Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 3)
Ngày thứ nhì của tuần thứ hai, Nghĩa đề nghị trở lại
quán ông Tùng để ăn trưa. Nghĩa nói vì ông
vui tính. Bà Liêm đồng ý, nói quán này sạch,
nhiều món ăn ngon, chủ quán ân cần, chu đáo và hào sảng. Ông có vẻ là người học rộng, hiểu nhiều. Quán có internet miễn phí nữa, hôm qua bà dùng
điện thoại thông minh lúc ăn trưa trong quán mới biết.
Bà nhắc câu chuyện hôm qua khi bà cắt cái bánh pía ra làm
4, so sánh với cuộc đời lấy trăm năm là hạn, 4 phần ví với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu,
Đông của đời người. Từ 1-25 tuổi là mùa Xuân;
26-50 là mùa Hạ; 51-75 là mùa Thu; trên 75 tới ngày lìa đời là mùa Đông. Bà Liêm,
ông Tùng vào tuổi cuối Thu, thời gian này nếu còn sức khỏe, còn đi đứng, nói năng,
ăn uống được là có phước. Họ đã thu thập
một vốn kiến thức, kinh nghiệm, sự khôn ngoan từ mấy thập niên qua nên có thể truyền
thụ lại cho thế hệ sau. Như người ta hay chiêm ngưỡng cảnh lá cây đổi màu vàng rực
rỡ vào cuối Thu, thì tuổi 65-75 phải là tuổi đẹp nhất của đời người. Tóc tuy hoa râm hay bạc trắng, thân thể có già
đi, có mệt mỏi, đau nhức, nhưng trí óc còn sáng suốt, tinh thần còn vững chãi, tâm
linh còn tấn tới thì đó không phải là món đồ cũ sắp vứt mà là món đồ cổ quý giá
đáng trân trọng, bảo tồn. Câu nói của ông
Phao-lô trong thư gởi cho Hội thánh Corinth diễn tả ý đó: “dầu người bề ngoài
hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (2 Cô-rinh-tô 4:16).
Bà Liêm xin lỗi Nghĩa là bỗng nhiên lại lan man về tuổi già
khi đang trà đàm với người trẻ. Bà nhắc lại
người tuổi trẻ như Nghĩa nên tìm ý nghĩa cuộc đời cho mình. Bà kể chuyện về ông Viktor Frankl, một bác
sĩ người Áo gốc Do Thái (được đăng trên Nếp Sống Mới
Thu 2015). Ông sinh năm 1905, mất năm 1997 tại Vienna, Áo. BS
Viktor Frankl chuyên về thần kinh và tâm thần (neurologist and psychiatrist)
trị bệnh cho người bị tâm thần, cùng những người trầm cảm có
ý định tự tử. Ông khai
sáng một phương pháp trị liệu cho người tuyệt vọng, gọi là Logotherapy, có thể
dịch ra tiếng Việt là Ý Nghĩa Trị Liệu. Ông nhận thấy những người thất vọng, tuyệt vọng nếu họ
bám được một chút hi vọng nào đó thì họ ít tìm đến cái chết. Ý Nghĩa Trị
Liệu giúp bệnh nhân tìm ra ý nghĩa cuộc sống giúp họ có thể phấn đấu
tiếp để… sống. Ông đồng ý với Friedrich Nietzsche: “He who has
a why to live for can bear with almost any how” (Ai
biết lý do mình sống sẽ chịu đựng được mọi hoàn cảnh dù khó khăn thế nào
đi nữa.)
Năm 1942, cùng với cha
mẹ và vợ chồng người anh trai, vợ chồng ông bị bắt vào trại tập trung của Đức
Quốc Xã tại Bohemia, Tiệp Khắc, sau đó họ đưa ông vào
3 trại khác. Như những tù nhân khác, ông bị đối xử rất tàn tệ.
Nhiều người thấy cái chết trước mắt là sẽ bị lùa vào lò hơi ngạt nên họ buông
xuôi, mất sức phấn đấu. Những người này chết trước khi bị giết. Lúc
đó, BS Viktor Frankl thấy ông có 3 lý do để sống là 1gặp lại vợ, 2viết lại luận án
Logotherapy, mang tên tiếng Anh là “The Doctor and The Soul” (vì bản thảo của
ông bị tịch thu), và 3dùng Ý Nghĩa Trị Liệu giúp cho các bạn đồng tù. Chỉ cần
hỏi những người bạn này về gia đình của họ
là bao kỷ niệm ập về, là họ tìm được niềm tin yêu và hi vọng để sống. Ông
may mắn được đồng minh cứu thoát vào tháng 3 năm 1945 trong khi cha mẹ, anh chị
và vợ đã chết hoặc vì kiệt sức, đói khát hay trong lò hơi ngạt.
Năm 1946, ông viết một tác phẩm bằng tiếng Đức, dịch ra
tiếng Anh là “Man’s Search for Meaning”, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Sau đó ông viết thêm nhiều sách khác để quảng bá Logotherapy. Tư tưởng
tích cực, lạc quan, tìm ý nghĩa cuộc sống của chính mình đã giúp nhiều người
tìm lại được sức mạnh tinh thần để sống tiếp. Nhiều người đọc tác phẩm của ông mà thay đổi
cái nhìn, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cuộc đời. Họ đã tâm sự:
- Tôi mất chồng 2 năm rồi mà vẫn còn thấy hụt hẫng, hay
trách chồng sao bỏ mình đi quá sớm. Sau khi đọc Logotherapy, tôi nghĩ nếu
hoàn cảnh đổi khác, tôi mất trước chồng, thì thật tệ hại cho ông vì ông không
thể vô bếp nấu ăn. Ông không kiên nhẫn với trẻ con nên không giúp gì cho
các cháu. Bây giờ, tôi thấy sự chết trễ của mình có ý
nghĩa là hy sinh cho chồng và cho con cháu. Tôi thấy được lý sống và lẽ
sống. Lý sống là săn sóc các cháu tôi, lẽ sống là niềm an ủi cho người
khác. Với những người tôi tiếp xúc, tôi truyền sứ điệp tin yêu và hi
vọng.
- Tôi nay đã về hưu. Tôi có thú tiêu khiển xử
dụng internet, tôi khuyến khích, giúp đỡ cho các cụ biết cách dùng laptop, tablet,
điện thoại thông minh
- Tuy bị stroke, không dùng được tay phải, tôi kiên nhẫn tập
dùng tay trái. Tôi vẫn theo đuổi thú vui của mình trong việc nấu ăn, làm
bánh. Quả thật, một tay với thái độ đúng vẫn hơn người còn đủ 2 tay với
thái độ sai.
- Điều tôi học được từ BS Frankl là: “Những gì chúng ta
thấy, nghe, ngửi, những kinh nghiệm chúng ta trải qua dù đau khổ hay vui sướng
đều có thể tạo thành tài sản quí báu (asset) cho tương lai chúng ta.” Ý
nghĩa cuộc đời của ông là giúp cho người khác tìm thấy ý nghĩa cuộc đời của
chính họ. Tôi đồng ý với ông.
- Tôi thích thú săn sóc vườn rau cây thuốc mỗi ngày.
Vườn rau cho tôi cơ hội vận động cơ thể và đồng thời cung cấp cho tôi rau quả
dinh dưỡng trong bữa ăn.
- Trong tác phẩm: “Man’s Search for Ultimate Meaning”, BS Viktor
Frankl quan niệm ai tìm được lý tưởng về phương diện tâm linh là cao quí
nhất. Con người có 3 phần: thể chất, trí tuệ, tâm linh. Thường
những người trải qua đau khổ, bị bầm giập (bầm bên ngoài, giập bên trong) mới dễ có suy nghĩ về tâm
linh. BS VF giúp tôi hiểu được ông Phao-lô khi “coi mọi sự như
sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết”. Ông
Phao-lô sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu khổ nạn, đến nổi xem thường cái chết, chỉ
vì ông có lý tưởng là rao truyền danh Chúa.
Nghĩa trầm ngâm rồi tâm sự rằng cậu yêu thích
nghề giáo vì muốn truyền kiến thức cũng như kinh nghiệm đời sống cho các em học
sinh. Bà Liêm nói cậu có thể tìm ý nghĩa cuộc đời mình qua việc phục vụ, phụng
sự. Muốn phục vụ hữu hiệu, Nghĩa nên có thì
giờ trau dồi Anh ngữ vì đó là ngôn ngữ quốc tế hiện nay. Sách vở viết bằng Anh ngữ rất nhiều, giá bán không
quá mắc. Điều thứ hai, Nghĩa cần học khả
năng sử dụng máy vi-tính, sử dụng internet, đó là cửa ngỏ mở đường kiến thức.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét