Tháng trước, trên một cuộc họp mặt qua Zoom, tôi bắt liên
lạc được với một người bạn quen thời trung học.
Tôi và anh Minh học chung những năm Đệ nhất cấp trường Petrus Ký. Chừng lên lớp Đệ Tam thì tôi chọn ban A để
theo y khoa, còn anh Minh chọn ban B để thành giáo sư dạy Toán. Một bạn chung trong Zoom lúc ấy, cũng đang sinh
hoạt chung với anh Minh tại một Hội thánh thuộc tiểu bang Georgia, tiết lộ:
“Anh Minh là người sống theo hệ số vì méo mó nghề nghiệp!” Nghe hấp dẫn, tôi liên lạc với anh Minh sau đó
để hỏi cho ra lẽ “sống theo hệ số” là gì ?
Anh Minh rất giỏi môn toán, anh đỗ Tú
Tài 2 hạng Bình. Anh vào học Sư phạm,
sau đó dạy Toán ở các trường công, tư. Anh
có mở lớp dạy luyện thi Tú tài 2 môn Toán cho ban B cho đến tháng 4 năm 1975. Anh tận tâm dạy cho học trò những bí quyết để
học Toán. Anh ước muốn là học trò anh
đậu nhiều và đậu cao, hạng bình và bình thứ phải đông. Anh thấy là nhiều học trò không biết tầm quan
trọng của hệ số (coefficient). Bắt đầu
giờ học, anh hay hỏi học trò “môn Toán khi ra thi thì hệ số mấy?” Mấy em trả lời: “hệ số 4”. Anh nhắc là hệ số 4 nghĩa là điểm môn Toán sẽ
nhơn cho x4, trong khi điểm Lý Hóa nhơn x3, Quốc văn x2, Sinh ngữ chính x2, Sinh ngữ phụ x1, Vạn vật x1, Sử Địa x1, Công Dân Giáo Dục x1 (cộng chung lại = 15). Anh cho mỗi môn một số điểm giả thử, để học trò
nhân lên theo hệ số, lấy tổng số chia cho 15, con số kết quả sẽ xếp hạng theo bảng
sau đày:
·
18.00
– 20.00: tối ưu
·
16.00
– 17.99: ưu
·
14.00
– 15.99: bình
·
12.00
– 13.99: bình thứ
·
10.00 – 11.99: thứ
Anh hỏi các em khuyên người bạn
có bảng điểm hạng đó làm cách nào tăng lên hạng cao hơn? Rốt cuộc là phải để thêm thì giờ tập giải nhiều bài
Toán.
Anh
thường nhắn nhủ: Trên đời không gì khó, miễn
đi đúng hướng, học đúng cách, trau dồi kỹ
thuật, nghệ thuật thường xuyên là đi tới thôi.
Anh khuyên mọi người nên học chung với bạn. Giải ra được bài Toán thì trong lòng khoan khoái
vô cùng, có nhiều anh vỗ đùi cười ha ha.
Một điều rất ngộ là các nữ sinh thường ghét Toán, sợ Toán, nhưng thỉnh
thoảng, anh gặp một vài cô gái quá giỏi Toán, đúng là nữ kiệt.
Học trò giỏi Toán ở Việt Nam qua vô ngang Trung học tại Mỹ cho biết giờ Toán là giờ các em sung sướng nhất vì Toán Mỹ dễ như ăn kẹo, dễ như ăn cơm sườn như nhiều em nhận xét (bù những giờ mà các em khóc ròng là giờ Văn chương, Sử ký Hoa Kỳ). Nhiều em học lấy bằng kỹ sư Hoa Kỳ không khó. Anh Minh lấy bằng kỹ sư cùng lúc lấy luôn bằng cử nhân thương mãi (MBA).
Anh áp dụng hệ số vào cuộc sống, nên
bạn bè nói anh “méo mó nghề nghiệp” (anh
nghi cụm từ “méo mó nghề nghiệp” xuất phát từ tiếng Pháp déformation professionnelle). Lúc trẻ, anh quan niệm sự thành
đạt của con cái là quan trọng nhất, nên anh cho hệ số x4, tâm trí, tinh thần, kiến thức x3, thể chất
x2. tâm linh x1.
Tới tuổi trung niên, anh chợt có sự
khao khát đời sống tâm linh, anh tìm kiếm, tìm hiểu và sau đó, anh có niềm tin vào Chúa Cứu
Thế Giê-su. Các hệ số bấy giờ đảo ngược:
Thể chất hệ số x1,
tâm trí x2, tâm linh x3. Chừng anh đào
sâu để hiểu Kinh Thánh hơn, anh nâng hệ cho tâm linh x4. Khi anh nhận hướng dẫn lớp Trường Chúa nhật,
anh nâng một cấp nữa cho tâm linh lên hệ số x5 vì anh khao khát được biết Chúa một cách sâu nhiệm, anh cần
đọc thêm các bản dịch khác của Kinh Thánh, các sách giải kinh, các loại tự
điển, bách khoa tự điển… Anh nhận ra ai khao khát tìm tòi tâm linh là đi tìm nguồn năng quyền, nguồn
khôn ngoan, nguồn ơn phước từ Thiên Chúa.
Hiện nay, đã về
hưu, anh có nhiều thì giờ, anh tập thể dục (hệ số 1) 30 phút, đọc sách báo để
mở mang kiến thức (hệ số 2) 60 phút. Tĩnh nguyện, cầu nguyện, đọc Kinh thánh (hệ số
3,4,5) 2-3 giờ đồng hồ.
Khi thấy bạn bè nào để nhiều thì giờ, tâm sức vô đời sống vật chất, hoặc hay phàn nàn, càu nhàu
chuyện vụn vặt, hay tủn mủn chuyện tiền nong, anh nhắc đừng để chuyện nhỏ, hệ số x1
làm hư chuyện lớn hệ số x3, x4.
Như trước kia anh khuyên
học trò muốn giỏi Toán, cần làm bài tập, bài Toán mỗi ngày, học và nhớ những định lý (theorem) Toán học; ngày nay, anh khuyên con cái Chúa cần cầu nguyện, cần đố
nhau Kinh Thánh, cần học, suy gẫm những câu gốc KT. Anh và vợ rất tâm đầu ý hiệp trong Toán học cũng
như trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, anh đố: Tìm trong Thư Cô-rinh-tô thứ nhất câu nào có ý
như câu tục ngữ “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”? Trả lời: chương 12, câu 26. Vợ đố lại chồng: Tìm trong Châm Ngôn 27, câu nào ứng với câu thơ: Chim có bạn cùng hót, tiếng hót mới hay; ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới giỏi. Trả lời: câu 17: Sắt mài nhọn sắt…
Sau đây là những câu Kinh Thánh nói lên sự quan trọng của linh hồn, sự thánh hóa, sự sống đời đời mà anh thường học, thường nhắc tới:
Truyền-đạo 3:11a Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều
là tốt lành trong thì nó. Ngài khiến cho
sự đời đời ở nơi lòng loài người; …
Ê-sai 40:8 cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức
Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!
Ma-thi-ơ 6:33 .. trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức
Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy
nữa.
Rô-ma 6:22 Nhưng
bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi,
thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống
đời đời làm cuối cùng.
II Cô-rinh-tô 4:18 bởi
chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự
thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.
II Cô-rinh-tô
5:1 Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng
ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa
Trời, không phải bởi tay người làm ra.
Ga-la-ti 6:8 Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt
mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống
đời đời.
I Ti-mô-thê 4:8 Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng
bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về
đời sau nữa.
Hê-bơ-rơ 11:16a ..
nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời…
Hê-bơ-rơ
12:14 Hãy
cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh,
vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
IPhi-e-rơ 2:11 Hỡi
kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi
khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn.
IIPhi-e-rơ 3:18a Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự
thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. ..
Thật là thú vị khi thấy
anh Minh do “méo mó nghề nghiệp”, dùng hệ số môn học áp dụng vào đời sống, đã giúp
cho bản thân, gia đình, bạn bè rất nhiều khi đặt thứ tự ưu tiên những lãnh vực trong đời
mình. Những người quen biết anh xác nhận rằng đời sống
của anh đầy ơn, là nguồn phước cho người chung quanh.
Châu Sa
"Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến." - 2 Phi-e-rơ 1:5-7
“Lời
Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi! Nhờ
giềng mối Chúa tôi được sự thông sáng; Vì vậy, tôi ghét mọi đường giả dối.” – Thi-thiên
119:103-104
Anh em gắng sức lên nhe,
Chớ đừng tự mãn, tự khoe thân mình!
Dù rằng mình có đức
tin,
Nhưng cần nhân đức thuộc linh làm
người!
Thêm vào học thức
từ Trời,
Giữ lòng tiết độ, mọi nơi hòa đồng,
Cộng vào nhịn nhục,
cảm thông,
Cùng niềm tin kính, trong vòng đệ
huynh,
Thêm yêu thương
giữa bạn mình,
Trọn lòng yêu mến, tràn tình nghĩa
nhân!
Kiên trì, không quản khó khăn,
Thực hành bài cấp số nhân tốt này,
Các điều Chúa đã
ban đây,
Đời ta phước hạnh, mỗi ngày với Cha!
Lời Ngài kỳ diệu,
cao xa,
Suy đi gẫm lại để mà nhớ luôn,
Học cho đến cuối
không buông,
Vững tin sống đạo y khuôn Lời Ngài!
Quyền năng vinh
hiển thánh thay,
Thiên Đàng hằng hữu, tiến ngay một
đường!
Tiểu Minh Ngọc