Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 5)

 Câu

Chuyện Đổi Đời (Phần 5)

Ngày thứ năm của tuần thứ hai, bà Liêm giúp cho Nghĩa và Tiến tải vào iPhone và iPad các App 500 English Conversations, App Holly Bible (YouVersion).  Bà giải thích khi bà sang Mỹ, tìm cách trau dồi Anh ngữ, bà nhớ lại thân mẫu bà ngày xưa dùng sách “Minh Tâm Bảo Giám” là sách châm ngôn hay là sách học làm người để học chữ Hán, nên bà nghĩ cách dùng Kinh Thánh để học tiếng Anh.  Bà đã được khuyên dùng bản GNT (Good News Translation) đối chiếu với bản Kinh Thánh tiếng Việt để học.  Quyển Kinh Thánh gồm 66 sách, mỗi sách chia ra nhiều chương, mỗi chương chia nhiều câu đánh dấu rõ ràng, nên đọc đối chiếu qua lại rất dễ.

Nghĩa hỏi: “Bà Năm thường hay nhắc đến Kinh Thánh, vậy có phải Kinh Thánh là sách gối đầu giường của bà?” Bà Liêm (thứ Năm) tươi cười cho biết Nghĩa dùng chữ “sách gối đầu giường” là chính xác.  Trước khi ngủ, bà đọc 1 chương, sáng thức dậy, bà đọc 1 chương.  Tiến thắc mắc: “Bà Năm ơi, Kinh Thánh chắc kể chuyện về các ông thánh, bà thánh hả bà?”  Bà Liêm đáp: “Cũng có một phần, lúc trước bà cũng nghĩ như vậy, nhưng sau một thời gian đọc và học, bà có thể nói một cách tổng quát:  Kinh Thánh là một bức thư tình, kể chuyện tình Trời đối với đất, tình Thiên đình đối với người trần thế, tình yêu vô đối của Đấng Sáng Tạo với nhân loại là vật thọ tạo của Ngài.  Đọc sâu hơn, bà thấy sự mâu thuẫn giữa tình yêu Thiên Chúa và tội lỗi thế gian.   Khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian, con người mất đi bản tánh thương yêu mà Thượng Đế ban cho, toàn bộ nhân cách gồm lý trí, ý chí và tình cảm bị bẻ cong quẹo nên trở thành những người tham lam, thù hận.  Vì tham và thù, người ta sẵn sàng giết chóc.  Ngay cả có người giết hàng loạt người vô can, họ giết một cách hả hê, thích thú.  Họ như mất cả nhân tính, không nói chi  đến thiên tính.  Kinh Thánh cho biết tội lỗi phải trả giá là linh hồn tội nhân không được trở về với Đức Chúa Trời mà bị hư mất đời đời.  Đức Chúa Trời có hai bản tánh:  1thương yêu và 2thánh khiết, hàm ý công bình, chí công vô tư. 

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta lắm lúc gặp hoàn cảnh mâu thuẫn khó giải quyết cho vẹn đôi đường, gọi là:  “tình lý lưỡng nan toàn”.  Có người khó xử giữa “bên tình, bên hiếu”; có người lúng túng giữa tình yêu và kỷ luật đối với một đứa con ngỗ nghịch… Một ông quan tòa nhân từ dễ bị kẹt giữa tình thương và pháp luật khi xử án.  Nếu nặng về tình thương thì dễ bẻ quẹo công lý, nếu nghiêng quá về pháp luật thì sẽ “thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”.   

Bây giờ, ông Tùng lên tiếng nhắc câu chuyện một ông thẩm phán có cách xử án rất lạ ở New York năm xưa, được nhiều người thích và hay kể lại.  Bà Liêm mời mọi người nghe câu chuyện:

Thẩm Phán  Xử Án Cụ Bà

Mùa đông năm 1935 là khoảng thời gian mà nền kinh tế của nước Mỹ tiêu điều nhất. Không khí ảm đạm bao trùm toàn bộ thành phố New York, nơi cư ngụ của những đứa trẻ lang thang, những mảnh đời vất vưởng, và những gia đình túng thiếu không có bữa ăn no…

Vào một đêm lạnh giá giữa tháng 1/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất New York. Đứng ở vị trí thẩm phán là Thị trưởng của thành phố, ông Fiorello LaGuardia.  Nguyên cáo là chủ lò bánh mì và bị cáo là một bà lão đã gần 60 tuổi, áo quần cũ rách cùng với dáng vẻ sầu não.  Gương mặt tiều tụy của bà hiện lên vẻ xấu hổ, bà đã bị buộc tội ăn cắp một ổ bánh mì.

Thị trưởng Fiorello LaGuardia, cũng là quan tòa, hỏi: “Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?”  Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp: “Vâng thưa quan tòa, tôi đã lấy trộm”.

“Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói không?” – quan tòa lại hỏi.  “Thưa quan tòa, tôi rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy”, bà lão trả lời, “Con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa cháu ngoại đang chết đói… Tụi nó đói lắm…” Nói đến  đây bà bật khóc.

Bà lão nói xong, đám đông trong phòng xử án vang lên tiếng xầm xì bàn tán.

Ông Thị trưởng thở dài.  Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão, nói: “Bị cáo, tôi phải xử phạt bà vì luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ một ai.  Bà có 2 lựa chọn, và bà phải chọn 1 trong 2.  Bà hoặc là nộp phạt 10 đô-la, hoặc bị giam 10 ngày trong tù.”

Bà lão đáp: “Thưa quan tòa, tôi thích đóng tiền phạt hơn đi tù.  Song, nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng (bà thổn thức).. con gái và hai cháu tôi, ai sẽ chăm sóc chúng đây?”

Ông Thị trưởng rút trong túi ra 10 đô-la rồi bỏ vào chiếc mũ lật lên của mình.  Ông trịnh trọng nói:  “Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà được tự do!” Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: “Bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt mỗi người. Tiền phạt để trừng phạt cho sự thờ ơ, hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa cháu sắp chết đói”. Ông quay sang và đưa chiếc nón cho một nhân viên pháp đình (Bailiff), nói:  “Pháp Cảnh, hãy đi thu tiền phạt và trao tất cả cho bị cáo”.

Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa khi ấy đều không khỏi kinh ngạc. Không khí  lặng im như tờ. Trong phút chốc, tất cả mọi người lặng lẽ đứng lên, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ông Thị trưởng.

Ngày hôm sau, tất cả các tờ báo của thành phố New York đều đồng loạt đưa tin về sự kiện lạ lùng này: 47 đô-la tiền phạt đã được trao cho một bà lão nghèo khổ, từng ăn cắp bánh mì để nuôi những đứa cháu đang chết đói của mình. Ngay cả người chủ lò bánh mì, cũng như các quan khách và cảnh sát trong thành phố, đều sẵn lòng nộp phạt 50 xu sau đó.

Đó là câu chuyện về ông Thị trưởng Fiorello LaGuardia, cũng là người đã đưa New York vượt qua những tháng ngày đen tối nhất của cuộc Đại khủng hoảng kinh tế.  Ông được người dân New York yêu mến gọi bằng cái tên “Bông hoa bé nhỏ” vì chiều cao khiêm tốn 5’2” và cái tên Fiorello (trong tiếng Ý, “Fiorello” nghĩa là “bông hoa nhỏ”).  (ST)

Dù hoàn cảnh của bà cụ rất đáng thương, nhưng quan tòa vẫn phải xử phạt, bởi luật pháp luôn công minh và không có ngoại lệ đối với bất kỳ ai.  Tuy nhiên, ông thẩm phán lại là người bỏ tiền ra trả tiền phạt để bà cụ không phải ngồi tù. Sau đó, bất ngờ hơn, ông còn tiếp tục xử phạt, nhưng không phải bà lão, mà là tất cả những ai đang chứng kiến sự việc, những con người thờ ơ, vô tâm, khiến một bà lão nghèo phải đi ăn cắp bánh mì nuôi cháu.  Cách xử án của vị thẩm phán  có vẻ ngược đời, nhưng lại khiến tất cả mọi người xúc động và ngợi khen.

Bà Liêm lại nói tiếp: “Khi bà đọc câu chuyện này, bà tự hỏi không biết ông Thị trưởng khi xử án này có nghĩ đến cách Đức Chúa Trời giải quyết mâu thuẫn giữa tình thương và công lý bằng cách ban con một của Ngài là Chúa Giê-su, xuống trần để chịu tội thay cho nhân loại.  Nhân đó, ai tin vào điều này sẽ được trắng án, linh hồn sẽ đoàn viên với Đức Chúa Trời sau khi thân xác lìa đời.  Một câu Kinh Thánh trong sách Giăng, chương 3, câu 16 được nhắc tới thường xuyên: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

          Bà Liêm nói đến đây thì khách vào nhà hàng khá đông để ăn trưa, ông Tùng xin phép lui ra để phụ công việc nhà hàng.  Trước khi đi ra, ông ngỏ lời mời 3 người ăn trưa ngày mai.  Ông nói sẽ đãi món “lẫu vịt om sấu khoai sọ”.  Ông Tùng thấy mọi người có vẻ ngơ ngác với cái tên thức ăn khá lạ, bèn nói: “Ngày mai, tôi sẽ giải thích nguồn gốc món này.”

(Còn Tiếp) 

1 nhận xét:

  1. Merci Anh Hiep. Vous me tenez en haleine avec cette histoire a continuer. A good way of teaching by using the Bible and life examples. Ba Liem is a very clever person, very astute, patient, and generous of her time. The restaurant owner is also a good person, helping the young men in their education of life and language. Thanh Thủy

    Trả lờiXóa