Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Chuyện Con Rắn và Cái Cưa

 Chuyện Con Rắn và Cái Cưa

Một sáng sớm, ông chủ xưởng mộc phát giác một con rắn hổ mang nằm chết với thân bị cứa nhiều chỗ bên cạnh một cái cưa đẫm máu trên sàn xưởng mộc!  Nghi là có người dùng cái cưa làm vũ khí chiến đấu với con rắn, ông bèn xem lại camera có thâu hình tối qua. 

Một con rắn khá lớn bò vào xưởng có lẽ để kiếm ăn.  Khi nó bò trườn, thân nó chạm vào lưỡi cưa.  Nó tưởng bị tấn công nên nổi giận, bèn táp mạnh vào lưỡi cưa.  Miệng bị rách, nó càng tức giận, quấn chặt quanh lưỡi cưa với quyết tâm cho “kẻ thù” một bài học.   Thấy địch thủ vẫn trơ trơ, nó ra sức xiết chặt vào lưỡi cưa.  Máu tuôn đổ ra nhiều, nó mất sức, buông cây cưa, tức tối nhìn vào lưỡi cưa đang nhe hàm răng chơm chởm như cười nham nhở chọc quê nó.  Trước khi tắt hơi, nó phát ra tiếng hiss, hiss, khè khè như muốn hỏi địch thủ: “ngươi …là ai, tên họ… là gì?”

Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta không nén được cơn giận, mà thốt ra những lời nói hoặc có những hành vi khiếm nhã cho đã nư cơn giận mà không nghĩ tới những hậu quả không hay quay trở lại chúng ta.  

Người dễ nóng giận hay khởi tâm vọng động thường tự chuốc họa vào thân (tự chiêu kỳ họa 自招其禍).

Sách Châm-ngôn có lời khuyên dạy:  Người khôn ngoan kìm hãm cơn giận dữ,
Ai khoan dung lỗi người khác đáng được ngợi khen”
(chương 19, câu 11). 

Luật vàng xử thế là luôn giữ hòa khí, thường áp dụng tình thương yêu, tha thứ, nhân từ, nhẫn nhịn, khiêm tốn với người mình tiếp xúc.

 

 Câu chuyện này được ông Thái Bá Tân viết thành bài thơ ngũ ngôn đặc sắc:

Có một con rắn độc

Đi tìm thức ăn khuya

Bò vào trong xưởng mộc

Trườn qua một cái cưa.

Bị một vết cắt nhỏ

Tưởng là cưa tấn công

Rắn quay đầu hùng hổ

Cắn mạnh, ngay và luôn.

Miệng bị rách, chảy máu

Khiến nó nổi cơn điên

Tấn công trong cuồng loạn

Nuốt sống “kẻ thù” liền.

Thân cưa dính đầy máu

Hình như sắp “chết” rồi?

Rắn ngỡ mình đang thắng

Trong cuộc đấu tay đôi.

Dường như chưa hả giận

Nó quấn chặt lưỡi cưa

Gồng mình siết thật mạnh“

Biết ta là ai chưa?”

Con rắn đầy nội lực

Dùng hết sức bình sinh

Để quyết tâm giết chết

Kẻ dám tấn công mình (!)

Nhưng chưa kịp đắc thắng

Rắn đã vội ra đi

Cái cưa vô tri ấy

Nào đâu hay biết gì?

Tự kết liễu mạng sống

Sau một cơn điên khùng

Kẻ ảo tưởng sức mạnh

Chết đáng đời, đúng không ******

*Cuộc sống là như thế

Phải biết mình là ai?

Hiểu cả đối phương nữa

Mới thành công, nên người.

Và quan trọng là phải

Kiểm soát bản thân mình

Đừng để cơn nóng nảy

Khiến người đời cười khinh.

Đôi khi ta phản ứng

Làm tổn thương đến người

Thực ra tổn thương nhất

Chính là lòng ta thôi!

Ứng xử trong cuộc sống

Hãy bằng tình yêu thương

Lòng vị tha cao thượng

Sự hy sinh, nhún nhường.

Mỗi việc nhịn một chút

Để gió lặng, sóng yên

Mọi sự lùi một bước

Biển rộng, trời cao thêm.

Hận thù đừng ghim giữ

Giận dỗi càng tua nhanh

Học từ – bi – hỷ – xả

Giữ đầu an, tâm lành.

Việc ấy là rất khó

Nhưng phải cố làm thôi

Cũng giống như buông bỏ

Chẳng đơn giản trên đời!

Thái Bá Tân

 

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Chết Thử

             Chết Thử

Năm 2012, ở Seoul, thủ đô Nam Hàn, có nhà Tang Lễ cung cấp một dịch vụ miễn phí là làm tang lễ cho người sống (Free funerals for the living). Không ngờ nhiều người hưởng ứng chương trình.  Từ đó đến nay (2012-2021), đã có trên 25000 người ghi danh tham dự.  Người có ý sáng lập thứ tang lễ này khi nhận thấy số người tự tử ngày càng nhiều nhât là độ tuổi từ 10-39 vì áp lực quá lớn từ học đường và từ công ăn việc làm, nên thấy cái sống quá mệt mỏi.  Mặt khác không ít người lớn tuổi không thấy mục đích tốt đẹp của đời sống nên thấy nhàm chán cuộc đời. 

Thường thường, cái gì nằm trong tầm tay thì người ta không thấy quý, khi mất đi hay suýt mất thì mới thấy trân quý.  Đời sống cũng vậy, ai có cơ hội chết đi sống lại, hay suýt chết mới thấy thời gian còn lại của cuộc đời là vô giá.  Nhiều người sau khi tham dự cuộc “chết thử” đã thay đổi được cái nhìn về cuộc sống. 

Mỗi buổi lễ kéo dài lối 4 tiếng đồng hồ.  Tất cả những người tham dự vào phòng họp.  Một diễn giả sẽ thuyết trình về ý nghĩa cuộc đời và cái chết.  Một video chiếu quang cảnh một bà sắp chết vì ung thư nói lời từ biệt với người thân.  Sau đó, mỗi người tham dự thay áo liệm, chụp hình lưu niệm, rồi bước tới ngồi cạnh quan tài của mình trong một hành lang đầy hoa cúc, viết chúc thư cùng những lời tạ từ cho gia đình, bạn bè.  Đoạn, đèn đuốc được chỉnh cho mờ ảo, trong khi đó, mỗi người tự bước vào chiếc hòm mở nắp, nằm xuống thư giãn.  Một nhân viên giúp che mắt người muốn thử chết bằng tấm vải đen, rồi nắp quan tài được đậy lại*.  Mỗi người suy nghĩ gì tùy ý, và sau 10 phút, nắp hòm được mở ra.  Mọi người được giúp đứng lên và bước ra từ “cõi chết”.  Phần lớn tham dự viên có vẻ xúc động với ngấn lệ đoanh tròng.  Sau biến cố này, nhiều người có vẻ “thắm thía” cuộc đời hơn.  Họ quý từng hơi thở, từng phút giây của đời sống. Họ yêu thương người khác hơn, họ tha thứ dễ dàng hơn, họ bớt khó chịu, bớt bắt lỗi bắt phải, bớt chỉ trích.  Họ coi việc lớn thành ra nhỏ, chuyện nhỏ thành ra không! 

Trong khi đó, bên trời Âu, ông Jon Underwood mở quán cà-phê Tử thần (Death Cafe) ở Đông Luân Đôn năm 2011.  Thực khách vào đó, ăn bánh ngọt, uống cà-phê, nói chuyện về cái chết một cách thẳng thắn, công khai và “can đảm”.  Ý kiến này được nhiều người thích và nhiều quán Death Cafes được mở ra ở nhiều xứ.

Quán tưởng cái chết khi đang sống cũng được nhiều triết nhân khuyên bảo.  Trong sách Truyền Đạo, vua Sa-lô-môn khuyên chúng ta:   Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng (chương 7, câu 2).  Càng lớn tuổi, chúng ta nhận ra là đi đến nhà quàn có phước hơn tới nhà hàng, tới đám tang có phước hơn tới đám tiệc.  Đứng trước thi hài người vừa nằm xuống, chúng ta nhớ lại cuộc đời của người và liên tưởng tới cuộc đời của mình mà suy nghĩ.  Cái chết nhắc nhở chúng ta về sự chóng vánh của đời người và chúng ta chỉ có một khoảng thời gian nhất định để sống và để yêu.

Điều đó có giúp chúng ta đánh giá lại những giá trị tạm thời và hư không của vật chất và giá trị lâu dài và không hư của tinh thần, của tâm linh?

Trong Bài Giảng Trên Núi lịch sử, Chúa Giê-su cũng đã phán dạy:

Của cải dưới đất hay hư,
Các con hãy nhớ đầu tư trên trời.

(Ma-thi-ơ 6:19-20)

Cước chú

*có lẽ, quan tài có lỗ thông hơi cho người nằm trong đó không bị ngộp.