Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Hiếm-hiệm nghĩa là gì ?

Hiếm-hiệm nghĩa là gì ?

Hồi tháng 5, 2018 tôi tìm hiểu chữ “hiếm-hiệm” trong Kinh Thánh Việt do cụ Phan Khôi dịch năm 1926 ở câu Thi-thiên 52:7 và câu Thi-thiên 119:14 và sau đó thấy trong ca dao của dân miền Tây Nam bộ thì mới biết rằng hiếm-hiếm là tiếng xưa của miền Trung và Nam có nghĩa là nhiều, không hiếm.

Mời xem lại bài viết hồi 3 năm trước với nhiều vị góp ý lúc đó:

Tôi có một thắc mắc về 2 chữ “hiếm hiệm” thấy trong Thi-thiên 52:7 "Kìa, là người không nhờ Đức Chúa Trời làm sức lực mình,  Song nhờ cậy nơi sự giàu có hiếm hiệm mình; Làm cho mình vững bền trong sự ác mình!" và Thi-thiên 119:14  "Tôi vui mừng về đường chứng cớ Chúa, Như thể vui mừng về của cải hiếm hiệm."  (bản KT Truyền Thống).
            Mới đọc, tôi nghĩ “hiếm hiệm” là hiếm có, hiếm hoi, chừng đọc qua vài bản dịch khác thì tôi thấy nghĩa 2 chữ này là : “dư dật”. 

             Mấy ngày trước, tôi có đưa vấn đề này cho một số người quan tâm đến chữ nghĩa, đến từ nguyên tiếng Việt xưa. Sau đó, tôi nhận được hồi âm một số vị về ý nghĩa 2 chữ “hiếm hiệm” (MS NTP, MS LT, LA/NTN, bà PDN, bà PS, ông TA, cô BV…)

            Nói chung, mọi người tìm ra được nghĩa hiếm hiệm là phong phú, dư dật.  Chữ hiếm có nghĩa là ít oi, nhưng đi chung với hiệm thì ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, giống như “hiệm” triệt tiêu ý nghĩa của chữ hiếm.  Bà PS còn nhớ những người thế hệ song thân của bà ở Bến Tre thường dùng chữ “hiếm hiệm”. Thời các vị này sống cũng phải 70, 80 năm về trước.

    Các bạn cũng đưa nhiều link liên quan đến 2 chữ hiếm hiệm như sau:

www.vanchuongviet.org/index. php?comp=tacpham&action= detail&id=13918

http://cantholib.org.vn:2014/ Bai_bao_tap_chi/BTC.158806.PDF

http://e-cadao.com/cadaonam/ Cadaodancanamkyluctinh6.htm có 2 câu ca dao miền Nam VN:

Muốn chơi chậu cúc tam hường,
Liễu huê hiếm hiệm dọc đường thiếu chi.

Ông TA (OK city) ghi nhận thêm 2 bản dịch khác:  Quyển KT Trọn Bộ ấn hành năm 1998 ở Saigon dịch câu nầy: "Nhìn thấy vậy, chính nhân sợ hãi, nhạo cười rằng : nó đích thị là người chẳng lấy Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng chỉ tin cậy vào đống tiền đống của và khoe khoang mưu độc của mình";  Quyển Kinh Thánh do Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn ở Dòng Chúa Cứu Thế SG dịch:  "Nầy đây một người không đặt Thiên Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng nó cậy nó lắm của, nó tự hào nơi điều tội ác"

Nhà thơ Linh Ân (Nguyễn Thiện Nhân) xuất khẩu bài thơ:

"HIẾM" mà "KHÔNG HIẾM"

"Hiếm" chữ này ai chẳng biết nào...

Thế thì "Hiếm Hiệm", nghĩa là sao !?

Tra "Văn Chương Việt" xem lời giải...

"Hiếm" cộng "Hiệm" nên "Chẳng Hiếm" hao.

          Một bài học mà mỗi tín nhân có thể rút ra từ câu Thi Thiên 52:7: tài sản kếch sù dễ làm người ta ỷ tài, ỷ sức, ỷ của, quên mất Chúa và có thể làm nhiều điều ác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét