Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 2)

 Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 2)

 Ngày đầu của tuần thứ hai, hai bà cháu vào một quán ăn Nghĩa chọn. 

Liêm hỏi lại mấy điểm chính thảo luận tuần qua, thấy Nghĩa còn nhớ rất rõ.  Về phần suy nghĩ tích cực, bà nhấn mạnh phương châm: “Đổi cách Suy Nghĩ sẽ đổi Thân Phận”.  Đó là lý do ông Phao-lô dạy tín hữu thành phố Phi-líp: “Hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (Phi-lip 4:8).

Khi nói về tình thương yêu và lòng tha thứ xóa bỏ hận thù, bà Liêm nhắc đến chuyện cô Phan thị Kim Phúc (KP).  Năm 1972, chiến tranh khốc liệt tại Trảng Bàng, KP lúc đó 9 tuổi bị phỏng bom Napalm khá nặng. Hình ảnh em bé 9 tuổi trần truồng, hốt hoảng, kinh hoàng vì bị phỏng nặng gây xúc động mọi người trên thế giới.  KP đã sống trong mặc cảm và thù hận trong nhiều năm, sau đó cô nương nhờ lời Chúa mà học được bài học tha thứ.  Cô tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình là cổ võ hòa bình thế giới.  Năm 1997, cô Kim Phúc được UNESCO phong là Đại sứ Thiện Chí Hòa bình (Goodwill Ambassador for Peace). 

Liêm cũng muốn cậu Nghĩa hiểu tác dụng của thời gian, bà đố: “Con biết câu nói nào có sức mạnh kì diệu.  Kẻ nào đang vui, đọc nó sẽ thấy buồn, và ai đang buồn nhìn thấy nó sẽ vui”.   Đó là câu:  Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua”.  Bà đưa cho Nghĩa bài dịch “Remember, ThisToo Shall Pass” của Richard Carlson trong tác phẩm  Don’t Sweat the Small Stuff with your Family”.

 

Hãy nhớ rằng,
MỌI CHUYỆN RỒI SẼ QUA

Nguyễn Minh Tiến biên dịch


          Điều quý giá trong sự khôn ngoan để lại của người xưa đã giúp tôi rất nhiều là câu ngạn ngữ: «Mọi việc rồi đều sẽ qua đi  Nó đã giúp tôi trong việc vượt qua những điều bực dọc hàng ngày mà mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt, cũng như nhiều giai đoạn khó khăn trong đời tôi.

Hãy nghĩ kỹ về điều này. Tất cả mọi việc đều đến, rồi đi. Những rắc rối được tạo thành, rồi tan biến. Một ngày kia, chúng ta đang trong kỳ đi nghỉ, ngày sau đó, trở lại với công việc.  Chúng ta mắc phải một cơn cảm lạnh hay cảm cúm, và rồi nó qua đi.  Chúng ta bị một vết thương, và rồi, trong hầu hết trường hợp, nó lành lặn trở lại.  Chúng ta mong đợi một sự kiện, và rồi sau đó cũng biết là nó đã qua đi.  Chúng ta mong đợi cúp bóng đá Super Bowl, và những ngày sau đó, lại mong đợi cho mùa bóng kế tiếp.

Có một cảm giác tự do lớn lao khi nhớ đến câu ngạn ngữ này.  Trong thực tế, nó có thể là nền tảng của một cuộc sống thanh thản.  Nó có tác dụng như một sự nhắc nhở quan trọng rằng mọi thứ đều có một không gian, thời gian nhất định của nó.  Nó cho phép chúng ta nhìn thấy triển vọng tương lai trong những giai đoạn đang có khó khăn, một quy luật cơ bản là không có điều gì tồn tại mãi mãi.  Nó mang lại cho chúng ta hy vọng và sự tự tin rằng chúng ta rồi sẽ vượt qua điều này – mọi việc sẽ trôi qua, chắc chắn như vậy.

Lấy ví dụ, khi bạn có con nhỏ, rất dễ có ý tưởng phàn nàn rằng: «Mình sẽ chẳng bao giờ có được một đêm yên giấc như xưa nữa.»  Nếu không có triển vọng thấy trước là «Mọi việc rồi đều sẽ qua đi» thật rất dễ đi đến cảm giác quá sức chịu đựng, thậm chí thất vọng hoàn toàn trong những giai đoạn khó khăn này. Mỗi một đêm mất ngủ dường như là rồi sẽ kéo dài bất tận.  Đầu óc bạn đầy sự lo sợ.  Bạn cảm thấy tuyệt vọng, thấy trói buộc và như quá sức chịu đựng.

Nhưng chắc chắn là cũng giống mọi chuyện, giai đoạn này rồi cũng sẽ qua đi.  Và bạn bước vào những giai đoạn thách thức mới.  Cùng một khuynh hướng này sẽ áp dụng cho tất cả những thách thức khác nữa của cuộc sống.  Bạn đang trải qua một cơn khủng hoảng và cảm thấy mình chẳng bao giờ có thể vượt qua nổi, nhưng rồi, bằng cách nào đó, bạn tìm được một giải pháp.  Bạn có một trận cãi cọ dữ dội với vợ (hoặc chồng) mình, và thề là sẽ không bao giờ tha thứ. Nhưng cuối cùng thì bạn nhận thấy tận đáy lòng mình vẫn yêu thương như cũ. Bạn trải qua một giai đoạn cực kỳ bận rộn trong công việc, và bạn cảm thấy không thể nào chịu đựng lâu hơn nữa.  Và rồi thời biểu của bạn cuối cùng cũng trở lại như bình thường.  Lần này qua lần khác, chúng ta phấn đấu và vươn tới.

Khi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, rất dễ dàng để nhận ra mọi việc đều đến rồi đi.  Mùa xuân, mùa hạ, rồi mùa thu.  Niềm vui, nỗi đau, sự khen ngợi, rồi chê trách.  Khó khăn, dễ dàng, nghỉ ngơi và mệt nhoài. Thành đạt, thất bại, và bao nhiêu điều khác nữa. Sự thanh thản và hạnh phúc chân thật chỉ đến khi chúng ta nhận ra được nguyên lý này, không chỉ bằng cách hồi tưởng lại, mà là ngay trong khi chúng ta đang trải qua những khó khăn.  Bằng cách này, chúng ta giữ được trạng thái quân bình giữa sự hỗn loạn. Khi bạn nhớ rằng mọi việc đều đến và đi, bạn giữ được cách nhìn của mình, một tâm hồn rộng mở, và thậm chí cả một tính khí khôi hài, vui vẻ trong mọi giai đoạn của đời mình.

Tôi khuyến khích bạn tự nhắc nhở mình câu ngạn ngữ này mỗi khi bạn cảm thấy bực dọc, căng thẳng hay khó chịu, cũng như trong lúc bạn trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn.  Cuộc sống rất ngắn ngủi.  Con cái chúng ta nhỏ dại, rồi trưởng thành. Bản thân chúng ta trẻ khỏe, rồi già yếu. Chúng ta sẽ đi qua tất cả những điều đó. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để duy trì một tâm hồn tươi đẹp và giữ cho chính mình không rơi vào cảm giác quá sức chịu đựng là luôn nhớ rằng, mọi việc – kể cả những việc rất khó khăn – rồi đều sẽ qua đi.

---------------------------------------------------------------------------------------------

Tới phần ăn tráng miệng, ông chủ nhà hàng mang ra tặng khách cái bánh pía và bình trà ô-long. Hỏi ra, ông Tùng, chủ tiệm là người gốc Vũng Thơm, Sóc Trăng, gia đình có truyền thống làm bánh pía.  Nhiều năm nay, lập nghiệp tại Cao Lãnh, ông thường làm thêm bánh pía để bán.  Nghĩa thắc mắc về cái tên “Pía”.  Bà Liêm cắt nghĩa Pía làm âm Triều Châu của chữ (âm Hán Việt là Bính), có nghĩa là bánh nói chung.  Người Triều Châu tản cư qua vùng Sóc Trăng (nhiều nhất là ở Vũng Thơm) từ 2 thế kỷ trước để lánh nạn chính trị khi họ chống lại triều Mãn Thanh.  Họ thường làm bánh này để ăn, cũng như làm quà tặng cho láng giềng người Việt, người Miên, người Chăm.  Các sắc dân ăn bánh này đều thích, nên người Triều Châu làm ra nhiều để bán.  Pía nghĩa là bánh, là danh từ chung, sau lại thành danh từ riêng, chỉ một thứ bánh tròn như cái dĩa như bánh lột da, có nhiều loại nhân khác nhau.  Ở VN, người ta ưa chuộng nhân đậu xanh, về sau có trộn với sầu riêng, trứng vịt muối.  Ở Phi-luật-tân, bánh gọi là Hopia (好餅 : hảo-bính), nghĩa là bánh ngon. Bánh bía xứ này có nhân khoai tím được người dân ưa chuộng. Bánh Pía ở Nhật thì nhiều người thích nhân đậu đỏ.

 Cái bánh tròn như cái dĩa, bà Liêm lấy dao cắt bánh ra làm 4.  Bà tận dụng mọi cơ hội để dạy dỗ, nên nói với Nghĩa: “Nếu đời người với trăm năm là hạn, và so với cái bánh pía này, thì mỗi gốc tư là 25 năm.  Bốn gốc tư tuần tự là Xuân, Hạ, Thu, Đông của đời người.  Con sắp qua tuổi 26, tức là sắp qua mùa Hạ cuộc đời.  Con cần phải tìm ý nghĩa đời sống mình vì nó quan trọng và cần thiết cho con. 

(Còn tiếp)

2 nhận xét:

  1. Une lecon profonde dans sa simplicite qui nous aide a surmonter les difficultes et tristesses. Le temps passe, tout s'efface.
    Dan Thuy.

    Trả lờiXóa