Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Hai Mỹ Đức đáng được trân quý

Hai Mỹ Đức đáng được trân quý

(hay Câu Chuyện Đổi Đời – phần 8)

Sau khi vị hôn thê từ hôn, Nghĩa bị trầm cảm nặng. Trường học đề nghị Nghĩa tạm nghỉ dạy để trị bệnh.  Chừng thấy mình trở lại bình thường, thì Nghĩa cũng biết mình bị mất việc vì nhà trường đã tìm người khác thay.  Nghĩa từ đó giúp mẹ trong tiệm may, và đồng thời dạy kèm môn Toán cho một ít học sinh.  Nghĩa luôn vui vẻ, nhẫn nhịn, lắng nghe những lời góp ý của người khác, tận tâm làm việc theo câu dạy: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).  Ai tiếp xúc một ít lâu đều mến Nghĩa.

Thời gian gần đây, nhiều người để ý thấy khi ký tên, Nghĩa thêm cái đuôi T2 vào chữ ký cũ.  Nghĩa giải thích T2 hay “T Bình Phương”, nghĩa là Thương yêu X Tha thứ.  Nghĩa suy ngẫm rất nhiều về hai mỹ đức này và nhận thấy đây là 2 đức quan trọng nhất trong các mỹ đức giúp con người sống trọn lành giữa nhân quần xã hội. 

Nghĩa đã cảm động trước tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với thế gian, Chúa Giê-su đã hy sinh thân mình vì chính tình yêu vô điều kiện ấy.  Ngài cũng thốt lời xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài, như đã chép trong Phúc Âm Lu-ca 23 “Đức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (câu 34a).

Nghĩa xem lại câu chuyện “Lãng Tử Hồi Đầu” mà Mục sư Quân có lần diễn giải thì thấy người anh hậm hực với cha;  cay đắng, ganh tị với em khi ông cha trân trọng đón tiếp người em trở về.  Tất cả chỉ vì thiếu tình thương yêu và tha thứ!

Gia đình nào có tình thương yêu & tha thứ sẽ là gia đình hạnh phúc, có niềm vui, có tiếng cười, những đứa trẻ lành mạnh sẽ được nuôi dưỡng.  Gia đình nào thiếu tình thương yêu & tha thứ thì nhiều lộn lạo xảy ra.  Tổ uyên ương không còn ấm nữa mà biến thành tổ lạnh.  Ai không yêu thương vợ con (hay chồng con) mà nghĩ rằng mình yêu Chúa là tự lừa dối mình.

Xã hội nào thiếu tình thương yêu và tha thứ thì dễ đưa đến tình trạng bát nháo, mất trật tự.  Và khi tham lam & thù hận lên ngôi thì sẽ tới giai đoạn thiên hạ đại loạn.

Nghĩa cảm thấy có sứ mạng sống và rao truyền sứ điệp T2 sao cho cá nhân được hân hỉ, gia đình hài hòa, xã hội hòa hảo, thiên hạ hoan ca.

Để thực hành, Nghĩa nghĩ tới ông bà nhạc “hụt”.  Chàng chứng tỏ là mình không ôm hận thù, mà sẵn lòng thương yêu & tha thứ dù người gieo khổ chưa hề mở miệng xin lỗi.  Ngày gần Tết, Nghĩa gửi thiệp và quà tới nhà ông bà trước, rồi ngày mồng 2 Tết, chàng tới thăm ông bà.  Thiệp và quà đi trước để ông bà không ngỡ ngàng khi chạm mặt Nghĩa.  Khi Nghĩa đích thân tới thăm thì ông bà biết chàng đến với thiện chí hòa bình.  Ông bà vô cùng cảm động, viết thư cám ơn, cho biết rằng nghĩa cử của Nghĩa đã giúp ông bà vui sống trở lại và hết mặc cảm tội lỗi. 

Mỗi lần nhìn vào thập tự giá, Nghĩa nghĩ đến con số 10 vì thập tự (十字) theo Hán văn là số 10.  Số 1 làm Nghĩa nghĩ đến mỹ đức đầu tiên trong Trái Thánh Linh là tình yêu thương.  Số 0 làm chúng ta nghĩ tới vạn sự giai không, tất cả sẽ cuốn theo luồng gió thổi, theo dòng nước cuốn trôi. Vậy tại sao không buông bỏ, tại sao không tha thứ?  Thập Tự giá tượng trưng cho tình yêu thương và tha thứ của Đấng Christ đối với nhân loại:

Tuân phụ lệnh, Con Trời giáng thế,
Thương nhơn loài, Cứu Chúa hy sinh.

Một đoạn diễn tả tình yêu thương thật hay trong thư Cô-rinh-tô, chương 13: “4 Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, 5 chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, 6 chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. 7 Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.”

Qua tình thương yêu và lòng tha thứ, phép lạ có thể xảy ra: Người nhận thay đổi tấm lòng; người cho sẽ nhận được ơn thiên thượng.  Ai ai cũng cần cho và nhận 2 mỹ đức quý báu này. 

***

Cám ơn nhà thơ TMN có bài thơ diễn ý: 

Hai Mỹ Đức Cần Có

"Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành." - Rô-ma 12:9

"Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận; vậy yêu thương là sự làm trọn luật pháp." - Rô-ma 13:10

Thương yêu, tha thứ, hai mỹ đức,

Linh nghiệm chữa lành, hết mọi người,

Liên kết anh em, trong Ân Điển,

Bình an, vui thỏa, khắp nơi nơi!

Hết lòng thành thật, trong quan hệ,

Hãy sống sáng Danh, Chúa rạng ngời,

Chớ có cằn rằn, hay gian dối,

Thương yêu, tha thứ, mãi không ngơi!

Tiểu Minh Ngọc


Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 7)

Câu Chuyện Đổi Đời (Phần 7)

Hôm nay, ngày Chúa Nhật, trước 9 giờ sáng đã có nhiều người, phần lớn ở tuổi cao niên, tới phòng thông công Hội thánh, uống trà, cà phê, ăn bánh ngọt và trò chuyện.  Bà Liêm cũng tới sớm để làm quen các bà.   Mục sư Quân, em ông Tùng, quản nhiệm Hội thánh từ nhiều năm nay.   

Nghĩa đưa mẹ đến dự, trong khi đó  Tiến đến cùng chị và 2 em trai.  Tất cả được hoan nghênh trong giờ đầu.   Mục sư giảng luận đề tài “Người con trai hoang đàng” trong sách Phúc Âm Lu-ca chương 15 (11-32).

          Chúa kể rằng có một ông cha có hai đứa con trai. Người con lớn siêng năng làm việc; đứa em thì ngược lại, lười biếng, ham chơi. Một hôm, người em đến nói với cha: “Cha ơi, xin chia cho con phần gia tài của con. Con muốn có số tiền đó bây giờ.”

Người cha chưa chết mà con đã đòi chia gia tài nên ông buồn lắm, không muốn chia.  Nhưng vì người con cứ năn nỉ ỉ ôi, nên cuối cùng người cha lấy tiền đem chia cho cả hai con. Người con nhỏ được nắm tiền trong tay nên vui vẻ lắm, bèn cầm tiền đó ra khỏi nhà, đi đến một nơi xa lạ.  Ông cha tìm cách can ngăn nhưng không được nên ông đành để cho con đi.  Người con sung sướng mang cả phần gia tài đi ra tỉnh thành.  Ở đó, chàng tự do ăn chơi. Chàng kết bạn với những người xấu, những người bạn này lôi kéo chàng vào những chỗ trác táng, và chàng tiêu xài tiền bạc cách phung phí.

           Không biết có bao giờ chàng ta nghĩ đến cha hay không, mà cứ tiếp tục vùi đầu vào những buổi tiệc tùng, ca hát, rượu chè, cờ bạc...  Chẳng bao lâu tiền của hết sạch.  Những người bạn thân bắt đầu làm ngơ và dần dần xa lánh.  Có lúc chàng ta không còn tiền để mua thức ăn.  Lúc ấy trong vùng đó lại gặp nạn đói lớn.  Không một bạn nào giúp đỡ.  Hoàn cảnh lúc đó thật bi đát, chàng ta đành phải xin việc chăn heo để có miếng ăn qua ngày.

Đối với người Do Thái, heo là con vật ô uế, chăn heo là một công việc thấp kém, hèn hạ, nhưng chàng không có nghề gì khác nên đành phải nhận công việc này để khỏi chết đói. Đã vậy, vì ăn không đủ no, chàng muốn lấy vỏ đậu của heo ăn để ăn cho đỡ đói mà chủ cũng không cho.  Nhìn lại thân mình, đói rách, hôi hám, tủi nhục, chán nản, thất vọng.  Chàng chợt nghĩ đến gia đình!  Nghĩ đến hình ảnh người cha thân yêu, gia đình no đủ êm ấm, chàng thấy mình quá dại dột.  

Chàng thầm nghĩ: Trong nhà cha mình những người giúp việc còn có thức ăn dư dật mà mình ở đây phải chết đói. Thôi, mình hãy về xin lỗi cha, xin làm người giúp việc trong nhà cha cũng còn sung sướng hơn. Nghĩ thế nên chàng thanh niên liền xin nghỉ việc và lên đường trở về nhà.

Từ khi người con bỏ nhà đi, ông cha rất là nhớ thương và lo lắng. Ngày ngày ông ra cửa đứng trông đợi con. Ông mong có một ngày con ông sẽ ăn năn trở về. Ngày hôm đó, ông cũng ra cửa trông ngóng như mọi ngày, bỗng thấy đàng xa có một người đi về phía nhà ông.  Khi người đó đi đến gần, ông giật mình kinh ngạc, rồi  mừng rỡ vì đó chính là đứa con trai yêu quý của ông.  Ông lật đật chạy ra đường đón con. Ông vui mừng ôm đứa con yêu dấu vào lòng. Gặp lại cha, chàng thanh niên vừa xấu hổ vừa hối hận nên nói: “Thưa cha, con thật có tội với trời và với cha, không đáng được gọi là con của cha nữa.”  Nhưng người cha không để ý lời con nói. Được gặp lại đứa con yêu dấu, ông mừng quá, vội vàng dẫn con vào nhà, gọi người giúp việc bảo: “Hãy mau lấy áo tốt nhất mặc cho con ta, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con của ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại gặp.” Thế là mọi người trong gia đình vui vẻ chuẩn bị một bữa tiệc để ăn mừng người con đi hoang đã trở về.

Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên chúng ta. Ngài là Người Cha Nhân Từ, lúc nào cũng yêu thương, quan tâm đến chúng ta.  Cha nhân từ luôn đầy tình yêu thương, tha thứ miễn là chúng ta là con cái biết hối lỗi trở về nhà Cha.

Bài học hôm nay Mục sư Quân muốn đặt tên là “Lãng Tử Hồi Đầu” nghĩa là đứa con hoang đàng quay trở về nhà Cha. Tựa này nhắc cho phần quan trọng là chúng ta hối hận việc sai trái lúc trước, quyết tâm dứt bỏ thì mới được ơn thương xót là ân sủng mà Đức Chúa Trời ban cho.  Sự hối hận của người biết lỗi rất quý báu, ngay vàng cũng không đổi được, như ý câu thơ “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán”  浪子回頭金不.

Đây là ẩn dụ được biết đến nhiều nhất của Chúa Giê-su, chỉ được chép lại trong Phúc âm Lu-ca, làm nổi bật thông điệp: Tình yêu và ân điển của Thiên Chúa được ban cho vô điều kiện. Sự tha thứ dành cho người con không dựa trên việc làm hay trên công đức, mà dựa trên tình thương yêu.  Chỉ cần người con thống hối trở về, là tấm lòng bao dung của người cha mở ra đón nhận.

Cuối bài giảng, Mục sư Quân hỏi có ai cảm động tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa, cùng nhận biết mình đã xa nhà Chúa từ lâu, nay muốn trở về nhà Cha thì ông sẽ cầu nguyện cho.  Nghĩa và Tiến bước lên xin cầu nguyện.  Mục sư Quân nhìn  vào tên của Nghĩa, có hứng thú chiết tự:   Nghĩa gồm chữ Dương là con chiên ghép với chữ Ngã là tôi.  Chữ này có ý nghĩa rất đặc biệt, vì con chiên tượng trưng cho Chúa Giê-su đổ huyết, hi sinh mạng sống để tôi cũng như bất cứ ai nhìn và nhận ra Chúa Giê-su chết vì tội lỗi mình thì sẽ được xưng công nghĩa, nghĩa là sẽ hưởng được cơ nghiệp đời đời gồm 3 phần: tội lỗi được tha, linh hồn được cứu rỗi và hưởng được sự sống đời đời.

Sau giờ, Mục sư sắp xếp cho Nghĩa và Tiến chương trình học lớp Báp-têm.  Bước ra khỏi phòng nhóm, mọi người tới chúc mừng 2 con cái Chúa mới.  Nghĩa và Tiến cảm thấy một niềm vui chất ngất trong lòng vì đã quyết định được một điều quan trọng của cuộc đời.

Châu Sa ghi.