Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 6)

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 6)

Sáng thứ sáu của tuần thứ hai, bà Liêm định giúp cho Nghĩa và Tiến tập đàm thoại Anh ngữ theo App 500 English Conversations.  Nhưng trước tiên, bà hỏi: “2 con tối qua có ngủ ngon không?” Nghĩa đáp: “Bà Năm ơi, tối hôm qua con cứ trằn trọc, suy nghĩ hoài câu Kinh Thánh nói về sự sống đời đời.  Con muốn nghe bà nói thêm chuyện này.”  Bà Liêm cười thật tươi, thốt lên “Cảm tạ Chúa”.  Bà giải thích là tối qua, bà đã cầu nguyện xin Chúa cho bà cơ hội để nói về ơn cứu rỗi cho Nghĩa và Tiến.  Bây giờ, bà biết là lời cầu xin của bà được Chúa nhậm khi biết Nghĩa sẵn sàng mở tai, mở lòng để nghe.  Bà tâm sự là bất cứ ai nhận được ơn sủng cứu rỗi từ Thiên Chúa đều khao khát muốn thuật lại cho bạn bè, thân nhân mình biết.  Nhưng điều này không phải dễ vì không ít người có thành kiến, hay dị ứng với Kinh Thánh, với Chúa Giê-su nên không muốn nghe nhắc đến.  Vì vậy, bà phải cầu nguyện thật nhiều để Chúa cho đúng người muốn nghe, đúng thời điểm để nói.  Chứng đạo không đúng thời điểm cũng giống như “mời người no ăn bánh bò”.  Có khi người nghe vì nể người nói mà tiếp nhận Chúa liền, thì kết quả sẽ không hay, kết cục giống như “Chuối non vú ép chát ngầm”.  Bà thích hình ảnh, bà già xách bị đi ngang cây thị, dòm lên thấy trái thị  chín mùi, chỉ đợi rụng.  Bà mở rộng miệng bao bị, mời: “Trái thị! Rớt bị bà già”.  Trái thị nghe lời mời, bèn gieo mình rớt tọt vào bị bà. 

          Bà Liêm bảo Nghĩa mở sách Sáng Thế ký, đọc chương 1, câu 1.  Nghĩa đọc: “Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”.  bà lại bảo Tiến, mở bộ GNT tiếng Anh, tìm sách Genesis, chapter 1, verse 1, đọc lên: “In the beginning, when God created the universe…” Bà giải thích theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời, mà mình thường gọi tắt là ông Trời, tạo ra vũ trụ vạn vật muôn loài, giống nào theo giống nấy, trong đó có con người. 

Đức Chúa Trời tạo dựng con người, nhưng con người có biết ơn không?  Không.  Họ chống lại Chúa, phỉ báng Chúa.  Chống lại Đức Chúa Trời là tội trọng, linh hồn không được trở về với Chúa, Kinh Thánh nói là hư mất.  Linh hồn nào trở về với Chúa là được sự sống đời đời, Kinh Thánh gọi là sự cứu rỗi. 

Bà trình bày chương trình cứu rỗi một cách đơn giản, bằng cách dùng 5 ngón tay trong một bàn tay.  Ngón cái tượng trưng cho sự cứu rỗi, hay sự sống đời đời mà Nghĩa đang muốn tìm hiểu và khao khát nhận.  Ngón giữa là ngón tay cao nhất tượng trưng cho Đức Chúa Trời (ĐCT).  ĐCT luôn luôn muốn ban cho nhân loại món quà cứu rỗi.  Nhân loại có nhận quà này dễ dàng không?  Không đâu.  Từ ngón giữa qua ngón cái bị kẹt ngón trỏ.  Ngón trỏ tượng trưng cho tội lỗi của con người, làm chướng ngại vật không cho con người nhận quà từ ngón giữa (ĐCT).  Bà hỏi Nghĩa và Tiến có nhớ sự mâu thuẫn giữa tình yêu thương thế gian và tính thánh khiết của ĐCT ngày hôm qua bà nói không?  Con người bất lực trước sức mạnh của tội lỗi, có người muốn làm điều lành nhưng điều ác cứ vấn vương, xui giục.

Để giải quyết, ĐCT sai con một của Ngài là Chúa Giê-su, mà ngón áp út tượng trưng, hy sinh chịu chết, huyết Chúa Giê-su là của chuộc tội cho nhân loại.  Sự cứu chuộc chỉ hiệu nghiệm khi người nào hiểu và nhận huyết Chúa tẩy sạch hết tội lỗi của mình.  Ngón tay út tượng trưng cho đức tin của chúng ta.  Hai con có tin điều đó không, có nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của đời mình không?  Cả hai Nghĩa và Tiến đều muốn tin nhận.  Bà cầu nguyện cho 2 đứa.  Bà nói từ nay, Thánh Linh sẽ ở cùng 2 con và gieo những hạt giống của Trái Thánh Linh vào lòng để các con trở nên người mới.  Bà nói Nghĩa và Tiến nên tới nhà thờ mà Mục sư Quân, em ông Tùng, làm quản nhiệm để bày tỏ đức tin trước mặt mọi người vì Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi của con một cách tỏ tường thì ĐCT muốn các con công bố niềm tin trong Cứu Chúa một cách công khai. 

Những gì bà nói hôm nay chỉ là sơ lược, 2 con cần đọc Kinh Thánh thường xuyên, mỗi ngày ráng đọc được 1 chương, đi thờ phượng Chúa mỗi tuần, kết bạn thông công với anh em trong Hội thánh.

Vừa lúc đó, ông Tùng xuất hiện, thông báo “Tới giờ Ngọ rồi, mời bà chị và 2 cháu ra phòng ăn.  Hôm nay, mình ăn Lẩu Vịt Om Sấu Khoai Sọ. À, chị Liêm có ăn món này chưa?”  Bà Liêm: “Chưa, nhưng tôi sẵn sàng thử” .

Chiều hôm qua, bà Liêm tìm trên internet mới biết đây là món ăn đặc biệt của người miền Bắc vì cây sấu mọc rất nhiều và dễ trồng ở miền Bắc, có lẽ do khí hậu thích hợp.  Trái sấu nhỏ hơn trái cóc, có vị chua đặc biệt, người ta hay dùng làm ô-mai sấu, nấu canh… Còn chữ “Om” có lẽ đồng nghĩa với “Um” là nấu lửa nhỏ, hầm lâu.  Nghe qua lời giải thích của bà Liêm, cả hai cậu thanh niên đều háo hức muốn thử.  Ông Tùng cho ăn lẩu với bún.  Lủa than giữa lò lẩu còn cháy đỏ, nước lèo đang sôi, một mùi thơm dễ chịu bay tỏa quanh bàn ăn.  Bà Liêm xin phép cầu nguyện cảm tạ Chúa cho bữa ăn, cảm tạ lòng tốt của ông Tùng thết đãi hôm nay một món ăn lạ miệng.  Sau đó, mọi người cầm đũa.  Món lẩu vịt này được ông Tùng chăm chút khi nấu nên ăn rất ngon miệng.   Miếng thịt vịt được om đúng độ nên rất mềm, hòa cùng vị sấu chua chua, khoai sọ bùi bùi, nước dừa ngọt, beo béo, thêm vị cay của ớt, mùi thơm của gừng, của sả.  Thịt vịt chấm nước mắm gừng.  Tất cả đánh vào thị giác, khứu giác, vị giác tạo nên một món ăn hợp khẩu tuyệt vời.

Ông Tùng cám ơn mọi người sẵn sàng thử món lạ.  Ông vui khi người ăn tận tình thưởng thức món ông nấu.  Gặp người kén ăn, người khó ăn, ông thấy như mất hào hứng nấu nướng.  Bà Liêm kể chuyện ông trưởng ban cao niên Hội thánh bà ở Mỹ, mỗi lần cả nhóm đi ăn buffet ở nhà hàng, ông nhắc mọi người cứ mạnh dạn thử nhiều món, món nào thấy không ngon thì ăn ít, món ngon thì ăn nhiều.  Ông thường ngâm to 2 câu thơ:

Ăn được bao nhiêu là lãi đấy,

Nếu không ăn thiệt ấy ai bù?

                    Trước khi chia tay, ông Tùng nhắc mọi người nhớ đi thờ phượng sáng mai.

Châu Sa ghi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét