.  Vậy nói rằng họ muốn chia sẻ niềm tin, chia sẻ ơn phước thì đúng hơn.  Khi người bán hàng quảng cáo một món hàng xấu mà chính cá nhân họ, hay gia đình họ không dùng thì đó chính là “dụ”.  Tôi thấy người truyền giáo như người được ăn một tô phở ngon tại tiệm XYZ, muốn quảng cáo cho người khác biết mà vào tiệm đó ăn.  Tuy nhiên, nếu gặp người đang đói thì thật tốt vì người đói sẽ sẵn sàng bước vào ăn, nhưng nếu gặp người đang no, thì có cho thêm vàng anh ta cũng không thể ăn nổi.  (Viết đến đây, tôi mới hiểu được Lời Chúa trong Mathiơ 5:3 khi Chúa Giê-Su cho rằng những người nghèo khó, đói khát về tâm linh là người có phước vì họ chịu nghe, tìm hiểu và nhận tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa dễ dàng). 

Sau 40 năm ở trong nhà Chúa, tôi đã nếm trải được nhiều sự dạy dỗ, uốn nắn từ Chúa, sự an ủi, khuyên nhủ của anh em trong Chúa của mình.  Tôi thấy tôi thay đổi nhiều.  Tôi thấy mình bớt khó chịu mà chịu khó hơn, bớt xét nét mà độ lượng hơn, bớt nóng nảy mà trầm tĩnh hơn, không coi trọng những sự tạm bợ mà biết yêu quí những gì trường tồn.  Vợ tôi, các con tôi, cùng dâu và rể đều có niềm tin vững chắc trong Chúa.  Những “chồi ô-liu” của thế hệ thứ ba đã được sinh ra, đang lớn lên trong nhà Chúa. 

Tôi cứ suy nghĩ mãi một câu nói không biết xuất xứ từ đâu, mà nhiều nguồn tài liệu cho rằng đây là câu cách ngôn của Trung Hoa:  Khi có ai chia sẻ cho bạn những gì có giá trị và bạn nhận được lợi ích từ đó, bạn có bổn phận tinh thần chia sẻ lại cho người khác  (When someone shares something of value with you and you benefit from it, you have a moral obligation to share it with others.)

Tôi có 3 điều để chia sẻ lại với các bạn: 

1/ Tôi thấy mình không uổng công theo Chúa, dù những thiệt thòi mà tôi gặp phải là 4 cái mất:  mất thì giờ, mất tiền bạc, mất một số bạn và mất … vui (vì cuối tuần, người ta đi chơi, còn mình thì làm bạn với Kinh Thánh, với nhà thờ).  Những cái mất nhỏ đó là cái giá phải trả để được phước hạnh lớn và sự thương xót vô bờ mà Chúa đã ban cho mình.  Những ơn phước diệu kỳ cũng như những phép lạ xảy ra đúng lúc trong đời làm tôi không khỏi ngạc nhiên.  Tôi chỉ biết cúi đầu tạ ơn Chúa.

2/ Điều làm tôi vui nhất là giúp cho các con tôi có niềm tin trong Chúa.  Trong mấy thập niên qua, tôi đã đầu tư vào thứ nọ thứ kia, nhưng tạo niềm tin yêu và hy vọng cho con cái, tôi cho là một đầu tư tốt nhất và tôi ưng ý nhất.  Một lần, con gái tôi có bày tỏ cảm tưởng là món quà vĩ đại mà cha mẹ cho nó chính là niềm tin của chính nó vào  Chúa Cứu Thế.  Lời này là một an ủi cho vợ chồng chúng tôi rất nhiều, vì nhớ lại lúc đầu chúng tôi đi tìm chân lý là vì hạnh phúc của con cái*.  Tôi tin rằng nơi nào, dù là gia đình, dòng họ, hay dân tộc có Chúa ngự trị thì nơi đó sẽ được phước.  Nhiều nơi trong Kinh Thánh  nhắc đến những phước hạnh của con dân trung tín trong Chúa truyền xuống nhiều thế hệ sau.  (Xuất Êdíptô 20:6  sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta).

3/  Tôi được cứu rỗi vì Chúa ban cho sự cứu rỗi mà các tôn giáo khác không có.  Tất cả các tôn giáo đều giống nhau ở phần căn bản là dạy người ta làm lành lánh dữ, nhưng chỉ có đạo Chúa mới có sự cứu rỗi của linh hồn.  Nếu chỉ có cái nhìn “hình nhi hạ” thì đạo nào cũng tốt, nhưng đi sâu xa hơn thì mỗi tôn giáo mỗi khác.  Vì Chúa Giê-Su là Con Đức Chúa Trời nên có thể tha tội cho tôi, và ban cho tôi sự cứu rỗi để linh hồn của tôi được thanh thản mà trở về bên Chúa đời đời. 

Bước đi trong Chúa chỉ vì lời hứa của Chúa là hành vi khôn ngoan hay dại dột?  Nếu vì lời hứa hão huyền mà mình tin theo thì thật là dại dột, nhưng nếu Chúa có thật và Ngài thành tín trong lời hứa mà không tin thì thật đáng tiếc.  Bám chặt lấy hứa ngôn của Chúa như tin cậy vào ánh sáng cuối đường hầm, như người sắp chết đuối bám chặt lấy cái phao, tôi thấy đường đi theo Chúa là một phiêu lưu kỳ thú.  Cuộc phiêu lưu này có đầy những ơn phước ngọt ngào, nhưng cũng không thiếu những hoạn nạn; có những phút bình tịnh như du thuyền trên dòng sông vào mùa thu, nhưng cũng không thiếu những cám dỗ, những bẫy dò lúc mình không tỉnh thức; có những lúc sung sướng tiên hưởng phước Thiên đàng, nhưng cũng không phải không có những hồi đau khổ.  Thử thách, hoạn nạn, cám dỗ là ba thứ chúng ta gặp luôn để đức tin của mình được rèn luyện.  Tôi tin chắc rằng lúc mình gặp những khó khăn đó là lúc Chúa dõi mắt quan phòng nhiều nhất. 

Trôi nổi trên biển đời lao xao bất ổn, cuồng phong bão tố có thể bất chợt xảy ra, niềm tin trong Chúa giúp tôi có được sự bình an mà thế gian không thể cho.  Có thể ví như thuyền hồn tôi tìm được bến để thả neo:  Bến Chúa.

Dù biển đời xao động

Bao sóng gió đảo điên

Thuyền hồn neo bến Chúa

Được bình yên, bình yên.

                                                Châu Sa          

* Tâm lý con người chúng ta rất sợ sự thay đổi, nhất là thay đổi những gì thuộc truyền thống gia đình, cũng như tâm lý học nhận rằng “unlearning” là điều không phải dễ.  (Có thể dịch Unlearning là “tháo và thế”, tháo bỏ cái cũ, thay thế bằng cái gì mới).  Trong dòng họ, phải có người can đảm bước đi trước, để các thế hệ sau đi theo, nên tôi thấy rằng trong gia tộc, tôi là người phiêu lưu. 

 

 Đất Bao Dung

             Sau cuộc bể dâu tháng 4/75, mọi trật tự xã hội bị đảo lộn, tôi trải qua nhiều thay đổi, nhiều xáo trộn trong cuộc sống.  Sau khi chồng phải đi học tập cải tạo, tâm trạng tôi lúc đó như kiến bò trên miệng chảo nóng, lúc nào cũng thắc thỏm, lo âu, cảm thấy như tai họa có thể giáng xuống bất cứ khi nào.  Cuối năm 1977, chồng được cho về, và nhờ có nghề chuyên môn, anh được làm việc lại tại thành phố.  Tưởng là được yên vui, hạnh phúc, nhưng nào có được.  Người chế độ cũ dầu có làm gì cũng bị kềm chế, kỳ thị, nghi ngờ.  Anh thường than: “nghề nghiệp, việc làm của anh cần phải được tự do, thoải mái thì mới phát huy được sáng kiến, chứ bị kiềm chế thì không còn thích thú làm việc chút nào hết”.  Có lúc, anh bắt chước Lệnh Hồ Xung trên đỉnh núi Hoa Sơn cảm khái than: “Trời cao đất rộng thế này mà ta không có chỗ dung thân.”

            Rồi, tháng 6-79 chúng tôi liều lĩnh ra đi tìm đất sống.  Sau 8 ngày đêm lênh đênh trên biển cả với bão tố, sóng gió, cướp bóc, đói khát, bị tàu hải quân Mã Lai kéo tới kéo lui, vợ chồng chúng tôi và 2 con cũng lên được đất liền (đảo Kuku, Nam Dương), và tháng 7-1980 được định cư tại Hoa Kỳ.

            Sau năm năm trời vất vả với nhiều việc làm khác nhau để nuôi sống gia đình và giúp chồng ăn học, tôi thấy vui là anh được trở lại nghề cũ và đời sống gia đình chúng tôi được có phần thoải mái hơn.

            Chúng tôi lúc nào cũng tạ ơn Chúa cho gia đình chúng tôi lọt được vào vùng đất bao dung này, vùng đất cơ hội cho người có chí.  Vùng đất mà hiến pháp đặt trên nền tảng Kinh Thánh và phần lớn người cầm quyền là những người tin kính Chúa.  Nhờ truyền thống Cơ đốc đó mà họ có lòng bao dung rộng rãi, đón tiếp mọi giống dân tị nạn không phân biệt chủng tộc, để rồi những người kém may mắn này một khi tự lập được lại đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia.  Tôi không phải không biết là vẫn có những sự kỳ thị, những bất công mà người tị nạn mình gặp phải, nhưng tôi thấy đó chỉ là những trường hợp riêng lẻ, địa phương hay cá nhân, chứ chánh sách chính phủ thì rất bao dung, rất công bình.

            Tôi cảm ơn Chúa là con cái chúng tôi có phương tiện học hành, học tới đâu tùy ý thích của chúng.  Tôi cảm ơn Chúa là gia đình chúng tôi có cơ hội sống cho đời sống tâm linh của mình.  Sau khi gia đình tôi thấy được tình yêu Thiên Chúa và tiếp nhận Ngài làm chủ đời sống, tôi mừng mà thấy mình được giải phóng khỏi những sợ hãi, những hủ tục, mê tín, thành kiến cũ.  Gia đình tôi đang bước đi trong đức tin mỗi ngày. 

            Tôi cảm thấy như mình đang được sống gấp hai, gấp ba.  Tôi không nói đến tuổi thọ, hay số năm được sống mà tôi muốn nói đến phẩm chất của đời sống.  Xứ này có mọi phương tiện để tôi phát triển khả năng của mình về mọi mặt tâm, trí, thể.  Có lúc tôi ước phải chi mình có nhiều giờ hơn mỗi ngày để tôi học nhiều hơn, làm nhiều hơn và giúp đỡ người khác nhiều hơn.

            Cảm ơn Thiên Chúa đã có chương trình đặc biệt cho gia đình chúng tôi và Chúa luôn luôn thương xót, sửa dạy chúng tôi.

Minh Chung


 Bạn thân mến,

          Cảm ơn bạn đã chịu khó đọc đến đây.  Có thể bạn thấy tẻ nhạt, không gì hấp dẫn để đọc thêm vì bạn đang thành công trên đời, và cảm thấy hạnh phúc, bạn không thấy cần tìm hiểu gì về đời sống tâm linh.  Có thể bạn thấy bực mình vì những lời viết có vẻ như truyền giáo này, mà bạn không có cảm tình tốt đẹp với những người đi truyền giáo thiếu tế nhị trong quá khứ.  Có thể bạn không tin một đấng nào có thể cứu được bạn vì bạn tự thấy mình quá hư hỏng.  Có thể bạn nghĩ rằng bạn phải tự cứu lấy mình, tự mình thắp đuốc cho mình, phải trả những nghiệp mà trong quá khứ mình đã gây ra…

          Bạn có thể không thấy hứng thú khi đọc những trang này, nhưng xin bạn đừng vội quăng bỏ quyển sách nhỏ này.  Bạn hãy để nó vào một góc nào đó trong tủ sách,  đợi đến một ngày…  khi mà bạn thấy đời sống mình quá trống rỗng, khi cảm thấy con thuyền tâm linh của mình không biết thả neo vào đâu, khi mà các bến cảng, các nơi quen thuộc đều từ chối không tiếp nhận, hoặc xua đuổi mình, thì có thể bạn nhớ lại quyển sách này để đọc lại, và biết đâu bạn tìm được một nơi thích hợp cho thuyền hồn bạn thả neo.

Châu Sa & Minh Chung

(Jacksonville, FLorida 2022 - bản hiệu đính)

 

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Thương Yêu & Bình An

 Hôm nay ngày 13 của tháng, chúng ta suy gẫm 2 mỹ đức Tình Thương Yêu (#1) và Bình an (#3) trong 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh.

Cuộc sống có rất nhiều điều khiến cho chúng ta cảm thấy bất an, lo lắng.  

Chúng ta tìm những biện pháp để được an toàn.  Mua bảo hiểm là cách chúng ta thường làm, như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nhà, xe… Một số người đặc biệt như ca sĩ có thể mua bảo hiểm giọng hát của minh.

Tuy vậy, những tai nạn, tai vạ bất ngờ có thể xảy ra khiến chúng ta có thể chết hoặc tàn phế. 

Những người thích sống vội như chạy xe nhanh trên đường cao tốc sẽ thường bị hồi hộp, không thể sống an nhiên được. 

Thị trường chứng khoán tăng giảm làm nhiều người mất ăn, mất ngủ.  Không hiếm người đã tìm đến cái chết khi giá “stock” tuột quá nhanh.  

Ai biết nương tựa vào Chúa Giê-su, là Chúa của tình yêu và bình an thì sẽ được thỏa nguyện: thuyền hồn tìm được bến thả neo:

Dù biển đời xao động
Bao sóng gió đảo điên
Thuyền hồn neo bến Chúa
Được bình yên, bình yên.

Châu Sa

(Nếp Sống Mới)

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Tình Yêu Thương và Sự Vui Mừng

Hôm nay ngày 12 của tháng, nhắc chúng ta tình yêu thương và sự vui mừng.  Đây là 2 mỹ đức đầu tiên của Trái Thánh Linh*.  Hai yếu tố của hạnh phúc.  Người mà không yêu và không được yêu cùng không vui thì thành công mấy cũng vô ích. 

Để chút thì giờ suy nghĩ và điều chỉnh lại mối quan hệ gia đình, bè bạn, người chung quanh.  Chính minh phải chủ động bắt đầu lại tình thân thương với người khác.   

Nhớ rằng người thân của mình cần thì giờ và sự thương yêu chăm sóc của mình hơn là tiền bạc mình cung cấp.  Châm ngôn 15:17 diễn tả: “Thà một món rau mà thương yêu nhau,
Còn hơn ăn bò mập béo với sự ganh ghét cặp theo”.

Chúa Giê-su nhắc nhở “kinh Chúa, yêu người” trong Phúc âm Mac chương 12.  Trong PÂ Giăng 13:35  Chúa phán cùng môn đồ:  Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.

* Galati 5:22

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Con Số Bốn Mươi—Sự Thử Nghiệm

Bốn mươi là số nhiệm mầu,

Phô bày thử thách xiết bao kinh hồn:

Tàu Nô-ê chịu mưa tuôn,

Bốn mươi ngày chẳn vẫn luôn vững bền;

Đó là hội thánh thuộc thiên,

Tố giông, lũ lụt nhận chìm được đâu.

Môi-se chịu thử nghiệm lâu,

Ba lần bốn chục ngày nào cũng qua;

Bốn mươi ngày cứ kêu la,

Cho dân của Chúa quá đà tội sâu.

Mười hai thám tử đi đầu,

Thăm dò đất hứa thật giàu, Chúa ban;

Niềm tin nơi Chúa vỡ tan,

Chịu thua trắc nghiệm đồng hoang ngã nằm,

Bốn mươi ngày ứng số năm,

Là lời cảnh báo thâm trầm cho ta!

Ê-li tuyệt vọng đó mà,

Cội cây nằm ngủ, kêu la qua đời;

Bánh ăn, nước uống từ trời,

Giúp ông đủ sức bốn mươi ngày đường.

Gô-li-át mạnh phi thường,

Bốn mươi ngày cứ phô trương lực mình;

Rồi ngày Đa-vít hiển vinh,

Cứu dân của Chúa khiếp kinh hãi hùng.

Jesus chịu cám dỗ chung,

Bốn mươi ngày quỉ cố công dụ Ngài;

Nhờ lời kinh thắng quỉ ngay,

Nêu gương thử nghiệm dân Ngài, bạn ơi.

Bốn mươi mà thiếu một roi,

Năm lần ai chịu thiệt thòi vì dân?

Bạn ơi, hãy khá ân cần,

Chịu qua thử thách dự phần nước Cha;

Những ai đắc thắng vượt qua,

Sẽ như mặt nhật sáng lòa vô chung./.

Minh Khải 

 

40 Điều Sống Đạo

 

        Một là kính Chúa đời đời,

Hai là yêu hết mọi người gần xa,

        Ba là cầu nguyện thiết tha,

Bốn là rộng lượng, thứ tha mọi người,

        Năm là hết sức vui cười,

Sáu là ca ngợi, dâng lời tôn vinh,

        Bảy là giữ vững đức tin,

Tám là cậy Đức Thánh Linh quan phòng,

        Chín là tương tác cảm thông,

Mười là hiệp một, đồng lòng theo Cha,

        11 coi sóc việc nhà,

12 hiếu thảo mẹ cha ông bà,

        13 lời tốt nói ra,

14 từ bỏ xấu xa gian tà,

        15 tránh những gièm pha,

16 luôn sống thật thà với nhau,

        17 xóa những phiền đau,

18 hòa thuận gửi trao ân tình,

        19 chớ sống cho mình,

20 phục vụ trong tình yêu thương,

        21 nhờ Chúa dẫn đường,

22 hết sức mà bươn tới hoài,

        23 cảm tạ mỗi ngày,

24 quyết sống cho Ngài mà thôi,

        25 kiềm chế cái tôi,

26 tỉnh thức dù ngồi hay đi,

        27 cẩn thận nghĩ suy,

28 lời nói đúng thì, đúng nơi,

        29 tận hưởng phước Trời,

30 chia sẻ với người chung quanh,

        31 rao giảng Tin Lành,

32 trung tín làm thành Ý Cha,

        33 nhịn nhục mọi nhà,

34 tiết độ tránh xa lạc lầm,

        35 biết Chúa trong tâm,

36 Kinh Thánh giữ cầm làm theo,

        37 để Chúa lái chèo,

Thuyền đời vững chắc khi neo trong Ngài,

        38 luyện tập dẻo dai,

Không còn lo lắng những ngày hiểm nguy,

        39 chẳng sợ điều gì,

Khi lòng có Chúa toàn tri quan phòng,

        40 hết sức cậy trông,

Sẵn sàng đón Chúa, chờ mong ngày về!

 

Tiểu Minh Ngọc

Con số 40 và Ý nghĩa Thuộc linh

Chúng ta gặp con số 40 nhiều lần trong Kinh Thánh cũng như ở ngoài đời. 

Nhiều người cho rằng 40 có nghĩa là khó nhọc, gian lao, bầm dập, thử thách,  thách thức, tranh chấp,  nên cần nhẫn nhịn, kiên trì để chiến thắng

Thai kỳ kéo dài 40 tuần, tức là 280 ngày (ông bà minh thường nói 9 tháng 10 ngày là vì vậy)

Năm 1953, có người sau 40 lần thí nghiệm mới hoan thiện được công thức một loại dầu chống sét WD-40.  Cho tới nay, loại dầu này vẫn được ưa chuộng trên toàn thế giới.

Muốn tập tành một thói quen mới, người ta cần 40 ngày.

Chúa Jesus nằm trong mộ bao nhiêu tiếng đồng hồ?  Chúa trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu và phục sinh vào sáng Chúa nhật:  40 tiếng đồng hồ.

Thời gian dân Do Thái ra khỏi Ai-cập tới được đất hứa tốn 40 năm.  Thời gian lâu như vậy vì Đức Chúa Trời phạt một ngày đi thám xứ thành 1 năm.  Thám xứ 40 ngày, bị mất đức tin, nên phải đi 40 năm trong đồng vắng Si-nai (Dân số ký 14:34).  Sách Xuất Ai-cập gồm 40 chương. 

Trong luật lệ phạt đòn của dân Do Thái, không được đánh quá 40 roi.  (Phục truyền 25:3).

Chức vụ của nhiều người trong Cựu Ước kéo dài 40 năm:  ông Mô-se, vua David, vua Sa-lô-môn, vua Giô-ách, quan xét Hê-li.

Những câu Kinh Thánh có số 40:

Sa 7:12   12 mưa sa trên mặt đất trọn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. (Sáng Thế ký)

Sa 8:6   6 Được bốn mươi ngày, Nô-ê mở cửa sổ mình đã làm trên tàu.  (Sáng Thế ký)

Sa 50:3   3 Bốn mươi ngày xông thuốc hầu qua, vì ấy là hạn ngày dùng xông thuốc; dân Ê-díp-tô khóc người trong bảy mươi ngày. (Sáng Thế ký)

Xu 34:28   28 Môi-se ở đó cùng Đức Giê-hô-va trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Đức Giê-hô-va chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn. (Xuất Ai Cập)

Dan 14:34   34 Các ngươi đi do thám xứ bao nhiêu ngày, nghĩa là bốn mươi ngày, thì các ngươi cũng sẽ mang hình phạt vì tội gian ác mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, một năm đền cho một ngày; bấy giờ các ngươi sẽ biết ta đã xây khỏi các ngươi.  (Dân Số ký)

Phu 9:9   9 Khi ta đi lên núi đặng lãnh hai bảng đá, tức là hai bảng về sự giao ước mà Đức Giê-hô-va đã lập cùng các ngươi, ta ở trên núi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, chẳng uống nước; (Phục Truyền)

Phu 9:18   18 Đoạn, vì cớ các ngươi làm dữ, phạm tội trọng trước mặt Đức Giê-hô-va, chọc cho Ngài giận, nên ta lại sấp mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm như lần trước, không ăn bánh và chẳng uống nước.  (Phục Truyền)

ISa 17:16   16 Người Phi-li-tin đi ra buổi mai và buổi chiều, tỏ mình ra như vậy trong bốn mươi ngày. (I Samuel)

IVua 19:8   8 rồi nhờ sức của lương-thực ấy, người đi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm cho đến Hô-rếp, là núi của Đức Chúa Trời. (I Các Vua)

Exe 4:6   6 Vả lại, khi những ngày ấy đã mãn, ngươi khá nằm nghiêng mình bên hữu, và mang lấy tội lỗi của nhà Giu-đa, trải bốn mươi ngày ta định cho ngươi mỗi một ngày thay vì một năm.  (Ê-xê-chiên)

Gion 3:4   4 Giô-na khởi đầu vào trong thành đi một ngày, thì rao giảng và nói rằng: Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống! (Giô-na)

Lu 4:2   2 tại đó, Ngài bị ma quỉ cám dỗ trong bốn mươi ngày. Trong những ngày ấy, Ngài không ăn chi hết, kỳ đã mãn thì Ngài đói.  (Lu-ca)

Cong 1:3   3 Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời.  (Công Vụ)

 

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Giận Mất Khôn

Ngày 1 tháng Hai 2021, ở Plains Township, bang Pennsylvania, một vụ nổ súng chết người xảy ra làm mọi người bàng hoàng vì nó lảng nhách! Báo Hoa Kỳ gọi đây là “Snow Rage Shooting”. 

Gia đình ông bà James Goy, 50 tuổi và vợ, bà Lisa Goy, 48 tuổi cư ngụ đối diện với ông Jeff Spaide 47 tuổi, kỷ sư làm việc cho thành phố. Hai gia đinh này đã nghịch nhau, thường có những cuộc đấu khẩu không đẹp với nhau. 

Sáng hôm đó, mọi người ra xúc tuyết để dọn sạch trước nhà mình. Ông Spaide nhận thấy ông bà Goy xúc tuyết hất qua nhà mình nên phản đối. Hai bên to tiếng cãi cọ nhau, thóa mạ nhau. Kế đó, 2 người đàn ông xách xẻng giao đấu với nhau. Bà Goy tiếp tục mắng nhiếc láng giềng. Ông Spaide thấy mình thế cô nên chạy vô nhà mang khẩu súng lục ra đe dọa. Tiếc thay, bà Goy thay vì đấu dịu cho tay súng nguôi giận, lại thách thức “go ahead”. Những phát súng nổ ra. Ông bà Goy bị trúng đạn. Súng lục hết đạn, ông Spaide trở vô nhà đổi cây súng trường, tới gần cận 2 nạn nhân bắn tiếp nhiều phát đạn nữa. Khi cảnh sát tới nơi, nghe tiếng nổ trong nhà ông Spaide, ông đã bắn vào mình tự sát. 

 Ngày hôm đó ngoài trời tuyết lạnh thấu xương, nhưng những trái tim rực lửa căm thù gây ra 3 cái chết lảng. Ba người mới nửa đời người, đều chưa quá 50 tuổi, tương lai còn dài trước mắt, nên lìa đời thật lảng phí. ÔB Goy còn bỏ lại đứa con 15 tuổi, phút chốc cậu thành mồ côi cha mẹ. 

Suy gẫm lại, nhà tù khắp nơi đang giam giữ những người phạm tội sát nhân chỉ vì không kềm được cơn nóng giận của mình. Cũng không ít người bị tàn phế nếu không chết vì bị sôi máu do cơn thịnh nộ gây ra đột quỵ tim, óc. Thật đúng như câu tục ngữ: “No quá mất ngon, giận quá mất khôn”. 

Khi cơn giận bùng phát, những kích tố căng thẳng (stress hormones) tiết ra, tăng cao, nếu chúng ta không học cách kềm chế hay chuyển hóa cơn giận thì dễ đi đến những lời nói, hành vi càn rỡ. 

Ông bà ta đã lưu lại những lời dạy dỗ khôn ngoan: “Một sự nhịn, chín sự lành” hay:

Chữ nhẫn là chữ tương vàng, 
Ai mà nhẫn được, lại càng sống lâu. 

Nói về cơn giận, ông Gia-cơ (James) khuyên: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Còn ông Phao-lô thì nhắn nhủ tín hữu thành phố Ê-phê-sô: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhân dịp.” Ông nhắc nhở người đọc rằng ma quỉ hay thừa lúc chúng ta nổi giận mà “đổ dầu vào lửa”. 

Nhiều tâm lý gia khuyên chúng ta nên chuẩn bị tinh thần trước. Hãy tưởng tượng mình đứng trước tình thế bị chọc giận cho nổi nóng thì nên đối xử ra sao để không hối tiếc về sau. Có thể mình sẽ từ từ hít một hơi thở dài, sâu. Tìm cớ vào phòng vệ sinh để rửa mặt, để trấn tĩnh. Tự nhủ ngay lúc này, mình cần bình tĩnh và im lặng. Có thể “người bạn” vừa gặp chuyện không hay nên giận cá chém thớt: hôm nay, mình vui lòng làm thớt cho anh chém. Trong quá khứ, mình cũng đã chém oan nhiều con cá! 

Khi bước ra xã hội, chúng ta như một đàn nhím tiếp xúc nhau, đụng chạm nhau nên có thể bắn những mũi tên nhím vào nhau, nên dễ làm tổn thương nhau. Muốn sống trong hòa bình, chúng ta cần phát triển tình yêu thương và lòng tha thứ. Một Cơ-đốc nhân tâm sự là mỗi khi nhìn lên thập tự giá, chị nhớ tới con số 10 (thập là 10). Số 1 nhắc chị nhớ đến mỹ đức thứ nhất (trong 9 mỹ đức) của Trái Thánh linh là Tình Yêu thương. Số 0 nhắc chị nhớ đến “vạn sự giai không” nên giúp chị tha thứ dễ dàng. Chị thường lẩm nhẩm khi lâm chuyện: “Chuyện lớn làm ra nhỏ, chuyện nhỏ thành ra không.” 

Mong đây là bài học nhắc nhở mỗi người chúng ta, như tác giả Lục Vân Tiên khuyên: 

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

 Châu Sa ghi (2021.03.03) 
 Nếp Sống Mới