Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Méo Mó Nghề Nghiệp

Tháng trước, trên một cuộc họp mặt qua Zoom, tôi bắt liên lạc được với một người bạn quen thời trung học.  Tôi và anh Minh học chung những năm Đệ nhất cấp trường Petrus Ký.  Chừng lên lớp Đệ Tam thì tôi chọn ban A để theo y khoa, còn anh Minh chọn ban B để thành giáo sư dạy Toán.  Một bạn chung trong Zoom lúc ấy, cũng đang sinh hoạt chung với anh Minh tại một Hội thánh thuộc tiểu bang Georgia, tiết lộ: “Anh Minh là người sống theo hệ số vì méo mó nghề nghiệp!”  Nghe hấp dẫn, tôi liên lạc với anh Minh sau đó để hỏi cho ra lẽ “sống theo hệ số” là gì ?

          Anh Minh rất giỏi môn toán, anh đỗ Tú Tài 2 hạng Bình.  Anh vào học Sư phạm, sau đó dạy Toán ở các trường công, tư.  Anh có mở lớp dạy luyện thi Tú tài 2 môn Toán cho ban B cho đến tháng 4 năm 1975.  Anh tận tâm dạy cho học trò những bí quyết để học Toán.  Anh ước muốn là học trò anh đậu nhiều và đậu cao, hạng bình và bình thứ phải đông.  Anh thấy là nhiều học trò không biết tầm quan trọng của hệ số (coefficient).  Bắt đầu giờ học, anh hay hỏi học trò “môn Toán khi ra thi thì hệ số mấy?”  Mấy em trả lời: “hệ số 4”.  Anh nhắc là hệ số 4 nghĩa là điểm môn Toán sẽ nhơn cho x4, trong khi điểm Lý Hóa nhơn x3, Quốc văn x2, Sinh ngữ chính x2, Sinh ngữ phụ x1, Vạn vật x1, Sử Địa x1, Công Dân Giáo Dục x1 (cộng chung lại = 15).  Anh cho mỗi môn một số điểm giả thử, để học trò nhân lên theo hệ số, lấy tổng số chia cho 15, con số kết quả sẽ xếp hạng theo bảng sau đày:

·         18.00 – 20.00: tối ưu

·         16.00 – 17.99: ưu

·         14.00 – 15.99: bình

·         12.00 – 13.99: bình thứ

·         10.00 – 11.99: thứ

Anh hỏi các em khuyên người bạn có bảng điểm hạng đó làm cách nào tăng lên hạng cao hơn?  Rốt cuộc là phải để thêm thì giờ tập giải nhiều bài Toán. 

 Anh thường nhắn nhủ:  Trên đời không gì khó, miễn đi đúng hướng, học đúng cách, trau dồi  kỹ thuật, nghệ thuật thường xuyên là đi tới thôi.

         Toán là môn học rõ ràng, chính xác, minh bạch.  Có câu tục ngữ: “Trật con toán, bán con trâu”, người học Toán cần cẩn thận với những con số, từ đó trở nên cẩn thận chuyện đời.  Ngoài ra, “người Toán” cũng có tính minh bạch, tích cực, nhanh nhẹn, dứt khoát.

Anh khuyên mọi người nên học chung với bạn.  Giải ra được bài Toán thì trong lòng khoan khoái vô cùng, có nhiều anh vỗ đùi cười ha ha.  Một điều rất ngộ là các nữ sinh thường ghét Toán, sợ Toán, nhưng thỉnh thoảng, anh gặp một vài cô gái quá giỏi Toán, đúng là nữ kiệt.

Học trò giỏi Toán ở Việt Nam qua vô ngang Trung học tại Mỹ cho biết giờ Toán là giờ các em sung sướng nhất vì Toán Mỹ dễ như ăn kẹo, dễ như ăn cơm sườn như nhiều em nhận xét (bù những giờ mà các em khóc ròng là giờ Văn chương, Sử ký Hoa Kỳ).  Nhiều em học lấy bằng kỹ sư Hoa Kỳ không khó.  Anh Minh lấy bằng kỹ sư cùng lúc lấy luôn bằng cử nhân thương mãi (MBA).

Anh áp dụng hệ số vào cuộc sống, nên bạn bè nói anh “méo mó nghề nghiệp”  (anh nghi cụm từ “méo mó nghề nghiệp” xuất phát từ tiếng Pháp déformation professionnelle).  Lúc trẻ, anh quan niệm sự thành đạt của con cái là quan trọng nhất, nên anh cho hệ số x4,  tâm trí, tinh thần, kiến thức x3, thể chất x2.  tâm linh x1. 

Tới tuổi trung niên, anh chợt có sự khao khát đời sống tâm linh, anh tìm kiếm, tìm hiểu và sau đó, anh có niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giê-su. Các hệ số bấy giờ đảo ngược:

            Thể chất hệ số x1, tâm trí x2, tâm linh x3.  Chừng anh đào sâu để hiểu Kinh Thánh hơn, anh nâng hệ cho tâm linh x4.  Khi anh nhận hướng dẫn lớp Trường Chúa nhật, anh nâng một cấp nữa cho tâm linh lên hệ số x5 vì anh khao khát được biết Chúa một cách sâu nhiệm, anh cần đọc thêm các bản dịch khác của Kinh Thánh, các sách giải kinh, các loại tự điển, bách khoa tự điển… Anh nhận ra ai khao khát tìm tòi tâm linh là đi tìm nguồn năng quyền, nguồn khôn ngoan, nguồn ơn phước từ Thiên Chúa. 

Hiện nay, đã về hưu, anh có nhiều thì giờ, anh tập thể dục (hệ số 1) 30 phút, đọc sách báo để mở mang kiến thức (hệ số 2) 60 phút.  Tĩnh nguyện, cầu nguyện, đọc Kinh thánh (hệ số 3,4,5) 2-3 giờ đồng hồ. 

Khi thấy bạn bè nào để nhiều thì giờ, tâm sức vô đời sống vật chất, hoặc hay phàn nàn, càu nhàu chuyện vụn vặt, hay tủn mủn chuyện tiền nong, anh nhắc đừng để chuyện nhỏ, hệ số x1 làm hư chuyện lớn hệ số x3, x4.

Như trước kia anh khuyên học trò muốn giỏi Toán, cần làm bài tập, bài Toán mỗi ngày, học và nhớ những định lý (theorem) Toán học; ngày nay, anh khuyên con cái Chúa cần cầu nguyện, cần đố nhau Kinh Thánh, cần học, suy gẫm những câu gốc KT.  Anh và vợ rất tâm đầu ý hiệp trong Toán học cũng như trong Kinh Thánh.  Chẳng hạn, anh đố:  Tìm trong Thư Cô-rinh-tô thứ nhất câu nào có ý như câu tục ngữ “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”?  Trả lời:  chương 12, câu 26.  Vợ đố lại chồng:  Tìm trong Châm Ngôn 27, câu nào ứng với câu thơ:  Chim có bạn cùng hót, tiếng hót mới hay;  ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới giỏi.  Trả lời: câu 17: Sắt mài nhọn sắt…

Sau đây là những câu Kinh Thánh nói lên sự quan trọng của linh hồn, sự thánh hóa, sự sống đời đời mà anh thường học, thường nhắc tới:

Truyền-đạo 3:11a   Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó.  Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; …

Ê-sai 40:8   cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!

Ma-thi-ơ 6:33  .. trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.

Rô-ma 6:22    Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.

II Cô-rinh-tô 4:18   bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.

 II Cô-rinh-tô 5:1  Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra.

Ga-la-ti 6:8   Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời.

I Ti-mô-thê 4:8   Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa.

Hê-bơ-rơ 11:16a   .. nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời…

 Hê-bơ-rơ 12:14   Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

IPhi-e-rơ 2:11    Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn.

 IIPhi-e-rơ 3:18a   Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. ..

Thật là thú vị khi thấy anh Minh do “méo mó nghề nghiệp”, dùng hệ số môn học áp dụng vào đời sống, đã giúp cho bản thân, gia đình, bạn bè rất nhiều khi đặt thứ tự ưu tiên những lãnh vực trong đời mình.   Những người quen biết anh xác nhận rằng đời sống của anh đầy ơn, là nguồn phước cho người chung quanh.

Châu Sa

             Bài Cấp Số Nhân

         "Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến." - 2 Phi-e-rơ 1:5-7

“Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi! Nhờ giềng mối Chúa tôi được sự thông sáng; Vì vậy, tôi ghét mọi đường giả dối.” – Thi-thiên 119:103-104

 Anh em gắng sức lên nhe,

Chớ đừng tự mãn, tự khoe thân mình!

Dù rằng mình có đức tin,

Nhưng cần nhân đức thuộc linh làm người!

Thêm vào học thức từ Trời,

Giữ lòng tiết độ, mọi nơi hòa đồng,

Cộng vào nhịn nhục, cảm thông,

Cùng niềm tin kính, trong vòng đệ huynh,

Thêm yêu thương giữa bạn mình,

Trọn lòng yêu mến, tràn tình nghĩa nhân!

Kiên trì, không quản khó khăn,

Thực hành bài cấp số nhân tốt này,

Các điều Chúa đã ban đây,

Đời ta phước hạnh, mỗi ngày với Cha!

Lời Ngài kỳ diệu, cao xa,

Suy đi gẫm lại để mà nhớ luôn,

Học cho đến cuối không buông,

Vững tin sống đạo y khuôn Lời Ngài!

Quyền năng vinh hiển thánh thay,

Thiên Đàng hằng hữu, tiến ngay một đường!

 Tiểu Minh Ngọc

 


Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Theo Bước Chân Ai ?

 Theo Bước Chân Ai ?

        Năm năm trước đây, khi dự một Hội Đồng tại Houston, Texas, tôi tình cờ gặp một người trông tựa như một người quen tôi gặp trong trại tù cải tạo hồi năm 1977.  Tôi bước tới, chào anh, xin lỗi, hỏi: “Anh có phải tên Thanh, tôi gặp tại Đồng Bang, lúc đó anh giúp vui cho bạn tù buổi tối bằng hành trình của các nhân vật của Kim Dung không?  Anh xác nhận và mừng rỡ gặp lại tôi.  Tôi hỏi tiếp: “Và anh có biệt danh là người lắm chuyện?”  Anh cười ha hả, đáp “chính xác, chính xác”. 

        Duyên do như thế này:  Đời sống trong trại tù cải tạo rất buồn nản, có người còn có ý định quyên sinh.  “Láng” tôi ở may có anh Thanh biết nhiều chuyện, nên mỗi tối anh hay kể chuyện võ hiệp của Kim Dung.  Anh đặt tựa như: “Theo bước chân Lệnh Hồ Xung”, “Theo bước chân Trương Vô Kỵ”, “Theo bước chân Vi Tiểu Bảo”… Anh có trí nhớ tốt, có cách kể chuyện hấp dẫn, duyên dáng, đưa chúng tôi vào vùng trời ảo mộng hằng đêm.  Chi tiết nào anh không nhớ thì anh chế cho xuôi câu chuyện.  Ai cũng biết nhưng ai cũng cười xòa thông cảm.  Anh cán bộ trại tò mò, tới gần nghe ngóng chúng tôi làm gì mà quây quần nghe anh Thanh kể chuyện.  Nghe mấy lần, thấy vô hại vì không dính gì đến chính trị, không gì là phản động, nên anh để cho chúng tôi có những giây phút thoải mái.  Có lần, anh Thanh chế một chi tiết rất buồn cười, mọi người lăn ra cười, ngay cả anh cán bộ cũng cười sằng sặc.  Tiếng cười của anh rất đặc biệt, mọi người quay lại nhìn.  Anh cười và nói chữa thẹn:  “Gớm, anh Thanh nầy thật là lắm chuyện”.  Từ đó, anh Thanh có biệt danh là “người lắm chuyện”.  Qua giờ kể chuyện, tình cảm của chúng tôi và anh cán bộ được cải thiện rất nhiều.  Anh hiểu chúng tôi hơn và chúng tôi mến anh hơn. 

        Trở về với hiện tại, tôi hỏi anh Thanh: “Lóng rày, anh còn theo bước chân của nhân vật Kim Dung không?”

        Anh bước tới, nói nhỏ vào tai tôi:  “Từ nhiều năm nay, tôi theo bước chân của Phao-lô”.  Tôi thốt: “A, điều này hay nhe.  Tôi muốn nghe chuyện này”.  Anh nói việc phải đi, rồi ghi số phôn cho tôi.

        Chừng vài tuần sau đó, tôi gọi thăm anh và nói ý tôi muốn biết lý do bây giờ anh theo bước Phao-lô.

        Anh thong thả kể:

        - Tôi thích đọc sách, nhất là sách truyện.  Hồi nhỏ, tôi mê đọc Tây-du ký, tác phẩm của Thi Nại Am, tôi theo bước chân của Đường tăng Tam Tạng.  Kế đó, từ năm tôi học Đệ nhị cấp, Trung học, có phong trào đọc truyện võ hiệp của Kim Dung mỗi ngày trên báo.  Thời đó, chuyện Kim Dung được nhiều triệu người Á châu mê thích.  Những nhân vật chính trong truyện như Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo được tôi và nhóm bạn bàn thảo, phân tích hằng ngày.  Do đó, tôi có những câu chuyện kể cho các anh và từ đó có biệt danh là “Người Lắm Chuyện”. 

        Sau khi ra khỏi trại tù cải tạo, gia đình tôi vượt biển, tới Hoa Kỳ năm 1987.  Chị vợ tôi là tín hữu Tin Lành, giới thiệu cho gia đình chúng tôi tình yêu và chương trình cứu rỗi qua Chúa Giê-su.  Sau vài tháng tìm hiểu, chúng tôi tin nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của đời minh.  Sau một thời gian học Kinh Thánh, tôi ngưỡng mộ cuộc đời của ông Phao-lô và muốn theo bước chân  ông.

 Phao-lô là một con người vĩ đại,  trước là môn đồ của Ga-ma-li-ên, một trong những Ra-bi nổi tiếng vào lúc ấy (Công Vụ 22:3).  

Là một người Do-thái cuồng nhiệt, Phao-lô nổi bật trong nhóm Pha-ri-si.

Vì ngu muội, Phao-lô đã sử dụng thế lực của mình để bắt bớ môn đồ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên khi tiến hành khủng bố hội thánh, ông đã có cơ hội gặp Chúa Giê-su trên đường tới Đa-mách.  Trước tiên, ông đã nghe tiếng Chúa Giê-su và mắt ông bị mù (Công vụ 9:1-9).  Khi biết rõ Chúa Giê-su đến từ trời, ông được sáng mắt và trở nên một con người mới.  Ông trở thành người tin đạo nhiệt tình và Chúa đã đại dụng ông như một sứ đồ.  Tôi nghiền ngẫm đời sống của ông và muốn theo bước chân ông. 

-  Tôi theo bước Phao-lô vì đó là người thật, việc thật.  Những người tôi theo bước trước kia chỉ là những nhân vật hư cấu, còn Phao-lô là nhân vật có thật trong lịch sử.

-  Tôi theo bước ông Phao-lô vì ông theo bước Chúa Giê-su, như trong thư Cô-rinh-tô thứ nhất ghi:  Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (11:1).

-  Bài học quan trọng mà tôi rút ra khi theo bước Phao-lô là:  “Tội nhân nào cũng có tương lai, thánh nhân nào cũng có quá khứ.  Phao-lô rõ ràng là tội nhân hàng đầu khi chống báng Chúa, nhưng khi Chúa dùng đã cho ông một tương lai xán lạn.  Điều này mang hi vọng cho mọi người là không có tội nào quá lớn mà Chúa không thể tha thứ, nếu biết ăn năn, xưng tội.  Người đời sau xem ông như Thánh dù ông có một quá khứ quá đen tối khi ông bắt bớ, hành hạ tín đồ của Chúa Giê-su. Chúng ta theo bước chân của Phao-lô thì biết rằng từ tội nhân, chúng ta có thể thành thánh nhân.

-  Bài học thứ đến là ân-điển hay ân-sủng.  Phao-lô đã phạm tội quá lớn, nếu không do ân điển của Chúa thì ông không thể sống để ăn năn và được phục hồi.  Một ân điển nữa là ông được Chúa đại dụng trong công trình thuộc linh của Chúa.  Qua đó, ông hiểu được thế nào là thời đại ân điển do Đức Chúa Trời hoạch định, Chúa Giê-su thực thi và Thánh Linh ấn chứng để cứu rỗi thế nhân.  Trong các tác phẩm của Phao-lô, ông nhắc nhiều đến ân điển, ông nhiều lần nhấn mạnh là chúng ta được cứu bởi ân điển của Chúa và đức tin của chúng ta chứ không phải bởi việc làm.

-  Phao-lô đã đi 3 vòng truyền giáo với hơn 10 ngàn dặm đi chân trên hơn 10 năm, thiết lập nhiều hội thánh.

-  Ông để lại di sản tâm linh lớn lao: 13 thư tín gửi cho tín nhân thời đó, nhưng giá trị tinh thần rất lớn vì những lời khuyên dạy của ông hữu ích lâu đời.

-  Ông Phao-lô có 2 người học trò ruột là Ti-mô-thê và Tít là 2 vị quản nhiệm Hội Thánh.  Trong các thư ông gửi cho 2 người này mà ông xem như con, chúng ta thấy một thứ tình cảm sâu đậm, tha thiết của một cha nhân từ.  Những lời dạy dỗ, nhắn nhủ này khiến chúng ta liên tưởng tới tình yêu Đức Chúa Trời đối với con cái bé mọn của Ngài. 

-  Bài luận về tình yêu thương của ông trong chương 13 thư Cô-rinh-tô thứ nhất là một tuyệt tác.  Những đoạn luận về ân tứ Thánh linh rất linh hoạt.  Những bông trái Thánh linh như tình thương yêu, sự vui mừng, bình an, nhẫn nhịn, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ làm ấm lòng người nghe, người đọc.

-  Tôi học được tinh thần thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của ông:  “Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được” (Thư  Phi-líp 4:12).

-  Tôi học tinh thần chịu đựng, chịu khó, chịu khổ, chịu cực, chịu đau đớn.  Càng hoạn nạn, ông càng kiên trì, nhẫn nhịn; càng bị bắt bớ, đức tin ông càng tăng.  Trong khi bị bắt vô tù, ông viết thư an ủi, khích lệ người tín hữu ngoài…tù.  Bốn bức thư gửi cho Phi-lê-môn, Hội thánh Phi-lip, HT Cô-lô-se, HT Ê-phê-sô là những “ngục trung thư” quí giá, nhất là thư gửi HT Phi-líp, tràn đầy sự vui mừng, cảm tạ, ngợi khen Đức Chúa Trời.  Người trưởng thành trong đức tin giống như bông trái chín tới, càng bị bầm dập, vắt ép càng tiết ra vị ngọt, càng tỏa hương thơm.

Từ khi biết Đấng Christ, cuộc đời ông Phao-lô thay đổi 180 độ.  Ông coi mọi sự lời thể chất là sự lỗ tâm linh.  Ông sẵn sàng sống cũng như sẵn sàng chết, như qua thư Phi-lip 1:21 “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.”  Chúng ta có thể nói rằng nếu không có Phao-lô thì phần Tân Ước của Kinh Thánh không phong phú, sống động như chúng ta có hiện nay.  Nhờ ông, giáo lý Tin Lành được giãi bày một cách rõ ràng, khúc chiết, súc tích, đầy đủ.  Ông xứng danh là một Đại Sứ đồ mà nhiều người xưng tụng. 

Châu Sa

 

Bắt Chước Phao-lô Theo Chúa

 "Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy." - 1 Cô-rinh-tô 11:1

"Bởi chưng mọi điều đó xảy đến vì cớ anh em, hầu cho ân điển rải ra cách dư dật, khiến sự tạ ơn nơi nhiều người hơn cũng dư dật, mà thêm vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn." - 2 Cô-rinh-tô 4:15-16

"Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi." - Ma-thi-ơ 22:37

 Lời của Chúa, là Lời chân thật,

Ban cho ta, không mất tiền mua,

Nhận vào trân quý, và thưa,

Tạ ơn Chúa đã dẫn đưa ta về!

 Trong Nhà Chúa, không chê trách được,

Thật bình an, trong Nước của Ngài,

Thánh Linh sửa đổi thẳng ngay,

Cho ta trong sạch, tránh sai lạc lầm!

 Theo chân Chúa, thành tâm tìm kiếm,

Lời dạy khuyên, linh nghiệm cho lòng,

Công bình, chắc chắn, cậy trông,

Dù đời biến đổi, ta không sợ gì!

 Những gương sáng, bước đi theo Chúa,

Như Phao-lô, ta đáng noi theo,

Vượt qua gian khó ngặt-nghèo,

Trao cho Chúa nắm tay chèo hướng đi!

Hoạn nạn chẳng gây chi phiền não,

Trong tù đày, rao báo càng hơn,

Viết thư khích lệ thêm ơn,

Giúp bao tín hữu không sờn theo Cha!

 Phao-lô nói, chúng ta hãy sống,

"Bắt chước tôi," kính Chúa yêu người,

Vì ông làm đúng y Lời,

Học theo Đấng Christ một thời hiển vinh!

Phao-lô thật tràn tình yêu mến,

Luôn quan tâm, nghĩ đến mọi người,

Thỏa lòng, trông cậy, vui cười,

Biết rằng Ân Điển Nước Trời tràn dư!

 Ông tha thứ, nhân từ giúp đỡ,

Trong mọi điều, có cớ tạ ơn,

Chúa đưa đến chốn cao hơn,

Kiên trì, nhẫn nhục, không sờn không lui!

 Hãy bắt chước Phao-lô, bạn hỡi,

Sống vì Ngài, tấn tới mỗi ngày,

Ngợi khen Danh Thánh quyền oai,

Vui mừng theo Chúa, duy Ngài đáng theo!

 

(Cảm tác theo bài viết "Theo Bước Chân Ai" của Châu Sa!  Chúng ta hãy bắt chước sứ đồ Phao-lô như ông bắt chước Chúa; và hết lòng, hết sức, hết ý, hết linh hồn mà theo Chúa Giê-su Christ – Đấng tự hữu, hằng hữu, yêu thương chúng ta dẫu chúng ta là những người có tội!  Cảm tạ Chúa! )

Tiểu Minh Ngọc

 

 

 

 

 

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Im lặng

     Gần đây, nhiều người học theo những thú hưởng nhàn của người Nhật, họ chơi kiểng lùn, cây khô và đá thủy thạch. Thủy thạch (水石 tiếng Nhật là Suiseki) là những tảng đá nhặt ở bờ biển.  

    Đá này thường màu đen sậm, chắc nịch, hình dáng đẹp đẽ hoặc cổ quái.  Người chơi đá nói rằng những tảng đá vì sống lâu cả ngàn năm nên chắc chắn phải có lai lịch.  Có thể bắt đầu từ vách núi đá sát bờ biển, sóng biển đánh vào đêm ngày, năm nầy qua năm khác, vách núi đá đã vỡ ra từng tảng. Có tảng đã tan tành thành cát.  Những tảng lì lợm với sự vùi dập, sự tắm gội của thủy triều, đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” là những tảng đá quí giá.  Có tảng được bán cả ngàn đô-la.  Nhiều người chiêm ngưỡng, trầm ngâm trước những tảng đá đó hằng giờ.  Họ suy gẫm về cuộc đời của nó, về sức chịu đựng kiên trì của nó.  Có người quả quyết đã nghe đá tâm sự.  Đá nhắn nhủ họ: “Hãy Im Lặng”.  

    Nói về sự im lặng, thì có người chiêm ngưỡng sự im lặng của núi non, của biển cả. Những con “mọt sách” thì ca tụng sự im lặng của sách. Những quyển sách tuy nằm im thin thít, nhưng có thể nói lên hàng … pho!  Bao nhiêu câu chuyện vui buồn, tình tiết gay cấn, éo le, lâm ly hay lãng mạn đều nằm trong sách.  Sách sẽ mở lòng, giãi bày tâm sự cho người chiếu cố!  Trong đời sống với nhiều sự vội vã, nhiều tiếng động ồn ào, nhiều đôi co tranh cãi vô bổ, nhiều sự đốp chát, mạt sát nhau thì sự im lặng lắm khi rất cần thiết. 

    Trong rất nhiều tình huống, chúng ta không ân hận vì mình giữ im lặng, mà thường hối tiếc những lời nóng nảy mà mình lỡ “phun” ra! Một anh nọ có tật phát ngôn bừa bãi, thường hay hối tiếc những lời không đẹp mà mình đã nói, rất lấy làm tức bực vì tập mãi mà vẫn không kiềm chế được miệng lưỡi của mình khi gặp chuyện bất như ý.  Đi tìm thầy vấn kế, thầy dạy mỗi lần anh phát ngôn những lời không lành thì hãy đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ nhà anh. Ngay ngày đầu tiên, anh đã đóng trên 20 cây đinh vào gỗ rào!  Cảnh giác được điều này, càng ngày anh càng cố tập giữ môi miệng, nên số đinh đóng ngày một ít dần đi.  Bây giờ minh-sư lại dạy tiếp:  “ngày nào anh không phát ngôn ậu xị thì nhổ ra bớt một cây đinh mà trước kia đã đóng”.  Sau một thời gian, nhờ kiên trì tập luyện, anh giữ gìn môi miệng như người ta khéo đậy nắp một bình hương.  Số đinh trên rào đã được nhổ ra hết.  Anh mời minh-sư về làm tiệc ăn mừng.  Sau khi thầy ngỏ lời khen ngợi xong, bèn chỉ vào những lỗ đinh và nói:  “Tuy đinh đã nhổ, nhưng lỗ còn hoài. Những lời không đúng, không đẹp mà con thốt ra, tuy con đã xin lỗi và nạn nhân đã tha thứ cho con rồi, nhưng vết thương lòng của họ nhiều khi vẫn còn đâu đó”.  Vì vậy, cổ nhân khuyên chúng ta: “Thủ khẩu như bình”.  

    Giữ im lặng để không nói xấu người khác có lẽ không khó bằng nín nhịn khi bị người khác vu cáo, bôi lọ, sỉ nhục bất công. Chữ nho của nhịn là NHẪN (), chiết tự là mũi dao đâm vào tim, nghĩa là đau đớn lắm.  Trong Thánh Kinh, sách Châm Ngôn (12:18) có câu: “Nói quá lời, chẳng khác nhát dao đâm.”*  Đau nhưng nhịn.  Người khác có thể thấy người nín nhịn là hèn yếu, hay ngốc nghếch, nhưng thực sự người nín nhịn vì đại cuộc là người có nghị lực, có công phu hàm-dưỡng thâm hậu. Cái khí hung hăng của kẻ thất phu, lỗ mãng không thể so bì được với đức im lặng, nín nhịn của bậc thượng trí.  Điềm đạm, trầm tĩnh trong sự nín nhịn là cái dũng của thánh nhân.  Kinh Thánh chép: “Dũng sĩ còn thua người biết nén giận hờn, Tự chủ được hơn chiếm toàn thành phố”* (Châm Ngôn 16:32).  “Im lặng là khôn, dù thực chất dại ngu, Giữ miệng lưỡi được còn hơn thông sáng”* (Châm Ngôn 17:28).  

    Có lẽ nhiều người đã biết câu chuyện Lạn Tương Như nhịn nhục đối với võ tướng Liêm Pha.  Cả hai đang phò vua nước Triệu.  Thời này, nước Tần lớn và mạnh nhưng không dám gây hấn với Triệu vì nước Triệu có 2 người tài là họ Liêm và họ Lạn.  Liêm Pha ganh tị với Lạn nên thường hay khiêu khích Lạn.  Lạn thường tránh mặt Liêm, có lần đang đi, bỗng thấy Liêm đàng xa thì ông bèn ra lệnh đánh xe vào ngõ hẻm nhỏ tránh đi.  Những người hầu cận rất lấy làm bực tức, xấu hổ cho chủ mình.  Về sau, mọi người mới hay ra Lạn Tương Như nhịn là vì quốc gia đại sự.  Liêm Pha lấy làm xấu hổ, ăn năn, đến xin Tương Như tha tội cho kẻ bất trí ngông cuồng.  Từ đó, hai người kết làm anh em cho đến lúc lâm chung mà chẳng quên nhau.  

    Cổ nhân thường nhắc: “Không biết nhịn điều nhỏ sẽ mất mát việc lớn” (tiểu bất nhẫn dĩ thất đại dã).  Trong nội các của Tổng Thống Abraham Lincoln, có ông Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh tên là Edwin M. Stanton. Vì bất đồng ý kiến sao đó mà E. Stanton rất ghét ông “xếp” của mình. Ông ta nói xấu đủ điều về TT Lincoln.  Ông thường ví Tổng Thống như khỉ vượn vì khuôn mặt không đẹp của vị TT.  Ông Lincoln vẫn biết mình bị bôi lọ, nhưng vẫn điềm tĩnh im lặng, bỏ ngoài tai, không truy tội, không đôi co một lời, vì gánh nặng quốc gia lúc đó thật phức tạp, nặng nề.  Sau khi Tổng Thống Lincoln bị ám sát chết, Edwin Stanton hối hận qua hai hàng nước mắt, công nhận Abraham Lincoln đúng là một vĩ nhân.  Câu nói bất hủ của ông về Lincoln là: “Now he belongs to the ages”.  

    Thánh Kinh ghi lại đức tính nín nhịn của một người rất lạ tên là Giê-Su.  Ông là một Thần Nhân, vừa là Con Đức Chúa Trời vừa là con người.  Lai lịch của ông thật lạ lùng, lạ từ lúc sanh (bởi một nữ đồng trinh), sống vô tội nhưng phải chết như một người phạm trọng tội mà không một lời kêu oan, rồi sống lại sau ba ngày.  Chỉ ở trần gian 33 năm, mà ông ảnh hưởng rất nhiều trên đất.  Ngày nay, hàng tỉ người tôn thờ ông là Chúa.  Lịch sử nhân loại được chia đôi: những năm truớc Chúa, và những năm sau Chúa.  Nhà tiên tri Êsai sống cách nay lối 2800 năm có tiên đoán về sự giáng sinh, cái chết cùng sự phục sinh của Chúa Giê-Su.  Nhà tiên tri cho biết Ngài chính là Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ mà người dân Do Thái hằng mong đợi.  Về sự thương khó của Ngài, Esai đã tiên đoán trong chương 53 rằng nhiều người nghĩ rằng Ngài bị Đức Chúa Trời đánh đập, sửa phạt. Nhưng thật ra, “người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương.  Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”  Ngài là Đấng Cứu Chuộc, bởi vì: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Chúa Trời đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”  Nín nhịn vì đại cuộc, vì tình yêu quá đỗi lớn lao qua chương trình cứu rỗi nhân loại vĩ đại của Đức Chúa Trời, Ngài đã giữ im lặng không một lời kêu oan trước những kẻ ác đã vu khống, làm chứng dối về Ngài.  Điều này cũng đã được chép trước trong Êsai 53:7 “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.”  Nhờ sự nín nhịn và chịu khổ nạn đóng đinh, chịu đổ huyết của Chúa Giê-Su mà chương trình Cứu Thế được thành tựu tốt đẹp.  

    Hàng tỉ người đã tin vào dòng máu tình yêu này mà được xoá sạch tội lỗi và được xưng công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời.  Họ trở thành con cái Đức Chúa Trời.  Vĩ đại thay sự im lặng của Chiên Con!

*theo Thi Ca Thánh Kinh (bản thơ dịch diễn ý) của Phan Như Ngọc.

Trích Nếp Sống Mới Tháng 3-4 Năm 2002 (hiệu đính)

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Con Hẻm Nổi Danh

 Thời nhà Thanh, triều Khang Hi (1662-1722), có câu chuyện về con hẻm ở thành phố Đồng Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc.  Nhà họ Trương và nhà họ Ngô là láng giềng của nhau, có một đường hẻm giữa hai nhà.  Họ Trương xây tường lấn 3 thước đất trên con hẻm.  Họ Ngô kiện.  Họ Trương có người thân tên là Trương Anh, đang làm quan ở kinh đô, nên vội viết thư, nhờ Trương Anh dùng thế lực của mình, liên lạc với quan địa phương Đồng Thành, xử cho mình được đất.  Trương Anh viết thư về cho gia đình, thư thế này: 

Thiên lý tu thư chỉ vị tường
Nhượng tha tam xích hựu hà phương
Trường thành vạn lý kim do tại
Bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng.

千里修书只為牆
讓他三尺又何妨
長城萬里今猶在
不見當年秦始皇
 

Ngàn dặm biên thư chuyện cái tường,
Chỉ ba thước đất cũng nên nhường,
Trường thành vạn lý nay còn đó,
Bây giờ ai thấy được Tần Vương!?

Châu Sa dịch

Người nhà đọc thư, hiểu ý, xấu hổ, xây tường không lấn mà còn nhường 3 thước.  Nhà họ Ngô biết chuyện ông quan Trương Anh, không cậy quyền làm càng, mà còn làm thơ giáo hóa gia đình, nên cảm kích xây tường, tự nhường 3 thước đất.  Vậy tổng cộng giữa hai nhà dư ra 6 thước, tạo thành một con hẻm rộng.  Câu chuyện tốt lành này lan ra, vua Khang Hi đến thăm, viết ban cho 3 chữ “六尺巷” (Lục Xích Hạng: con hẻm rộng 6 thước).  Từ nhiều năm, con hẻm này thu hút du khách đến thăm để nhớ lại gương tốt của người “dân chi công bộc” (đầy tớ của dân) đúng nghĩa.  Chỉ 4 câu thơ, ông Trương Anh nhắc đến cái phù du của đời người thì tranh dành chút của phù vân có đáng không?  Qua đó, thân nhân ông được cảm hóa.  

Thường người được ở chức lãnh đạo dễ trở nên nhũng lạm, tham ô, hà hiếp dân, thường vì người thân mà xử ép người khác.  Dân tình khốn khổ, ta thán, nhất là khi tham quan biến thành kẻ cướp: cướp tài sản, cướp nhà, cướp đất của dân.  Vì lẽ đó, người dân có câu ca dao:

Con ơi, mẹ bảo con này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Hai ngàn năm trước, Chúa Giê-su đã dạy môn đồ vai trò người lãnh đạo.  Trên đường đến thành Ca-bê-na-um, các  môn đồ đã cãi nhau cho biết ai là lớn hơn trong bọn mình.   Chúa Giê-su bèn kêu mười hai sứ đồ mà phán rằng:  Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người  (Mác 9:33-35).  Để làm gương, Ngài rửa chân cho các môn đồ.  Sau khi đã rửa chân cho môn đồ, Ngài mặc áo lại; đoạn ngồi vào bàn mà phán rằng: Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng?  Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau  (Giăng 13:12,14). 

Tấm gương lớn nhất mà Chúa Giê-su muốn các môn đồ học là phục vụ cho người khác.


Sống Xứng Đáng

 "… phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em,  phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau" - Ê-phê-sô 4:1-2

"Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa." - Phi-líp 2:4

"Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng cứu chuộc tôi, Nguyện lời nói của miệng tôi, Sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!" - Thi-thiên 19:14

 Làm người cần biết điều quan trọng,

Đối xử với nhau, sống thỏa lòng,

Thương xót, nhân từ, không tính toán,

Tranh dành tấc đất, có nên không?

 

Mai kia Chúa đến, làm sao nói?

Ăn ở với nhau, phải thuận hòa,

Xứng đáng làm dân, Ngài quý mến,

Chớ đừng hổ thẹn, đến Danh Cha!

 

Khiêm nhường hết sức, và mềm mại,

Nhịn nhục, chìu nhau, trọn tháng ngày,

Phục vụ tha nhân, theo gương Chúa,

Tin Lành vinh hiển, mãi không phai!

 

Hãy nên nghĩ đến, người lân cận,

Hãy sống cho nhau, vì lợi người,

Hiệp một hướng về, Nhà Thiên Quốc,

Bình an, phước hạnh, sẽ không vơi!

 

Nguyện xin Linh Chúa, luôn gìn giữ,

Hướng dẫn đời con, miệng lưỡi này,

Tư tưởng của lòng, đẹp Ý Thánh,

Truyền ra Ân Điển, hiển vinh thay!

 Tiểu Minh Ngọc