Một Chuyện Đổi Đời
Cậu Nghĩa khi bị gia đình nhà gái từ hôn thấy đất bằng
như nổi phong ba. Cậu trách người yêu phụ
bạc, tham giàu phụ khó, trách trời không công. Cậu vốn là một giáo viên trường
tiểu học, không còn đứng lớp nổi. Ăn
không ngon, ngủ không yên, cậu sút khá nhiều cân. Cậu bị suy sụp tinh thần.
Cậu may mắn gặp được bà Liêm, một người Việt sống ở Hoa kỳ
từ năm 1975, nay về hưu, thăm lại vùng Cao Lãnh, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bà Liêm có biết
ông bà, cha mẹ của Nghĩa. Thấy hoàn cảnh
của Nghĩa, bà rất thương tâm. Bà tìm
cách giúp cho Nghĩa, một thanh niên 25 tuổi, qua được cơn khủng hoảng tình cảm
này.
Ngày đầu tiên, bà rủ Nghĩa đi uống cà phê. Bà gợi chuyện để Nghĩa nói. Ban đầu có khó khăn, nhưng sau khi nói được
15 phút thì tâm sự của Nghĩa như nguồn nước được mở mà tuôn ào ạt. Bà Liêm lắng tai nghe, chỉ hỏi vài câu cho rõ
ý của Nghĩa và giúp cậu có cảm hứng tuôn ra.
-Nghĩa và Mỹ yêu nhau mấy năm nay, đã có lễ hỏi, còn 2
tháng nữa thì cưới, không ngờ nàng ôm đàn qua thuyền người khác. Trong bức thư từ hôn, nàng xin lỗi thất hứa và
xin:
Đêm tàn hé lộ bình minh,
Đem tình chồng vợ ra tình anh em.
Rồi lễ cưới linh đình của nàng và anh
Việt kiều cũng đến, cậu không đủ bình tĩnh tham dự. Những người dự tiệc khen nức nở đám cưới linh
đình, chú rể tuy hơn cô dâu 2 con giáp mà trông vẫn rất xứng. Họ còn khen cô dâu:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng mắt xanh.
Những lời ấy như mũi dao nhọn đâm thấu tim cậu.
Bà biết cậu đang bị trăm ngàn ý nghĩ tiêu cực, bi quan
tràn ngập tư tưởng. Những ý tưởng cay đắng, chán đời, những tiếng nói chê cười, nhạo
báng cứ quay đi quay lại trong đầu cậu như trâu bò nằm im nhai đi nhai lại món
ăn cũ.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ trút bầu tâm sự cho bà Liêm, cậu cảm
thấy phần nào nhẹ nhàng, có thể ăn được non 1 tô hủ tíu.
Ngày thứ hai, cũng gặp tại quán cà
phê, Nghĩa tươi tĩnh hơn, bà Liêm bắt đầu dùng tâm lý trị liệu cho Nghĩa. Bà dạy Nghĩa dùng tư tưởng tích cực chống lại
tư tưởng tiêu cực, tư tưởng lạc quan chống lại tư tưởng bi quan. Bà tóm tắt ý chính tác phẩm “Sức Mạnh của Tư
Duy Tích Cực” (The Power of Positive Thinking của Mục sư Norman
Vincent Peale).
Thấy Nghĩa thông minh,
ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến bà Liêm rất mừng. Ngày thứ ba, bà nhờ cậu chọn nhà hàng nào cậu
thích để ăn trưa, bà đem tờ giấy có bài viết của bác sĩ Đặng Văn Chiếu, trích
từ sách Não Bộ, xuất bản năm 1998 và nhờ cậu đọc, chỗ nào không hiểu bà giải
thích:
…
Cảm xúc do di truyền, xã hội và luyện tập tạo nên. Ta
không thay đổi được di truyền, ta chịu của giáo dục và xã hội, nhưng ta có tự
do để tập luyện và có khả năng sửa chữa và cải thiện cảm xúc. Vậy tập
luyện như thế nào, hay đúng hơn quản trị như thế nào? Tự nhiên, ai cũng
có nhiều ít cảm xúc tiêu cực hay tích cực, chúng ta không nên dẹp bỏ hay đè nén
nó, cũng không nên cảm xúc thái quá, mà trái lại phải điều độ và trung
dung. Mục đích là giữ quân bình trong đời sống cảm xúc để vui sống với
nhiều thành quả. Dùng trí khôn theo dõi sự biến chuyển của tâm hồn và
dùng lý trí để cảm xúc đúng lúc, đúng trường hợp, đúng mục tiêu và một cách hữu
ích.
Như ta thấy, có thể tập dượt để bớt giận, bớt sợ, bớt thối chí,
bớt lo âu. Ta có thể hoãn lại, dằn xuống để suy nghĩ trước khi hành động
dưới ảnh hưởng của cảm xúc. Cảm thấy một cảm xúc nhiều lần sẽ trở thành
thói quen và người đó sẽ dễ có cảm xúc đó lại, thường hơn với mức độ cao
hơn. Ta nên luyện tập để có nhiều và thường hơn những cảm xúc tích cực và
ít hơn, ngắn hơn những cảm xúc tiêu cực.
Ta có thể ngừa những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận, sợ.
Không nhớ lại, ít nói đến, ít nghe nói, ít thấy những gì khêu gợi những cảm xúc
làm ta khó chịu. Không nên nghĩ đến và tưởng tượng những điều, trong
tương lai, có thể gây ra cảm xúc lo âu hay sợ hãi, như suy nghĩ rằng đứa con
mình có thể bị bệnh, học dở hay đi hoang, hoặc người vợ hay chồng có thể chết
và mình sẽ cô đơn… Như thế ấy, việc chưa xảy ra hoặc không bao giờ xảy đến đã
làm cho ta lo âu, khó chịu. Nếu không may, một cảm xúc tiêu cực đến mà ta
không tránh được, thì ta nên có thái độ chấp nhận, thấy nó với khía cạnh tốt và
tìm cách ra khỏi, không để bị giam hãm lâu trong tình trạng ấy. Biên lên
giấy cảm xúc tiêu cực của mình, suy nghĩ và nói lên những cảm thấy, nguyên nhân
và những lý do, rồi lý luận tìm giải đáp, nếu không hiệu quả thì bày tỏ vấn đề
với những người thân trong gia đình hay bạn hữu để giải quyết. Nều cần,
những chuyên viên như bác sĩ, y tá, nhân viên cơ quan xã hội, cố vấn gia đình
và tu sĩ có thể giúp ta với kinh nghiệm, thuốc men và trị liệu thích hợp.
Những cảm xúc tích cực: thương, vui, hy vọng, cần được phong phú thêm và có
thường hơn. Không nên nghĩ là trên đời có nhiều khổ nên ta không được vui
sướng. Trái lại, ta cần vui sướng thêm và thương nhiều hơn để phổ biến và
chia xẻ niềm vui và tình thương cho xung quanh chúng ta. Không có luật bù
trừ là nếu vui nhiều bây giờ, sau này có thể bị buồn hay khổ. Cũng không
cần tiền mới mua được cảm xúc tốt. Cảm xúc tốt thường thường đến nhờ sự
may mắn, nhưng ta nên luyện tập để vui thêm, và tạo thêm nhiều cơ hội
vui. Ta cần để ý và đi tìm cảm xúc tốt, thì ta sẽ được toại nguyện, nếu
ta đủ can đảm và kiên nhẫn. Không nên nhờ ma túy hay hóa chất để có cảm
giác mới lạ hay sung sướng.
Cảm xúc là một chức năng tự nhiên. Cảm xúc với lý trí sẽ
cho trí thông minh làm việc và sản xuất tốt đẹp, hữu ích cho ta và xã
hội. Mỗi chúng ta có thể nhờ dạy dỗ, huấn luyện để có những cảm xúc
tốt, tích cực, làm cho đời sống phong phú vui tươi và để tránh khỏi những cảm
xúc xấu, tiêu cực quá khích có thể gây nhiều tội lỗi, bạo động và tàn ác.
BS Đặng Văn Chiếu (Trong tác phẩm Não Bộ,
phần Cảm Xúc)
Tư tưởng tiêu cực, cay đắng, với thời gian trôi qua, làm
mặt mày cậu như u ám. Đến ngày thứ tư, nhờ thay đổi tư duy, thần sắc hay khí sắc của
Nghĩa đã sáng, khá hơn nhiều. Bà Liêm mừng mà dạy bài khó hơn, rằng cái khổ ai cũng
trải qua, không trừ một ai, từ vua chí dân, binh nhì tới đại tướng, từ tổng thống
tới tổng khậu...
Bà nói Nghĩa quá quen với học đường, nên xem trường đời
như là trường học. Nên xem khổ nạn như
bài toán đố, chấp nhận với sự vui mừng. Mỗi
vấp ngã, thất bại đều là bài học cho ngày mai.
Bà nhắc câu ca dao:
Lửa đỏ là để thử vàng,
Gian nan để thử can tràng lòng trai.
Và câu thơ của cụ Phan Bội
Châu:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng
hết,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.
Bà khuyên Nghĩa sống xứng đáng với tên của mình.
Một người có nghĩa
được ghi trong Kinh Thánh là ông Giô-sép, thấy vị hôn thê có thai, tưởng nàng
ngoại tình. Theo luật Do Thái xưa, nếu
Giô-sép công bố ra thì cô Ma-ri sẽ bị ném đá chết. Nhưng Giô-sép là người có
nghĩa, chẳng muốn cho nàng Ma-ri mang xấu, nên giữ kín chuyện này (Ma-thi-ơ
1:19).
Bà Liêm bèn hỏi: “Nay đối với vị hôn thê bội bạc từ hôn
mình, Nghĩa sẽ đối xử làm sao?” Nghĩa suy nghĩ vài phút, đáp: “Nếu ai hỏi tới,
con chỉ đáp chúng tôi chia tay vì không hợp nhau. Con nhất định làm người có nghĩa, sẽ không
bêu xấu nàng.” Bà Liêm khen Nghĩa có
lòng nhân hậu, có từ tâm.
Ngày thứ năm, Bà Liêm dạy 2 liều thuốc trị khổ trên trần
gian này là Thương Yêu và Tha Thứ.
Thương yêu và được thương yêu; tha thứ và được
tha thứ là những điều thiết yếu của mỗi con người sống giữa nhân quần xã hội. Tình
thương và tha thứ là 2 liều thuốc linh nghiệm chữa trị nhiều bệnh về
tâm linh, có thể xoa dịu mọi vết
thương lòng. Người nào
thiếu nó, tâm linh e trở nên khập khểnh. Ai có hay nhận đủ, sẽ thấy
hạnh phúc, có sức mạnh nội tâm, có thể làm nhiều việc phi thường.
Đến đây kể như xong bước thứ nhất. Bà cho cậu nghỉ 2 hôm để tự ôn lại những điều
đã học.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét