Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

12 lý do tôi thích Hawaii

  Chúng tôi có dịp đi thăm Oahu, Hawaii, theo lời mời của vợ chồng người bạn đồng nghiệp, BS NVH, hồi tháng 11, năm 2011.  Bài viết đã 10 năm rồi, mà đọc lại nhớ lại kỷ niệm xưa, vẫn còn thấy cảm xúc dâng trào.   Chắc có nhiều thay đổi tại Hải đảo thần tiên này sau một thập niên, nhưng chúng tôi xin post lại sau khi hiệu đính vài nơi.  Dịch Covid làm mọi người không thể tự thân du lịch, nên xin mời quý vị và các bạn cùng tôi thăm viếng Ha-uy-di qua bàn phím. Ai có dịp đọc bài nầy rồi xin bỏ qua. HC

                        Hạ-uy-di
            Hạ-uy-di (Hawaii: Hải đảo thần tiên hay Thiên đàng hạ giới) gồm có 8 đảo chính kể từ Tây Bắc xuống Đông Nam: Niʻihau, Kauaʻi, Oʻahu, Molokaʻi, Lānaʻi, Kahoʻolawe, Maui, và Hawaiʻi. (Mẹo nhớ: Nàng Khó Ở Mới Làm Khổ Mình Hoài).

            Đảo Oahu (có nghĩa là Nơi gặp gỡ: the Gathering place) được chú ý nhiều vì có thủ đô Honolulu, có Waikiki Beach nổi tiếng cho khách du lịch, có Trân Châu cảng (Pearl Harbor) lịch sử, Hanauma Bay, Đỉnh núi Kim Cương (Diamond Head), có Polynesian Culture Center… Dân số Hawaii gần 1,4 triệu mà trên 900 ngàn người sinh sống tại Oahu.

12 lý do tôi thích Hawaii, nhất là Oahu:

1/ Tinh thần Aloha:
Khi bạn vừa đến phi trường Honolulu, có thể bạn được đón tiếp với nụ cười, tiếng chào aloha và vòng hoa lei.
Aloha: Alo là sự hiện diện; ha: hơi thở. Vậy, Aloha ám chỉ sự sống. Ngoài lời chào khi gặp gỡ hay khi từ giã, aloha còn tiềm tàng nhiều ý nghĩa sâu xa: A-L-O-H-A
            A- Amity: friendship, tình bằng hữu
            L- Love: tình thương yêu
            O- Ohana: sense of family. Người dân hải đảo xem mọi người như người trong gia đình.  Khi có tình thân mật, người trẻ tuổi sẽ gọi bạn là “uncle”, hay “auntie”. Người cùng trang lứa gọi bạn là “bro” hay “sis”.
            H- Hospitality: hiếu khách
            A- Assistance: giúp đỡ nhau
            Nhân sinh quan của người dân hải đảo còn là hòa giải và tha thứ ”Ho’oponopono”.

2/ Khí hậu nhiệt đới, thuộc hải đảo, thời tiết không khắc nghiệt, nhiệt độ 65 – 95F. Gió mát dễ chịu quanh năm.

3/ Cảnh đẹp tuyệt trần, biển mênh mông bao quanh đảo , 2 rặng núi đủ cao để chắn bước sức mạnh của những cơn bão, không cho tàn phá Oahu.  Thiên nhiên quả đã ưu đãi vùng đất này.  Hình ảnh mống trời thường thấy (vì vậy tiểu bang này được gọi là rainbow state).  Xem cảnh mặt trời lặn trên biển cũng đủ mê hồn. Người Pháp thi vị cảnh hoàng hôn là mặt trời đi ngủ (le coucher du soleil), người dân hải đảo diễn tả là “mặt trời hôn đại dương”.  Thật là: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng” (Cao Bá Quát).  Thực vật và động vật (flora and fauna) tại Hawaii cũng hấp dẫn du khách vì chúng ta thấy những cây bông giấy, điệp, phượng vĩ, sứ, thanh long mọc hoang như rừng.  Bông bụp vàng (yellow hibiscus) là hoa tượng trưng của tiểu bang.  Thực vật được đưa sang Hawaii bằng 3 cách, viết với 3 chữ W: Wind (gió đưa tới), Waves (sóng đưa từ vùng khác tới), Wings (cánh chim trời đưa tới).  Động vật thì có loại ngỗng lùn (nene), dơi khàn (hoaring bat), hải cẩu tu hành (monk seal*), heo rừng (để làm món ăn kalua, lu’au). Loài gecko vô hại, hay bắt gián nên nhiều người thích có gecko trong nhà…

Tôi đề nghị anh bạn mang cây đàn ukulele ra bãi biển lúc chiều tà, chơi bản LA PALOMA trong khi có cánh buồm xa xa, có chim biển bay ngang bay dọc, thử xem lòng đắm say, hồn ngất ngây thế nào.

4/ Ai thích ẩn dật thì có chỗ ẩn, ai thích quậy thì có chỗ để quậy như Waikiki Beach có đủ trò vui. Người dân hải đảo thích khiêu vũ, thích nhậu nhẹt. “Kẻ thành thị, kẻ vui miền lâm tẩu” (Cao Bá Quát). Giá sinh hoạt tùy vùng thay đổi nhiều. Giá tiền trong shopping center cho du khách khá cao, giá ở chợ trời thì rất bình dân.

5/ Low profiles: đắm mình trước núi đồi, biển cả, chúng ta có thể quên mất thân phận của mình. Mình có thể quên mất cái Ta, cái Tôi của mình. Mình có thể học bài học “Vô Ngã” dễ dàng.

Trước thiên nhiên hùng vĩ,
Không thấy mình ra chi,
Sóng cuốn trôi phiền não,
Quên hết mọi sầu bi.


6/ Low stress: nhiều người làm việc tới 2 giờ trưa nghỉ luôn hoặc trở lại làm việc lúc 5 giờ chiều. (Low stress but lot of fun). Nhịp sống trên hải đảo thật khoan thai nhịp nhàng, không hối hả, không vội vả. Quần áo rất giản dị: đàn ông mặc aloha shirt, còn đàn bà hay dùng wrap dress với một mảnh vải mà có thể thắt ra nhiều kiểu áo khác nhau, có thể mặc đi lễ hay đi làm, đi chơi hay đi chợ… Họ nhắc nhau thư giãn (hang loose) bằng cách làm dấu tay: ngón cái và ngón út đưa lên, bàn tay xoay xoay.

7/ Low crime: có thể có những tội phạm nhỏ, nhưng so với đất liền, Hawaii ít tội phạm lớn.

8/ Low diseases: người dân hải đảo có đời sống lành mạnh, ăn hải sản nên ít bệnh tật.  Bạn tôi sau hơn 10 năm về hưu tại Oahu, mỗi ngày uống cà phê Kona, đi bách bộ trên bãi biển, bơi lội, chèo xuồng, nhảy sóng, tối uống “rượu vang nửa cốc” American Concord Grape.  Ngày nay vợ chồng bạn này không hề cần tới một viên thuốc trị bệnh. Hai bạn này thường dùng hạt và lá cây Marungai (Moringa oleifera). Cây này, người Việt gọi là Chùm Ngây, mọc hoang khắp nơi trên đảo Oahu, nhờ có gió vì hạt có cánh nhỏ.  Lá cây nhiều chất dinh dưỡng, nhiều anti-oxidants, còn hạt thì Wikipedia khen là: “seeds are used as a sexual virility drug for treating erectile dysfunction in men and also in women for prolonging sexual activity”. Như vậy, những hạt cây Marungai này có thể giúp các ông “hồi dương” và các bà “hồi âm”.  Một khi 4 đứa tôi leo đỉnh Kim Cương, chị bạn cho mỗi đứa một hạt Marungai để ngậm một hồi rồi nhăn nhăn cắn nhẹ nó ra, một chất nước ngòn ngọt tiết ra trong miệng, chúng tôi nuốt từ từ mà leo lên đỉnh núi không thấy mệt.  Một điều thú vị nữa là theo thống kê mới nhất, người Hawaii có tuổi thọ trung bình cao hơn các tiểu bang khác của Hoa kỳ.

9/ Ba không: Không có rắn, không cá sấu, không bệnh chó dại (No snakes, no gators, no rabies). Nhà tôi nghe không có rắn trên đảo thì mừng lắm vì ở Florida, rắn và cá sấu tràn lan.  Có lần, lúc trời nhá nhem tối, bà la làng khi thấy sợi dây trên sân cỏ sau nhà vì tưởng là con rắn.  Gần đây, người ta tìm thấy rắn trên hải đảo này, lý do là có một số người chơi rắn như “pet”, họ mail order từ đất liền những chú rắn con (trái luật Hạ-uy-di).  Nhiều người lo là một số chim quý vùng này sẽ bị rắn giết và một số hoa đẹp sẽ bị hư.

10/ Người cao niên được nhiều quyền lợi, senior residents còn nhiều quyền lợi hơn.  Mỗi năm có khoảng 3 triệu du khách thăm viếng Hawaii, nên nguồn lợi tức về du lịch rất lớn, vì vậy chính phủ dễ có những chương trình phúc lợi xã hội.

11/ Cộng đồng Á châu (người Phi luật tân, người Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Trung Hoa, Viêt Nam.. ) sống dưới luật pháp Hoa Kỳ, nên không lo luật rừng (từ năm 1959 Hawaii thành tiểu bang thứ 50 của Mỹ).  Mỹ da trắng lại là thành phần thiểu số. (Một tiểu bang khác, người da trắng cũng thuộc thiểu số là New Mexico).  Mình thấy dễ hòa nhập vào đời sống tại đây.  Người VN tại Oahu khoảng 10 ngàn người, làm 3 nghề chính: lái taxi, bán xe lunch, bán chợ trời. Ai thích ăn SASHIMI thì nơi này lý tưởng vì do chính người Nhật làm.

12/ Đi lông bông: holo holo. Một người thổ dân đang đi bộ hay đi xe, bạn hỏi anh ta đi đâu, có thể anh trả lời là holo holo, có nghĩa đi lông bông, chạy lông nhông, không mục đích gì hết.  Tinh thần này tôi thấy thích hợp cho tuổi già hưu.  Lúc còn đi làm, người ta như trong cuộc đua chuột (rat race), lúc nào cũng canh giờ, canh lịch, canh thời khóa biểu, lúc nào cũng nhắm mục đích.  Khi ở tuổi hưu, vợ chồng già như đôi chim trời, như hai cụm mây lang thang, rày đây mai đó, holo holo. Nhớ tới phim “Eat, Pray, Love”, một thành ngữ người Ý được nói đến: dolce far niente có nghĩa là cái êm đẹp của sự nhưng không (the sweetness of doing nothing) nhắc đến sự nhàn rảnh thảnh thơi.

     Sau chuyến đi thăm Oahu này, tôi mong có dịp tới các cù lao khác trong quần đảo Hawaii để tìm hiểu.
Châu Sa (11.11.11)

*Monk seal: loài hải cẩu này thích sống một mình và có lớp da cổ dày có gấp, trông giống nhà tu mặc áo choàng.  Hán Việt viết là Tăng Hải Báo ().

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Chọn Vỏ Bỏ Ruột

 Chọn Vỏ Bỏ Ruột

Sách Hàn Phi Tử của thời Chiến Quốc bên Tàu có ghi câu chuyện thú vị về cái hộp đựng ngọc.  Một người thừa hưởng được một viên ngọc châu, muốn bán đi.  Để dễ bán, ông cho làm một cái hộp đẹp, gỗ tốt, khắc hình mỹ thuật, ướp hương cho có mùi thơm.  Ai thấy hộp ngọc cũng đều trầm trồ, khen ngợi và thích cái hộp, mà không nghe ai hỏi tới viên ngọc bên trong.  Cuối cùng, một phú ông có đủ tiền mua hộp ngọc.  Điều làm người bán vô cùng ngạc nhiên là người mua mở hộp lấy viên ngọc trao cho chủ cũ, nói: “Tôi chỉ thích cái hộp đẹp đẽ này thôi, còn viên ngọc tôi cho lại ông.”  Trong khi cái ruột là viên ngọc giá trị gấp trăm lần cái vỏ hộp, mà người mua lại “chọn vỏ bỏ ruột”. 

Từ đó, người Trung Hoa có câu thành ngữ Mãi Độc Hoàn Châu nghĩa là “mua hộp (đẹp) mà trả lại ngọc châu”, ý nói người chỉ chăm chú bề ngoài không xét đến giá trị thực bên trong, hay nói cách khác thích hình thức hơn nội dung.

Thường cái vỏ chỉ là lớp bao che chở cái ruột quý báu bên trong.  Nhìn trái cam, trái chuối, củ hành thì hiểu.  Người mua chuối mà chọn giữ vỏ chuối và quăng cái ruột chắc bị xem là không bình thường.  Vậy mà không ít người ham mê cái vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài mà quên mất cái ruột phong phú bề trong.  Tục ngữ Việt Nam có câu nhắc nhở: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”

Chuyện người mua hộp ngọc làm tôi nhớ tới 2 anh em láng giềng tôi.  Người anh yêu say đắm và cưới được cô vợ đẹp lộng lẫy, nhưng không ngờ tánh hung hãn về sau mới lộ ra, còn người em lấy người vợ bình thường, tánh tình hiền hậu vì người em hiểu câu “cái nết đánh chết cái đẹp”.  Người em sống rất hạnh phúc, còn người anh thì khốn khổ vì hay bị vợ húng hiếp.  Có hôm, anh tâm sự với tôi, than: “Tôi lỡ leo lên lưng sư tử rồi nên biết thân ngồi yên vì bước xuống e bị nhai xương!”  Nhìn lại mới thấy ai khôn ngoan khi chọn vợ:  người anh chăm chú cái vỏ, người em trân trọng cái ruột.   Ai Chọn Nấy Chịu, như câu chúng ta thường nghe người Mỹ hay nói:  "Sleep in the bed you made" (Làm giường thế nào, ngủ thế đó). 

Trong Kinh Thánh, câu chuyện 2 chị em cũng cho chúng ta bài học sâu sắc về chọn lựa.  Cô chị Ma-thê hay làm bếp, lăng xăng nấu nướng phục vụ Chúa Giê-su khi Ngài tới thăm.  Cô em Ma-ri thì thích ngồi bên Chúa để nghe lời Chúa dạy bảo.  Cô chị phàn nàn với Chúa, muốn em mình xuống bếp giúp mình một tay.  Chúa Giê-su thừa nhận hai chị em đều yêu quí Chúa đều muốn Chúa vui lòng, nhưng phán rằng Ma-ri đã chọn phần tốt hơn: ngồi nghe, suy gẫm lời Chúa*.

Thánh Phao-lô nhắc nhở con dân Chúa nên hướng mắt, hướng lòng vào giá trị thuộc linh chớ không nên vào vật chất trần gian:  “chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2 Cô-rinh-tô 4:18).

Người chạy theo cái hào nhoáng, phù phiếm, nhưng rỗng tuếch rỗng toác  thường phải trả giá đắt, còn người tìm cầu giá trị tinh thần thường được phước ơn từ Trời. 

Một vị mục sư góp ý: Cơ-đốc nhân chân chánh được mặc áo công chính của Chúa Giê-su thì bề ngoài (vỏ), cùng bề trong (ruột) đều tốt đẹp. 

*Luca 10:40-41


Nhà thơ Tiểu Minh Ngọc cảm tác:

                     Bề Ngoài Bề Trong

“chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” - 2 Cô-rinh-tô 4:18

"và kẻ dùng của thế gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy; vì hình trạng thế gian nầy qua đi." - 1 Cô-rinh-tô 7:31

"Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời." - 1 Giăng 2:17

"Vì, Mọi xác thịt ví như cỏ, Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin Lành đã giảng ra cho anh em." – 1 Phi-e-rơ 1:24-25

          Bề ngoài hào nhoáng, đẹp thay,

Nhưng ai biết được đắng cay trong lòng?

         Giàu sang của cải mênh mông,

Nhưng ngày mai đến, cũng không còn gì?

         Thế gian, mọi sự qua đi,

Cỏ khô, hoa rụng, đáng chi mà nhờ?

 

         Chớ nên chậm trễ, dại khờ,

Ham mê tạm bợ, chần chờ bỏ qua,

         Lời Ngài hằng hữu cho ta,

Hãy suy gẫm lấy, mở ra tầm nhìn,

Biết rằng, quý nhất hồn linh,

Công bình sống bởi đức tin vào Ngài!

 

         Ăn năn kính Chúa hôm nay,

Bỏ qua đời sống lạc sai bao ngày,

         Hết lòng hết sức từ đây,

Làm theo Lời Chúa, thánh thay, năng quyền,

         Phải chăm việc Chúa trước tiên,

Dù không thấy kết quả liền cho ta!

 

         Tình Trời miên viễn bao la,

Sẽ luôn gìn giữ gần xa mọi điều!

Thế gian này có bao nhiêu,

Sức người là mấy, sớm chiều, ai hay?

Tin Lành – Ân Điển tốt thay,

Hãy mau nhận lấy, duy Ngài đáng tin!

             Tiểu Minh Ngọc

 


Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Vui Thú Điền Viên

 Vui Thú Điền Viên

Anh Thuật lúc còn  đi làm, luôn mơ nghĩ đến lúc về hưu ở miền Nam Florida, anh sẽ mua 1 căn nhà nhỏ có mảnh vườn sau nhà.  Anh sẽ trồng cây ăn trái, mỗi thứ một cây, như xoài, ổi, chuối, đu đủ, mít, mãng cầu, nhãn, mận, khế, cam, chanh, bưởi, tắc, lê, vải, chanh dây (passion fruit)… Một vườn cây nhiệt đới nhỏ nhưng đa sắc, đa hương.

Khi còn đôi ba tháng trước ngày hưu, anh chị lái xe đi các nơi như Tampa, St Petersburgh, Sarasota, Ft Myers, Naples, Miami, Homestead… để tìm đất lành chim đậu.  Một hôm, trên đường tới Nam Miami, chị để ý một tấm bảng quảng cáo một vườn trái cây cần bán.  Anh chị tìm đường tới thăm thì đó là một vườn trái cây của ông bà lớn tuổi người Miên.  Anh chị nhìn thấy những cây xoài, với trái to bằng cái đầu em bé sơ sinh, màu đỏ màu vàng tươi là thích liền.  Hỏi ra thì biết ông chủ vườn bị stroke, không thể làm việc tay chân nữa, còn bà không săn sóc nổi cái vườn, nên đành bán.  Đi thăm hết khu vườn thấy toàn là cây ăn trái nhiệt đới, đúng sở thích của anh chị.  Giá khu vườn tính ra rẻ so với thị trường.  Anh chị thấy đây là cơ hội hãn hữu, nên đồng ý mua bằng tiền từ saving account của mình.

Mua một khu vườn đã lập sẵn, có trái, có mối sẵn để bán là một điều vô cùng thuận lợi.   Vạn sự khởi đầu nan, mà có người đã làm trước rồi, nên anh chị thấy  sung sướng như đang sống trên thiên đàng… nhiệt đới!

Phần anh, anh cần phải học hỏi cách chăm sóc từng loại cây như cho phân loại nào, cho nước bao nhiêu, ánh sáng mặt trời trực tiếp hay gián tiếp.  Anh thiết lập hệ thống tưới nước tự động, chỉ cần ngồi trong mát mà bấm nút tưới nước.  Anh đào nhiều hào chứa nước để tưới thêm cho cây nếu cần.   Anh cũng cần nhận diện những kẻ thù của từng cây.  Có loại kẻ thù biết bay như chim, dơi; loại nhảy như sóc; loại bò như sâu bọ… để tìm phương trừ diệt.  Mỗi ngày anh tốn cho vườn cây trung bình là 10 tiếng đồng hồ. 

Anh chị có không khí trong lành để thở, rau trái lành mạnh để ăn, loay hoay suốt ngày với cây cối.  Anh Thuật nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhấp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Trong Hán văn, chữ Mộc là cây có liên quan đến Nhàn và Hưu.  Người ta vẽ cái cây (Mộc) hoặc vẽ mặt trăng (Nguyệt) dưới hình cái cửa (Môn) để diễn ý Nhàn (, ) hạ.  Người ta vẽ hình người đứng tựa gốc cây để tả ý Hưu .  Người xưa muốn hưởng nhàn hưu hạ luôn gần gũi với cây cối. 

Các cây ăn trái nhiệt đới này cũng có những hoa rất đẹp, chị thích chụp hình dưới những chùm hoa này.

Mọi việc tốt đẹp trong 3 năm.  Đầu năm thứ tư, một trận bão lớn thăm viếng Miami, thổi ngang vườn cây trái của anh chị.  Đất bằng như nổi phong ba!  Qua một đêm, cây ngã, hoa trái rụng tơi bời.  Bao nhiêu công khó trong 3 năm bổng thành công cốc!  Chị buột miệng:

Dã tràng xe cát biển Đông,
Nhọc  lòng mà chẳng nên công cán gì!

Chị vừa dứt lời, anh bổng nhớ lại một câu chuyện trong Tân Ước về người phú nông trúng mùa, lúa thóc chất đầy kho.  Phú nông vui sướng khi thấy mình có thể sống khuây khỏa nhiều năm, nên nhủ với linh hồn hãy nghỉ ngơi đi.  Không ngờ, đêm đó Chúa đòi linh hồn, mạng sống của ông lại.  Chúa phán ai lo giàu trên đất mà không giàu trên nước trời là kẻ dại*.

Anh tin rằng Chúa nhắc nhở anh, vì anh là một PK (Preacher’s Kid), con của mục sư mà bỏ Chúa từ nhiều năm.  Chị nói đây là “phúc chí tâm linh” nghĩa là khi phước tới thì tâm sẽ khôn ra.  Anh chị đồng ý dẹp bỏ “mộng dưới hoa”, bán rẻ khu vườn và nhà, tìm dọn về vùng ngoại ô thành phố có Hội thánh Tin Lành. 

Ngày anh đi thờ phượng lại, anh thấy cảm xúc dâng tràn, có lúc anh khóc trong lòng.  Anh sanh ra trong gia đình mục sư, mẹ khi hoài thai đã hát thánh ca, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện cho anh.  Tuổi trẻ, anh sinh hoạt trong nhà thờ, nhưng chừng vô đại học, những sự dạy dỗ “tôn giáo là thuốc phiện” đưa anh vào đường lối vô thần.  Anh chỉ đi tới nhà thờ ngày lễ Giáng sinh (nên bạn bè gọi anh là tín đồ Nô-ên), ngày lễ cưới và ngày lễ tang của thân nhân, bạn bè.  Anh nhớ và khao khát sống lại mối thông công, tương giao cùng Chúa và Hội thánh của ngày xưa thân ái.

Đã 3 năm qua, giờ đây anh chị Thuật sống và hoạt động trong một Hội thánh Tin Lành.  Anh thấy mình như cây bị khô hạn được trồng lại bên dòng nước tươi mát, ngọt ngào.  Phước hạnh và sự thương xót của Chúa bao trùm gia đình anh.  Anh thấy ơn Chúa hồi phục lại cho anh, một “lãng tử hồi đầu”, một tấm lòng biết ăn năn thống hối. 

Anh chị hiện đang vui thú điền viên, không phải vườn cây nhiệt đới Florida, mà là vườn cây tâm linh, học Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời, cầu nguyện cho mình, cho người, hiệp thông với anh em cùng đức tin khắp chốn.   Khu vườn tâm linh anh chị nở rộ bông trái Thánh Linh:  yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhịn, nhân từ, thiện lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, tha thứ…

Khu vườn tâm linh này không lo bị gió mưa, bão tố thiên nhiên tàn phá; ngược lại, những hoạn nạn là những bão tố cuộc đời càng làm anh chị vững vàng đức tin. 

Tuổi anh nay đã cao, anh biết ngày về với Chúa không xa lắm.  Mỗi ngày anh phấn đấu nỗ lực “tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ” **.

Cước chú:

*Luca 12:16-21 

Lời góp ý của ông Lê văn Phúc (John Le)


Tự ngẫm nghĩ: Không biết ta có thể vừa vui thú điền viên với vườn cây nhỏ (cho gia đình mình, không buôn bán cho ai) ở vùng nhiệt đới Florida, vừa vui trong vườn cây tâm linh của sự tương giao với Chúa qua việc học Lời Chúa, sống Lời Chúa, và dạy Lời Chúa cho người khác để học cùng biết và sống theo Lời Chúa, có được không à?

Góp ý:

Vừa vui thú điền viên với vườn cây nhỏ (ít cây thôi cho gia đình, vừa dưỡng sức, chớ không dốc hết sức lực, không có tính kinh doanh, buôn bánvà vừa vui trong vườn cây Tâm linh bằng sự Nuôi dưỡng Thiêng liêng bằng sự Học Lời Chúa, Sống với Lời Chúa, và Truyền đạt Lời Chúa cho người khác để họ cùng Biết và Sống theo Lời Ngàithì TỐT.  Vấn đề là Quân bình Thì giờ cùng Nỗ lực giữa việc vui thú điền viên (1) cho gia đình và vườn cây Tâm linh (2).  Thí dụ, dành 1-1.5 hours/ngày trong 6 ngày trong tuần cho vui thú điền viên (1) và dành thì giờ gấp đôi, gấp bốn hay hơn cho vườn cây Tâm linh (2), tùy theo workloads và sức khỏe, và tùy theo mức độ đáp ứng Tiếng Chúa gọi. 

Thiên-Linh

 

Thiên-Linh là tên thánh mà một Mục sư gốc Tin Lành đặt cho tôi (Phúc Lê) năm 1970, năm 23 tuổi, đương khi góp phần công việc nhà Chúa trong Hôi Thánh, sau khi tốt nghiệp đại học.

Phúc




**2-Phi-ê-rơ 3:18

 

 

Tản mạn về virus Corona

 

Tản mạn về virus Corona

Đại dịch coronavirus đã diễn ra liên tiếp trong 2 năm nay nhưng con người vẫn chưa thực sự hiểu về nó.

Lúc đầu thì các Bác sỹ và các nhà khoa học cho rằng coronavirus gây nhiễm trùng hô hấp thì cũng giống như cúm, chỉ phải đeo khẩu trang khi có triệu chứng để tránh lây cho người khác, thay vào đó rửa tay thường xuyên là quan trọng nhất. Sau đó cũng chính các nhà khoa học lại nói rằng khẩu trang và giãn cách là quan trọng nhất trong phòng Covid?!?

Lúc đầu thì các bác sỹ cho rằng cũng giống như cúm, chỉ những người già, có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch thì mới có nguy cơ tử vong, người trẻ, hệ miễn dịch tốt thì có mắc cũng chỉ như cúm mùa thôi. Nhưng rồi họ cũng không thể giải thích được tại sao vẫn có rất nhiều ca bệnh trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng bị mắc, suy hô hấp nặng và tử vong. Họ nhận thấy rằng virus không phân biệt già trẻ, bệnh lý nền hay không, cũng không phân biệt giàu nghèo, nổi tiếng hay không nổi tiếng, ai cũng có thể bị.

Chúng ta thấy virus xuất hiện khắp nơi, bất cứ chỗ nào. Cho dù người ta đổ cho toàn cầu hóa, mọi người di chuyển máy bay dễ dàng nên có thể lây từ châu lục này sang châu lục khác, nhưng không hoàn toàn như vậy.
Thực tế thì virus bình thường không thể di chuyển nhanh và xa đến thế, thường thì ổ dịch cũng cần thời gian ủ bệnh rồi mới có thể lây lan ra chỗ khác. Mà như vậy thì nếu 1 thành phố hay 1 quốc gia bị bệnh thì các thành phố và các nước xung quanh phải bị lây trước chứ? Tại sao cùng lúc xuất hiện ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ …?

Các nhà khoa học cho rằng virus lây qua giọt bắn, tiếp xúc, nên yêu cầu sát trùng đủ thứ và giãn cách. Họ phân loại F0, F1, F2,… những người tiếp xúc với F0 thì được gọi là F1 và bị cách ly rồi truy vết.
Nhưng dần dần trong quá trình chống dịch, họ đều thấy nhiều trường hợp rất lạ kỳ, người cùng một nhà, nhưng người này bị người kia không bị: chồng dương tính, vợ vẫn âm tính, mẹ dương tính, con 8 tháng tuổi đang bú mẹ lại âm tính. Nhiều người giải thích bây giờ âm tính vì bệnh chưa phát thôi, vài hôm nữa dương ngay ý mà. Nhưng cũng không phải. Người dương tính vẫn là dương tính mà người âm tính vẫn là âm tính. Có những người chẳng đi đâu, chẳng tiếp xúc với ai, chỉ ngồi trong nhà cũng dương tính. Con Covid này hình như nó biết chọn người để…lây nhiễm? Nó không lây nhiễm theo cách mà các bác sỹ và các nhà khoa học từ trước đến nay vẫn hiểu về loài virus. Rồi đến gần đây thì họ lại bắt đầu thay đổi khái niệm, không phải cứ tiếp xúc với F0 là thành F1 ?!?

Vẫn chưa hết, cách đây không lâu, chúng ta vẫn cho rằng vaccine là cứu cánh duy nhất của đại dịch. Nhưng rồi bây giờ thì sao?

Số ca nhiễm Covid ở Mỹ tăng vọt trở lại mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đạt rất nhanh trên 50% với Pfizer và Moderna. Tại Israel, số ca nhiễm nặng đang tăng gấp đôi sau mỗi 10 ngày mặc dù tỷ lệ và tốc độ tiêm vaccine của nước này thuộc hàng đầu thế giới. Khả năng lây nhiễm chủng Delta của người đã tiêm chủng đầy đủ cho người khác không thua kém gì từ người chưa tiêm. Điều đó làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của việc miễn dịch cộng đồng bằng vaccine mặc dù hiệu quả bảo vệ của vaccine khỏi tình trạng bệnh nặng vẫn cao.      

Ngay cả chúng tôi, những người nghiên cứu về vi sinh vật, cũng hiểu rằng, tất cả những biện pháp của con người từ trước đến nay đều là chạy theo vi sinh vật. Các nhà khoa học có điều chế ra loại kháng sinh mới thì chỉ một thời gian ngắn sau là xuất hiện vi khuẩn đề kháng. Vaccine thì chưa hiệu quả nhiều với virus. Đặc biệt, cấu trúc của virus quá đơn giản nên cứ trung bình sau 10^6 lần nhân lên của virus là xuất hiện 1 đột biến mới. Như vậy thì hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều có chủng virus mới, chẳng qua là nó đã đủ trội lên để gây thành dịch do biến chủng mới hay chưa thôi.

Rõ ràng, cần phải bình tĩnh lại và nhìn nhận vấn đề.  Rõ ràng cái dịch bệnh này có điều gì đó mà giới hạn của khoa học hiện nay chưa thể lý giải được một cách cụ thể và chính xác về loài virus này.

Chính tôi, là một tiến sỹ, bác sỹ chuyên ngành vi sinh, nhưng tôi cũng thấy khó giải thích trước tình cảnh dịch bệnh trước mặt, nó khác nhiều so với những gì tôi được học, đã biết và đã từng nghiên cứu.

Tại thời điểm đợt dịch thứ nhất, phó trưởng khoa Y của đại học y khoa UCSF email cho tôi và nói rằng ông đang rất lo lắng vì không biết làm sao để bảo vệ nhân viên và sinh viên của ông trước đại dịch, chúc lành cho các bạn. Đại học Stanford, tượng đài y khoa của tôi cũng sụp đổ khi họ nói họ chẳng hiểu cái dịch này như thế nào. Cũng từ đó, tôi muốn tiếp cận nó theo hướng mới hơn là khoa học thuần tuý. Tôi cho rằng phải mở rộng trí óc hơn, cái nhìn phải lớn hơn, rộng hơn, dựa trên ba khía cạnh: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và khoa học tâm linh thì mới hiểu được phần nào về đại dịch này.

Con người chủ yếu mới chỉ nhìn nhận đại dịch ở khía cạnh khoa học, có một số ít người nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học xã hội, và rất ít người hơn nữa nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học tâm linh. Trên mạng, trong sách, đã có quá nhiều người nhìn nhận đại dịch coronavirus ở góc nhìn khoa học, nên tôi không muốn viết về nó nữa, mà tôi muốn nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học xã hội và khoa học tâm linh.

Chẳng hạn, tại sao nếu nhìn vào số lượng người chết do Covid thì thực ra không bằng 1 trận chiến tranh. Thậm chí còn không bằng số người chết hàng năm vì tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Tại sao người ta không sợ chiến tranh, không sợ tai nạn giao thông, mà lại hoảng loạn vì virus? Là vì chiến tranh người ta còn biết đánh ai, ai đánh, biết kẻ thù là ai, chiến lược thế nào, đánh từ đâu, phòng thủ thế nào. Nhưng virus thì không thấy đâu cả. Không biết đánh từ đâu, phòng thủ thế nào nên tâm lý con người, tâm lý xã hội, họ sợ và hoảng loạn. Từ đó mà tình hình dịch bệnh cứ nặng dần lên.

Một góc khác ở khía cạnh khoa học xã hội. Mọi người cứ hỏi làm sao để dập dịch, làm sao để chống lại Sars-CoV2. Nhưng riêng tôi, tôi thấy nó là sự cân bằng của Tạo Hóa mang lại. Người ta chỉ nói về tác hại của Covid mà rất ít người nhìn nhận khía cạnh tích cực của nó.

ĐẠI DỊCH NÀY DẠY CHO CHÚNG TA RẤT NHIỀU BÀI HỌC:

1.     Khi phải đối diện với bệnh tật hay bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống, cách tốt nhất là giữ sự bình thản. Chúng ta học cách sống chậm lại và có khoảng lặng và yên tịnh cho mình.

2. Con người cần phải học lại cái CĂN BẢN SỐNG. Tôi nhận thấy nhiều người trẻ trong cuộc sống xã hội đủ đầy hiện nay, vốn dĩ chưa từng trải qua thảm họa như chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch, cũng chưa từng biết thiếu thốn là gì nên chỉ quan tâm đến những việc phù phiếm.
Ví dụ như đợt dịch thứ nhất, người ta đổ xô đi tranh cướp giấy toilet mà quên đi những nhu cầu tối thiểu khác của con người, họ thiếu căn bản sống, những kỹ năng sinh tồn tối thiểu.
Giãn cách xã hội khiến hàng quán không thể mở cửa, nhiều người vốn dĩ đã quen ăn hàng, không tự nấu ăn bao giờ, tự dưng cuộc sống bị đảo lộn. Họ than vãn rằng dịch buồn quá, chẳng làm được gì, chẳng được đi đâu. Họ cần tập lại từ việc đi chợ, nấu ăn, và lo cho người thân của mình đủ ăn. Họ cần học lại bài học về sự sinh tồn.

3. Con người cần hiểu ra rằng đừng có tham lam vật chất quá. Mà chúng ta cần học cách trân trọng thức ăn, nguồn nước, không phung phí, không bỏ thức ăn thừa mứa. Ví dụ trước kia chê ỏng chê eo món này ngon món kia dở, phải có cái này cái nọ mới chịu được. Bây giờ có miếng rau trong bát cơm đã thấy mừng, chịu thiếu thốn một tý thấy cũng không chết ai. Nhịn một tý, không đi chơi, không đi ăn, thiếu tiện nghi... vẫn sống tốt. Hãy tập trong sự thiếu thốn để biết ĐỦ.

4. Con người học được bài học về CƯ AN TƯ NGUY, nghĩa là lúc đang yên ổn, bình yên thì nên nghĩ tới lúc nguy nan. Chúng ta học được cách phải tiết kiệm, phải biết ăn dè, không tiêu hết những gì mình làm ra để dự phòng lúc nguy cấp.

5. Con người học được bài học về cách lưu trữ bảo quản: Có những điều trước đây con người không chịu làm nhưng bây giờ có dịch thì bắt đầu biết suy nghĩ hơn.

6. Chúng ta học ra được rằng, PHÚC HƯỞNG TẬN THÌ HỌA SẼ TỚI, đừng nên ăn tận, uống tận, hưởng tận. Chừa đường cho người thì trời mở đường cho mình.

7. Chúng ta học cách thích nghi, chấp nhận mọi biến động của cuộc sống. Cũng giống như biến thể Delta còn đang hoành hành, biến thể Lamda mới đã xuất hiện. Chúng ta không còn cách nào ngoài việc thích nghi với mọi nghịch cảnh.

8. Chúng ta hiểu rõ hơn chữ VÔ THƯỜNG, không có gì là bất biến trong cuộc đời này. Chúng ta cảm giác được sự sống chết rất mong manh xảy ra rất gần xung quanh mình. Chúng ta hiểu rõ rằng nên quan tâm, dành thời gian cho cha mẹ già nhiều hơn bởi có thể một biến động quét qua ta không còn kịp nói lời từ giã họ. Đại dịch xảy ra, cũng bộc lộ cái tình giữa con người với con người. Họ kỳ thị những người bị dương tính. Nghĩa tử là nghĩa tận, vậy mà người ta chỉ vì sợ con virus mà quên đi cái tình, cái nghĩa. Thấy tội cho những người ra đi đúng vào đợt dịch. Đám tang lạnh lẽo, lẻ loi, không người đưa tiễn.
Chúng ta cũng học cách nhường cơm xẻ áo và yêu thương những ai đang khó khăn hơn mình. Ta cũng nhận ra tình người tự nhiên vốn dĩ không nên hại nhau, không nên lợi dụng nhau, nên tôn trọng nhau.

9. Đại dịch làm giảm nạn tắc đường mà không một chính phủ nào trên thế giới làm nổi. Nhưng chúng ta cũng học được rằng khi hết dịch sẽ không bao giờ càm ràm nhăn nhó mỗi khi ra đường kẹt xe, nắng nóng.

10. Đại dịch đã làm giảm ô nhiễm môi trường: Môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng, có thể khiến trái đất diệt vong vì hiệu ứng nhà kính, vì sự nóng lên của trái đất, vì băng tan hai cực…Nếu chỉ hô hào kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường thì sẽ chẳng ai làm.
Nhưng chỉ cần đại dịch Covid xảy ra, mọi người không ai ra đường, không xả khói, nhà máy ngừng sản xuất, hàng chục nghìn chuyến bay bị hủy, làm giảm hàng nghìn tấn CO2 thải ra môi trường. Chỉ số môi trường của Hà Nội và TPHCM chưa bao giờ chuyển sắc xanh như vậy.
Nếu nhìn từ Google Earth sẽ thấy có những khu vực cây cối mọc xanh trở lại vì không có sự tàn phá của con người.
Và như vậy, có phải virus corona đang cứu Trái đất khỏi nguy cơ diệt vong không? Đây là một khoảng lặng để con người nhận ra mình đã tàn phá tự nhiên như thế nào. Có thể sau đại dịch con người sẽ thay đổi.

11. Chúng ta học văn hóa xếp hàng và kiên nhẫn chờ đến lượt.

12. Chúng ta học cách hòa hợp với bạn đời, với con cái, với người thân khi ở gần nhau quá nhiều.

13. Chúng ta học cách tự sống ổn một mình, học cách sống cô đơn.

14. Chúng ta học cách thử thách sức chịu đựng của bản thân.

15. Chúng ta học cách tự chữa bệnh khi các bệnh viện đều quá tải.


Chắc hẳn các bạn cũng học được rất nhiều bài học sau dịch Covid này…

* Các lời khuyên phòng bệnh COVID:
Ngoài các thuốc theo phác đồ của Bộ y tế và các phác đồ quốc tế, nên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc để hỗ trợ:
- Ngồi thiền mỗi ngày có thể giúp cho chúng ta giữ được sự bình thản, tăng sức đề kháng, giảm stress và vì thế phòng ngừa phần nào những tác hại của virus.
- Tập thở tích cực: Ra ngoài sân thoáng (không nên ngồi trong phòng kín). Hít thở bằng miệng, mở miệng ra để thở. Hít vào thật sâu, hai tay giơ lên, cúi xuống thở ra hai tay đưa xuống, khi đến gần cuối thì thở ra, thì thở hắt mạnh ra để đẩy nốt phần khí cặn trong phổi ra.
- Súc miệng nước muối hàng ngày và tránh không để cho cổ họng bị khô.
- Tập thể dục mỗi ngày.
- Mở cửa để không khí lưu thông thông thoáng cho nơi ở.
- Trong trường hợp không may bị nhiễm virus, có thể xông các loại lá có tinh dầu: đun sôi lá sả, chanh, vỏ bưởi, hoa cứt lợn, lá bạc hà, lá tía tô… ngày 2 lần, nếu thấy khó thở thì có thể xông nhiều hơn 3-4 lần. Vùng miền nào có các loại lá có tinh dầu đều có thể dùng được hết. Khi nước đã sôi già, khi chuẩn bị xông, bỏ vài giọt dầu gió vào nồi và xông, khi đó hơi bốc lên cùng với dầu gió làm tăng hiệu quả xông. Hoặc chỉ đun nóng nước rồi cho dầu vào nếu không có cây lá tinh dầu.
- Ăn uống: Cố gắng tìm mọi cách ăn uống đầy đủ trong hoàn cảnh của mình. Một số gợi ý thêm:

o Nước đậu đen
o Nước lá tía tô giúp giải cảm rất tốt. Uống như trà, có thể thay nước lọc.
o Nước gừng, chanh, sả, mật ong cũng rất tốt.

- Và cuối cùng

YẾU TỐ TINH THẦN LÀ QUAN TRỌNG NHẤT VÌ AI CŨNG HIỂU ĐẾN GIỜ NẦY KHÔNG CÓ THUỐC NÀO ĐỂ TRỊ COVID CẢ.
Yếu tố tinh thần và niềm tin sẽ là chất liệu cần thiết để được hồi phục. Người nào có tôn giáo thì nên cầu nguyện theo tôn giáo đó, còn ai không có tôn giáo thì bình tâm, ngồi hít thở đều đặn, không nên hoang mang.
Hãy sống lạc quan và tích cực để có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn!
                        Tác giả bài viết: 
TS.BS. Nguyễn Đỗ Ngọc Linh