Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

7 Khí Giới Thuộc Linh

 7 Khí Giới Thuộc Linh

Ê-phê-sô 6:14-18:

Đội mão cứu chuộc rành rành
Chân mang giày dép Tin-lành bình an
Công binh áo giáp Chúa ban
Nịt lưng lẽ thật vững vàng tiến lên
Đức tin làm thuẫn chận tên
Thánh –linh lời Chúa, gươm thiêng trị tà
Nài xin, cầu nguyện thiết tha
Đường dây liên lạc tuy xa mà gần
Chúa ban mọi thứ ta cần
Lại còn đôn đốc tinh thần chinh nhân.
Châu-Sa

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

5 ngôn ngữ Tình yêu

 

 

 5 love languages: (Gary Chapman)

 

Talk,

Task,

Time,

Token,

Touch

 

Trò chuyện,

Thực hành,

Thời gian,

Tặng phẩm,

Thoa bóp

 

 

 

 


Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Nhạc sĩ Trần Thượng Trí

Trần Thượng Trí – Thư Viện Tin Lành (thuvientinlanh.org)

 Lời Ban Biên Tập Nguyệt San Linh Lực (1994):

Trần Thượng Trí (1924-1989), cuộc đời và tác phẩm, là một trường hợp đặc biệt trong giới viết nhạc thánh Việt Nam. Tác phẩm của ông gồm 26 bài thánh ca, hầu hết ít nhiều đều mang âm hưởng dân ca Việt Nam.

Vào thập niên 1980, những ca khúc của Trần Thượng Trí như Yêu Ta ChăngTrở VềTiếng Đóng ĐinhĐêm Yêu Thương đã trở thành quen thuộc và được các tín hữu tại Việt Nam yêu thích. Gần đây, Hội Thánh tại hải ngoại biết nhiều về nhạc của Trần Thượng Trí qua tuyển tập Bài Ca Chắp Cánh (1992) và qua bài hát Chúa Với Tôi trong băng nhạc Bình Minh Đã Đến do Trung Tâm Hướng Dương phát hành năm 1994.

Linh Lực xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Hoàng Oanh về nhạc sĩ độc đáo này.

Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Trần Thượng Trí

Tôi còn nhớ mãi khu phố ấy, nơi mà chúng tôi đã thương mến gọi bằng cái tên Thánh Đường Tin Lành An Đông. Nhìn bên ngoài, nó hoàn toàn không có vẻ là một ngôi thánh đường, nhưng nơi đó, chúng tôi đã trải qua biết bao buổi chiều, buổi sáng thờ phượng và học hỏi Lời Chúa tràn đầy phước hạnh.

Tôi cũng nhớ mãi những buổi chiều thứ Ba trên lầu hai của căn phố thứ sáu đường Sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn. Ban tốp ca của chúng tôi tập hát thường xuyên để góp phần ca ngợi Chúa vào những đêm truyền giảng hằng tuần. Và cũng vào một buổi chiều thứ Ba, tôi còn nhớ hình như là đang vào tháng Sáu; buổi chiều Sài Gòn mưa giăng khắp lối, chúng tôi ai nấy đều sũng ướt, bước vào phòng tập hát với những cánh hoa nguyệt quế tả tơi vương trên tóc.

Nhưng khác với lệ thường, chiều hôm ấy ngoài chị Vĩnh Phúc là người tập hát cho chúng tôi, còn có Bác sĩ Lê Hoàng Sơn. Gặp anh, chúng tôi rất vui, vì thế nào cũng nghe được một bài hát mới do chính anh sáng tác. Lần này anh cũng đến với những bài hát mới, bài hát mang tên một tác giả rất xa lạ với chúng tôi: Trần Thượng Trí. Và đó là lần đầu tiên tôi làm quen với nhạc sĩ Trần Thượng Trí, mà sau này tất cả chúng tôi đều quý mến gọi ông bằng bác.

Với tiếng đàn êm nhẹ và truyền cảm, anh Lê Hoàng Sơn đã tập cho chúng tôi từng nốt nhạc của bài Ma Na và Ngươi Yêu Ta Chăng? Hai bài hát rất ngắn nhưng mỗi bài mang một sắc thái riêng biệt.

Với giai điệu trong sáng, bài hát Ma Na đã để lại trong chúng tôi một cảm xúc mới mẻ, nhẹ nhàng và tươi mát như một buổi sớm tinh mơ, sương trắng vẫn còn chưa tan trên những cánh đồng khô cằn, hoang vắng; vui tươi như nụ cười của những người Do Thái mệt mỏi, đói khát đang nhìn lên bầu trời bay đầy những chiếc bánh ma na ngọt ngào sắc trắng. Bài hát không chỉ ngợi ca tình yêu thương của Đức Chúa Trời với dân Do Thái mà còn nói lên một lẽ đạo nhiệm mầu về Bánh Hằng Sống, qua hiện thân của Đấng Christ. Lời bài hát không trau chuốt nhưng tự nhiên như hơi thở, như nụ cười của một cõi lòng hân hoan vừa nhận biết tình yêu thiên thượng.

Bài hát Ngươi Yêu Ta Chăng? mang một sắc thái khác, thâm trầm và sâu lắng, có khi là một lời thì thầm gợn nét u buồn như ánh mắt của Chúa Giê-xu nhìn Phi-e-rơ và hỏi: “Phi-e-rơ, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng?” Có khi cao vút mạnh mẽ như lời khẳng định “Chúa biết hết mọi sự – Chúa biết rằng con yêu Chúa.” Với tấm lòng ăn năn đau đớn phơi trải ra trước ánh mắt dịu dàng thương yêu của Thầy mình, Phi-e-rơ đã chọn câu trả lời “Vâng! Con yêu Cha! Con yêu Chúa thiết tha.” Khi chúng tôi chấm dứt bài hát, có một cảm xúc thiết tha, một rung động tuyệt vời dâng lên trong trái tim của tất cả mọi người.

Vài tháng sau đó, tôi có dịp làm quen với nhạc sĩ Trần Thượng Trí qua sự chia xẻ của ông trong một buổi nhóm thanh niên. Đó là một người đàn ông tuổi chừng sáu mươi, thân hình nhỏ nhắn gầy gò, mái tóc bạc màu; nhưng đôi mắt thì trong sáng trẻ trung, giọng nói mang âm hưởng Huế nhẹ nhàng. Ông rất xúc động khi chia xẻ với chúng tôi cuộc đời lang bạc thăng trầm của mình. Ông đã làm cho chúng tôi khóc trước những đổ vỡ, mất mát đời sống, và vui cười cùng ông bởi sự thương xót kỳ diệu của Đức Chúa Trời đã mang ông trở về, vực ông dậy với cuộc sống để cất tiếng ngợi ca và làm chứng cho Ngài.

Trần Thượng Trí không phải là ca sĩ nhưng không có gì xúc động cho bằng khi nghe chính ông trình bày những ca khúc do chính ông sáng tác; bởi vì không có một ca sĩ nào có thể diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa của những bài hát mà ông đã viết bằng chính kinh nghiệm riêng tư với Thượng Đế, bằng những rung động sâu xa chân thành của trái tim mình.

Vài Nét Tiểu Sử

Trần Thượng Trí là con của ông bà Trần Ích, một trong những gia đình tin Chúa đầu tiên tại miền Trung. Năm 17 tuổi, gia đình cho ông theo học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng với hy vọng ông sẽ trở thành một người hầu việc Chúa. Nhưng với bản tính lãng mạn, ông thường xao lãng việc học, lang thang một mình bên núi non biển cả, thả hồn mơ mộng với những chân trời bao la, khao khát tự do vùng vẫy cho thỏa chí làm trai. Vì thế ông không thể tiếp tục theo đuổi việc học, từ bỏ Hội Thánh, từ bỏ gia đình, ông bước chân vào cuộc đời xuôi ngược. Khi ra Bắc, khi vào Nam, khi làm cai đồn điền cho Pháp, khi tập kết ra Bắc, làm nhạc sĩ, viết nhạc, viết kịch, làm đạo diễn, đàn và hát. Giới văn nghệ miền Bắc thường gọi ông là ông vua lên giây đàn piano; vì chỉ có ông với những hiểu biết về âm nhạc và có một trình độ thẩm âm chính xác mới có thể trả lại cho cây đàn những âm bực trong sáng ngọt ngào của nó.

Suốt thời gian tham gia kháng chiến, Trần Thượng Trí sống một cuộc đời chơi bời phóng túng; đến nỗi những đảng viên cộng sản cao cấp đã buộc ông lấy vợ vì sợ tai tiếng của ông sẽ làm giảm uy tín của đảng. Do sự thách thức của bạn bè, ông đã làm quen và cưới một thiếu nữ miền Bắc hiền lành xinh đẹp. Nhưng cuộc hôn nhân vội vã ấy đã làm cho ông cảm thấy mất hạnh phúc. Nó như một chiếc lồng giam hãm con tim bay nhảy của ông, làm cho ông luôn cảm thấy bị ràng buộc bởi gánh nặng gia đình và trách nhiệm. Ông đã sống trong tình trạng gượng ép ấy nhiều năm, không thể mở trái tim để tiếp nhận người phụ nữ cùng chung chăn gối, không thể tìm thấy hạnh phúc cho cuộc đời mình, cũng như không thể mang hạnh phúc đến cho người khác.

Cho mãi đến sau năm 1975, nhận chân được sự giả dối, ông quyết định trở vào Nam, bỏ lại những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, bỏ lại cái lý tưởng mà ông đã ôm ấp nửa cuộc đời, bỏ lại vợ và các con mà ông luôn nghĩ rằng họ là những người do đảng đem đến.

Vào Sài Gòn, để trả ơn cho 40 năm cống hiến cách mạng, ông được cấp cho một căn nhà nhỏ, rất nhỏ tại Gò Vấp. Ở đó ông sống lại cuộc đời độc thân như hồi 20 tuổi. Nhưng không ai có thể tắm hai lần trên một giòng sông; cũng bờ bến ấy, cũng trời đất ấy, nhưng giòng thời gian đã trôi đi rất xa và mang theo tất cả, chỉ còn lại chăng là tuổi già, bệnh tật và cô đơn … Trong căn nhà nhỏ, ông gặm nhắm tất cả những u buồn, bất mãn, tuyệt vọng, đớn đau của một kiếp người.

Trở Về Với Chúa

Nhưng cảm tạ Thượng Đế, Ngài không thổi tắt ngọn đèn gần tàn, cũng không bẻ gãy cây sậy đã giập. Một buổi chiều đầu tháng 11 năm 1980, Ngài đỡ ông dậy với một quyết tâm – tìm đến một ngôi nhà thờ gần nhất, lặng lẽ ở một góc nào đó, để được nghe lại những bài thánh ca mà mẹ ông đã dạy ông từ khi còn thơ ấu. Ông muốn dùng những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình để tưởng nhớ lại mẹ ông, người đã rơi biết bao giọt lệ vì ông trong những giờ khẩn nguyện với Chúa.

Với ước ao của cuối cùng của một người không tìm ra lẽ sống nào trong cuộc đời, ông đến với Hội Thánh Tin Lành Gò Vấp. Đêm hôm ấy Lời Chúa đã đến với riêng ông, nhắc lại trong ông một quãng đời ấu thơ hạnh phúc bên gia đình và Hội Thánh mà ông đã bỏ lại sau lưng để ra đi phung phí cả cuộc đời mình. Ông cuối đầu lặng lẽ, những giọt lệ ăn năn tuôn tràn trên gương mặt già nua bệnh hoạn. Sau giờ nhóm, vị Mục Sư trẻ của Hội Thánh đã trò chuyện với ông và giúp ông cầu nguyện tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa của mình.

Sáng Tác Thánh Ca

Từ đó, ông bắt đầu một cuộc đời mới, vui mừng, ngợi ca, và ngày càng kinh nghiệm một đời sống tâm linh gắn bó tương giao mật thiết với Thượng Đế. Ông bắt đầu sáng tác những ca khúc tôn vinh Đức Chúa Trời mà bài đầu tiên là bài Nhờ Huyết Chiên Con để đánh dấu ơn cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã dành cho ông. Đó là bài hát duy nhất mang âm hưởng Tây phương, vì ông đã viết nó với ký ức của tuổi thơ và những bài thánh ca mà mẹ ông đã hát.

Những sáng tác tiếp theo sau đó của ông, tất cả đều bắt nguồn từ làn điệu dân ca, mỗi bài hát mang một thể điệu riêng biệt, giai điệu đẹp, gần gũi nhưng không trùng lập; lời ca mới mẻ, phong phú nhưng đơn sơ, chân thành, không màu mè, không bóng bẩy, nói lên từng bước trưởng thành nơi Chúa của một đời sống đổi mới, bước đi trong đức tin.

Lễ Thương Khó năm 1982, ban hát của Hội Thánh An Đông đã trình bày bài hát Ngươi Yêu Ta Chăng với hòa âm bốn giọng của anh Nguyễn Văn Thanh. Bài hát được lập lại nhiều lần trong chương trình Đêm Thương Khó cũng với chủ đề Ngươi Yêu Ta Chăng đã làm xúc động nhiều người, nhất là chúng tôi, những người có mặt trong ca đoàn. Lời và nhạc của bài hát ấy vẫn còn mãi trong lòng tôi, dường như Chúa đang hỏi chính tôi Ngươi Yêu Ta Chăng và Ngài vẫn đang đợi tôi một câu trả lời.

Bài hát Tiếng Đóng Đinh cũng được gởi cho chúng tôi vào mùa Phục Sinh năm ấy (3/1982). Tại Hội Thánh Bình Đông, lần đầu tiên Trần Thượng Trí nghe bài hát của mình do một ban hợp xướng trình bày. Sau giờ nhóm ông đã tìm đến với chúng tôi với đôi mắt đầy lệ. Ông khóc khi thấy hai bài hát của mình được Hội Thánh yêu quý và chấp nhận. Ông khóc với cảm xúc dâng tràn khi Chúa cho ông nghe lại âm thanh của tiếng đóng đinh trên đồi Gô-gô-tha năm xưa, nơi Chúa đã vì ông mà phải chịu xả thân trên cây thập tự. Những mũi đinh đó giờ đây dường như cũng xuyên qua trái tim tan vỡ của ông khi ông đối diện với tình thương cao sâu vô bờ của Thượng Đế.

Và bây giờ ông có thêm một lý do nữa để sáng tác: đó là nhu cầu thánh nhạc to lớn của các Hội Thánh Việt Nam. Con cái Chúa ở khắp nơi đón nhận bài hát của ông cách trân trọng, bởi vì bằng những giai điệu dân gian ông đã đem lại sự rung động chân thành và sâu xa nhất đến với trái tim của những người Việt Nam lớn lên trong câu hò điệu lý.

Giáng sinh năm 1983, sau khi Hội Thánh An Đông bị chính quyền Việt Nam đóng cửa, chúng tôi những anh chị em trong gia đình nhóm họp lại để tập một bài hát mới của ông, đó là bài Đêm Yêu Thương để góp phần tôn vinh Chúa và giới thiệu bài hát mới của ông đến với các Hội Thánh. Bài hát Đêm Yêu Thương ngày nay đã trở thành một ca khúc giáng sinh quen thuộc với hầu hết các ban hát tại nhiều hội thánh ở Việt Nam cũng như tại hải ngoại.

Vợ chồng chúng tôi còn giữ lại một kỷ niệm đẹp với bác Trần Thượng Trí vào mùa giáng sinh năm đó. Bác đã viết tặng cho chúng tôi bài hát Mùa Xuân Vĩnh Viễn, và đã đến tặng chúng tôi trong ngày hôn lễ. Khách khứa hôm đó ai cũng yêu thích bài hát của bác và cách mà bác đã hát với tất cả tấm lòng để gởi đến chúng tôi những lời cầu chúc.

Trong các bài hát của Trần Thượng Trí, có một bài hát ông viết riêng cho các em thiếu nhi, đó là bài Chuyện Kể Về Ông Hê-Nóc. Chúng tôi rất thích giai điệu vui tươi trong sáng của bài hát, nên đề nghị ông viết thêm một bài dành cho người lớn. Ông đã viết thêm một bài với tựa đề Quê Hương Vĩnh Viễn. Bài hát này được nhiều ca đoàn trình bày với hòa âm công phu theo cung bậc ngũ âm.

Vào những năm 1985-1989, Ca Đoàn Hội Thánh Thị Nghè được xem là một ban hát tập dợt thường xuyên, có tổ chức và quy cũ khá chuyên nghiệp, hát được những bài hát đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Và sau đó là Ban Hát Tổng Hợp quy tụ anh chị em đến từ nhiều hội thánh, dưới sự hướng dẫn của anh Đinh Duy Linh, đã tổ chức nhiều đêm ca nhạc thánh truyền giảng với nhiều chủ đề khác nhau. Một số ca khúc của bác Trần Thượng Trí đã được soạn hòa âm và trình bày rất hiệu quả. Người hát và người nghe đều cảm nhận những cảm xúc riêng biệt bởi sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh. Âm nhạc đã chạm đến lòng của nhiều người. Đó là một công cụ đẹp đẽ và hữu hiệu, qua đó Đức Chúa Trời giải bày chính mình Ngài cho chúng ta.

Những Năm Cuối Đời

Sau những năm tháng sống cô đơn bệnh tật, ông định đến với một phụ nữ với ý định cùng nhau san sẻ những vui buồn trong những ngày tuổi già bóng xế. Nhưng Đức Chúa Trời có một chương khác cho cuộc đời của ông. Ngài muốn ông giải bài toán của cuộc đời mà ông đã để dang dở hơn 10 năm qua. Đó là gia đình của chính ông: vợ và các con mà ông đã quay lưng lẫn tránh. Ông muốn tìm hạnh phúc cho riêng mình mà không đạt được vì ông đã từ bỏ cái hạnh phúc đơn sơ nhất, gần gũi nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho một người chồng và một người cha.

Cuối cùng, mệt mõi về tinh thần lẫn thể xác, ông từ giã chúng tôi trở về Đà Nẵng với ý định tìm lại không khí yên bình trong căn nhà thời thơ ấu. Trước khi ra đi, ông trao lại cho chúng tôi bản thảo của tất cả những bài hát với lời dặn dò: “Các cháu tùy nghi sử dụng, thêm bớt hoặc sửa đổi.” Và chúng tôi đã ngậm ngùi chia tay cùng ông, không biết rằng đó là lần gặp sau cùng.

Tại Đà Nẵng, ông liên lạc được với vợ con đang sống tại Nghệ Tĩnh. Sau nhiều năm xa cách, gia đình ông đã vui mừng vào Đà Nẵng sum họp cùng ông. Cũng trong cơ hội này, ông làm chứng cho vợ và các con tin nhận Chúa. Cuối cùng ông đã tìm ra ý nghĩa đích thực của gia đình, trong đó tình yêu chân thành và sự hiện diện của ông – một người chồng, một người cha với đầy đủ ý nghĩa của ngôn từ và trách nhiệm.

Tháng 12 năm 1989, khi chúng tôi đang tập hát với Ca Đoàn 4B của Hội Thánh Sài Gòn, một người quen đến trao cho chúng tôi một lá thư ông viết từ Nghệ Tĩnh với lời thương nhớ chân tình, ông thăm hỏi từng người quen biết và ước ao có ngày sẽ gặp lại chúng tôi. Bức thư ấy ngày hôm nay chúng tôi vẫn giữ và mang theo đến nước Mỹ.

Sau những ngày bận rộn của mùa Giáng Sinh, chúng tôi định trả lời thư cho ông thì hay tin ông đã về với Chúa vào ngày 30 tháng 12 năm ấy. Tôi không ngăn được giọt lệ, và trong âm thầm nói với ông lời tiễn biệt cuối cùng.

Tác Phẩm Xuất Bản

Năm 1990, vợ chồng tôi sang Mỹ định cư. Chúng tôi bằng mọi cách trong khả năng giới hạn của một người mới đến để giới thiệu nhạc Trần Thượng Trí cho các con cái Chúa. Tháng 7 năm 1992, anh Nguyễn Tiệm Tấn với một số cố gắng hết sức lớn lao đã quy tụ các bạn thanh niên tại San Jose tổ chức một đêm ca nhạc thánh với nhạc Trần Thượng Trí. Các bạn đã múa, hát, hò lơ say sưa với những ca khúc mang âm hưởng rất mới mẻ đối với những bạn trẻ đã lớn lên ở trên đất Mỹ.

Nhân dịp đó, chúng tôi cho xuất bản tập Ca Khúc Trần Thượng Trí mang chủ đề Bài Ca Chắp Cánh, cũng là trên bài hát cuối cùng mà ông đã sáng tác, với một ao ước duy nhất là giới thiệu nhạc của ông đến với mọi người. Chúng tôi không có ý gì khác, chỉ mong sao đóng góp một chút công sức để cổ võ, để khích lệ những người sáng tác thánh nhạc Việt Nam.

Mặc dù Trần Thượng Trí không còn nữa, nhưng sẽ còn có biết bao bạn trẻ có tài năng tiếp tục góp phần xây dựng một nền thánh nhạc Việt Nam cho người Việt Nam.


Tài Liệu

Liên Kết

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Tuổi Hoàng Hôn

 Tuổi Hoàng Hôn

75 +

Có những phương diện mà tôi hay kiểm lại ít nhất mỗi năm 1 lần, thường vào tháng sinh nhật, tháng 7.

Cân đo đong đếm: sợ thiếu hụt cân như vua Bensatxa. (Da 5)

Take stock of your life.

CN 27:23 (bản HD): hãy biết rõ tình trạng bầy chiên của con, Và lưu tâm đến các đàn gia súc.

 

1.     Tiền bạc: có tiền hưu là điều phước vì không phải nhờ vả vào con cái. Thường kiểm lại bank account.  Có người chết lặng khi thấy trương mục của mình bị ai “trút ống”.
Coi chừng kẻ gian lừa đảo người cao niên, scam calls, gạt gẫm, dọa dẫm. Không trả lời số phone người lạ.  Tránh đầu tư chỗ không tin cậy.

2.     Thời gian: quỹ thời gian không còn nhiều. Không bao lâu mình sẽ về với Chúa, nên tận dụng thời gian.  Thi 90:12   12 Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.
Tháng ngày còn lại là rất quý
Sống làm sao không phí thời gian.
Tận
dụng ân tứ Chúa ban,

Góp phần gây dựng lớp làng hậu sinh

 

3.     Sức khỏe: hiểu được tình trạng sức khỏe của mình. Sống lành mạnh để đỡ bị rệu trước khi rụng. Tình trạng rệu trước khi rụng là bi kịch của tuổi cao niên. Tránh nổi giận, tránh xúc động mạnh.  Mạch máu người tuổi hoàng hôn rất dễ nứt, vỡ nên dễ bị đột quỵ

4.     Gia Đình:

Hãy trân quý người đang chia ngọt, xẻ bùi với mình. Khi một người ra đi, người ở lại sẽ cô đơn vô cùng.
Nếu cần thì hãy Hấp hôn trước khi hấp hối.

 

5.     Bạn bè:  ngày một ít dần đi.  Có người đã rụng.  Có người đang bị rệu. Bạn thân chưa biết Chúa thì mình tìm cách giới thiệu Chúa cho bạn.

6.     Xã hội: cộng đồng mình sống trong đó.  Cần tạo mối tương giao.  Giữ môi trường sống lành mạnh.

7.     Tâm trí. Check coi có  bắt đầu lú lẫn chưa. Chơi ô chữ, chơi Solitaire, double Klondike solitaire giúp ích cho bộ não chậm lão hóa.  Đố nhau chuyện KT, tìm địa chỉ câu gốc có lợi ích 2 mặt.

8.     Niềm tin: kiểm lại mình còn tin cậy, trông chờ ơn Chúa không? Còn ham thích học lời Chúa không? Nhen lại tình yêu ban đầu.

 

Chúa gia hạn

Chúa đã gia hạn cho tôi

Nên tôi chưa thể xa rời trần gian

Cám ơn sự sống Chúa ban

Ngợi khen ơn Chúa tuôn tràn không thôi

Nhắc nhau trung tín trọn đời

Nhắc nhau học hỏi những lời Cha ban.

Châu Sa 

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

Cô Đặng Thị Tâm Thành

 Vài cảm nghĩ của một người ngưỡng mộ cô Tâm Thành

Nhìn vào cáo phó của cô Đặng thị Tâm Thành, chúng ta thấy năm sinh và năm tử cách nhau bằng cái gạch nối: 1939 – 2024.

Cái gạch nối chỉ cho biết chiều dài thời gian sống của cô từ lúc ra khỏi lòng mẹ đến lúc vào lòng đất là 85 năm.

Cái gạch nối cho biết đời người bị giới hạn bởi thời gian hạn hẹp. 85 năm tuy khá dài đối với nhiều người, nhưng quá ngắn đối với thời gian vô cùng và không gian vô hạn của sự sống đời đời.

Có thể nhiều người cũng sống được số năm bằng cô hay thọ hơn cô, nhưng khác ở bề dày của cuộc sống.  Tìm hiểu kỹ, chúng ta thấy cô có chiều sâu và chiều cao cuộc sống.  Cô có quá trình học tập, suy gẫm lời Chúa, trải nghiệm cuộc sống đó là chiều sâu. Cô phục vụ nhà Chúa bằng cách mang niềm vui, gây dựng niềm tin cho mọi người thì đó chính là chiều cao, kết hợp 2 chiều lại , chúng ta thấy  bề dày đời sống tâm linh của vị nữ truyền đạo này rất đáng kính phục.  Nghĩ đến cô, tôi luôn nhìn thấy một con người đơn thuần, nhưng có một niềm tin sắt son trong Chúa. Người con yêu dấu của Chúa này luôn truyền cảm hứng cho ai được ơn tiếp xúc cô sức sống, lòng nhẫn nại, sức chịu đựng trong sự vui mừng và bình an của Cứu Chúa Giê-su.

Cô tạm biệt, nhưng chúng ta, những người yêu mến cô, biết có ngày gặp lại cô trên nước Vĩnh sinh.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

Sau 41 năm nhìn lại (1983 – 2024)

 Sau 41 năm nhìn lại (1983 – 2024)

Tuổi bát tuần. 80+_ 5

Có 4 thứ mà tôi hay kiểm lại ít nhất mỗi năm 1 lần, đó là

1.     Tiền bạc: có tiền hưu.  Coi chừng kẻ gian lừa đảo người cao niên, scam calls, gạt gẫm, dọa dẫm. Không trả lời số phone người lạ.

2.     Thời gian: quỹ thời gian không còn nhiều.

3.     Sức khỏe: hiểu được tình trạng sức khỏe của mình. Sống lành mạnh để đỡ bị rệu trước khi rụng. Tình trạng rệu trước khi rụng là bi kịch của tuổi cao niên.

4.     Niềm tin: kiểm lại mình còn tin cậy, trông chờ ơn Chúa không? Còn ham thích học lời Chúa không?

Tôi nhân thì giờ chia sẻ niềm tin này, xin chào thăm quý OBACE cũng như  tâm tình về niềm tin của tôi và gia đình tôi khi hồi tưởng lại khoảng đời 41 năm về trước.

Đầu hè năm 1982, tôi có dịp đi ngang qua một nhà thờ người Mỹ ở Falls Church, Virginia, thấy bảng quảng cáo “Vacation Bible School”, tôi gặp mục sư và xin học vì không biết đó là lớp Thánh Kinh Mùa hè cho trẻ con.  Ông Mục sư thấy tinh thần hiếu học của tôi, bèn thu xếp cho 2 người tín đồ trong HT dạy Kinh Thánh qua tiếng Anh cho vợ chồng tôi mỗi Chúa nhật. Sau hơn 1 năm, cách nay 41 năm, chúng tôi tin nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của đời mình và được làm phép Báp-têm.  Bây giờ quán chiếu lại, tôi biết là chính Chúa đã chọn gia đình chúng tôi.  Cảm tạ Chúa.

Nhờ đọc, học, suy gẫm lời Kinh Thánh mà tư duy, tức là cách suy nghĩ của chúng tôi thay đổi nhiều. Quan niệm về nhiều mặt của đời sống được đảo ngược một cách thú vị.  Danh Lợi Quyền từ đó không còn là mục đích của tôi nữa. Chúng tôi học nếp sống tinh thần, tâm tình Cơ đốc.   

Hè năm 1987, gia đình tôi tới lập nghiệp tại thành phố Jacksonville, FLorida.  Nhận thấy không có HT TL nào tại đây, tôi cùng vài bạn lập thành một nhóm học KT tại nhà chúng tôi mỗi CN và năm 1988, Chúa cho phép thành lập Hội Thánh Tin Lành tại đây. Hội Thánh nay đã được 36 tuổi, và mỗi tuần có khoảng 150  con cái Chúa nhóm họp lại. 

Từ khi tôi về hưu, cách đây 13 năm, có nhiều thì giờ, tôi học KT nhiều hơn.  Tôi hiểu tôi hơn và có sự hiểu biết Chúa nhiều hơn. Cám ơn Chúa vô cùng.

Chúa giúp tôi phân biệt để tôi không bỏ hình bắt bóng.  Tôi nhận ra những gì là hư không tạm thời và những gì có giá trị không hư, trường cửu.

Tôi đồng tình với tiến sĩ Tống Thượng Tiết: Đông hư không, Tây hư không! Nam hư không, Bắc hư không! Thay thảy luống hư không; Chỉ linh công còn hoài.

Chỉ có tinh thần phục vụ nhà Chúa là trường tồn.

Tôi nhận ra Lời Chúa có lai lịch từ trời, như Thi thiên 119:89  Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời.  Lời Chúa cũng có tác động rất mạnh vào thân hồn linh của người đọc, người nghe, như Heb 4:12 chép.

Tôi trước hay sưu tầm “lời hay ý đẹp” của danh nhân, nay tôi sưu tầm những câu gốc thâm thúy của Thánh Kinh.  Tôi nhận ra lời danh nhân chỉ là lời nông cạn của loài người, lời Chúa mới có sự sống và dẫn tôi đến sự sống đời đời. Lời Chúa là bông hoa thật, lời loài người như hoa nylon, hoa plastic, trông đẹp, nhưng không có mùi hương thơm và không có sự sống.

Tôi ghi dấu trong cuốn Kinh Thánh của tôi trên 100 câu gốc có tác dụng thánh hóa mạnh để đọc đi đọc lại thường.

Trước tôi mê truyện phong thần, truyện dã sử, truyện kiếm hiệp Kim Dung là những truyện do con người bày ra, nay tôi mê truyện Kinh thánh vì biết đây là những truyện thật, chứa bài học thuộc linh vô giá mà Chúa ban phước cho ai đọc và làm theo.

Nhìn lại 40 năm qua, tôi góp phần trong việc xây dựng và phát triển Hội thánh TL Jacksonville Florida ; chủ biên tờ báo “Nếp Sống Mới” trong 30 năm (1991-2021), viết và xuất bản 7 cuốn sách.  Bài làm chứng nhỏ “Thuyền Hồn Neo Bến” viết lối năm 2010, đã phát hành 35 ngàn cuốn (MS Đăng Ngọc Minh in 22 ngàn cuốn, nhóm bạn Phan Minh Tú và Nguyễn Thanh Bình in 10 ngàn cuốn) được nhiều nơi dùng làm chứng đạo đơn.  Năm 2022, viết, in và phát hành tại Việt Nam 4000 cuốn Câu Chuyện Đổi Đời, nhờ Bác sĩ Giáo sĩ Lê văn Báu giúp gửi tặng các Hội Thánh tại VN để họ gây quỹ.  Cuốn này viết về câu chuyện tình của cậu Nghĩa từ đau khổ vì bị tình phụ, Chúa đưa đẩy gặp một “quới nhơn” là một Cơ đốc nhân giúp đến với Chúa. Nhiều người nhận xét câu chuyện thú vị này giúp truyền giáo cho đồng bào một cách nhẹ nhàng. Ai muốn sách này, xin liên lạc với tôi.

Mỗi ngày khi nhìn vào lịch tôi nhớ đến 1 hoặc 2 mỹ đức Trái Thánh linh để tập rèn mình trên tiến trình nên thánh và đọc 1 chương Châm Ngôn (sách này có 31 chương, nên mỗi thánng có thể đọc qua 1 lần).

Tôi thường khích lệ người khác có lòng tìm kiếm Chúa qua sự khao khát học lời Chúa.

Ngày nay, với tuổi 79, tôi dọn mình, sẵn sàng về với Chúa và cũng chuẩn bị ngày giờ được Chúa cất lên.

Thưa quý OBACE, tôi xin mượn lời ông Phi-ê-rơ mến chúc mọi người: Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ.  (IIPhi 3:18a)

Châu Sa

 

Chúa gia hạn

Chúa đã gia hạn cho tôi

Nên tôi chưa thể xa rời trần gian

Cám ơn sự sống Chúa ban

Ngợi khen ơn Chúa tuôn tràn không thôi

Nhắc nhau trung tín trọn đời

Nhắc nhau học hỏi những lời Cha ban.

Châu Sa 2023

 

Gây dựng hậu sinh

Tận dụng ân tứ Chúa ban

Góp phần gây dựng lớp làng hậu sinh

Nhắc nhau giữ vững đức tin

Vững lòng trông cậy, vững tình thương yêu

Thánh kinh nhớ đọc cho đều

Lời vàng ý ngọc sớm chiều dưỡng linh.

Châu Sa 2023

 

Hãy siêng năng, chớ làm biếng

Người siêng tận dụng ban ngày

Làm việc đồng áng: đâm, xay, giần, sàng

Kẻ lười có lúc ngồi than

Công việc ngập ngụa, chiều tàn đến nơi.

Châu Sa 2023

 

Chúa lập trình

Đời tôi Chúa đã lập trình

Dù hay, dù dở, dù vinh, dù hèn

Không cần vất vả, bon chen

Hết lòng trông cậy, Chúa bèn đỡ nâng.

Châu Sa 2023

Gieo gì, gặt nấy

Sáng mở mắt mới hay mình bị gạt,
Bị tráo hàng, ngẫm lại tức mình thay.
STK 29:25

 

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

GẠCH NỐI

GẠCH NỐI (giữa năm sinh và năm tử).

1941 – 2024: 83 năm trên đất.

Mỗi buổi sáng tôi nhìn trang cáo phó,

Nếu không thấy tên mình in trên đó,

Thì biết mình chưa phải bỏ cõi trần

 

G: giới hạn: thời gian, không gian. Bề dài bị giới hạn.  Bề sâu và bề dày không bị giới hạn. Ông Phao-lô có bề dây.

A: ai ? Anh hùng đức tin: Heb 11. Sau 50 năm ai nhớ ai?

C: chọn? Tự do lựa chọn. Chọn đường hẹp hay đường rộng? Chọn Chúa? 

H: Hư không (thể xác), không hư (tâm linh)

N: nếp sống? Cách hành xử?

O: ơn trời (Chúa), ơn người. Lưu ơn

I: yêu Chúa, yêu người.  Tình yêu: chất keo dính liền, liên kết.

Thời gian còn lại? 1945 - ?

Săn sóc “thửa vườn tâm linh” để đơm bông kết trái Thánh Linh. Chuyên cần đến ngày cuối đời.

Những gì mình nói, mình làm đều được ghi trong Sách Trời (Thiên Thư).

Đừng khổ tâm với quá khứ tồi – tối – tội (tồi tệ, tối tăm, tội lỗi) của mình.  Lòng ăn năn và huyết Chúa Giê-su đã, đang, và sẽ phiếu trắng hết. Cần lòng ăn năn, thống hối thực sự.

Đức Thánh Linh luôn cho mình sức bật dậy (resilience) khi mình cầu xin.

Nhìn vào tương lai với nụ cười, với sự tương giao với Cha Thiên thượng, với lòng tạ ơn và ngợi khen mỗi ngày (viên thuốc Cười Cầu Ca Cảm).

Châu Sa

Những câu Kinh Thánh chúng ta thường thấy khắc trên mộ bia:

Sáng Thế ký 31:49

1 Sa-mu-ên 2:1

2 Sa-mu-ên 22:3

Thi-thiên 16:1

Thi-thiên 18:2

Thi-thiên 18:30

Thi-thiên 23:4   

Thi-thiên 23:6

Thi-thiên 34:8

Thi-thiên 34:18

Thi-thiên 46:1

Thi-thiên 46:10

Thi-thiên 59:16

Thi-thiên 71:3

Thi-thiên 73:26

Thi-thiên 91:2  

Thi-thiên 91:4

Thi-thiên 102:12

Thi-thiên 118:8-9

Thi-thiên 121:1-2

Thi-thiên 147:3

Châm-ngôn 3:5-6  

Châm-ngôn 18:10

Châm-ngôn 30:5

Nhã-ca 2:17

Ê-sai 40:31

Giê-rê-mi 17:7 ,

Giê-rê-mi 31:3

Na-hum 1:7

Ma-thi-ơ 5:4

Ma-thi-ơ 5:8

Ma-thi-ơ 11:28

Ma-thi-ơ 21:22

Ma-thi-ơ 25:21

Ma-thi-ơ 25:46

Ma-thi-ơ 28:20

Mác 10:30

Lu-ca 1:37

Lu-ca 22:42

Lu-ca 23:43

Giăng 3:16,

Giăng 8:32

Giăng 14:6

Giăng 14:27

Rô-ma 8:28

2 Cô-rinh-tô 5:7

Phi-lip 1:3

Phi-lip 1:21

Hê-bơ-rơ 13:8

Khải-huyền 2:10

Khải-huyền 21:4