Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Hãy Hấp Hôn trước khi Hấp Hối

 Lời nói đầu:

          Không ít cặp vợ chồng sau vài thập niên sống với nhau cảm thấy đời sống gia đình sao quá nhạt nhẽo.  Hương vị mặn nồng của tình yêu ban đầu như bay biến mất.  Có cặp vợ chồng già đã ra tòa ký giấy ly dị vì không chịu nổi nhau nữa.  Thật đau lòng cho con cái.  Có thể cứu vãn trước khi quá trễ không?

Nếu bạn tự nhận mình là Cơ Đốc nhân, là con cái Chúa, thì không khí gia đình bạn phải chan hòa được 3 mỹ đức đầu tiên của trái Thánh Linh đó là: tình yêu thương, sự vui mừng và sự bình an.  Khi thấy thiếu tiếng cười trong nhà thì tổ ấm của bạn đang biến thành tổ lạnh, đang gặp hồi nguy biến.  Người trong cuộc hãy kiểm tra lại chính mình và tìm cách phục hồi hạnh phúc gia đình. 

Bài viết sau đây, tôi viết năm 2012, có lẽ còn ý nghĩa và có thể đóng góp phần nào vào việc xây dựng lại mái ấm gia đình.  Xin đăng lại trên blog sau khi nhuận sắc:

Hãy Hấp Hôn trước khi Hấp Hối

Ai còn vợ, còn chồng sống đầm ấm với nhau là đang hưởng phước. Ngẫm lại, người quan trọng nhất đời của mình chính là người phối ngẫu. Cha mẹ rồi sẽ qua đời, con cái rồi sẽ có gia đình riêng và rời tổ ấm, bạn bè dù thân mấy cũng có đời sống riêng của họ. Chính người vợ hay chồng là bạn đường mà cũng là bạn đời, có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu. Thời kỳ vàng son đầu tiên của hai vợ chồng là lúc mới cưới và chưa có con. Thời kỳ vàng son thứ hai là khi nợ mòn, con lớn, khi con cái rời cha mẹ lập tổ ấm riêng của chúng, nhất khi vợ chồng già về hưu, có thì giờ bên nhau.

Ai đang hưởng hạnh phúc này, hãy cảm tạ Thượng Đế và cám ơn nhau bằng những lần hấp hôn.  Hấp hôn không cần phải làm linh đình, tiệc tùng mời mọc. Những trình diễn bề ngoài này có thì vui, nhưng không phải là điều cần thiết. Hấp hôn chỉ cần 2 người bên nhau, nếu có điều kiện đi xa như 2 cụm mây lang thang thì càng tốt, không thì ở nhà với nhau cũng được. Bí quyết là khắng khít, quấn quít bên nhau. Hấp hôn phải được quan niệm như bảo trì (tune-up) chiếc xe hơi. Muốn xe chạy tốt, bảo đảm thì cần bảo trì hằng năm.

Chữ T.U.N.E.U.P. cho chúng ta nhớ những điểm chính của hấp hôn.

T: Time: thời gian bên nhau để tâm tình, để trò chuyện. Đây là thời gian vô cùng quí báu không nên thiếu. Nên thu xếp thì giờ để tham dự công việc của vợ, hay chồng. Mục sư Joel Osteen kể lại (trong Guideposts April 2012) chuyện vợ ông có mặt trong những bài giảng của ông. Có lần, ông phải giảng đi, giảng lại 8 lần cùng một bài giảng. Cả 8 lần đều có mặt của bà. Bà luôn chăm chú nghe, luôn cười vui vẻ với những câu chuyện khôi hài ông kể mặc dầu đã nghe nhiều lần. Ông nghĩ rằng có thể bà giả vờ, nhưng dù sao cũng khiến ông vui trong lòng vì biết vợ luôn ở cạnh mình.

U: unmask: Ung nhọt cần mổ xẻ. Vợ chồng sống lâu năm với nhau dễ có những điều bằng mặt mà không bằng lòng. Không nên che dấu nữa, không nên im lặng chịu đựng nữa mà cần thành thật đem ra mổ xẻ như mổ cái ung nhọt. Mặc dù có đau đớn nhưng cả hai sẽ lành bệnh và lành mạnh.

N: New ear & tongue: Tập nghe, tập nói ngôn ngữ tình yêu. Xin chép lại 5 ngôn ngữ tình yêu của Gary Chapman theo quyển “The 5 Love Languages”:

-Talk (Trò chuyện)

-Task (Thực hành)

-Time (Thời giờ)

-Token (Tặng phẩm)

-Touch (Thoa bóp)

E: Erase: Xóa. “Xóa bàn làm lại”. Làm người ai cũng có những lỗi lầm, những lần làm đau lòng nhau. Hai vợ chồng như hai con nhím, xa nhau thì nhớ, gần nhau thì lông con này châm chích con kia. Hấp hôn là dịp tuyên bố quên hết những lỗi lầm của người phối ngẫu, mà bắt đầu yêu thương và cầu nguyện cho “kẻ nội thù”. Hấp hôn là lúc cả hai người cùng quyết tâm viết trang mới trong quyển sách chuyện tình đôi ta.

U: Understand: Ưng ý, hiểu rõ nhau. Có người nói: Đàn ông thuộc Hỏa tinh, Đàn bà thuộc Kim tinh nghĩa là hoàn toàn trái ngược mà nay phải sống chung với nhau. Nhiều cặp vợ chồng sống với nhau mấy mươi năm mà vẫn không hiểu nhau. Nếu thường tâm sự, trò chuyện thì hai người chắc chắn sẽ hiểu nhau hơn.

P: Passion: Phấn khích (tình yêu như đám lửa, để lâu sẽ nguội dần nên cần thêm củi luôn). Để tình yêu không trở nên băng giá, nên nhớ lại, nhắc lại thuở mới yêu nhau. Để nung nóng lại tình yêu, nên xem lại 5 ngôn ngữ tình yêu kể trên. Chúng ta nên tránh 3 điều dễ làm mất hạnh phúc gia đình, đó :

Chỉ trích, Phàn nàn và So bì.

Viết theo tiếng Anh, chúng ta có 3 chữ C: Criticizing (chỉ trích), Complaining (phàn nàn), Comparing (so bì).  Nhân sinh quan của người thổ dân hải đảo Hawaii là “Ho’oponopono” nghĩa là hòa giải và tha thứ. Quan niệm tuyệt đẹp này có thể áp dụng để xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Bốn điều tâm niệm của họ là:

-I’m sorry (Tôi hối lỗi, Lỗi tại tôi)

-Forgive me (Tha thứ tôi)

-Thank you (Cám ơn)

-I love you (Anh yêu em/Em yêu anh)

Mỗi người nhận lỗi về mình, chứ không đổ lỗi cho người khác. Họ xin sự tha thứ. Họ nói cám ơn và bày tỏ tình yêu. Các bạn có thể đọc thêm quan niệm sống đẹp tuyệt vời này qua: http://www.ho-oponopono.org/

Các bạn thân của tôi ơi! Nếu vợ chồng bạn hiện nay thường hay tránh mặt nhau, hoặc gặp mặt nhau là cãi lẫy thì bạn cần hấp hôn rồi đó. Hãy hấp hôn trước khi một trong hai người hấp hối, đừng để đến hồi âm dương ly biệt, lúc đó hối hận thì đã muộn. Hơn thế nữa, khi vợ chồng bạn sống vui vẻ, hòa thuận, hạnh phúc thì đó là niềm vui rất lớn cho các con của bạn đó.

Châu Sa, nhuận sắc bài viết trên Nếp Sống Mới Hạ 2012

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Bánh Thuẫn Mùa Lễ Tạ Ơn

 Bánh Thuẫn Mùa Lễ Tạ Ơn

Ông bà Tám, mỗi năm làm lớn lễ Tạ ơn để cảm tạ Thiên Chúa ban cho gia tộc của ông bà từng sống trong ân điển diệu kỳ của Chúa.  Thường các con ông bà tổ chức vào ngày Chúa nhật trước ngày lễ Tạ ơn chính thức.  Lễ có “live streaming” cho thân bằng quyến thuộc từ xa có thể dự thính, dự… khán.

Gần 90 tuổi, ông bà có khá nhiều con cháu, chắt. Năm tới đứa chít (cháu đời thứ 5, gọi ông bà bằng Sơ) sẽ ra đời. Tất cả các con cháu đều thành đạt. Hơn thế nữa, con cháu nhà nầy đều yêu mến Chúa, có tinh thần phục vụ nhà Chúa và tha nhân một cách nhiệt thành.   

Tâm lý thông thường của con người là dễ quên ơn, nên ông hay dặn dò con cháu đừng quên ơn Chúa như vua David ngày xưa nhủ lòng: “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài.”  (Thi-thiên 103:2); còn bà Tám thì nhắc con cháu luôn:  “Càng tạ ơn Chúa thì càng được Chúa thêm ơn”.

Ông bà Tám là người Quảng Nam, thích có những khay bánh thuẫn truyền thống vào ngày gia đình đoàn tụ.  Bánh thuẫn nướng với cái khuôn bằng gang,  hình bầu dục giống như cái thuẫn.

Trước đây, lúc còn trẻ, còn khỏe, chính tay bà Tám làm bánh.  Khuôn bánh nướng bằng than, và có những viên than hồng để trên mặt nắp khuôn.  Bánh nướng “ra lò” rất thơm,  ăn nghe giòn tan ở phần xung quanh bánh và mềm xốp ở giữa, rất ngon miệng.  Ông Tám rất thích bánh thuẫn bà nướng.  Từ nhiều năm nay, bà đã thôi làm và truyền bí quyết lại cho cô gái lớn.  Cô giữ y công thức của mẹ với bột mì tinh (hay bình tinh: arrowroot flour) + bột năng (tapioca starch), trứng, đường, vanilla… Ông bà có cô dâu người Nam, khi làm để thêm nước dừa; còn cô cháu dâu người Bắc thì thích trộn thêm bột ngô (bắp).  Cả 3 loại này đều có người thích. 

Ông Tám mỗi lần ăn bánh thuẫn thường nhắc tới cái Thuẫn, là cái khiên, cái mộc, là thứ vũ khí phòng vệ. Trong Hán Việt, thuẫn  có nghĩa che chở, hỗ trợ.  Hậu thuẫn nói lên sức mạnh nâng đỡ chống lưng từ phía sau. Thuẫn khác với mâu là vũ khí tấn công.  Chiến binh ngày xưa  khi ra trận, tay phải cầm gươm, giáo, hay mâu và tay trái cầm cái thuẫn.  Tay phải tấn công, tay trái phòng thủ.  Vì nghĩa mâu và thuẫn nghịch nhau, nên khi diễn tả tình trạng xung đột, đối chọi nhau, người ta dùng từ ghép mâu-thuẫn.

Do ý nghĩa chữ Thuẫn, khi ăn bánh thuẫn người ta nghĩ đến sự giúp đỡ, hỗ trợ, che chắn từ nhiều nguồn, nhiều người trên đời sống mình: như cha mẹ, ông bà, bạn bè, tiền nhân, người xung quanh. Đối với gia đình ông bà Tám đó là Thiên Chúa. 

Khi đọc lời Chúa, ông bà nhận ra đức tin là cái thuẫn qua lời dạy của Thánh Phao-lô  “Phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ.”  (Ê-phê-sô 6:16).  Qua đức tin, gia đình ông bà được Chúa gìn giữ, che chở, nâng đỡ.

Ông nhắc nhở con cháu là muốn đức tin càng ngày càng mạnh thì phải vâng phục ý Chúa.  Ông nhắc con cháu công thức 2T: Tin và Tuân, như 2 nhánh của cái kéo, cần đi liền nhau mới hữu hiệu.

Có đứa cháu gọi ông bằng bác phỏng vấn: -Hai bác tuổi này còn minh mẫn, sáng suốt là nhờ vào đâu?   Ông cho biết ông bà dựa trên câu Kinh Thánh:   “Cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:17b).  Vậy Lời Kinh Thánh chính là gươm, là cây mâu, là vũ khí của Đức Thánh Linh ban cho để tấn công vào thế lực mờ tối của Sa-tan.  Ông có 4 bước để học hỏi Lời Chúa:

1.     Học, đọc , nghe;

2.     Suy gẫm lời Chúa trong lòng;

3.     Áp dụng vào đời sống;

4.     Chia sẻ cho người khác.

Một người bạn hỏi ở vào tuổi cuối đời, ông bà nghĩ gì về cái chết?

Ông bà cho biết rằng ông bà là lính chiến thuộc linh của Chúa Giê-su nên sẵn sàng chết, và cũng sẵn sàng sống để lưu truyền lại đức tin cho con cháu.  Ông bà thường suy gẫm câu Thi-thiên 71:18  “Lạy Đức Chúa Trời, dầu khi con đã già và tóc bạc rồi,  Xin Chúa đừng từ bỏ con.  Cho đến khi con rao truyền sức mạnh của Ngài cho thế hệ mai sau, Và quyền năng Ngài cho dòng dõi kế tiếp.”

Ông ngâm lên câu ca dao một cách sảng khoái:

Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.

Ông cho biết theo ông “cây đức” đây là cây đức tin đó. Đoạn, ông chỉ lên tường màu vàng, có mấy chữ màu đỏ đã được viết lên:  “Người công chính sống bởi đức tin”. 

Sau cùng, ông mời bà cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa và chúc phước cho con cháu.  

Châu Sa thuật (Mùa Tạ Ơn 2021)

TB: Tôi chưa được ăn bánh thuẫn của miền Trung, (mong sẽ có dịp). Lúc nhỏ, tôi thường nghe má tôi kể chuyện ở làng quê bà sinh trưởng là Tân Vạn, Biên Hòa, người ta hay tổ chức thi vừa chạy vừa ăn bánh “thửng”.  Có người bị nghẹt thở mà chết.  Từ đó, làng xã cấm không cho tổ chức thi như vậy nữa.  Về sau, tôi mới biết bánh thửng mà má tôi nói, đúng ra phải gọi là bánh thuẫn.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Nhờ Anh Đi Chợ

Nhờ Anh Đi Chợ

Cách đây 1 tuần, tôi có đưa ra 2 bài toán đố, 1 bài về tính số trâu đã có giải đáp, bài thứ hai nhờ anh đi chợ mua trái cây, hôm nay chúng ta tìm đáp số.  Khi nhận được bài thơ từ một chị trong nhóm Trưng Vương 49 (các chị vào trung học Trưng Vương năm 1949, tức là trên 70 năm rồi, nên hiện nay không ai dưới tuổi bát tuần), tôi đọc tới đọc lui và tưởng tượng tâm trạng của người viết và người đầu tiên nhận bức thư. 

Xin ghi lại đây bài thơ:

Gửi anh đi chợ trăm tiền còm

Mua hộ trái cây mấy thứ ngon

Cam ngọt ba đồng nguyên trái lớn

Quít đường năm trái một đồng con

Thanh long tươi tốt năm đồng một

Ba thứ gom vừa trăm trái tròn

Xin hãy vì ai toan tính giúp

Ơn này ghi tạc tấm lòng son.

nữ sinh Trưng Vương này gặp chuyện bực mình là có một chàng theo đuổi.  Mỗi ngày cô ra khỏi trường, trên đường về nhà là có anh chàng làm đuôi lẽo đẽo sau lưng, tán hươu, tán vượn một cách rất …vô duyên.  Cô nghĩ ra một kế.  Một hôm, khi biết có chàng đang đi theo mình, cô quay lại trao cho anh một bức thư và dặn về nhà hẳn đọc.  Chàng thấy hớn hở, hí hửng, hồi hộp, đợi về tới nhà mở thư ra xem nàng viết gì.  Không phải thư tình mà là thư nhờ anh đi chợ, hay nói đúng hơn là nhờ anh giải một bài toán đố làm sao mà chỉ có 100 đồng mua cho được 100 trái cây với 3 loại khác nhau: cam, quít, thanh long.  Cô cho biết giá từng loại.  Bây giờ anh phải tính mỗi loại bao nhiêu phần trăm, sao cho đúng phóc “trăm đồng, trăm trái”, thêm vào đó, người hỏi dùng thơ thì người đáp cũng phải kết vần thơ khi đáp trả.  Anh đọc tới đọc lui, tính xuôi, tính ngược mà toát mồ hôi hột.  Than ôi:

Vò đầu, nặn óc, tính không ra,

Ba chân, bốn cẳng nhảy cho xa.

Từ đó anh biến mất.  Cô nữ sinh lém lỉnh, bản lãnh này dùng toán qua thi ca chiếu bí anh.  Thường bộ óc của chúng ta phát triển mạnh về phân nửa: hoặc bán cầu não bên trái, hoặc bán cầu phải.  Người giỏi toán phát triển bán cầu trái; người giỏi thơ văn, ca hát, nghệ thuật thì phát triển bên phải.  Tả tính toán, hữu hát hò là vậy.  Bài đố “toán trong thơ” quá khó cho anh bạn trẻ này.

Bây giờ, chúng ta thử tìm cách giải:

Gọi C: số trái Cam cần mua, Q: số trái Quít, T: số trái Thanh long.  Tổng số trai là 100, nên chúng ta có phương trinh (phtr) 1:

C + Q + T= 100

Cam $3/trái, nên 3C là số tiền mua cam, tương tự Q/5 là tiền mua quít, 5T là tiền mua thanh long, tổng cộng $100, nên chúng ta có phtr thứ 2:

3C + Q/5 + 5T =100

Pttr thứ 2 có phân số Q/5, chúng ta muốn triệt phân số thì nhân 2 vế cho 5:

15C + Q + 25T = 500

Thế Q = 100 - C - T để loại Q ra khỏi vòng chiến:

=>    14C + 24 T = 400

Đơn giản 2 vế của phtr:

7C+ 12T = 200

C = 200 – 12T

7

          Qua công thức cuối cùng trên với trị số của C tùy thuộc vào T, ta dùng phương pháp thay thế T từ từ để được C phải là số nguyên:

 

Nếu T = 1 thì C = 26.85 bị loại vì không phải là số nguyên,

Nếu T = 2 thì C = 25.14  cũng bị loại vì không phải là số nguyên,

Nếu T = 3 thì C = 23.52 cũng  bị loại vì không phải là số nguyên,

Nếu T = 4 thì C = 21.71 cũng bị loại vì không phải là số nguyên,

Nếu T = 5 thì C = 20  (140/7) được chọn vì 20 là số nguyên,

Làm tiếp như thế cho tới T = 12, tính ra C = 8 (56/7), là số nguyên nên được chọn.

Tiếp tục T = 13 trở đi không được chọn vì không cho C số nguyên và dương nào.

Vì vậy, có 2 đáp số cho bài toán mua trái cây này:

 

Đáp số 1:  20 Cam + 75 Quít + 5 Thanh Long  ($60 + $15 + $25)

Đáp số 2:  8 Cam + 80 Quít + 12 Thanh Long  ($24 + $16 + $60)

Các chị trong TV49 có 3 bài giải đáp:

1

Trăm bạc em đưa chẳng phải còm

Anh tìm mua được trái cây ngon

Cam đường hai chục dành mời bạn

Quít ngọt bẩy lăm để đãi con

Năm trái thanh long ta đủ bộ

Một trăm trái đó kể như tròn

Vẫn hay cắc cớ em làm khó

Cũng muốn vì ai lấy điểm son

2

Một trăm đồng bạc đem đi

Sao cho cam quít mua về phân minh

Anh mua hai chục cam sành

Bẩy lăm trái quít lá cành còn tươi

Thanh long mắc quá em ơi

Năm trái đủ rồi em chớ phiền anh

Lần sau xin nói rõ rành

Em đừng cắc cớ làm anh nhức đầu

3

Ngán thay chỉ trăm đồng còm

Mà em tính toán om sòm với anh

Có gì mà tính chẳng nhanh

Anh mang tiền ấy mua nhành quít tươi

Tám chục quít ngọt hẳn hoi

Mua thêm tám trái cam tươi vỏ vàng

Còn dư sáu chục rõ ràng

Mua mười hai trái thanh long đỏ hồng

Thế là mua hết trăm đồng

Trái cây trăm trái như nàng dặn mua

Hỏi em vừa lòng hay chưa

Hay anh phải hái sao tua trên trời.

 

Nhà thơ Linh Ân gửi bài giải đáp:

NHỜ MUA TRÁI CÂY

Gởi nhờ mua...dùng tiền gì ?!

Tiền “Hồ” chẳng đáng giá chi không xài...

Còn như đồng “Đô” nước ngoài...

Tôi đây lãnh nhận, ngày mai mua hàng.

************

Trăm “Đô” xanh trắng nắm trong tay,

Sáng sớm tham quan chợ trái cây,

Cam, Quít, Thanh Long tươi chất đống,

Hương thơm xúc cảm những vơi đầy.

“Thanh Long” hồng đỏ “Mười Hai” trái,

“Cam Ngọt” lựa thêm “Tám Trái” đây.

“Tám Chục” “Quít Đường” riêng một gói,

“Trăm Tiền” thanh toán thỏa vui thay.

 

------------------

 

“Thanh Long” “Mười Hai” nhân “Năm”,

“Tám Trái Cam Ngọt” xếp nằm nhân “Ba”,

“Quít Đường” bóng lộn vàng da,

“Một Đồng” “Năm Trái” cộng là “Tám Mươi”

Cộng tiền trả, cộng trái tươi,

“Trăm Đồng” “Trăm Trái” vui cười trao tay.

Linh-Ân Nguyễn Thiện Nhân

(Cuối Thu Cali.- Nov.2021)

 

Thân kính chúc quý vị và các bạn luôn vui khỏe cùng an toàn, an tâm trong mùa dịch. 

Châu Sa

 

TB:

Xin đọc lại bài giải đáp số trâu nếu cần:

https://chaungochiep.blogspot.com/2021/11/giai-ap-bai-toan-trai-trau.html

Anh chị Đàm Trung Phán, Canada,  có tham gia phần giải bài toán đi chợ này:

https://mail.google.com/mail/u/0?ui=2&ik=fa2e6b250c&attid=0.1&permmsgid=msg-f:1716721779657201836&th=17d3055ceea4d8ac&view=att&disp=inline&realattid=f_kw45waxh0

Cám ơn anh chị.

  

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Giải Đáp Bài Toán Trại Trâu

Giải Đáp Bài Toán Trại Trâu

Cám ơn Ông Bà Anh Chị Em đã nhiệt liệt tham gia giải câu đố về trâu và trái cây.  Mời xem lại bài Thăm Trại Trâu Hồi Hưu:

https://chaungochiep.blogspot.com/2021/11/tham-trai-trau-hoi-huu.html

Nhiều người đã giải đúng.  Một số người nói khó quá, suy nghĩ nhức đầu, chỉ chờ ngày có bài giải đáp. 

 Đây là loại toán đố có 3 ẩn số và 2 phương trinh nên mất thì giờ đặt giả thử các trường hợp khác nhau.  Bài toán về trâu có 3 đáp số:

1.     4 trâu đứng, 18 trâu nằm, 78 trâu già

2.     8 trâu đứng, 11 trâu nằm, 81 trâu già

3.     12 trâu đứng,  4 trâu nằm, 84 trâu già

 Cách làm:

Đặt Đ là số trâu đứng, N là số trâu nằm, G là số trâu già. 

Chúng ta có phương trình (phtr) thứ nhất:

Đ + N + G = 100  (suy ra: G = 100 - Đ - N)

Tính số bó cỏ thì chúng ta có phương trình (phtr) 2:

5Đ + 3N + G/3 = 100

Nhân phtr thứ hai lên 3 để G không còn là phân số:

15Đ + 9N + G = 300

Thay G:

15Đ + 9N + (100 - Đ - N) = 300

14Đ + 8N = 200

7Đ + 4N =100

N = 25 – 7(Đ/4)

 

Đ phải là 4 hay là một bội số của 4 (8,12,16, 20..). 

Sau khi Đ chia cho 4, nhân 7 thì số thành không thể lớn hơn 25. 

Vì vậy Đ chỉ có 3 trường hợp cho 3 đáp số: 4, 8, 12. 

Từ đó suy ra N sẽ là 18, 11, 4. 

Có được Đ và N, chúng ta tính ra trâu già dễ dàng: 78, 81, 84.

 

Nhà thơ Linh Ân Nguyễn thiện Nhân theo đáp số “12 trâu đứng,  4 trâu nằm, 84 trâu già” làm thơ giải đáp.  Cám ơn thi hữu Linh Ân, Bỏ công giải gửi mấy vần thơ trâu.

 

GIẢI BÀI “ĐỐ TRÂU” của Linh-Ân


Rụng hết răng rồi cũng cứ nhai !

Lợi còn cưng cứng vẫn lai rai...

Gần xa đây đó ai mời đãi ?!

Sớm tối chiều trưa, chẳng phí hoài.


“TRĂM TRÂU, TRĂM BÓ CỎ”

Bạn già muốn giải giấc “Mơ Trâu” ?!

Trăm bó Cỏ...Trâu, có khó đâu,

Tân Sửu lóng rày chưa nghễnh ngãng...

Vậy cùng suy luận, đáp đôi câu:

 

Trại Trâu khá lớn cả trăm con,

Giờ ăn đã đến cỏ non đem vào,

Không xếp hàng, chẳng mời chào,

“Muời Hai Trâu Trẻ”, kéo ào vô ăn !

“Trâu Lười” cũng nhào lăn đống cỏ...

“Bốn Con Nằm” mỏ ngoạm như chơi,

“Tám Tư Cụ Trâu” rã rời,

Vô tư gặm cỏ, hàm nhơi quên sầu !

*

Trâu Trẻ “Năm Bó” vị chi...

“Sáu Mươi Bó” đã ăn đi mất rồi.

Chỉ còn Bốn Mươi bó thôi,

“Bốn Con Lười Biếng” nuốt trôi tức thì...

“Mười Hai Bó Nữa” còn gì !?

“Tám Tư Trâu Cụ” nay thì cùng nhơi...

“Ba Trự Một Bó” đã đời...

“Hai Mươi Tám Bó” tả tơi chẳng còn.

LINH-ÂN NGUYỄN THIỆN NHÂN

 

Phần bài Đi Chợ Mua Trái Cây sẽ giải vào kỳ sau.  Bài này có 2 đáp số.