Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 6)

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 6)

Sáng thứ sáu của tuần thứ hai, bà Liêm định giúp cho Nghĩa và Tiến tập đàm thoại Anh ngữ theo App 500 English Conversations.  Nhưng trước tiên, bà hỏi: “2 con tối qua có ngủ ngon không?” Nghĩa đáp: “Bà Năm ơi, tối hôm qua con cứ trằn trọc, suy nghĩ hoài câu Kinh Thánh nói về sự sống đời đời.  Con muốn nghe bà nói thêm chuyện này.”  Bà Liêm cười thật tươi, thốt lên “Cảm tạ Chúa”.  Bà giải thích là tối qua, bà đã cầu nguyện xin Chúa cho bà cơ hội để nói về ơn cứu rỗi cho Nghĩa và Tiến.  Bây giờ, bà biết là lời cầu xin của bà được Chúa nhậm khi biết Nghĩa sẵn sàng mở tai, mở lòng để nghe.  Bà tâm sự là bất cứ ai nhận được ơn sủng cứu rỗi từ Thiên Chúa đều khao khát muốn thuật lại cho bạn bè, thân nhân mình biết.  Nhưng điều này không phải dễ vì không ít người có thành kiến, hay dị ứng với Kinh Thánh, với Chúa Giê-su nên không muốn nghe nhắc đến.  Vì vậy, bà phải cầu nguyện thật nhiều để Chúa cho đúng người muốn nghe, đúng thời điểm để nói.  Chứng đạo không đúng thời điểm cũng giống như “mời người no ăn bánh bò”.  Có khi người nghe vì nể người nói mà tiếp nhận Chúa liền, thì kết quả sẽ không hay, kết cục giống như “Chuối non vú ép chát ngầm”.  Bà thích hình ảnh, bà già xách bị đi ngang cây thị, dòm lên thấy trái thị  chín mùi, chỉ đợi rụng.  Bà mở rộng miệng bao bị, mời: “Trái thị! Rớt bị bà già”.  Trái thị nghe lời mời, bèn gieo mình rớt tọt vào bị bà. 

          Bà Liêm bảo Nghĩa mở sách Sáng Thế ký, đọc chương 1, câu 1.  Nghĩa đọc: “Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”.  bà lại bảo Tiến, mở bộ GNT tiếng Anh, tìm sách Genesis, chapter 1, verse 1, đọc lên: “In the beginning, when God created the universe…” Bà giải thích theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời, mà mình thường gọi tắt là ông Trời, tạo ra vũ trụ vạn vật muôn loài, giống nào theo giống nấy, trong đó có con người. 

Đức Chúa Trời tạo dựng con người, nhưng con người có biết ơn không?  Không.  Họ chống lại Chúa, phỉ báng Chúa.  Chống lại Đức Chúa Trời là tội trọng, linh hồn không được trở về với Chúa, Kinh Thánh nói là hư mất.  Linh hồn nào trở về với Chúa là được sự sống đời đời, Kinh Thánh gọi là sự cứu rỗi. 

Bà trình bày chương trình cứu rỗi một cách đơn giản, bằng cách dùng 5 ngón tay trong một bàn tay.  Ngón cái tượng trưng cho sự cứu rỗi, hay sự sống đời đời mà Nghĩa đang muốn tìm hiểu và khao khát nhận.  Ngón giữa là ngón tay cao nhất tượng trưng cho Đức Chúa Trời (ĐCT).  ĐCT luôn luôn muốn ban cho nhân loại món quà cứu rỗi.  Nhân loại có nhận quà này dễ dàng không?  Không đâu.  Từ ngón giữa qua ngón cái bị kẹt ngón trỏ.  Ngón trỏ tượng trưng cho tội lỗi của con người, làm chướng ngại vật không cho con người nhận quà từ ngón giữa (ĐCT).  Bà hỏi Nghĩa và Tiến có nhớ sự mâu thuẫn giữa tình yêu thương thế gian và tính thánh khiết của ĐCT ngày hôm qua bà nói không?  Con người bất lực trước sức mạnh của tội lỗi, có người muốn làm điều lành nhưng điều ác cứ vấn vương, xui giục.

Để giải quyết, ĐCT sai con một của Ngài là Chúa Giê-su, mà ngón áp út tượng trưng, hy sinh chịu chết, huyết Chúa Giê-su là của chuộc tội cho nhân loại.  Sự cứu chuộc chỉ hiệu nghiệm khi người nào hiểu và nhận huyết Chúa tẩy sạch hết tội lỗi của mình.  Ngón tay út tượng trưng cho đức tin của chúng ta.  Hai con có tin điều đó không, có nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của đời mình không?  Cả hai Nghĩa và Tiến đều muốn tin nhận.  Bà cầu nguyện cho 2 đứa.  Bà nói từ nay, Thánh Linh sẽ ở cùng 2 con và gieo những hạt giống của Trái Thánh Linh vào lòng để các con trở nên người mới.  Bà nói Nghĩa và Tiến nên tới nhà thờ mà Mục sư Quân, em ông Tùng, làm quản nhiệm để bày tỏ đức tin trước mặt mọi người vì Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi của con một cách tỏ tường thì ĐCT muốn các con công bố niềm tin trong Cứu Chúa một cách công khai. 

Những gì bà nói hôm nay chỉ là sơ lược, 2 con cần đọc Kinh Thánh thường xuyên, mỗi ngày ráng đọc được 1 chương, đi thờ phượng Chúa mỗi tuần, kết bạn thông công với anh em trong Hội thánh.

Vừa lúc đó, ông Tùng xuất hiện, thông báo “Tới giờ Ngọ rồi, mời bà chị và 2 cháu ra phòng ăn.  Hôm nay, mình ăn Lẩu Vịt Om Sấu Khoai Sọ. À, chị Liêm có ăn món này chưa?”  Bà Liêm: “Chưa, nhưng tôi sẵn sàng thử” .

Chiều hôm qua, bà Liêm tìm trên internet mới biết đây là món ăn đặc biệt của người miền Bắc vì cây sấu mọc rất nhiều và dễ trồng ở miền Bắc, có lẽ do khí hậu thích hợp.  Trái sấu nhỏ hơn trái cóc, có vị chua đặc biệt, người ta hay dùng làm ô-mai sấu, nấu canh… Còn chữ “Om” có lẽ đồng nghĩa với “Um” là nấu lửa nhỏ, hầm lâu.  Nghe qua lời giải thích của bà Liêm, cả hai cậu thanh niên đều háo hức muốn thử.  Ông Tùng cho ăn lẩu với bún.  Lủa than giữa lò lẩu còn cháy đỏ, nước lèo đang sôi, một mùi thơm dễ chịu bay tỏa quanh bàn ăn.  Bà Liêm xin phép cầu nguyện cảm tạ Chúa cho bữa ăn, cảm tạ lòng tốt của ông Tùng thết đãi hôm nay một món ăn lạ miệng.  Sau đó, mọi người cầm đũa.  Món lẩu vịt này được ông Tùng chăm chút khi nấu nên ăn rất ngon miệng.   Miếng thịt vịt được om đúng độ nên rất mềm, hòa cùng vị sấu chua chua, khoai sọ bùi bùi, nước dừa ngọt, beo béo, thêm vị cay của ớt, mùi thơm của gừng, của sả.  Thịt vịt chấm nước mắm gừng.  Tất cả đánh vào thị giác, khứu giác, vị giác tạo nên một món ăn hợp khẩu tuyệt vời.

Ông Tùng cám ơn mọi người sẵn sàng thử món lạ.  Ông vui khi người ăn tận tình thưởng thức món ông nấu.  Gặp người kén ăn, người khó ăn, ông thấy như mất hào hứng nấu nướng.  Bà Liêm kể chuyện ông trưởng ban cao niên Hội thánh bà ở Mỹ, mỗi lần cả nhóm đi ăn buffet ở nhà hàng, ông nhắc mọi người cứ mạnh dạn thử nhiều món, món nào thấy không ngon thì ăn ít, món ngon thì ăn nhiều.  Ông thường ngâm to 2 câu thơ:

Ăn được bao nhiêu là lãi đấy,

Nếu không ăn thiệt ấy ai bù?

                    Trước khi chia tay, ông Tùng nhắc mọi người nhớ đi thờ phượng sáng mai.

Châu Sa ghi


Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 5)

 Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 5)

Ngày thứ năm của tuần thứ hai, bà Liêm giúp cho Nghĩa và Tiến tải vào iPhone và iPad các App 500 English Conversations, App Holly Bible (YouVersion).  Bà giải thích khi bà sang Mỹ, tìm cách trau dồi Anh ngữ, bà nhớ lại thân mẫu bà ngày xưa dùng sách “Minh Tâm Bảo Giám” là sách châm ngôn hay là sách học làm người để học chữ Hán, nên bà nghĩ cách dùng Kinh Thánh để học tiếng Anh.  Bà đã được khuyên dùng bản GNT (Good News Translation) đối chiếu với bản Kinh Thánh tiếng Việt để học.  Quyển Kinh Thánh gồm 66 sách, mỗi sách chia ra nhiều chương, mỗi chương chia nhiều câu đánh dấu rõ ràng, nên đọc đối chiếu qua lại rất dễ.

Nghĩa hỏi: “Bà Năm thường hay nhắc đến Kinh Thánh, vậy có phải Kinh Thánh là sách gối đầu giường của bà?” Bà Liêm (thứ Năm) tươi cười cho biết Nghĩa dùng chữ “sách gối đầu giường” là chính xác.  Trước khi ngủ, bà đọc 1 chương, sáng thức dậy, bà đọc 1 chương.  Tiến thắc mắc: “Bà Năm ơi, Kinh Thánh chắc kể chuyện về các ông thánh, bà thánh hả bà?”  Bà Liêm đáp: “Cũng có một phần, lúc trước bà cũng nghĩ như vậy, nhưng sau một thời gian đọc và học, bà có thể nói một cách tổng quát:  Kinh Thánh là một bức thư tình, kể chuyện tình Trời đối với đất, tình Thiên đình đối với người trần thế, tình yêu vô đối của Đấng Sáng Tạo với nhân loại là vật thọ tạo của Ngài.  Đọc sâu hơn, bà thấy sự mâu thuẫn giữa tình yêu Thiên Chúa và tội lỗi thế gian.   Khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian, con người mất đi bản tánh thương yêu mà Thượng Đế ban cho, toàn bộ nhân cách gồm lý trí, ý chí và tình cảm bị bẻ cong quẹo nên trở thành những người tham lam, thù hận.  Vì tham và thù, người ta sẵn sàng giết chóc.  Ngay cả có người giết hàng loạt người vô can, họ giết một cách hả hê, thích thú.  Họ như mất cả nhân tính, không nói chi  đến thiên tính.  Kinh Thánh cho biết tội lỗi phải trả giá là linh hồn tội nhân không được trở về với Đức Chúa Trời mà bị hư mất đời đời.  Đức Chúa Trời có hai bản tánh:  1thương yêu và 2thánh khiết, hàm ý công bình, chí công vô tư. 

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta lắm lúc gặp hoàn cảnh mâu thuẫn khó giải quyết cho vẹn đôi đường, gọi là:  “tình lý lưỡng nan toàn”.  Có người khó xử giữa “bên tình, bên hiếu”; có người lúng túng giữa tình yêu và kỷ luật đối với một đứa con ngỗ nghịch… Một ông quan tòa nhân từ dễ bị kẹt giữa tình thương và pháp luật khi xử án.  Nếu nặng về tình thương thì dễ bẻ quẹo công lý, nếu nghiêng quá về pháp luật thì sẽ “thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”.   

Bây giờ, ông Tùng lên tiếng nhắc câu chuyện một ông thẩm phán có cách xử án rất lạ ở New York năm xưa, được nhiều người thích và hay kể lại.  Bà Liêm mời mọi người nghe câu chuyện:

Thẩm Phán  Xử Án Cụ Bà

Mùa đông năm 1935 là khoảng thời gian mà nền kinh tế của nước Mỹ tiêu điều nhất. Không khí ảm đạm bao trùm toàn bộ thành phố New York, nơi cư ngụ của những đứa trẻ lang thang, những mảnh đời vất vưởng, và những gia đình túng thiếu không có bữa ăn no…

Vào một đêm lạnh giá giữa tháng 1/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất New York. Đứng ở vị trí thẩm phán là Thị trưởng của thành phố, ông Fiorello LaGuardia.  Nguyên cáo là chủ lò bánh mì và bị cáo là một bà lão đã gần 60 tuổi, áo quần cũ rách cùng với dáng vẻ sầu não.  Gương mặt tiều tụy của bà hiện lên vẻ xấu hổ, bà đã bị buộc tội ăn cắp một ổ bánh mì.

Thị trưởng Fiorello LaGuardia, cũng là quan tòa, hỏi: “Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?”  Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp: “Vâng thưa quan tòa, tôi đã lấy trộm”.

“Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói không?” – quan tòa lại hỏi.  “Thưa quan tòa, tôi rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy”, bà lão trả lời, “Con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa cháu ngoại đang chết đói… Tụi nó đói lắm…” Nói đến  đây bà bật khóc.

Bà lão nói xong, đám đông trong phòng xử án vang lên tiếng xầm xì bàn tán.

Ông Thị trưởng thở dài.  Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão, nói: “Bị cáo, tôi phải xử phạt bà vì luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ một ai.  Bà có 2 lựa chọn, và bà phải chọn 1 trong 2.  Bà hoặc là nộp phạt 10 đô-la, hoặc bị giam 10 ngày trong tù.”

Bà lão đáp: “Thưa quan tòa, tôi thích đóng tiền phạt hơn đi tù.  Song, nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng (bà thổn thức).. con gái và hai cháu tôi, ai sẽ chăm sóc chúng đây?”

Ông Thị trưởng rút trong túi ra 10 đô-la rồi bỏ vào chiếc mũ lật lên của mình.  Ông trịnh trọng nói:  “Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà được tự do!” Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: “Bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt mỗi người. Tiền phạt để trừng phạt cho sự thờ ơ, hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa cháu sắp chết đói”. Ông quay sang và đưa chiếc nón cho một nhân viên pháp đình (Bailiff), nói:  “Pháp Cảnh, hãy đi thu tiền phạt và trao tất cả cho bị cáo”.

Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa khi ấy đều không khỏi kinh ngạc. Không khí  lặng im như tờ. Trong phút chốc, tất cả mọi người lặng lẽ đứng lên, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ông Thị trưởng.

Ngày hôm sau, tất cả các tờ báo của thành phố New York đều đồng loạt đưa tin về sự kiện lạ lùng này: 47 đô-la tiền phạt đã được trao cho một bà lão nghèo khổ, từng ăn cắp bánh mì để nuôi những đứa cháu đang chết đói của mình. Ngay cả người chủ lò bánh mì, cũng như các quan khách và cảnh sát trong thành phố, đều sẵn lòng nộp phạt 50 xu sau đó.

Đó là câu chuyện về ông Thị trưởng Fiorello LaGuardia, cũng là người đã đưa New York vượt qua những tháng ngày đen tối nhất của cuộc Đại khủng hoảng kinh tế.  Ông được người dân New York yêu mến gọi bằng cái tên “Bông hoa bé nhỏ” vì chiều cao khiêm tốn 5’2” và cái tên Fiorello (trong tiếng Ý, “Fiorello” nghĩa là “bông hoa nhỏ”).  (ST)

Dù hoàn cảnh của bà cụ rất đáng thương, nhưng quan tòa vẫn phải xử phạt, bởi luật pháp luôn công minh và không có ngoại lệ đối với bất kỳ ai.  Tuy nhiên, ông thẩm phán lại là người bỏ tiền ra trả tiền phạt để bà cụ không phải ngồi tù. Sau đó, bất ngờ hơn, ông còn tiếp tục xử phạt, nhưng không phải bà lão, mà là tất cả những ai đang chứng kiến sự việc, những con người thờ ơ, vô tâm, khiến một bà lão nghèo phải đi ăn cắp bánh mì nuôi cháu.  Cách xử án của vị thẩm phán  có vẻ ngược đời, nhưng lại khiến tất cả mọi người xúc động và ngợi khen.

Bà Liêm lại nói tiếp: “Khi bà đọc câu chuyện này, bà tự hỏi không biết ông Thị trưởng khi xử án này có nghĩ đến cách Đức Chúa Trời giải quyết mâu thuẫn giữa tình thương và công lý bằng cách ban con một của Ngài là Chúa Giê-su, xuống trần để chịu tội thay cho nhân loại.  Nhân đó, ai tin vào điều này sẽ được trắng án, linh hồn sẽ đoàn viên với Đức Chúa Trời sau khi thân xác lìa đời.  Một câu Kinh Thánh trong sách Giăng, chương 3, câu 16 được nhắc tới thường xuyên: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

          Bà Liêm nói đến đây thì khách vào nhà hàng khá đông để ăn trưa, ông Tùng xin phép lui ra để phụ công việc nhà hàng.  Trước khi đi ra, ông ngỏ lời mời 3 người ăn trưa ngày mai.  Ông nói sẽ đãi món “lẫu vịt om sấu khoai sọ”.  Ông Tùng thấy mọi người có vẻ ngơ ngác với cái tên thức ăn khá lạ, bèn nói: “Ngày mai, tôi sẽ giải thích nguồn gốc món này.”

(Còn Tiếp) 

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 4)

 Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 4)

Ngày thứ tư của tuần thứ hai,  Bà Liêm, Nghĩa và Tiến, bạn của Nghĩa, đến quán ông Tùng để sắp xếp một phòng phía Tây mà ông Tùng cho phép sử dụng để làm phòng học.

Nguyên do là ngày hôm trước bà Liêm hứa dạy cho Nghĩa internet và Anh ngữ.  Nghĩa sẽ mua một laptop, sách học và xin rủ thêm vài bạn tới cùng học.  Phòng này có bàn, ghế cho 20 người, có internet.  Các hội đoàn của cộng đồng thường hay mượn để họp hành.  Trên tường có treo tấm tranh hình con hạc đậu trên lưng con rùa, có tấm bảng thực đơn 9 món.  

Nghĩa đọc bảng thực đơn, bỗng bật cười vì những món này không ăn được gồm có: 1Yêu thương, 2Vui mừng, 3Bình an,  4Nhẫn nhịn, 5Nhân từ, 6Hiền lành, 7Trung tín, 8Khiêm nhu, 9Tiết độ.  Cuối bảng ghi là Trái Thánh Linh

Thực đơn này hoàn toàn khác với thực đơn 9 món mà Nghĩa và vị hôn thê định đãi tại nhà hàng chuyên về yến tiệc.  9 món đó là:  4 món khai vị, 4 món ăn chính, món thứ 9 là bánh tráng miệng.  Bốn món khai vị gồm súp, gỏi, nem chua, tôm chiên.  Bốn món chính là Thảo, Thú, Cầm, Ngư: Thảo là rau cải xào nấm đông cô, bào ngư, dầu hào; Thú là món có thịt bò hay heo; Cầm là chim bồ câu quay hay là gà; Ngư là món cá, cua, sò, ốc. 

 Bà Liêm xem qua bảng rồi giải thích đây là thực đơn tâm linh nói đến 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh, ghi trong thư Galati của Kinh Thánh.  Chín mỹ đức này người Tin Lành rất quý và thường để ý tập tành.  Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là Yêu thương.  Tình yêu thương là chất keo nối liền người này với người khác.  Tình yêu thương xóa hết hận thù.  Tình yêu xóa bỏ mọi ranh giới, rào cản vì đưa con người đến sự thông cảm nhau. Tình yêu là sức sống, là nghị lực, là ánh sáng của trần gian. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện, rất bao la, rất vĩ đại.  Tình yêu thương là mỹ đức dẫn đầu, từ đó phát sinh các mỹ đức tiếp theo. 

Bà Liêm nói tới đó thì ông Tùng mang dĩa bánh pía và bình trà vô mời.  Bà Liêm ngỏ lời cám ơn rồi hỏi ông: “Xin lỗi, ông anh là người Tin Lành?” Ông Tùng gật đầu cười, hỏi lại sao bà biết?  Bà Liêm: “Có 3 điểm, thứ nhất là tôi không thấy tượng ông Địa, hay Thần Tài trong nhà hàng này; thứ hai, quan sát cách ông tiếp khách, cách ông xử thế, làm tôi nhớ tới câu gốc trong Cô-lô-se chương 3: ‘Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta’; thứ ba, là bảng thực đơn tâm linh về 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh này.” 

Ông Tùng cho biết các vị cao niên trong Hội thánh ông đang sinh hoạt thường tới họp trong phòng này từ 3 đến 4 giờ chiều.  Các ông bà chia sẻ niềm tin cho nhau, cầu nguyện và đố Kinh Thánh với nhau.  Nhiều người lớn tuổi, cô đơn, con cái ở xa, có người lại mất vợ, mất chồng nữa.  Họ có giờ nhóm họp, sinh hoạt, thông công, nâng đỡ đức tin cho nhau thật là quí báu.  Ông mời bà Liêm tới dự nhóm này cho vui.  

Nghĩa tỏ ý thán phục, hâm mộ tinh thần phục vụ người khác của ông Tùng và bà Liêm.  Ông Tùng nói chính Nghĩa cũng có tinh thần đó khi cho bạn mượn tiền mua laptop để học.  Ông nói cả ba ta đều làm việc nghĩa.  Bà Liêm hỏi ông Tùng có nhớ tên người là thủ hạ của Mạnh Thường Quân, đi chợ mua điều NGHĨA cho chủ không? Ông nói đó là Phùng Huyên, và ông kể cho Nghĩa và Tiến nghe chuyện về nhân vật này.   

Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quân (MTQ) là tướng quốc nước Tề.  Một hôm MTQ nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: “Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?”. MTQ bảo: “Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về”.

Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế.  Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.

Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.

Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: “Mua điều nghĩa thế nào?”. Họ Phùng đáp: “Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy”.  MTQ nghe vậy, không nói gì.

Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: “Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy”.

Bà Liêm thêm ý: “Trong Luca chương 16, có ghi lời Chúa Giê-su dạy môn đồ hãy dùng của phù vân để kết nghĩa.”  Ông Tùng thêm: “Học cách tận dụng của cải vật chất đời này một cách hữu ích cũng quan trọng lắm.”

 

(Còn tiếp)

 

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 3)

 Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 3)

 Ngày thứ nhì của tuần thứ hai, Nghĩa đề nghị trở lại quán ông Tùng để ăn trưa.  Nghĩa nói vì ông vui tính.  Bà Liêm đồng ý, nói quán này sạch, nhiều món ăn ngon, chủ quán ân cần, chu đáo và hào sảng.  Ông có vẻ là người học rộng, hiểu nhiều.  Quán có internet miễn phí nữa, hôm qua bà dùng điện thoại thông minh lúc ăn trưa trong quán mới biết. 

Bà nhắc câu chuyện hôm qua khi bà cắt cái bánh pía ra làm 4, so sánh với cuộc đời lấy trăm năm là hạn, 4 phần ví với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của đời người.  Từ 1-25 tuổi là mùa Xuân; 26-50 là mùa Hạ; 51-75 là mùa Thu; trên 75 tới ngày lìa đời là mùa Đông. Bà Liêm, ông Tùng vào tuổi cuối Thu, thời gian này nếu còn sức khỏe, còn đi đứng, nói năng, ăn uống được là có phước.  Họ đã thu thập một vốn kiến thức, kinh nghiệm, sự khôn ngoan từ mấy thập niên qua nên có thể truyền thụ lại cho thế hệ sau. Như người ta hay chiêm ngưỡng cảnh lá cây đổi màu vàng rực rỡ vào cuối Thu, thì tuổi 65-75 phải là tuổi đẹp nhất của đời người.  Tóc tuy hoa râm hay bạc trắng, thân thể có già đi, có mệt mỏi, đau nhức, nhưng trí óc còn sáng suốt, tinh thần còn vững chãi, tâm linh còn tấn tới thì đó không phải là món đồ cũ sắp vứt mà là món đồ cổ quý giá đáng trân trọng, bảo tồn.  Câu nói của ông Phao-lô trong thư gởi cho Hội thánh Corinth diễn tả ý đó: “dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (2 Cô-rinh-tô 4:16).

Bà Liêm xin lỗi Nghĩa là bỗng nhiên lại lan man về tuổi già khi đang trà đàm với người trẻ.  Bà nhắc lại người tuổi trẻ như Nghĩa nên tìm ý nghĩa cuộc đời cho mình.  Bà kể chuyện về ông Viktor Frankl, một bác sĩ người Áo gốc Do Thái (được đăng trên Nếp Sống Mới Thu 2015).  Ông sinh năm 1905, mất năm 1997 tại Vienna, Áo.  BS Viktor Frankl chuyên về thần kinh và tâm thần (neurologist and psychiatrist) trị bệnh cho người bị tâm thần, cùng những người trầm cảm có ý định tự tử.  Ông khai sáng một phương pháp trị liệu cho người tuyệt vọng, gọi là Logotherapy, có thể dịch ra tiếng Việt là Ý Nghĩa Trị Liệu.  Ông nhận thấy những người thất vọng, tuyệt vọng nếu họ bám được một chút hi vọng nào đó thì họ ít tìm đến cái chết.  Ý Nghĩa Trị Liệu giúp bệnh nhân tìm ra ý nghĩa cuộc sống giúp họ có thể phấn đấu tiếp để… sống.  Ông đồng ý với Friedrich Nietzsche:  “He who has a why to live for can bear with almost any how”  (Ai biết lý do mình sống sẽ chịu đựng được mọi hoàn cảnh dù khó khăn thế nào đi nữa.)

Năm 1942, cùng với cha mẹ và vợ chồng người anh trai, vợ chồng ông bị bắt vào trại tập trung của Đức Quốc Xã tại Bohemia, Tiệp Khắc, sau đó họ đưa ông vào 3 trại khác.  Như những tù nhân khác, ông bị đối xử rất tàn tệ.  Nhiều người thấy cái chết trước mắt là sẽ bị lùa vào lò hơi ngạt nên họ buông xuôi, mất sức phấn đấu.  Những người này chết trước khi bị giết.  Lúc đó, BS Viktor Frankl thấy ông có 3 lý do để sống là 1gặp lại vợ, 2viết lại luận án Logotherapy, mang tên tiếng Anh là “The Doctor and The Soul” (vì bản thảo của ông bị tịch thu), và 3dùng Ý Nghĩa Trị Liệu giúp cho các bạn đồng tù.  Chỉ cần hỏi những người bạn này về gia đình của họ là bao kỷ niệm ập về, là họ tìm được niềm tin yêu và hi vọng để sống.  Ông may mắn được đồng minh cứu thoát vào tháng 3 năm 1945 trong khi cha mẹ, anh chị và vợ đã chết hoặc vì kiệt sức, đói khát hay trong lò hơi ngạt.

Năm 1946, ông viết một tác phẩm bằng tiếng Đức,  dịch ra tiếng Anh là “Man’s Search for Meaning”, được dịch ra nhiều thứ tiếng.  Sau đó ông viết thêm nhiều sách khác để quảng bá Logotherapy.  Tư tưởng tích cực, lạc quan, tìm ý nghĩa cuộc sống của chính mình đã giúp nhiều người tìm lại được sức mạnh tinh thần để sống tiếp.  Nhiều người đọc tác phẩm của ông mà thay đổi cái nhìn, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cuộc đời.  Họ đã tâm sự:

-  Tôi mất chồng 2 năm rồi mà vẫn còn thấy hụt hẫng, hay trách chồng sao bỏ mình đi quá sớm.  Sau khi đọc Logotherapy, tôi nghĩ nếu hoàn cảnh đổi khác, tôi mất trước chồng, thì thật tệ hại cho ông vì ông không thể vô bếp nấu ăn.  Ông không kiên nhẫn với trẻ con nên không giúp gì cho các cháu.  Bây giờ, tôi thấy sự chết trễ của mình có ý nghĩa là hy sinh cho chồng và cho con cháu.  Tôi thấy được lý sống và lẽ sống.  Lý sống là săn sóc các cháu tôi, lẽ sống là niềm an ủi cho người khác.  Với những người tôi tiếp xúc, tôi truyền sứ điệp tin yêu và hi vọng. 

- Tôi nay đã về hưu.  Tôi có thú tiêu khiển xử dụng internet, tôi khuyến khích, giúp đỡ cho các cụ biết cách dùng laptop, tablet, điện thoại thông minh

- Tuy bị stroke, không dùng được tay phải, tôi kiên nhẫn tập dùng tay trái.  Tôi vẫn theo đuổi thú vui của mình trong việc nấu ăn, làm bánh.  Quả thật, một tay với thái độ đúng vẫn hơn người còn đủ 2 tay với thái độ sai. 

-  Điều tôi học được từ BS Frankl là: “Những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, những kinh nghiệm chúng ta trải qua dù đau khổ hay vui sướng đều có thể tạo thành tài sản quí báu (asset) cho tương lai chúng ta.”  Ý nghĩa cuộc đời của ông là giúp cho người khác tìm thấy ý nghĩa cuộc đời của chính họ.  Tôi đồng ý với ông.

-  Tôi thích thú săn sóc vườn rau cây thuốc mỗi ngày.  Vườn rau cho tôi cơ hội vận động cơ thể và đồng thời cung cấp cho tôi rau quả dinh dưỡng trong bữa ăn. 

- Trong tác phẩm: “Man’s Search for Ultimate Meaning”, BS Viktor Frankl quan niệm ai tìm được lý tưởng về phương diện tâm linh là cao quí nhất.  Con người có 3 phần: thể chất, trí tuệ, tâm linh.  Thường những người trải qua đau khổ, bị bầm giập (bầm bên ngoài, giập bên trong) mới dễ có suy nghĩ về tâm linh.  BS VF giúp tôi hiểu được ông Phao-lô khi “coi mọi sự như sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết”.  Ông Phao-lô sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu khổ nạn, đến nổi xem thường cái chết, chỉ vì ông có lý tưởng là rao truyền danh Chúa. 

Nghĩa trầm ngâm rồi tâm sự rằng cậu yêu thích nghề giáo vì muốn truyền kiến thức cũng như kinh nghiệm đời sống cho các em học sinh. Bà Liêm nói cậu có thể tìm ý nghĩa cuộc đời mình qua việc phục vụ, phụng sự.  Muốn phục vụ hữu hiệu, Nghĩa nên có thì giờ trau dồi Anh ngữ vì đó là ngôn ngữ quốc tế hiện nay.  Sách vở viết bằng Anh ngữ rất nhiều, giá bán không quá mắc.  Điều thứ hai, Nghĩa cần học khả năng sử dụng máy vi-tính, sử dụng internet, đó là cửa ngỏ mở đường kiến thức. 

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 2)

 Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 2)

 Ngày đầu của tuần thứ hai, hai bà cháu vào một quán ăn Nghĩa chọn. 

Liêm hỏi lại mấy điểm chính thảo luận tuần qua, thấy Nghĩa còn nhớ rất rõ.  Về phần suy nghĩ tích cực, bà nhấn mạnh phương châm: “Đổi cách Suy Nghĩ sẽ đổi Thân Phận”.  Đó là lý do ông Phao-lô dạy tín hữu thành phố Phi-líp: “Hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (Phi-lip 4:8).

Khi nói về tình thương yêu và lòng tha thứ xóa bỏ hận thù, bà Liêm nhắc đến chuyện cô Phan thị Kim Phúc (KP).  Năm 1972, chiến tranh khốc liệt tại Trảng Bàng, KP lúc đó 9 tuổi bị phỏng bom Napalm khá nặng. Hình ảnh em bé 9 tuổi trần truồng, hốt hoảng, kinh hoàng vì bị phỏng nặng gây xúc động mọi người trên thế giới.  KP đã sống trong mặc cảm và thù hận trong nhiều năm, sau đó cô nương nhờ lời Chúa mà học được bài học tha thứ.  Cô tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình là cổ võ hòa bình thế giới.  Năm 1997, cô Kim Phúc được UNESCO phong là Đại sứ Thiện Chí Hòa bình (Goodwill Ambassador for Peace). 

Liêm cũng muốn cậu Nghĩa hiểu tác dụng của thời gian, bà đố: “Con biết câu nói nào có sức mạnh kì diệu.  Kẻ nào đang vui, đọc nó sẽ thấy buồn, và ai đang buồn nhìn thấy nó sẽ vui”.   Đó là câu:  Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua”.  Bà đưa cho Nghĩa bài dịch “Remember, ThisToo Shall Pass” của Richard Carlson trong tác phẩm  Don’t Sweat the Small Stuff with your Family”.

 

Hãy nhớ rằng,
MỌI CHUYỆN RỒI SẼ QUA

Nguyễn Minh Tiến biên dịch


          Điều quý giá trong sự khôn ngoan để lại của người xưa đã giúp tôi rất nhiều là câu ngạn ngữ: «Mọi việc rồi đều sẽ qua đi  Nó đã giúp tôi trong việc vượt qua những điều bực dọc hàng ngày mà mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt, cũng như nhiều giai đoạn khó khăn trong đời tôi.

Hãy nghĩ kỹ về điều này. Tất cả mọi việc đều đến, rồi đi. Những rắc rối được tạo thành, rồi tan biến. Một ngày kia, chúng ta đang trong kỳ đi nghỉ, ngày sau đó, trở lại với công việc.  Chúng ta mắc phải một cơn cảm lạnh hay cảm cúm, và rồi nó qua đi.  Chúng ta bị một vết thương, và rồi, trong hầu hết trường hợp, nó lành lặn trở lại.  Chúng ta mong đợi một sự kiện, và rồi sau đó cũng biết là nó đã qua đi.  Chúng ta mong đợi cúp bóng đá Super Bowl, và những ngày sau đó, lại mong đợi cho mùa bóng kế tiếp.

Có một cảm giác tự do lớn lao khi nhớ đến câu ngạn ngữ này.  Trong thực tế, nó có thể là nền tảng của một cuộc sống thanh thản.  Nó có tác dụng như một sự nhắc nhở quan trọng rằng mọi thứ đều có một không gian, thời gian nhất định của nó.  Nó cho phép chúng ta nhìn thấy triển vọng tương lai trong những giai đoạn đang có khó khăn, một quy luật cơ bản là không có điều gì tồn tại mãi mãi.  Nó mang lại cho chúng ta hy vọng và sự tự tin rằng chúng ta rồi sẽ vượt qua điều này – mọi việc sẽ trôi qua, chắc chắn như vậy.

Lấy ví dụ, khi bạn có con nhỏ, rất dễ có ý tưởng phàn nàn rằng: «Mình sẽ chẳng bao giờ có được một đêm yên giấc như xưa nữa.»  Nếu không có triển vọng thấy trước là «Mọi việc rồi đều sẽ qua đi» thật rất dễ đi đến cảm giác quá sức chịu đựng, thậm chí thất vọng hoàn toàn trong những giai đoạn khó khăn này. Mỗi một đêm mất ngủ dường như là rồi sẽ kéo dài bất tận.  Đầu óc bạn đầy sự lo sợ.  Bạn cảm thấy tuyệt vọng, thấy trói buộc và như quá sức chịu đựng.

Nhưng chắc chắn là cũng giống mọi chuyện, giai đoạn này rồi cũng sẽ qua đi.  Và bạn bước vào những giai đoạn thách thức mới.  Cùng một khuynh hướng này sẽ áp dụng cho tất cả những thách thức khác nữa của cuộc sống.  Bạn đang trải qua một cơn khủng hoảng và cảm thấy mình chẳng bao giờ có thể vượt qua nổi, nhưng rồi, bằng cách nào đó, bạn tìm được một giải pháp.  Bạn có một trận cãi cọ dữ dội với vợ (hoặc chồng) mình, và thề là sẽ không bao giờ tha thứ. Nhưng cuối cùng thì bạn nhận thấy tận đáy lòng mình vẫn yêu thương như cũ. Bạn trải qua một giai đoạn cực kỳ bận rộn trong công việc, và bạn cảm thấy không thể nào chịu đựng lâu hơn nữa.  Và rồi thời biểu của bạn cuối cùng cũng trở lại như bình thường.  Lần này qua lần khác, chúng ta phấn đấu và vươn tới.

Khi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, rất dễ dàng để nhận ra mọi việc đều đến rồi đi.  Mùa xuân, mùa hạ, rồi mùa thu.  Niềm vui, nỗi đau, sự khen ngợi, rồi chê trách.  Khó khăn, dễ dàng, nghỉ ngơi và mệt nhoài. Thành đạt, thất bại, và bao nhiêu điều khác nữa. Sự thanh thản và hạnh phúc chân thật chỉ đến khi chúng ta nhận ra được nguyên lý này, không chỉ bằng cách hồi tưởng lại, mà là ngay trong khi chúng ta đang trải qua những khó khăn.  Bằng cách này, chúng ta giữ được trạng thái quân bình giữa sự hỗn loạn. Khi bạn nhớ rằng mọi việc đều đến và đi, bạn giữ được cách nhìn của mình, một tâm hồn rộng mở, và thậm chí cả một tính khí khôi hài, vui vẻ trong mọi giai đoạn của đời mình.

Tôi khuyến khích bạn tự nhắc nhở mình câu ngạn ngữ này mỗi khi bạn cảm thấy bực dọc, căng thẳng hay khó chịu, cũng như trong lúc bạn trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn.  Cuộc sống rất ngắn ngủi.  Con cái chúng ta nhỏ dại, rồi trưởng thành. Bản thân chúng ta trẻ khỏe, rồi già yếu. Chúng ta sẽ đi qua tất cả những điều đó. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để duy trì một tâm hồn tươi đẹp và giữ cho chính mình không rơi vào cảm giác quá sức chịu đựng là luôn nhớ rằng, mọi việc – kể cả những việc rất khó khăn – rồi đều sẽ qua đi.

---------------------------------------------------------------------------------------------

Tới phần ăn tráng miệng, ông chủ nhà hàng mang ra tặng khách cái bánh pía và bình trà ô-long. Hỏi ra, ông Tùng, chủ tiệm là người gốc Vũng Thơm, Sóc Trăng, gia đình có truyền thống làm bánh pía.  Nhiều năm nay, lập nghiệp tại Cao Lãnh, ông thường làm thêm bánh pía để bán.  Nghĩa thắc mắc về cái tên “Pía”.  Bà Liêm cắt nghĩa Pía làm âm Triều Châu của chữ (âm Hán Việt là Bính), có nghĩa là bánh nói chung.  Người Triều Châu tản cư qua vùng Sóc Trăng (nhiều nhất là ở Vũng Thơm) từ 2 thế kỷ trước để lánh nạn chính trị khi họ chống lại triều Mãn Thanh.  Họ thường làm bánh này để ăn, cũng như làm quà tặng cho láng giềng người Việt, người Miên, người Chăm.  Các sắc dân ăn bánh này đều thích, nên người Triều Châu làm ra nhiều để bán.  Pía nghĩa là bánh, là danh từ chung, sau lại thành danh từ riêng, chỉ một thứ bánh tròn như cái dĩa như bánh lột da, có nhiều loại nhân khác nhau.  Ở VN, người ta ưa chuộng nhân đậu xanh, về sau có trộn với sầu riêng, trứng vịt muối.  Ở Phi-luật-tân, bánh gọi là Hopia (好餅 : hảo-bính), nghĩa là bánh ngon. Bánh bía xứ này có nhân khoai tím được người dân ưa chuộng. Bánh Pía ở Nhật thì nhiều người thích nhân đậu đỏ.

 Cái bánh tròn như cái dĩa, bà Liêm lấy dao cắt bánh ra làm 4.  Bà tận dụng mọi cơ hội để dạy dỗ, nên nói với Nghĩa: “Nếu đời người với trăm năm là hạn, và so với cái bánh pía này, thì mỗi gốc tư là 25 năm.  Bốn gốc tư tuần tự là Xuân, Hạ, Thu, Đông của đời người.  Con sắp qua tuổi 26, tức là sắp qua mùa Hạ cuộc đời.  Con cần phải tìm ý nghĩa đời sống mình vì nó quan trọng và cần thiết cho con. 

(Còn tiếp)