Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Thạch Thảo trong Sa Mạc

 Thạch Thảo trong Sa Mạc

            Nhắc tới thạch thảo, chắc nhiều người liên tưởng tới câu hát “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo” trong bài “Mùa Thu Chết” do Phạm Duy phổ nhạc bài “Lời Vĩnh Biệt” Bùi Giáng dịch từ bài thơ Pháp:  L’Adieu của thi sĩ Guillaume Apollinaire. 

            Bài thơ viết ngày 16 tháng 9 năm 1913 thi sĩ G. Apollinaire tưởng niệm một hồng nhan bạc mệnh từ 70 năm trước đó: nàng Léopoldine (28 August 1824 – 4 September 1843) là trưởng nữ của văn hào Victor Hugo, nàng cùng chồng chết vì tàu bị lật khi đi trên dòng sông Seine. Chính ngày 16 tháng 9 năm 1913 và sau đó, mỗi năm vào giữa tháng 9, thi sĩ đều mang cành lá bruyère đặt trên mộ nàng. Nguyên văn bài thơ nổi tiếng L'Adieu như sau:

J'ai cueilli ce brin de bruyère

L'automne est morte souviens-t'en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souvients-toi que je t'attends.

Guillaume Apollinaire (1880 – 1918)

            Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998) dịch bài thơ ra tiếng Việt:

Lời vĩnh biệt

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ một cách rất đặc biệt và bài hát Mùa Thu Chết” đã đi vào lòng nhiều người yêu thơ nhạc:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi !

Mùa Thu đã chết, em nhớ cho

Mùa Thu đã chết, em nhớ cho

Mùa Thu đã chết, đã chết rồị

Em nhớ cho ! Em nhớ cho,

Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!

Trên cõi đời này, trên cõi đời này

Từ nay mãi mãi không thấy nhau

Từ nay mãi mãi không thấy nhau ...

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi !

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.

Vẫn chờ em, vẫn chờ em

Vẫn chờ .... Vẫn chờ ... đợi em !

Nghe lời thơ rồi lời nhạc, chúng ta có cảm tường chàng thi sĩ si tình, hoài niệm người yêu mình mới mất, mà không dè, chàng viết cho một lão bà tiền bối mất mạng trước khi chàng sinh ra nhiều năm (70 năm).  Thi nhân có khác!



Trong Kinh Thánh, cụ Phan Khôi dùng chữ “thạch thảo trong sa mạc” diễn tả những cây sống chen giữa đá sỏi. Loài cây cỏ trong sa mạc, luôn thừa nắng, thiếu nước, đất rất ít, lại khô khan, không phì nhiêu, màu mỡ.  Thạch thảo cụ Phan Khôi dùng khác với thạch thảo mà nhà thơ Bùi Giáng dịch từ cành cây bruyère.  Loài thạch thảo khốn khó trong sa mạc ghi trong lời tiên tri Giê-rê-mi đoạn 17: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va. Nó sẽ như thạch thảo trong sa mạc, không thấy phước đến, nhưng ở trong nơi đồng vắng khô khan, trên đất mặn không dân ở. Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.”

Qua đoạn Kinh văn trên, chúng ta thấy nhà tiên tri phân biệt 2 loại cây: thạch thảo trong sa mạc và cây trồng nơi bờ suối, tượng trưng cho 2 nhóm người: Người ỷ cậy sức mình thì vất vả trăm bề, khó khăn, trở ngại lúc nào cũng vây quanh. Người biết sức mình có hạn, chịu nương cậy vào sức Chúa thì thuận lợi trăm bề, như cây mọc gần dòng nước mát, dù gặp ngày nắng gắt cũng nhờ có nước điều hòa thân nhiệt. Quang hướng động, thủy hướng động của cây đều được thuận tiện.

Người sống trong nhà Chúa sẽ tiếp tục hưởng phước; người chạy ra khỏi Chúa, sống như lãng tử bụi đời thì chắc không thiếu hoạn nạn.  Nhưng, tình thương yêu bao la của Chúa không bao giờ từ bỏ con cái Ngài, mà luôn mở vòng tay kêu gọi “Lãng tử hồi đầu”, ai ăn năn quay lại cùng Chúa cũng sẽ được tha thứ và chấp nhận.

Châu Sa (trích bài đã đăng trên Nếp Sống Mới Thu-2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét