Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Nghệ Thuật Sư Phạm

Nghệ Thuật Sư Phạm

Anh Tâm quen biết rất nhiều người, mà phần lớn những người này là học trò của mẹ anh, cô giáo Hòa dạy tiểu học.  Họ yêu thương, quý mến cô giáo cũ, hay tới nhà thăm và từ đó quen biết và chơi thân với anh Tâm.  Tôi nghĩ cô giáo Hòa chắc có phương pháp sư phạm hiệu quả lắm, và hỏi anh Tâm? Anh Tâm suy nghĩ một hồi rồi đáp:  Mẹ tôi không chú trọng kỹ thuật sư phạm mà chú trọng tới nghệ thuật sư phạm.  Tôi xin anh giải thích rõ hơn trong một buổi trà đàm với anh.

          Nhấp một ngụm trà, anh Tâm từ từ nói:

Tôi nghĩ mẹ được “đắc nhân tâm” là do những điểm sau đây:

Mẹ tôi trước khi vào lớp học, luôn chuẩn bị khuôn mặt tươi tắn, vui vẻ trước khi mở miệng “chào các em buổi sáng”.  Mẹ tránh vào lớp với vẻ mặt quá nghiêm nghị.  Mẹ luôn nhủ trong lòng là mình đi dạy chớ không phải đi … dọa.

Mẹ có trách nhiệm dạy dỗ.  Tiếng Việt rất hay là dỗ đi kèm với dạy.  Vừa dạy vừa dỗ, vừa dỗ vừa dạy.  Có dỗ thì những gì mình dạy các em mới dễ hấp thụ, chớ vừa dạy vừa la, hay quát tháo thì không em nào học nổi. 

Mẹ dạy với tình thương yêu, với lòng say mê và với luôn khích lệ tinh thần cầu tiến, tinh thần tự học của các em.

Mẹ cần phải giải rõ, giảng rõ, học trò mới hiểu rõ.  Nếu hơn nửa lớp không hiểu bài vừa giảng thì là do lỗi của mẹ.  Mẹ cần phải giảng lại một cách khác dễ hiểu hơn.  Mẹ luôn kiên nhẫn.

Cuối giờ, mẹ gọi 1 em tình nguyện đứng lên thuật lại những điểm chánh đã học.

Mẹ thường chấm dứt trước giờ 5 phút.  Mẹ có thể trả lời một vài câu hỏi cho em nào thắc mắc.  Em nào mắc cở hỏi, có thể viết trên giấy.

Mẹ hay nói chuyện tìm hiểu những em có nhu cầu đặc biệt trong gia đinh để tìm cách giúp đỡ.

Anh Tâm nói cách dạy học hết lòng của mẹ anh đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời anh.  Anh kể thời anh làm tuyên úy trong một nhà tù (Chaplain for Prison Ministry), anh áp dụng một số bí quyết của mẹ.

Anh tập yêu thương các tù nhân vì biết rằng vì hoàn cảnh mà họ phạm tội.  Phần lớn là do cha mẹ họ không thương yêu, chăm sóc mà còn hành hung, bạc đãi họ.  Anh đến với họ với lòng thương yêu, nhân từ, thương xót của Chúa Giê-su.

Tù nhân phần nhiều bị đời bầm dập, đã sống trong sợ hãi, bất an nên dễ có khuynh hướng “bung dao” với ai họ nghi ngờ, nên anh Tâm cần đến gặp họ với thái độ bao dung, thân thiện, vui vẻ.

Anh giới thiệu 3 món quý báu mà họ đang thiếu là tình thương yêu, lòng vui mừng và sự bình an.  Ba thứ Tam Bửu này Chúa Giê-su có thể ban cho họ.  Nhiều người mở lòng tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa đời mình. 

Chương trinh kế tiếp cho các tân tín hữu này là anh dạy Giáo lý cho họ.  Anh tận dụng mọi câu chuyện thú vị, những hình ảnh cụ thể để giúp cho họ hiểu được những ý nghĩ trừu tượng.  

Anh vừa dạy vừa dỗ, an ủi, khuyên lơn, khuyến khích mà tránh sự rầy rà, khiển trách.  Vị ngọt ngao luôn để ấn tượng tốt và lâu trong lòng người.  Anh Tâm áp dụng câu “mưa dầm thấm lâu”, nên anh nhẫn nại với những người khó tánh. 

Câu Kinh Thánh mà anh đắc ý nhất là:  “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét