Gần đây, nhiều người học theo những thú hưởng nhàn của người Nhật, họ chơi kiểng lùn, cây khô và đá thủy thạch. Thủy thạch (水石 tiếng Nhật là Suiseki) là những tảng đá nhặt ở bờ biển.
Đá này thường màu đen sậm, chắc nịch, hình dáng đẹp đẽ hoặc cổ quái. Người chơi đá nói rằng những tảng đá vì sống lâu cả ngàn năm nên chắc chắn phải có lai lịch. Có thể bắt đầu từ vách núi đá sát bờ biển, sóng biển đánh vào đêm ngày, năm nầy qua năm khác, vách núi đá đã vỡ ra từng tảng. Có tảng đã tan tành thành cát. Những tảng lì lợm với sự vùi dập, sự tắm gội của thủy triều, đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” là những tảng đá quí giá. Có tảng được bán cả ngàn đô-la. Nhiều người chiêm ngưỡng, trầm ngâm trước những tảng đá đó hằng giờ. Họ suy gẫm về cuộc đời của nó, về sức chịu đựng kiên trì của nó. Có người quả quyết đã nghe đá tâm sự. Đá nhắn nhủ họ: “Hãy Im Lặng”.
Nói về sự im lặng, thì có người chiêm ngưỡng sự im lặng của núi non, của biển cả. Những con “mọt sách” thì ca tụng sự im lặng của sách. Những quyển sách tuy nằm im thin thít, nhưng có thể nói lên hàng … pho! Bao nhiêu câu chuyện vui buồn, tình tiết gay cấn, éo le, lâm ly hay lãng mạn đều nằm trong sách. Sách sẽ mở lòng, giãi bày tâm sự cho người chiếu cố! Trong đời sống với nhiều sự vội vã, nhiều tiếng động ồn ào, nhiều đôi co tranh cãi vô bổ, nhiều sự đốp chát, mạt sát nhau thì sự im lặng lắm khi rất cần thiết.
Trong rất nhiều tình huống, chúng ta không ân hận vì mình giữ im lặng, mà thường hối tiếc những lời nóng nảy mà mình lỡ “phun” ra! Một anh nọ có tật phát ngôn bừa bãi, thường hay hối tiếc những lời không đẹp mà mình đã nói, rất lấy làm tức bực vì tập mãi mà vẫn không kiềm chế được miệng lưỡi của mình khi gặp chuyện bất như ý. Đi tìm thầy vấn kế, thầy dạy mỗi lần anh phát ngôn những lời không lành thì hãy đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ nhà anh. Ngay ngày đầu tiên, anh đã đóng trên 20 cây đinh vào gỗ rào! Cảnh giác được điều này, càng ngày anh càng cố tập giữ môi miệng, nên số đinh đóng ngày một ít dần đi. Bây giờ minh-sư lại dạy tiếp: “ngày nào anh không phát ngôn ậu xị thì nhổ ra bớt một cây đinh mà trước kia đã đóng”. Sau một thời gian, nhờ kiên trì tập luyện, anh giữ gìn môi miệng như người ta khéo đậy nắp một bình hương. Số đinh trên rào đã được nhổ ra hết. Anh mời minh-sư về làm tiệc ăn mừng. Sau khi thầy ngỏ lời khen ngợi xong, bèn chỉ vào những lỗ đinh và nói: “Tuy đinh đã nhổ, nhưng lỗ còn hoài. Những lời không đúng, không đẹp mà con thốt ra, tuy con đã xin lỗi và nạn nhân đã tha thứ cho con rồi, nhưng vết thương lòng của họ nhiều khi vẫn còn đâu đó”. Vì vậy, cổ nhân khuyên chúng ta: “Thủ khẩu như bình”.
Giữ im lặng để không nói xấu người khác có lẽ không khó bằng nín nhịn khi bị người khác vu cáo, bôi lọ, sỉ nhục bất công. Chữ nho của nhịn là NHẪN (忍), chiết tự là mũi dao đâm vào tim, nghĩa là đau đớn lắm. Trong Thánh Kinh, sách Châm Ngôn (12:18) có câu: “Nói quá lời, chẳng khác nhát dao đâm.”* Đau nhưng nhịn. Người khác có thể thấy người nín nhịn là hèn yếu, hay ngốc nghếch, nhưng thực sự người nín nhịn vì đại cuộc là người có nghị lực, có công phu hàm-dưỡng thâm hậu. Cái khí hung hăng của kẻ thất phu, lỗ mãng không thể so bì được với đức im lặng, nín nhịn của bậc thượng trí. Điềm đạm, trầm tĩnh trong sự nín nhịn là cái dũng của thánh nhân. Kinh Thánh chép: “Dũng sĩ còn thua người biết nén giận hờn, Tự chủ được hơn chiếm toàn thành phố”* (Châm Ngôn 16:32). “Im lặng là khôn, dù thực chất dại ngu, Giữ miệng lưỡi được còn hơn thông sáng”* (Châm Ngôn 17:28).
Có lẽ nhiều người đã biết câu chuyện Lạn Tương Như nhịn nhục đối với võ tướng Liêm Pha. Cả hai đang phò vua nước Triệu. Thời này, nước Tần lớn và mạnh nhưng không dám gây hấn với Triệu vì nước Triệu có 2 người tài là họ Liêm và họ Lạn. Liêm Pha ganh tị với Lạn nên thường hay khiêu khích Lạn. Lạn thường tránh mặt Liêm, có lần đang đi, bỗng thấy Liêm đàng xa thì ông bèn ra lệnh đánh xe vào ngõ hẻm nhỏ tránh đi. Những người hầu cận rất lấy làm bực tức, xấu hổ cho chủ mình. Về sau, mọi người mới hay ra Lạn Tương Như nhịn là vì quốc gia đại sự. Liêm Pha lấy làm xấu hổ, ăn năn, đến xin Tương Như tha tội cho kẻ bất trí ngông cuồng. Từ đó, hai người kết làm anh em cho đến lúc lâm chung mà chẳng quên nhau.
Cổ nhân thường nhắc: “Không biết nhịn điều nhỏ sẽ mất mát việc lớn” (tiểu bất nhẫn dĩ thất đại dã). Trong nội các của Tổng Thống Abraham Lincoln, có ông Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh tên là Edwin M. Stanton. Vì bất đồng ý kiến sao đó mà E. Stanton rất ghét ông “xếp” của mình. Ông ta nói xấu đủ điều về TT Lincoln. Ông thường ví Tổng Thống như khỉ vượn vì khuôn mặt không đẹp của vị TT. Ông Lincoln vẫn biết mình bị bôi lọ, nhưng vẫn điềm tĩnh im lặng, bỏ ngoài tai, không truy tội, không đôi co một lời, vì gánh nặng quốc gia lúc đó thật phức tạp, nặng nề. Sau khi Tổng Thống Lincoln bị ám sát chết, Edwin Stanton hối hận qua hai hàng nước mắt, công nhận Abraham Lincoln đúng là một vĩ nhân. Câu nói bất hủ của ông về Lincoln là: “Now he belongs to the ages”.
Thánh Kinh ghi lại đức tính nín nhịn của một người rất lạ tên là Giê-Su. Ông là một Thần Nhân, vừa là Con Đức Chúa Trời vừa là con người. Lai lịch của ông thật lạ lùng, lạ từ lúc sanh (bởi một nữ đồng trinh), sống vô tội nhưng phải chết như một người phạm trọng tội mà không một lời kêu oan, rồi sống lại sau ba ngày. Chỉ ở trần gian 33 năm, mà ông ảnh hưởng rất nhiều trên đất. Ngày nay, hàng tỉ người tôn thờ ông là Chúa. Lịch sử nhân loại được chia đôi: những năm truớc Chúa, và những năm sau Chúa. Nhà tiên tri Êsai sống cách nay lối 2800 năm có tiên đoán về sự giáng sinh, cái chết cùng sự phục sinh của Chúa Giê-Su. Nhà tiên tri cho biết Ngài chính là Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ mà người dân Do Thái hằng mong đợi. Về sự thương khó của Ngài, Esai đã tiên đoán trong chương 53 rằng nhiều người nghĩ rằng Ngài bị Đức Chúa Trời đánh đập, sửa phạt. Nhưng thật ra, “người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” Ngài là Đấng Cứu Chuộc, bởi vì: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Chúa Trời đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” Nín nhịn vì đại cuộc, vì tình yêu quá đỗi lớn lao qua chương trình cứu rỗi nhân loại vĩ đại của Đức Chúa Trời, Ngài đã giữ im lặng không một lời kêu oan trước những kẻ ác đã vu khống, làm chứng dối về Ngài. Điều này cũng đã được chép trước trong Êsai 53:7 “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.” Nhờ sự nín nhịn và chịu khổ nạn đóng đinh, chịu đổ huyết của Chúa Giê-Su mà chương trình Cứu Thế được thành tựu tốt đẹp.
Hàng tỉ người đã tin vào dòng máu tình yêu này mà được xoá sạch tội lỗi và được xưng công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời. Họ trở thành con cái Đức Chúa Trời. Vĩ đại thay sự im lặng của Chiên Con!
*theo
Thi Ca Thánh Kinh (bản thơ dịch diễn ý) của Phan Như Ngọc.
Trích Nếp Sống Mới Tháng 3-4 Năm 2002 (hiệu đính)
Yên Lặng
Trả lờiXóa“Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất.” - Thi-thiên 46:10
“Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.” - Ca-thương 3:26
“ráng tập ăn ở cho yên lặng, săn sóc việc riêng mình, lấy chính tay mình làm lụng, như chúng tôi đã dặn bảo anh em” - 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11
Yên lặng để dằn cơn giận hoảng,
Để cho lời, bớt tiếng chua cay,
Cho hồn tìm đến, nguồn hạnh phúc,
Được sống vui hơn, những tháng ngày!
Yên lặng để nghe, người muốn nói,
Sầu tư trắc ẩn, tiếng phàn nàn,
Nổi lòng sầu khổ, cần nâng đỡ,
Học biết làm sao, để trấn an!
Yên lặng để nghe được tiếng Chúa,
Lời Ngài phước hạnh, ngọt ngào thay,
Làm tươi mới lại, linh hồn sống,
Theo ý của Cha, trọn tháng ngày!
Yên lặng biết rằng, Ngài ở cạnh,
Quan phòng chỉ dẫn bước ta đi,
Bình an, hy vọng, từng giây phút,
Chẳng có lo âu, chẳng khó gì!
Yên Lặng thường xuyên, làm việc Chúa,
Gia đình coi sóc, hết trong ngoài,
Siêng năng làm lụng, không va chạm,
Tránh khỏi vô tình, nói lời sai!
Xin Chúa cho con, được yên lặng,
Lắng nghe, cầu nguyện, cảm thông người,
Bỏ qua chuyện huyển, không lợi ích,
Suy gẫm Lời Ngài, mãi chẳng ngơi!
Tiểu Minh Ngọc
http://thovanhuongnam.com/2021/06/12/im-lang/
Trả lờiXóaPhương pháp dẫn ý rất độc đáo. Lâu nay, hầu hết những người viết hay giảng về Phúc Âm đều dùng tư tưởng và phương pháp Tây Phương để diễn ý và dẫn đến ý chính. Ở đây tác giả dùng tư tưởng và phương pháp Á Đông để đưa người đọc đến với Kinh Thánh. Điều nầy giúp cho người Việt dễ tiếp cận với Phúc Âm hơn.
Trả lờiXóaCám ơn bạn Nguyenredeemer. HC
Xóa