Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Chuyện 3 cái tượng

    Chuyện 3 cái tượng

        Tại một viện bảo tàng kia, người ta thấy có 3 cái tượng bán thân người.  Ba tượng giống nhau như hệt.  Cả ba tượng đều có bàn tay phải cong khum lại đặt sau vành tai phải như nghe ngóng.  Một đám đông người đứng trước các tượng ngắm nghía, suy nghĩ mà không hiểu sự khác biệt của mỗi tượng.    

Bỗng có tiếng phát biểu:  “Chắc 3 pho tượng này đang đố mình rằng: ‘Cái gì không cánh mà bay, Không chân mà chạy đến tai mọi người’.  Đây chính là lời nói.  Cả 3 pho tượng đều có bàn tay đặt sau vành tai có ý nhắn nhủ khi nghe cần phải chú ý.  Nghe cũng là một nghệ thuật.”  Chừng quan sát kỹ, người ta lại khám phá ra một tấm bảng nhỏ với câu hỏi:  “Bạn thích pho tượng nào nhất?”

            Mọi người nhìn vào 3 pho tượng giống nhau như hệt rồi nhìn nhau, xì xào, thắc mắc.  Bỗng họ thấy người quản thủ viện bảo tàng đi ngang qua, họ bèn hỏi ông ta ý nghĩa của 3 pho tượng.  Ông bèn lấy một cái ống hút thọc vào lỗ tai phải của pho tượng thứ nhất.  Ống hút chạy thông qua lỗ tai bên kia.  Ở pho tượng thứ hai, ông cũng làm như thế, ống hút vô tới nửa chừng thì bị kẹt lại.  Ông làm tương tự cho pho tượng thứ ba, thì ống hút lại thông ra miệng. 

Bấy giờ, tiếng người xầm xì lại nhiều hơn.  Họ phân tích từng pho tượng một: 

- Tượng thứ nhất (ống hút vào tai phải ra tai trái) là chỉ người bất trí vì nghe mà không hiểu gì hết;

- Theo tôi, thì người này vô tâm, nghe nỗi khổ của người mà không đáp ứng gì; 

-  Nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt;

- Theo tôi, người này khôn vì không để những lời thị phi, lời dị nghị làm phiền mình.

            Bàn qua pho tượng thứ hai (ống hút vô tai phải mà không ra đâu hết),  họ nói:

- Người này, nghe rồi để trong lòng, không thuật lại.  Tôi sống trong chế độ độc tài lâu năm, biết đây là người khôn, không bị vấp phạm lời nói; 

- Người này có thể đang uốn lưỡi, đang đắn đo trước khi nói mà không tìm được lời lành, lời đẹp để nói, nên làm thinh;

- Người này có thể nghe tâm sự của người khác mà giữ kín trong lòng…

Qua đến pho tượng thứ ba (ống hút vào tai lại ra miệng), có tiếng phê bình:

- Người này nghe xong là thuật lại, nếu sống trong chế độ độc tài sẽ chết có ngày;

- Người này hay bật mí những điều bí mật, vì không biết cầm giữ môi miệng;

- Người này ruột để ngoài da, vừa nghe là phản ứng liền, phản ứng có khi quá nhanh và quá sớm;

- Theo tôi, người này không đến nỗi tệ như vậy, có thể người nghe một tin tức tốt lành rồi kể lại cho người khác.

Mỗi người một ý phê bình, khen chê ba pho tượng rất sôi nổi.  Theo tôi, thì ba pho tượng này nói lên ba cách cư xử của chúng ta khi nghe lời nói. 

Có lời nói, chúng ta bỏ qua, như lời phê bình ác ý, phá hoại, lời dị nghị, lời thị phi, như có câu: 

Thị phi chung nhật hữu,
Bất thính tự nhiên vô
 

         

Chuyện thị phi bao giờ chẳng có,
Bỏ ngoài tai như gió thoảng qua.

            Ông Sau-lơ trong Kinh Thánh khi đăng quang có tiếng xầm xì chê trách, ông giả đò không nghe (I Samuel 10:27).  Hay ông A. Lincoln trong trận nội chiến Hoa Kỳ bị một người trong nội các hay châm chọc, bêu riếu ông, nhưng ông vì đại cuộc mà bỏ qua.  Lời khen chê của người đời không khác gì mưa nắng:

Sớm mưa, trưa nắng, chiều nồm
Trời còn luân chuyển, huống mồm thế gian.

Có lời chúng ta cần suy gẫm, như khi nghe những lời phê bình xây dựng để tự sửa mình, để học tánh khiêm tốn như một ông vua kia, giao cho người hầu mỗi ngày nhắc rằng: “nhà vua chỉ là một con người thôi”  vì ông biết rằng bản tánh con người hay tự thần thánh hóa và hay lên mình kiêu ngạo.  Chúng ta cũng cần nghe lời khuyên của Gia-Cơ (James 1:19-20):

Mau nghe, chậm nói ai ơi,
Lại thêm chậm giận, Chúa Trời mới vui.

            Có những lời hay ý đẹp chúng ta cần thuật lại cho người khác nghe để xây dựng nhau. 

(Chớ có một lời dữ

Ra từ miệng các anh)

Nhưng khi đáng phải nói

Hãy nói vài lời lành

Giúp ơn và ích lợi

Cho chính anh em mình.

Êphêsô (Ephesians)  4:29

những điều quan trọng ảnh hưởng đến người khác thì không nói không an tâm như Thánh Phao-lô sau khi nghe được lời chân lý Thánh Kinh, mà không nói lại cho người khác thì thấy rất xốn xang trong lòng:

Rao truyền Lời Chúa là thường,

Không rao mới thật thảm thương thân này.

I Côrinhtô (Corinthians) 9:16

Trích "Bên Ấm Trà", & hiệu đính. Mời đọc thêm những bài khác qua:

(https://www.blogger.com/blog/post/edit/2913173019781266183/149056823622285717?hl=en)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét