Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Chuyện Trái Chuối Biết Nói

 

Chuyện Trái Chuối Biết Nói

Học trò trường tiểu học Kingston Elementary School ở Virginia Beach, mỗi bữa ăn trưa, thường thích thú đọc lớn lên rồi khoe nhau những lời viết trên trái chuối mà em nhận được trên mâm ăn.   Đây toàn là những lời hay ý đẹp nhằm mục đích đem lại niềm vui, khích lệ các em như :  Be Kind ! Be the Reason Someone Smiles ! Be Your Best Self ! Dream Big ! Follow Your Dreams ! You’re amazing ! Your Future is Bright ! Be a Great Friend ! Work Hard ! Live, Laugh, Love ; Reach for the Stars ! Inspire yourself and others ! Spread Love everywhere you go ! Show and Share your Worth ! 

Câu chuyện bắt đầu từ bà Stacey Truman, quản lý phòng ăn của  trường học, có 2 đứa con gái.  Mỗi ngày bà chuẩn bị hộp ăn trưa cho con, trên mỗi trái chuối bà viết lời thương yêu để động viên hai con.  Thấy hai con bà thích những trái chuối biết nói  “talking bananas” này, bà nghĩ đến việc đi đến trường sớm hơn, để 45 phút ra viết trên 60 trái chuối.  Việc làm này giúp các em thích ăn chuối hơn, ăn trưa vui vẻ hơn, và cũng truyền cảm hứng cho nhiều người lớn khác. 

Vợ chồng tôi thích ăn chuối mỗi sáng để chống táo bón (người cao niên uống nhiều thuốc dễ bị táo bón), nên cũng muốn viết lên vỏ chuối ít lời có ý nghĩa cho đời lên hương, hay cảm tạ Chúa còn cho mình hơi thở… Chúng tôi tìm ra được một danh sách 9 mỹ đức trong thư tín Ga-la-ti của ông Phao-lô, tại chương 5, gọi là Trái Thánh Linh, đó là : 1 lòng yêu thương, 2 sự vui mừng, 3 bình an, 4 nhẫn nhịn, 5 nhân từ, 6 hiền lành, 7 trung tín, 8 khiêm nhu, 9 tiết độ.   Đánh số trên mỗi mỹ đức, nên mỗi ngày chúng tôi viết trên trái chuối 1 hoặc 2 mỹ đức (hay là hạnh) tùy ngày trên lịch.

Như ngày 1 tháng 8 vừa qua, trái chuối chúng tôi được ghi là Tình Yêu Thương.  Dùng viết marker mực đen, hay đỏ, hay xanh viết trên nên vỏ chuối vàng trông rất đẹp.  Hôm ngày 1 đó chúng tôi có cả ngày suy gẫm về tình yêu thương, tình yêu của Thiên Chúa cho con người, của tiền nhân, của cha mẹ, của gia đình đối với mình và tình yêu của mình đối với Chúa, với tha nhân.   Ngày 2, chúng tôi suy gẫm sự vui mừng, nhắc nhau  “Don’t worry. Be Happy”,  “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay” (Châm Ngôn 17 :22), “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” (Laughter is the best medicine)…  Ngày 3, bao nhiêu phiền muộn như tiêu tan khi chúng tôi suy gẫm mấy chữ bình an màu xanh lá cây trên trái chuối.  Những ngày tiếp theo, cứ theo thứ tự cái danh sách Trái Thánh Linh mà suy gẫm. 

Tới ngày 10, gồm 1+0 = tình yêu  + ?  Số 0 nhắc chúng ta vạn sự giai không.  Tất cả sau cùng chỉ là hư không !  Vậy thì những gì ngoại thân mình thì không nên luyến ái, luyến tiếc.  Mà thứ ngoại thân độc địa nhất là lòng thù hận mình thường khư khư ôm nó trong lòng.  Vì vậy, số 0 nhắc chúng tôi nhớ tới lòng tha thứ,  khoan dung.  Ngày 10 là ngày thương yêu + tha thứ.  Trong khi tham lam + thù hận là động lực sống cho người thuộc xã hội đen ; thương yêu + tha thứ là hai nguồn năng lực giúp chúng ta thăng hoa, là 2 hạt giống tâm hồn giúp thánh hóa. 

Ngày 22 là ngày Vui Mừng x 2, suy ngẫm cái gì làm mình chất ngất niềm vui, một thứ niềm vui phát xuất từ nội tâm, không phụ thuộc vào ngoại cảnh.  Ngày 29 = vui mừng + tiết độ.  Tiết độ không những trong việc ăn uống, tiêu xài mà còn trong tình cảm, trong lời nói.  Ngày này nhắc chúng tôi vui trong sự chừng mực, một sự thỏa lòng trong đời sống.  Sự quá độ trong lời nói (như nói nặng lời người khác) sẽ làm chúng ta hối tiếc về sau. 

Từ ngày 1 đến ngày 9 : mỗi ngày trau dồi hạnh đơn, từ ngày 10 đến cuối tháng : trau dồi hạnh đôi (hay hạnh kép). 

Chuối là một loại trái cây bình dân, rẻ tiền, lại chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp ích cho cơ thể. Có 7 công dụng chính:

1.         Giúp tiêu hóa:  nhờ dồi dào fiber, đỡ phải dùng thuốc xổ;

2.         Giúp trí óc chậm lú lẫn nhờ Vitamin B6 (Pyridoxine)

3.         Tăng sinh lực: nhờ chứa 3 loại đường:  sucrose, fructose, glucose

4.         Giúp tim và hệ tuần hoàn: nhờ chất sắt (Iron), chất Potassium

5.         Tăng cảm giác hạnh phúc: nhờ chất Tryptophan chuyển qua serotonin

6.         Dưỡng da: nhờ chất manganese

7.         Làm chậm tiến trình lão hóa: nhờ những chất chống oxy-hóa

Chuối giúp ích cho cơ thể và những những mỹ đức (hạnh) ghi trên vỏ bổ tâm, bổ linh cho chúng tôi.  Vỏ chuối được tận dụng luôn: Có người xay thành smoothie để uống, có người xắt nhỏ, ngâm trong nước độ 2 tuần, dùng nước vỏ chuối để tưới cây, tưới hoa.  

Châu Sa - NSM  (Mùa Thu 2020) hiệu đính



Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Từ từ và Đều đều

Từ từ và Đều đều

Vào thập niên 1960, tại Sài-gòn, bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát có viết một bộ sách tên là “Một Vài Cảm Nghĩ của Người Thầy Thuốc, trong đó ông có nhắc đến tiêu ngữ “từ từ và đều đều” mà tôi thấy rất tâm đắc.

Khi tôi nấu  cháo mà nóng lòng để ăn thì thấy thời gian kéo dài vô tận, nên phải tự nhủ: “từ từ cháo mới nhừ”. 

Nhiều lúc mình cảm thấy lòng quá sốt ruột trong một công việc gì muốn thấy kết quả cho mau, nên phải dừng chân lại, chậm tay lại, tự nhủ: từ từ, từ từ. 

Khi mình dễ chán, mau bỏ cuộc, thì tự nhủ: cần phải đều đều, đều đều. 

Đã từ lâu,  “từ từ và đều đều” trở thành tiêu ngữ (slogan) nhắc nhở tôi sống mỗi ngày. 

Thực vậy, muốn an hưởng tuổi vàng, chúng ta cần chẫm rãi, thong thả, huỡn đãi, khoan thai … mà tránh gấp gáp, hối hả, vội vã, bươn bả…

Cần ăn uống chậm lại vì ăn nuốt mau sẽ dễ nghẹn, uống mau dễ bị sặc. Đi chậm  vì đi mau dễ té ngã.  Nói chậm lại vì nói nhanh sẽ nói lộn, nói liệu, nói lắp, nói lái.    

Điều quan trọng nữa là cần chậm giận.  Trước khi nói tới châm giận, chúng ta thử tìm hiểu loài máu nóng và loài vật máu lạnh.  Loài máu lạnh như loài bò sát, như cá, rắn thì ngày nay gọi là động vật “biến nhiệt” (poikilotherm), nhiệt độ cơ thể nó thay đổi theo môi trường chung quanh, nên thường mát lạnh.  Trái lại, với những loài động vật máu nóng hay “hằng nhiệt” (homeotherm), cơ thể luôn duy trì một nhiệt độ ổn định và thường cao hơn môi trường (do đó gọi là máu nóng) bằng các cơ chế cân bằng nội mô và điều hòa thân nhiệt. Lấy một ví dụ gần gũi nhất chính là con người. Khi lạnh chúng ta run cầm cập, động tác này sẽ làm ấm cơ thể. Ngược lại, khi thời tiết quá nóng, cơ thể sẽ tự động đổ mồ hôi để làm mát.  (Nhiệt độ bình thường ở người là 37 C hay 98.6F)

Theo nghĩa bóng con người có “máu lạnh” thì có thể giết người không gớm tay.  Còn nếu con người  dễ “nóng máu” là dễ giận, dễ nổi nóng, dễ nói hay làm những chuyện tai hại, đáng tiếc.  Một vài điều bất bình có thể làm chúng ta nổi giận, nóng máu, rồi sôi máu, tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên, thành mach máu dễ vỡ (nhất là người cao niên).  Những cơn sôi máu có thể gây chết người hay gây bại liệt.   Cơ-đốc nhân thường tự nhắc mình câu nhắn nhủ của Gia-cơ:  “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”  (mau nghe là sẵn sàng lắng nghe).  (1:19).

Trong bức tâm thư gửi cho tín đồ Ê-phê-sô, ông Phao-lô khuyên:  “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn”   (4:26)

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Trăm Mối Bên Lòng

Trăm Mối Bên Lòng

Sống trên đời, khi đối diện với tương lai bất định, người bình thường ai cũng có những điều khiến mình phải lo âu. Trẻ con dưới 5 tuổi thường sống vô tư, “ăn chưa no, lo chưa tới”.  Mọi nhu cầu thể chất có cha mẹ lo cho.  Chúng chỉ kêu lên khi cần.  Khi chưa biết nói thì biết khóc.  Khóc lúc đói, lúc khát, lúc thấy khó chịu trong mình.  Chừng tới tuổi đi học là bắt đầu lo.  Càng thêm tuổi  là càng thêm lo.  Thiếu nữ mới lớn bắt đầu yêu, lòng dạ như Thúy Kiều “Ngổn ngang trăm mối bên lòng”.

Trong gia đình, thường những người nữ lo nhiều hơn nam (có lẽ do bản năng làm mẹ, cần nhạy cảm với nhu cầu của con trẻ), con trưởng lo nhiều hơn con thứ nên chúng ta thường thấy chị Hai thường lo xa, còn cậu Út giỏi lo.. ra.  Con gái trưởng như chị Hai, quán xuyến gia đình, lo cho cha mẹ, lo cho các em, nên có câu tục ngữ: “Ruộng sâu, trâu nái, không bằng có con gái đầu lòng” và câu ca dao:

Một mình lo bảy, lo ba,
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.

Có đứa con biết lo, cha mẹ thấy mừng, ngược lai, cha mẹ thấy “mệt” với đứa con không biết lo. 

Bạn tôi có kinh nghiệm mừng và mệt này rất rõ.  Đứa con gái lớn biết lo, làm bài, học bài cẩn thận từ buổi chiều trước.  Cháu xem trước bài cô thầy sẽ giảng ngày mai.  Cặp sách đi học, quần áo đã được chuẩn bị sẵn sàng trước khi cháu đi ngủ.  Còn cậu Út, vì được cưng chiều, nên thường gặp “nước tới trôn mới nhảy”.  Sáng nào cậu cũng hối hả đi tìm cái cặp sách, tìm cây viết, lọ mực, sách vở…

Lo thường chia làm 2 loại, có cái lo tích cực và cái lo tiêu cực:

Những cái lo tích cực giúp mình giải quyết vấn đề:  lo liệu, lo nghĩ,  lo tính, lo toan, , lo xa…

Những cái lo tiêu cực không giải quyết được gì mà còn hại sức khỏe:  lo âu, lo buồn, lo lắng, lo phiền, lo rầu, lo sợ… như câu tục ngữ  “Lo bạc râu, rầu bạc tóc”, “Lo nát gan, bàn nát trí”.

Tuy nhiên, có những cái lo lẩm cẩm, vô ích là “lo bò trắng răng”, có cái lo vi phạm luật là “lo lót”.  Trong truyện Lục Vân Tiên, tác phẩm của cụ Đồ Chiểu, chúng ta thấy “lo lừa” trong câu 1007-1008 “Ngư ông đã có công đưa, Tới ngày sau sẽ lo lừa đền ơn.”  “Lo lừa” là tiếng xưa, có nghĩa như “lo liệu”.

Sách xưa có dạy: “Người không lo xa, ắt có mối phiền gần”  (Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu  ), Lê Văn Bình dịch thơ: 

Làm người chẳng biết lo xa, 
Hẳn là sầu muộn xảy ra cũng gần.

Lo xa một cách có ý thức thường hữu ích, nhưng lo quá xa vời như có người tích trữ tài sản để sống tới ngàn năm.  Một nhà thơ vô danh viết “Sinh niên bất mãn bách, Thường hoài thiên tuế ưu滿  Nguyễn Quê dịch thơ:  

Sống nào tròn được tuổi trăm,
Thích toan tính chuyện ngàn năm với đời.

Như vậy, chúng ta biết có thứ lo hữu ích cần giữ, và có thứ lo gây tai hại cần tránh.

Chúa Giê-su biết chúng ta có trăm ngàn mối lo cho tương lai, nên có lời khuyên:  Chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.  Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:34).  Chúng ta chi bằng trao gánh lo quá nặng cho Chúa:  “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các con được yên nghỉ”  (Ma-thi-ơ 11:28), và dốc lòng “tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33).  

Ông Phao-lô cũng có giải pháp giải quyết ưu phiền: Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).