AN
KHANG
Trí
Tuệ
智 慧 安 康
Châu Sa
2011
Thương tặng hiền thê: Minh Chung
Cảm
ơn em đã tề gia,
Đảm
đang việc hội, việc nhà bấy lâu.
Bạn đọc thân mến,
Khi bạn đọc và hiểu được những dòng chữ này là bạn sở hữu một trí tuệ
tuyệt vời phát xuất từ một bộ não vô giá.
Bộ não chúng ta chỉ cân độ 3 cân Anh (1,5 kg) chỉ bằng một bắp cải
cauliflower nhỏ, mềm như đậu hủ nhưng vô cùng phức tạp, kỳ diệu, tinh vi, khó
hiểu. Bộ não gồm 100 tỉ tế bào, được cấu tạo bởi chất đạm, nước, và
nhiều hóa chất khác. Tế bào não vận hành
được là nhờ dưỡng khí, đường và điện. Bộ
não điều khiển mọi sinh hoạt của chúng ta từ đi đứng tới ăn uống, từ nói năng
tới cười giỡn, từ nghĩ ngợi tới nghỉ ngơi, từ đau khổ tới sướng khoái… Bộ não
thật mong manh, tế nhị, dễ bị thương tổn nên chúng ta cần phải nâng niu, giữ
gìn, bảo trì. Chúng ta cần tránh những
gì độc hại cho bộ não; cần làm những gì tốt cho não. Bộ não có thể rèn luyện được, thay đổi được
nên chúng ta cần học hỏi, tập tành để nó trở thành hữu ích. Dù hư hại cách mấy, nếu chúng ta quyết tâm và
với thời gian, bộ não vẫn có cơ phục hồi nhờ vào tánh mềm dẻo của trí não (neuroplasticity).
Quyển sách nhỏ này chỉ vẽ nên vài nét chấm phá, chỉ giới thiệu sơ lược ngành
khoa học thần kinh (neuroscience) đang trên đà phát triển. Mong những bài đơn sơ trong sách này khêu gợi
óc tò mò, khơi động lòng hứng thú của bạn trong việc tìm hiểu thêm về trí tuệ,
một thừa hưởng quý báu mà Thượng đế, tiền nhân, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, cùng sự
nỗ lực của chính mình hun đúc.
Tôi chân thành cảm tạ
tất cả bạn đọc Nếp Sống Mới đã khuyến khích tôi viết tiếp sau khi quyển An
Khang (Thể Chất) ra đời. Tôi cảm tạ các
vị có những nguồn tài liệu mà tôi trích trong sách này. Tôi cảm tạ những bạn đã chịu khó đọc, đề nghị
thay đổi cách hành văn cho trong sáng, dễ hiểu; đặc biệt các bạn gốc miền Bắc của
tôi giúp cho những dòng chữ này được “hỏi ngã phân minh”. Tôi cũng cảm ơn nhà thơ Tiểu Minh Ngọc đã
viết lời thơ giới thiệu ngọt ngào.
Không có một bộ não nào
của con người là toàn thiện, nên khi còn sống sót, tức là còn sống là còn có sót,
chúng ta làm lỗi luôn. Sách này không tránh
khỏi ít nhiều sơ sót, xin bạn đọc vui lòng cho biết để kỳ tái bản chúng tôi sửa
chữa lại. Xin cám ơn.
An Khang Trí
Tuệ
An Khang Thể Chất
in rồi,
Châu Sa - chủ bút
lại ngồi nghĩ suy...
Phải chăng còn
thiếu điều gì,
Vậy ta nên viết
điều chi giãi bày?
Miệt mài nghiên
cứu đêm ngày,
An Khang Trí Tuệ
hôm nay ra đời!
Kính mời độc giả
khắp nơi,
Đón xem sách quý
giúp người tiến thân!
Ăn
vào tư tưởng thánh nhân,
Là điều tích cực
thêm năng giúp người!
Mỗi ngày ngủ đủ
nghỉ ngơi,
Để cho tiềm thức
thảnh thơi học hành!
Ngắn dài ký ức
tạo thành,
Phải nên tìm hiểu
tập tành nhớ dai!
Không ngừng hướng
tới điều ngay,
Đến chân thiện
mỹ, tốt thay cho đời!
Thăng bằng, an
ổn mọi nơi,
Nội tâm vui vẻ,
nụ cười tuôn ra!
Giữ cho năm giác quan ta,
Ngó, nghe, ngửi, nếm, nắn xoa điều hành!
Không quên giải trí tốt lành,
Cười là thuốc bổ trường sanh cho người!
Châu Sa tủ sách xin mời,
An Khang
Trí Tuệ ra đời
hôm nay!
Lòng vui nhận sách vào tay,
Đọc xong đầu óc sẽ đầy trí khôn!
Tiểu Minh
Ngọc
Bạn thân mến,
Sau khi viết xong quyển An Khang (thể chất), tôi thấy mình cần
phải viết thêm An Khang về phương diện Tâm Linh. Bạn đề nghị: “Trước khi qua phần tâm linh, có
lẽ nên tìm hiểu về phần trí óc, trí khôn của con người”. Bạn có lý lắm vì con người có thân, trí, tâm
(body, mind, spirit). Trí óc là phần rất
quan trọng chi phối mọi lãnh vực trong đời sống của chúng ta. Nói đến trí khôn, tôi nhớ đến một câu chuyện
học thời tiểu học.
Trong khu rừng nọ, có con cọp đói một hôm đi tìm mồi. Nó núp rình ở một con đường mòn. Bỗng nó thấy một thiếu niên dắt một con trâu
to tướng đi một cách khoan thai. Nó quan
sát thấy cậu ta chỉ dùng một sợi dây thừng nhỏ xỏ qua mũi trâu, mà trâu ngoan
ngoãn bước đi. Con cọp muốn bắt con trâu
ăn thịt nhưng sợ cậu bé có thần lực gì đây.
Nó mới bước ra khỏi chỗ núp, hỏi lý do gì mà một người nhỏ thó lại xỏ
mũi con trâu to đi theo được. Cậu bé cho
biết đó là nhờ trí khôn của cậu. Cọp
nghe vậy tò mò xin cho xem trí khôn ra sao.
Cậu bé nói: “Trí khôn ta đang để ở nhà, nếu mi muốn xem, ta về lấy cho
xem. À, mà không được, khi ta đi, mi ăn
thịt trâu của ta sao. Để ta trói mi lại,
ta mới yên tâm.” Cọp càng thấy khao khát muốn xem trí khôn nên đồng ý cho cậu
bé trói lại. Cậu tìm dây mây trói cọp
thật chặt vào gốc cây. Cậu bèn tìm một
khúc cây, đập vào đầu con cọp. Vừa đập
vừa la: “Trí khôn của ta đây, trí khôn của ta đây.”
Trí khôn là chức năng của bộ não nằm trên đầu, vì vậy mình có
những từ như “cơ quan đầu não” để chỉ headquarter trong tiếng Anh; ban quản trị
được gọi là nhóm đầu não; còn người đầu não là người lãnh đạo, chỉ huy.
Trong danh từ Hán Việt, chữ Trí Tuệ 智慧 có ý nghĩa rất hay. Trí 智 gồm chữ Tri 知 là biết, kết với chữ Nhật 日thành Trí là sự nhận thức sáng suốt. Tri + Nhật còn chỉ tri thức nằm trong bộ óc
(chữ Nhật vẽ hình bộ óc). Tuệ 慧 viết bằng chữ Tuệ 彗 là cây chổi, là quét, kết với chữ
Tâm 心. Tuệ 慧 nói lên tấm lòng, sự khôn ngoan trong việc sử dụng tri thức. Trong Phạn ngữ, Jnàna là năng lực nhận biết được
hiện tượng, phán xét được đúng sai, thiện ác. Có người dịch chữ Jnàna là trí tuệ.
Câu chuyện:
“BÁN LƯỢC CHO NHÀ
SƯ!” thú vị cho chúng ta thấy 3 cách sử
dụng trí tuệ khác nhau nên kết quả khác nhau.
Ở một công ty nọ, để thử việc nhân viên, họ đưa ra tiêu chuẩn: mỗi nhân viên thử việc đều phải bán được 1000
chiếc lược cho một nhóm khách hàng được chỉ định - là các nhà sư - trong vòng
một tuần.
Thử thách kỳ quái này khiến cho hầu hết người xin việc đều
nghi ngờ: Bán lược cho nhà sư ư? Sao có
thể làm được? Đa số đều từ bỏ, chỉ có ba
người dám chấp nhận thử thách. Một tuần
thử thách kết thúc, người thứ nhất bán được một chiếc, người thứ hai bán được
10 chiếc còn người thứ ba đã bán hết sạch.
1000 chiếc lược, cùng một hoàn cảnh, song kết quả lại khác xa, công ty
bèn mời ba người thuật lại quá trình bán hàng của mình.
Người thứ nhất kể, anh ta đến một ngôi chùa, phải chịu các nhà sư mắng mỏ mà vẫn nhẫn nại, cuối cùng, một hoà thượng động lòng, mua cho anh ta một chiếc lược. Người thứ hai kể, anh ta lên một ngôi chùa trên núi, do gió núi mạnh, khiến cho tóc của thiện nam, tín nữ lên chùa rối tung hết cả. Anh ta liền tìm đến sư trụ trì chùa và nói “Người dâng hương tóc tai bù xù, trông không được thành kính với Đức Phật lắm. Trước mỗi toà hương, nhà chùa nên đặt một chiếc lược cho thiện nam tín nữ chải tóc”. Thấy có lý, sư trụ trì liền mua lược giúp anh ta, vì chùa có 10 toà hương nên anh ta đã bán được 10 chiếc lược. Còn người thứ ba tìm đến một ngôi chùa có tiếng, hương khói quanh năm không dứt. Anh ta nói với phương trượng: “Phàm những người dâng hương ai cũng có lòng thành, chùa ta nên có vật phẩm tặng lại để khuyến khích người đời làm việc thiện. Tôi có một số lược, ngài có thể dùng thư pháp hơn đời của mình, khắc lên đó ba chữ ‘Lược Tích Thiện’ làm tặng phẩm”. Phương trượng nghe có lý liền mua cho anh ta 1000 chiếc.
Công ty nọ đánh giá ba người đến thử việc tiêu biểu cho ba mẫu người điển hình:
* Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, có ưu điểm chân thành, nhẫn nại.
* Người thứ hai có năng lực quan sát, suy đoán sự vật, dám nghĩ, dám làm.
* Còn người thứ ba, anh ta nghiên cứu, phân tích nhu cầu của đám đông, có ý tưởng táo bạo, có kế hoạch khả thi nên đã mở ra một nhu cầu mới của thị trường. Điều kỳ diệu là sau khi "Lược Tích Thiện" của anh ta ra đời, một đồn mười, mười đồn trăm, người đến chùa dâng hương ngày càng nhiều, hương khói trong chùa ngày càng thịnh. Phương trượng bèn ký hợp đồng dài hạn với anh ta. Về phía công ty, thu hoạch lớn nhất không phải là có được hợp đồng lớn mà có được người tài năng. Nhờ có trí tuệ hơn người đó mà anh ta đã được công ty quyết định tuyển dụng và quyết định bổ nhiệm làm giám đốc marketing.
Như vậy, hiểu được nhu cầu của khách hàng, phân tích tính quy luật của sự hình thành và tác động chuyển hoá nhu cầu tiềm tàng thành sức mua chính là chìa khoá để mang lại thành công.
Người thứ nhất kể, anh ta đến một ngôi chùa, phải chịu các nhà sư mắng mỏ mà vẫn nhẫn nại, cuối cùng, một hoà thượng động lòng, mua cho anh ta một chiếc lược. Người thứ hai kể, anh ta lên một ngôi chùa trên núi, do gió núi mạnh, khiến cho tóc của thiện nam, tín nữ lên chùa rối tung hết cả. Anh ta liền tìm đến sư trụ trì chùa và nói “Người dâng hương tóc tai bù xù, trông không được thành kính với Đức Phật lắm. Trước mỗi toà hương, nhà chùa nên đặt một chiếc lược cho thiện nam tín nữ chải tóc”. Thấy có lý, sư trụ trì liền mua lược giúp anh ta, vì chùa có 10 toà hương nên anh ta đã bán được 10 chiếc lược. Còn người thứ ba tìm đến một ngôi chùa có tiếng, hương khói quanh năm không dứt. Anh ta nói với phương trượng: “Phàm những người dâng hương ai cũng có lòng thành, chùa ta nên có vật phẩm tặng lại để khuyến khích người đời làm việc thiện. Tôi có một số lược, ngài có thể dùng thư pháp hơn đời của mình, khắc lên đó ba chữ ‘Lược Tích Thiện’ làm tặng phẩm”. Phương trượng nghe có lý liền mua cho anh ta 1000 chiếc.
Công ty nọ đánh giá ba người đến thử việc tiêu biểu cho ba mẫu người điển hình:
* Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, có ưu điểm chân thành, nhẫn nại.
* Người thứ hai có năng lực quan sát, suy đoán sự vật, dám nghĩ, dám làm.
* Còn người thứ ba, anh ta nghiên cứu, phân tích nhu cầu của đám đông, có ý tưởng táo bạo, có kế hoạch khả thi nên đã mở ra một nhu cầu mới của thị trường. Điều kỳ diệu là sau khi "Lược Tích Thiện" của anh ta ra đời, một đồn mười, mười đồn trăm, người đến chùa dâng hương ngày càng nhiều, hương khói trong chùa ngày càng thịnh. Phương trượng bèn ký hợp đồng dài hạn với anh ta. Về phía công ty, thu hoạch lớn nhất không phải là có được hợp đồng lớn mà có được người tài năng. Nhờ có trí tuệ hơn người đó mà anh ta đã được công ty quyết định tuyển dụng và quyết định bổ nhiệm làm giám đốc marketing.
Như vậy, hiểu được nhu cầu của khách hàng, phân tích tính quy luật của sự hình thành và tác động chuyển hoá nhu cầu tiềm tàng thành sức mua chính là chìa khoá để mang lại thành công.
Bạn thân mến,
Trong tiếng Việt, nhất là trong văn thơ, những chữ như Tâm, Lòng,
Lòng dạ… không phải xuất phát từ trái tim hay bộ đồ lòng như người xưa nghĩ
đâu, mà tất cả đều từ bộ não (xin xem bài Lòng Dạ và Cảm xúc). Gọi là bộ não vì nó có 3 phần chính kết hợp
đó là đại não (cerebrum), tiểu não (cerebellum) và tủy sống (medulla). Trong 3 phần này, đại não được chú ý nhiều nhất,
tiểu não đóng vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể, nên chừng nào đi đứng xiêu vẹo
mới được nhắc đến, còn tủy sống hay bị bỏ quên.
Tủy sống giữ một chức năng
rất quan trọng, đó là sự phản xạ. Có thể
nói rõ là sự phản ứng tức thời của cơ thể mà không cần đến não can thiệp, nó
gìn giữ chúng ta khỏi những mối nguy hiểm
hằng ngày, chẳng hạn như khi bạn lỡ tay
chạm vào một vật gì nóng, lập tức ngón tay bạn rụt phắt lại. Bộ não còn sống là còn hi vọng, chừng bộ não chết đi (brain death) thì con người dù có cho thở bằng máy
hô hấp nhân tạo cũng như sống trong tình trạng thực vật (vegetative state). Xin xem bài “Tình Trạng Dở Sống Dở Chết”
Tác phẩm “An
Khang Trí Tuệ” này nêu lên 7 bí quyết A.N.K.H.A.N.G. để làm sao chúng ta có thể sử dụng toàn bộ
não, không những “chất xám” mà còn “chất trắng”, có thể học tập, rèn luyện được
kiến thức và dùng vào những việc hữu ích trước hết cho chính mình, và sau đó
cho người khác.
A - Ăn
nuốt những tư tưởng tích cực.
N - Ngủ. Cơ thể cần ngủ 7-8 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Trong khi thể xác yên nghỉ, tiềm thức vẫn …
thức. Nên lợi dụng tiềm thức để chúng ta
có thể học hành …thoải mái.
K - Ký
ức có 2 loại: ký ức ngắn hạn (còn gọi là ký ức đang hoạt động= working memory)
và ký ức dài hạn. Tìm hiểu cách chuyển
ký ức ngắn hạn sang ký ức dài hạn.
H - Hướng
tới. Nhu cầu của trí não là luôn được học
hỏi để hiểu và hành, để hướng tới chân thiện mỹ. Ngừng học hỏi thì e rằng trí thức thành trí
ngủ.
A - An
ổn. Bộ não con người có 2 bán cầu não
cân xứng qua một con cầu, gọi là thể sừng (corpus callosum), phía sau thì có tiểu
não lo việc thăng bằng cho mọi vị thế của cơ thể. Ba điều làm mất an ổn (hay mất thăng bằng tâm
lý) là căng thẳng (stress) hiện tại, hối tiếc dĩ vãng, lo âu tương lai. Hằng ngày chúng ta tìm cách thư giãn thường
xuyên để tránh căng thẳng. Ngáp là một cách
thư giãn tốt.
N - Năm
giác quan (five senses) mắt, tai, mũi, lưỡi, da là năm cửa ngõ đưa tin tức vào
não. Não tổng hợp để chúng ta có thể
ngó, nghe, ngửi, nếm và nắn. Chúng ta học quan sát và lắng nghe để tránh
thành kiến và hiểu lầm người khác.
G - Giải
trí. Cách giải trí tốt nhất cho trí não
là khôi hài. Cười là liều thuốc bổ không
những cho thể chất, mà còn cho tâm, cho trí.
Bạn có đưa ra câu hỏi là hai bán cầu não có chức năng
khác nhau phải không? Đúng lắm. Hai bán
cầu nói lên nguyên lý âm dương của bộ não.
Óc bên trái là dương vì nó hoạt động trội trên lý luận (logical), lý giải
(analytic), hợp lý (rational), ngôn ngữ (language), nhìn sự việc theo thứ tự
liên tục (sequential), thích hợp các môn ngành toán học, khoa học.. Còn óc bên phải thuộc âm vì nó thiên về nghệ
thuật, trực giác (intuitive), tổng hợp (synthetic), nhìn con người một cách
toàn diện (holistic)… nên có câu: “tả tính toán, hữu hát hò”. Óc trái được xã hội tán dương, còn óc bên phải
bị bỏ quên. Nhà bác học Albert Einstein
(1879-1955) phát triển mạnh óc bên phải, yếu về óc trái, nên lúc nhỏ bị thầy cô
chê là không thể học được. Ông đã viết:
“Óc trực giác là một món quà thiêng liêng và óc lý luận là một người giúp việc
trung thành. Chúng ta tạo một xã hội
vinh danh người phục vụ và quên mất món quà.” (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a
faithful servant. We have created a
society that honors the servant and has forgotten the gift.)
Một lý âm dương
thứ hai là phần trước và phần sau của não.
Phần sau của não thuộc âm vì nó thu thập tất cả những dữ kiện do năm giác
quan đưa đến và phân loại, rồi đưa cho phần trước, thuỳ tiền trán (thuộc dương)
dựa vào đó mà có phán xét, đi đến quyết định hành động như thế nào.
Chừng 15 năm
nay, lại có quan niệm về sự kết hợp trí năng và cảm xúc (intellectual
intelligence & emotional intelligence), mà bạn thỉnh thoảng đọc thấy mấy chữ
IQ/EQ là từ quan niệm này. Trí năng nằm
trong phần vỏ não, cảm xúc nằm trong ruột là hệ viền (limbic system). Hệ viền nằm phía trong, được vỏ não bao bọc. Đây cũng là một nguyên tắc âm dương khác của
trí não. Người phát triển đều đặn cả 2
bán cầu não là người đa tài, đa năng, đa dụng. Người khéo vận dụng được phần trước và sau của
não, cũng giống như quân đội điều hợp được hậu phương và tiền tuyến thì trận nào
cũng thắng. Người dung hòa được vỏ não
và ruột não thường có cách cư xử hợp lý, hợp tình.
ĂN
Về vật chất,
trí não chúng ta cần đủ lượng máu huyết nuôi dưỡng, máu mang theo đường và dưỡng
khí là 2 thứ tối cần cho sự sinh tồn, sinh hoạt của não. Cân bằng thực phẩm rất quan trọng không những
cho tim mà còn cho óc. Ăn gà cá thay cho
thịt heo, bò. Ăn trái cây thay vì bánh
ngọt. Các loại rau thơm, đậu, hạt chứa
nhiều chất dinh dưỡng.
Bộ não được
xem như cơ quan ăn tham và ăn kén. Những
gì mình ăn ảnh hưởng đến công việc của não rất nhiều. Chất đạm (protein) rất quan trọng đối với não
vì chất đạm biến ra amino-acid, từ đó, thần kinh tố (neurotransmitters) được chế
tạo. Thần kinh tố đóng vai sứ giả mang sứ
điệp, dấu hiệu từ tế bào này sang tế bào khác.
Có trên 200 thần kinh tố trong não, nhưng có 5 thứ mà chúng ta thường nghe
nhắc tới vì nó liên quan đến thực phẩm chúng ta ăn. Có 2 chất đi trước (precursors) của
thần kinh tố thuộc loại amino-acids
là tryptophan và tyrosine. Tryptophan không thể tạo ra trong cơ thể,
phải nhờ tới thức ăn bên ngoài vô (vì vậy nó có tên là essential
amino-acid). Tryptophan sẽ trở thành
serotonin và melatonin là 2 chất có tính xoa dịu, an thần. Tyrosine có thể tạo ra trong cơ thể khi thực
phẩm không cung cấp đủ (vì vậy nó là non-essential amino-acid). Tyrosine sẽ trở thành những chất “sôi nổi”
catecholamines là dopamine, epinephrine, và norepinephrine. Thức
ăn tinh bột (carbohydrates) giúp sản xuất serotonin, có lẽ vì vậy người bị trầm
cảm (depression) thích ăn tinh bột, để có thêm serotonin giúp giảm triệu chứng
trầm cảm. Ngược lại, thực phẩm nhiều
chất đạm (protein) sinh ra những chất sôi nổi, hưng phấn catecholamines. Trước khi đi thi, ai ăn cơm, ăn spaghetti thì
coi chừng dễ buồn ngủ lắm, nên ăn chất đạm để dễ tỉnh thức, tỉnh táo làm bài
thi. Người đi làm mà buổi trưa ăn nhiều
tinh bột sẽ dễ ngủ gà ngủ gật trong buổi họp trưa.
Về tinh thần,
chúng ta cần ăn nuốt những tư tưởng lạc quan, tích cực. Những điều tiêu cực chỉ mang lại căng thẳng và
sầu não. Phần lớn chúng ta được (hay bị)
nuôi dạy từ nhỏ trong một môi trường tiêu cực, bi quan. Hầu hết những người cao niên chúng ta đã trải
qua nhiều biến cố đau buồn, đã bị bầm dập bằng nhiều cách trong quá khứ. Không ít người đã “tơi bời hoa lá”. Không ít người đã “lên voi, xuống chó”. Không ít người đã “ba chìm, bảy nổi, chín lênh
đênh”. Nhiều người còn bị chứng hậu chấn
thương (PTSD: Post-Traumatic Stress Disorder).
Tâm trí mỗi người không nhiều thì ít cũng đã bị thương tổn.
Hiện nay,
chúng ta cần đọc, cần an ủi nhau, khích lệ nhau với những gì có thể nâng cao
tinh thần để vui sống những ngày còn lại trên thế gian này. Tránh xem những phim, truyện buồn, tránh bàn
bạc nhiều về những tin tức bi thảm xảy ra.
Những phim truyện Hồng Kông, Đại Hàn kéo dài lằng nhằng mấy chục tập thường
xây dựng trên hận thù truyền qua nhiều thế hệ, hoặc trên những tình cảm éo le gây
cấn làm mất thì giờ và …nước mắt của chúng ta.
Thay vì để thì giờ chong mắt vào màn ảnh TV ngày đêm và “khéo dư nước mắt
khóc người Triều Tiên”, chúng ta để thì giờ làm nhiều việc hữu ích hơn. Diễn giả khi thuyết trình cho người cao niên
nên mang lại một bầu không khí tươi vui, một sứ điệp hi vọng.
Quyển “Sức Mạnh
của Tư Duy Tích Cực” (The Power of Positive Thinking) của Norman V. Peale là
quyển sách mọi người nên đọc. Sanh năm
1898, mất năm 1993, thọ 95 tuổi, ông Peale khéo phối hợp tâm phân học và tôn
giáo, đã giúp cho rất nhiều người thoát khỏi bệnh trầm cảm sau thế chiến thứ
hai, giúp cho hằng triệu người lấy lại niềm tin yêu và hi vọng.
Không những chúng ta cần ăn nuốt những tư
tưởng tích cực, lạc quan, mà chúng ta cần đề phòng những tư tưởng chủ bại, tiêu
cực đang phục sẵn trong tiềm thức, thỉnh thoảng nổi dậy, hiện ra, nhắc nhở “lải
nhải” như dĩa hát cũ nhai đi nhai lại điệp khúc tả oán, như hâm đi hâm lại nồi
khoai sùng.
Đó là thứ “tâm ngôn lải nhải” như BS Nguyễn
Tường Bách viết: -
... có những người mắc bệnh, luôn luôn
nói lải nhải. Chúng ta gọi họ là điên
khùng. Nhưng hãy công bằng mà xét, tâm
của chúng ta cũng luôn luôn nói năng, luôn luôn có nhận định, đối thoại, suy
xét, đánh giá... trong tâm của chúng ta
cũng luôn luôn “lải nhải", chỉ khác kẻ điên kia ở chỗ nó không phát ra
tiếng. Ta hãy gọi tiếng nói trong tâm đó
là tâm ngôn. Nếu khéo quan sát ta sẽ thấy
tâm ngôn hay "bàn" về quá khứ.
Nó ưa lôi chuyện quá khứ ra để thẩm định, khen chê. Thỉnh thoảng nó cũng suy tư về tương lai, từ
chuyện ngày mai mình đi chơi ở đâu đến chuyện thế kỷ sau điều gì sẽ xảy ra cho
nhân loại. Nhưng khi nói chuyện tương
lai, tâm ngôn luôn luôn dựa trên kinh nghiệm của quá khứ từ những cái đã
biết. Nói về chuyện tương lai như học
hành cho con cái hay xây dựng hạnh phúc cho chính mình, tâm ngôn phải lấy những
chuẩn mực đã biết để hoạch định. Do đó,
tâm ngôn luôn luôn bị quá khứ ràng buộc.
Vì lẽ đó Krishnamurti nói tâm chúng ta "bị quá khứ quy
định". Govinda ví tâm chúng ta như
người ngồi ngược chiều hướng xe chạy, anh ta chỉ thấy, biết những gì đã trôi ra
đằng sau. Hầu như lúc nào đầu óc của
chúng ta cũng bị quá khứ phủ kín.
... Ý thức bị
tâm ngôn quy định chiếm hầu hết thời gian trong ngày của ta, kể cả trong giấc
ngủ. Ta thật sự yên nghỉ chỉ với giấc
ngủ không mơ, những giấc mơ của chúng ta đều là do tâm ngôn tiếp tục "lải
nhải". (BS Nguyễn Tường Bách trong tác phẩm “Tinh
Khôi Như Mùa Xuân”)
Mỗi
ngày nếu chúng ta có chút thì giờ để tâm trí mình trống rỗng, yên lặng, nhẹ nhàng
như nước hồ thu của Nguyễn Khuyến thì thật là hạnh phúc phải không bạn: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo...”
Dùng
hô hấp phối hợp với tư duy có lợi cho mình: thở ra phiền não, hít vào bình
an. Quên hận thù, bỏ phiền muộn. Nghĩ tới điều hay, tốt, đẹp; nghĩ tới bình
an, nghĩ tới tha thứ... Không tha thứ chỉ thiệt thân. Hận chỉ hại người hận, không hề hấn gì người
bị hận (hate hurts the hater more than the hated). Muốn tha thứ dễ thì đừng nhớ tới hận thù. Làm sao để không nhớ một điều gì đó? Dù đó là hận thù người khác hay một dằn vặt về
lỗi lầm quá khứ của chính mình. Bí quyết
nằm trong 3 chữ N: không nghĩ
tới, không nhắc tới, không nói tới nó.
Tâm
thức con người có ý thức, tiềm thức và siêu thức (The mind in action is
conscious, subconscious and superconscious)
Nói chuyện với ý
thức vào buổi sáng:
Tự
nhủ (Peptalk) với mình vài tư tưởng lạc quan, tích cực để mình vui sống. Bạn có thể dùng 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh
trong Kinh Thánh: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành,
trung tín, mềm mại, tiết độ. Bạn cũng có
thể dùng Bát Chánh đạo của Phật giáo: chánh
tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh
niệm, chánh định. Bạn có thể dùng chữ
SHALOM của người Do Thái. SHALOM là Sức khỏe, Hòa bình, An toàn, Lành mạnh, Ơn thiêng, Mừng vui.
Nói chuyện với
tiềm thức vào buổi tối:
Như
bàn giao công việc khi mình đi ngủ, bạn nên giao cho tiềm thức những gì mình chưa
thể giải quyết được. Tiềm thức có một chức
năng tuyệt diệu là thức canh suốt đêm để giải quyết nan đề cho bạn, để tìm kiếm
tài liệu, để chuẩn bị, tổ chức chương trình ngày mai cho bạn, và đánh thức bạn
dậy.
Sau cùng, liên
lạc với siêu thức trước khi ngủ:
Siêu
thức như nối liền với mạng lưới toàn cầu, như liên lạc thẳng với Thượng Đế. Vui mừng và cảm tạ Thượng Đế lúc này (nếu bạn
là người hữu thần). Hô hấp chậm, đều, sâu. Rồi thân thể như thư giãn dần, như tan biến
ra, như bốc hơi, như thăng hoa… Không còn gì quan trọng trong không gian vô cùng
và thời gian vô tận! Giấc ngủ yên lành đến
một cách tự nhiên!
NGỦ
Cơ thể cần
ngủ 7-8 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Có người cần ngủ 9-10 tiếng. Chúng ta cần giấc ngủ để năng lực tiêu hao
trong ngày được bồi bổ, phục hồi. Những
thương tổn thể chất, những bầm dập tâm hồn cần được chữa trị, hàn gắn. Rồi sau khi thức dậy, chúng ta bắt đầu lại một
ngày mới với một nguồn sinh lực mới. (Tôi
không thích tư tưởng tiêu cực của các triết gia yếm thế. Họ bắt đầu lại một ngày như mọi ngày với vẻ
chán chường, một ngày không có gì mới trong chu trình cũ kỹ của đời sống.)
Trong khi thể
xác yên nghỉ, tiềm thức vẫn … thức. Điều
này nghe có hơi lạ tai phải không? Bạn có
hay dùng đồng hồ báo thức không? Bạn cứ
tiếp tục dùng, nhưng xin thử điều này.
Trước khi ngủ tối nay, bạn hãy tự nhủ (là một cách nói chuyện với tiềm
thức đó) rằng bạn muốn thức dậy lúc 6 giờ sáng (hay giờ nào bạn muốn), lập lại
3 lần một cách chính xác, rõ ràng. Xong
rồi, yên tâm đi ngủ. 90% trường hợp, bạn
sẽ thức giấc trước khi đồng hồ reo ré lên.
Bạn có một bài toán khó giải, một nan đề không biết giải quyết cách nào,
xoay qua xoay lại trong trí mấy lần mà không biết tính sao. Hãy trao cho tiềm thức, dặn bảo tiềm thức tìm
giải pháp cho bạn, rồi yên tâm đi ngủ. Sáng
thức dậy, bạn ngạc nhiên thấy trí mình lóe ra giải đáp. Nên lợi dụng tiềm thức để
chúng ta có thể học hành …thoải mái. Nhiều
người học sinh ngữ bằng cách thu bài học vào máy ghi âm và phát ra trong lúc ngủ
để tiềm thức học .. dùm. Chúng ta dùng
10% của trí năng trong ý thức, còn 90% là tiềm năng nằm trong tiềm thức và siêu
thức. Có người xem tiềm thức như minh sư,
người quản gia, vị cố vấn có nhiệm vụ giúp đỡ, cảnh giác, góp ý kiến.
Có
người khó ngủ vì sợ khi ngủ ngon mà chết luôn.
Được chết bình yên trong giấc ngủ là một cái phước lớn bạn ơi. Như có lần chúng ta nói chuyện, bạn cũng đồng
ý là ai sống hết lục thập hoa giáp, tức là qua 60 tuổi thì những năm tháng sau
đó kể như dư niên, như “bonus”. Nghĩa là
chúng ta sẵn sàng ở và sẵn sàng đi. Muốn
ngủ ngon bạn thử “giũ sạch bụi trần” trước khi ngủ và sẵn sàng yên giấc ngàn
thu đêm nay.
KÝ ỨC
Có điều chúng
ta cần nhớ, có điều chúng ta cần quên.
Không nhớ thì không thể sinh hoạt
bình thường được, mà nhớ tất cả thì trí não sẽ quá tải. Không quên những điều không cần thiết, không
quên những bực tức, buồn phiền thì tâm thần sẽ bị bệnh. Nói chung, đàn ông hay quên hơn đàn bà. Có người nhận xét điều này bạn thử nghĩ coi có
đúng hay không “phụ nữ có ưu điểm là nhớ dai, nhưng cũng có khuyết điểm là … giận
dai”.
Ký ức có 2
loại: ký ức ngắn hạn (còn gọi là ký ức đang hoạt động= working memory) và ký ức
dài hạn. Tìm hiểu cách chuyển ký ức ngắn hạn sang ký ức dài hạn. Giấc ngủ giúp cho ký ức ngắn hạn đổi thành ký
ức dài hạn.
Ký ức nằm
trong bộ phận tên là hải mã (hippocampus). Bộ phận này giống hình con hải mã. Bạn nói rằng muốn khỏi “hả mãi” (vì quên) nên
mình phải dùng hải mã làm bộ nhớ. Bạn đã
đưa ra một mẹo nhớ (mnemonics) rất hay.
Muốn chuyển ký ức ngắn hạn thành dài hạn, chúng ta có công thức
dễ nhớ là OSCAR: observe, search, classify, associate, repeat
(quan sát, lục tìm, phân loại, liên kết, lập lại). Khi còn đi học hay khi ra đời, chúng ta có
nhiều điều cần phải nhớ. Trước một điều
muốn nhớ, chúng ta cần quan sát
(observe), rồi tìm tòi (search) về
điều đó từ những nguồn tài liệu mình có được, phân loại (classify) nó
vào loại nào, kế đó, liên kết (associate)
nó vào một sự kiện mình đã biết, rồi lập
đi, lập lại (repeat) trong đầu. Không
lập lại sẽ quên, nên muốn nhớ thì mỗi tuần
mình nên nhắc lại một lần. Xin xem thêm bài: “Trí nhớ giảm sút, phải làm sao?”
HƯỚNG TỚI
Nhìn não bộ cắt theo trục dọc, chúng
ta thấy thùy trán như chồm tới trước. Điều
này có nghĩa là nhu cầu của
trí não là luôn được học hỏi để hiểu và hành, để hướng tới chân thiện mỹ. Ngừng học hỏi thì e rằng trí thức thành trí ngủ.
Vỏ não đóng vai trò quan trọng trong việc
học. Vỏ não có màu xám vì chứa thân (bodies) và râu (dendrites) của tế bào não
(neurons). Đó là lý do người ta gọi trí
thức là chất xám. Hoa Kỳ biệt đãi trí thức,
biết đầu tư chất xám nên thu hút nhân tài khắp mọi nơi trên thế giới. Người ta có từ ngữ đặc biệt khi diễn tả xứ nào
biết thu nhặt óc là “brain gain”, xứ nào mà người trí thức bỏ đi, bị tháo thoát
óc là “brain drain”. Các xứ cộng sản xem thường trí thức nên đã bị tháo thoát óc
trầm trọng.
Muốn sinh động,
trí não cần sự tò mò, hiếu kỳ, nhiệt tình, thích thú trong việc tìm hiểu. Những điều này sẽ tăng năng lực cho não. Sự huấn luyện liên tục giúp cho vỏ não phát
triển. Có một nghiên cứu cho một số người
tập trò tung hứng (juggling) với 3 trái banh.
Những người này được làm MRI vào lúc bắt đầu tập, MRI sau khi tập được 3
tháng, và 3 tháng kế không cho tập nữa.
MRI lần thứ hai (sau ba tháng tập) thì thấy chất xám tăng thể tích ở vùng
thuỳ thái dương và thuỳ đính (parietal lobe). MRI làm lại vào tháng thứ 6, sau 3 tháng không
tập thì thấy những thể tích tăng thêm lúc trước nay không còn nữa, và những người
đã tập cách tung hứng sau 3 tháng nghỉ ngơi, họ đã quên mất. Vậy, chúng ta cần học, cần tập liên tục. Châm ngôn của người xưa “văn ôn, võ luyện” rất
đúng. Soạn một bài thuyết trình, viết một đề
tài gì đó là cách động não rất tốt. Trí
tuệ mình rất ưa động đậy giống như mảnh đất được cày xới mọi chiều được phì nhiêu,
phong phú. Đặt chương trình làm việc và
làm theo chương trình của mình (Plan your work and work your plan).
Trẻ con đi học thường được dạy theo 3 chữ R là Reading , wRiting, aRithmetic
là học đọc, học viết, học làm toán. Ngày
nay, người ta thấy nên thêm vào chữ R thứ tư nữa là aRts tức là nghệ thuật. Ba chữ R theo quan niệm xưa giúp phát triển
phần não trái, cần cho học thêm nghệ thuật như âm nhạc, hội họa cho não phải thì
đứa trẻ mới phát triển quân bình.
Chúng ta cần phải học để sửa lại quan niệm lỗi thời, những kiến
thức sai trật không còn đúng nữa. Một thí
dụ là bây giờ người ta nhận ra những “mảng” (plaques) trong óc người bị lú lẫn
(Alzheimer’s disease) không phải là thủ phạm, mà chính là những cục chất đạm (amyloid beta protein) trôi nổi
trong huyết quản, oligomers mới chính
là hung thủ làm mất trí nhớ, còn “mảng” (plaques) có chức năng bảo vệ tế bào não. Nếu điều này đúng thì than ôi, bao năm qua, loại
thuốc chế nhằm diệt “mảng” ở người lú lẫn là vô tình giết hại đồng minh rồi.
Một điều rất đáng mừng về bộ não là chúng ta có thể học tập, rèn
luyện mà thay đổi tế bào não về số lượng và chức năng. Trước kia, người ta quan niệm bộ não càng ngày
càng teo tóp, càng tệ ra và không thể khá hơn.
Quan niệm này sai. Hiện nay tánh mềm dẻo của bộ não (Neuroplasticity)
được nhắc tới rất nhiều. Tánh mềm dẻo có
3 đặc tính là tu bổ, thay thế, tái tập tành.
Tiếng Anh là repair, replace, retrain (3R). Người bị bại liệt vì stroke có thể trở lại bình
thường sau một thời gian kiên trì tập luyện.
Bà Jill B. Taylor viết sách “My Stroke of Insight” kể lại bà chịu khó tập tành 8 năm thì
mọi chức năng cơ thể bình thường lại.
AN ỔN
Bộ não con
người có 2 bán cầu não cân xứng qua một con cầu, gọi là thể sừng (corpus
callosum), phía sau thì có tiểu não lo việc thăng bằng cho mọi vị thế của cơ thể.
Ba điều làm mất an ổn (hay mất thăng bằng
tâm lý) là căng thẳng (stress) hiện tại, hối tiếc dĩ vãng, lo âu, sợ hãi tương
lai. Lo âu và sợ hãi là 2 kẻ thù chính của
tiềm thức. Trong khi lo lắng tương lai quá đáng được ví như phải
trả món nợ mình chưa vay, sự dằn vặt về những
lỗi lầm trong quá khứ giống như trả tiếp món nợ mình đã thanh toán. Còn căng thẳng hiện tại quá mức thì ví như
cái gì? Như cỡi ngựa gỗ, nhúc nhích, lúc
lắc như điên mà không đi tới đâu hết!
Bạn nhận xét
đúng khi viết rằng “Sống trên đời, người nào cũng gặp ít nhiều căng thẳng mỗi
ngày. Căng thẳng (stress) quá mức sẽ gây
ra phiền não (distress). Phiền não có
thể làm chúng ta mất ăn, mất ngủ, cũng như có thể sanh ra những bệnh về thể
chất cũng như tâm thần.” Bạn e ngại rằng
nếu không tìm phương pháp gì chống lại thì có ngày chúng ta sẽ bị “đứt giây
thiều” vì bị căng quá mức.
Xin xem bài
“Thanh Tịnh”.
NĂM GIÁC QUAN
Mắt,
tai, mũi, lưỡi, da là năm cửa ngõ đưa tin tức vào não. Não tổng hợp để chúng ta
có thể ngó, nghe, ngửi, nếm và nắn. Năm giác quan vừa kể là dựa theo quan niệm
cổ điển từ thời Aristotle. Ngày nay, người
ta kể thêm ít nhất 6 giác quan nữa là:
*
phân biệt nhiệt độ thay đổi (thermoception);
*
phương hướng (magnetoception)…
Năm
giác quan cổ điển cũng đã là 5 kỳ quan mà Thượng đế đã ban cho để chúng ta có
thể liên lạc với thế giới bên ngoài. Năm
kỳ quan này có lúc cũng đánh lừa chúng ta, làm cho chúng ta có những phán đoán
sai trật. Nhất là khi nhìn hay nghe với
thành kiến. Chúa Giê-xu khi còn tại thế
đã dạy các môn đồ tránh phán xét người khác vì hầu hết là chúng ta bị “bé cái
lầm”. Khi người thợ mộc nghi ngờ cậu bé
hàng xóm lấy cắp cái búa của mình, thì mọi hành vi, cử chỉ gì của cậu cũng có
vẻ như người gian; khi tìm lại được cái búa thì lạ quá, mọi cử chỉ của cậu bây
giờ như người lương thiện.
Có
câu chuyện một cô gái kia, trước khi lên phi cơ đã mua một gói bánh ngọt. Trên phi cơ, cô ngồi cạnh một người đàn ông
ăn mặc như một nhà doanh nghiệp. Giữa 2
người là gói bánh của cô. Sau khi máy
bay đã cất cánh một hồi, cô mở gói bánh lấy một cái để ăn. Người đàn ông ngồi kế cũng tự nhiên thò tay
lấy một cái bánh ăn mà không hỏi một lời xin.
Cô ngạc nhiên vô cùng. Ông này
đâu có câm, bằng chứng là ông nói lời chào lại khi cô chào ông lúc bước vào
hàng ghế kia mà. Cô lấy một cái bánh
khác, ông khách cũng tự nhiên lấy cái khác.
Cô ấm ức trong bụng lắm. Người gì
mà “vô diêng” quá, bất lịch sự quá. Rồi
cứ tiếp tục, hễ cô lấy một cái bánh, thì ông “mắc dịch” này lại tự nhiên “nhón”
một cái. Đến cái bánh cuối cùng, cô chưa
kịp lấy, thì ông ta nhanh nhẩu lấy. Ông
ta bẻ ra làm hai, chia cho cô phân nửa.
Cô nhận bánh mà tức muốn.. ói máu!
Cô e mình sẽ thốt ra lời không đẹp nên tự nhủ: “Bình tỉnh! Bình tỉnh! Chuyện nhỏ bỏ qua! Đây là người điên. Tránh điên không xấu mặt nào!” Khi xuống phi cơ, ông quay lại, mỉm cười (có
vẻ như trêu chọc!), chúc cô một ngày tốt đẹp.
Cô tức đến độ không thốt được một lời nào. Khi chờ lấy hành lý, cô mở sắc lấy cell-phone
gọi người thân để báo tin, thì lạ làm sao, gói bánh của cô còn y nguyên trong
sắc. Cô sững sờ. Thì ra gói bánh mà cô và người kia ăn là của
ông ta. Vì 2 gói bánh quá giống nhau nên
cô tưởng là chính cô đặt giữa hai người.
Vậy là cô lầm. Hối hận quá, cô
nhìn dáo dác tìm người đàn ông kia để nói lời xin lỗi mà không tìm được.
Những
gì mắt thấy còn vậy, những gì tai nghe còn nguy hiểm hơn. Ở người lớn tuổi khi 2 tai đã nghễng ngãng,
thì cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” rất thường.
Điều may mắn cho người cao niên là hiện nay, với khoa học kỹ thuật phát
triển, những bộ phận khuếch âm (hearing aid) đã giúp nhiều cho các cụ. Nên cẩn thận!
Một ông cụ tới xin bác sĩ cho đặt máy khuếch âm. Bẵng đi một thời gian, một hôm ông bác sĩ gặp
cụ trên đường, bác sĩ hỏi thăm về máy khuếch âm có còn tốt không. Ông cụ cười hóm hỉnh đáp: “Từ ngày có máy
khuếch âm này, tôi đã thay đổi di chúc đến 3 lần rồi đó.”
Chữ
Hán Việt viết chữ “thông” trong
“thông minh” với bộ Nhĩ là cái tai, Song là cửa sổ, tượng trưng cho mắt, và Tâm
là tấm lòng. Nghĩa là mắt thấy tường
tận, tai nghe rõ ràng, suy nghĩ thấu đáo là THÔNG 聰.
Khứu
giác giúp cho chúng ta ngửi những gì đặt trước mũi. Khứu giác gợi nhớ, gợi lại ký ức, gợi lại tình
cảm, kỷ niệm xưa vì vậy Nguyễn Du mới có câu thơ: “Hương gây mùi nhớ…”, Nguyễn Gia Thiều (1747-1798) có câu: “Xếp tàn y lại để dành hơi”. Chắc bạn cũng không quên câu ca dao: “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Bộ ba mắt mũi miệng luôn luôn đi cạnh nhau để
giúp quan sát, “đánh hơi” thức ăn để đánh giá trước khi đưa vào miệng những
thức ăn tốt lành.
Trong
miệng lại còn cái lưỡi, một cơ quan của vị giác, kiểm soát rồi mới cho phép
nhai và nuốt. Lưỡi giúp chúng ta nếm những
“cay đắng mùi đời”, nó có 4 vùng chính phát hiện 4 vị chính của thực phẩm: ngọt,
mặn, chua, cay. Ngoài phần đóng góp
trong nếm, nhai, nuốt, lưỡi đóng vai khá quan trọng trong việc nói. Đây là chỗ mà người ta chỉ trích cái lưỡi nhiều
nhất. Người ta không ngớt kể những cái xấu
của lưỡi: “lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”… Ông Gia-cơ (James) còn viết
cả một chương hạch “tội của lưỡi”. Hoàng
Đông Tà, một nhân vật trong truyện Kim Dung, cắt lưỡi các gia nhân để chúng khỏi
“thèo lẻo”. Thật khổ quá phải không lưỡi? Thôi thì:
Lưỡi ơi, thôi
chớ nói nhiều,
Lắm điều đôi
chối, lắm điều thị phi!
Kết
tội cho lưỡi là tội nghiệp cho lưỡi lắm vì tất cả do trí não của người phát ngôn
mà ra. Ai có “đầu óc đen tối” thì phát
ngôn bá láp, nói hành, nói nặng lời; ai
có đầu óc trong sáng thì nói những lời lành, lời nhân hậu, giúp cho người nghe được
an ủi, được lên tinh thần.
Người
nấu ăn học nghệ thuật nêm, nếm là rèn luyện khứu giác và vị giác của mình.
Xúc giác giữ vai trò rất quan trọng trong đời
sống con người, nhờ nó mà chúng ta đỡ bị tai nạn.
Bác sĩ
Nguyễn Ý Đức viết:
Một
cách đại cương, có ba loại xúc giác: cảm giác về sức ép, cảm giác đau,
cảm giác với nhiệt độ nóng lạnh.
Khi có vật
gì đụng vào cơ thể, một số tế bào thần kinh thông báo cho ta hay là đã có một
tiếp xúc, một áp lực vào ta. Khi về già, một số tế bào này thoái hóa, làm cho
cảm xúc này giảm đi.
Xúc giác về đau cũng thay đổi. Cảm giác này được gây ra do sự đè nặng, sự
kéo căng hay sức nóng vào cơ thể. Người cao tuổi cần nhiều kích thích hơn để
biết rằng mình bị đau, cũng như cảm giác đau nhiều khi ít hơn so với sự thiệt
hại về thể xác. Hơn nữa, khả năng thích nghi với sự đau thay đổi tùy từng
người: có người khuếch đại sự đau thì cũng có người đè nén, chịu đựng sự đau.
Những hiểu biết về cảm giác nóng, lạnh ở người cao tuổi
cho biết ở tuổi này, con người ít chịu lạnh. Hạ chi nhất là bàn chân bị ảnh
hưởng của sự lạnh rất mau khi nhiệt độ thời tiết giảm, gây ta chứng giảm nhiệt
rất nguy hiểm và có thể đưa tới tử vong.
Các cảm xúc này được hoàn tất nhờ nhiều bộ phận tiếp nhận
nằm rải rác trên da. Khi có sự thay đổi về cấu trúc, chức năng nuôi
dưỡng của da thì xúc giác thay đổi. Thời gian để nhận định, phân tích , đáp ứng
các tín hiệu qua sự sờ mó sẽ lâu hơn. Hậu quả là một vài nguy cơ tai nạn có thể
xẩy ra. Một dây nịt ngực quá chặt mà ta không cảm thấy sẽ làm trầy da ngực. Dây
giầy cột quá chặt làm cản trở máu lưu thông ở bàn chân. Nằm hoặc ngồi cùng vị
trí lâu quá gây thương tích cho da thịt. Kém cảm giác với độ nóng đưa tới phỏng
da.
Khi xúc giác đã mất đi thì rất khó phục hồi. Mà người già
lại càng cần sự vuốt ve trìu mến của người thân yêu hơn, để sưởi ấm tình
già. (theo BS Nguyễn Ý Đức).
GIẢI TRÍ
Cách giải trí tốt nhất cho trí não là khôi hài. Cười là
liều thuốc bổ không những cho thể chất, mà còn cho tâm, cho trí.
Thời gian gần đây, nào chiến
tranh, nào bệnh dịch, nào kinh tế trì trệ đã làm
nhiều người lo âu. Hằng ngày chúng ta thấy
những khuôn mặt đăm chiêu thay vì hớn hở, nghe
những lời than nhiều hơn
tiếng cười. Nhiều người chắc
hiểu được tâm trạng
của Pierre-Augustin : “Tôi tự ép
mình phải cười với mọi sự vì sợ
rằng tôi phải khóc”
(I force myself to laugh at everything for fear of being obliged to weep).
Những câu chuyện vui cười có thể giúp
mọi người quên đi nỗi ưu sầu trong đời sống hằng ngày.
Cười làm tiêu tan uất khí, bổ
dưỡng thần thái, đồng thời giúp ích cho hệ miễn nhiễm (Immune System) trong
việc phòng bệnh. Nhiều nơi đã đưa hài
hước vào việc trị bệnh (có thể
gọi là “u mặc liệu
pháp” humor therapy) nhất là chứng trầm cảm.
Cười Là Liều Thuốc Bổ
Cười
lên đi cho tâm hồn rạng rỡ
Cười
lên đi cho hoa nở cõi lòng ta
Cười
cũng làm cho tươi mịn làn da
Và
suối tóc thêm chảy dài uốn khúc
Càng
cười vui càng thêm nguồn hạnh phúc
Bởi
những điều ước muốn được thành công
Bởi
tình thương thành thật ở trong lòng
Hồn
rộng mở, vui cười cùng bè bạn.
Cầu
xin Chúa dắt dìu trong sự sáng
Cho
đời ta năm tháng được thảnh thơi
Các
bạn ơi ! hãy giữ mãi nụ cười
Cười
vui thỏa và thật lòng thương mến.
Người
hay cười là người không có bệnh
Vì
tấm lòng trong, có Chúa ở cùng
Cuộc
đời ta được thong thả ung dung
Như
dòng suối trong veo và mát rượi.
Nụ
cười tươi với tình Cha diệu vợi
Như
đóa hoa phơi phới giữa trời Xuân
Đời
trái ngang lòng cũng chẳng băn khoăn
Cười là liều thuốc bổ.
Thái Trịnh
Cười
Cười
là thuốc bổ, ai ơi,
Cười
là thần dược biến người vui tươi!
Cười
làm cởi mở, yêu đời,
Cười
tăng sinh lực cho đời lạc quan,
Cười
làm thư thái, nhẹ nhàng,
Cười
làm tâm được bình an, thỏa lòng,
Cười
làm tăng cả huyết hồng,
Cười
làm vui vẻ, mặt không buồn phiền,
Cười
làm hòa giải bình yên,
Cười
làm bè bạn mọi miền kết thân,
Cười
làm người lạ lại gần,
Cười
làm thế giới thêm ân nghĩa tình,
Cười
làm sáng suốt thông minh,
Cười
làm ta hiểu hành trình gần xa,
Cười
làm thông cảm người ta,
Cười
làm lòng sẽ thứ tha dễ dàng,
Cười
làm ta rộng lượng ban,
Cười
làm biến mất ý gian hại người,
Cười
làm ta nói đẹp lời,
Cười
cho ân hậu giúp đời tốt hơn,
Cười
làm tâm trí không sờn,
Cười
làm mạnh khỏe thêm ơn giúp người!
Cười
làm tia sáng cho đời,
Cười
ban hy vọng trong thời hiểm nguy!
Cười
làm quên những sầu bi,
Cười
thêm can đảm, kiên trì tiến thân!
Cười
làm huyết áp thăng bằng,
Cười
làm phấn khởi, miệng ăn ngon lành!
Cười
làm hạnh phúc bao quanh,
Cười
làm cảnh vật hợp thành vườn hoa,
Cười
làm thay đổi lòng ta,
Cười
vui, sống khỏe, cười là thuốc tiên!
Tiểu Minh Ngọc
Những thói quen tai hại đến trí não
Cảm
ơn bạn đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm tài liệu về 7 bí quyết An Khang Trí
Tuệ. Tôi nhớ trong tác phẩm “Magnificent
Mind at any age” Bác Sĩ Daniel Amen cho biết ở mọi lứa tuổi, chúng ta có thể có
những thói quen, những sai lầm có hại đến trí não. Mọi người cần biết để tránh.
Tuổi từ 12 trở xuống:
-
Những
phẩm màu nhuộm đồ ăn thức uống (food dyes), những hóa chất thêm vào thức ăn
(additives) làm hại tế bào óc. Trẻ bức rức,
không ngồi yên được lâu, nói không ngừng, hay “quậy”.
-
Đứa
trẻ khi muốn cái gì thường khóc, la hét, làm trận làm thượng để cha mẹ phải đầu
hàng. Cha mẹ không cứng rắn mà cứ cho nó
đòi cái gì được cái nấy, về sau đứa trẻ sẽ có vấn đề về cảm xúc. Cha mẹ cần áp dụng kỷ luật với con. Cha mẹ nên nhân từ nhưng không nhân nhượng.
-
Trẻ
con phát biểu ý kiến khác với cha mẹ là điều nên khuyến khích, tuy nhiên khi
con thường cãi bướng lại thì không hay.
Chúng có thể trở nên ương ngạnh, tâm tánh không linh động trong sự xử thế
mà khăng khăng giữ lấy ý của mình dù biết ý đó không đúng. BS Amen cho rằng vùng luống bao trước (anterior
cingulate gyrus) của những đứa trẻ này làm việc nhiều, thần kinh tố serotonin
giảm, chúng dễ có tư tưởng chống báng.
-
Ở
tuổi này, cha mẹ không đọc sách cho chúng nghe hoặc khuyến khích chúng đọc sách
sẽ làm chúng mất đi niềm thích thú mở mang kiến thức qua sách báo.
-
Vào
tuổi này, trẻ nhỏ hay có những lo sợ vô hình, cha mẹ nên tìm cách giải thích,
giải thoát chúng khỏi những lo âu đó.
Đây là những loài kiến tư tưởng, có 7 loại kiến cần trừ. Xin xem bài “Đàn Kiến Trong Buổi Picnic”.
Tuổi thiếu niên 13-19 (teenagers)
-
Để
thì giờ xem TV, chơi video games, lên mạng nhiều quá.
-
Chơi
nhiều quên ngủ.
-
Chơi
thể thao táo bạo, nguy hiểm (high risk sports)
-
Có
lối sống phóng túng, bạt mạng: ba chữ D = Drink, Drugs, Drive (Uống rượu, dùng
thuốc, lái xe nhanh).
-
Nhận
thức lầm rằng không ai hơn được mình.
Nhiều người trẻ vào lứa tuổi này sống với phương châm: No Fear (Vô Úy); Invincible (Bất Bại).
-
Chơi
với bạn xấu dễ bị ảnh hưởng xấu.
-
Dễ
tự tử vì mất phương hướng.
·
BS D. Amen nhấn
mạnh rằng con cái vào lứa tuổi này, cha mẹ cần biết con mình đang ở đâu, đang
làm gì, đang chơi với ai. Cha mẹ có quan
tâm và để ý đến sự an toàn của con cái thì con đỡ bị hư. Cha mẹ nên là vỏ tiền trán (prefrontal
cortex) của con. Vỏ tiền trán trong bộ
não có 3 nhiệm vụ chính: “Xem, Xét, Soát” tức là Trông Coi, Xem (Supervision),
Phán Xét việc (Judgment) và Kiểm Soát Xung Động (Impulse Control). Con người chưa tới tuổi 25, vỏ tiền trán chưa
phát triển đúng mức, khả năng nhận định, phán xét chưa trưởng thành. Các hãng bảo hiểm xe hơi biết điều này rõ lắm,
nên người dưới 25 tuổi vẫn còn phải đóng tiền bảo hiểm xe nhiều hơn. Cha mẹ cưu mang con tới tuổi 25 có lẽ khôn
ngoan hơn là “tống” con ra khỏi nhà lúc tuổi 18.
Tuổi 20-30
-
Tuổi
này ra khỏi tổ ấm, thoát vòng kiểm soát của cha mẹ để đi học hoặc đi làm có thể
theo bạn bè tập những thói xấu có hại cho não bộ. Họ có thể uống rượu, dùng thuốc, ngủ ít, ăn
không điều độ, đương đầu với những căng thẳng về đời sống tự lập. Tuổi này có cái lo về tài chánh, lo làm sao
trở nên có hiệu năng và thành công trên đời.
Tìm người yêu, người tình, người phối ngẫu cũng là một thách thức. Nếu có một hài nhi xuất hiện thì tinh thần
càng căng thẳng hơn.
Tuổi 30-65
-
Tuổi
này thường làm việc quá nhiều, nuôi dạy con, trông nom cha mẹ già, ngủ ít, thức
dậy uể oải, uống cà phê quá nhiều ban ngày, uống rượu quá nhiều buổi tối. Lo âu về công việc, tiền bạc, con cái cùng
nhiều thứ khác. Họ gánh vác nhiều nhất
và ít được tôn trọng nhất. Các bà làm
móng tay chân và làm tóc thường xuyên, tiếp xúc với hóa chất về sau có nguy cơ
bị ung thư bàng quang và bị lú lẫn. Có
người uống thuốc ngủ thường xuyên, sự thân mật vợ chồng bị giảm sút, thiếu vận
động, sợ thất bại, sợ mất viêc, ăn thức ăn không lành mạnh nên dễ bị béo phì, dễ
bị cao mỡ, đường, máu. Tất cả đưa đến
lão hóa sớm.
Tuổi trên 65
-
Tuổi
này có nhiều thì giờ vì “nợ mòn, con lớn”, nhiều người đã về hưu. Một số người coi phim bộ suốt ngày đêm, quên
ăn, quên ngủ. Nguy cơ suy dinh dưỡng và
lú lẫn.
-
Có
người nghiện bài bạc, casino, vé số. Bao
nhiêu tiền dành dụm “cúng” vào đó hết.
Suốt ngày mơ trở thành triệu phú (ở thế giới …bên kia!).
-
Có
người nhớ lại mãi những đau buồn quá khứ.
Những kỷ niệm này gặm nhắm dần đời sống của họ.
-
Có
người sống cô độc. Vì một lý do gì đó, họ
không muốn tiếp xúc với ai hết. Họ thường
ăn uống thất thường.
-
Người
già thường không ham sống nhưng lại sợ chết!
Cuộc sống bất an!
-
Tập
thú tiêu khiển (hobby) rất tốt cho trí não nhưng có những thú tiêu khiển không
hợp sức khỏe của mình. Người bệnh suyễn,
hay bệnh đường hô hấp không nên chơi trò tiêu khiển có sơn vì sơn có thể làm bệnh
nặng thêm.
-
Nhiều
bệnh tật, đi nhiều bác sĩ, uống quá nhiều thuốc. Thuốc này chống thuốc kia, nhiều phản ứng phụ
xảy ra. Có người thì hay quên uống thuốc. Quên uống thuốc hạ huyết áp là có thể bị
stroke.
Muốn sống an
khang, chúng ta cần cưng bộ óc của mình bằng cách học và làm theo những mẹo
hay. Xin đọc bài “100 Mẹo Cải Thiện Trí Tuệ”.
Từ thanh lịch thành thô lỗ
Bạn có thắc mắc không hiểu tại sao một số người cao
niên bỗng đổi tánh một cách kỳ quặc, có khi làm con cháu rất xấu hổ. Phần lớn là đàn ông, nhưng cũng không phải là
không có các bà cụ già lâm vào tình trạng này.
Người ta thường gọi các cụ này là “già dịch”, “già không nên nết”, “bị quỷ nhập”, “thành tinh”… và bạn nghĩ rằng
những người này bị bệnh trí não hay thần kinh.
Khi về già, tính tình người ta dễ thay đổi, có người
đổi tốt hơn, có người đổi tệ hơn. Tiến
trình lão hóa ở tế bào não, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thiếu máu, trầm cảm,
tuyến giáp trạng bị yếu hay quá mạnh, các bà mãn kinh… đều có thể làm thay đổi
tính tình, tính nết của người cao niên.
Đó là những trường hợp thay đổi từ từ, có nhiều trường hợp tính tình con
người thay đổi đột ngột sau tai nạn.
Trước tiên, tôi xin kể cho bạn chuyện ông Phineas
Gage. Ông này sanh năm 1823, mất năm
1860. Ông là đốc công một nhóm công nhân
đường sắt ở Cavendish, Vermont. Vào năm
25 tuổi (1848), một tai nạn thuốc nổ tại công trường làm một thanh sắt bay lên
xuyên vào sọ của ông, phá hủy thùy trán bên trái của ông. Sau khi bác sĩ rút thanh sắt ra, ông vẫn
sống, đi đứng như thường, không mất trí nhớ, không mất khả năng nhận thức. Điều này xem như một phép lạ xảy ra cho
Phineas. Tuy nhiên, không bao lâu sau,
người thân nhận thấy ông thay đổi tính tình.
Bác sĩ Harlow, một trong các bác sĩ săn sóc cho ông,
ghi lại những lời nhận xét vào năm 1868 cho thấy Phineas Gage trở nên dễ phát
cáu, cử chỉ hành vi không thích hợp, phóng túng, hay nói tục, không quan tâm
đến người khác, không kiên nhẫn, ương ngạnh, thất thường, hay chao đảo.. cũng
có dự tính, nhưng cái nào cũng đầu voi đuôi chuột. Về trí khôn thì như cậu bé, về thú tánh thì
như lực sĩ. Trước tai nạn, dù ít học,
ông được người ta ghi nhận như người có tâm trí quân bình, khéo léo, khôn ngoan
trong công việc, nhiệt tình và kiên trì trong chương trình làm việc. Sau khi tâm trí, tánh tình của ông thay đổi,
bạn bè và người thân nhận xét rằng ông không còn là ông nữa. (The equilibrium or
balance, so to speak, between his intellectual faculties and animal
propensities, seems to have been destroyed. He is fitful, irreverent, indulging
at times in the grossest profanity (which was not previously his custom),
manifesting but little deference for his fellows, impatient of restraint or
advice when it conflicts with his desires, at times pertinaciously obstinate,
yet capricious and vacillating, devising many plans of future operations, which
are no sooner arranged than they are abandoned in turn for others appearing
more feasible. A child in his intellectual capacity and manifestations, he has
the animal passions of a strong man. Previous to his injury, although untrained
in the schools, he possessed a well-balanced mind, and was looked upon by those
who knew him as a shrewd, smart businessman, very energetic and persistent in
executing all his plans of operation. In this regard his mind was radically changed,
so decidedly that his friends and acquaintances said he was "no longer
Gage." Harlow 's 1868 presentation
of the case).
Gần đây, lại có
một câu chuyện xảy ra tại Thụy Sĩ:
Cụ ông Angelo De Luca, 81 tuổi, ở Biasca, Thụy Sĩ bị gia đình giam
giữ trong nhà chỉ vì một tai nạn kỳ lạ đã biến cụ trở thành người nghiện tình
dục. Sau cú ngã từ trên cây mận, phổi cụ
bị đâm thủng và gãy 7 xương sườn, cụ bị đau đớn rất nhiều ở ngực. Các y tá cho cụ nhiều morphine để bớt đau,
sau đó cụ bị hôn mê 4 ngày.
Thế nhưng, ngày cụ tỉnh lại khiến cả gia đình hốt hoảng khi thấy
người bố đã góa vợ trở thành một kẻ khát khao tình dục mãnh liệt. Cụ đã ném toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 5 ngàn
francs Thụy Sĩ cho cuộc tình với một cô gái trẻ tên Leona, tại một nhà chứa của
địa phương.
"Từ khi vợ tôi qua đời cách đây một năm, Leona đã luôn ở bên
tôi. Điều này không chỉ vì nàng giỏi chuyện trên giường mà nàng còn tiếp thêm
cho tôi sức mạnh và lòng can đảm. Nàng là bạn, là người duy nhất hiểu và lắng
nghe tôi", cụ tâm sự. Anh Daniele,
con trai cụ đã giành quyền kiểm soát 2 ngôi nhà và tài khoản ngân hàng của cha
sau khi các thẩm phán kết luận chứng nghiện tình dục khiến cụ không có khả năng
quản lý tài sản của mình.
Bạn à,
Phần
thùy trán của bộ não, hay nói đúng hơn là phần vỏ tiền trán (prefrontal cortex)
phát triển rất nhiều ở loài người, nó chiếm 30% của toàn vỏ não ở người, trong
khi đó chỉ chiếm 11% ở khỉ, 7% ở chó, và không tới 4% ở mèo. Phần Vỏ Tiền Trán (VTT) là ông chủ của cái đầu,
là giám sát viên (supervisor) của đời sống chúng ta. Phần này khi bình thường (sáng suốt) có khả năng
suy xét, phân biệt, trù liệu, tổ chức, thấu cảm, kiềm chế cảm xúc, kiềm chế tánh
bốc đồng và học từ những thất bại. Người
bị tổn thương thuỳ tiền trán như ông Phineas Gage, và có thể ông Angelo de
Luca, cơ năng kiềm chế không còn, như xe đứt thắng, trở nên phóng túng trong cách
hành xử. Chúng ta cũng có thể thấy người
uống rượu tới mức sẵn sàng buông thả, hoặc người dùng ma tuý cũng do thuỳ tiền
trán mất khả năng kiềm chế (disinhibition).
Người bị chứng lú lẫn vì não hư vùng trán-thái dương bỗng có sự đòi hỏi
tình dục tăng lên. . Y học hay kể đến hội chứng ăn nói nhiều, dâm
dật nhiều khi 2 thùy thái dương bị hư gọi là Klüver-Bucy syndrome. Nằm trong thùy thái dương, có nhân-hạnh
(amydaloid nucleus), khi bị hư, sự đòi hỏi tình dục của người bệnh tăng lên.
Khi
thấy một người trước kia thanh lịch mà nay thành thô lỗ, người trước nhã nhặn mà
nay nham nhở, trước dịu dàng nay dữ dằn, người bỗng tìm thỏa mãn thú tánh khác
với đời sống trước kia rất “thánh tú” (tốt đẹp, thánh sạch) thì chúng ta nên
nghĩ tới một chỗ nào não bộ nhất là thuỳ tiền trán có vấn đề. Nếu không do chấn thương sọ não thì do một
nguyên nhân về nội khoa như huyết áp, biến dưỡng, nội tiết, tâm thần… Do đó, bạn
cần đưa thân nhân tới bác sĩ.
Nhiều
người cao niên ước mình được qua đời trước khi bị lẫn nặng. Chứng lú lẫn nặng có thể làm cho mình mất hết
lý trí, óc suy xét không còn nhận ra chính mình và người thân.
Chúng
ta cố tránh chấn thương sọ não. Người lúc
trẻ chơi đánh boxing, chơi banh dùng đầu đội trái banh bị chấn thương sọ não ít
nhiều. Ngoài ra, còn cần ăn uống thực phẩm
lành mạnh, vận động, hô hấp (tế bào não
rất thích dưỡng khí và đường). Nếu bạn
tin vào đời sống tâm linh thì nhớ cầu nguyện.
Thấy vẻ mặt bạn đăm
chiêu, tôi hỏi thì mới biết là bạn có một thắc mắc về ông Angelo De Luca. Câu hỏi của bạn rất đáng suy nghĩ: Ông tìm tới cô gái Leona có phải hoàn toàn là
tình dục không, hay ông thiếu thốn tình cảm, cần người an ủi, săn sóc, mà cô gái
này biết dùng đúng chiêu để bòn rút tiền của ông? Ông có bị gia đình (con, cháu) bỏ bê không? Ông chỉ đến với Leona mà thôi thì có phải bị
nghiện tình dục như tòa án phán quyết không?
Ông đáng thương mà không đáng trách phải không?
Chuyện Ông Bà Tám
Có lẽ do quen
làm báo và do méo mó nghề nghiệp, tôi hay phỏng vấn người nọ người kia. Tôi đã phỏng vấn ông bà Tám, người láng giềng
của tôi về hôn nhân, về gia đình của ông bà.
Tôi xin ghi lại những điểm thú vị trong cuộc đời ông bà. Cảm ơn ông bà đã chia sẻ.
Khi tôi hỏi ông
bà Tám quen nhau thế nào để rồi hai người đi đến hôn nhân. Người ngoài nhận xét ông bà rất hạnh phúc,
nhưng trong thâm tâm ông bà có gì hối tiếc cuộc hôn nhân này không?
Bà lên tiếng
trước. Lúc tôi 16 tuổi, đang học trung
học, cùng với các bạn, chúng tôi bắt đầu chưng diện, bắt đầu để ý đến con
trai. Chúng tôi thường khoe, thường hãnh
diện khi có người đẹp trai, cao ráo theo đuổi mình. Chúng tôi có một bà cô dạy nữ công mà ai cũng
quý mến, có lẽ biết tâm trạng của chúng tôi, một hôm bà nói: “Các em biết
không, đàn ông tính từ cổ trở xuống thì rẻ rề à, vì có câu ca dao: Ba đồng một
mớ đàn ông. Họ chỉ khác nhau là ở cái
đầu, ở bộ óc. Rồi bà kể câu chuyện Án Tử
với người đánh xe trích trong Cổ Học Tinh Hoa:
Án Tử làm tướng
nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu.
Vợ tên đánh xe dòm
qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời,
dương dương tự đắc.
Lúc chồng về nhà,
nàng xin từ bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi :
- Tại làm sao ?
Nàng nói :
- Án Tử người gầy
thấp và bé nhỏ, nhưng làm đến tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ,
thế mà thiếp xem ông ấy vẫn có ý chín chắn và khiêm nhường, như chưa bằng
ai. Chớ như chàng cao lớn đẫy đà, mới
chỉ làm được một tên đánh xe tầm thường và hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra
dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng mình. Thiếp xin từ giã chàng, thiếp
đi.
Từ hôm ấy, tên
đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chừa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế,
lấy làm lạ, bèn hỏi. Tên đánh xe bèn đem việc nhà mà kể lại. Án Tử bèn cất cho
làm đại phu.
Từ đó, chúng tôi dặn nhau đi tìm “bộ óc” mà không đi tìm
vóc dáng nữa. Tức là chúng tôi tìm chọn
người có tri thức, có khôn ngoan, có chí hướng.
Lúc này, ông Tám chen vô:
Em có thất vọng khi đã chọn anh không, em có cảm thấy như “trao duyên
lầm tướng cướp không?” Anh thấy mình có
nhiều ước vọng lớn lao lúc trẻ mà đến nay, tuổi đã cao vẫn không thực hiện
được, anh thấy anh có chí đại bàng như lại chỉ có cánh chim sẻ, bay không quá
khỏi ngọn cây! Trước mơ chuyện lấp biển
vá trời, trị quốc, bình thiên hạ, nay mới thấy tu thân còn chưa xong! Thật là lực bất tòng tâm!
Bà Tám an ủi: “Em không thất vọng! Em thích người đàn ông có hoài bão lớn. Dẫu không khều được mặt trời, cũng đã làm bạn
được với trăng sao! Trong các kỳ họp
khóa, tụi em nghĩ lại lời khuyên của bà cô dạy nữ công, thấy ai nghe lời bà,
đều không thất vọng về hôn nhân của mình.”
Bây giờ, tôi nhắc ông Tám kể phần mình. Ông từ từ kể:
Lúc tụi tôi cũng vào khoảng 16, 17 tuổi cũng bắt đầu để ý đến người khác
phái, và thích những cô gái đẹp, mà hầu như không đứa nào để ý đến đức hạnh,
nết na của người con gái là gì. Phước
thay, lúc ấy ông thầy dạy Việt văn để ý biết những biến chuyển tâm lý của con
trai mới lớn, một hôm ông ra câu đố. Đố
các em tìm được câu gì kế tiếp câu ca dao này: “Tới
đây dù đói giả no”. Tụi tôi về nhà
tìm tòi, hỏi han mà biết câu thứ hai là “Dù
khôn giả dại, để dò ý em”. Khi thấy
tụi tôi tìm được câu đố, thầy khen lắm, rồi hỏi tiếp: nếu thay chữ ‘ý em” bằng chữ khác, thì các em
thay bằng chữ gì? Lại một phen nhức đầu
đây. Phải tìm một chữ có thanh trắc thay
cho chữ ý thì mới được. Dò cái gì
đây? Dò sắc em? Không phải.
Sắc đẹp lộ ra rồi, không cần phải dò.
À,
dò tính em. Được. Dò nết em.
Rất hay! Thầy khen hay. Tìm người vợ phải tìm hiểu nết. Cái nết đánh chết cái đẹp mà.
Tôi chợt hiểu. Nếu mình tới thăm một cách khôn ngoan, ngon
lành thì em nào cũng có vẻ hiền lành, lịch sự, nết na hết. Cô có thể đưa cái “chân giả” ra để khoe. Muốn biết cái “chân thật” của cô, mình phải
giả dại, đóng vai khờ, mới bắt được đúng cái chân tướng của nàng. Mới đây, tôi đọc được một bài viết về nhạc sĩ
Y-Vân. Chuyện kể bà mẹ của Y-Vân khi coi
mắt con dâu, dùng yếu tố bất chợt, bất ngờ để nhận xét. Bà xin phép đi nhà vệ sinh, để ngầm quan sát
cái bếp. Thấy bếp sạch sẽ, gọn gàng thì
bà hài lòng về người con dâu tương lai này.
Lúc đó, tôi tới nhà nàng
với lý do là mượn sách của anh nàng (bạn học tôi) để ngầm quan sát tánh nết
nàng có hiền dịu thật sự không, có lòng thương người thật sự không. Cuối cùng, tôi chọn nàng để làm mẹ của các con
tôi.
Bà Tám lên tiếng: “Ông
này kinh quá, bây giờ tôi mới biết là ông chọn mẹ cho con ông từ lúc nó chưa
sanh ra!” Ông Tám cười hê hê: “Chứ đợi
nó sanh ra mới chọn thì muộn rồi!” Bà
Tám tươi cười hỏi: “Anh có thất vọng về em không? Em thấy mình không còn hiền thục như xưa nữa,
không còn yểu điệu thục nữ nữa. Các bạn
của em cũng hay tâm sự là không hiểu sao càng lớn tuổi, tụi em càng khó tính
ra, càng dễ nổi giận, càng lấn lướt chồng.
Nhiều khi thấy mình nói nhiều quá, hay kể tội chồng, như hâm đi, hâm lại
nồi khoai sùng. Mà càng già thì các ông
càng nhường nhịn, thế mới ngược đời chứ.”
Ông Tám giải thích:
“Người con gái sau khi lấy chồng, có con thì bản năng làm mẹ là bảo vệ đứa con
nên người mẹ tự nhiên phải mạnh dạn hơn thời con gái. Rồi phải ra đời, đi làm, phải tiếp xúc nhiều
người, phải đối phó những thách thức, trở ngại, phải canh phòng những cám dỗ
nên người đàn bà phải học mưu lược để sinh tồn.
Nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn như phải thay chồng quán xuyến việc
nhà, có khi phải “dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân”… Người phụ nữ phải
thích ứng với môi trường, phải tháo vát, phải đảm đang. Bộ óc của người đàn bà phát triển bán cầu
phải trội hơn bán cầu trái (ở đàn ông thì thường ngược lại) nên các bà diễn tả
tình cảm, cảm xúc dễ dàng hơn. Trong khi
thương số thông minh (Intelligent quotient) ở đàn ông cao, thì thương số cảm
xúc (Emotional quotient) ở đàn bà cao hơn.
Mà thương số cảm xúc là yếu tố quyết định cho sự thành công ngoài
đời. Nên ở nhiều gia đình, các bà có vẻ
giỏi giắn hơn các ông, đắc nhân tâm hơn các ông. Các ông về già, hóc-môn hung hăng là
testosterone giảm đi nhiều nên trở nên thụ động hơn. Ngược lại, ở phụ nữ cao niên, estrogen,
hóc-môn hiền hậu, giảm thì testosterone lại tăng lên, nên “bà già” có vẻ lấn
lướt “ông già”. Thêm vào đó, các bà ở
tuổi “biệt kinh kỳ” tính tình thay đổi như nóng nảy hơn, ít chịu đựng hơn… Các
ông cũng có tâm lý nhường nhịn các bà lúc vợ chồng về già như chuộc lỗi vì
các ông nhớ lại lúc trẻ, có những lúc mình “ăn hiếp vợ” hay khó chịu với vợ.
Ông Tám quay lại như nói
riêng với vợ: “Anh không thất vọng về em!
Em đã có lúc ‘gánh vác giang sơn nhà chồng’, có lúc ‘lặn lội thân cò’
nuôi anh cải tạo; đã chia sẻ khó nhọc với anh tại xứ người để an cư lạc
nghiệp. Các con thân cận với em hơn với
anh. Anh không buồn, mà còn vui vì biết
rằng anh đã chọn được mẹ hiền cho con. Mình
phải cám ơn hai vị giáo sư, đúng là minh sư, chỉ với vài lời, vài ý, đã giúp
cho tụi mình không những coi mắt nhau, mà còn thử lòng nhau trước khi ăn đời ở
kiếp với nhau.
Lòng Dạ và
Cảm Xúc
Bạn có một nhận
xét mà tôi thấy rất đúng là trong tiếng Việt, chúng ta dùng chữ lòng, lòng dạ rất
nhiều để chỉ nghĩa chữ Tâm trong tiếng Hán, chữ heart trong tiếng Anh. Người Anh-Mỹ nói: “learn by heart”, mình nói:
“học thuộc lòng”; “from the bottom of my heart” phải dịch là “từ tận đáy lòng của
tôi”; “open one’s heart” dịch là “mở lòng”; “with all one’s heart” dịch là “hết
lòng, hết dạ”. Có khi heart dịch là ruột
như thành ngữ “wear one’s heart on one’s sleeve”, chúng ta có câu tương đương là
“ruột để ngoài da”.
Ca dao Việt Nam có
câu:
Lòng vả cũng
như lòng sung,
Lòng em chẳng
biết như lòng anh không?
Còn câu:
Dò sông dò
biển dễ dò,
Đố ai lấy
thước mà đo lòng người.
làm chúng ta nhớ
đến câu “Tri nhân, tri diện bất tri tâm”. Tâm sự Tôn Thọ Tường trong những bài thơ ứng
đối với ông Phan Văn Trị có câu: “Muối
xát lòng ai nấy mặn mòi”.
Trai gái yêu
nhau là “phải lòng nhau”. Câu thơ “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng” của
Nguyễn Du lấy từ câu “Thiếp tâm ngẫu trung ti, do đoạn duy khiên liên” (妾心藕中絲,雖斷猶牽連)
trong
bài Khứ Phụ của Mạnh Giao.
Nàng nào bị đau lòng thường tìm người
“gỡ rối tơ lòng”. Người cố vấn tuy e ngại
“lời thật mất lòng” nhưng không đành lòng, nỡ lòng không góp ý khi thấy hoàn cảnh
não lòng. Người có lòng tốt được cho là
có tấm lòng vàng. Trong đời, có hai thái
cực cần tránh là quá nóng lòng và quá nản lòng. Chính phủ rất cần được lòng dân (đắc nhân tâm)
và phải sợ mất lòng tin của dân chúng,
Những câu có chữ
lòng khác như lòng dạ con người, lòng bàn tay, lòng chảo, lòng dục, lòng đất,
lòng đỏ trứng, lòng mẹ, lòng son, lòng sông, lòng tham, lòng thành, lòng trắc ẩn,
lòng tự trọng, lòng ưu ái, lòng yêu nước..
“Khắc
cốt minh tâm” (刻骨銘心) dịch là ghi lòng tạc dạ. Bụng và dạ cũng có nghĩa là lòng, như trong thành ngữ:
“bụng làm dạ chịu”. Người bình dân thích dùng bụng để chỉ tấm lòng có lẽ vì họ quan niệm
“lấy bụng ở đời”, “suy bụng ta ra bụng người” “bụng bảo dạ”. Gặp trẻ thông minh, họ gọi là “sáng dạ”. Tú Xương khi đi thi, không sờ đầu mà sờ bụng, than
rằng: “Sờ bụng thầy không một chữ chi”,
chừng hỏng thi, rên rỉ “Bụng buồn còn muốn nói năng chi, Đệ nhất buồn là cái hỏng
thi”. Tuy nhiên, chột bụng lại không phải là chột dạ, một đằng là do ăn đồ
ăn không hợp bụng, một đằng là giật mình khi bị nói trúng tim đen. Chúng ta mở lòng, mở dạ tiếp khách, và mở cờ
trong bụng khi nhận tin vui.
Chữ ruột cũng có một chỗ đứng đặc
biệt trong văn thơ, như:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín
chiều.
Hay cô thôn nữ miền Nam tỏ bày
tâm sự:
Thò tay mà ngắt ngọn ngò,
Thương anh đứt ruột giả đò làm
ngơ.
Đứt ruột dịch từ “đoạn trường”
trong Hán Việt.
Tuy nhiên, trong thơ văn chữ đoạn
trường nghe rất quen tai như trong câu “Đoạn
trường ai có qua cầu mới hay”.
Tiếng Hán Việt diễn tả tình anh
em là cốt nhục (xương thịt), mà người mình dịch là ruột thịt, ruột rà, cật ruột. Trời lạnh quá thì được diễn tả là “lạnh rút
ruột”, buồn não nề còn được nói là “rầu thúi ruột”. Ruột dê lại được ví sánh với lòng dạ rối rắm
của con người.
Khi có cảm xúc như vui, buồn, giận,
sợ, yêu chúng ta thấy có những biến đổi trong cơ thể, nhưng nhiều nhất là ở bộ
tuần hoàn (nhất là tim đập nhanh) và bộ tiêu hóa (bao tử, ruột quặn thắt) nên
người xưa quan niệm trung tâm tình cảm ở trong lồng ngực hoặc ở trong bụng. Người mình đặc biệt chú trọng đến văn hóa ẩm
thực nên những chữ có liên quan đến bộ tiêu hóa như lòng, bụng, dạ, ruột được sử
dụng tối đa.
Bạn nghe nói đến ăn nhậu, bạn
đố tôi “dồi trường” ăn với mắm tôm, mắm ruốc là cái gì? Tôi cho là ruột heo non làm dồi. Bạn nói không phải, dồi trường là dạ con của
con heo nái, hay nói đúng hơn là phần nối từ buồng trứng đến tử cung. Món này ăn dòn dòn, sừng sực rất ngon miệng. Tôi há hốc mồm ra nghe. Thật, mỗi ngày mình đều có một cái gì để học
hỏi thêm!
Bạn đã biết những tâm, lòng,
bụng, dạ, ruột liên quan đến tình cảm, cảm xúc đều từ trí não rồi đó. Tôi xin trích phần Cảm Xúc trong tác phẩm Não
Bộ do BS Đặng Văn Chiếu viết: Chức
năng cảm xúc sử dụng tất cả thân thể, từ giác quan, cuống não, đến vỏ não, các
cơ và các tuyến, nhưng đặc biệt nhất là sử dụng hệ Viền (limbic system). Hệ này gồm có luống Bao (cingulate gyrus), luống
Hải mã (hippocampus), luống Răng (dentate gyrus), và luống Cận Hải mã
(parahippocampal gyrus). Hệ Viền có liên
hệ hỗ tương với Thể vòm (fornix), Nhân hạnh (amygdala), Thể nhũ (mammillary
bodies), và vỏ não. Nhân hạnh giữ vai
trò chủ yếu trong chức năng cảm xúc, nó chứa đựng những kỷ niệm có sắc thái cảm
xúc, và hoạt động khi giận dữ hoặc sợ hãi.
Nhân hạnh phát động tác phong tương ứng với cảm xúc, như khóc, cười hay
đỏ mặt…
… Một hay nhiều kích thích được thu nhận bởi giác
quan, đi vào đồi thị, đến và được liên tưởng tại vỏ não, từ đó đi vào hệ Viền
(limbic system), ảnh hưởng hạ đồi thị, nhân hạnh (amygdala) và luống hải mã (hippocampus). Nhân hạnh là nơi phát sinh ra sự nóng giận,
lo âu và sợ hãi. Hạ đồi thị là nơi sinh
ra sự thèm muốn, khoái lạc, thỏa mãn… Hạ đồi thị cũng kích thích hệ thần kinh tự
động làm tim bóp nhanh lên, thở mau và tiết mồ hôi, kích thích các tuyến tiết
ra những thần kinh tố…
Cảm xúc do di truyền, xã hội và luyện tập tạo
nên. Ta không thay đổi được di truyền,
ta chịu của giáo dục và xã hội, nhưng ta có tự do để tập luyện và có khả năng sửa
chữa và cải thiện cảm xúc. Vậy tập luyện
như thế nào, hay đúng hơn quản trị như thế nào?
Tự nhiên, ai cũng có nhiều ít cảm xúc tiêu cực hay tích cực, chúng ta
không nên dẹp bỏ hay đè nén nó, cũng không nên cảm xúc thái quá, mà trái lại phải
điều độ và trung dung. Mục đích là giữ
quân bình trong đời sống cảm xúc để vui sống với nhiều thành quả. Dùng trí khôn theo dõi sự biến chuyển của tâm
hồn và dùng lý trí để cảm xúc đúng lúc, đúng trường hợp, đúng mục tiêu và một
cách hữu ích.
Như ta thấy, có thể tập dượt để bớt giận, bớt sợ, bớt
thối chí, bớt lo âu. Ta có thể hoãn lại,
dằn xuống để suy nghĩ trước khi hành động dưới ảnh hưởng của cảm xúc. Cảm thấy một cảm xúc nhiều lần sẽ trở thành
thói quen và người đó sẽ dễ có cảm xúc đó lại, thường hơn với mức độ cao hơn. Ta nên luyện tập để có nhiều và thường hơn những
cảm xúc tích cực và ít hơn, ngắn hơn những cảm xúc tiêu cực.
Ta có thể ngừa những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận,
sợ. Không nhớ lại, ít nói đến, ít nghe
nói, ít thấy những gì khêu gợi những cảm xúc làm ta khó chịu. Không nên nghĩ đến và tưởng tượng những điều,
trong tương lai, có thể gây ra cảm xúc lo âu hay sợ hãi, như suy nghĩ rằng đứa
con mình có thể bị bệnh, học dở hay đi hoang, hoặc người vợ hay chồng có thể chết
và mình sẽ cô đơn… Như thế ấy, việc chưa xảy ra hoặc không bao giờ xảy đến đã
làm cho ta lo âu, khó chịu. Nếu không
may, một cảm xúc tiêu cực đến mà ta không tránh được, thì ta nên có thái độ chấp
nhận, thấy nó với khía cạnh tốt và tìm cách ra khỏi, không để bị giam hãm lâu
trong tình trạng ấy. Biên lên giấy cảm
xúc tiêu cực của mình, suy nghĩ và nói lên những cảm thấy, nguyên nhân và những
lý do, rồi lý luận tìm giải đáp, nếu không hiệu quả thì bày tỏ vấn đề với những
người thân trong gia đình hay bạn hữu để giải quyết. Nều cần, những chuyên viên như bác sĩ, y tá,
nhân viên cơ quan xã hội, cố vấn gia đình và tu sĩ có thể giúp ta với kinh nghiệm,
thuốc men và trị liệu thích hợp. Những cảm
xúc tích cực: thương, vui, hy vọng, cần được phong phú thêm và có thường hơn. Không nên nghĩ là trên đời có nhiều khổ nên
ta không được vui sướng. Trái lại, ta cần
vui sướng thêm và thương nhiều hơn để phổ biến và chia xẻ niềm vui và tình thương
cho xung quanh chúng ta. Không có luật
bù trừ là nếu vui nhiều bây giờ, sau này có thể bị buồn hay khổ. Cũng không cần tiền mới mua được cảm xúc tốt. Cảm xúc tốt thường thường đến nhờ sự may mắn,
nhưng ta nên luyện tập để vui thêm, và tạo thêm nhiều cơ hội vui. Ta cần để ý và đi tìm cảm xúc tốt, thì ta sẽ
được toại nguyện, nếu ta đủ can đảm và kiên nhẫn. Không nên nhờ ma túy hay hóa chất để có cảm
giác mới lạ hay sung sướng.
Cảm xúc là một chức năng tự nhiên. Cảm xúc với lý trí sẽ cho trí thông minh làm
việc và sản xuất tốt đẹp, hữu ích cho ta và xã hội. Mỗi chúng ta có thể nhờ dạy dỗ, huấn luyện để có những cảm xúc tốt, tích cực, làm
cho đời sống phong phú vui tươi và để tránh khỏi những cảm xúc xấu, tiêu cực
quá khích có thể gây nhiều tội lỗi, bạo động và tàn ác.
BS Đặng
Văn Chiếu
Bộ não của chúng ta gồm 100 tỉ
tế bào, có những dây nối liên kết nhau chằng chịt. Trong não có những bộ phận chủ về tình cảm, cảm
xúc nằm trong hệ viền (limbic system) có những nhân, hạch tế bào chủ về tình cảm, cảm xúc. Hệ viền to bằng hạt đậu óc chó (walnut) nằm
ngay trong lòng não. Bạn nêu thắc mắc là
tại sao mỗi khi có trận chiến về tình cảm thì đàn ông thường thua đàn bà? Dựa vào cấu tạo trong bộ não người ta thấy hệ
viền ở đàn bà to hơn ở đàn ông vì vậy tình cảm và cảm xúc là sở trường của phụ
nữ. Như bạn nhận xét, trong cuộc chiến
tình cảm, đàn ông luôn luôn thua, vì vậy cổ nhân có câu: nhi nữ
tình trường, anh hùng khí đoản. 儿女情长, 英雄气短”. Nguyễn Du dùng câu này diễn nôm trong Kiều: tấm
lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng. Tuy
nhiên, tình cảm cũng là điểm yếu của đàn bà khi để tình cảm lấn lướt lý trí nên
dễ trở thành yếu đuối.
Tuy tất cả phát xuất từ não,
nhưng trong văn thơ xin cứ giữ nguyên những từ ngữ tấm lòng, bụng, dạ, ruột để còn
lại chút thi vị cho đời sống.
9 Loại
Thông Minh theo
Ông
Howard Gardner
- Thông
minh về thiên nhiên (naturalist intelligence = nature smart)
- Thông
minh về âm nhạc (musical intelligence = musical smart)
- Thông
minh về lý luận và toán học (logical-mathematical = number/reasoning
smart)
- Thông
minh về hiện hữu (existential intelligence): thường hay suy nghĩ về ý nghĩa đời người,
tại sao mình có mặt trên đời, tại sao mình chết…
- Thông
minh về xử thế (interpersonal intelligence = people smart)
- Thông
minh về sự vận động, xử dụng cơ thể (bodily-kinesthetic intelligence =
body smart). Người khéo tay, vũ công
thuộc loại này.
- Thông
minh về ngôn ngữ (linguistic intelligence = word smart)
- Thông
minh thấu hiểu chính mình (intra-personal intelligence = self smart)
- Thông
minh về không gian (spatial intelligence = picture smart)
Cha mẹ có trách nhiệm tạo cho con có thêm thông minh
bằng cách nuôi dưỡng đúng khoa học, cung cấp tình thương, phương tiện học tập
và môi trường phóng khoáng, kích thích, hấp dẫn. Cha mẹ cần để ý theo dõi xem khiếu thông minh
của con mình thuộc về nhóm thông minh nào, để dìu dắt đúng theo thiên tư và sở
thích của con. Cha mẹ không nên bắt buộc
đứa con theo khuôn khổ do mình lựa chọn.
Cũng không nên quá tin những chương
trình đặc biệt, kích thích quá mức đứa trẻ, có thể đưa đến hậu quả xấu. Đứa trẻ có thể học giỏi ở một trường bình thường
mà không cần phải trả học phí quá cao cho những chương trình đặc biệt. (theo
Não Bộ - BS Đặng Văn Chiếu)
Tưởng Tượng
Tưởng tượng quan
trọng hơn kiến thức. Kiến thức giới hạn
trong những gì chúng ta biết và hiểu, trong khi đó tưởng tượng bao trùm toàn
thế giới, và luôn cả những gì sẽ được biết và hiểu (Imagination is more important than
knowledge. For knowledge is limited to all we now know and understand, while
imagination embraces the entire world, and all there ever will be to know and
understand.) Albert Einstein.
Áp Dụng trí tưởng tượng có ích lợi cho đời sống (BS Đặng Văn Chiếu)
- Trị bịnh
bằng tưởng tượng (Psychoimagination therapy)
Tưởng
tượng thường đi đôi với cảm xúc, như sợ hãi, giận hờn, thương ghét, buồn vui,
hăng hái hay chán nản có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, làm đổ mồ hôi, vì thế có
thể ảnh hưởng đến tâm trí và phần nào đến thể xác. Thí dụ bịnh loét đại trường (ulcerative
colitis), nếu đồng thời với việc điều trị bằng y học, bịnh nhân giữ tâm an lạc
và có những buổi tưởng tượng trong trí là cơ thể tráng kiện và bịnh tật mỗi
ngày một thuyên giảm, thì căn bịnh chóng lành hơn hoặc ít tái phát. Phương pháp này không có hiệu quả cho trường
hợp ung thư nhưng cũng giúp cho bịnh nhân bớt lo âu, bực tức, chán nản và dễ
thích ứng với tình trạng mới. Trị bằng tưởng
tượng có hiệu quả cho vài bịnh tâm trí và làm bớt những tình trạng đau
nhức. Thí dụ trường hợp sợ ám ảnh
(phobia), nếu bịnh nhân sợ trùng hay thằn lằn.
Bịnh nhân tập thấy trong trí vật mình sợ, ngắm nó, sờ nó, nắm lấy nó, như
vậy nhiều lần cho đến khi không còn sợ trong trí nữa. Bây giờ bắt đầu thấy thật sự vật đó và lấy
tay hay đũa sờ mó nó để quen và lần lần hết sợ hãi khi thấy vật ấy. Những bịnh nhân bị phỏng cần được điều trị
bằng cách cắt bỏ chỗ da thịt bị hư, phải chịu đau đớn như bị tra khảo. Nếu bịnh nhân được chỉ dẫn để hiểu rõ sự săn
sóc và biết những lúc nào đau đớn nhứt, và để thì giờ tưởng tượng sự chăm nom
sẽ đem lại sức khỏe khả quan, tưởng tượng một hình ảnh xoa dịu như trời chiều
hay biển lặng, tưởng nhớ tới cái thơm mát của thuốc thoa. Những buổi tưởng tượng như vậy, làm cho bịnh
nhân tăng sức chịu đựng và bớt đau khi được điều trị, vì lúc đó bịnh nhân dượt
lại trong trí những ý nghĩ và hình ảnh êm đềm.
Trường hợp đó giống như thôi miên vì bịnh nhân tập không chấp nhận cái
đau đớn. Có quan điểm cho rằng sự miễn
nhiễm tăng hay giảm tuỳ thuộc vào thái độ vui hay buồn và có thể chịu ảnh hưởng
bởi tâm lý trị liệu; quan điểm này rất hấp dẫn, nhưng chưa được chứng minh rõ
ràng và dứt khoát. Tôi được đọc một câu
chuyện có thể tin được. Một em trai
khoảng 12 tuổi bị bịnh suyễn, em lên cơn thường xuyên nên phải ở nhà, và rất
chán nản. Một hôm có một người khách đến
thăm, ông ấy khuyên em nên tập thể dục, may ra khỏi bịnh vì sức khỏe sẽ tăng
lên. Cậu ấy than là quá mệt nên không
thể nào tập được. Ông khách bảo
rằng: Em hãy ngắm những người đang chạy
chậm (jogging) trước nhà, em tưởng tượng trong trí là em chạy chậm mỗi ngày 2
lần sáng và chiều, mỗi lần 15 đến 20 phút.
Cậu ấy nghe lời và sau một thời gian để thì giờ tưởng tượng, cậu ấy muốn thực sự ra ngoài
chạy. Cậu đã thực hiện được và đạt nhiều
hứng thú với hy vọng được lành bịnh. Dần
dần tùy sức, mỗi ngày cậu chạy lâu hơn, nhờ vậy sau một thời gian, cậu khỏi
bệnh suyễn. Nếu áp dụng cách điều trị
này với sự hướng dẫn của bác sĩ và huấn luyện viên thể dục, thì có thể đạt được
kết quả mong muốn, vì bịnh suyễn là một trong những bịnh chịu ảnh hưởng của tâm
trí (psychosomatic disorders)…
- Tập dượt
trong trí giúp ta khéo léo và hữu hiệu hơn. Một kinh nghiệm sau đây chứng minh điều
ấy. Hai nhóm người chơi
tennis: nhóm A và B có khả năng tương
đương. Nhóm A tiếp tục chơi thật sự
trên sân, nhóm B tập chơi trong trí mỗi ngày. Sau một thời gian nhứt định, ước lượng
tiến bộ cho biết là nếu nhóm A tiến thêm được 10% thì nhóm B cũng tiến được
7%. Nếu không tập, thì không những
không tiến mà có thể khả năng còn bớt đi.
Thực hành đem đến nhiều kết quả hơn trong trí. Khi tập trong trí không phải chỉ hình
dung thôi, mà phải làm những động tác trong trí, hoặc có hay không điệu bộ
thật sự. Để thì giờ tập như vậy
nhiều chừng nào, kết quả sẽ tăng thêm chừng ấy. Khi thiếu phương tiện để thực hành, phương
pháp tập trong trí đã được áp dụng hữu hiệu cho các môn thể thao, âm nhạc,
khiêu vũ, kịch nghệ và những khéo léo khác như giải phẫu, điều khiển máy
mới hay thí nghiệm. Phương pháp này
được chứng minh bằng khoa học. Kỹ
thuật PET cho thấy là lúc tưởng tượng làm một động tác, vùng óc liên hệ
cũng làm việc, giống như khi làm thật sự động tác ấy.
Trước
khi đúc kết, tôi xin nhắc lại câu của Ralph Waldo Emerson: “Imagination is not a talent of some men but
is the health of every man”. Nghĩa là tưởng
tượng không phải là khiếu hay thiên tài của vài người mà là sức khỏe của mọi người”. Đi sâu vào vấn đề, chúng ta thấy trí tưởng tượng rất hữu ích cho con người. Nó là cuộc sống nội tâm dung hòa với đời sống
vật chất bên ngoài. Nó giúp ta sáng tạo,
và sống trong xã hội. Nó giữ gìn sức
khỏe và làm cho ta hữu hiệu hơn. (BS
DVC)
Kinh Niên (經年)
Kinh niên là kinh qua, trải qua
nhiều năm tháng. Thường chữ “kinh niên”
dùng với chữ “bệnh” để chỉ bệnh lâu năm.
Nhưng theo định nghĩa từ ngữ, chúng ta có thể gọi quý ông bà cao niên là
người kinh niên. Các vị đã kinh nghiệm
qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, từng lên voi xuống chó, từng được
vinh hoa, từng bị bầm dập. Thân thể và
trí tuệ mỗi người từng trải qua “ngàn lần mài, trăm lần gãy” (thiên ma, bách chiết) và trở nên dày gió,
dạn mưa.
Năm nay, cha con ông Tám mừng
sinh nhựt cùng ngày cho tiện, vì tuy có khác ngày sinh nhưng cùng tháng
sinh. Cha 62 tuổi, con 26. Bà Tám chỉ cần mua 2 cây đèn cầy: cây số 2 và cây số 6. Khi đặt lên, muốn đọc 62 hay 26 cũng được. Hai cha con lại cùng một tuổi Sửu, con trâu,
chỉ cách nhau 3 con giáp, 36 năm. Làm lễ
sinh nhựt cho chồng con năm nay, Bà Tám không khỏi có những suy nghĩ miên man. Sống với chồng gần 40 năm và sinh ra thằng
con trai, bà rút ra những nhận xét rất ngộ nghĩnh. Bà thấy thằng con trai của ông bà bây giờ
giống hệt tánh của ông Tám hồi 26 tuổi:
vội vàng, nóng nảy, bốc đồng, bầu nhiệt huyết luôn sôi sục, nhiều quan
điểm cực đoan nên dễ bị đụng chạm trong cuộc sống. Bà biết là bà không thể sửa đổi gì thằng nhỏ
này, vì nó y như… tía nó. Bà biết là lâu
ngày chầy tháng, nó sẽ học được kinh nghiệm, học được khôn ngoan trong cách xử
thế như cha nó.
Bà
cám ơn đời, cám ơn Trời đã giúp ông Tám không thành già nua, già cỗi, mà là già
giặn. Nhờ ông có tinh thần phục thiện và
cầu tiến, nên ông mỗi ngày một đỡ hơn.
Ông thường nhắc câu nói của ông Gióp (32:9) Chẳng
phải già mà tự nhiên khôn; cũng chẳng phải lớn tuổi mà hiểu điều phải. 1
Bà nhớ một hôm, ông Tám định
nghĩa tuổi cao niên (dĩ nhiên theo cách của ông): là tuổi Cười nhiều và Cầu nguyện nhiều hơn,
An nhàn hơn, Ôn hòa trong lời nói hơn, Nhẫn nại hơn, Im lặng phải lúc, Êm đềm
cuộc sống hơn, Nợ mòn con lớn rồi.
Một lần, trong buổi họp những bạn
cao niên, có người nói rằng chúng mình bây giờ đã có người được gọi là cụ, có
người cũng sẽ tới giai đoạn này. Người
khác đề nghị mọi người tìm những chữ Việt Nam bắt đầu bằng chữ C nói lên
những điều nên theo và điều nên tránh để vui hưởng tuổi vàng.
Các cụ cười nhiều hơn, lúc hứng thì cứ ca hát thoải mái, lũ trẻ sẽ nhận xét là ông bà già chịu chơi. Các cụ tránh khó chịu
mà chịu khó hơn, tránh cằn nhằn, cau có mà nên chịu đựng hơn. Về lời nói và động tác, các cụ sẽ chậm rãi hơn để khỏi vấp té. Các cụ can
gián nhưng tránh can thiệp vào chuyện gia đình con cái. Các cụ trọng cân bằng trong thân thể cũng như lối suy tư, không cực đoan, không cố chấp, mặc cho lũ trẻ có thể chê
là ông già, bà già ba phải. Không cắn đắn mà cầu an, chấp thuận, chấp nhận. Các cụ thường chiêm nghiệm chuyện đời
để cho ý kiến khi cần thiết mà không
làm chướng ngại vật cho ai hết. Cười
đùa, chuyện trò với cháu chắt là điều cực kỳ sung
sướng, nên tránh rầy rà e chúng tránh xa.
Các cụ tìm hiểu cứu cánh của đời sống mình. Các cụ không quên làm chúc thư và chuẩn bị cho
ngày chung cuộc của mình.
Các ông bà bàn thảo tiếp chuyện
nhiều cơ sở thương mãi có khuynh hướng thuê mướn người đứng tuổi chững chạc hơn
là người trẻ. Một phần là người trẻ
thiếu trung kiên, hay “nhảy” việc. Khi được
hỏi tại sao ông chủ thích dùng nhân viên già giặn hơn người trẻ trung, một chủ
nhân có tuổi phát biểu: “Nếu đói, chúng
ta có thể ăn trái cây vừa chín tới, nếu không đói lắm thì đợi nó chín muồi rồi
ăn thì thấy thơm ngon hơn nhiều lắm. Nếu
gấp gáp, chúng ta có thể nấu một món súp trong 5, 10 phút để ăn, nhưng tôi
thích món súp hầm qua đêm, với lửa nhỏ riu riu, tất cả chất bổ từ rau trái, từ
xương từ thịt đều được rút ra trong nước canh.
Húp một muỗng súp này vào miệng xem,
ta cảm thấy cái ngọt ngào của nó thấm vào máu, vào xương tủy của chúng
ta.”
Ông chủ cao hứng nói tiếp: “Con số tuổi là chỉ để dùng trong thống kê,
trong giấy tờ, không quan trọng bằng tinh thần, tâm hồn, bằng kinh nghiệm, khôn
ngoan. Ngày xưa, ông Môi-se 80 tuổi mới
được Đức Chúa Trời dùng vào việc giải cứu dân tộc ông, Khương Tử Nha cũng đến
80 tuổi mới được Chu Văn Vương trọng dụng.
Câu trả lời của Bá Lý Hề với Tần Mục
Công thường được người sau kể lại. Mục Công sau khi đưa 5 tấm da dê qua nước Sở
để chuộc Lý Hề về triều,
thấy thất vọng khi nhìn thấy đầu tóc bạc phơ của Lý Hề
và ngỏ lời lo âu rằng ông ta không thể cáng đáng việc quốc gia đại sự
được. Biết ý, Bá Lý Hề
liền thưa:
-Nếu
Chúa Công cần dùng người săn thú, đuổi chim thì quả thật hạ thần không làm nổi.
Nhưng nếu Chúa Công cần người tài để chung lo việc nước,
bình trị thiên hạ, thì tuổi thần vẫn còn trẻ.
Mục Công lấy làm hài lòng, tỏ lời xin lỗi và phong cho Lý Hề
chức Thượng Khanh nắm giữ quyền
bính trong nước.”
Lúc đó có người kể chuyện sợi dây
bằng tro. Nước Nhật ngày xưa (nhất là
vào thế kỷ 11) người ta không trọng người già.
Người lớn tuổi bị coi là vô dụng.
Một lãnh chúa ra lệnh kỳ khôi (người cầm quyền thường hay chơi cắc cớ),
bắt dân phải nộp cho ông ta một sợi dây bằng tro. Ai nấy bối rối, sợ hãi, không biết làm sao có
sợi dây tro để nộp nhà cầm quyền. Một người
trẻ hỏi ý của cha già của mình (anh thương cha, dấu trong nhà, không bỏ vào rừng
như các gia đình khác). Người cha nghe
qua, cho ý kiến: “lấy rơm rạ quấn chặt lại
thành một sợi dây, đoạn ngâm trong nước muối một hai ngày, rồi phơi cho thật
khô, rồi để trên mâm thau đốt đi thì được.
Chàng ta làm y theo lời, mang mâm có dây tro đến trình cho lãnh
chúa. Biết được ý này do một người già
bày ra, mọi người bắt đầu kính trọng người cao niên.
Trong
Kinh Thánh, có câu chuyện vua Rô-bô-am khi kế ngôi vua cha Sa-lô-môn, tân vương
vấn kế cả hai nhóm người già và trẻ trong triều về việc trị nước. Nhóm bô lão khuyên vua nên thương xót, nhân từ
trong sự cai trị để được lòng dân thì ngôi vua sẽ vững bền; ngược lại, nhóm trẻ
hung hãn đề nghị tăng thuế, tăng hình phạt làm cho dân sợ thì mới yên ổn. Rô-bô-am lại không tin vào trí tuệ cao niên,
mà nghe lời những người trẻ, khắc nghiệt với dân nên 10 trong 12 chi phái Do
Thái tách ra, chống lại ông. Từ đó đất nước
bị chia đôi.
Vài cụ
già thích đọc Kinh Thánh mỗi ngày, có cụ đố ai tìm được câu KT nào phù hợp với
ý “kính lão đắc thọ”. Có người chỉ ra được
một câu trong sách Lê-vi (19:32) khuyên “kính trọng người già cả”. Thánh Phao-lô cũng khuyên chàng trẻ Ti-mô-thê
coi người lớn tuổi như cha, như mẹ (1Ti-mô-thê
5:1-2).
Tuổi già
kinh nghiệm, khôn ngoan
Là kho
tàng quý, cho đàn hậu lai
Cửa kho
không khóa, không cài
Sẵn sàng
rộng mở cho ai kiếm tìm.
1 Theo Bản Phổ Thông
Đàn kiến
trong buổi picnic
Một đoàn thể có nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tổ chức
một buổi picnic ở một công viên. Họ thường gặp nhau như vậy mỗi tháng để sinh
hoạt kết thân tình, giải trí, ăn uống, chơi đùa và bàn luận bất cứ chuyện gì
miễn là có tác dụng lợi ích chung. Có người
đưa ra ý làm một cuộc tham khảo về “ý kiến người ngoài ảnh hưởng đến mình” như
thế nào. Sau một hồi, mọi người nhận ra
một điều thú vị là tùy theo tuổi tác, mình chịu ảnh hưởng ý người ngoài khác
nhau. Ở lứa tuổi thanh niên 20, chúng ta
canh cánh lo người khác nghĩ về mình ra sao.
Ở lứa tuổi trung niên 40, chúng ta cóc cần người khác nghĩ về mình như
thế nào. Ở tuổi bắt đầu cao niên 60,
chúng ta biết là không ai huỡn mà để ý chuyện người khác. Nhiều bạn trẻ lúc đó học được bài học là đừng
quá quan tâm đến dư luận sau khi mình đã tìm hiểu kỹ càng thì cứ tiến hành con
đường của mình.
Chỗ picnic này không ngờ “toạ lạc” gần những ổ kiến. Có quá nhiều thứ kiến nghe mùi thức ăn thơm
ngon ngọt nên tự động bò tới …tham dự. Một
ít người có vẻ không quan tâm mấy tới kiến, nhưng phần đông thấy khó chịu, bất
ổn vì biết rằng vài loại kiến rất độc, nhất là khi cắn trúng chỗ nhược là sưng
chù vù. Mọi người tìm thuốc xịt kiến.
Người ta đếm được 7 thứ kiến trong lô đất này:
Kiến kim, kiến cánh, kiến càng,
Kiến than, kiến lửa, kiến vàng, kiến hôi.
Bác sĩ Daniel G. Amen có nhắc đến những loài kiến tinh
thần, đó là những tư tưởng tiêu cực tự động nhảy ra trong óc chúng ta. Tư tưởng đó tiếng Anh viết là Automatic
Negative Thoughts, viết tắc là ANTs, nghĩa là kiến. Những tư tưởng này cần phải diệt càng nhanh
càng tốt, nếu không, nọc độc của nó lan ra, mạnh lên thì rất khó chữa. Có 7 loại kiến tinh thần (hay kiến tư
tưởng):
- Dán
nhãn cho mình hay cho người khác.
Tự cho mình là khờ dại, hay cho người khác là ngu ngốc. Trong tiếng Anh, “stupid” được phát ngôn rất
nhiều và rất thường để gán cho mình hay cho người. Đây là thứ kiến kim, nhỏ nhưng len lỏi khắp đó đây.
- Đoán
ý nghĩ người khác. Nhiều người,
nhất là các bà, hay dùng trực giác để nhìn sự việc. Có lúc đúng, nhưng phần lớn là sai,
nhưng lại cứ đinh ninh, in trí rằng mình đúng. Đây là kiến cánh, như có cánh bay vào trí não người khác.
- Tiên
đoán tai họa sẽ xảy ra. Vì nghĩ
rằng công việc sẽ chắc chắn thất bại nên người này không phấn đấu. Đây là thầy bói kiến càng vì hay đoán càn.
- Cảm
thấy mình hẩm hiu, có “số con rệp”, nên hay than thân, trách phận. Đây là kiến than.
- Đổ
lỗi cho người khác như gắp lửa bỏ vào tay người. Đây là kiến lửa. Loại kiến này
cắn đốt có thể làm chết người.
- Vội
vàng vơ vào mình. Thấy hai người
nói chuyện, nghĩ rằng họ nói xấu mình.
Nghe ông mục sư giảng lại nghĩ rằng ông ta nhắm vào mình. Gặp người quen không chào mình, thì nghĩ
rằng chị ta ghét mình nên phớt lờ.
Những cảm nghĩ vội vàng vơ vào mình những xót xa, đau đớn vô ích. Đây là loại kiến vàng.
- Mặc
cảm, dằn vặt về những lỗi lầm quá khứ.
Tự thấy mình xấu xa, hôi thối.
Luôn canh cánh rình xem người khác nghĩ gì, nói gì về mình. Đây là thứ kiến hôi.
Loài kiến thường
đào hang, đào ngách ăn luồn dưới đất.
Mỗi tổ kiến có đến 100 ngàn con. Tuy
không có tài kiến trúc như loài ong, kiến cũng là một loài vật có tính xã hội. Muốn
diệt kiến phải diệt kiến chúa. Người dân
trồng thanh long ở Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, có cách diệt kiến hôi hữu
hiệu. Họ dùng cơm dừa trộn mỡ heo, đường
và ít thuốc trừ sâu Regent, làm những túi nhỏ, treo trên cây thanh long. Kiến hôi rất thích món này, ăn xong, mang về
cho kiến chúa, tất cả bị nhiễm độc và bị diệt trừ.
Muốn diệt những
tư tưởng tiêu cực, chúng ta dùng đến tư tưởng tích cực.
- T – Tìm hiểu sự việc bằng lý
trí, không để tình cảm chi phối quá mức.
Như vậy, chúng ta tránh thành kiến, tà kiến, thiên kiến. Tuy nhiên, chúng ta cần phối hợp tình cảm
và lý trí để khi đứng trước một vấn đề, chúng ta có kiến giải hợp tình,
hợp lý.
- I – Ích lợi: dù sao đi nữa, loài kiến cũng có ích cho
môi trường sinh thái. Con người
mình dù sao đi nữa, nếu không dám nói là kiến thiết, cũng có thể đóng góp phần
nào vào lợi ích cộng đồng.
- C – Cầu tiến: dù bước chậm nhưng mỗi ngày một khá hơn,
không nản lòng. “Nhật nhật tân”
phải là một trong những châm ngôn cần nhớ. Cứ mở rộng kiến văn mỗi ngày.
- H – Học hỏi: học để tiến tới, để thêm kiến thức, để
trở thành một dụng cụ hữu ích. Sẵn
sàng chất xám, để khi gặp thời cơ thì hành động. Người
xưa gọi là “kiến cơ nhi tác”.
- C – Chịu trách nhiệm: tinh
thần trách nhiệm phân biệt người trưởng thành và người chưa trưởng
thành. Tập nhận trách nhiệm và sẵn
sàng chịu trách nhiệm khi xảy ra điều không hay.
- Ư – Ưng ý về mình: Ưng ý không phải để tự cao, tự đại, mà
là để không tự ti. Từ từ và đều đều
trong chương trình đúng thì có ngày chúng ta sẽ tới đích.
- C – Con Trời: nhớ tới nguồn gốc thiêng liêng, cao quý
của mình. Mình không phải là đồ bỏ,
mà là con người có “lai lịch”.
Một cách nữa để
không bị kiến quấy rầy là di chuyển qua lô đất khác. BS Daniel Amen cũng đề nghị là chuyển tư tưởng
nặng về cảm xúc thuộc vùng ruột của não tới vùng vỏ não nặng về lý trí; chuyển
hoạt động vùng bán cầu phải (tình cảm) sang bán cầu trái (lý trí). Nói rõ hơn, khi một tư tưởng “hắc ám” hiện ra
trong tâm trí, đừng xúc động, hãy quan sát nó như người ngoại cuộc. Làm một bài toán như lấy 1 cộng 2, rồi cộng
thêm 3, 4, 5… tới chừng không còn bị xúc động nữa thì thôi. Hoặc đọc đi đọc lại một hai câu thơ, chẳng hạn
như 2 câu thơ về đậu sau đây. Câu thơ này
cũng nhắc chúng ta nhớ ăn đậu, vì đậu tuy thể tích nhỏ nhưng dồi dào những chất
dinh dưỡng, mà giá lại rẻ. Đọc chừng 7 lần
là trí não mình nghĩ đến đậu mà quên mất … kiến.
Đậu phộng, đậu
ván, đậu nành,
Đậu đen, đậu
đỏ, đậu xanh, đậu vàng.
Trở lại loài kiến,
tuy chúng không có tiếng tăm tốt, nhưng cũng cho con người bài học quý báu về
sự siêng năng, nhẫn nại, như trong câu: “kiến tha lâu đầy tổ”. Kiến còn là gương tốt cho người lười:
Hỡi
những kẻ lười biếng
Hãy
xem đến loài kiến
Chịu
khó và cần cù
Lúc
nào cũng có …miếng!
Ăn Gì, Nghĩ Nấy
Bộ não là một cơ quan ăn tham và ăn
kén nhất, chúng ta cần ăn thường xuyên để có đủ chất đường nuôi tế bào não (học
sinh bỏ ăn sáng thì trí óc lơ mơ, thiếu sáng suốt). Chúng ta cần hô hấp chậm, sâu để có đủ dưỡng
khí cho tế bào não thở. Đường và dưỡng
khí sẽ thành năng lượng và năng lực cho trí não. Chúng ta cần ăn những thức ăn bổ não để cải
thiện sinh hoạt trí tuệ như suy nghĩ, cảm xúc, ký ức… Sau đây, 20 thực phẩm lành mạnh cho
trí não, suy tầm trên internet:
1. Ngũ cốc còn lứt, như gạo lứt có nhiều
folate, Vitamin B6. Mầm lứt của lúa mì
(wheat germ) có chứa Vitamin B1 (thiamine) giúp trí nhớ.
2.
Hạt/ Đậu óc chó (Walnuts):
loại nut này có hình dạng giống bộ óc lắm. Walnut chứa 15-20 % protein và chứa linoleic (omega-6
fatty acids), alpha-linoleic acids (omega-3 fatty acids), vitamin E, vitamin B6
vì vậy rất bổ dưỡng cho thần kinh hệ.
Walnut còn điều chỉnh serotonin trong óc, nên có thể giúp ích trong sự
chữa trị chứng trầm cảm (Walnuts may
also help correct the human brain’s seratonin levels. Seratonin is an important
brain chemical that controls both our moods and appetite. Walnuts may be able
to relieve disorders like insomnia, depression, overeating and other compulsive
behavior, commonly treated with antidepressant drugs like Prozac, without the
dangerous side effects.)
3.
Hạt điều: nhiều magnesium giúp cho sự tuần hoàn máu.
4.
Hạnh nhân
(Almonds): chứa Phenylalanine, chất này
có khả năng thẩm thấu qua màng chắn từ huyết qua não nên có thể làm tăng những
thần kinh tố như dopamine, adrenaline và noradrenaline vì vậy làm hưng phấn não
(Phenylalanine has the rare ability to cross the blood-brain barrier where it
stimulates the brain to generate natural mood-boosting neurotransmitters called
dopamine, adrenaline and noradrenaline.)
Ngoài ra hạnh nhân còn có nhiều riboflavin giúp trí nhớ.
5.
Hạt Pecans,
cũng như đậu phộng có chứa choline, giúp cho trí nhớ và sự phát triển của não.
6.
Dâu xanh
(blueberries): người ta cho rằng
blueberries làm môi giới cho 2 bán cầu não phải và trái “nói chuyện” với nhau,
giúp trí nhớ nhờ làm tăng cường hoạt động vùng hải mã (hippocampus), chống ô-xy
hóa, chống lão hóa, ngăn ngừa hư hao của
tế bào não (prevent cell damage) do có chứa ellagic acid.
7.
Dâu tây
(strawberries) chứa nhiều chất chống ô-xy hóa (antioxidant) giúp các tế bào
liên lạc nhau dù các tế bào này đã có dấu hiệu bị thời gian tàn phá (signs
of age-related damage.)
8.
Dâu đen
(Blackberries) có chứa chất anthocyanins chống ô-xy hóa, lão hóa…
9.
Hạt hoa quỳ
(Sunflower seeds) có chứa tryptophan, là
một amino acid, mà não sẽ biến đổi ra serotonin trị trầm cảm. Ngoài ra, hạt hoa quỳ còn chứa nhiều
thiamine, tăng trí nhớ và chức năng nhận thức (cognitive function).
10. Hạt bí
(pumpkin seeds) chứa Zinc, Vitamin A, E,
Omega 3 và Omega 6 fatty acids. Zinc
giúp trí nhớ và suy tư, có tài liệu còn cho rằng zinc trong hạt bí làm teo lại
tuyến tiền liệt phì đại (prostate hypertrophy).
11. Trà
xanh (green tea): polyphenol trong
trà xanh có nhiều catechines (90%). Một
trong 6 catechines trong trà là EGCG có nồng độ rất cao nên có tác dụng rất tốt
cho sức khỏe. Tốt cho tim mạch, giảm
thừa cân, ngừa ung thư, giảm phong thấp, giảm tiểu đường, chống lão hóa. Trà còn làm tăng Dopamine là chất làm óc hưng
phấn nên nó là bạn của nghệ sĩ, thi văn sĩ..
12. Trứng: chứa nhiều protein, vitamins và chất
khoáng. Choline trong trứng giúp trí
nhớ, lutein và zeaxanthin trong lòng đỏ chống lão hóa, giúp ngừa bệnh đục thủy
tinh thể (cataracts) và bệnh thoái hóa hoàng điểm (AMD = age-related macular degeneration). Quả trứng tuy nhỏ, nhưng chứa nhiều chất bổ
dưỡng, giá lại rẻ. Chúng ta có thể ăn 2,
3 trứng mỗi tuần.
13. Trái
bơ (Avocados): trái này nhiều chất
béo, ăn như ăn bơ nên mới có tên là trái bơ.
Tuy nhiều chất béo nhưng là chất béo tốt (mono-unsaturated fats) và có
chất beta-sitosterol giúp giảm total cholesterol, triglycerides,
LDL (low-density lipoprotein = chất xấu), ngược lại,
HDL (high-density lipoprotein = chất tốt) lại tăng lên. Trái bơ được so với blueberries trong khả
năng cải thiện sinh hoạt trí não. Mỗi
ngày chúng ta có thể ăn ½ trái tới 1 trái bơ.
14. Cà chua (tomatoes) Cà chua không được phân loại rõ ràng, có
người cho là trái cây, có người cho là rau cải (vegetable). Cà chua có thể ăn sống hoặc nấu chín. Ăn sống thì hưởng vitamin C hơn; ăn chín thì
cơ thể chúng ta dùng được lycopene hơn.
Carotenoids,
lycopene và beta-carotene trong cà chua giúp ngừa ung thư, bệnh tim mạch, lú
lẫn…
15. Bông
cải xanh (broccoli): có nhiều
folate, B12, B6 nên làm giảm được homocysteines là chất có thể gây lú lẫn. Vitamin K trong broccoli làm tăng
cường chức năng nhận thức và cải thiện khả năng của não (High levels of chemicals
called homocysteines are linked with cognitive decline and Alzheimer's
disease. In order to break themselves down, homocysteines require folate
and B12 or B6, vitamins found in vegetables like broccoli. It is a great source
of vitamin K, which enhances cognitive function and improves brainpower.)
Broccoli ăn chung với cà chua
giúp ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
16. Cải
bắp đỏ (Red cabbage): có nhiều polyphenol.
Chất này giảm sự hư hại của tế bào não, giúp ngừa và trị chứng bệnh lú
lẫn Alzheimer (Polyphenols reduce
brain cell damage and is especially helpful in the prevention and treatment of
Alzheimers’ disease.)
17. Cà
tím (Eggplant): vỏ cà tím chứa
nasunin giúp tri óc minh mẫn bằng cách bắc cầu liên lạc giữa các tế bào não với
nhau (nasunin keeps our brain
sharp by enhancing communication between our brain cells and messenger
molecules.)
18. Spinach: giúp chậm lão hóa, cải thiện việc học và khả
năng vận động (Spinach slows down the
effects of age-related declines in brain function and helps protect the brain
from oxidative stress. Researchers suggest that a diet rich in spinach can
significantly improve learning capacity and motor skills.)
19. Dao-ua
(Yogurt): Calcium trong dao-ua cải thiện
chức năng của thần kinh hệ. Tyrosine
giúp vào việc sản xuất dopamine và noradrenalin, do đó làm tỉnh táo và giúp trí
nhớ. (Calcium rich foods such as
yogurt, milk and cheese improve nerve function. Yogurt contains an amino acid
called tyrosine which is responsible for producing the neurotransmitters dopamine
and noradrenalin. In short, yogurt helps improve alertness and memory.)
20. Sô-cô-la
(Chocolate): Sô-cô-la đen sản xuất
endorphins làm chúng ta thấy sảng khoái.
Sự tập trung và sự chú ý của chúng ta cũng tốt hơn (Dark chocolate has powerful
antioxidant properties and contains several natural stimulants which increase
the production of endorphins while enhancing focus and concentration. The
stimulants found in dark chocolate also improve mood. It has high content of
flavanols that facilitate blood supply to the brain and enhance cognitive
skills.)
100 Mẹo cải thiện trí tuệ
Đây là 100 mẹo chúng ta có thể làm để giúp mình suy nghĩ
nhanh hơn, nhớ tốt hơn, học hiểu vấn đề dễ hơn… (Dựa trên http://litemind.com/boost-brain-power )
1. Giải ô chữ và
giải những bài toán nát óc. (Solve puzzles and brainteasers.)
2. Tập xài cả 2
tay. Dùng tay trái để đánh răng, chải
tóc và dùng chuột điện toán. Tập viết với
cả 2 tay. Thay đổi tay khi dùng dao và
nĩa. (Cultivate ambidexterity. Use your
non-dominant hand to brush your teeth, comb your hair or use the mouse. Write
with both hands simultaneously. Switch hands for knife and fork.)
3. Che bớt một hoặc
nhiều giác quan. Ăn bịt mắt. Che tai. Tắm bịt mắt. (Block one or more senses. Eat blindfolded,
wear earplugs, shower with your eyes closed.)
4. Tìm điểm nối kết
giữa những vật có vẻ như khác nhau. (Find
intersections between seemingly unrelated topics.)
5. Học cách dùng
bàn phím đánh máy khác nhau (Learn to use different keyboard layouts. Try Colemak or Dvorak for a full mind twist!)
6. Tìm cách dùng
khác từ những vật tầm thường. Từ cây
đinh, bạn dùng được gì khác? (Find novel uses for common objects. How many
different uses can you find for a nail?)
7. Bạn hãy giả định ngược lại (Reverse your assumptions.)
8. Treo ngược hình (Turn pictures upside down.)
9. Tập phê phán. Học cách tìm những sai lầm thông thường. (Become a critical thinker.
Learn to spot common fallacies.)
10. Học lý
luận. Giải đáp những nan đề luận
lý. (Learn logic. Solve logic puzzles.)
12. Hãy vẽ. Vẽ nguệch ngoạc. Bạn không cần phải là một nghệ sĩ. (Draw. Doodle. You don’t need to be an
artist.)
13. Suy nghĩ tích
cực (Think positive).
14. Sinh hoạt nghệ
thuật – điêu khắc, vẽ tranh, âm nhạc… (Engage in arts — sculpt, paint, play
music — or any other artistic endeavor.)
15. Học trò tung
hứng (Learn to
juggle.)
18. Ngồi thẳng
lưng (Sit up straight.)
19. Nhớ uống nhiều
nước (Drink lots of water.)
20. Thay đổi hoạt
động. Tìm thú tiêu khiển (Vary activities. Get a hobby.)
21. Lắng nghe âm nhạc. Nghe nhạc Mozart (Listen to music. Music of Mozart.)
23. Tìm những tài
liệu về trí não trên mạng lưới internet
(Look for brain resources in the web.)
24. Đi chân không (Go barefoot).
25. Sống đơn
giản (Simplify!)
26. Đánh cờ (Play chess or other board games), chơi ô chữ
(puzzles), ô số (sudoku)
27. Hồn nhiên như
trẻ thơ (Be childish!)
28. Khôi hài! Viết hoặc đặt ra một câu chuyện vui. (Be humorous! Write or create a joke.)
29. Ghi nhận và ghi
lại những ý nghĩ mới. (Capture every
idea. Keep an idea bank).
30. Ấp ủ ý tưởng tốt. Trở lại ý tưởng thường xuyên. (Incubate good ideas. Let ideas percolate.
Return to them at regular intervals.)
31. Giữ nhật ký (Keep a
journal.)
32. Học một ngoại
ngữ (Learn a foreign
language.)
33. Ăn ở nhà hàng
khác - đặc biệt nhà hàng của người dân xứ khác
(Eat at different restaurants – ethnic restaurants specially.)
34. Đánh vần ngược
một chữ. Như chữ Challenging! (Spell long words backwards. !gnignellahC)
35. Thay đổi môi
trường. Đổi vị trí đồ vật hay bàn ghế (Change your environment. Change the
placement of objects or furniture.)
36. Viết! Viết một câu chuyện, một bài thơ (Write! Write a story, poetry.)
37. Học ngôn ngữ dấu
hiệu của người câm. (Learn sign
language.)
38. Học chơi một
nhạc khí (Learn a musical instrument.)
39. Thăm một viện
bảo tàng (Visit a museum.)
40. Học cho biết trí
não hoạt động ra sao (Study how the
brain works.)
41. Tập đọc
nhanh (Learn to
speed-read.)
42. Tìm hiểu phương
thức học hỏi của chính mình (Find out
your learning style.)
43. Thử ước lượng
thời gian trôi qua (Try to mentally
estimate the passage of time.)
44. Làm quen với
toán (Make friends with math.)
45. Tập nhớ tên
người (Memorize people’s names.)
46. Tập thiền. Luyện tập sống ý thức và tập để tâm trí trống
rỗng (Meditate.
Cultivate mindfulness and an empty mind.)
47. Tắt Ti-vi một ít
lâu (Turn off the TV.)
48. Cải thiện óc tập
trung (Improve your concentration.)
49. Sống gần thiên
nhiên (Get in touch with nature.)
51. Thay đổi tốc độ vài hoạt động. Hoặc làm thật nhanh hoặc thật chậm theo
ý (Change the speed of certain
activities. Go either super-slow or super-fast deliberately.)
52. Làm mỗi lần một
việc (Do one thing
at a time.)
53. Tự đặt mình vào
chỗ của người. Người khác nghĩ và giải
quyết vấn đề của mình ra sao? Người điên
đối phó nó thế nào? (Put yourself in
someone else’s shoes. How would different people think or solve your problems?
How would a fool tackle it?)
54. Tập thái độ trầm
tư (Adopt an attitude of contemplation.)
55. Có thì giờ ở nơi
vắng vẻ và thư giãn (Take time for
solitude and relaxation.)
56. Hứa nguyện học
hỏi suốt đời (Commit yourself to
lifelong learning.)
57. Du lịch xa. Tìm hiểu lối sống khác (Travel abroad. Learn about different
lifestyles.)
58. Có một số bạn
thân giúp đỡ nhau (Have a
network of supportive friends.)
59. Đừng chỉ lẩn
quẩn với những người giống ý mình. Cũng
cần có người không đồng ý kiến với mình
(Don’t stick with only like-minded people. Have people around that
disagree with you.)
60. Thay đổi cách
nhìn. Ngắn hạn/Dài hạn, cá nhân/tập
thể (Change your perspective.
Short/long-term, individual/collective.)
61. Đi tới tận gốc
rễ của vấn đề (Go to the
root of the problems.)
63. Đọc sách cổ điển
(Read the classics.)
64. Phát triển khả
năng đọc sách. Đọc sách hũu hiệu là một
tài nghệ (Develop your
reading skill. Reading effectively is a skill.)
65. Tóm tắt
sách (Summarize
books.)
66. Nói lớn những
nan đề của mình (Say your
problems out loud.)
67. Diễn tả một kinh
nghiệm với đầy đủ chi tiết (Describe one
experience in painstaking detail.)
68. Học chữ của
người mù (Learn Braille.)
69. Thử xức nước hoa
khác (Try different perfumes and scents.)
70. Để dành riêng
thì giờ phát triển trí tuệ (Allocate
time for brain development.)
71. Tò mò (Be curious!)
72. Tự thách
thức (Challenge yourself.)
73. Phát triển khả
năng nhìn trong trí ít nhất 5 phút mỗi ngày
(Develop your visualization skills.
Use it at least 5 minutes a day.)
74. Ghi lại giấc mơ
của bạn. Để một cuốn sổ bên giường ghi
chép lại giấc mơ khi thức giấc (Take
notes of your dreams. Keep a notebook by your bedside and record your dreams
first thing in the morning or as you wake up from them.)
75. Lập một tự vựng
những từ ngữ thú vị. Đặt ra những chữ
riêng của bạn (Keep a lexicon of interesting
words. Invent your own words.)
76. Kiểm soát sự căng
thẳng (Manage stress.)
77. Đi con đường
khác mỗi ngày. Thay đổi con đường khác
khi đi làm, chạy bộ, hoặc con đường về nhà
(Take different routes each day. Change the streets you follow to work,
jog or go back home.)
78. Cải thiện từ
ngữ (Improve your
vocabulary.)
79. Làm quá bổn phận
của mình (Deliver more than what’s
expected.)
80. Học hỏi những
bài viết của những nhà tư tưởng lớn (Study the
writings of great thinkers.)
81. Gần gũi những
người khôn ngoan hơn mình (Be around
people that are smarter than you.)
82. Tập đọc ngược
một bài viết (Read text upside down)
83. Tập đóng một vở
kịch (Act in a stageplay.)
84. Chơi chữ (Pun! Play with words.)
85. Tự làm một số
việc (Do It
Yourself).
86. Dạy một điều bạn
biết rõ (Teach someone something you
know.)
87. Học xếp giấy
thành hình (Teach yourself origami.)
88. Học đan, học móc
(Learn to knit or crochet.)
89. Đi chợ khác với
chợ thường đi (Shop at a market
different from the usual.)
90. Coi mình sợ hãi
cái gì (Think of something you fear.)
91. Tập Yoga
92. Tập võ (Learn martial arts).
93. Phiên dịch bài
(Translate articles)
94. Bò ngược, đi thụt
lui lên cầu thang (Crawl backwards, walk up steps backwards).
95. Tưởng tượng bạn
sống ra sao vào thời đại khác, như cách đây 5000 năm (Imagine how would you survive in a different
epoch ‘say, 5000 years ago’).
96. Làm tờ liệt kê những
điều mình cần làm mỗi ngày (Make a checklist of things to do).
97. Cười chào mọi
người hôm nay (Smile and greet everybody).
98. Hát theo khi
nghe ca sĩ hát (Sing along).
99. Tập nấu ăn theo
công thức (tìm recipes trên internet).
100. Ghi chép khi nghe thuyết trình hay nghe
thuyết giảng (take lecture notes).
THANH TỊNH
Trạng thái thanh
tịnh là một trạng thái an lạc, trầm tĩnh, không giao động vì những chuyện không
đâu. Hi vọng 9 bí quyết “T.H.A.N.H. T.I.N.H.”
sau đây có thể giúp chúng ta giảm căng thẳng, tránh phiền não phần nào:
1. T -
Tịnh thất trong tâm khảm: nếu có được
một cái phòng riêng để chúng ta rút vào đó khi cần để tĩnh dưỡng tinh thần thì
càng tốt. Nếu không, thì hãy tưởng tượng
một tịnh thất trong trí của mình để khi thấy bối rối, bất an thì tưởng tượng
mình bước vào đó, sau khi để tất cả những phiền muộn ngoài phòng. Trí mình bây giờ hoàn toàn trống không, thanh
tịnh không gợn chút ưu sầu, lo nghĩ. Có
thể phối hợp với hô hấp. Chỉ cần 5, 10 phút mỗi ngày trong tâm trạng đó cũng
giúp cho tâm thần chúng ta ổn định. Nếu
bạn thắc mắc tịnh thất nằm nơi nào trong não của mình thì tôi có thể cho bạn
biết là nó nằm tại thùy thái dương bên phải (right temporal lobe). Dùng tâm lý trị liệu để giải quyết phiền não
như BS Thái Minh Trung chỉ dẫn: Một khoa tâm lý trị liệu (psychotherapy) trị stress là
Cognitive behavioral psychotherapy, tạm dịch là tâm lý trị liệu qua nhận thức..
Ta nhận thức ta có những tư tưởng sai lầm dẫn đến sự lo âu đau khổ (1), quán
xét kỹ càng rằng những tư tưởng đó không có liên hệ ở thực tế (2), sau cùng
thay thế vào đó những tư tưởng thích hợp với thực tại hơn (3). Khi nhận thức
thích hợp với thực tại thì ta sẽ tìm được biện pháp giải quyết vấn đề một cách
hữu hiệu và từ đó nhẹ gánh lo âu.. Thí dụ anh A có triệu chứng hay lo
(general anxiety disorder). Khi bị chủ sở phê bình, anh về ngủ không được, liên
tưởng đến ngày mai mình sẽ mất việc, không có tiền trả tiền nhà, vợ anh sẽ bực
bội bỏ anh (1)... Qua khâu tâm lý trị liệu, anh kiểm duyệt lại thực tế thì
không thấy có dấu hiệu nào chủ sở sẽ đuổi anh, chủ anh chỉ muốn anh sửa khuyết
điểm nhỏ mà thôi, vợ chồng lúc nào cũng hòa thuận (2)... Khi nhận thức như vậy,
anh cảm thấy yên tâm và hiểu rằng mình có phản ứng quá đáng (3). Khi nhìn ở
khía cạnh nhân duyên quả, thì khi anh nhận thức rằng cái nhân sai lầm không
quan trọng lắm, không để những tư tưởng lo âu thổi phòng sự thật (nghịch duyên),
và anh tìm cách học hỏi trau dồi nghề nghiệp thì kết quả sẽ tốt đẹp. Như thế
hiểu được nhân quả thì cuộc sống ta sẽ nhẹ gánh lo âu. (Trích
Luật Nhân Quả - BS Thái Minh Trung)
- H
-
Hô hấp: hô hấp vận dụng được nhịp
thở theo ý muốn và có thể giúp điều hòa được nhịp tim. Thở đều, chậm, lâu, sâu. Phình bụng ra khi thở vào. Ép bụng lại khi thở ra. Dùng tưởng tượng
khi hít hơi vô, một nguồn sinh lực tràn trề trong ta, một niềm an lạc bao
phủ quanh ta. Khi thở ra, là tống
tất cả mọi lo âu, phiền muộn ra khỏi ta.
Ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều có thể tập thở được. Hô hấp để dỗ giấc ngủ, hô hấp chậm, đều,
sâu trong lúc đợi chờ. Khi xếp hàng
đứng đợi là cơ hội tốt để tập thở.
Hô hấp bất cứ nơi nào,
Thở ra phiền não, hít vào bình an.
Thở ra phiền não, hít vào bình an.
Hãy nhớ là hô hấp không những tốt cho
tim, phổi mà còn cho bộ não nữa. Khi bối
rối, khi “vô kế khả thi”, hãy nhớ tới hô hấp:
Như tơ vò trăm mối
Lòng bối rối lo âu
Hít thở chậm đều sâu
Thân tâm liền thanh tịnh.
- A
-
Ẩn: ẩn đây không nhất thiết phải là
ẩn dật, tránh gặp mặt mọi người, mà chỉ tránh những nơi ồn ào náo nhiệt
quá mức vì những chỗ này có thể làm chúng ta căng thẳng thêm. Các cuộc họp bạn ăn uống vui chơi ở mức
độ vừa phải thì có tác dụng tốt, đó là một thứ sinh hoạt lành mạnh cần duy
trì. Khi vui lắm có người khó kiềm
giữ lời nói, lời nói chơi có thể bị hiểu lầm. Có thêm “rượu vào lời ra” càng khó tránh
xích mích. Mọi người nên giữ sao
cho thân mật mà không đi đến suồng sã.
Nhiều nhóm bạn họp nhau định kỳ, luân phiên tổ chức, những tháng
đầu rất vui, nhưng phần nhiều tan rã sau sáu tháng vì giận nhau.
- N -
Nhàn: Cụ Nguyễn Công Trứ nhắn nhủ
chúng ta nên nghĩ đến, tìm cầu đến cái “Nhàn”:
So lao tâm lao lực cũng một đoàn,
Người trần thế muốn nhàn sao được.
Nên phải lấy chữ "Nhàn" làm trước,
Người trần thế muốn nhàn sao được.
Nên phải lấy chữ "Nhàn" làm trước,
Chúng ta không cần đợi đến lúc về hưu
mới hưởng nhàn. Thỉnh thoảng chúng ta
tìm cơ hội nhàn. Hai câu thơ sau đây chỉ
dạy cho chúng ta biết chỗ nào là náo nhiệt, chỗ nào là nhàn nhã: Thị tại môn tiền náo, nguyệt lai môn hạ
nhàn (市 在 門 前 閙 月 來 門 下 閒). Chốn thị thành nhân tạo, chợ búa gây náo
nhiệt, nhức đầu, ngược lại tựa cửa thưởng trăng là nhàn. Như vậy, muốn nhàn là phải tìm về với thiên
nhiên: “khi xem hoa nở, khi chờ trăng
lên” (Nguyễn Du). Thỉnh thoảng chúng ta
cần gác công việc lại, đi ra khỏi thành phố tìm sông, biển, núi rừng để nhàn
du. Lúc này, những từ ngữ như: bôn ba,
bươn bả, hối hả, nong nả, nôn nả, tất tả, vất vả, vội vã không có trong ta, mà
chỉ còn những từ ngữ như: nhàn nhã, thong thả, thư thả, êm ả.
- H – Hài hước: cái cười chữa trị căng thẳng rất hiệu
nghiệm. Tìm những cái thú vị trên
đời để vui cười. Cười xòa về những
cái lẩm cẩm của chính mình nữa. Ông
Norman Cousins dùng cái cười để tự chữa trị bệnh đau nhức ankylosing
spondylitis. Trẻ con thường cười
rất nhiều, rất dễ, mà sao người lớn tuổi chúng mình lại quạu quọ thay vì
vui vẻ; nhăn nhó thay vì cười cợt!
Phải tập cười trở lại, cười hằng ngày, hằng giờ. Cười khan cũng cười. Ai cười mình cười vô duyên là mình giúp
cho người đó cười được rồi đó. Cười
làm giảm hóc-môn căng thẳng là
cortisol, adrenaline, nên chúng ta đỡ bị cao máu, hệ thống miễn nhiễm của
chúng ta đỡ bị chế ngự. Cười làm
máu huyết lưu thông dễ dàng hơn, tinh thần sảng khoái nhờ chất endorphins
tiết ra từ não, cơ thể phòng chống bệnh hữu hiệu hơn.
- T
-
Từ từ: từ từ và đều đều như bước đi
của kim đồng hồ là bài học quý giá mọi người nên học. Với thời gian rồi mọi sự cũng qua:
Tội gì mà phải bận lòng,
Rồi ra mọi sự như dòng nước trôi.
Rồi ra mọi sự như dòng nước trôi.
- I – Im
lặng: lời nói hay gây nhiều hiểu
lầm, xung đột, nên nếu không có lời lành, lời đẹp, lời xây dựng thì nên
giữ im lặng. Khi vui vẻ, chúng ta
hay nói, hay hứa nên dễ nói càn, dễ hứa lèo. Người xưa nhắc nhở: “đa ngôn, đa quá”
(lắm lời, lắm lỗi).
Khi vui ta dễ nói nhiều
Ít điều xây dựng, lắm điều thị phi.
Ít điều xây dựng, lắm điều thị phi.
Nhớ câu “im lặng là vàng” thì hơn. Ngay cả những trường hợp bị hiểu lầm, bị mắc
hàm oan, chúng ta chỉ cần giải thích một lần.
Người hiểu ta thì không cần sự giải thích; người không hiểu hoặc kẻ thù
thì có giải thích cách mấy cũng không tin.
Người Nhật có câu chuyện về một thiền sư
im lặng chịu hàm oan rất hay. Một hôm,
có một nhóm người đưa một cô gái mới sanh một đứa bé tới nói với thiền sư rằng
chính ông là cha của đứa bé. Thiền sư nhìn
đám đông, nhìn thiếu phụ, nhìn em bé và chỉ thốt: “vậy à?”. Ông xã trưởng lúc đó mới lên tiếng: “Đứa bé
này là con ông vậy thì ông phải nuôi”.
Thiền sư nhẹ nhàng buông: “vậy à”.
Từ đó, ông bận rộn chăm sóc đứa bé, mỗi ngày ông đi xin sữa, cháo để nuôi
đứa bé. Ông im lặng, chịu đựng những lời
chửi rủa của người dân trong làng. Sau
một thời gian, một hôm, ông xã trưởng đưa người mẹ của em bé tới tạ tội cùng
thiền sư, và xin lại đứa bé, nó chính là con của hai người. Trước kia, vì sợ búa rìu dư luận, họ đã giá
họa cho ông. Lòng nhân từ và nhẫn nhịn
của thiền sư làm họ bức rức không yên.
Họ quyết định giải oan cho thiền sư.
Sau khi nghe 2 người này giãi bày, xin lỗi và xin lại đứa bé, thiền sư
chỉ đáp gọn lỏn: “vậy à!”
Chúa Giê-xu khi ra trường án, giữ sự im
lặng vì Ngài biết rằng bản án đã có trước khi xử và Ngài có nói gì cũng vô ích
thôi (Ma-thi-ơ 27:12-14).
- N – Ngắn
ngủi: “life is too short” là câu
chúng ta thường nghe, được nhắc nhở là chúng ta không sống mãi trên đời
này. Sau vế “life is too short
to...” tức là “cuộc đời quá ngắn để mà...” có nhiều vế sau khác nhau được
thêm vào tùy theo cách suy nghĩ của từng người. Câu được nhiều người thích nhất là “life
is too short to hold grudges” (cuộc đời quá ngắn để hận thù dai.) Những bất trắc có thể xảy ra cướp đời
sống mình trong tíc tắc. Vui cười
và bỏ qua (xính xái) để tâm được thanh thản:
Ai
hận thù một phút,
Là
mất sáu mươi giây.
Thay
vì vui hạnh phúc,
Lại
buồn khổ sầu cay.
Cuộc
đời quá ngắn ngủi,
Biết
sống tới ngày mai?
Mở
lòng ra tha thứ,
Thanh
thản trong lòng ngay!
- H – Hư
không: chúng ta mua phiền não khi
chúng ta tìm tòi những thứ hư không trong đời. Nếu nhận ra tiền tài, sắc đẹp, danh vọng
là những tạm bợ trên trần, có đó rồi mất đó thì chúng ta đỡ đau khổ. Đi tìm những thứ không hư thì hơn, đó là
những giá trị tinh thần, đạo đức, tôn giáo, sự sống của linh hồn... Cả
tuần làm việc mệt nhọc, ngày cuối tuần lo việc tâm linh để tìm những giây
phút thanh tịnh.
Sáu
ngày vất vả long đong
Tính toan những việc hư không dưới trời
Đến ngày Chúa nhật thảnh thơi
Gẫm suy những việc đời đời không hư.
Tính toan những việc hư không dưới trời
Đến ngày Chúa nhật thảnh thơi
Gẫm suy những việc đời đời không hư.
Sau cùng, để kết
thúc, chúng ta có thể dùng một đoạn thơ được ưa chuộng của Reinhold Niebuhr để nhắc nhở
rằng sức lực chúng ta có giới hạn. Có
việc chúng ta có thể làm được, có việc không thể làm:
God, grant me
the serenity
To accept the
things I cannot change;
Courage to
change the things I can;
And wisdom to
know the difference.
Xin Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận
những gì con không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những gì con có thể
thay và sự khôn ngoan để biết sự khác biệt.
Trí
nhớ giảm sút, phải làm sao?
(Trích
Bacsi.com)
Đôi lúc, bạn có cảm giác mất trí
nhớ tạm thời nên chẳng biết mình đang và cần làm gì? Càng lớn
tuổi, con người càng hay quên. Đó là lý
do bạn nên quan tâm, chăm sóc cho "bộ nhớ" của mình từ bây giờ.
Trí nhớ và hoạt động trí tuệ nói
chung là chức năng thần kinh cao cấp của con người. Ở mỗi người, trí nhớ lại có những phương thức
hoạt động phù hợp với hoàn cảnh nghề nghiệp, gia
đình, vị thế xã hội của họ. Trí nhớ ngắn hay dài hạn đều
phụ thuộc vào não bộ. Trí nhớ ngắn hạn
là khả năng lưu giữ những thông tin mới tiếp
nhận trong vài giây, trước khi nó được củng cố để giữ lại lâu dài. Trí nhớ dài hạn là quá trình lưu giữ
các thông tin tiếp nhận được và con người có thể nhớ tới
chúng sau một thời gian. Dù ngắn hay dài
hạn, việc hình thành và duy trì trí nhớ đều trông cậy vào
một khu vực nằm sâu trong não bộ, gọi là vùng hippocampus. Bên cạnh nó là vùng hạnh nhân (amygdala), tạo
cảm xúc, in dấu những ký ức của mỗi người.
Lớp ngoài của vỏ não lưu giữ trí nhớ dài
hạn ở những khu vực khác nhau nhờ những loại hình thông tin đa dạng như ngôn ngữ,
cử chỉ, cảm giác... Để những vùng nói
trên hoạt động hiệu quả, các động mạch nuôi não phải thông suốt để não có đủ
ô-xy, năng lượng, các chất dẫn truyền thần kinh
không thiếu hụt và các "khớp thần kinh"
(synapse) được bảo tồn. Tuy nhiên, trong
thực tế, những điều kiện đó dễ bị
xâm hại do tác động của nhiều yếu
tố, khiến chúng ta sa sút trí tuệ, mất trí nhớ,
bị bệnh Alzheimer, Parkinson...
Những phương
pháp cải thiện trí nhớ hiệu quả
Kẻ thù nguy hiểm nhất của trí nhớ
là stress. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội,
mọi người đều chịu nhiều áp lực. Không ít người bị stress trầm trọng khiến
cơ thể phóng thích nhiều
cortisol (stress hormone), làm tổn thương
vùng hippocampus. Mặt
khác, stress còn làm giảm, thậm
chí mất tập trung. Ngoài ra, cortisol
còn thúc đẩy việc sản xuất insulin, ngăn không cho vùng hippocampus sử dụng đủ
chất đường để não có năng lượng cho việc ghi nhớ. Hơn thế
stress còn gây khó khăn cho việc
"truy cập" ký ức đã
được lưu giữ.
Dưới đây là các
cách giúp cải thiện trí nhớ.
1. Hóa giải stress bằng phương pháp thiền hay yoga. Đây là cách gỡ bỏ các áp lực, làm chùng giãn
tâm thần, tăng khả năng tập trung... Ngoài
ra, bạn có thể luyện tập thể lực ngoài trời như
bơi lội,
đi bộ, đạp xe, tập aerobic... Hoạt động
thể lực chính là biện pháp đốt cháy stress, vì chúng giúp cho tim tăng cung
lượng máu tới não và các phủ tạng, khiến tinh thần phấn
chấn, sảng khoái.
2. Tập thể dục cho não bằng cách đọc sách, báo,
lướt các trang web lành mạnh và bổ ích. Đồng
thời, bạn nên chơi các trò chơi
trí
tuệ như ô chữ, cờ tướng (hoặc cờ vua), học ngoại ngữ
hay chơi một loại nhạc cụ nào đó... Cách này làm tăng lượng ôxy tới não, thúc đẩy
quá trình dịch chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn.
3. Một chế độ dinh dưỡng
đầy đủ và cân đối, nhiều rau, trái cây, giúp tăng cường các chất
dinh dưỡng như lecithin (có trong dầu đậu nành,
trứng, đậu phộng, mầm lúa mạch, gan), vitamin C (trong cam, chanh, rau, quả) và
các vitamin nhóm B (trong gan, thận, thịt nạc, sữa, yogurt). Tất cả các chất này hỗ trợ cho việc sản xuất
chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Các a-xít béo omega-3 như DHA (Docosahexaenoic Acid)
được coi là "thức ăn của não".
Chúng có nhiều trong các loài cá biển vùng nước lạnh
như cá hồi, cá trích... giúp bù đắp một lượng
đáng kể chất xám của não. Chất béo trong
não làm thành các màng tế bào và giữ vai trò quan trọng trong
hoạt động sống còn của tế bào não. Các
nơ-ron
thần
kinh cũng rất giàu a-xít béo omega-3 còn giúp cân bằng cảm xúc lành mạnh và tâm
trạng tích cực ở người cao tuổi. DHA cũng là thành phần chính của các "khớp
thần kinh".
Nhiều công trình
nghiên cứu đã cho thấy, các chất chống ô-xy hóa từ rau, trái cây, các quả mọng,
khoai lang, cà chua, bông cải xanh, củ cải đường, cam, nho, quả cherry, kiwi,
gấc... làm giảm đáng kể nguy cơ suy giảm
trí nhớ bằng cách trung hòa hoặc vô hiệu hóa các gốc tự do. Ngoài ra, các chất chống ô-xy hóa còn cải thiện
dòng chảy ô-xy qua cơ thể và não. Với những người cao tuổi, chế
độ ăn hạn chế năng lượng xem ra rất hữu ích. Họ sẽ tránh được các nguy cơ thừa
cân, béo phì, dẫn tới những bệnh mạn tính như
cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim
mạch... Chúng không những đe dọa khả năng ghi nhớ mà
cả sinh mạng người cao tuổi.
Não có chừng 50% nước cho nên bạn
phải uống đủ nước (1.500-2.000ml mỗi ngày).
Thiếu nước hoặc mất nước nhẹ có thể làm gia
tăng stress hormone, khiến não bị tổn thương, giảm
thiểu trí nhớ. Bạn có thể uống nước sôi
để nguội hoặc nước trà. Trong trà có nhiều
chất tăng thư giãn tâm thần, tăng sự lanh lợi, hoạt bát... Thế nhưng, bạn
cần tránh uống trà đậm đặc vào buổi tối vì có thể dẫn đến
mất ngủ. Mỗi ngày, bạn nên uống một đến
hai ly nhỏ rượu vang đỏ. Chúng có tác
dụng làm giãn nở mạch máu. Các chất
chống ô-xy hóa trong rượu còn
bảo vệ tế
bào não, qua đó cải thiện trí nhớ của bạn.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng rượu vì uống nhiều
làm tăng cholesterol, nguy cơ xơ vữa
động mạch và cản trở dòng máu tới não. Các
nghiên cứu của Đại học Harvard, Mỹ, đã chứng minh, người lạm
dụng rượu thường kém tập trung. Khi tham gia những thử nghiệm về
nhận thức, họ kém hơn hẳn những người uống rượu vang có chừng
mực.
4. Phải tạo được giấc ngủ tốt để giúp não củng
cố trí nhớ ngắn hạn cũng như dài hạn. Nghiên cứu của Đại học Lubeck, Đức, đã cho
thấy sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề
có liên quan mật thiết đến giấc ngủ đầy
đủ của mỗi người. Chứng mất
ngủ hay chứng ngừng thở khi ngủ
làm cho người ta mệt mỏi nên không thể tập trung.
5. Kiểm soát tốt những căn bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường... cũng là một giải pháp hữu hiệu để tăng cường
trí nhớ.
6. Lối sống tích cực, lạc quan, cởi mở có tác
động rất lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, nhất là
đối với phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn
kinh và những người cao tuổi. Đồng thời,
cách này còn cải thiện đáng kể trí nhớ và các hoạt động trí tuệ nói chung.
Trích từ Bacsi.com
Tình
Trạng Dở Sống, Dở Chết
Một số người bệnh
bị hôn mê phải dùng một số trợ cụ nhân tạo như máy hô hấp để giữ cho sự tuần
hoàn, hô hấp, dinh dưỡng như người bình thường.
Vấn đề quyết định sống chết ở một số trường hợp trở nên phức tạp khi
thân nhân thấy người bệnh chưa chết vì còn thở và còn một số phản ứng dù nhỏ
nhoi. Trong khi đó, các bác sĩ hay những
người có trách nhiệm nhận cơ quan hiến dâng định rằng người bệnh hết sống vì óc
đã chết. Đã có một số vụ kiện cáo vì
những người dở sống dở chết này. Luật lệ
mỗi xứ mỗi khác, ngay tại Huê Kỳ, mỗi tiểu bang cũng một khác
Khi nào là não
chết (Brain Death): Khi mà các cơ năng
của não và của cuống não (brainstem) như hô hấp, nhịp tim.. ngưng nghỉ mà không
thể phục hồi thì được gọi là não chết hay là cuống não chết (brainstem death). Khi một người không còn dấu hiệu cuống não
hoạt động và bị tổn thương trầm trọng không có cơ phục hồi nếu không nhờ tới
những trợ cụ như máy hô hấp nhân tạo, gọi chung là life-support machine, người
này có thể xem như chết não bộ. Muốn xác
định chẩn đoán, luật pháp cần 2 bác sĩ kinh nghiệm làm một số thử nghiệm. Các thử nghiệm có phần thử các phản ứng của
người bệnh với các kích thích (responses to stimuli), kiểm các chức năng của
cuống não, thử dừng máy hô hấp coi người bệnh có tự thở lại được không. Chỉ khi nào cả hai bác sĩ đồng ý là cơ năng
của não và cuống não không thể phục hồi thì chẩn đoán Não Chết mới được kể
(Only if the two physicians are in agreement that brainstem and brain functions
have been irreverbibly lost is the diagnosis of brain death confirmed.) Nếu quyết định của tòa án và sự chấp nhận của
bệnh viện, gia đình dựa vào sự chẩn đoán của hai bác sĩ này thì sự việc dễ dàng
hơn nhiều.
… Lăn Vô Bếp
Có 4 lý do khiến
người ta phải “lăn vô bếp”:
1. Muốn ăn, như câu tục
ngữ nói: “Muốn ăn thì lăn vô bếp”,
2. Muốn tự nấu những món lành
mạnh, hợp khẩu vị, hợp căn bệnh mình đang có,
3. Các ông phải tập “lăn vô bếp”
khi vợ không có bên cạnh (qua đời, đi nuôi cháu…). Khi người phối ngẫu đi vắng,
các bà xưa nay vẫn thường hay vào bếp
nên vẫn ăn uống đầy đủ, trong khi phần lớn các ông vì không quen nấu nướng, nên
hay ăn những món không lành mạnh, vì vậy tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu.
4. Nhiều
người tập lăn vô bếp khi kinh tế
toàn cầu bị suy sụp, mọi vật giá đều tăng. Bớt đi ăn tiệm và nấu ăn tại nhà đã tiết
kiệm được rất nhiều.
5. Tự nấu ăn, ngoài chất lượng vả
sự vệ sinh bảo đảm hơn, chúng ta còn học được một nghệ thuật ẩm thực. Qua nêm, nếm, khứu giác và vị giác của chúng
ta được sống động.
Chúng
ta tìm hiểu 5 điểm lý thuyết chính của
khoa
nấu ăn:
A: Ăn uống là một nghệ thuật và nấu ăn cũng là
một nghệ thuật. Đầu bếp
giỏi sẽ khéo vận dụng
và điều
khiển 3 sức mạnh: nước, lửa, gió của
thiên nhiên để biến
vật liệu sống sít thành thức
ăn chín thơm ngon. Ướp
thịt cá trước khi nấu là
một nghệ thuật; nếm
và nêm thức ăn cho hợp
khẩu vị cũng là nghệ thuật cần
phải học.
B: Bí quyết nấu ăn: muốn
nấu ăn ngon, chúng
ta học kinh nghiệm, tìm hiểu bí
quyết (mẹo) của
người khác. Internet ngày nay
cung cấp cho
chúng ta một rừng tài liệu những
cách nấu thức
ăn (recipes, chữ Nho là thực-phổ
食譜).
C: Cân bằng về âm dương, hàn nhiệt,
hư thiệt
(theo Đông y), về
màu sắc cùng mùi vị. Cân
bằng về
3 thành phần tinh bột, đạm và dầu.
D: Dinh dưỡng: chọn những thức ăn dinh
dưỡng cao như rau cải,
trái, hạt, đậu. Muốn thức
ăn tiêu hóa dễ dàng thì tránh ăn
những thức
không hạp cơ thể
của mình. Ăn chậm rãi, nhai
kỹ trước khi nuốt thì dễ tiêu hơn. Bình an và vui
vẻ là 2 thứ khai vị rất tốt.
Đ: Điều trị: thức ăn
không những nuôi dưỡng
cho cơ thể,
mà còn giúp ích trong việc trị bệnh.
Chữ Hán gọi thức ăn nên thuốc là
“dược thiện”
藥膳 . Người cao niên vào một tuổi nào đó là có
vấn đề
Mỡ-Đường-Máu, tức là lượng chất mỡ
trong máu cao, chất đường trong
máu cao, và
huyết áp cao. Tiếng
Anh gọi y học ẩm thực là
culinary
medicine.
Chọn thức ăn và cách nấu
để giúp phần vào việc trị bệnh
cao mỡ, cao
đường, cao huyết
áp. Y học ngày nay đặc biệt
chú ý đến
hội chứng biến dưỡng (metabolic
syndrome) ở người cao niên với
đường huyết
cao vì bất khiển dụng chất
insulin. Đường trong
máu cao lâu ngày phá hoại mọi cơ quan, bộ
phận
trong cơ thể.
Vì nó dịu dàng, ngọt ngào nên khó
nhận diện và nhiều
người không hề biết mình
chính là “đường nhân”.
7 điểm thực
hành:
KITCHEN là tiếng
Anh chỉ cái bếp.
Chữ này tiềm ẩn 7 điều thực hành khi
nấu ăn:
K - Keep it
simple, make it fun. Làm bếp cần
giản dị, đơn giản.
Xem nó như một trò giải trí:
chơi
nấu
ăn.
I - Ingredients:
những vật liệu cần thiết trong
việc sửa soạn món ăn. Trước khi
nấu, hãy bày
tất cả các vật liệu như thịt,
đậu hũ, rau, giá,
đường muối … ra trước mắt thì sẽ
dễ dàng cho
người đầu bếp
hơn.
T - Timer:
đồng hồ canh giờ. Dụng cụ này rất
cần thiết
để thức ăn không bị khét. Khi nấu với
lửa lớn, chúng ta cần có mặt tại
lò, chừng nước
sôi rồi, chúng ta nhỏ lửa (riu
riu) thì nên vặn
timer để chúng ta có thể làm
chuyện khác. Khi
dùng lò vi ba (microwave), nên cẩn
thận thời
gian mình bấm. Có khi muốn nấu 1
phút, mà
bấm nhanh quá, nó nhảy thành 10
phút !
C - Cooking methods:
dùng đúng cách nấu
nướng. Các cách nấu gồm có: Chiên, chưng,
xào, sấy,
rang, luộc, quay, ninh, nướng, hầm, hấp, hâm, um, tiềm,
tráng, kho, khèo, khìa.
Học biết
cách dùng lò nướng (oven), lò
vi ba (microwave), nồi nấu chậm
(slow cooker),
lò nấu bằng áp suất (pressure
cooker). Dùng lò
nướng (oven), cần biết
BAKE là lửa từ dưới lên,
BROIL là lửa từ trên áp xuống.
Không bao giờ
luộc trứng bằng lò vi ba. Tránh
ăn bắp rang
bằng lò vi ba (microwave popcorn)
vì trong túi
đựng bắp có chất hóa học, khi
rang lên có thể
gây ung thư.
H - Herbs. N
hững thứ rau thơm, rau mùi như
quế, húng, gừng,
sả… cùng những gia vị như
Tiêu Hành Ớt Tỏi (viết
tắt là THỚT) cần thiết để
tăng khẩu vị khi ăn. Thêm vào đó, khéo sử dụng
những thứ này sẽ trị được một số
bệnh thông
thường. Ướp thịt cá trước khi chiên, nướng, xào
là một nghệ thuật làm dậy mùi vị
thơm ngon cho
thức ăn.
E - Enjoy fresh,
hot foods: một lợi ích khác khi
chúng ta tự thân lăn vô bếp
là có thể thưởng thức
những món ăn nóng hổi, thơm ngon mới
ra lò.
Bánh xèo mà ăn lúc trên chảo vừa
đem xuống
ngon gấp mấy lần so với để nguội
vài tiếng đồng
hồ.
N - New way
to cook, try something new: đừng
ngần ngại dùng những vật liệu
khác thay thế khi
thiếu những món
trong sách chỉ. Thử hấp thay
vì luộc, thử chưng thay vì chiên.
Dần dà chúng
ta sẽ sáng chế
những món thích hạp với khẩu vị
của mình.
Trước
khi lăn vô bếp
Bụng
đói như con rệp
Khi
lăn ra khỏi bếp
No
như chuột hũ nếp.
Cháo
Cá Hồi
Salmon nấu cháo khỏi chê
Filet miếng lớn mua về lạng da
Có xương chịu khó gỡ ra
Thịt thì thái mỏng ướp qua muối/đường.
Bầm mịn một ít hành hương
Sẵn xoong phi tỏi bỏ luôn vô xào
Gạo vo đã ráo rồi sao?
Rảnh tay em hãy cho vào rang sơ
Thêm nước vô nấu một giờ…
Hành/ngò ngâm/rửa lúc chờ đợi nha
Giá nên nhặt rể em à
Sắp ra tô trước thế là gần xong
Cháo nhừ nhìn thấy ngon không?
Quậy cá vào nhé… Mầu hồng đẹp ghê!
Nếm/nêm rồi múc ra nhe " .
Rải hành/ngò, rắc tiêu nè… quá ngon.
Trọng Văn
Salmon nấu cháo khỏi chê
Filet miếng lớn mua về lạng da
Có xương chịu khó gỡ ra
Thịt thì thái mỏng ướp qua muối/đường.
Bầm mịn một ít hành hương
Sẵn xoong phi tỏi bỏ luôn vô xào
Gạo vo đã ráo rồi sao?
Rảnh tay em hãy cho vào rang sơ
Thêm nước vô nấu một giờ…
Hành/ngò ngâm/rửa lúc chờ đợi nha
Giá nên nhặt rể em à
Sắp ra tô trước thế là gần xong
Cháo nhừ nhìn thấy ngon không?
Quậy cá vào nhé… Mầu hồng đẹp ghê!
Nếm/nêm rồi múc ra nhe " .
Rải hành/ngò, rắc tiêu nè… quá ngon.
Trọng Văn
Tự Vựng
Amygdala: nhân
hạnh, hạnh nhân
Amygdaloid nucleus: nhân hạnh
Antioxidant :
chất chống ô-xy hóa
Apathy: vô cảm
Aqueduct of Sylvius: kênh Sylvius
Archicerebellum: sơ
tiểu não
Autism: tự kỷ
Basal ganglion:
nhân nền
Brain stem: cuống não
Cerebello-pontine angle: góc tiểu kiều
Cerebellum: tiểu não
Cerebral peduncles: não túc, chân não
Cerebrum: não, đại não
Choroid plexus: chum huyết quản
Cingulate gyrus:
luống bao
Cognitive: nhận thức, hiểu biết
Cognitive function: chức năng nhận thức
Cognitive
learning: học có nhận thức
Commissure: mép
Conditioning: điều kiện hóa
Consciousness: ý thức
Corpus
callosum: thể sừng
Corpus
striatum: thể sọc
Crystallized
intelligence: trí khôn kết tinh
Delay of
gratification: khả năng đình hoãn thụ hưởng
Dental
gyrus: luống răng
Depression: trầm cảm
Diencephalon: thông não
Emotional
Quotient: số thương cảm xúc
Empathy: thấu cảm
Ependyma: màng ống
nội tủy
Epiglottis: thượng
họng
Epilepsy: động kinh
Extrasensorial
perception (ESP): nhận thức ngoài giác
quan
Flocculonodular:
thùy vân hạt
Fluid
intelligence: trí khôn di động
Folia: diệp
Fornix: thể vòm
Fossa: hố
Frontal lobe:
thùy trán
Granular cells: tế bào hạt
Gyri: luống
Habenular: mép thận
Hallucination:
mộng tưởng
Hippocampal commissure: mép hải mã
Hippocampus: luống hải mã
Hypomania :
hưng cảm nhẹ
Hypothalamus: hạ
đồi thị
Illusion: ảo tưởng
Impulsion: xung
động
Intelligence quotient:
phân số thông minh, thương số trí tuệ, số thương thông minh
Instinct: bản năng
Interpeduncular fossa: hố liên túc
Limbic
system: hệ viền
Mammillary body:
nhũ thể, thể nhũ
Mania: hưng cảm
Medulla: tủy
sống
Medulla
oblongata: hành tủy
MEG: magneto-encephalography
Mental
rehearsal: tập dượt trong trí
Mental
rumination: nghiềm ngẫm tâm thần
Mesencephalon:
trung não
Metencephalon: hậu não
Mood: tâm trạng
Motor strip:
giải vận động
MRI: magnetic resonance imaging
Myelencephalon: tủy não
Neurotransmitter:
thần kinh tố (200)
Occipital
lobe: thùy chẩm
Olive: thể xoan
Oropharynx: cổ họng
Palate: màng khẩu cái
Pallium: vỏ não (paleopallium: cổ vỏ não; neopallium: tân vỏ não)
Parahippocampus:
luống cận hải mã
Parahippocampal gyrus: luống cận hải mã
Parietal
lobe: thùy đính
Parieto-occipital
fissure: khe đính chẩm
Personality: nhân cách
PET: positron emission tomography
Phobia: sợ ám ảnh
Pia mater: lớp nội mạc não
Pineal gland:
tuyến thông
Pituitary: tuyến
yên
Pons: cầu não, kiều não
Prefrontal cortex: vỏ tiền trán
Preoccipital notch: mấu tiền chẩm
Primary fissure: rãnh nguyên thủy
Prostate hypertrophy:
tuyến tiền liệt phì đại
Psychoimagination therapy: trị bệnh bằng tưởng tượng
Psychosis: loạn
tâm thần
Psychosomatic disorders: bệnh chịu ảnh hưởng của tâm
trí
Rhombencephalon: bình hành não
Sensory strip: giải cảm giác
Schizophrenia:
bệnh tâm thần phân lập
Somnambulism:
miên hành
Stereognosis: nhận thức cảm giác lập thể
Sulci: rãnh
Synapse: khớp
thần kinh
Tela choroidea: màng huyết quản
Telencephalon: viễn não
Telepathy: thần
giao cách cảm
Temperament: tánh
khí
Temporal: thùy
thái dương
Thalamus: đồi thị
Utopia: điều không
tưởng
Ventricle: não thất
Vermis: ngài
Vestibular: tiền đình
Mục Lục
Lời mở đầu, lời
cảm tạ, t. 2
An Khang Trí Tuệ
(thơ TMN) t. 3
Chuyện Cọp,
Trâu, Người t. 4
Chuyện Bán Lược
Cho Nhà Sư t. 5
7 bi quyết
A.N.K.H.A.N.G t. 8
Lý âm dương của
2 bán cầu t. 9
Ăn t. 10
Ý thức t.
14
Tiềm thức, siêu
thức t. 15
Ngủ, tiềm thức t. 15
Ký ức t.
17
Hướng Tới, 3R,
4R, oligomers t. 18
An ổn t. 20
Năm Giác Quan t. 21
Giải Trí, t.
25
Cười là liều
Thuốc Bổ (thơ T.T.) t. 26
Cười (thơ TMN) t. 27
Những thói quen
tai hại đến trí não t. 28
Từ Thanh Lịch
đến Thô Lỗ t. 32
Chuyện Ông Bà
Tám t. 36
Lòng Dạ và Cảm Xúc t. 41
9 Loại Thông
Minh t. 48
Tưởng Tượng t. 49
Kinh Niên t. 53
Đàn Kiến trong
buổi Picnic t. 57
Ăn Gì, Nghĩ Nấy
(20 thực phẩm) t. 62
100 Mẹo Cải
Thiện Trí Tuệ t. 68
Thanh Tịnh t.
75
Trí Nhớ Giảm
Sút, phải làm sao? t. 83
Tình Trạng Dở
Sống, Dở Chết t. 87
Lăn Vô Bếp t.
89
Cháo Cá Hồi t. 92
Tự Vựng t. 93
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét