Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Chết Thử

             Chết Thử

Năm 2012, ở Seoul, thủ đô Nam Hàn, có nhà Tang Lễ cung cấp một dịch vụ miễn phí là làm tang lễ cho người sống (Free funerals for the living). Không ngờ nhiều người hưởng ứng chương trình.  Từ đó đến nay (2012-2021), đã có trên 25000 người ghi danh tham dự.  Người có ý sáng lập thứ tang lễ này khi nhận thấy số người tự tử ngày càng nhiều nhât là độ tuổi từ 10-39 vì áp lực quá lớn từ học đường và từ công ăn việc làm, nên thấy cái sống quá mệt mỏi.  Mặt khác không ít người lớn tuổi không thấy mục đích tốt đẹp của đời sống nên thấy nhàm chán cuộc đời. 

Thường thường, cái gì nằm trong tầm tay thì người ta không thấy quý, khi mất đi hay suýt mất thì mới thấy trân quý.  Đời sống cũng vậy, ai có cơ hội chết đi sống lại, hay suýt chết mới thấy thời gian còn lại của cuộc đời là vô giá.  Nhiều người sau khi tham dự cuộc “chết thử” đã thay đổi được cái nhìn về cuộc sống. 

Mỗi buổi lễ kéo dài lối 4 tiếng đồng hồ.  Tất cả những người tham dự vào phòng họp.  Một diễn giả sẽ thuyết trình về ý nghĩa cuộc đời và cái chết.  Một video chiếu quang cảnh một bà sắp chết vì ung thư nói lời từ biệt với người thân.  Sau đó, mỗi người tham dự thay áo liệm, chụp hình lưu niệm, rồi bước tới ngồi cạnh quan tài của mình trong một hành lang đầy hoa cúc, viết chúc thư cùng những lời tạ từ cho gia đình, bạn bè.  Đoạn, đèn đuốc được chỉnh cho mờ ảo, trong khi đó, mỗi người tự bước vào chiếc hòm mở nắp, nằm xuống thư giãn.  Một nhân viên giúp che mắt người muốn thử chết bằng tấm vải đen, rồi nắp quan tài được đậy lại*.  Mỗi người suy nghĩ gì tùy ý, và sau 10 phút, nắp hòm được mở ra.  Mọi người được giúp đứng lên và bước ra từ “cõi chết”.  Phần lớn tham dự viên có vẻ xúc động với ngấn lệ đoanh tròng.  Sau biến cố này, nhiều người có vẻ “thắm thía” cuộc đời hơn.  Họ quý từng hơi thở, từng phút giây của đời sống. Họ yêu thương người khác hơn, họ tha thứ dễ dàng hơn, họ bớt khó chịu, bớt bắt lỗi bắt phải, bớt chỉ trích.  Họ coi việc lớn thành ra nhỏ, chuyện nhỏ thành ra không! 

Trong khi đó, bên trời Âu, ông Jon Underwood mở quán cà-phê Tử thần (Death Cafe) ở Đông Luân Đôn năm 2011.  Thực khách vào đó, ăn bánh ngọt, uống cà-phê, nói chuyện về cái chết một cách thẳng thắn, công khai và “can đảm”.  Ý kiến này được nhiều người thích và nhiều quán Death Cafes được mở ra ở nhiều xứ.

Quán tưởng cái chết khi đang sống cũng được nhiều triết nhân khuyên bảo.  Trong sách Truyền Đạo, vua Sa-lô-môn khuyên chúng ta:   Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng (chương 7, câu 2).  Càng lớn tuổi, chúng ta nhận ra là đi đến nhà quàn có phước hơn tới nhà hàng, tới đám tang có phước hơn tới đám tiệc.  Đứng trước thi hài người vừa nằm xuống, chúng ta nhớ lại cuộc đời của người và liên tưởng tới cuộc đời của mình mà suy nghĩ.  Cái chết nhắc nhở chúng ta về sự chóng vánh của đời người và chúng ta chỉ có một khoảng thời gian nhất định để sống và để yêu.

Điều đó có giúp chúng ta đánh giá lại những giá trị tạm thời và hư không của vật chất và giá trị lâu dài và không hư của tinh thần, của tâm linh?

Trong Bài Giảng Trên Núi lịch sử, Chúa Giê-su cũng đã phán dạy:

Của cải dưới đất hay hư,
Các con hãy nhớ đầu tư trên trời.

(Ma-thi-ơ 6:19-20)

Cước chú

*có lẽ, quan tài có lỗ thông hơi cho người nằm trong đó không bị ngộp.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét