Bánh Thuẫn Mùa Lễ Tạ Ơn
Ông bà Tám, mỗi năm làm lớn lễ Tạ ơn để cảm tạ Thiên Chúa
ban cho gia tộc của ông bà từng sống trong ân điển diệu kỳ của Chúa. Thường các con ông bà tổ chức vào ngày Chúa nhật
trước ngày lễ Tạ ơn chính thức. Lễ có “live
streaming” cho thân bằng quyến thuộc từ xa có thể dự thính, dự… khán.
Gần 90 tuổi, ông bà có khá nhiều con cháu, chắt. Năm tới
đứa chít (cháu đời thứ 5, gọi ông bà bằng Sơ) sẽ ra đời. Tất cả các con cháu đều
thành đạt. Hơn thế nữa, con cháu nhà nầy đều yêu mến Chúa, có tinh thần phục vụ
nhà Chúa và tha nhân một cách nhiệt thành.
Tâm lý thông thường của con người là dễ quên ơn, nên ông hay
dặn dò con cháu đừng quên ơn Chúa như vua David ngày xưa nhủ lòng: “Hỡi linh hồn
ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài.” (Thi-thiên 103:2); còn bà Tám thì nhắc
con cháu luôn: “Càng tạ ơn Chúa thì càng
được Chúa thêm ơn”.
Ông bà Tám là người Quảng Nam, thích có những khay bánh
thuẫn truyền thống vào ngày gia đình đoàn tụ.
Bánh thuẫn nướng với cái khuôn bằng gang, hình bầu dục giống như cái thuẫn.
Trước đây, lúc còn trẻ, còn khỏe, chính tay bà Tám làm bánh. Khuôn bánh nướng bằng than, và có những viên
than hồng để trên mặt nắp khuôn. Bánh nướng
“ra lò” rất thơm, ăn nghe giòn tan ở phần
xung quanh bánh và mềm xốp ở giữa, rất ngon miệng. Ông Tám rất thích bánh thuẫn bà nướng. Từ nhiều năm nay, bà đã thôi làm và truyền bí
quyết lại cho cô gái lớn. Cô giữ y công
thức của mẹ với bột mì tinh (hay bình tinh: arrowroot flour) + bột năng
(tapioca starch), trứng, đường, vanilla… Ông bà có cô dâu người Nam, khi làm để
thêm nước dừa; còn cô cháu dâu người Bắc thì thích trộn thêm bột ngô (bắp). Cả 3 loại này đều có người thích.
Ông Tám mỗi lần ăn bánh thuẫn thường nhắc tới cái Thuẫn,
là cái khiên, cái mộc, là thứ vũ khí phòng vệ. Trong Hán Việt, thuẫn 盾 có nghĩa che chở, hỗ trợ. Hậu thuẫn nói lên sức mạnh nâng đỡ chống
lưng từ phía sau. Thuẫn khác
với mâu矛 là vũ khí tấn công.
Chiến binh ngày xưa khi ra trận, tay
phải cầm gươm, giáo, hay mâu và tay trái cầm cái thuẫn. Tay phải tấn công, tay trái phòng thủ. Vì nghĩa mâu và thuẫn nghịch nhau, nên khi diễn
tả tình trạng xung đột, đối chọi nhau, người ta dùng từ ghép mâu-thuẫn.
Do ý nghĩa chữ Thuẫn, khi
ăn bánh thuẫn người ta nghĩ đến sự giúp đỡ, hỗ trợ, che chắn từ nhiều nguồn,
nhiều người trên đời sống mình: như cha mẹ, ông bà, bạn bè, tiền nhân, người
xung quanh. Đối với gia đình ông bà Tám đó là Thiên Chúa.
Khi đọc lời Chúa, ông bà nhận
ra đức tin là cái thuẫn qua lời dạy của Thánh Phao-lô “Phải
lấy thêm đức tin làm thuẫn,
nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ.” (Ê-phê-sô 6:16). Qua đức tin, gia đình ông bà được Chúa gìn giữ,
che chở, nâng đỡ.
Ông nhắc nhở con cháu là muốn đức tin càng ngày càng mạnh
thì phải vâng phục ý Chúa. Ông nhắc con cháu
công thức 2T: Tin và Tuân, như 2 nhánh của cái kéo, cần đi liền nhau mới hữu hiệu.
Có đứa cháu gọi ông bằng bác phỏng vấn: -Hai bác tuổi này
còn minh mẫn, sáng suốt là nhờ vào đâu? Ông cho biết ông bà dựa trên câu Kinh Thánh: “Cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa
Trời” (Ê-phê-sô 6:17b). Vậy Lời Kinh
Thánh chính là gươm, là cây mâu, là vũ khí của Đức Thánh Linh ban
cho để tấn công vào thế lực mờ tối của Sa-tan. Ông có 4 bước để học hỏi Lời Chúa:
1. Học, đọc , nghe;
2. Suy gẫm lời Chúa trong lòng;
3. Áp dụng vào đời sống;
4. Chia sẻ cho người khác.
Một người bạn hỏi ở vào tuổi cuối đời, ông bà nghĩ gì về
cái chết?
Ông bà cho biết rằng ông bà là lính chiến thuộc linh của Chúa
Giê-su nên sẵn sàng chết, và cũng sẵn sàng sống để lưu truyền lại đức tin cho
con cháu. Ông bà thường suy gẫm câu Thi-thiên
71:18 “Lạy
Đức Chúa Trời, dầu khi con đã già và tóc bạc rồi, Xin Chúa đừng từ bỏ con. Cho đến khi con rao truyền sức mạnh của Ngài cho
thế hệ mai sau, Và quyền năng Ngài cho dòng dõi kế tiếp.”
Ông ngâm lên câu ca dao một cách sảng khoái:
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.
Ông cho biết theo ông “cây đức” đây là cây đức tin đó. Đoạn,
ông chỉ lên tường màu vàng, có mấy chữ màu đỏ đã được viết lên: “Người công chính sống bởi đức tin”.
Sau cùng, ông mời bà cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa và chúc
phước cho con cháu.
Châu Sa thuật (Mùa Tạ Ơn 2021)
TB: Tôi chưa được ăn bánh thuẫn của miền Trung, (mong sẽ có
dịp). Lúc nhỏ, tôi thường nghe má tôi kể chuyện ở làng quê bà sinh trưởng là Tân
Vạn, Biên Hòa, người ta hay tổ chức thi vừa chạy vừa ăn bánh “thửng”. Có người bị nghẹt thở mà chết. Từ đó, làng xã cấm không cho tổ chức thi như vậy
nữa. Về sau, tôi mới biết bánh thửng mà má
tôi nói, đúng ra phải gọi là bánh thuẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét