Thuyền Hồn Neo Bến…
Châu Sa
Ông Bà thương tặng các cháu:
Solomon, Benjamin
Luke, Zeke, Jake
Mục Lục
Thuyền Hồn Neo Bến 04
Đất Bao Dung 13
Ba Cấp Linh Trình 16
Bảy Mươi Lần Bảy 19
Bí Quyết Dâng Hiến của Vua Dầu Hỏa 20
Bốn Lời Nói của ông Job 22
Cảm tạ Thượng Đế mỗi ngày 23
Cầu Nguyện 25
Cửa Kính và Gương Soi 27
Cho và Nhận 29
Chọn Mặt Gửi Vàng 31
Chú Khỉ Phàn Nàn 35
Chúc Tết tại HT Jacksonville 37
Đếm Ơn Phước 39
Đổi đời 41
Hòa Thuận 42
Hội Thánh Phước Hạnh 45
Kênh Tình Yêu 46
Khoảng Trống Tâm Hồn 49
Không Có Thì Giờ 51
Khi Tôi Nói 53
Kho Tàng 55
Không Vô Ích 57
Kinh Thánh 58
Lòng Biết Ơn 61
Lòng Tin và Lời Nguyện 62
Luật Lệ và Tình Yêu 63
Mảnh Đất Cơ Nghiệp 65
Mười Điều Răn 65
Mười Tai Họa 66
Nan Đề 67
Nhà Thờ 68
Người Công Chính 71
Ơn Phục Sinh 73
Sáng Tạo 7 Ngày 74
Sâu, Bướm và Người 74
Tám trình độ từ thiện 76
Tận Thế 77
Thi Thiên 23 79
Thông Công 80
Tiệc Tùng & Tang Tế 83
Trái Bình Bát 87
Trái Tim và Bàn Tay 91
Trục Trặc (TROUBLE) 92
Trường Chúa Nhật & Công việc nhà 94
Vạn Sự Như Ý 96
Viên Than và Niềm Tin 99
Vườn Hoa Thơ 99
Thuyền Hồn Neo Bến….
Được trưởng dưỡng trong môi trường tam giáo: Khổng – Thích – Lão, khi tiến tới thì sử dụng
đạo làm người của Khổng, khi thoái thì có tư tưởng thoát tục của Lão Trang, còn
cuộc sống tâm linh về sau thì trao cho Đức Phật, tôi thấy đã quá đủ. Tôi thích tư tưởng của các vị tiên nho xưa như
Nguyễn Công Trứ khi học hành, thi cử, làm việc cũng như lúc hưởng nhàn. Cha mẹ tôi thờ cúng ông bà theo quan niệm của
đạo Lão như đại đa số dân Việt thường làm.
Lúc tôi còn nhỏ, vào các lễ lớn như rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10,
mẹ tôi thường đưa anh em chúng tôi đi chùa, lạy Phật, ăn chay. Cậu tôi làm hòa thượng tại một chùa ở Tân Vạn,
Biên Hòa, là một nhà tu hành đạo cao, đức trọng. Ông rất có uy tín với mọi người trong họ vì
không những ông có kiến thức rộng rãi, mà còn có tâm hiền lành, từ bi như Đức
Phật. Mỗi lần gặp gỡ, nói chuyện với ông,
tôi thấy lòng lâng lâng thoát tục. Tuy có
cảm tình đặc biệt, nhưng thú thật là tôi không hiểu được hết triết lý của đạo
Phật. Tư tưởng thoát tục, yếm thế của đạo
Phật lại làm cho tôi nghĩ rằng đạo này chỉ thích hợp khi tôi ở vào tuổi mùa Đông
cuộc đời.
Tôi chỉ biết mơ hồ về đạo Chúa và cũng không thấy hứng thú tìm
hiểu thêm, mặc dù thỉnh thoảng theo bạn bè đi dự các buổi lễ, tôi thấy không khí
nhà thờ rất trang nghiêm, người theo đạo lúc nào cũng vui tươi, từ tốn. Có điều
không hay là vào thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), có sự đối xử phân biệt thiếu
tế nhị ở các cấp chính quyền, thiên vị
thuận lợi cho người Công giáo hơn người các tôn giáo khác. Rồi đến thời đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 đến cuối
tháng 4 năm 1975), nhiều chuyện rối ren xảy ra, phần nhiều là do những phần tử
cực đoan, quá khích của Phật giáo và Công giáo.
Điều này làm tôi chán ngán, không muốn tìm hiểu thêm hai tôn giáo lớn này
nữa. Tôi có tìm đến sinh hoạt với hội Thông
Thiên Học một thời gian, nhưng rồi phải chìm đắm trong việc học hành để ra trường,
rồi bị trưng dụng vào quân đội.
Sau năm 1975, bị quay cuồng trong cơn lốc đời, song hành với
những biến cố đau buồn của dân tộc, tôi suy gẫm nhiều về kiếp người, về cuộc đời. Tôi như bị hụt hẫng, không còn niềm tin vào đâu
nữa, tôi thấy tương lai của mình và của
con cái thật là đen tối.
Năm 1979, gia đình chúng tôi tị nạn tại Nam Dương, ban đầu tại
đảo nhỏ Kuku, sau đó được chuyển tới đảo Galang. Một điều đánh mạnh vào sự suy nghĩ của tôi
trong thời gian này là tôi thấy các vị linh mục Công Giáo, các mục sư Tin Lành
từ các xứ khác tới để giúp đỡ cho người tị nạn trên các đảo. Các vị này quả có lòng bác ái như Chúa dạy
cho họ. Tiền bạc, thư từ chuyển qua tay
các vị thì không sợ thất lạc. Họ cũng
truyền giáo, nhất là các mục sư Tin Lành, nhưng tôi thấy nghĩa cử của họ nói lên
rất nhiều về đạo Chúa. Tôi có đi nghe vài ông mục sư Tin Lành giảng đạo
và thấy có cảm tình với những người theo đạo này qua đời sống của họ, nhưng lúc
đó, tâm tư tôi rối bời nên không nghĩ tới việc tìm hiểu sâu hơn.
Tháng 7-1980, gia đình chúng tôi đến định cư tại Falls Church, tiểu bang Virginia.
Vào giữa năm 1982, trong khi đợi kết quả kỳ thi FLEX, một bằng
hành nghề y khoa ở Hoa kỳ, tôi đi tìm việc làm tạm để phụ vợ tôi nuôi con. Chạy ngang qua nhà thờ Fairfax Circle
Baptist Church
(ở thành phố Fairfax, Virginia), tôi nhìn thấy tấm bảng treo trên
tường, đề “Vacation
Bible School”. À, đây là lớp dạy Thánh Kinh mùa hè.
Tôi đã có dịp đọc vài Kinh Phật, tôi đã đọc Kinh Dịch, còn
Kinh Thánh? Ngoài một ít câu trưng dẫn
Kinh Thánh tôi tìm thấy trong những sách Học Làm Người của ông Hoàng Xuân Việt,
thú thật tôi rất dốt Kinh Thánh. Văn chương
Âu Mỹ chịu ảnh hưởng Kinh Thánh rất nhiều, cho nên tôi nghĩ rằng không đọc qua
Kinh Thánh là một điều thiếu sót rất lớn cho tôi. Tôi nghĩ mình nên lợi dụng thời gian rảnh rỗi
này để tìm hiểu Kinh Thánh.
Tôi dừng xe, tiến tới gõ cửa văn phòng nhà thờ. Mục sư Gennings tiếp tôi, sau khi nghe tôi muốn
tham dự lớp học Thánh Kinh, ông cười và cho biết rằng lớp này chỉ dành cho trẻ
em, và ông chưa bao giờ thấy có người lớn nào tới xin học. Thấy tôi có lòng muốn học Kinh Thánh, ông hứa
tìm người tình nguyện dạy cho tôi. Vài
ngày sau, ông gọi điện thoại cho tôi biết, có 2 người: ông Bill Pettus và bà
Lorraine Perry chịu dạy Thánh Kinh cho tôi vào mỗi sáng Chúa Nhật từ 9:30 đến
10:30. Tôi rủ vợ tôi cùng đi học. Vợ tôi phản đối, hỏi tôi chắc hết chuyện làm
rồi sao mà đi nhà thờ học Kinh Thánh. Tôi
nói “em cứ coi như mình đi học Anh ngữ vì mình cần trau dồi thêm tiếng
Anh”. Vợ tôi nghe có lý nên bằng lòng và
dẫn theo hai đứa con nhỏ của chúng tôi: Minh
Triết 9 tuổi, Minh Ngọc 8 tuổi. Các con
tôi vào lớp thiếu nhi, còn vợ chồng tôi có lớp riêng do hai người Mỹ nói trên dạy. Chúng tôi học sách Sáng Thế ký (Genesis), sách
Êdíptô ký (Exodus), rồi sau đó qua Tân Ước, bằng sách Giăng (John). Khi thấy chúng tôi có vẻ cảm động về đời sống
và sự hy sinh của Chúa Giê-Xu, hai người hướng dẫn này mời chúng tôi tin nhận
Chúa để được sự cứu rỗi. Chúng tôi cảm ơn,
và cho họ biết rằng chúng tôi cần tìm hiểu thêm, cần thời gian để suy nghĩ xem
có niềm tin thật sự không. Có lúc tôi cũng
bực mình vì thấy họ muốn thúc đẩy mình tin nhận Chúa sớm. Về sau thì tôi hiểu và thông cảm được với họ
vì lối suy nghĩ của người Tây phương là cấp tốc, muốn thấy làm là có kết quả
ngay, không giống lối suy nghĩ của người Đông phương là có chiều sâu và cần thời
gian để cân nhắc.
Khi sinh hoạt chung với nhà thờ Fairfax Circle
Baptist Church
này, chúng tôi nhận thấy những người tin kính Chúa là những người rất tốt, họ đối
xử với chúng tôi như anh em. Họ thương yêu,
giúp đỡ nhau. Con cái họ rất ngoan, không
hút thuốc, không nhậu nhẹt, không xài cần sa ma túy. Khi định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi thường lo lắng
cho các con mình, sợ chúng tập nhiễm những cái xấu của nền văn minh vật chất bản
xứ mà hư hỏng đi. Nay, chúng tôi ước ao
con mình có được niềm tin và có đời sống thánh thiện tốt đẹp như các thanh niên
trong Hội Thánh này. Tôi nhận thấy nhiều
người Tin Lành rất siêng năng: siêng học,
siêng làm, siêng đạo. Công thức Tam Siêng
này giúp cho họ sống đắc thắng ngoài đời cũng như trong đạo.
Vài bạn bè gọi điện thoại khuyên tôi nên dạy con giữ truyền
thống. Đồng ý là có vài truyền thống cũ
của người mình cần bảo tồn như kính trọng người lớn tuổi chẳng hạn, nhưng có những
phong tục đã lỗi thời không thể ép con cái theo được. Tam giáo tuy thâm thúy nhưng con trẻ sống tại
Hoa Kỳ không thể hiểu được. Thánh Kinh
thì có nhiều bản dịch khác nhau, giá rẻ; nhà thờ thì nhan nhản, thành thị cũng
như thôn quê đều có; trong trường trung học, đại học thì có “Bible Club”. Con trẻ chừng lớn đi học xa vẫn có thể đi nhà
thờ để học hỏi, để sinh hoạt cho đời sống tâm linh của chúng. Sau một năm rưỡi tìm hiểu đạo cũng như lòng mình,
chúng tôi vui lòng đầu phục, tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa của đời mình. Thời gian tìm hiểu của chúng tôi có hơi lâu có
lẽ vì tiếng Anh của mình còn yếu lúc đó.
Nếu có Hội Thánh Việt Nam
hay có đồng hương đi trước chỉ dẫn thì chắc chúng tôi đã lãnh hội nhanh hơn.
Nghĩ lại lúc đầu chúng tôi muốn lợi dụng nhà thờ để học tiếng
Anh, học Kinh Thánh, không dè tình yêu của Chúa thu hút và quyền uy Chúa bắt phục
chúng tôi. Thật cuộc đời có những khúc
quanh bất ngờ. Vậy thì Chúa chọn tôi hay
tôi tìm chọn Chúa?
Hồi mới qua Mỹ, có người bạn đi trước báo động rằng qua xứ này,
người Tin Lành họ dụ dữ lắm, có thể tới với họ lúc đầu để được giúp đỡ rồi sau đó
tránh đi, đừng theo Tin Lành vì mình phải giữ đạo ông bà mình chứ. Thấy anh ta thiên kiến, tôi cười và nói đùa: “Tưởng theo tin dữ thì tôi sợ, chứ tin lành
thì tôi cho dụ”. Kết tội người đi giảng đạo
là “dụ” thì không đúng vì họ không dụ dỗ người khác làm chuyện quấy, mà là giới
thiệu người khác về một nguồn phước mà họ đang nếm và muốn người khác cũng được
hưởng như họ. Vậy nói rằng họ muốn chia
sẻ niềm tin, chia sẻ ơn phước thì đúng hơn.
Khi người bán hàng quảng cáo một món hàng xấu mà chính cá nhân họ, hay
gia đình họ không xài thì đó chính là “dụ”.
Tôi thấy người truyền giáo như người được ăn một tô phở ngon tại tiệm Z,
muốn quảng cáo cho người khác biết mà vào tiệm đó ăn. Tuy nhiên, nếu gặp người đang đói thì thật tốt
vì người đói sẽ sẵn sàng bước vào ăn, nhưng nếu gặp người đang no, thì có cho
thêm vàng anh ta cũng không thể ăn nổi.
(Viết đến đây, tôi mới hiểu được Lời Chúa trong Mathiơ 5:3 khi Chúa Giê-Xu
cho rằng những người nghèo khó, đói khát về tâm linh là người có phước vì họ chịu
nghe, tìm hiểu và nhận tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa dễ dàng).
Sau hơn 20 năm ở trong nhà Chúa, tôi đã nếm trải được nhiều
sự dạy dỗ, uốn nắn từ Chúa, sự an ủi, khuyên nhủ của anh em trong Chúa của mình. Tôi thấy tôi thay đổi nhiều. Tôi thấy mình bớt khó chịu mà chịu khó hơn, bớt
xét nét mà độ lượng hơn, bớt nóng nảy mà trầm tĩnh hơn, không coi trọng những sự
tạm bợ mà biết yêu quí những gì trường tồn.
Vợ tôi, các con tôi, cùng dâu và rể đều có niềm tin vững chắc trong Chúa. Những “chồi ô-liu” của thế hệ thứ ba đã được
sinh ra, đang lớn lên trong nhà Chúa.
Tôi cứ suy nghĩ mãi một câu nói không biết xuất xứ từ đâu, mà
nhiều nguồn tài liệu cho rằng đây là câu cách ngôn của Trung Hoa: Khi có
ai chia sẻ cho bạn những gì có giá trị và bạn nhận được lợi ích từ đó, bạn có bổn
phận tinh thần chia sẻ lại cho người khác
(When
someone shares something of value with you and you benefit from it, you have a
moral obligation to share it with others.)
Tôi có 3 điều để chia sẻ lại với các bạn:
1/ Tôi thấy mình không uổng công theo Chúa, dù những thiệt
thòi mà tôi gặp phải là 4 cái mất: mất thì
giờ, mất tiền bạc, mất một số bạn và mất … vui (vì cuối tuần, người ta đi chơi,
còn mình thì làm bạn với Kinh Thánh, với nhà thờ). Những cái mất nhỏ đó là cái giá phải trả để được
phước hạnh lớn và sự thương xót vô bờ mà Chúa đã ban mình. Những ơn phước diệu kỳ cũng như những phép lạ
xảy ra đúng lúc trong đời làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Tôi chỉ biết cúi đầu tạ ơn Chúa.
2/ Điều làm tôi vui
nhất là giúp cho các con tôi có niềm tin trong Chúa. Trong mấy thập niên qua, tôi đã đầu tư vào thứ
nọ thứ kia, nhưng tạo niềm tin yêu và hy vọng cho con cái, tôi cho là một đầu tư
tốt nhất và tôi ưng ý nhất. Một lần, con
gái tôi có bày tỏ cảm tưởng là món quà vĩ đại mà cha mẹ cho nó chính là niềm
tin của chính nó vào Chúa Cứu Thế. Lời này là một an ủi cho vợ chồng chúng tôi rất
nhiều, vì nhớ lại lúc đầu chúng tôi đi tìm chân lý là vì hạnh phúc của con cái*. Tôi tin rằng nơi nào, dù là gia đình, dòng họ,
hay dân tộc có Chúa ngự trị thì nơi đó sẽ được phước. Nhiều nơi trong Kinh Thánh nhắc đến những phước hạnh của con dân trung tín
trong Chúa truyền xuống nhiều thế hệ sau.
(Xuất Êdíptô 20:6 sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta).
3/ Tôi được cứu rỗi vì
Chúa ban cho sự cứu rỗi mà các tôn giáo khác không có. Tất cả các tôn giáo đều giống nhau ở phần căn
bản là dạy người ta làm lành lánh dữ, nhưng chỉ có đạo Chúa mới có sự cứu rỗi của
linh hồn. Nếu chỉ có cái nhìn “hình nhi
hạ” thì đạo nào cũng tốt, nhưng đi sâu xa hơn thì mỗi tôn giáo mỗi khác. Vì Chúa Giê-Xu là Thượng Đế nên có thể tha tội
cho tôi, và ban cho tôi sự cứu rỗi để linh hồn của tôi được thanh thản mà trở về
bên Chúa đời đời.
Bước đi trong Chúa chỉ vì lời hứa của Chúa là hành vi khôn
ngoan hay dại dột? Nếu vì lời hứa hão
huyền mà mình tin theo thì thật là dại dột, nhưng nếu Chúa có thật và Ngài thành
tín trong lời hứa mà không tin thì thật đáng tiếc. Bám chặt lấy hứa ngôn của Chúa như tin cậy vào
ánh sáng cuối đường hầm, như người sắp chết đuối bám chặt lấy cái phao, tôi thấy
đường đi theo Chúa là một phiêu lưu kỳ thú.
Cuộc phiêu lưu này có đầy những ơn phước ngọt ngào, nhưng cũng không thiếu
những hoạn nạn; có những phút bình tịnh như du thuyền trên dòng sông vào mùa
thu, nhưng cũng không thiếu những cám dỗ, những bẫy dò lúc mình không tỉnh thức; có những lúc sung sướng tiên hưởng phước Thiên
đàng, nhưng cũng không phải không có những hồi đau khổ. Thử thách, hoạn nạn, cám dỗ là ba thứ mà ta
luôn gặp để rèn luyện đức tin của chúng ta.
Tôi tin chắc rằng lúc mình gặp những khó khăn đó là lúc Chúa dõi mắt
quan phòng nhiều nhất.
Trôi nổi trên biển đời lao xao bất ổn, cuồng phong bão tố có
thể bất chợt xảy ra, niềm tin trong Chúa giúp tôi có được sự bình an mà thế
gian không thể cho. Có thể ví như thuyền
hồn tôi tìm được bến để thả neo: Bến Chúa.
Dù biển đời xao động
Bao sóng gió đảo
điên
Thuyền hồn neo bến
Chúa
Được bình yên,
bình yên.
Châu
Sa
* Tâm lý con người chúng ta rất sợ sự
thay đổi, nhất là thay đổi những gì thuộc truyền thống gia đình, cũng như tâm lý
học nhận rằng “unlearning” là điều không phải dễ. (Có thể dịch Unlearning là “tháo và thế”, tháo
bỏ cái cũ, thay thế bằng cái gì mới).
Trong dòng họ, phải có người can đảm bước đi trước, để các thế hệ sau đi
theo, nên tôi thấy rằng trong gia tộc, tôi là người phiêu lưu.
Đất Bao Dung
Sau
cuộc bể dâu tháng 4/75, mọi trật tự xã hội bị đảo lộn, tôi trải qua nhiều thay đổi,
nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Sau khi
chồng phải đi học tập, tâm trạng tôi lúc đó như kiến bò trên miệng chảo nóng, lúc
nào cũng thắc thỏm, lo âu, cảm thấy như tai họa có thể giáng xuống bất cứ khi nào. Cuối năm 1977, chồng được cho về, và nhờ có
nghề chuyên môn, anh được làm việc lại tại thành phố. Tưởng là được yên vui, hạnh phúc, nhưng nào có
được. Người chế độ cũ dầu có làm gì cũng
bị kềm chế, kỳ thị, nghi ngờ. Anh thường
than: “nghề nghiệp của anh phải được tự do, thoải mái thì mới phát huy được sáng
kiến, chứ bị kiềm chế thì không thích làm chút nào hết”. Có lúc, anh bắt chước Lệnh Hồ Xung trên đỉnh
núi Hoa Sơn cảm khái than: “Trời cao đất rộng thế này mà ta không có chỗ dung
thân.”
Rồi,
tháng 6-79 chúng tôi liều lĩnh ra đi tìm đất sống. Sau 8 ngày đêm lênh đênh trên biển cả với bão
tố, sóng gió, cướp bóc, đói khát, bị tàu hải quân Mã Lai kéo tới kéo lui, vợ chồng
chúng tôi và 2 con cũng lên được đất liền (đảo Kuku, Nam Dương), và tháng
7-1980 được định cư tại Hoa Kỳ.
Sau năm năm trời vất vả với nhiều việc
làm khác nhau để nuôi sống gia đình và giúp chồng ăn học, tôi thấy vui là anh được
trở lại nghề cũ và đời sống gia đình chúng tôi được thoải mái hơn.
Chúng tôi lúc nào cũng tạ ơn Chúa
cho gia đình chúng tôi lọt được vào vùng đất bao dung này, vùng đất cơ hội cho
người có chí. Vùng đất mà hiến pháp đặt
trên nền tảng Kinh Thánh và phần lớn người cầm quyền là những người tin kính Chúa. Nhờ truyền thống Cơ đốc đó mà họ có lòng bao
dung rộng rãi, đón tiếp mọi giống dân tị nạn không phân biệt chủng tộc, để rồi
những người kém may mắn này một khi tự lập được lại đóng góp vào sự thịnh vượng
chung của quốc gia. Tôi không phải không
biết là vẫn có những sự kỳ thị, những bất công mà người tị nạn mình gặp phải,
nhưng tôi thấy đó chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, địa phương hay cá nhân, chứ chánh
sách chính phủ thì rất bao dung, rất công bình.
Tôi cảm ơn Chúa là con cái chúng tôi
có phương tiện học hành, học tới đâu tùy ý thích của chúng. Tôi cảm ơn Chúa là gia đình chúng tôi có cơ hội
sống cho đời sống tâm linh của mình. Sau
khi gia đình tôi thấy được tình yêu Thiên Chúa và tiếp nhận Ngài làm chủ đời sống,
tôi mừng mà thấy mình được giải phóng khỏi những sợ hãi, những hủ tục, mê tín,
thành kiến cũ. Gia đình tôi đang bước đi
mạnh dạn trong đức tin.
Tôi cảm thấy như mình đang được sống
gấp hai, gấp ba. Tôi không nói đến tuổi
thọ, hay số năm được sống mà tôi muốn nói đến phẩm chất của đời sống. Xứ này có mọi phương tiện để tôi phát triển
khả năng của mình về mọi mặt tâm, trí, thể.
Có lúc tôi ước phải chi mình có 48 giờ một ngày để tôi học nhiều hơn, làm
nhiều hơn và giúp đỡ người khác nhiều hơn.
Cảm ơn Thiên Chúa đã có chương trình
đặc biệt cho gia đình chúng tôi và Chúa luôn luôn thương xót, sửa dạy chúng tôi.
Minh Chung
Bạn à,
Cảm ơn bạn đã chịu khó đọc đến đây. Có thể bạn thấy tẻ nhạt, không gì hấp dẫn để
đọc thêm vì bạn đang thành công trên đời, và cảm thấy hạnh phúc, bạn không thấy
cần tìm hiểu gì về đời sống tâm linh. Có
thể bạn thấy bực mình vì những lời viết có vẻ như truyền giáo này, mà bạn không
có cảm tình tốt đẹp với những người đi truyền giáo không được tế nhị trong quá
khứ. Có thể bạn không tin một đấng nào
có thể cứu được bạn vì bạn tự thấy mình quá hư hỏng. Có thể bạn nghĩ rằng bạn phải tự cứu lấy
mình, tự mình thắp đuốc cho mình, phải trả những nghiệp mà trong quá khứ mình
đã gây ra…
Bạn có thể không thấy hứng thú để đọc tiếp những trang sau,
nhưng xin bạn đừng vội quăng bỏ quyển sách nhỏ này. Bạn hãy để nó vào một góc nào đó trong tủ
sách, đợi đến một ngày… khi mà bạn thấy đời sống mình quá trống rỗng,
khi cảm thấy con thuyền tâm linh của mình không biết thả neo vào đâu, khi mà
các bến cảng, các nơi quen thuộc đều từ chối không tiếp nhận, hoặc xua đuổi
mình, thì có thể bạn nhớ lại quyển sách này để đọc lại, và biết đâu bạn tìm được
một nơi thích hợp cho thuyền hồn bạn thả neo.
Châu Sa & Minh Chung
Ba Cấp của Linh Trình
Tôi thấy trong cuộc hành trình tâm linh của người trong Chúa,
có 3 cấp.
- Cấp 1 như tiểu học, học những điều căn bản như ABCDĐ.
- Cấp 2 như trung học, học cách đối xử với anh em mình trong
Chúa, chúng ta học chữ Chức Vụ.
- Cấp 3 như đại học, học chữ Sứ Mạng, tức là học trách nhiệm
đối với người chưa tìm được bến bờ để thuyền hồn được thả neo.
Cấp 1 (nhớ A, B, C, D, Đ)
A: Ăn năn, sám hối. Nếu không phải mỗi ngày thì cũng rất thường
xuyên
B: Bửu Bối cần đọc, đó là Thánh
Kinh (Bible)
C: Cầu nguyện
D: Dâng hiến
Đ: Đi nhà thờ để thờ phượng Chúa
Cấp 2:
Chức vụ (ministry) phục vụ anh em
trong Hội Thánh: C.H.U.C.V.U.
C chịu khó với người khó chịu
H hiệp một
U ứng xử khôn ngoan
C cảm thông với nhau
V vinh hiển dâng lên Chúa
U ưng ý, thỏa lòng với vị trí, vai trò, chức vụ
của mình.
Đừng buồn
khổ điều mình không được
Đừng so đo ơn tứ của người
Giữ lòng thanh thản vui tươi,
Mỗi người mỗi phận Chúa Trời dành cho.
Cấp 3: Sứ Mạng thiêng liêng với người chưa có đức
tin.
S.U.M.A.N.G.
S Sứ
mệnh tiếp tục: Khi lìa khỏi thế gian này,
Chúa Giê-Xu muốn con cái Chúa tiếp tục sứ mệnh của Chúa truyền giảng cho mọi người. Đó là Đại mệnh lệnh ghi trong sách Mathiơ, chương
28
U ưu tiên:
muốn làm được, chúng ta phải xem như là ưu tiên hàng đầu
M môn đồ
hóa những người mới tin
A an vui, thoả lòng, nhờ ân điển của Chúa
N nhơn danh 3 ngôi Đức Chúa Trời mà làm Baptem
G giảng lời Chúa, giữ lời Chúa, học những mỹ đức
trong Galati
5:22, đó là: “lòng yêu thương, sự
vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”.
Cấp này rất khó, muốn thành công, người ra đi cần được trang
bị kiến thức, cần được nung nấu tinh thần để chịu nổi những khó khăn. Phải chấp nhận sự cật vấn, chống đối, bách hại…
Chúa ví người đi gieo hạt giống Phúc âm như người nông dân xót con mắt, đổ mồ hôi
trong việc gieo gặt, để có thành quả là mang lại chén cơm thơm dẻo cho đời:
Ai ơi bưng bát
cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt,
đắng cay muôn phần.
Thi Thiên 126:5-6 có ghi sự khốn khó khi đi ra, và sự vui mừng
khi trở về sau khi gặt hái. Tào Huỳnh Tâm
diễn ý:
Ra đi nước mắt
hai hàng,
Trở về bó lúa
chín vàng trên tay.
Trình lên Cha
Thánh hôm nay,
Chúa Cha thỏa dạ,
khen hay con hiền.
Đức tánh cần thiết cho từng cấp:
Cấp 1: cần
(siêng năng): sự chăm chỉ, siêng năng rất
cần thiết ở cấp này.
Cấp 2: chịu
đựng: trong sự đối xử với anh em trong Chúa, chúng ta đôi khi phải chịu đựng,
chịu khó với những người khó chịu, cần học tâm lý của sự thông công, xin xem bài
“Thông Công”.
Cấp 3: can
đảm: cấp này cần sự can đảm để chúng ta
có thể dùng lời nói hoặc lời viết chia sẻ lại niềm tin của mình cho người khác.
Bảy Mươi Lần Bảy
Chúa đã phán “Bảy Mươi Lần Bảy
Thứ tha người xử bậy với con”
Bí quyết hạnh phúc vuông tròn
Cuộc đời bạn sẽ như toàn bài ca.
Bạn cứ nghe lời Cha tha thứ
Tội mình, Chúa chẳng giữ, chẳng ghi
Rồi khi bạn cầu điều chi
Thì Ngài sẽ nhậm như y tâm nguyền.
Chúa đã đến dạy truyền lẽ thật
Để đời mình dư dật ơn hồng
Yêu thương, tha thứ khoan dong
Chiếc chìa hạnh phúc trong lòng bàn tay.
SEVENTY TIMES SEVEN
"Seventy
times seven," the Master said
"Forgive
those who've done you wrong,"
For
this is the secret to happiness
So
your life can be a song.
Each
time you forgive another,
Your
Heavenly Father will forgive you
Then
when you make a request of Him
Your
prayer will be answered, too.
Jesus
came and showed us the way
To live
Life more abundantly
So
forgive others with Love in your heart
And
you'll have found the key.
Lorraine Perry
Bí Quyết
Dâng Hiến của
Vua Dầu Hỏa
Lúc nhỏ, sống trong cảnh thanh bần, ông John Davison
Rockefeller (1839-1937) đi làm việc lặt vặt để giúp mẹ. Món tiền đầu tiên ông kiếm được là 1.50 đô
la. Ông đem về đưa cho mẹ. Bà mẹ cầm tiền đếm và nói : “Mẹ rất vui
nếu con dâng một phần mười cho Chúa”. Ông
Rockefeller cho biết là từ đó, ông luôn dâng phần mười cho nhà Chúa. Ông nói : “Nếu tôi không chịu dâng 15 xu
đầu tiên lúc nhỏ, chắc tôi không thể nào dâng triệu bạc đầu tiên cho Chúa.” (If I had not tithed the first dollar I made
I would not have tithed the first million).
Ông là người thành lập công ty Standard Oil Co., Ông nổi tiếng
là nhà từ thiện dâng rất nhiều tiền (500 triệu đô la tiền thời ông trị giá 5 tỷ
thời nay) cho các cơ sở tôn giáo, giáo dục, khoa học. Nhờ lòng từ thiện quảng đại, ông được Đức
Chúa Trời ban phước mọi thứ phước trên đời.
Ngoài JD Rockefeller, chúng ta có thể đọc nhiều câu chuyện của
những người rộng lượng khác trên www.generousgiving.org .
Tiền cho ra, dâng công việc nhà Chúa, hay giúp các công việc
ích lợi cho nhân quần xã hội là nằm trong chương trình của Chúa, có tính cách
quan trọng, tự nguyện và có giá trị vĩnh cửu.
(GIVE : God’s Important, Voluntary, Eternal plan)
Có 7 chữ T trong sự dâng
tiền trong công việc này :
Tiền dâng :
có thể là giấy bạc, ngân phiếu, thực phẩm....
Từ Chúa: tất cả những gì mà ta có được là từ Chúa.
Trả lại
Chúa: đây là cách trả lại cho Chúa một
phần.
Thử Chúa: đoạn 3 sách Malachi, Chúa cho phép chúng ta
dùng tiền dâng để thử Chúa, coi Chúa có ban phước lại không.
Tin cậy Chúa
Tuân lời dạy của
Chúa
Thước đo lòng
trung tín với Chúa.
Chúng ta hãy xem chữ TITHE
(dâng phần mười), ẩn chứa những ý nghĩa gì trong sự dâng hiến :
T: Trước tiên, nói lên thứ tự ưu tiên của việc
dâng hiến. Chúng ta phải dùng “hoa lợi đầu
mùa”.
I: I theo ý Chúa
T: Thước đo lòng yêu mến Chúa
H: Hân hoan, vui vẻ khi dâng hiến thì mới được
phước
E: “Eternal values” tuy rằng cho hiện tại, nhưng giá trị tinh thần
có tính cách trường cửu.
Bốn lời nói của ông Gióp (Job)
Ông Gióp
là một con người gặp rất nhiều khổ nạn, nhưng ông không hề oán trách Chúa, ngược
lại ông luôn ca ngợi Ngài dù bị mất tất cả mọi sự: (1:21)
Mình lọt lòng mẹ trần truồng
Khi về lòng đất một tuồng đó thôi
Chúa cho rồi Chúa thu hồi
Lòng tôi ca ngợi không thôi danh Ngài.
Ông vẫn bám
vào Chúa dù có bị giết chết (13:15)
Dù Chúa có giết tôi ngay,
Tôi vẫn nương cậy nơi Ngài không thôi.
Ông biết Chúa
sàng sảy, rèn luyện ông để ông được hữu dụng (23:10)
Đưòng tôi đi, Chúa lạ đâu.
Cho tôi rèn luyện, ngày sau thành vàng.
Ông có hy
vọng vào cuộc sống đời sau: (19:26)
Sau khi thịt xương này nát bấy,
Linh hồn tôi sẽ thấy được Ngài.
Bốn lời nói
này được in trên 4 mặt của một cái cột tại nhà thờ The Crystal Cathedral, tại Garden Grove, California.
Cảm Tạ Thượng Đế Mỗi Ngày
Dầu tôi còn cuộn
trong chăn và càu nhàu khi chuông báo thức vang lên mỗi sáng, cảm ơn Thượng Đế
là tôi có thể nghe. Có nhiều người bị điếc.
Dầu tôi nhắm chặt mắt
không cho ánh sáng sớm mai chiếu vào, cảm ơn Thượng Đế là tôi có thể nhìn thấy được. Có nhiều người bị mù.
Dầu tôi cuộn mình nằm
nướng buổi sáng, cảm ơn Thượng Đế là tôi còn có thể ngồi dậy được. Có nhiều người bị liệt giường.
Dầu buổi sáng bận bịu,
vớ thì mất, bánh mì nướng thì khét, người lớn bực bội, con trẻ thì ồn ào. Cảm ơn Thượng Đế là tôi còn có gia đình. Nhiều người đang cô đơn.
Dầu bữa ăn điểm tâm
của tôi không đẹp như tranh vẽ và có lúc thiếu cân bằng, cảm ơn Thượng Đế là chúng
tôi còn có thức ăn. Nhiều người đang đói.
Dầu công việc hằng
ngày của tôi tẻ nhạt, cảm ơn Thượng Đế là tôi còn có việc làm. Nhiều người đang thất nghiệp!
Dầu tôi than thân
trách phận mỗi ngày và ước mong thoát ra khỏi cuộc sống khiêm nhường này, cảm ơn
Thượng Đế đã cho tôi món quà đời sống.
Everyday
Thanksgiving
Even though I clutch my blanket and
growl when the alarm rings each morning, thank you, Lord, that I can hear. There are many who are deaf.
Even though I keep my eyes tightly closed
against the morning light as long as possible,
thank you, Lord, that I can see. There are many who are blind.
thank you, Lord, that I can see. There are many who are blind.
Even though I huddle in my bed and
put off the effort of rising, thank you Lord, that I have the strength to
rise. There are many who are bedridden.
Even though the first hour of my
day is hectic, when socks are lost, toast is burned and tempers are short, my
children are so loud, thank you, Lord,
for my family. There are many who are
lonely.
Even though our breakfast table never
looks like the pictures in magazines and the menu is at times unbalanced, thank
you, Lord, for the food we have. There are many who are hungry.
Even though the routine of my job
is often monotonous, thank you, Lord, for the opportunity to work. There
are many who have no job.
Even though I grumble and bemoan my
fate from day to day and wish my circumstances were not so modest, I
thank you, Lord, for the gift of life.
Cầu Nguyện
Cầu nguyện là một phương tiện hữu ích để con cái Chúa tâm
giao với Đức Chúa Trời, qua đó có thể trình dâng mọi lo âu, phiền não trong cuộc
sống cho Ngài :
Chớ lo phiền chi hết,
nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự
cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. (Philip 4:6)
6 chữ C và K cần nhớ khi cầu nguyện:
- Ca ngợi Chúa là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn
tại...
- Cảm tạ Chúa đã cứu mình, đã ban phước cho
mình ;
- Kể tội mình:
trong ngày hay trong thời gian qua thế nào mình cũng vấp phạm điều nọ, điều
kia trong lời nói, tư tưởng, hành động.
Ngay bây giờ, chúng ta xưng kể tội mình ra để xin ơn tha thứ của Chúa
cho chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội
cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (I Giăng 1:9).
- Kêu cầu: trình dâng Chúa những oan ức, những nhu cầu
hay ước muốn của mình lên Chúa;
- Cam chịu: tuy nhiên, nếu Chúa không nhậm hoặc chưa nhậm,
chúng ta cam chịu để ý Chúa được nên;
- Kết cuộc: chấm dứt giờ cầu nguyện bằng cách nhân danh Cứu
Chúa Giê-Xu. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho (Giăng
14:14).
Trong chữ PRAY, có 4 điều mong mỏi chúng ta dâng
trình lên Chúa khi cầu nguyện :
P
Petition (thỉnh nguyện)
R
Request (đòi hỏi)
A
Ask (xin)
Y
Yearn (khao khát)
Cũng với chữ PRAY,
4 cách Chúa đáp ứng chúng ta:
P
Postpone (đợi)
R Refuse (đừng)
A Alter (đổi)
Y Yes (được)
- Đợi -
Đừng - Đổi - Được
Chúa đáp lại sự cầu nguyện bằng một trong 3 cách :
1. Đợi: Chúa muốn chúng ta đợi (Postpone) vì chưa
đúng thời. Thiên hạ thường hay nói về “chữ
Thời”, con cái Chúa nên nhớ rằng thời đẹp nhất là đúng thời của Chúa cho chúng
ta. Vì vậy nên ... đợi.
2. Đừng (Xin): Chúa không cho (Refuse) vì điều đó quá khả
năng chúng ta, vì điều đó sẽ có hại cho chúng ta.
3. Đổi: Chúng ta cần Đổi (Alter) cách xin, đổi khác
những gì chúng ta đang xin. Có thể chúng
ta cầu xin trái lẽ nên không nhận lãnh được như trong Gia-Cơ 4 :3
chép.
4. Được: Chúa nhậm lời ngay (Yes), ban cho chúng ta
ngay những gì chúng ta xin. Sứ Đồ
Giăng cho biết nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin
việc gì, thì Ngài nghe chúng ta (IGiăng 5 :14).
CỬA KÍNH VÀ GƯƠNG SOI
Có một người đàn ông rất giàu
có, nhưng vô cùng keo kiệt. Dường như trong đời, ông chưa bao giờ biết giúp đỡ
kẻ nghèo khổ một vật gì cả. Ngày kia, một nhà sư đến thăm ông. Vị sư dẫn người
nhà giàu đến trước khung kính cửa sổ, bảo: - “Hãy nhìn ra ngoài kia! Ông thấy
gì không?” Người nhà giàu đáp: - “Tôi
thấy xa xa là bầu trời, cây cỏ, còn ở gần là đàn ông, đàn bà và con trẻ đi dạo
trên đường.”
Nhà sư liền dẫn ông đến trước
tấm gương soi mặt, rồi hỏi: “Hãy nhìn vào đây. Ông thấy những gì?”
Người nhà giàu cười đáp: -
“Sư hỏi lạ, dĩ nhiên là thấy tôi rồi!”
Nhà sư tiếp: - “Cửa sổ cũng
là kính và gương soi cũng là kính. Hai tấm kính chỉ khác nhau ở chỗ kính gương
soi có phủ thêm một lớp bạc. Khi người ta nhìn cuộc đời qua lớp bạc, sẽ không
còn thấy ai nữa, chỉ thấy chính mình mà thôi!”
Chỉ có một lớp bạc, tất cả sẽ
đổi khác! Tiền bạc làm thay đổi tâm tính, đức hạnh, và phong cách sống. Đồng tiền
có một sức mạnh vô song vì nó mua được nhiều thứ. Tiền không phải là tội lỗi,
nhưng sự đam mê nó là cội nguồn của mọi điều sai trái. Một danh nhân bảo rằng: “Tiền
bạc là một người đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu.” Đức Chúa Trời không cấm
chúng ta giàu có. Nhiều tôi tớ trung thành của Ngài đã được ban cho sự thịnh vượng,
như Áp-ra-ham, Gióp, Đa-vít, Sa-lô-môn v.v…Tuy nhiên sự cám dỗ đến với kẻ giàu
dễ dàng hơn với người nghèo, nhất là ma lực của nó khiến tâm tính họ mỗi ngày
thay đổi. Chúa Giê-Xu không lên án người giàu, nhưng bảo rằng: “Người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm.”
(Ma-thi-ơ 19:23) Đừng để đồng tiền khiến chúng ta chỉ còn nhìn thấy mình. Bí
quyết của hạnh phúc là biết chia sớt những gì mình có, biết nhìn đến nhu cầu của
những người chung quanh, thế giới trong mắt bạn sẽ đẹp hơn biết bao.
“Bởi
chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo,
chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” 1 Timôthê 6:10
(Bài Tài liệu dưỡng
linh do Mục sư Đoàn Ngọc Thạch chuyển ngày 23 tháng 3, 2009)
Tôi Nhìn
Tôi nhìn ra cửa sổ
Qua khung kính sáng trong
Thấy đất trời lồng lộng
Niềm vui sướng ngập lòng.
Tôi soi mình qua kính
Chẳng thấy ai khác đâu
Chỉ thấy mình quá bảnh
Vì lớp bạc phía sau.
Tôi nhìn tôi qua kiếng
Không thấy Chúa ở mô
Chỉ thấy mình quá “chiến”
Vì lớp bạc tráng vô.
Cho và Nhận
Trong cuộc sống hằng ngày ở giữa xã hội, chúng ta cho và nhận
luôn. Cho và nhận tạo thành mối tương
quan khăng khít giữa người với người. Tục
ngữ Việt Nam
diễn tả mối quan hệ này qua những câu: “Bánh ít đi, bánh qui lại”, “Có qua có lại
mới toại lòng nhau”… Theo luật vật lý thì khi chúng ta cho ra, chúng ta bị thiệt
mất; nhưng theo luật tâm linh thì khi cho ra chúng ta sẽ được nhiều hơn.
Vì tâm lý nhiều người chỉ thích nhận mà không thích cho ra,
nên các nhà hiền triết Đông Tây thường nhấn mạnh sự cho. Nhà tâm lý học Richard Carlson (1961-2006)
cho rằng những gì chúng ta cho đi sẽ quay lại với tiền lời (Everything you give away will return, with
interest!) Có người cho rằng “Chính sự cho đã là phần thưởng” (Giving is its own reward); thêm vào đó, cho còn tạo một năng lực không
những giúp cho người nhận mà còn tạo ích lợi nơi người cho. Có người còn nhắc tới luật khoảng không, khi
cho ra chúng ta tạo một khoảng trống, thì tự nhiên phải có cái gì tràn vào thay
thế (Nature abhors a vacuum, so as you outflow you create space into which something
must inflow.)
Ông bà ta thường nhắc nhở tấm lòng chia xẻ ngọt bùi với người
dưng: “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”, hay “ăn ở xởi lởi Trời cho, ăn ở co
ro Trời lấy lại” tương tự như tư tưởng của R.E. Phillips “You only keep what
you give away”. Thánh Phaolô cũng xác
quyết: “Ban cho có phước hơn nhận lãnh”
(Công vụ 20:35).
Ngược lại, một số người vì tự ái, đành chịu khổ, chịu nghèo,
chịu đói mà không muốn nhận một ơn huệ gì của ai. Họ đành “phụ lòng” người cho. Những người này thật đáng kính phục, nhưng cũng
thật đáng thương vì không chịu nhận là vô hình trung, họ ngăn chặn, khóa chặt
nguồn phước đang chảy tới đời sống họ. Xét
cho cùng thì cho và nhận là 2 mặt của một đồng tiền, và tiền tệ còn có nghĩa là
lưu hành. Chỉ cho mà không nhận hay chỉ
nhận mà không cho là cách sống cực đoan, không thể tìm thấy hạnh phúc được. Sống quân bình là cho một cách duyên dáng và
nhận với lòng biết ơn.
Kinh Thánh có ghi lại một món quà kỳ diệu do một Đấng kỳ diệu
ban cho chúng ta. Món quà đó là sự sống đời đời, ghi chép trong sách Rôma (6:23). Con người chúng ta tội lỗi ngập đầu làm sao mà
linh hồn chúng ta có thể hưởng được sự sống đời đời bên Đức Chúa Trời sau khi hồn
lìa khỏi xác? Sự sống đời đời đó là sự cứu
rỗi. Đức Chúa Trời đã thiết lập một chương
trình cứu vớt linh hồn chúng ta vì linh hồn này nếu không về với Chúa thì sẽ bị
hư mất vĩnh viễn. Phương án Đức Chúa Trời
đưa ra là Chúa Giê-xu phải dùng huyết của chính Ngài để chuộc hết tội lỗi của
nhân loại. Vì lý do đó, Chúa Giê-xu còn được
gọi là Đấng Cứu Thế. Món quà đó đã có và
sẵn sàng ban cho ai muốn nhận. Chính tôi
và gia đình tin món quà sự sống đời đời này vô giá nên đã hân hoan tiếp nhận. Còn bạn?
Nếu bạn chưa biết món quà này và có ý muốn tìm hiểu thêm, xin liên lạc với
chúng tôi. Chúng tôi có những tài liệu
giúp các bạn hiểu thêm.
Chọn Mặt Gửi Vàng
Khi muốn gửi
vàng hay một vật gì quý giá cho ai, chúng ta tìm người đáng tin cậy, mà không
chọn người ăn nói hay, không chọn người đẹp trai hay đẹp gái.
Khi chọn người
vợ (hay chồng) để gửi cuộc đời của mình (quý giá hơn vàng), chúng ta cần phải cẩn
thận gấp bội. Người mà ta “trao thân gửi
phận” có thể mang lại nguồn an ủi hay đem lại cho ta phiền não, người “nâng khăn
sửa túi” cho ta có thể giúp ta thành công hay đưa ta vào gông. Có nhiều lời khuyên về vấn đề chọn người bạn đời,
nhưng chúng tôi đúc kết bí quyết với 5 bước giản dị dễ nhớ, dễ theo như 5 ngón
tay trong bàn tay như sau:
1. Chọn người cùng niềm
tin:
Nhiều người
trẻ hay ngưỡng mộ người có thân hình đẹp đẽ hay có bằng cấp cao (Phi cao đẳng bất
thành phu phụ), mà không quan tâm đến đời sống tâm linh. Hôn nhân phải xem như cuộc đầu tư lâu dài, vậy
nên nhắm vào cái gì bền bỉ thì hơn. Sự
xinh đẹp thể xác chỉ nông cạn, không sâu hơn lớp da; trí óc chỉ cho kiến thức mà
không chắc cho sự khôn ngoan, trong khi đó chỉ tâm linh mới có thể mang lại cho
chúng ta sự thỏa lòng.
Thánh Kinh
khuyên dạy con cái Chúa “Chớ mang ách
chung với kẻ chẳng tin” (IICôrintô 6:14)
vì ngay như làm ăn chung chưa chắc đã hay thì nói gì sống chung cả đời! Câu Kinh Thánh trong II Côrintô 5:17 cho thấy
cách suy tư, mục đích, nếp sống, mối liên hệ, thứ tự ưu tiên của người tin kính
Chúa đã hoàn toàn đổi khác, nên không thể dung hợp với người chưa đổi mới. Phục-Truyền Luật Lệ Ký 7:3-4 cho biết khi lấy
người ngoài Chúa thì hột giống đức tin mình bị ngẹt ngòi, con cái mình có thể sẽ
thờ các thần khác mà không thờ Chúa nữa.
2. Trông cậy Chúa:
Nhịp sống
hiện nay với mọi thứ thuận tiện, nhanh chóng, tốc hành.. thì mọi sự đợi chờ làm
chúng ta sốt ruột. Dù kỹ thuật cải tiến đến
đâu, có những lúc chúng ta cũng phải đợi.
Như bước vào nhà hàng ăn đang có nhiều người sắp hàng đợi, dù đói hay dù
sốt ruột đến mấy, chúng ta cũng phải đứng đợi trong hàng. Vẫn có vài trường hợp chúng ta có thể đốt
giai đoạn, nhưng kiên nhẫn, đợi đến phiên mình là lệ thường và cũng là bài học
rất lớn trong đời sống mỗi người. Con dân
Chúa nên chờ đợi đúng thời điểm Chúa cho để tuân hành, chớ không nên soạn thời
khắc biểu cho Chúa! Mỗi ngày, chúng ta cứ
sống khiêm cung, vâng phục, trông đợi ý Chúa thì chúng ta không phải lo lắng
cho tương lai hay lo đi ngược đường lối Ngài.
Khi không
thể ở vậy để phục vụ Chúa tốt hơn như lời khuyên của Phaolô trong I Côrintô đoạn
7, chúng ta hãy thiết tha nài xin Chúa ban cho một người phối ngẫu xứng hợp. Sự cầu nguyện có thể trường kỳ. Nếu Chúa có trả lời chậm trễ là vì lợi ích của
chúng ta. Cứ bình tĩnh sống vui thỏa
trong hoàn cảnh hiện tại và đợi ý Chúa hơn là nhảy vô vòng hôn nhân bất xứng mà
hối tiếc về sau. Cũng xét lại đời sống
chính mình, nếu chúng ta chưa có đời sống tin kính, vâng phục Chúa thì nên sửa đổi
lại vì Chúa không ban phước cho ai thiếu sự tương giao mật thiết với Ngài. Trong khi chờ đợi, nên cố gắng học tập để trở
thành người hữu ích cho gia đình mai sau.
3. Tìm hiểu tánh nết:
Khi ta cần
bác sĩ giải phẫu tim, ta không nhờ anh đồ tể, ta cũng tránh bác sĩ giả, và cũng
tránh bác sĩ nghiện xì ke. Cần thận trọng
và khách quan trong việc tìm hiểu tánh nết của người mình để ý tới. Những cái nết có thể đánh chết cái đẹp như là: hiếu với cha mẹ, thảo với anh chị em; khiêm tốn,
nhu mì, điềm đạm; siêng năng, biết thương người, có tinh thần phục vụ tha nhân,
có tinh thần trách nhiệm… Tuy nhiên, không dễ gì tìm ra được người có quá nhiều
đức tính kể trên, nên chúng ta phải chấp nhận một số điểm bất toàn của người khác. Người có tinh thần cầu tiến và phục thiện đáng
cho điểm son.
4. Khôn ngoan:
Khi mua nhà,
xe, chúng ta không mở quảng cáo ra rồi nhắm mắt chỉ đại một cái mà mua. Vẫn biết có vài việc nhỏ chúng ta có thể quăng
đồng xu lên rồi căn cứ theo mặt hình chữ mà quyết định. Còn việc hôn nhân quan trọng cả đời người, chúng
ta không nên ơ hờ, bất cẩn mà nên khôn ngoan:
- Đến đúng nơi để tìm người:
muốn tìm người yêu mến Chúa thì nên tới nhà thờ mà tìm, vào chốn ăn chơi
hay ba rượu là không đúng chỗ.
- Cầu xin Chúa dẫn đường
- Xin dấu hiệu từ Chúa để biết chính người đó đúng là người
mà Chúa chọn cho mình.
- Hỏi ý kiến người lớn, đáng tin cậy vì tuổi trẻ dễ bị mù quáng
trước tiếng sét ái tình.
- Tìm hiểu gia thế:
Gia đình nào làm điều bất lương, hung ác sẽ không được phước từ Thiên Chúa.
- Dùng thời gian để thử thách, để tìm hiểu nhau, coi có thể
chịu đựng nổi nhau suốt đời không.
- Nếu cha mẹ không đồng ý cuộc hôn nhân của bạn thì
sao? Tìm hiểu quan điểm, cái nhìn của
cha mẹ tại sao không thích đối tượng của mình.
Trình bày quan điểm của bạn cho cha mẹ thấy. Cầu nguyện nhiều hơn để cha mẹ và chính mình
có cái nhìn sáng suốt hơn. Chờ đợi để tìm
hiểu thêm người bạn của mình. Hỏi ý kiến
người lớn tuổi khác để có cái nhìn khách quan hơn. Khi đã đủ lớn khôn rồi thì bạn quyết định vì đó
là đời sống và hạnh phúc của chính bạn.
Dù quyết định của bạn như thế nào, dù cha mẹ và mình bất đồng quan điểm đến
đâu, luôn luôn giữ hoà khí trong gia đình, và không quên bổn phận hiếu kính cha
mẹ.
5. Tiên liệu:
Liệu người
bạn trai của mình có thể là người cha có trách nhiệm hay người bạn gái của mình
có thể thành người mẹ hiền đức không.
Tuy con mình chưa ra đời, nhưng mình đã chọn người cha tốt, người mẹ hiền
cho nó.
Lớp dự bị hôn
nhân mà nhiều nhà thờ tổ chức rất bổ ích cho các bạn thanh niên nam nữ để các bạn
được trang bị kiến thức, khôn ngoan trước khi bước vào đời sống lứa đôi. Khi đã quyết định tiến tới hôn nhân, tức là lúc
hai người nam nữ sẵn sàng “gửi vàng mười” cho nhau, hai người phải hứa nguyện với
nhau rằng dù gian nan hay sung sướng, dù nghèo hay giàu, dù “ốm yếu” hay “mập mạnh”,
hai đứa vẫn trọn đời yêu nhau.
Chú Khỉ Phàn Nàn
Ba con khỉ ngồi trên cây dừa,
Vừa ăn vừa kể chuyện nắng mưa
Một chú bỗng dưng nghiêm giọng
nói:
“Tôi nghe bàn tán lúc ban trưa:
“Loài người tiếm nhận là dòng
dõi
Của giống nòi cao quý nhà ta
Chúng thấy sang, bắt quàng làm
họ
Khỉ với người thật khác nhau
xa!
“Có khỉ nào phụ rẫy người tình?
Có khỉ nào bỏ trẻ sơ sinh?
Hay giao con đỏ cho nhà khác
Để về sau nó chẳng biết mình?
“Môt điều chướng khỉ không hề mắc,
Có khỉ nào cản lối ngăn đường,
Không cho khỉ khác vào ăn trái,
Không cho khỉ khác vào ăn trái,
Để dừa rơi rụng lấp đầy mương!
“Có khỉ nào say sưa đêm tối,
Cầm hèo, cầm súng lại cầm dao
Điên cuồng đâm giết người đồng
loại
Khỉ với người thật khác xiết
bao.
*
Bản tánh người xem chừng quá tệ,
Muốn làm cháu khỉ, cũng còn
…lâu.”
The Monkey’s Complaint
Three monkeys sat in a coconut tree
Discussing the things that they are said to be
Said one to the others, “Now listen, you two,
There’s a certain rumor, but it can’t be true;
That man descended from our noble race
Why, the very idea; it’s a disgrace.
“No monkey ever deserted his wife
Starved her babies and ruined her life.
Nor did ever a mother-monkey
Leave her babies with others to bunk,
Or pass them on from one to another
’Till they scarcely knew who was their mother.
“And another thing you’ll never see
Discussing the things that they are said to be
Said one to the others, “Now listen, you two,
There’s a certain rumor, but it can’t be true;
That man descended from our noble race
Why, the very idea; it’s a disgrace.
“No monkey ever deserted his wife
Starved her babies and ruined her life.
Nor did ever a mother-monkey
Leave her babies with others to bunk,
Or pass them on from one to another
’Till they scarcely knew who was their mother.
“And another thing you’ll never see
A monkey building a nest around a coconut tree,
And let the coconuts go to waste,
Forbidding all other monkeys to have a taste.
Why, if I build a fence around a coconut tree,
Starvation would cause me to distribute to you.
“Here’s another thing that a
monkey won’t do
Go out at night and get on a stew;
Or use a gun or a club or a knife
To take another monkey’s life.
Yes, Man descended, the ornery cuss!
But, Brother, he didn’t descend from us.”
Go out at night and get on a stew;
Or use a gun or a club or a knife
To take another monkey’s life.
Yes, Man descended, the ornery cuss!
But, Brother, he didn’t descend from us.”
Author
unknown
Chúc Tết Tại
HT Jacksonville Dịp Cuối Năm
Theo thông tục, theo truyền
thống Tết, theo thứ tự, trần thế tống tiễn Tí tếch, tiếp Trâu thủng thỉnh tiến
tới thay thế. Trâu to tướng, từ từ tới. Tôi thành thật thăm tất thảy thân tộc
trong thánh thể thập tự từ tuổi thượng thọ tóc trắng, tánh tình trầm tĩnh, tới
tuổi thơ tóc thưa thớt, trí thô thiển, thích tung tăng. Từ thầy tới trò, thầy tận tâm truyền thụ, trò
tận tụy tiếp thu, tập tành, thực tập.
Thầy thủ trưởng, tôi tớ Thiên
thượng, tăng thêm thiên tứ, truyền thông tin tức từ thuở tạo thiên tới thời tận
thế. Thêm tài tiên tri trông thấy trước thiên tai, thiên thời, thiên triệu
thông tin tình thế tới toàn thể.
Tuổi trên thất tuần tăng tuổi
thọ tới thập tuần, tinh thần thư thả, thần thái thảnh thơi; thôi thời tương tranh, tỉ thí trên thương trường
thế tục, thôi tất tả, thắc thỏm, thăng trầm, thôi thở thườn thượt, thôi thương
tiếc thở than. Tới thời thanh thản, tạo
tinh thần tương thân, tương trợ. Thích
thông thuộc thánh thi. Thích tiệc trà
thân thiết, tránh tiệc tùng tràn trề thịt tửu. Từng tháng thêm thông thái, từng
trải, thêm thâm thuý, thêm thâm trầm.
Tuổi tứ tuần trẻ trung, tiền
tài tăng tiến, tinh thần tinh tấn tựa thép trui. Thành tín, tận trung, tân
trang thánh thất thêm tốt tươi, tươm tất. Thường tạo thành tích, thiên thượng tất
thăng thưởng.
Trẻ thơ thêm tươi tắn, thêm
thanh tú, tới trường thi thì trúng tủ,
trúng tuyển, tới tuổi trưởng thành thì thành tựu, thành toàn.
Tôi tha thiết thỉnh tất thảy
tứ tuổi: thành, trung, tráng, thiếu thường tới tôn thờ Thiên thượng trung tín từ
tận trái tim. Tập tánh thuận thảo, tập tinh thần tha thứ tất thảy trong tình
thương Thiên thượng, tránh trả thù tuy thiệt thòi, tuy thương tổn. Từng tháng từng tháng: tích tiểu thành … to,
từ tầm thường thành tài tình, trác tuyệt. Tháng trước, thẫn thờ, tháng tới tỉnh
thức, thận trọng. Tháng trước thiếu thốn, tháng tới thừa thãi. Tháng trước thất
thường, tháng tới thường thường thăm thánh thất, trông thập tự tiến tới tôn thờ.
Kỷ Sửu
Nhìn vào các mẫu tự
K-Y-S-Ư-U chúng ta có thể thấy mình được nhắc tới năm điều tốt nhất cho Cơ-đốc
nhân chúng ta:
1. Tánh nết dễ thương nhất của con người là tánh Khiêm nhường;
2. Bản tính chinh phục nhất của Đức Chúa Trời là tình Yêu
thương;
3. Món quà quí nhất mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại là sự
Sống đời đời (cứu rỗi);
4. Tâm trí quí nhất của chúng ta là sự khôn ngoan;
5. Tâm tình đẹp nhất của chúng ta đối với Chúa cùng tha nhân
là tinh thần phục vụ.
Chữ K nhắc nhở
khiêm nhường
Y yêu nhớ đến
tình thương Chúa Trời
Chữ S sự sống đời
đời
Ư là ứng xử ra
người khôn ngoan
Chữ U un đúc tinh
thần
Phục vụ nhà Chúa
bội phần năm nay.
Đếm Ơn Phước
Thường người
ta đếm tuổi, đếm ngày tháng hay đếm tiền bạc chớ không mấy ai nghĩ đến đếm những
ơn phước gặp được trong đời sống. Ngẫm lại
những thăng trầm trong cuộc đời mình, chúng ta thấy hình như mình gặp nhiều khó
khăn hơn dễ dãi, lao đao hơn an nhàn, chông gai nhiều hơn nhung lụa, hoạn nạn
nhiều hơn ơn phước. Không có cái nhìn bi
quan, tiêu cực đối với đời là đã khá rồi, làm sao có thể theo lời dạy của Kinh
Thánh “đừng quên các ân huệ”, chứ đừng nói gì đến việc đếm ơn phước để tạ ơn Thượng
Đế mỗi ngày. Suy xét lại con người chúng
ta từ lúc lọt lòng mẹ đến khi về lòng đất thì thân cát bụi cũng trở về cát bụi,
sanh ra trần truồng không sở hữu vật gì, lúc chết trơ trụi cũng chẳng mang được
vật gì theo về thế giới bên kia. Những gì
có được là do Thượng Đế giao cho chúng ta cai quản, chúng ta có nhiệm vụ làm
sanh lợi ra và được hưởng thụ trên các vật đó.
Vì vậy, đếm ơn phước như một phương pháp kiểm kê là hợp lẽ.
Biết đếm ơn
phước là có cái nhìn lạc quan. Tuy nhận
biết có hoạn nạn, nhưng chúng ta chú tâm nhìn vào ơn phước như người thưởng hoa
không vì gai nhọn mà không thưởng thức được đóa hồng tươi.
Biết đếm ơn
phước là có cái nhìn tích cực, cần thiết cho sự phấn đấu mỗi ngày trong đời sống. Có tinh thần tích cực là có tinh thần đón nhận
sự thắng lợi trước trận chiến rồi.
Biết đếm ơn
phước là biết tạ ơn Thượng Đế tức là Đức Chúa Trời hằng sống về tất cả mọi thứ
quanh mình. Cảm tạ ngay đời sống của chính
mình, của gia đình mình. Cảm tạ về sức
khỏe của mình, về công việc làm ăn của mình.
Cảm tạ ngay cả khí trời mình hít thở…
Không những
đếm ơn phước mình thấy ràng ràng trước mắt, mà cũng đếm những ơn phước đang ẩn
mình dưới hình thức hoạn nạn. Hoạn nạn
thường xảy ra để trui rèn chúng ta mạnh mẽ hơn, thành thục hơn, ngon lành hơn, để
có thể đảm đang trọng trách mới.
Tập đếm ơn
phước để khỏi cằn nhằn, than van. Những
lời than trách không làm lợi cho ai hết, kể cả chính mình. Than trách làm tinh thần mình chùng xuống, cùng
làm người khác lánh xa mình. Có người nói
đùa rằng Việt Nam
có hằng triệu mỏ than, hỏi ra mới biết không phải là quặng mỏ than đá, mà là miệng
mỏ than van. Chúng ta dễ than van khi
nhìn lên những người hơn mình. Chừng nhìn
xuống sẽ thấy nhiều người bất hạnh hơn mình.
Có anh than vãn không đủ tiền mua giày mới cho tới ngày anh ta gặp một
người đi nạng gỗ vì cụt chân. Có bà tủi
thân vì không có được giọng hát oanh vàng để được mọi người ái mộ cho tới khi gặp
một cô gái câm.
Đếm ơn phước
là thay đổi hẳn nhân sinh quan của mình, cho mình cái nhìn mới mẻ vào cuộc sống. Đếm ơn phước mỗi tối giúp mình ngủ ngon hơn. Đếm ơn phước mình đang có là phương cách hữu
hiệu mời gọi thêm ơn phước mình sẽ nhận.
Đừng để thời gian trôi qua mà không đếm ơn phước, không tạ ơn Thượng Đế. Càng đếm thì ơn phước càng đến tới tấp, nhiều
không …đếm xuể!
Đổi Đời
Người theo Chúa tự nguyện đổi đời mình. Chúa thêm sức cho họ để trở nên con người mới:
“… ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người
dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2Côrinhtô
5:17). Họ tự “đãi
thân thể một cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục” (1Côrinhtô 9:27). Xưa họ ngạo mạn, tự ái, nay họ học tánh khiêm
cung. Xưa họ thích làm chủ, thích được hầu
hạ, nay họ phục vụ tha nhân, tìm cách giúp người kém may mắn hơn mình. Xưa ngang tàng, nay họ vâng phục ý Chúa. Xưa lười biếng, nay siêng học, siêng làm, siêng
đạo. Xưa thấy tương lai mù mịt đầy lo âu,
nay thấy niềm tin và hy vọng. Xưa ăn miếng
trả miếng, nay vui vẻ nhịn nhục, cầu nguyện cho kẻ thù ghét mình. Xưa sống theo bản năng, theo xác thịt, nay vun
trồng mỹ đức của trái Thánh Linh: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn
nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Galati
5:22-23).
Thay đổi theo nếp sống mới, lắm khi họ bị người khác cười chê
là rồ dại, cuồng si, không biết tận hưởng cuộc đời. Có khi họ thấy yếu lòng, muốn quay lại nếp sống
cũ lè phè, dễ dãi xưa. Nhưng nếu họ cứ để
cho Đức Thánh Linh dẫn dắt, thì như Phao-lô, họ có thể: “quên lửng sự ở đằng sau, mà
bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi
trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Philip 3:14).
HÒA THUẬN
Sự hòa thuận
rất cần có trong gia đình hay trong Hội Thánh.
Thánh Phao-lô đã nhiều lần khuyên anh em trong Chúa: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa
thuận với mọi người” (Rôma 12:18); Hãy ở cho hòa thuận với nhau (1 Têsalônica 5:13); Vậy
chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau (Roma 14:19).
Chúng ta hãy
xem 8 bí quyết hòa thuận:
H.O.A.T.H.U.A.N
H Hiệp nhất, đoàn kết, tìm điểm
chung, mục đích chung khi làm việc:
Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus
Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ
phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau (1Côrinhtô 1:10).
O Ôn tồn trong lời nói:
Lời nói anh em phải có
ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người
là thể nào (Côlôse 4:6). Anh em được bền vững trong mọi việc lành
cùng mọi lời nói lành! (2 Têsalônica 2:17).
A An ủi hay yên ủi:
Ngài yên ủi chúng tôi
trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì
chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp! (2
Corinto 1:4); anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau (1 Têsaônica 4:18); Nguyền
xin chính Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là Đấng
đã yêu thương chúng ta, và đã lấy ân điển Ngài mà ban cho chúng ta sự yên ủi đời
đời và sự trông cậy tốt lành, 17 hãy yên ủi lòng anh em, khiến anh
em được bền vững trong mọi việc lành cùng mọi lời nói lành! (2 Tesa
2:16-17).
T Tôn ti trật tự: trong
một tổ chức cũng như trong gia đình đều có người lớn người nhỏ, người trên người
dưới. Muốn hòa thuận cần “trên kính, dưới
nhường” nghĩa là người trên nhường nhịn người dưới, người dưới kính trọng người
trên. Người chủ gia đình cũng như người
lãnh đạo cần được kính nể thì mới có thể để hết tâm sức trong công việc. Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, - bởi các người
ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, - hầu cho các người
ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình (Hêbơrơ 13:17)
H Hòa nhi bất đồng: tuy
mỗi người mỗi khác về ân tứ cũng như về tánh khí nhưng có sự đoàn kết, hoà thuận
khi làm việc, không châm chích nhau, không thọc gậy bánh xe nhau. Đoạn Kinh Thánh diễn tả ý “hòa nhi bất đồng”
(diversity to produce unity) khá hay là Ephêsô 4:11-16 “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người
khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, 12 để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của
chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, 13 cho đến chừng
chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời,
mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ. 14 Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị
người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi
theo chiều gió của đạo lạc, 15 nhưng muốn cho
chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều
được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. 16
Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo,
khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho
thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương”.
U Ưng
ý vị trí, vai trò mình trong cộng đồng hay trong Hội Thánh. Chúa đặt để mình vai trò nào, thoả lòng và
làm đúng trách nhiệm vai trò ấy. “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi
lớn” (1Timôthê 6:6).
A Ân cần:
Hãy ân cần tiếp rước
người trong Chúa chúng ta (Roma 16:2).
N
Nhường nhịn, nhịn nhục:
Tục ngữ Việt
Nam
có câu: “một câu nhịn, chín câu lành”. Một
gia đình gồm 4 thế hệ ở chung với nhau một cách hòa thuận bằng bí quyết là nhẫn
nhịn. Người càng lớn càng phải học tánh
nhường nhịn thì người nhỏ mới kính nể, mới tâm phục mình.
Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải
nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà
chìu nhau, dùng dây hòa bình
mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh (Ephêsô 4:2-3
Hội Thánh Phước Hạnh
11 bí quyết để có được một Hội Thánh phước hạnh (H.A.P.P.Y. C.H.U.R.C.H)
1. H Heart:
Tấm lòng. Mọi người nên có lòng với
Chúa và với anh em mình.
2. A Accept: Chấp nhận nhau vì biết rằng mỗi người một
ý.
3. P Praise: Khen ngợi, khích lệ nhau trong công việc
lành.
4. P
Pray: Cầu nguyện cho nhau.
5. Y
Yield: nhường nhịn, tha thứ
nhau.
6. C
Concern: quan tâm đến nhau,
quan tâm đến nhu cầu của người đang thiếu thốn.
7. H Humor: có tinh thần hài hước thì Hội Thánh có sự
vui vẻ, sảng khoái. Cái cười dễ kéo người
ta lại gần nhau.
8. U Understand (fellowship): thông cảm nhau.
9. R Recharge: Những bài giảng của mục sư, những bài
chia sẻ của tín hữu là những dòng điện phóng thêm sinh lực, năng lực vào hội chúng.
10. C
Contribute: mỗi người đóng góp
phần mình vào Hội Thánh.
11. H Heal: những vết thương cần được chữa lành, những
trái tim tan vỡ cần được hàn gắn.
Kênh Tình Yêu (Love Canal)
Ở gần thác Niagara, tiểu
bang New York,
có một vùng gọi là Kênh Tình Yêu (Love
Canal), là vùng đất thuộc
công ty chế biến hóa chất tên là Hooker
Chemical and Plastics Corporation. Sở dĩ
có tên như vậy là vì người ta đào một con kênh ngang qua vùng này. Từ năm 1942 đến
năm 1953, họ chôn 21 ngàn tấn những hóa chất phế thải chứa trong những thùng
phi. Họ chôn sâu 20-25 feet và lấp đất lên. Sau đó, thành phố này có nhiều dân đến lập
nghiệp, công ty Hooker mới bán đất lại cho thành phố để xây trường học và nhà cửa
trên vùng đất này. Tới thập niên 1970,
người ta thấy cây cỏ trơ trụi trên vùng đất này, còn người thì bị nhiều thứ bệnh
lạ lùng. Nhiều người bị kinh giật, hen
suyển, nhiễm trùng đường tiểu, bạch cầu thấp, ung thư, có những bà mẹ sinh quái
thai. Lúc đó, người ta mới biết là những
hóa chất độc đã đục thủng thùng chứa, thoát ra, thấm vào đất, ngấm vào nước, tỏa
ra trong không khí làm hư hại môi sinh.
Lệnh di chuyển trên 800 gia đình vùng đó được ban hành vào năm 1978, và
những biện pháp giải chất độc tốn rất nhiều tiền và công sức của chính phủ.
Lòng hận thù giống như hóa chất rất độc kia, cần có biện
pháp hóa giải hữu hiệu ngay. Nếu để nó bộc
phát thì có tai hại tức thì, nếu đem chôn sâu, tưởng là êm, nhưng không bao
lâu, nó sẽ chỗi dậy, tung hoành ngang dọc
mà làm khổ. Chữa trị nó bây giờ khó hơn
lúc trước gấp mấy lần.
Khi ai làm
lỗi với chúng ta, làm chúng ta đau khổ, chúng ta cố gắng tha thứ cho người đó,
nhưng chúng ta không quên được. Sự đau
khổ, hờn giận được chôn dấu tận đáy lòng như người ta đã chôn hóa chất phế thải
kia. Tình cảm tai hại này sớm muộn sẽ
thoát ra và sẽ làm:
1. Chúng ta mất niềm vui, bình an vì nhớ tới nó hoài, con
tim không ngủ yên. Người ôm mối hận thù
giống như người uống thuốc độc mỗi ngày với ước muốn là kẻ mình hận sẽ có ngày
lăn ra chết!
2. Nó là trái bom nổ
chậm, là trái phá, huỷ hoại “con tim mù lòa” của chính chúng ta.
3. Nó sẽ châm rễ đắng,
như ung thư chuyển di đi khắp chốn, làm mọi sinh hoạt của chúng ta bị ảnh hưởng,
bị nhiễm độc. Nó sẽ biểu hiện qua lời nói,
việc làm, cách cư xử của chúng ta. Và
quan trọng hơn nữa, nó làm chúng ta mất phần ân điển của Đức Chúa Trời. Khá
coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra,
có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng. (Hêbơrơ 12:15)
4. Nó sẽ làm bức tường
thành biến tim chúng ta thành trái tim ngục tù, và nó cũng ngăn cản ơn phước Chúa
đến với chúng ta.
Phương án đối phó:
Trước tiên
phải biết là mình đang chôn dấu một mối hận khôn nguôi trong lòng và tha thiết
muốn mổ xẻ, chữa lành.
Thuốc thương
và tha là chất giải độc món thù hận. Thương
là thương yêu, thương xót, tha là tha thứ.
Nếu không đủ bản lãnh để tự trị thì cần kêu cầu Chúa Giê Xu là thầy, là
tổ sư của Thương và Tha. Chúa là Đấng toàn
năng trên mọi lãnh vực, chúng ta nhờ cậy Chúa mà thắng được lòng thù hận, phiền
não trong lòng, như Phaolô đã xác định: “chúng
ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần” (Rô-ma 8:37)
Muốn được
lòng thanh thản, chúng ta không cần nghĩ tới những kẻ thù nghịch chúng ta,
nhưng nếu chúng ta không thể trút bỏ, không thể quên được kẻ thù nghịch thì nên
dùng phương án là cầu nguyện để Chúa thăm viếng người đó. Mà Chúa đến được với người đó là phải đi
ngang qua chúng ta, vì vậy mình sẽ được hưởng phước trước.
Song
ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ
các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời (Mathiơ 5:44-45)
Chúa là Đấng
toàn năng. Ngài biết tất cả chúng ta đều
đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rôma 3:23).
Tuy nhiên, để tha thứ chúng ta, Ngài xem như tội lỗi đã không xảy ra. Nhân ta sẽ tha sự gian ác của họ, Và không
nhớ đến tội lỗi họ nữa (Hêbơrơ 8:12).
Nếu chúng
ta thuộc về Chúa qua niềm tin trong Chúa Cứu Thế Giê-Xu, Đức Chúa Trời không kể
tội chúng ta nữa. Trong ý nghĩa đó, chúng
ta phải “tha và quên” đó mới là tha thứ thực sự. Nếu
chúng ta tha thứ người nào, chúng ta cư xử như tội lỗi đó không hề xảy ra. Chúng ta nhớ tội chứ, nhưng chúng ta sống như
không hề nhớ đến nó. (If we forgive
someone, we must act as if that sin had never occurred. We remember the sin,
but we live as if we did not remember it. Charles Stanley)
Hãy ở với nhau cách
nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức
Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.
(Êphêsô 4:32)
Khoảng
Trống Tâm Hồn
Từ đầu thế
kỷ 20, khoa học và kỹ thuật bắt đầu có những bước tiến nhảy vọt, hứa hẹn một viễn
tượng huy hoàng cho nhân loại. Nhiều người
đã hăm hở tuyên bố rằng từ nay con người không cần Thượng Đế nữa vì chính con
người sẽ thành Thượng Đế. Họ cũng tiên đoán
trong thế kỷ thứ 20, con người sẽ sống bình an, hạnh phúc vĩnh viễn vì con người
sẽ tạo một thiên đường tại thế.
Thế chiến
thứ I, thứ II đã xảy ra gây hằng triệu người chết, nhiều chế độ độc tài mọc lên
rồi tàn lụi, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930 và hiện nay, nhiều người lo rằng
cuộc khủng hoảng tái diễn, bao nhiêu người đã bị khủng hoảng tinh thần. Máu vẫn đổ, nước mắt vẫn tuôn vì chiến tranh
lúc nào cũng xảy ra không nơi này thì nơi khác trên địa cầu. Con người bừng mắt dậy vào đầu thế kỷ 21 bỗng
thấy mình đang gần kề bờ hố diệt vong và ngỡ ngàng, khắc khoải nhận thấy khoảng
trống tâm hồn mình chưa được khỏa lấp.
Nhiều người dùng vật chất tạm bợ để lấp chỗ trống đó của tâm hồn. Đó là Danh, Lợi, Quyền theo Đông phương; là
Tiền tài, Quyền lực và Danh vọng (money, power, fame) theo Tây phương. Những mồi bả này không chóng thì chầy cũng đội
mũ ra đi, bỏ rơi họ. Lúc đó, họ trắng
tay, ngẩn ngơ mà thấm thía câu ca dao:
Của Trời, Trời lại lấy
đi,
Trơ trơ đôi mắt, làm
chi được Trời.
Chỗ trống tâm hồn phải được lấp bằng
tình yêu Thượng Đế thì mới trường tồn, mới thấy được hạnh phúc. Tình yêu Thượng Đế hằng cửu, bất tận, ban phát
không ngừng. Con người chỉ cần mở cửa lòng
ra đón nhận ơn phước ấy. Điều này dễ dàng
như vói tay mở khóa để nhận nguồn nước mát hay tháo then cài mở cửa để đón nhận
ánh quang huy của mặt trời. Nhưng điều này
cũng không phải dễ vì Chúa đã ban cho con người ý chí tự do (free will) để chọn
lựa việc chấp nhận Chúa hay từ chối Chúa.
Thay vì chấp nhận và tạo mối tâm giao với Đức Chúa Trời, con người đã dùng
ý chí tự do của mình để bài bác và bất tuân Ngài !
Khi Chúa Giê-Xu
giáng sinh, các nhà bác học vương giả từ phương Đông theo ngôi sao lạ tìm đến
thôn Bết-lê-hem, nơi ở nghèo hèn để chiêm ngưỡng, tôn thờ Hài Nhi Thánh. Các người khôn ngoan này biết hạ mình từ bỏ địa
vị cao sang đi tìm hạnh phúc vĩnh cửu trong Tình yêu Thiên Chúa để lấp khoảng
trống tâm hồn.
Có khi nào
bạn thấy lòng mình như trống rỗng, như thiếu một cái gì không? Có thể bạn đang thiếu tình yêu. Không có tình yêu nào vĩ đại bằng tình yêu
Thiên Chúa!
Ông Thánh
Augustine (354-430) đã nói rằng: “Ngài tạo chúng con cho chính Ngài. Tâm hồn
chúng con không nghỉ yên cho tới khi được yên nghỉ trong Chúa.” (You have made us for yourself, O Lord, and
our heart is restless until it rests in you.)
Không Có Thì Giờ
Tôi đã quỳ cầu
nguyện,
Nhưng không được bao lâu.
Phải đứng lên làm việc,
Nợ đang réo điên đầu.
Nhưng không được bao lâu.
Phải đứng lên làm việc,
Nợ đang réo điên đầu.
Đâu cần nói
lôi thôi,
Lời nguyện ngắn xong rồi.
Bổn phận tín đồ đủ
Linh hồn chắc được ngơi.
Lời nguyện ngắn xong rồi.
Bổn phận tín đồ đủ
Linh hồn chắc được ngơi.
Lời Chúa Trời
tuy tốt,
Nói ra e họ cười.
Thôi thì không nên thốt,
Để khỏi mất thì giờ.
Nói ra e họ cười.
Thôi thì không nên thốt,
Để khỏi mất thì giờ.
Không có giờ
cho tôi,
Có đâu cho kẻ khác.
Bận bịu suốt cả đời,
Rồi đến ngày tôi thác.
Có đâu cho kẻ khác.
Bận bịu suốt cả đời,
Rồi đến ngày tôi thác.
Cúi mặt lòng
lo âu,
Trước Chúa tôi đứng hầu.
Tay cầm "Sách Sự Sống",
Ngài tìm kiếm hồi lâu.
Trước Chúa tôi đứng hầu.
Tay cầm "Sách Sự Sống",
Ngài tìm kiếm hồi lâu.
Lắc đầu Chúa
Trời phán:
"Tên ngươi không có đây!
Có lần Ta định chép,
Nhưng không rảnh một giây!"
"Tên ngươi không có đây!
Có lần Ta định chép,
Nhưng không rảnh một giây!"
Never Found Time
I knelt to
pray, but not for long.
I had too much to do,
Must hurry off and get to work,
For bills would soon be due.
I had too much to do,
Must hurry off and get to work,
For bills would soon be due.
And so I said a hurried prayer,
Jumped up from off my knees.
My Christian duties now were done,
My soul could be at ease.
All through the day I had no time,
To speak a word of cheer;
No time to speak of Christ to friends,
They'd laugh at me I feared.
No time, no time, too much to do.
That was my constant cry;
No time to give to those in need -
At last was time to die.
And when
before the Lord I came;
I stood with downcast eyes;
Within His hands He held a book -
It was the "Book of Life".
I stood with downcast eyes;
Within His hands He held a book -
It was the "Book of Life".
God looked into His book and said,
"Your name I cannot find,"
"I once was going to write it down,"
"But never found the time."
Author Unknown
KHI TÔI NÓI…
Khi tôi nói tôi là người Cơ Đốc
Không nghĩa là tôi sạch sẽ thơm tho
Tôi khẽ nói “tôi đã từng lầm lạc
Chúa đã tìm ra và tha thứ cho”.
Khi tôi nói tôi là người Cơ Đốc
Tôi đâu dám nói với giọng tự hào
Tôi tự thú đã nhiều lúc té nhào
Và cần đến Chúa như người hướng dẫn.
Khi tôi nói tôi là người Cơ Đốc
Không phải khoe mình là kẻ mạnh đâu
Thật ra tôi chỉ là người yếu đuối
Cần sức Ngài để chịu đựng bền lâu.
Khi tôi nói tôi là người Cơ Đốc
Không phải tự hào tôi đã thành công
Mà thú thật tôi từng phen thất bại
Rất cần Ngài làm sạch mớ bòng bong.
Khi tôi nói tôi là người Cơ Đốc
Không phải tự khoe là đã thập toàn
Khuyết điểm của tôi đã quá rõ ràng
Nhưng Chúa Trời cho rằng tôi giá trị.
Khi tôi nói tôi là người Cơ Đốc
Tôi vẫn còn cảm thấy nỗi khổ đau
Trái tim tôi đang oằn oại ưu sầu
Nên tôi kêu gọi hồng danh của Chúa.
Khi tôi nói tôi là người Cơ Đốc
Không phải
coi mình thánh thiện hơn anh
Tôi chỉ là người có tội đành rành
Đã tiếp nhận được nhiều ân điển Chúa.
WHEN I SAY:
-
By Maya Angelou
When I say.. "I am a
Christian"
I'm not shouting "I'm clean
livin'."
I'm whispering "I was lost,
Now I'm found and forgiven."
When I say.. "I am a
Christian"
I don't speak of this with pride.
I'm confessing that I stumble
and need Christ to be my guide.
When I say.. "I am a
Christian"
I'm not trying to be strong.
I'm professing that I'm weak
And need His strength to carry on.
When I say.. "I am a
Christian"
I'm not bragging of success.
I'm admitting I have failed
And need God to clean my mess.
When I say.. "I am a
Christian"
I'm not claiming to be perfect,
My flaws are far too visible
But, God believes I am worth it.
When I say.. "I am a
Christian"
I still feel the sting of pain.
I have my share of heartaches
So I call upon His name.
When I say.. "I am a
Christian"
I'm not holier than thou,
I'm just a simple sinner
Who received God's good grace,
somehow!
Kho Tàng
Kho tàng thường chứa nhiều báu vật
như vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu… Muốn mở cửa kho tàng người ta cần chìa khóa. Một kho tàng tâm linh mà Thượng Đế muốn ban
cho loài người có 7 thứ báu vật đặc biệt.
Muốn mở cửa kho tàng, chúng ta cần 2 chìa khóa T & T để mở 2 lớp cửa. Lớp cửa đầu tiên rất dày, rất chắc phải mở bằng
chìa khóa TIN. Điều này thấy khó mà dễ vì
tất cả tùy lòng tin của chúng ta. Chúng
ta phải tin rằng kho tàng tiềm ẩn 7 báu vật.
Dầu vậy, có biết bao nhiêu người vì không tin nên sống khốn khổ, nghèo
ngặt ngoài cửa kho tàng. Qua được lớp cửa
thứ nhất, nhiều người tưởng rằng sẽ thấy được báu vật ngay, thực ra còn một lớp
cửa thứ hai. Lớp cửa này trông mỏng manh
lắm, trông dễ dàng lắm, chỉ cần chìa khóa TUÂN là mở được. Tuân là tuân mệnh, là vâng lời Chúa. Tuy thấy dễ mà lại khó. Tuân phục cần kỷ luật, cần kiên nhẫn, cần lòng
kính Chúa và yêu tha nhân của mình. Nhiều
người bỏ cuộc ở phần Tuân này. Sau khi mở
được lớp cửa thứ nhì rồi thì đây này 7 báu vật từ từ hiện ra trước mắt chúng
ta:
K: Khôn ngoan: Sự kính sợ Đức Giê-hô-va dạy dỗ điều khôn ngoan (Châm Ngôn 15:33)
; Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, thông sáng, và
vui vẻ cho kẻ nào đẹp lòng Ngài (Truyền Đạo 2:26).
H: Hạnh phúc:
Ở trong nhà Chúa, chúng ta được hưởng biết bao nhiêu phước hạnh. Không
những nhận hạnh phúc, mà chúng ta còn trở thành nguồn phước “Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy
từ trong lòng mình” (Giăng 7:38).
O: Ơn tứ: Tôi
đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi (1 Côrintô 15:10); Đức
Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy,
hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để
làm các thứ việc lành (2 Côrinhtô 9:8)
T: Tha thứ: Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha thứ cho, Ban sự nhân từ dư dật cho những người kêu cầu
cùng Chúa. (Thi-thiên 86:5); Ai
là Đức Chúa Trời giống như Ngài, tha thứ sự gian ác, và bỏ
qua sự phạm pháp của dân sót của sản nghiệp Ngài? Ngài không cưu giận đời đời, vì Ngài lấy sự
nhân từ làm vui thích (Michê 7:18).
A: An
vui (Bình an và vui vẻ): Ta để sự bình an lại cho các
ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các
ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các
ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi (Giăng 14:27); Chúa đã cho tôi biết đường sự sống; Cũng sẽ cho tôi đầy lòng vui mừng
trước mặt Ngài (Công Vụ 2:28)
N: Nuôi dưỡng: Sư tử tơ bị thiếu kém, và đói; Nhưng người nào tìm cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt
gì (Thi Thiên 34:10); Người công bình ăn cho phỉ dạ mình;
Còn bụng kẻ ác bị đói (Châm Ngôn 13:25); Trước tôi trẻ, rày đã già, Nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ,
Hay là dòng dõi người đi ăn mày (Thi Thiên 37:25).
G: Gìn giữ: Vì Đức Giê-hô-va chuộng sự công bình, không từ bỏ người thánh của Ngài; họ được Ngài gìn giữ đời
đời, Còn dòng dõi kẻ dữ sẽ bị diệt đi. (Thi
Thiên 37:28);
Sự bình an của Đức
Chúa Trời Vượt Quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ
(Philip
4:7).
Không Vô Ích
Nếu giúp một
cõi lòng không tan vỡ
Một con
người đau khổ được nhẹ nhàng
Hay cánh
chim non lạc lối về ràng
Thì đời
tôi không phải là vô ích.
Not in Vain
If I can stop on heart
from breaking,
I shall not live in
vain
If I can ease one life
the aching
Or cool one pain
Or help one fainting
robin
Unto his nest again,
I shall not live in
vain.
Emily Dickinson
(1830-1886)
Kinh Thánh
Trung tâm của Kinh Thánh:
Chương nào ngắn nhất trong Kinh Thánh?
Thi-Thiên 117
Chương nào dài nhất trong Kinh Thánh?
Thi-Thiên 119
Chương
Thi-Thiên 118 nằm ngay chính giữa Kinh Thánh vì có 594 chương trước đó, và 594
chương sau đó.
Cộng lại tổng
số chương là 1188.
Câu gốc trung
tâm của Kinh Thánh lại là Thi Thiên 118:8.
Nhìn 2 con số 1188 và 118:8 bạn có thấy sự lạ kỳ không?
Bây giờ,
chúng ta xem câu Kinh Thánh trung ương là Thi
Thiên 118:8 coi Đức Chúa Trời có sứ
điệp gì cho nhân loại
Bản tiếng
Anh là “It is better to trust in the Lord than to put confidence in man”. Một bản tiếng Việt dịch: “Thà
nương náu mình nơi Đức Giê-hô-va, còn hơn tin cậy loài người.”
Có phải
Kinh Thánh chỉ rõ ràng cho chúng ta nơi nào tốt nhất để chúng ta trông cậy, đặt
niềm tin và hy vọng không ?
Mười chương được ưa
chuộng nhất trong Kinh Thánh:
2 Phiêrơ 1, Thi Thiên 1, Giăng 2, GiaCơ 4,
Rôma 12, Êsai 53, Giăng 3, Rôma 1, GiaCơ 1,
Kinh Thánh Bày Tỏ Ý Chúa
Lời Chúa là lời sống
Sắc bén hơn lưỡi gươm
Chia hồn linh, cốt tuỷ
Xét ý tưởng tỏ tường.
Thánh Kinh không dễ hiểu
Chẳng phải ý người ta
Do Thánh Linh cảm động
Mà Lời được chép ra.
Ai hay xem Lời Chúa
Và suy gẫm mỗi ngày
Chịu cho Ngài uốn nắn
Tâm tình được thẳng ngay.
Kinh Thánh là Lời Sống
Lời Đức Chúa Trời chính là Lời sống
Hướng dẫn chúng ta vào mối
thông công
Gươm hai lưỡi chia hồn linh, cốt
tuỷ
Xem xét tư tưởng, ý định trong
lòng
Ơn Thánh Linh hà hơi, cảm động
Các tiên tri từ đó viết thành
Dạy dỗ, bẻ trách và sửa trị
Để chúng ta làm mọi chuyện
lành.
Đừng
xem qua rồi cho là đủ
Nhưng
hằng ngày suy gẫm, thực hành
Đây
lời hứa, đây lời an ủi
Một
cẩm nang trên bước linh trình.
Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta
Lời Chúa như một ngọn đèn
Chiếu thẳng vào chỗ tối đen thế trần
Buớc chân ta khỏi ngại ngần
Rảo theo đường sáng, xa dần nẻo xưa.
Kinh Thánh cần được suy gẫm, làm theo
Chớ
xa quyển sách luật này,
Để
lòng suy gẫm cả ngày lẫn đêm
Nghĩ
thôi không đủ, làm thêm
Bấy
giờ đời sống phước thiêng mới tràn.
Người
khôn xây nhà mình trên đá
Vẫn
còn nguyên dù bão táp mưa sa
Người
dại cất nhà mình trên cát
Bị
sập ngay khi cơn gió lướt qua.
Lòng Biết Ơn
Người mình khi nhận ơn huệ gì của ai
thì hay biết ơn, nhớ ơn, mang ơn. Khi lòng xúc động vì mối ơn này thì đó là cảm
ơn (viết theo chữ Nho thì chữ CẢM 感có bộ Tâm),
khi thốt ra thành lời nói thì đó là Tạ ơn (chữ TẠ 謝có bộ Ngôn). Cảm Tạ thì gồm cả
hai ý nghĩa trên.
Trong khi lòng biết ơn đẹp đẽ, duyên
dáng bao nhiêu thì sự vô ơn lại vô vị biết mấy.
Mục sư Norman Vincent Peale cho rằng “Lòng biết ơn kích thích dòng phước
hạnh triền miên” (Thankfulness
stimulates a continuous flow of blessings).
Ông cũng cho rằng sự tạ ơn là một thái độ tâm thần lành mạnh vừa nhận biết
những ơn đã qua mà còn mở màn cho những phước hạnh sắp tới cho người biết ơn. (Thanksgiving is a grateful recognition of
past benefits and the activator of blessings yet to come.) Ông cũng báo động với những ai thấy đời sống
mình thiếu phước hạnh thì nên xét lại lòng mình, coi mình thuộc hạng người biết
ơn hay vô ơn. Nếu thuộc hạng thứ hai, hãy
đổi quan niệm sống mà tập tành cảm tạ Thượng Đế để được ơn phước.
Con cái Chúa tạ ơn Chúa khi gặp phước
hạnh mà còn tạ ơn khi gặp hoạn nạn nữa!
Họ quan niệm hoạn nạn, thử thách là quà tặng, là ơn phước trá hình đặc
biệt Chúa cho để tập luyện, trui rèn để họ trưởng thành trong đức tin. Lời Chúa chép trong 1 Têsalônica 5:16-18 “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi,
phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa
Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.”
Lòng Tin và Lời Nguyện
Lòng tin như nắng
ấm
Lời nguyện như
mưa rào
Tình ấp ủ,
nghĩa dạt dào
Chứa chan nguồn
sống
cành đào đâm
bông.
Con người cần
khi sống
Lời nguyện và
lòng tin
Để đời thấy
ánh bình minh
Vững vàng phấn
chấn
trong tình
Chúa Cha.
Mưa rào và nắng
ấm
Làm tươi đẹp đời
hoa
Lòng tin, lời
nguyện giao hòa
Hồn ta thanh
thoát
tâm ta trưởng
thành.
Luật Lệ và Tình Yêu
Người dân Do Thái
hay kể câu chuyện sau đây để phân biệt luật lệ và tình thương yêu: Ngày xưa,
có một vị vua đánh thắng trận, chiếm được một vùng đất. Quan cận thần xin vua đặt luật cho dân vùng này. Vua đáp: “trước tiên, ta phải coi những dân này
có chấp nhận ta lãnh đạo họ không, rồi ta mới lập luật. Nếu họ không thích ta cai trị họ, thì họ sẽ
không bao giờ tuân hành luật của ta.” Điều
này cũng đúng với Chúa. Yêu kính Chúa và
chấp nhận Chúa làm chủ đời sống của mình phải đi trước việc vâng giữ luật lệ của
Chúa.
Luật lệ là phương tiện,
tình yêu là cứu cánh.
Torah là kinh của Do
Thái giáo, là sách dạy giáo luật và tình yêu.
Chữ Torah bắt nguồn từ một động
từ có nghĩa là đốt lửa. Lửa chứa đựng sức
sáng của luật pháp và sức nóng ấm của tình yêu.
Luật tụ tập người lại; tình yêu làm gắn bó người và đưa dẫn người đến đích. Luật là khí cụ để kiềm chế. Tình yêu là khí cụ để giải phóng.
Có luật pháp mà không
có tình yêu như có chìa khóa vào nhà băng mà không biết mật mã mở két sắt. Phải yêu kính Chúa thì mới giữ nổi điều răn của
Ngài. Cứu cánh quan trọng hơn phương tiện. Tình yêu quan trọng hơn luật lệ. Luật pháp không tình yêu chỉ tạo những con người
độc đoán. Tình yêu không luật pháp sẽ tạo
tình trạng luông tuồng, rối ren. Cả hai đều
cần thiết và bổ túc nhau. Trí óc tạo luật
pháp phải nối liền với con tim chất chứa yêu thương, nếu không sẽ tạo luật sắt
máu. Luật pháp là phương tiện, nên sau một
thời gian sẽ không còn, chỉ có tình yêu là cứu cánh nên tồn tại.
Mỗi ngày ta để ít phút
trầm ngâm, quán tưởng về tình yêu bao la của Chúa, để tâm linh mình tắm gội
trong ơn yêu thương đó, để hồn mình luôn tươi mới, để bầu nhiệt huyết luôn tràn
đầy, để ta giữ vững một ý muốn mãnh liệt làm đẹp ý Chúa. Khi trái tim chúng ta đã dâng cho Chúa thì bàn
tay dễ dâng cho người. Tình yêu thương là
cái gốc, tất cả việc làm là cái ngọn, cái kết quả hiển nhiên. Thư thứ 1 Corinhtô đoạn 13 có chép: “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người
và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là
chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng
biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời
núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi
phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song
không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.”
Mảnh Đất Cơ Nghiệp
(Cảm tác nhân một ngày khai hoang mảnh đất của Hội Thánh Tin
Lành Jacksonville, Florida)
Đất hứa ta xây Hội
Thánh Ngài
Vun bồi cơ nghiệp
của tương lai
Chim chuyền cành
trúc sầu quê cũ
Lá lay cánh gió gợi
Thiên Thai
Suối mát cuốn
trôi bao phiền não
Lửa hừng đốt sạch
mọi chông gai
Hoa trắng anh cài
lên áo tím
Đất này ôm lấy mảnh
hồn ai ?
Mười Điều Răn
Trước mặt Ta, chớ thờ thần khác
Cũng đừng thờ tượng bạc, tượng đồng
Chớ lấy danh Thánh làm ngông
Nghỉ ngày Sabat, thong dong dưỡng thần.
Phận làm con, song thân hiếu kính,
Cùng giống người, chớ tính giết nhau
Tà dâm chớ nghĩ trong đầu
Cũng đừng trộm cắp, thân trâu ráng cày.
Làm chứng dối chỉ gây tai hại
Tài vật người chớ nảy tánh tham
Ấy mười điều Chúa đã răn
Chúng ta suy gẫm, ăn năn mỗi ngày.
Mười Tai Họa
Trong sách
Xuất Êdíptô ký (từ chương 7 đến chương 11), tác giả ghi lại 10 tai họa đã xảy
ra cho triều thần và dân Ai Cập, mà Chúa dùng làm cho vua Pharaôn hoảng sợ mà để
cho dân Do Thái thoát đời nô lệ khỏi xứ Ai Cập:
Thứ nhất sông máu
hôi tanh
Thứ nhì ếch nhái
nhảy quanh điện vàng
Thứ ba giặc muỗi nghênh
ngang
Thứ tư ruồi nhặng
lan tràn đó đây
Thứ năm dịch lệ
chết đầy
Thứ sáu ghẻ lở
phơi bày rất lâu
Thứ bảy mưa đá lỗ
đầu
Cào cào thứ tám cọng
rau không còn
Thứ chín tăm tối
ba hôm
Thứ mười con chết
không hòm mà chôn.
Tiếng Anh gọi là
Plagues of Egypt, theo thứ tự:
-
The Plague of Blood
-
The Plague of Frogs
-
The Plague of Gnats
-
The Plague of Flies
-
The Plague on Livestock
-
The Plague of Boils
-
The Plague of Hail
-
The Plague of Locusts
-
The Plague of Darkness
-
The Plague on the Firstborn.
Nan Đề
Sau khi trải qua một
nan đề, tôi sẽ trở thành một con người khác.
Tôi sẽ khôn hơn, mạnh hơn, kiên nhẫn hơn; hay tôi sẽ trở nên chua chát,
nghi kỵ, cay đắng, rắc rối và giận hờn.
Tất cả tùy thuộc cách tôi đối phó với nan đề. Mỗi nan đề có thể làm tôi khá hơn hay tệ hơn. Nó có thể đưa tôi gần Chúa hơn, hay nó có thể
đẩy tôi xa cách Chúa. Nó có thể xây đấp
niềm tin của tôi hay làm niềm tin của tôi tan vỡ. Tất cả tùy thuộc vào thái độ của tôi. Tôi quyết tâm sẽ trở nên người khá hơn sau
khi gặp nan đề.
Problem
I will be a
different person when this problem is past.
I will be a wiser, stronger, more patient person; or I will be sour,
cynical, bitter, disillusioned and angry.
It all depends on what I do with this problem. Each problem can make me a better person or a
worse person. It can bring me closer to
God, or it can drive me away from God.
It can build my faith or it can shatter my faith. It all depends on my attitude. I intend to be a better person when this
problem leaves me than I was when it met me.
Rober H. Schuller
Nhà Thờ
Khi đến nhà thờ có người đã thất vọng vì gặp phải những người
khó chịu! Có người lại thích đến nhà thờ
vì gặp được những người dễ thương. Mỗi
người nhận định nhà thờ theo cảm xúc của mình, nên có thể không có nhận định đúng.
Nói đến nhà thờ, chúng ta thường nghĩ đến kiến trúc, đến một
ngôi đền thờ với vật liệu xây cất. Điều
này chỉ nói lên một phần của nhà thờ, thật ra NHÀ THỜ có ý nghĩa về tinh thần,
về tâm linh rất sâu sắc.
Dùng chữ CHURCH trong tiếng Anh, chúng ta tìm ý nghĩa tiềm tàng
của nhà thờ:
C Congregation:
Tập thể của những người có cùng niềm tin, cùng thờ phượng đấng Christ, cùng
nhìn vào thập tự (cross) để có một cam kết (commitment), cùng có một mối thông
công (communication), thường dùng Tiệc Thánh (communion) để nhớ tới tình yêu của
Thiên Chúa đối với con người.
H Home:
Gia đình thường có cha mẹ tức người cầm đầu, có con cái, có anh chị
em. Nhà Thờ có Đấng Christ là lãnh đạo,
con dân Chúa là anh em với nhau. Anh em
không những giới hạn trong khuôn viên nhà thờ mình đang sinh hoạt, mà còn là
anh em với mọi người sinh hoạt ở mọi nơi khác vì tất cả là “con một Cha”.
U U-turn:
Quay lại. Mục đích của nhà thờ là
kêu gọi người ta ăn năn. Tất cả mọi người
đều là con của Thượng Đế, nhưng vì suy nghĩ lệch lạc nên suy nghĩ, hành động chống
lại Thượng Đế, chống lại con người. Chúng
ta như đi ngược hướng, nên cần quay lại.
Nhà thờ kêu gọi tất cả chúng ta cải tà quy chánh, trở về chính đạo.
R Recharger:
Nơi bồi dưỡng tinh thần. Chúng ta
như bình điện đã tiêu dùng ngoài đời suốt cả tuần, trở nên yếu đi, nên cần đến
nhà thờ để được thêm sức. Những câu Kinh
Thánh, những lời giảng của Mục sư hay Linh Mục có tác dụng như nguồn năng lực,
bồi dưỡng tâm linh.
C Class:
Lớp học. Nhà thờ cung cấp cho chúng
ta phương tiện để học. Trường Chúa Nhật
có nhiều lớp theo lứa tuổi, theo trình độ giúp cho chúng ta tăng trưởng thuộc
linh. Tiến bộ nhanh hay chậm là tùy chúng
ta.
H Hospital:
Bệnh viện. Nhà thờ không phải là
nơi tập họp các người thánh thiện như nhiều người nghĩ lầm. Đây chính là nơi chữa bệnh tâm linh. Ai nhận biết mình là người có tội, mình là người
yếu đuối bất năng tự cứu, đều có thể đến nhà thờ để tìm thuốc trị bệnh. Luca 5:31-32 “Đức Chúa Jêsus phán cùng
họ rằng: Không phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, song là người đau ốm. Ta không
phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội.” Trong nhà thờ chúng ta thấy mỗi người một khác,
bệnh tình nặng nhẹ khác nhau, vì vậy, không nên thất vọng khi chúng ta thấy nhiều
người có tính tình không vừa ý với chúng ta.
Những người bệnh càng nặng thì càng cần nhà thờ như một dưỡng đường tâm
linh có Chúa Giê-Xu là vị lương y đại tài giúp đỡ nhiều nhất. Ai nghĩ rằng mình khỏe mạnh nhất, ngon lành
nhất phải coi chừng mình bị một thứ bệnh khó chữa rồi. Đó là bệnh kiêu ngạo, hay là bệnh tự xưng công-chính
(self-righteousness).
Để tránh sự kỳ vọng quá mức của nhiều người, Ông Rick Warren, trong cuốn sách “Sống Theo Đúng
Mục Đích” bài 21, quan niệm rằng mỗi nhà
thờ nên treo bảng đề câu này: “Không một
người hoàn hảo nào được vào đây. Nơi đây
chỉ dành cho những ai thừa nhận rằng họ là tội nhân, cần ân điển và muốn lớn lên” (No perfect people need apply. This is a place only for those who admit they
are sinners, need grace, and want to grow.)
“Đồng bệnh tương lân”, mọi con cái Chúa đều là những người bệnh,
cần thuốc của Chúa, nên cần thương mến nhau, giúp đỡ nhau. Vì vậy, dầu gặp một người anh em nào khó chịu
với mình cách mấy đi nữa, chúng ta cũng cần phải ở lại. Nhà thờ này chính là nơi Chúa đặt để chúng ta
tại đây để học tập, để thực hành lời Chúa.
NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Công nghĩa, Công Bình): (Righteous)
Kinh Thánh nhắc nhiều đến người công chính. Trong bản dịch xưa nhất của Hội Thánh Tin Lành,
chỗ này dịch là “công bình”. Tân Ước nhiều
chỗ chép rằng ai có đức tin vào Chúa Giê-Xu là được xưng công chính, như trong Công
Vụ 13:38-39, Rôma 5:1, Rôma 3:24-26, Rôma 5:9, 2-.Côrinhtô 5:21. Được xưng công chính trong tiếng Anh là “be
justified”; sự công chính là righteousness.
Ý niệm khá mới lạ đối với người Việt mình, nhưng rất quen thuộc với người
Do Thái. Theo huyền thoại của người Do
Thái, lúc nào trong xã hội cũng có 36 người công chính (hay công bình) gọi là Lamed
Vav Tzadikim (ל"ו צדיקים) (thường viết tắt là "the Lamed Vavniks"). Những người này giữ đạo đức, giữ luật lệ của
đạo và đời, thường xuyên cầu nguyện với Đức Chúa Trời cho được quốc thái dân
an. Họ không kiêu ngạo, không khoe
khoang mà khiêm nhường, sống hòa đồng với mọi người.
Những người đặc biệt này tuy được trọng vọng, được ngưỡng mộ,
nhưng vì họ sống im lặng nên không mấy người biết đến cho đến khi khủng hoảng
trong xứ, trong vùng xảy ra. Dân Do Thái
tin rằng vùng nào có nhiều người công chính thì vùng đó được Đức Chúa Trời ban
phước, vùng nào không có người công chính thì điều ác lan tràn, và Đức Chúa Trời
sẽ tiêu diệt vùng đó. Sách Sáng-thế-ký
ghi lại câu chuyện trả giá của ông Ap-bra-ham về số người công chính và ý định
tiêu diệt hai thành Sôđôm và Gômôrơ.
Trong tác phẩm “Giải Đáp 306 câu hỏi của Tín Hữu Cơ Đốc”, ông
Diệp Dung đã giải thích rất rõ nhóm từ “được xưng công bình” theo Kinh Thánh “được
xưng công bình có nghĩa là một người có tội được Đức Chúa Trời kể là vô tội, được
cứu chuộc và được hòa thuận với Ngài. Việc
xưng công bình là một hành động hoàn toàn do Đức Chúa Trời làm cho một tội nhân.
… Trong thời Tân Ước, đến kỳ hạn Đức Chúa Trời sai Con Ngài là Đức Chúa Giê-Xu,
Đấng vô tội, đến thế gian để chết đền tội cho nhân loại trên thập tự giá. Hễ ai bằng lòng tin Đức Chúa Giê-Xu là Đấng Cứu
Thế đã đổ huyết ra trên thập tự giá để chuộc tội cho mình thì người đó được Đức
Chúa Trời xưng công bình, tức là được Đức Chúa Trời kể là người vô tội. Vì tội lỗi của người đó đã được Đức Chúa Giê-Xu
thay thế trả hết trên thập tự giá (Công Vụ 13:38-39).
Chúa ban phước cho người
công bình và luôn cả con cháu của họ, như Thi
Thiên 13:21 có chép:
Tai họa rược theo
người có tội,
Còn phước lành
theo đuổi kẻ công bình.
Thi Thiên 37:25-26
chép:
Trước tôi trẻ, rày đã già, Nhưng
chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, Hay là dòng dõi người đi ăn mày. Hằng ngày người thương xót, và cho mượn; Dòng dõi người được phước.
Ơn Phục Sinh
Ngày thứ ba
trong mộ
Chúa oai quyền
phục sinh
Thắng ma vương
tăm tối
Chiếu rạng ánh
bình minh.
Chúng mình con
cái Chúa
Con người cũ
chết rồi
Hân hoan đời sống
mới
Ơn Chúa nhớ đền
bồi.
Còn bao người
đắm đuối
Trong oan nghiệt
đọa đày
Khóc than
trong bể khổ
Tâm linh chết
mỗi ngày.
Hãy truyền cho
nhân thế
Hồng ân Chúa
cao dày
Chân lý Ngài
sâu nhiệm
Cứu tử: một
phương hay!
Ngày nay là dịp
tiện
Thời ân điển
không lâu
Không ăn năn sẽ
hối
Muôn kiếp sống
ưu sầu.
Theo Chúa đời
vui thỏa
Thêm phước lại
thêm ơn
Gia đình tràn
hạnh phúc
Còn có gì quý
hơn?
Sáng Tạo Bảy Ngày
Ngày đầu: sáng tối, ngày đêm,
Khoảng không trên nước êm đềm ngày hai
Ngày ba biển đất, cỏ cây
Nhật nguyệt, tinh tú tỏ bày ngày tư
Ngày năm Chúa tạo cầm ngư
Ngày sáu, muôn thú, loài người sinh ra
Chúa Trời ngày bảy nhẩn nha,
Nhắc ta ngơi nghỉ, uống trà thong dong,
Cảm ơn Thiên Chúa hết lòng,
Cho tôi đâm rễ bên dòng trường sinh.
Sâu, Bướm và Người
Con sâu nằm
trong kén
Sống buồn tủi
âu sầu
Trí cùn đâu có
biết
Trời cao và đất
sâu.
Muốn vẫy vùng
phỉ chí
Bay bổng cánh
chim hồng
Nhưng kén dày
trói buộc
Thân cá chậu,
chim lồng.
Khi người còn
trong tội
Bóng tối vây
hãm đời
Ngăn cản người
hướng tới
Vinh quang
Chúa rạng ngời.
Thân sâu xông
phá kén
Thoát khỏi cảnh
lao lung
Bây giờ sâu
hóa bướm
Trời cao đôi
cánh tung.
Người phục nơi
chân Chúa
Bao tội được sạch
rồi
Dây oan khiên
đã dứt
Lòng nhẹ nhàng
thảnh thơi.
Bướm lượn trên
trời cao
Thương đàn sâu
lao nhao
Chập chờn đôi
cánh nhủ:
“Phá kén, phá
nhà lao”.
Thánh đồ tuy
thoát thân
Không quên
tình tương lân
Nhắn nhe người
trong tội
Theo Chúa cho
chuyên cần
Đó là đường
duy nhất
Để cứu rỗi hồn
linh
Mai sau về bên
Chúa
Muôn đời được
hiển vinh.
Tám trình độ từ thiện
Maimonides, một triết
gia Do Thái, sống vào thế kỷ 12, phân biệt 8 trình độ từ thiện như sau:
- Cho cách miễn cưỡng
- Cho cách vui vẻ, nhưng không đủ
- Cho đủ, nhưng ai xin mới cho
- Cho trước khi được xin, nhưng cho trực tiếp người nghèo
- Người cho không biết ai nhận, nhưng người nhận biết ai cho
- Người cho biết ai nhận, nhưng người nhận không biết ai cho.
- Người cho không biết ai nhận và người nhận không biết ai cho.
- Cách cho từ thiện cao quý nhất là giúp người nghèo có phương tiện bằng cách cho vay mượn, nhận họ vào hiệp hội của mình, hay huấn luyện họ tự lập để thoát cảnh nghèo.
Tận Thế
Môn học
nghiên cứu về những biến cố xảy ra trong thời gian cuối cùng của địa cầu gọi
theo tiếng Anh là Eschatology đang được nhiều người tìm hiểu. Theo từ nguyên, xin tạm dịch môn này là “Thế
gian chung cuộc học”, nhưng theo ngôn ngữ bình dân, chúng ta có thể gọi là “môn
tận thế”. Căn cứ vào Kinh Thánh, khoa này
cho biết có 7 biến cố sẽ xảy ra:
- Sự trở lại của Chúa Giê-Xu (chép trong Mathiơ 24:30)
- Người chết sẽ sống lại (Giăng 5:28-29) hầu cho “ai làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán”.
- Sự phán xét (The Judgment) (Mathiơ 12:36; 25:31-46) Chúa xem xét tận tấm lòng của mỗi người để biết lý do thúc đẩy họ suy nghĩ, nói năng, hành động mà phân ra hai loại người: một nhóm vào sự sống đời đời, một nhóm vào hình phạt đời đời.
- Trời Mới Đất Mới (New Heaven and Earth) hay cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu trong trật tự mới cho con dân yêu dấu có lòng kính sợ Chúa thật sự (Khải Huyền 21:1)
- Người gian ác sẽ vào Hỏa ngục, chép trong Mathiơ 13:41-42 “Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng”.
- Sự bất tử của linh hồn (Immortality): Chỉ Đức Chúa Trời mới thực sự bất tử (1Timôthê 6:16) vì Ngài là nguồn của sự sống. Linh hồn con người sơ khởi được Đức Chúa Trời tạo dựng với mục đích bất tử để tận hưởng đời sống. Lòng và ý chống nghịch Thượng Đế đã mở cửa cho mọi tội lỗi và tội ác bước vào nên linh hồn con người không còn miễn nhiễm với cái chết nữa, trừ phi biết ăn năn tội, quay về đầu phục Chúa Trời qua sự trung gian của Cứu Chúa Giê-Xu.
- Âm Phủ là nơi các linh hồn tập trung chờ ngày Chúa Giê-Xu tái lâm, chép trong Thi-Thiên 16:8-11; Công vụ 2:25-31. Âm Phủ có thể dịch là Kho chứa hồn, và không phải là Hỏa Ngục.
Căn cứ theo
Kinh Thánh, thì ngày tận thế hay ngày Chúa Giê-Xu tái lâm là một thiên cơ bất
khả lậu, không ai biết được, “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên
sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Mathiơ 24:36). Trong thời cuối cùng, chúng ta phải thận trọng
vì có nhiều tiên tri giả nổi lên làm phép lạ, tiên đoán ngày giờ tận thế, hay tự
xưng là Chúa.. (Mathiơ 24:23-26). Hiện nay, thái độ khôn ngoan của chúng ta là:
-
bình tĩnh, tránh giao động, bối rối vì Ngày Cuối Cùng
không ai biết được,
-
tỉnh thức để khỏi bị cám dỗ,
-
sẵn sàng đón chờ Chúa mình bất kỳ lúc nào,
-
làm chứng để người thân mình cùng về nơi an vui đời đời
với mình,
-
làm hòa, tha thứ cho người khác để tâm hồn mình được
thanh thản và nhận được ơn tha thứ từ nơi Chúa.
Thi-Thiên 23
Đức
Chúa Trời, Đấng chăn từ ái,
Chẳng để tôi phải
thiếu thốn chi.
Dẫn tôi đến mé nước
bình tịnh
Cho tôi vui hưởng cỏ xanh rì.
*
Bồi bổ hồn tôi
tươi mát lại,
Khi tâm mòn mỏi,
trí suy vi.
Dù tôi đi trong
trũng bóng chết
Có Ngài bên, tôi
chẳng sợ gì.
*
Cây trượng, cây gậy
Ngài an ủi
Tôi yên lòng
trong bước hiểm nguy.
Trước kẻ nghịch
tôi, Ngài biệt đãi
Xức dầu tôi: hạnh
phúc ai bì?
*
Ôi! Phước hạnh và
sự thương xót
Đuổi theo tôi từng
bước không rời
Tôi sẽ ở trong
nhà của Chúa
Ở lâu dài, cho đến
muôn đời!
Thi
Thiên 23 là một chương ngắn trong sách Thi Thiên, nhưng có giá trị rất lớn. Còn gọi là bài hát của người hành hương
(pilgrims’ song). Nhiều người dùng bài
này trong tang lễ. Người Do Thái thường
hát bài này trong một bữa ăn đặc biệt.
Thông Công
Thương
yêu và thông cảm
Hiệp
nhất dưới mái nhà
Ôn
hoà và mềm mại
Nhường
nhịn và xuề xoà
Giúp
nhau thật thiết tha.
Chịu
khó trong cư xử
Ơn
phước nơi Chúa Cha
Nhớ
nhau khi cầu nguyện
Gắng
công trong giải hoà.
THÔNG CÔNG
(CHURCH FELLOWSHIP)
Sự thông
công rất quan trọng vì đó là chiều ngang của cây thập tự, nhấn mạnh sự tương
giao giữa người và người.
Chúng ta hãy
xem những ý nghĩa của thông công ngay từ chữ T.H.O.N.G.C.O.N.G.
T thương yêu nhau (tha thứ, cảm thông) “Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che
đậy vô số tội lỗi” (IPhierơ 4:8). “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều
đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35). “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng
thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Êphêsô 4:32).
H hiệp nhất (chi thể trong thân thể đấng Christ):
“Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa
Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau,
chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng
nhau” (ICôrinhtô 1:10);
“Dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Êphêsô
4:3).
O ôn hòa, mềm mại: “Hãy lấy
lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ
kính nhường nhau” (Rôma 12:10). “Phải
khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà
chìu nhau, 3 dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh”
(Êphêsô 4:2-3).
N nhịn nhau (thương xót):
“nếu một người trong anh em có sự gì
phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ
nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Côlôse 3:13).
Anh em cùng một đức
tin
Hãy vì danh Chúa
dằn mình nhịn nhau.
Tường Lưu
G giúp đỡ nhau (tương thuộc, nương nhờ
nhau) “đương
lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Galati 6:10); “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được
mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ
các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (IPhiêrơ
4:10).
C chịu đựng với
anh em mình vì mỗi người sanh ra với một
tánh nết khác biệt. Đôi khi mình phải kiên
nhẫn chịu khó với những khó chịu của anh em mình.
O ơn Chúa: “Đức
Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy,
hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để
làm các thứ việc lành” (IICôrinhtô 9:8); “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung
tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (IPhiêrơ 4:10).
N nhớ tưởng nhau: “Chúng tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa
Trời, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện” (ITêsalônica 1:2); Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu
nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khoẻ mạnh phần xác
anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy” (IIIGiăng 1:2).
G gắng sức trong giải hòa: “Phước cho những kẻ làm
cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”
(Mathiơ 5:9).
Tiệc Tùng & Tang Tế
Tâm lý thông thường là ai cũng thích dự tiệc
vui vẻ hơn là tới đám tang sầu thảm.sách Truyền Đạo ( 7:2) có câu: “Đi đến nhà tang chế hơn là đến
nhà yến tiệc.” Tại vì sao? Vua Sôlômôn viết tiếp: “ vì tại
đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng.”
T: tử thần không kỳ thị. Quả thật, chúng ta thấy trong nghĩa trang,
người thuộc mọi lứa tuổi, mọi màu da, mọi chủng tộc đều có thể nằm trong
đó. “Theo như đã định cho loài
người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hêbơrơ
9:27)
A: an ủi người còn lại: Sự an ủi không cần nói. Nhiều khi chúng ta chỉ cần im lặng cầm tay
hay vỗ vai thân nhân của người quá cố cũng là đủ. Nếu dùng lời nói, thì chỉ cần một vài lời
chân thành là đủ.
N: ngừng lại, buông ra.
Cái chết của người khác có làm
chúng ta thắng bớt những tham vọng trần thế không? Có bỏ bớt, buông ra những thù hận trong lòng
không? Dân Việt Nam có câu
“Nghĩa tử là nghĩa tận” có nghĩa là dù
oán hận người nào mấy đi nữa, chừng đến phút cuối cùng của người ấy thì mọi oán
hờn cũng tiêu tan.
G: Giấc mộng kê vàng: còn gọi là hoàng lương mộng hay ảo mộng. Cũng gọi là Lư
Sinh mộng vì lấy từ tích Lư Sinh đời Đường đi thi hỏng, chàng đến quán
trọ nghỉ tạm, chợp mắt ngủ mơ màng trong lúc chủ nhà đang nấu một nồi kê (hoàng
lương). Lư Sinh nằm mộng thấy mình lấy
con gái đẹp họ Thôi làm vợ, rồi thi đỗ Tiến Sĩ, được bổ làm quan, và được vua
thăng đến chức Tể Tướng, sống cuộc đời vinh hoa phú quí, con cháu đầy đàn. Chẳng may bị tội hình và sắp bị đưa đi chém,
thì Lư Sinh giật mình tỉnh dậy … mà nồi kê chủ nhà đang nấu vẫn chưa chín.
Trong cơn chấp nhất mê mê sảng...
Tỉnh giấc hoàng lương ... một kiếp đời!
Tỉnh giấc hoàng lương ... một kiếp đời!
Hải Đà
Trong Kinh
Thánh, sách Truyền Đạo (1:3) có viết: “Các việc
lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi?”
C: Cuối cùng. Trong Truyền Đạo 7:2 Đi đến nhà
tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi
người; và người sống để vào lòng.
Đức
Chúa Trời đã khiến cho sự đời đời ở nơi
lòng loài người (Truyền Đạo 3:11) nên ngày cuối trên trần cũng là ngày đầu tiên của đời sống tâm
linh.
H: Hư không hay Hy vọng
Một
lời hát diễn tả ý hư không của đời người theo như Kinh Thánh cho biết con người
là cát bụi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân
tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.”
Sách
Truyền Đạo ghi: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không”
(Truyền Đạo 1:2).
Dầu
vậy, Thánh Phaolô cho chúng ta cái nhìn lạc quan đầy hy vọng là con người ngoài
phần thân xác còn có linh hồn:
“Vậy nên chúng ta chẳng
ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong
cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (IICôrinhtô 4:16). Người
thuộc về Chúa có hy vọng nên không sợ hãi, không phiền não khi chính mình hay
người thân của mình lìa đời vì biết rằng linh hồn của người trong Chúa sẽ vào nước
vĩnh sinh.
Ê: Êm
ả: Được chết êm ả, không ê ẩm là ước
muốn của nhiều người ở tuổi cao niên.
Người Á đông ước được “khảo chung mệnh”.
20 thế kỷ trước, một người Do Thái, ông Simêôn xin Đức Chúa Trời: “Lạy Chúa, bây giờ xin
Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài” (Luca 2:29).
Thầy Thạch Tín tường thuật tâm tình “Tiệc
tùng & Tang Tế”:
Thuở
trước, tôi thích tới tiệc tùng, tôi thích thấy tiếp tân trang trọng. Tôi thích thưởng thức thịt, thưởng thức tửu,
thưởng thức trà thơm. Từ từ, tôi trưởng
thành, tính tình tôi thay, tôi thôi thích tới tiệc tùng, trừ tiệc thánh. Tôi thích tới thăm tang tế. Tôi thấy tích tắc thành thiên thu. Tôi thấy
than thở, thấy thương tiếc, thấy tang tóc.
Trước
thời thành tử thi, tôi thấy tất thảy
thân thể tuấn tú, tốt tươi thành tàn tạ, tiếng trong trẻo, thánh thót thành thều
thào, tướng to tát teo thành tí tẹo. Thần
tượng tức tốc thành tro than. Thừa thãi thành túng thiếu. Tưởng tất thắng thành
thua thiệt. Tuyệt tác thành tan tác.
Trong
tay tử thần, tất thảy tan tành. Trịnh trọng
trở thành trần trụi. Thơm tho thành thối tha.
Tồn trữ, tích tụ thành tay trắng.
Tiền, tài, tình, tính toán, tất thảy thoát tầm tay, tất thảy tan tác.
Từ
tổng thống, tổng trưởng, thủ tướng, tể tướng, thủ trưởng, tỉnh trưởng, thừa tướng,
tổng thanh tra, Tây Thi tuyệt thế, thượng thư thông thái, tới tôi tớ tầm thường;
từ tài tử tới tục tử; từ thầy tu tới tù
tội; từ thượng tọa tới tiểu tăng, từ tuổi
thơ trong trắng, tung tăng tới tuổi thượng
thọ tóc trắng; tất thảy tạ từ trần thế.
Tôi
thấy trăm truyện thương tâm, trăm truyện thăng trầm, thống thiết, thảm
thương.
Tôi
tìm thấy trong thánh thư: Tới thăm tang
tế, tôi thấy thân thể tá túc tạm thời trên trần, thỉnh thoảng tổn thất tả tơi,
tuy thế, tâm thần trường tồn trên thiên thượng.
Tôi
thấy thức tỉnh, tinh thần trầm trọng thành thư thái, thảnh thơi.
* Chữ “tang tế” dùng ở đây thay cho “tang chế”
có phần gượng ép vì tác giả muốn dùng cùng chữ có vần T. Tuy nhiên, trong đạo Cao Đài, có một ban gọi
là Tang Tế Sự lo phần chung cuộc của đạo hữu.
Trái Bình Bát
Trong một số báo Nếp Sống Mới, cách đây độ 6
năm, có phần câu đố Kinh Thánh, có 2 câu thơ đố như sau:
Lời
nói hợp lý, hợp tình,
Khác
nào mâm bạc, táo vàng đi đôi.
lấy ý
từ câu Châm Ngôn 25:11. Một độc giả đã thắc mắc là chúng tôi diễn ý
không sát với lời trong bản Kinh Thánh “gốc” (thường gọi là bản dịch Cadman)
là: “Lời nói phải thì, Khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”. Chúng tôi cảm ơn vị độc giả này đã cho chúng
tôi có cơ hội “đụng” tới bản dịch này, bản dịch mà nhiều người xem rất “thiêng
liêng” không dám sửa đổi, không dám sai đi một nét (các vị này hay trưng dẫn Khải
Huyền 22:18-19).
Thực
ra, khi đọc tới những câu KinhThánh có “trái bình bát” trong bản dịch Cadman như
Nhã Ca 2:3; 7:8; 8:5; Châm Ngôn 25:11.chúng
tôi không khỏi không tức cười:
Ai
người có óc hoạt kê,
Đem
cây bình bát trồng về Trung Đông.
… vì
tại Trung Đông không thể có bình bát. Xem
nguyên tác bằng tiếng Hêbơrơ thì Câu Châm Ngôn 25:11 này so sánh lời nói như trái
tappu’ach. Trái tappu’ach được các bản dịch Anh ngữ đều dịch ra
là APPLE, các bản dịch tiếng Pháp là POMME, các bản dịch Hoa ngữ gọi là Tần
(hay Bình) Quả 苹果. Trong website: www.mechonmamre.org/p/pt/pt2825.htm,
chúng ta có thể tìm thấy câu Kinh Thánh này bằng tiếng Hebrew và nhóm người Do
Thái chủ trương đã dịch ra Anh ngữ: “A
word fitly spoken is like apples of gold in settings of silver” (Một lời
nói thích nghi như táo bằng vàng đặt trong bối cảnh bằng bạc). Bối cảnh đó có
thể là bức tranh, cái mâm, cái rổ, cái lưới, cái đĩa… Cây bình bát thường mọc hoang ở các vùng đầm lầy.
Ở Miền nam Việt Nam, người ta thấy
bình bát mọc nhiều tại các bờ kinh rạch cũng
mọc nhiều tại Quảng Ninh... Bình bát (Annona glabra), cùng họ hàng với mãng cầu
xiêm* (Annona muricata), mãng cầu dai hay trái na (Annona reticula). Nhiều vùng còn gọi trái bình bát là quả NÊ (có
lẽ vì họ hàng với NA). Vào khoảng những năm 1960, 1970 có người tháp nhánh mãng
cầu xiêm vào gốc bình bát để có trái nhanh. Ở Úc châu, người ta đang lo ngại nạn bình bát,
vì nó lan tràn quá nhanh và khó diệt. Vùng
đầm lầy Everglades thuộc tiểu bang Florida cũng có nhiều
bình bát. Lắm người thuộc tiểu bang này,
nhiều khi ra chợ tưởng mua trái na, không ngờ về ăn mới biết là mua nhầm nê vì
mùi nó hăng hắc, lạt lẽo, không ngọt thơm như na (Na thường có hình dạng thon
tròn như trái tim, còn nê thì dài và có khi méo). Khác với mãng cầu, bình bát
phẩm chất rất kém, không ai trân quý nó bao giờ, nên không thể dùng nó để so
sánh với lời nói hợp nghi. Thêm vào đó, cây
bình bát chỉ mọc vùng có nhiều nước, nên không thể mọc tại vùng Palestine được. Nói về bản
dịch cổ điển của Hội Thánh Tin Lành là do Giáo sĩ William C. Cadman vào năm
1921 thành lập một ban phiên dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ mà cụ Phan Khôi đóng
góp nhiều nhất. Cụ Phan Khôi (1887-1959) sanh tại Điện Bàn, Quảng Nam. Cụ là nhà
báo, nhà văn, nhà thơ có bài Tình Già viết vào năm 1932, nổi tiếng vì là bài
thơ mới đầu tiên trong văn học Việt Nam. Có người còn cho rằng cụ là tác giả bài ca Lý
Lạch rất phổ thông tại Quảng Nam:
Không đi thì nhớ thì thương,
Đi thì lại mắc cái mương cái cầu.
Không đi thì thảm thì sầu,
Đi thì lại mắc cái cầu cái mương.
Không đi thì nhớ thì thương...
Cụ là một nhà ái quốc, có tinh thần
quật cường bất khuất, thích cải cách, canh tân, luôn tranh đấu cho dân quyền,
đã ngồi tù dưới thời Pháp thuộc vì chống thuế và bị trù dập trong vụ án Nhân
Văn - Giai Phẩm dưới chế độ Cộng Sản. Cụ thông thạo chữ Hán và chữ Pháp nên cụ căn
cứ vào các bản dịch Hán và Pháp ngữ để dịch Kinh Thánh. Bản dịch Việt ngữ này hoàn tất và in năm 1926
tại Thượng Hải. Không phủ nhận là bản dịch này có giá trị về lịch sử, về văn hoá,
đã giúp nhiều tín hữu Tin Lành Việt Nam từ bao thế hệ qua. Xem xét một cách kỹ lưỡng và khách quan, thì ngoài
những câu dịch rất hay, chúng ta bắt gặp không ít những câu dịch rất trúc trắc
không êm tai, những chữ Hán Việt không thông dụng, những chữ xưa hay những từ địa
phương của cụ Phan Khôi mà ngày nay ít người hiểu, những chỗ sai chính tả như
chữ “điều” viết thành “đều”… Trong khi dịch, gặp chữ Pomme trong tiếng Pháp, cụ
đều dịch là trái bình bát. Có thể vào thời kỳ này, trái táo tây không phổ thông
nên cụ dùng trái bình bát để mọi người dễ hiểu. Báo hại người đời sau (nhất là người chỉ biết
bản dịch Cadman) cứ tin tưởng trong Kinh Thánh có nói về trái bình bát.
Bản dịch của Mục sư Lê Hoàng Phu: “Lời
bàn đúng lúc chẳng khác gì trái táo vàng trên đĩa bạc”; ông Phan Như Ngọc thì dịch
(trong Thi ca Thánh Kinh): “Không gì quý bằng lời bàn đúng lúc, Như quả táo
vàng trên đĩa bạc mời dâng.” Theo Bản Dịch
Mới (BDM) xuất bản gần đây nhất dịch là: “Lời nói đúng lúc, Khác nào trái táo vàng để
trên đĩa bạc.” Gần đây, các nhà giải
kinh không đồng ý nhau về việc dùng trái Apple dịch cho Tappu’ach. Có
nhiều người cho rằng chữ Hêbơrơ này phải dịch là Apricot (trái mơ) hoặc Quince
(trái mộc qua: giống trái táo apple, nhưng to hơn, có nhiều hạt và phải nấu lên
mới ăn được). Chúng tôi tin rằng những bản
dịch càng về sau càng chính xác hơn vì ban biên soạn góp nhặt kinh nghiệm từ những
người đi trước, tìm cách đọc nguyên tác bằng tiếng Hebrew khi dịch Cựu ước và
tiếng Hy lạp (Greek) khi dịch Tân ước. Nhất là ngày nay, phương tiện internet giúp
mọi người có thể học hỏi dễ dàng, chính xác và thú vị.
* Mãng cầu xiêm (Annona muricana) gần đây được chú ý vì người ta cho là có chất annonacin giết được tế bào ung thư. Tiếng Anh gọi mãng cầu xiêm là soursop, có khi được gọi là graviola từ tên gọi của người Brazil, hoặc guanábana theo tiếng gọi của người Mễ Tây Cơ.
Trái Tim và Bàn Tay
Một trái tim
cho Chúa
Lửa hồng cháy
bừng bừng
Tạ ơn và cầu
nguyện
Cho lòng con
vui mừng.
Con thấy người
nhân thế
Hình ảnh Chúa
rạng ngời
Cho con vui
dâng hiến
Một bàn tay
cho người.
Một trái tim
cho Chúa
Nơi cao quý
tôn thờ
Lòng rộn ràng
ca múa
Ngợi khen Đấng
trên trời.
Đáp đền ơn
Ngài lớn
Một bàn tay
cho người
Giúp anh em
đang khổ
Thân đâu dám
biếng lười.
Một trái tim
cho Chúa
Một bàn tay
cho người
Nhắc nhau nếp
sống mới
Đón tiếp nhau
nụ cười.
Chia cho người
cơm áo
An ủi người khổ
đau
Trả lại phần
nho nhỏ
Ơn Chúa lớn dường
bao!
Giúp nhau cùng
chung hưởng
Nguồn suối phước
trên đời
Một trái tim
cho Chúa
Một bàn tay cho
người.
TRỤC TRẶC (TROUBLE)
Chúng ta thử giải mã chữ T.R.O.U.B.L.E.:
T 3 chữ T mà trong đời sống hàng ngày chúng ta
thường gặp: Trial (thử thách),
tribulation (hoạn nạn), temptation (cám dỗ).
Chúng ta hãy xem những thứ T này nhẹ nhàng và tạm thời như có chép trong
IICôrinhtô 4:17.
R Reform, rèn tập: “sự nhịn nhục sanh sự rèn
tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy” (Rôma
5:4). Đá có chứa ngọc phải được mài dũa thì ngọc mới lộ ra.
U Useful:
hoạn nạn, thử thách có mục đích giúp ích: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự
hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn
Ngài đã định” (Rôma 8:28).
B Blessings in disguise: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt
đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em
sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục
phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không
thiếu thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2-4).
L Life, c’est la vie “Hỡi
kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp
một việc khác thường” (IPhiêrơ 4:12).
Câu hát của Trúc Phương: “đường thương
đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người” thật đúng và thật thấm thía.
E Eagle (chim ưng): “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được
sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt
nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Esai 40:31).
Câu nói của nhà kịch tác gia Honoré de Balzac (1799-1850)
về hoạn nạn đáng cho chúng ta suy gẫm: Sự bất hạnh là một nấc thang cho
bậc anh tài, một hồ bơi cho người Cơ Đốc, một kho tàng cho người khôn khéo, và
là một vực thẳm cho những kẻ yếu đuối. (Le
malheur est un marche-pied pour le génie, une piscine pour le chrétien, un
trésor pour l’homme habile, pour les faibles un abîme).
Bà Rita Levi
Montalcini, một nữ khoa học gia Ý gốc Do Thái, vừa ăn mừng sinh nhật 100 tuổi vào
ngày 22 tháng 4 năm 2009 có lời khuyên hậu thế là đừng bao giờ sợ khó và sợ khổ
vì những cái tốt nhất sẽ phát sinh từ đó.
Trường
Chúa Nhật & Công Việc Nhà
Chén bát dơ không rửa
Tôi cũng chẳng làm giường
Tôi vâng theo lời Chúa
Lớp Chúa Nhật vào trường.
Tôi cùng những người trẻ
Bắt đầu cuộc hành trình
Đi tìm một chân lý
Diễn giải trong Thánh Kinh.
Việc nhà tuy chểnh mảng
Cũng chẳng quét cầu thang
Rồi hai mươi năm nữa
Việc đó có ai màng?
Còn tôi giúp em nhỏ
Được lớn trong niềm tin
Thế giới ngày sau sẽ
Thấy,
biết và hoan nghênh.
SUNDAY SCHOOL AND HOUSEWORK
My dishes went unwashed today,
I didn’t make the bed,
I took God’s hand and followed
To Sunday school instead.
O yes, we went adventuring,
My young people and I,
Explaining in the Bible,
The truths none can deny.
That my house was neglected,
That I didn’t sweep the stair,
In twenty years no one on earth
Will know, or even care.
But that I’ve helped a girl or
boy,
In Christian witness grow,
In twenty years, the whole wide
world
May look and see and know.
Vạn Sự Như Ý
Vào ba ngày Tết, người ta thường chúc tụng nhau. Trong các câu chúc Tết, câu “Vạn Sự Như Ý” có
lẽ được dùng nhiều nhất. Câu này có thể áp
dụng cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, dùng đi dùng lại hằng năm vẫn được
mặc dầu nó đã trở thành sáo ngữ. Trong các
câu liễn đỏ dán cột nhà, ngạch cửa mừng Xuân như “Tâm Tưởng Sự Thành”, “Xuất Nhập
Bình An”, “Ngũ Phúc Lâm Môn”… thì câu “Vạn Sự Như Ý” cũng lại được ưa chuộng nhất.
Trên đời, nếu mọi sự, mọi điều xảy ra như ý nguyện của mình
thì còn gì bằng. Chúng ta thấy hạnh phúc
tràn trề, sung sướng như lên chín tầng mây.
Ngược lại, khi sự việc xảy ra bất như ý thì tinh thần chúng ta dễ bị suy
sụp, chán nản, tuyệt vọng. Có người còn đi
tìm tới cái chết nữa! Tuy nhiên, suy gẫm
lại trong quá khứ, chúng ta thấy có nhiều lúc mình có những ước muốn quá kỳ quặc
và nghĩ lại mình phải thấy mừng là những ước muốn đó không được toại nguyện. Nhiều người lớn tuổi tâm tình lại là họ phải
cám ơn Chúa vì không phải lời cầu nguyện nào của họ vào lúc thiếu thời cũng được
nhậm! Chúa biết điều nào lành để ban và điều
nào không lành để không ban.
Có một chuyện vui kể lại ước muốn con người nhiều khi rất nông
cạn, kỳ quái, buồn cười và cũng rất trẻ con.
Có hai vợ chồng kia sống rất đạm bạc trong một thôn xóm nghèo. Vợ chồng sống rất có tình nghĩa với nhau nên được
bà tiên hiện ra cho họ 3 điều ước. Họ có
thể ước điều chi cũng được, nhưng chỉ được có 3 lần mà thôi. Vợ chồng bàn bạc là mình phải cẩn thận trong
lời xin mới được vì chỉ có 3 điều được tiên ban cho. Suốt ngày họ cũng chưa quyết định xin điều gì. Vào bữa ăn tối, họ ăn cơm với rau như mọi ngày. Ông chồng bỗng buột miệng: “Ước gì mình có được
miếng thịt bò bít tết để ăn thì sướng biết mấy!” Tự nhiên có ánh sáng lóe lên và trên bàn một
dĩa thịt bò bít tết nóng hổi, thơm phưng phức xuất hiện. Hai ông bà bàng hoàng một hồi, chợt bà nhận
ra là một điều ước đã mất một cách đáng tiếc.
Bà tức bực ông chồng của bà sao khờ dại chỉ xin có một miếng thịt bò. Càng ngẫm nghĩ, bà càng giận ông cành hông. Không dằn được, bà thốt: “Phải chi miếng thịt
này dính vào mũi ông cho đáng đời ông”. Ánh
sáng lại lóe lên, miếng thịt bò bay lên dính vào mũi ông. Ông cố gỡ miếng thịt ra, bà cũng phụ tay vào
mà miếng thịt quái ác dính chặt đến nỗi dao cũng cắt không đứt. Cả hai bây giờ dở khóc dở cười, miếng thịt lòng
thòng trên mặt ông chồng, ngửi thì thơm, ăn không được, tháo gỡ không ra.
Cả hai nhăn nhó nhìn nhau, bỗng cùng thốt: “Ước gì miếng thịt trở về chỗ
cũ của nó!” Ánh sáng lại lóe lên, miếng
thịt tróc ra khỏi mũi ông rồi biến mất.
Cả hai bàng hoàng, bồi hồi rồi cùng cất một tràng cười ha hả như vừa qua
khỏi giấc mơ tiên!
Vì ý tưởng con người thật là nông cạn, kỳ quặc, có khi ngông
cuồng, ấu trĩ, nên Chúa Giê-Xu dạy chúng ta khi cầu nguyện thì không cầu xin
theo ý mình mà luôn luôn xin “Ý Chúa được nên”
(Mathiơ 6:10).
Ngay khi Chúa Giê-Xu cầu nguyện trước khi nhận chén đắng khổ nạn trên thập
giá để cứu chuộc nhân loại: “Cha ơi! Nếu
có thể được, xin cho chén này lìa khỏi Con!
Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Mathiơ
26:39).
Trong sách Êsai đoạn
55 có chép lời mặc khải của Đức Chúa Trời: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng
các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao
nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng
các ngươi cũng bấy nhiêu”.
“Xin cho ý muốn của Chúa được nên!” (The Lord’s will be
done) trong sách Công Vụ (21:14) nói lên lòng thuận phục
hoàn toàn vào ý muốn của Chúa trong đời sống của mình. Chúng ta nên tránh “cưỡng cầu”, tức là cầu khẩn,
nài nỉ xin mọi việc theo ý riêng của mình.
Vì sự nằn nì dai dẳng, Chúa có thể ban cho chúng ta, nhưng sau cùng chúng
ta phải trả một giá rất đắt. Ngược lại,
tìm hiểu và cầu xin theo ý Chúa, chúng ta có thể gặp khó khăn lúc đầu, nhưng
sau đó lại vô cùng thuận lợi, vì Chúa biết điều nào tốt cho chúng ta. Dù hoạn nạn, gian khổ có thể xảy ra trên đường
chúng ta tìm ý Chúa, chúng ta tin quyết rằng: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu
mến Đức Chúa Trời” (Rôma 8:28)
Vậy, khi chúc Tết cho anh em trong Chúa, chúng ta có thể chúc
“Vạn Sự Như Ý Chúa”.
Viên Than và Niềm Tin
(Christians are like coals of fire. Together they glow; apart they die out.)
Viên than dù đỏ
rực
Để riêng ắt
nguội dần
Nhưng sẽ luôn
nóng hực
Nếu viên khác ở
gần.
Cơ Đốc nhân
cũng thế
Nhóm họp nếu
không chăm
Niềm tin sẽ giảm
sút
Cuộc sống ắt tối tăm.
Muốn sống đời
đắc thắng
Hãy siêng đến
thông công
Bạn khuyên và
Chúa giúp
Trăm khó cũng
làm xong.
Vườn Hoa Thơ
Vườn hoa muôn
sắc thắm
Muôn vẻ lại
muôn hương
Lòng hoa không
vướng tục
Bụi trần quyết
chẳng vương.
Hoa thơ đang
chớm nở
Gió thoảng mùi
nguyên trinh
Xin chàng nhè
nhẹ bước
Để hoa dệt mộng
lành.
Một số bài trong tập sách này đã được đăng trên
báo Nếp
Sống Mới, tờ báo dưỡng sinh, dưỡng linh cho người cao niên, xuất bản mỗi
năm 4 kỳ vào tháng 1, 4, 7, 10 dương lịch.
Quý vị nào muốn nhận báo này (cũng như tập sách này), xin liên lạc về địa
chỉ:
Hiep Chau
8991 Blaine Meadows Dr.
Jacksonville, FL 32257-1719
Email: hiepnchau@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét