Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

Hai Anh Giành Một Con Hàu

Hai Anh Giành Một Con Hàu

        Sau khi bài “Chuyện Quả Bứa” được gửi ra, có người cho biết câu chuyện này thoát thai từ bài thơ ngụ ngôn “L'Huître et les Plaideurs” của Jean de  La Fontaine.  

        Câu chuyện kể 2 ông đạo đi dạo trên bãi biển trông thấy con hàu nằm trên cát.  Cả hai đều thích món hàu tươi này.  Một người thò tay định nhặt, thì người kia vội ngăn và nói mình thấy trước, đáng được hưởng.  Người kia không chịu thua, nói minh có mắt tốt, mũi thính nên phải được hàu.  

        Chợt có ông “thầy giùi” đi ngang qua, 2 người nhờ xử kiện.  Thầy giùi nghe đầu đuôi câu chuyện, từ từ mở con hàu ra, đưa lên miệng lủm liền cô hàu tươi, trước sự ngạc nhiên, ngơ ngác của 2 chàng.  Thầy giùi nhai nuốt xong, tách vỏ hàu ra làm 2 mảnh, lên giọng quan án, phán:  “Hai chú đều có công nhận ra con hàu ngon miệng này nên xứng đáng mỗi người một mảnh vỏ, hãy về nhà mạnh giỏi.  Ta miễn cho án phí.

          Một bài học rất hay cho những người hay kiện tụng, hay tranh cạnh.  Chúng ta cũng thấy nhiều người để cho đã nư, bán đi con bò để tranh thắng kiện một con … sò. 

          Chúng tôi xin đăng bài thơ nguyên văn bằng tiếng Pháp, bài dịch ra tiếng Anh, bài dịch ra tiếng Việt đầu tiên của ông Trương Minh Ký (1884), bài dịch của ông Nguyễn Văn Vĩnh (1916) và bài dịch  của 2 ông Đỗ Khắc SiêmHà Khắc Nguyện (2009).

 

L'Huître et les Plaideurs

 Un jour deux Pèlerins sur le sable rencontrent

Une Huître que le flot y venait d'apporter :

Ils l'avalent des yeux, du doigt ils se la montrent ;

A l'égard de la dent il fallut contester.

L'un se baissait déjà pour amasser la proie ;

L'autre le pousse, et dit : Il est bon de savoir

Qui de nous en aura la joie.

Celui qui le premier a pu l'apercevoir

En sera le gobeur ; l'autre le verra faire.

- Si par là on juge l'affaire,

Reprit son compagnon, j'ai l'oeil bon, Dieu merci.

- Je ne l'ai pas mauvais aussi,

Dit l'autre, et je l'ai vue avant vous, sur ma vie.

- Eh bien ! vous l'avez vue, et moi je l'ai sentie.

Pendant tout ce bel incident,

Perrin Dandin arrive : ils le prennent pour juge.

Perrin fort gravement ouvre l'Huître, et la gruge,

Nos deux Messieurs le regardant.

Ce repas fait, il dit d'un ton de Président :

Tenez, la cour vous donne à chacun une écaille

Sans dépens, et qu'en paix chacun chez soi s'en aille.

Mettez ce qu'il en coûte à plaider aujourd'hui ;

Comptez ce qu'il en reste à beaucoup de familles ;

Vous verrez que Perrin tire l'argent à lui,

Et ne laisse aux plaideurs que le sac et les quilles.

— Jean de La Fontaine — Fables 1678


 THE OYSTER AND THE PLEADERS

One day two pilgrims on the sand meet
An Oyster, which the flood had just brought there:
They swallow it with their eyes, they show it to each other;
With regard to the tooth it was necessary to dispute.
One was already bending down to collect the prey;
The other pushes him, and says, "It is good to know
which of us will enjoy it."
Whoever was the first to see it
will be the gobbler; the other will see him do it.
- If by that we judge the case,
resumed his companion, I have a good eye, thank God.
- I don't have it bad too,
said the other; and I saw it before you, in my life.
- Well ! you saw her; and I felt it. "
All this beautiful incident
Perrin Dandin arrives: they take him for judge.
Perrin, very gravely, opens the Oyster, and nibbles it,
Our two gentlemen looking at him.
This meal is over, he said in the tone of a president:
“Here, the court gives you each a scale
Without cost; and may everyone at home go away. »
Put what it costs to plead today;
Count what is left for many families;
You will see that Perrin draws the money for him,
And leaves the litigants only the bag and the pins.

Unknown translator


 Con Hàu Với Những Kẻ Kiện Cáo

Ngày kia hai lão thầy chùa,
Gặp hàu trên cát, sóng đùa đem vô.
Tay đều chỉ, miệng đều hô;
Ấy nên sanh sự tăng đồ tranh ăn.
Người cúi lượm, kẻ cản ngăn,
Rằng: “Ăn cho biết phải chăng rạch ròi.
Thấy trước ăn, thấy sau coi.
Đáp rằng: Xử thế mắt tôi tỏ tường.
Rằng: đây mắt cũng rõ bường.
Lại thêm thấy trước tợ dường ai xui.
Đấy thấy trước, đây đánh mùi.”
Đang khi cãi lẫy thầy giùi đến coi.
Bèn xin chú nghĩ xét soi,
Chú bèn móc ruột ăn rồi mới phân:
“Một người một vỏ đồng cân,
Tha tiền câu lễ yên thân đi về.”
Vắn dài tiếng tục lời quê,
Kẻ khen cũng chướng, người chê mới kì!

Trương Minh Ký (1884)

 

Chú thích

1.   Rạch ròi: Cặn kẻ. Huình Tịnh Của giải thích là rẽ ròi, rõ ràng, tường tất, phân minh. Rạch ròi kẻ tóc chân tơ.

2.   Bường: bằng, từ chữ Hán bình mà ra. Sách báo Miền Nam còn viết "…ngợi cảnh thái bường."

3.   Thầy giùi: tiếng gọi kẻ mưu sự quấy, xui giục làm cho người ta kiện cáo nhau.

4.   Chú nghĩ: anh chàng.

5.   Tiền câu lễ: người coi về chuyện kiện cáo nho nhỏ trong làng trước khi chuyện được chuyển đến cấp cao hơn. Tiền câu lễ là tiền phải nộp cho câu lễ mỗi khi có chuyện phân xử. Để ý bài nầy về sau các ông Đỗ Thận, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim trong quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã tế nhị hơn viết truyện Quả Bứa đổi nhân vật thành hai người học trò tranh nhau quả bứa.

 

HAI NGƯỜI TRANH NHAU CON SÒ

Hai người đi trẩy hội chùa,
Qua nơi bãi cát, gặp sò nổi lên.
     Tay cùng trỏ, mắt cùng nhìn,
Mồm cùng muốn lẩm cùng vin lý già.
     Người cúi nhặt, kẻ liền la:
— Khoan, khoan! Hãy hỏi ai là đáng ăn?
     Cứ theo như lẽ công-bằng,
Ai mà thấy trước thì ăn đỡ thèm,
     Người kia phải đứng mà xem.
Đáp rằng:
     — Nếu vậy mà nên công-bình,
     Nhờ trời tôi mắt cũng tinh.
Cãi rằng:
     — Mắt tớ còn nhanh gấp mười,

Tớ thề tớ thấy trước rồi.
— Nhưng mà tao ngửi thấy mùi đã lâu! »
     Trong khi cãi-cọ cùng nhau.
Xẩy Quan Án nọ đi đâu qua đường.
     Đôi bên đem chuyện thân tường,
Xin quan phân-xử đôi đường trắng đen.
     Cầm sò quan đứng quan nhìn,
Tách đôi mảnh vỏ hút liền ruột trong.
     Khi quan vừa nuốt trôi xong,
Ngài bèn lên giọng Bao-Công phán truyền:
     Xử cho bên bị bên nguyên,
Quân-phân đôi vỏ, hai bên xử hòa
     Còn tiền phí-tổn thì tha.

                Thơ rằng:
        Kiện-tụng xưa nay tốn kém to,
        Chẳng qua đục nước chỉ nuôi cò,
        Mới hay gan ruột quan moi hết,
        Trơ lại còn đôi cái vỏ sò!

Nguyễn Văn Vĩnh  (1916)


Con sò và các tụng nhân

Hai lữ khách một hôm cùng thấy
Một con sò sóng đẩy đưa lên
Cả hai tay chỉ mắt nhìn
Miệng tuôn nước dãi, cùng thèm nên tranh
Giơ tay vói, một anh định nhặt
Anh bạn kia cản, giật tay ra
Nói rằng hai đứa chúng ta
Ai trông thấy trước mới là được ăn
- Theo điểm đó, mắt thần chính tớ
Anh kia rằng: "Mắt tỏ, nhất tôi
Tôi trông thấy trước hẳn hòi
Nói sai tôi chịu tội trời chết ngay"
- Anh trông thấy, tôi đây ngửi thấy
Giữa lúc này qua đấy một ông
Cả hai đem việc trình luôn
Ông này cầm lấy phanh tung con sò
Ông xơi ruột, còn cho đôi gã
Hai vỏ sò ông đã xé ra
Rồi ông lên giọng quan tòa:
- Cấm không tranh chấp, về nhà cả hai
Án phí tòa miễn không đòi

Gẫm xem kiện tụng xưa nay
Bao nhiêu tiền của vào tay quan tòa
Còn chi cho kẻ kiện thưa
Còn chiếc bị rỗng, sao mà không hay

 

Đỗ Khắc SiêmHà Khắc Nguyện (2009)

 


Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Chuyện Quả Bứa

             Chuyện Quả Bứa

Tháng 11 năm 2012, Dr. Oz lên truyền hình nói về một thứ trái cây có tên khoa học là Garcinia cambogia có tác dụng làm giảm cân nhờ chất Hydroxycitric acid (HCA), trích ra từ vỏ phơi khô của loại trái cây này. Sau lời quảng cáo của Dr. Oz, nhiều người, ngay cả minh tinh màn bạc, bắt đầu thử. Có người nói là kết quả tốt, có người nói là vô thưởng vô phạt. Tuy vậy, các hãng làm thuốc giảm cân bằng trái Garcinia cambogia (đọc diễu là Cấm Bố Già) kiếm được khá nhiều tiền.

Sau khi tìm hiểu, có người phát hiện ra thứ trái cây này chẳng qua là trái bứa (hay quả bứa). Cây bứa thường mọc hoang ở vùng cận nhiệt đới, Indonesia, Đông Nam Á, châu Phi. Quả có màu hơi vàng, xanh giống trái bí rợ nhỏ, có họ với măng cụt. Ở Việt Nam, nhiều người dùng trái bứa để nấu canh chua. Muốn diễn tả tánh bướng bỉnh, cố chấp, không phục thiện, người ta nói là ngang như cua, hay ngang cành bứa (vì cây bứa có cành mọc ngang).  Trong sách Quốc văn giáo khoa thư cho học trò nhiều thập niên trước có ghi chuyện Quả Bứa:


-Năm và Sáu cùng đan tay đi với nhau. Chợt đâu bắt được một quả bứa ở giữa đường. Hai cậu tranh nhau mãi. Năm thì rằng:  Quả bứa ấy của tao, vì mắt tao trông thấy trước.  Sáu thì rằng: "Của tao, vì tay tao nhặt lên được”.  Hai cậu to tiếng cãi nhau, giơ chân, giơ tay, chực sinh sự đánh nhau. Ngay lúc ấy có cậu Cả vừa đi qua, hai cậu vội mời lại để nhờ phân xử hộ.  Cậu Cả nghe đầu đuôi, cầm ngay lấy quả bứa, bảo hai cậu đứng sang hai bên. Đoạn, cậu móc túi, lấy con dao con, bổ quả bứa ra làm đôi, rồi làm bộ nghiêm trang mà nói rằng: "Năm, mày trông thấy quả bứa trước, mày lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt được quả bứa lên, mày lấy nửa vỏ này. Còn những múi bứa đây là phần tao cả, vì tao đã mất công khó nhọc phân xử việc này cho chúng bay.  Nói xong, cậu Cả bỏ bứa vào miệng rồi vừa đi vừa cười. Còn Năm và Sáu thì đứng trơ mắt ra đó.

Câu chuyện này là bài học cho chúng ta khi có mâu thuẫn nên dàn xếp với nhau nếu có thể được. Nhiều người nhờ luật pháp, tòa án giải quyết thì sau cùng thấy rằng không những đã tốn thì giờ, tiền bạc mà tình cảm cũng bị mất mát. Thánh Phao-lô qua thư thứ nhất gửi tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô nhắc nhở anh em khi có mâu thuẫn nên nhờ trưởng lão uy tín trong Hội Thánh phân xử hơn là nhờ người bên ngoài xử kiện. (1Cô-rinh-tô 6 :1-11). Nhiều nơi trong Kinh Thánh, chúng ta được nhắc nhở trao mọi oan ức cho Chúa vì Chúa là Đấng lập ra luật pháp, xử đoán kẻ sống và kẻ chết một cách công bình. (1Phi-ê-rơ 4:5; Gia cơ 4 :12a; E-sai 33 :22). Thánh Phao-lô cũng hơn một lần nhấn mạnh Đức Chúa Trời là Chúa của luật gieo-gặt hay luật nhân-quả. Ngài chí công, ai gieo chi thì gặt nấy. Ai gieo bất nghĩa thì gặp bất nghĩa; ai gieo công bình thì gặt công bình, không có thiên vị ai hết. “Vì trước mặt Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai đâu” (Rô-ma 2 :11).

Châu Sa  -Trích “Nếp Sống Mới” Đông – 2016


Nếu Có Thể

“Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.” - Rô-ma 12:18

“dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” - Ê-phê-sô 4:3

“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” – Ê-phê-sô 4:32

 “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” – Ga-la-ti 6:7

Nếu có thể, ta bỏ qua lầm lỡ,

Mà có lần, ai đó phạm đến ta,

Để tình thương tràn ngập hết mọi nhà,

Thì bạn nghĩ, ta có nên không nhỉ?

Nếu có thể, ta nhớ điều cao quý,

Từ mọi người, đã in dấu trong ta,

Để đến khi, gặp phải chuyện rầy rà,

Ngồi gẫm lại, mà dễ dàng tha thứ!

Nếu có thể, ta ra công gìn giữ,

Hết sức mình, hòa thuận với mọi người,

Sống nhân từ, rao Tình Chúa khắp nơi,

Để tất cả, nhận vào Ơn Cứu Rỗi!

Nếu có thể, ta sẵn sàng thay đổi,

Để lòng mình, không gian dối làm sai,

Nhưng gieo ra, hạt giống thánh trong Ngài,

Những việc thiện, giúp nhau khi cần đến!

Ta hãy sống, với tình yêu thân mến,

Nhìn Giê-xu, đã thương xót cứu ta,

Ngài thứ tha, mọi tội lỗi gian tà,

Cho ta sống, đời đời nhờ Ân Điển!

Ôi cảm tạ, Chúa toàn năng bất biến,

Xin Linh Ngài, luôn nhắc nhở chúng con,

Nguyện hết lòng, phục vụ chẳng mỏi mòn,

Cho Danh Chúa, tôn cao trên khắp đất!

Tiểu Minh Ngọc

 

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Thạch Thảo trong Sa Mạc

 Thạch Thảo trong Sa Mạc

            Nhắc tới thạch thảo, chắc nhiều người liên tưởng tới câu hát “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo” trong bài “Mùa Thu Chết” do Phạm Duy phổ nhạc bài “Lời Vĩnh Biệt” Bùi Giáng dịch từ bài thơ Pháp:  L’Adieu của thi sĩ Guillaume Apollinaire. 

            Bài thơ viết ngày 16 tháng 9 năm 1913 thi sĩ G. Apollinaire tưởng niệm một hồng nhan bạc mệnh từ 70 năm trước đó: nàng Léopoldine (28 August 1824 – 4 September 1843) là trưởng nữ của văn hào Victor Hugo, nàng cùng chồng chết vì tàu bị lật khi đi trên dòng sông Seine. Chính ngày 16 tháng 9 năm 1913 và sau đó, mỗi năm vào giữa tháng 9, thi sĩ đều mang cành lá bruyère đặt trên mộ nàng. Nguyên văn bài thơ nổi tiếng L'Adieu như sau:

J'ai cueilli ce brin de bruyère

L'automne est morte souviens-t'en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souvients-toi que je t'attends.

Guillaume Apollinaire (1880 – 1918)

            Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998) dịch bài thơ ra tiếng Việt:

Lời vĩnh biệt

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ một cách rất đặc biệt và bài hát Mùa Thu Chết” đã đi vào lòng nhiều người yêu thơ nhạc:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi !

Mùa Thu đã chết, em nhớ cho

Mùa Thu đã chết, em nhớ cho

Mùa Thu đã chết, đã chết rồị

Em nhớ cho ! Em nhớ cho,

Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!

Trên cõi đời này, trên cõi đời này

Từ nay mãi mãi không thấy nhau

Từ nay mãi mãi không thấy nhau ...

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi !

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.

Vẫn chờ em, vẫn chờ em

Vẫn chờ .... Vẫn chờ ... đợi em !

Nghe lời thơ rồi lời nhạc, chúng ta có cảm tường chàng thi sĩ si tình, hoài niệm người yêu mình mới mất, mà không dè, chàng viết cho một lão bà tiền bối mất mạng trước khi chàng sinh ra nhiều năm (70 năm).  Thi nhân có khác!



Trong Kinh Thánh, cụ Phan Khôi dùng chữ “thạch thảo trong sa mạc” diễn tả những cây sống chen giữa đá sỏi. Loài cây cỏ trong sa mạc, luôn thừa nắng, thiếu nước, đất rất ít, lại khô khan, không phì nhiêu, màu mỡ.  Thạch thảo cụ Phan Khôi dùng khác với thạch thảo mà nhà thơ Bùi Giáng dịch từ cành cây bruyère.  Loài thạch thảo khốn khó trong sa mạc ghi trong lời tiên tri Giê-rê-mi đoạn 17: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va. Nó sẽ như thạch thảo trong sa mạc, không thấy phước đến, nhưng ở trong nơi đồng vắng khô khan, trên đất mặn không dân ở. Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.”

Qua đoạn Kinh văn trên, chúng ta thấy nhà tiên tri phân biệt 2 loại cây: thạch thảo trong sa mạc và cây trồng nơi bờ suối, tượng trưng cho 2 nhóm người: Người ỷ cậy sức mình thì vất vả trăm bề, khó khăn, trở ngại lúc nào cũng vây quanh. Người biết sức mình có hạn, chịu nương cậy vào sức Chúa thì thuận lợi trăm bề, như cây mọc gần dòng nước mát, dù gặp ngày nắng gắt cũng nhờ có nước điều hòa thân nhiệt. Quang hướng động, thủy hướng động của cây đều được thuận tiện.

Người sống trong nhà Chúa sẽ tiếp tục hưởng phước; người chạy ra khỏi Chúa, sống như lãng tử bụi đời thì chắc không thiếu hoạn nạn.  Nhưng, tình thương yêu bao la của Chúa không bao giờ từ bỏ con cái Ngài, mà luôn mở vòng tay kêu gọi “Lãng tử hồi đầu”, ai ăn năn quay lại cùng Chúa cũng sẽ được tha thứ và chấp nhận.

Châu Sa (trích bài đã đăng trên Nếp Sống Mới Thu-2017)

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Mạnh Giỏi ?

Anh Ba có thói quen khi hỏi thăm sức khỏe của bạn bè thường nhắm vào 3 chức năng chính là: đi đứng, nói năng, ăn uống. 

Khi người bạn có thể đi đứng tự nhiên, không cần wheelchair, nói chuyện không phải dừng lại thở, nói không lạc đề, tự ăn uống được thì anh kể như sức khỏe của bạn còn tốt, còn mạnh khỏe.  Nhưng muốn anh kể như mạnh giỏi thì người ấy cần có tinh thần vui vẻ, thoải mái. Theo anh Ba, người có thể mạnh mà chưa giỏi khi còn cay đắng, ưu phiền, gút mắt trong lòng.  

Anh Ba kể trong đời anh đã chết hụt mấy lần, khi trong quân đội, khi ở tù cải tạo, lúc vượt biển, nên hiện nay anh rất quý sự sống.   Được ngày nào hay ngày nấy  (Đắc nhất nhật quá nhất nhật.) 

 Anh chị Ba nói mỗi buổi sáng, anh chị có nhiều cớ để cảm tạ, ngợi khen Chúa.  Khi vừa thức giấc thấy mình còn thở là biết mình còn sống.  (Nhiều bạn đồng niên đã ngủ luôn, không thức).  Cả đêm hô hấp rất cạn cợt, nên giờ đây anh chị thở chậm, đều, sâu chừng 5,10 lượt, vừa thở vừa tạ ơn Chúa.  Anh mở mắt ra, thấy rõ mọi vật chung quanh.  Tai còn nghe tiếng động, tiếng chim hót vang.  Ngày hè, anh cất tiếng hát vài câu bài “Hè Về” của Hùng Lân: “Trời hồng hồng sáng trong trong. Ngàn phượng rung nắng ngoài song.  Cành mềm mềm gió ru êm.  Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên. Đàn nhịp nhàng hát vang vang. Nhạc hoà thơ đón hè sang !

(https://lyric.tkaraoke.com/12993/he_ve.html#playMp3)

Chị hay cầu nguyện ra tiếng để biết chắc mình còn nói năng được:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời…”

Sau đó, anh chị mới để chân xuống giường, bước đi chậm rãi tới phòng tắm, rồi uống 1 ly nước trước khi làm vệ sinh cá nhân. 

Anh chị có một cái đồng hồ cát (hourglass) ở phòng ăn để nhớ mọi việc phải từ từ và đều đều.  

Anh uống cà phê, chị uống trà trong khi suy gẫm câu Kinh Thánh và câu chuyện của bài tĩnh nguyện hằng ngày (Our Daily Bread).  Bài này có tiếng Anh, tiếng Việt và có người đọc cho mình   nghe. Trước khi ăn sáng, anh chị nhắc nhau 1, 2 mỹ đức trong bông trái Thánh Linh.

            Hôm nay, ngày 2 tháng 7, anh chị suy gẫm về sự vui mừng.  Vui mừng vì còn hơi thở, còn sự sống.  Vui mừng vì hạnh phúc gia đinh, có con cháu quây quần.  Vui mừng vì được Chúa quan phòng mỗi bước đi, mỗi phút giây.  

Anh chị hay trích một câu trong sách Châm Ngôn: “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay;  Còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo” (17:22).