Gia đình ông bà James Goy, 50 tuổi và vợ, bà Lisa Goy, 48 tuổi cư ngụ đối diện với ông Jeff Spaide 47 tuổi, kỷ sư làm việc cho thành phố. Hai gia đinh này đã nghịch nhau, thường có những cuộc đấu khẩu không đẹp với nhau.
Sáng hôm đó, mọi người ra xúc tuyết để dọn sạch trước nhà mình. Ông Spaide nhận thấy ông bà Goy xúc tuyết hất qua nhà mình nên phản đối. Hai bên to tiếng cãi cọ nhau, thóa mạ nhau. Kế đó, 2 người đàn ông xách xẻng giao đấu với nhau. Bà Goy tiếp tục mắng nhiếc láng giềng. Ông Spaide thấy mình thế cô nên chạy vô nhà mang khẩu súng lục ra đe dọa. Tiếc thay, bà Goy thay vì đấu dịu cho tay súng nguôi giận, lại thách thức “go ahead”. Những phát súng nổ ra. Ông bà Goy bị trúng đạn. Súng lục hết đạn, ông Spaide trở vô nhà đổi cây súng trường, tới gần cận 2 nạn nhân bắn tiếp nhiều phát đạn nữa. Khi cảnh sát tới nơi, nghe tiếng nổ trong nhà ông Spaide, ông đã bắn vào mình tự sát.
Ngày hôm đó ngoài trời tuyết lạnh thấu xương, nhưng những trái tim rực lửa căm thù gây ra 3 cái chết lảng. Ba người mới nửa đời người, đều chưa quá 50 tuổi, tương lai còn dài trước mắt, nên lìa đời thật lảng phí. ÔB Goy còn bỏ lại đứa con 15 tuổi, phút chốc cậu thành mồ côi cha mẹ.
Suy gẫm lại, nhà tù khắp nơi đang giam giữ những người phạm tội sát nhân chỉ vì không kềm được cơn nóng giận của mình. Cũng không ít người bị tàn phế nếu không chết vì bị sôi máu do cơn thịnh nộ gây ra đột quỵ tim, óc. Thật đúng như câu tục ngữ: “No quá mất ngon, giận quá mất khôn”.
Khi cơn giận bùng phát, những kích tố căng thẳng (stress hormones) tiết ra, tăng cao, nếu chúng ta không học cách kềm chế hay chuyển hóa cơn giận thì dễ đi đến những lời nói, hành vi càn rỡ.
Ông bà ta đã lưu lại những lời dạy dỗ khôn ngoan:
“Một sự nhịn, chín sự lành” hay:
Chữ nhẫn là chữ tương vàng,
Ai mà nhẫn được, lại càng sống lâu.
Nói về cơn giận, ông Gia-cơ (James) khuyên: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Còn ông Phao-lô thì nhắn nhủ tín hữu thành phố Ê-phê-sô: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhân dịp.” Ông nhắc nhở người đọc rằng ma quỉ hay thừa lúc chúng ta nổi giận mà “đổ dầu vào lửa”.
Nhiều tâm lý gia khuyên chúng ta nên chuẩn bị tinh thần trước. Hãy tưởng tượng mình đứng trước tình thế bị chọc giận cho nổi nóng thì nên đối xử ra sao để không hối tiếc về sau. Có thể mình sẽ từ từ hít một hơi thở dài, sâu. Tìm cớ vào phòng vệ sinh để rửa mặt, để trấn tĩnh. Tự nhủ ngay lúc này, mình cần bình tĩnh và im lặng. Có thể “người bạn” vừa gặp chuyện không hay nên giận cá chém thớt: hôm nay, mình vui lòng làm thớt cho anh chém. Trong quá khứ, mình cũng đã chém oan nhiều con cá!
Khi bước ra xã hội, chúng ta như một đàn nhím tiếp xúc nhau, đụng chạm nhau nên có thể bắn những mũi tên nhím vào nhau, nên dễ làm tổn thương nhau. Muốn sống trong hòa bình, chúng ta cần phát triển tình yêu thương và lòng tha thứ.
Một Cơ-đốc nhân tâm sự là mỗi khi nhìn lên thập tự giá, chị nhớ tới con số 10 (thập là 10). Số 1 nhắc chị nhớ đến mỹ đức thứ nhất (trong 9 mỹ đức) của Trái Thánh linh là Tình Yêu thương. Số 0 nhắc chị nhớ đến “vạn sự giai không” nên giúp chị tha thứ dễ dàng. Chị thường lẩm nhẩm khi lâm chuyện: “Chuyện lớn làm ra nhỏ, chuyện nhỏ thành ra không.”
Mong đây là bài học nhắc nhở mỗi người chúng ta, như tác giả Lục Vân Tiên khuyên:
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Châu Sa ghi (2021.03.03)
Nếp Sống Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét