Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 4)
Ngày
thứ tư của tuần thứ hai, Bà Liêm, Nghĩa
và Tiến, bạn của Nghĩa, đến quán ông Tùng để sắp xếp một phòng phía Tây mà ông
Tùng cho phép sử dụng để làm phòng học.
Nguyên
do là ngày hôm trước bà Liêm hứa dạy cho Nghĩa internet và Anh ngữ. Nghĩa sẽ mua một laptop, sách học và xin rủ
thêm vài bạn tới cùng học. Phòng này có
bàn, ghế cho 20 người, có internet. Các
hội đoàn của cộng đồng thường hay mượn để họp hành. Trên tường có treo tấm tranh hình con hạc đậu
trên lưng con rùa, có tấm bảng thực đơn 9 món.
Nghĩa đọc
bảng thực đơn, bỗng bật cười vì những món này không ăn được gồm có: 1Yêu
thương, 2Vui mừng, 3Bình an, 4Nhẫn nhịn,
5Nhân từ, 6Hiền lành,
7Trung tín,
8Khiêm nhu,
9Tiết độ. Cuối bảng ghi là Trái Thánh Linh.
Thực đơn này hoàn toàn khác
với thực đơn 9 món mà Nghĩa và vị hôn thê định đãi tại nhà hàng chuyên về yến tiệc. 9 món đó là: 4 món khai vị, 4 món ăn chính, món
thứ 9 là bánh tráng miệng. Bốn món khai
vị gồm súp, gỏi, nem chua, tôm chiên.
Bốn món chính là Thảo, Thú, Cầm, Ngư: Thảo là rau cải xào nấm đông cô,
bào ngư, dầu hào; Thú là món có thịt bò hay heo; Cầm là chim bồ câu quay hay là
gà; Ngư là món cá, cua, sò, ốc.
Bà Liêm xem qua bảng rồi giải thích đây là thực
đơn tâm linh nói đến 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh, ghi trong thư Galati của
Kinh Thánh. Chín mỹ đức này người Tin
Lành rất quý và thường để ý tập tành. Thứ
nhất và cũng quan trọng nhất là Yêu thương. Tình yêu thương là chất keo nối liền người này
với người khác. Tình yêu thương xóa hết hận
thù. Tình yêu xóa bỏ mọi ranh giới, rào cản
vì đưa con người đến sự thông cảm nhau. Tình yêu là sức sống, là nghị lực, là ánh
sáng của trần gian. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện, rất
bao la, rất vĩ đại. Tình yêu thương là
mỹ đức dẫn đầu, từ đó phát sinh các mỹ đức tiếp theo.
Bà Liêm
nói tới đó thì ông Tùng mang dĩa bánh pía và bình trà vô mời. Bà Liêm ngỏ lời cám ơn rồi hỏi ông: “Xin lỗi,
ông anh là người Tin Lành?” Ông Tùng gật đầu cười, hỏi lại sao bà biết? Bà Liêm: “Có 3 điểm, thứ nhất là tôi không
thấy tượng ông Địa, hay Thần Tài trong nhà hàng này; thứ hai, quan sát cách ông
tiếp khách, cách ông xử thế, làm tôi nhớ tới câu gốc trong Cô-lô-se chương 3: ‘Hễ
làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho
người ta’; thứ ba, là bảng
thực đơn tâm linh về 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh này.”
Ông Tùng cho biết các vị cao niên trong Hội thánh
ông đang sinh hoạt thường tới họp trong phòng này từ 3 đến 4 giờ chiều. Các ông bà chia sẻ niềm tin cho nhau, cầu
nguyện và đố Kinh Thánh với nhau. Nhiều
người lớn tuổi, cô đơn, con cái ở xa, có người lại mất vợ, mất chồng nữa. Họ có giờ nhóm họp, sinh hoạt, thông công, nâng
đỡ đức tin cho nhau thật là quí báu. Ông
mời bà Liêm tới dự nhóm này cho vui.
Nghĩa tỏ ý thán phục, hâm mộ tinh
thần phục vụ người khác của ông Tùng và bà Liêm. Ông Tùng nói chính Nghĩa cũng có tinh thần đó
khi cho bạn mượn tiền mua laptop để học.
Ông nói cả ba ta đều làm việc nghĩa.
Bà Liêm hỏi ông Tùng có nhớ tên người là thủ hạ của Mạnh Thường Quân, đi
chợ mua điều NGHĨA cho chủ không? Ông nói đó là Phùng Huyên, và ông kể cho Nghĩa
và Tiến nghe chuyện về nhân vật này.
Ðời chiến quốc, Phùng
Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quân (MTQ) là tướng quốc nước Tề. Một hôm MTQ nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước
khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: “Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?”. MTQ
bảo: “Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về”.
Phùng Huyên đến đất Tiết
cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh
Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng
Huyên đem đốt hết những văn khế. Những
người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Mạnh
tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong
chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật
mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà
còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo,
ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên
tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.
Mạnh Thường Quân ngạc
nhiên hỏi: “Mua điều nghĩa thế nào?”. Họ Phùng đáp: “Tôi trộm lệnh tha cho tất
cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là
vì tướng công mua được điều nghĩa vậy”. MTQ
nghe vậy, không nói gì.
Một năm sau, vua Tề không
dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh
đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt
liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: “Tiên sinh vì tôi mà
mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy”.
Bà Liêm
thêm ý: “Trong Luca chương 16, có ghi lời Chúa Giê-su dạy môn đồ hãy dùng của phù
vân để kết nghĩa.” Ông Tùng thêm: “Học cách
tận dụng của cải vật chất đời này một cách hữu ích cũng quan trọng lắm.”
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét