Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Nếp Sống Mới Thu 2015: Ý nghĩa cuộc sống

­­­­­­­­Nếp Sống Mới
Tờ báo dưỡng sinh, dưỡng tâm, dưỡng linh cho người cao niên
8991 Blaine Meadows Dr.
­Jacksonville, FL 32257-1719
Số Thu 2015
  Ý Nghĩa Cuộc Sống


Buổi họp của các bạn cao niên vừa qua, đúng vào lúc tưởng nhớ 40 năm miền đất Việt Nam Cộng Hòa bị cưỡng chiếm.  Ai được là vua, ai thua là giặc. Đất nước được thống nhất, nhưng lòng người ly tán.  Hằng triệu quân nhân, công chức miền Nam bị lùa vào trại tù cải tạo.  Chợt hiểu ra rằng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hằng triệu người liều chết tìm đường vượt biên, vượt biển:
Một liều ba bảy cũng liều,
Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây!
Lắm người không khỏi ngạc nhiên như nhà thơ Hồ Mộng Thiệp:
Có gì mai mỉa nhất trần gian
Khi lửa can qua đã lụi tàn
Thiên hạ đổ xô tìm đất sống
Trùng dương bất chấp mọi nguy nan.
(Tiếng Còi Xe Lửa)
Cuộc bàn luận dần dà đưa đến câu hỏi là trong thời gian ngột ngạt của miền Nam sau năm 1975, người thì trong tù tập trung cải tạo nhỏ, kẻ thì vất vả trong tù xã hội lớn, điều gì giúp anh chị vượt qua được giai đoạn nguy khốn đó mà sống còn. Nhiều người đồng ý là hình ảnh gia đình giúp mình sống.  Nhiều người hay đem hình ảnh vợ hoặc chồng con ra nhìn rồi lẩm bẩm như  chuyện trò với người thân.  Nói chung thì tin yêu và hi vọng giúp cho chúng tôi sống.  Một chị góp ý là ngoài niềm tin, một vài niềm vui nho nhỏ cũng thêm sức sống cho chị.  Gia đình chị cũng lâm vào cảnh khó khăn, chồng đi tù cải tạo, chị tảo tần nuôi 4 con nhỏ và chồng bằng cách làm hành phi bán cho các tiệm buôn.  Đứa con gái đầu lòng 12 tuổi thật giỏi giắn, ngoài việc học, nó còn trông em, xắt hành, phi hành giúp mẹ.  Thấy mẹ buồn, nó thường kể chuyện vui.  Thật như dân gian thường nói: “Có ruộng sâu, trâu nái, không bằng có con gái đầu lòng”.  Có hôm nó bỗng nói: “Mẹ ơi, mẹ con mình bây giờ là phi hành gia”.  Tôi chợt hiểu ý khôi hài này, rồi 2 mẹ con ôm nhau cười rũ rượi.  Nó đặt thành bài hát: 
Hai mẹ con chúng ta
Nay thành phi hành gia
Bán hành phi ra chợ
Mua quà đi thăm ba.
Anh Hai lái câu chuyện sang đời sống tại xứ người không phải dễ dàng mà phần lớn trải qua được có phải là mình nhắm vào tương lai của con cái để phấn đấu không.  Bây giờ con cái đã lớn, học hành xong, có gia đình riêng rồi, không cần đến mình nữa thì chúng ta có nên tìm một lý do, một ý nghĩa gì để sống?
Anh Sáu nói: “Tôi không có gia đình nên không phải nuôi vợ, nuôi con.  Thời đi làm, tôi xem như thời gian chịu đấm ăn xôi.  Khi gần về hưu, tôi xem đó là thời gian chờ xôi, để đúng tuổi hưu là có xôi hằng tháng chính phủ gửi cho mà khỏi phải đi làm.  Xin các anh chỉ cho tôi ý nghĩa để sống vì bây giờ tôi thấy mình ở chỉ chờ khiêng.  Khiêng ra nghĩa địa hay khiêng vào lò thiêu!
Anh Một lên tiếng: “Nghe các anh chị nói, tôi nghĩ tới ông Viktor Frankl, một bác sĩ người Áo gốc Do Thái.  Ông sinh năm 1905, mất năm 1997 tại Vienna, Áo.  BS Viktor Frankl chuyên về thần kinh và tâm thần (neurologist and psychiatrist) trị bệnh cho người bị tâm thần, cùng những người trầm cảm muốn tự tử.  Ông khai sáng một phương pháp trị liệu cho người tuyệt vọng, gọi là Logotherapy, có thể dịch ra tiếng Việt là Ý Nghĩa Trị Liệu.  Ông nhận thấy những người thất vọng, tuyệt vọng nếu họ bám được một chút hi vọng nào đó thì họ ít tìm đến cái chết.  Ý Nghĩa Trị Liệu giúp bệnh nhân tìm ra ý nghĩa cuộc sống của họ để họ có thể phấn đấu tiếp để… sống.  Ông đồng ý với Friedrich Nietzsche:  “He who has a why to live for can bear with almost any how”  (Ai biết lý do mình sống sẽ chịu đựng được mọi hoàn cảnh dù khó khăn thế nào.)
Năm 1942, cùng với cha mẹ và vợ chồng người anh trai, vợ chồng ông bị bắt vào trại tập trung của Đức Quốc Xã tại Bohemia, sau đó họ đưa ông vào 3 trại khác.  Như những tù nhân khác, ông bị đối xử thật tàn tệ.  Nhiều người thấy cái chết trước mắt là sẽ bị lùa vào lò hơi ngạt nên họ buông xuôi, mất sức phấn đấu.  Những người này chết trước khi bị giết.  Lúc đó, BS Viktor Frankl thấy ông có 3 lý do để sống là 1gặp lại vợ, 2viết lại luận án Logotherapy, mang tên tiếng Anh là “The Doctor and The Soul” (vì bản thảo của ông bị tịch thu), và 3dùng Ý nghĩa trị liệu giúp cho các bạn đồng tù.  Chỉ cần hỏi các bạn này về gia đình của họ là bao kỷ niệm ập về, là họ tìm được niềm tin yêu và hi vọng để sống.  Ông may mắn được đồng minh cứu thoát vào tháng 3 năm 1945 trong khi cha mẹ, anh chị và vợ đã chết hoặc vì kiệt sức, đói khát hay trong lò hơi ngạt. 
Năm 1946, ông viết một tác phẩm bằng tiếng Đức,  dịch ra tiếng Anh là “Man’s Search for Meaning”, được dịch ra nhiều thứ tiếng.  Sau đó ông viết thêm nhiều sách khác để quảng bá Logotherapy.  Tư tưởng tích cực, lạc quan, tìm ý nghĩa cuộc sống của chính mình đã giúp nhiều người tìm lại được sức mạnh tinh thần để sống tiếp.
Các bạn về nhà tìm đọc thuyết này qua sách hoặc qua internet, rồi email cho cả nhóm biết nếu bạn tìm được ý nghĩa cho quãng đời sống sắp tới của mình.”
Vài ngày sau, những bạn trong nhóm nhận được những điện thư chia sẻ:
-  Tôi mất chồng 2 năm rồi mà vẫn còn thấy hụt hẫng, hay trách chồng sao bỏ mình đi quá sớm.  Sau khi đọc Logotherapy, tôi nghĩ nếu hoàn cảnh đổi khác, tôi mất trước chồng, thì thật tệ hại cho ông vì ông không thể vô bếp nấu ăn.  Ông không kiên nhẫn với trẻ con nên không giúp gì cho các cháu.  Ông đã từng phân công: tôi lo chuyện nhỏ là chuyện gia đình; ông lo chuyện lớn hơn như chuyện thiên hạ đại loạn, chuyện thám hiểm không gian…  Bây giờ, tôi thấy sự sống trễ của mình có ý nghĩa là hy sinh cho chồng và cho con cháu.  Tôi thấy được lý sống và lẽ sống.  Lý sống là săn sóc các cháu tôi, lẽ sống là niềm an ủi cho người khác.  Với những người tôi tiếp xúc, tôi truyền sứ điệp tin yêu và hi vọng. 
-  Tôi thấy đúng như BS Viktor Frankl nói, tôi có đủ phương tiện sống, nhưng không có ý nghĩa sống.  (Ever more people today have the means to live, but no meaning to live for.  VF).  Lý do có lẽ vì một lần tôi đã chọn lý tưởng sai, tưởng là tranh đấu cho dân, cho nước, nhưng sau 1975, cùng với nhiều trí thức miền Nam khác, mới biết mình bị lừa mị.  Chúng tôi mang tâm trạng thất vọng, ê chề như người đàn bà lỡ “trao duyên lầm tướng cướp”!   May mà tôi thoát ra được xứ tự do này.  Tôi học quên quá khứ, hướng về tương lai và vui sống trong hiện tại.  Tôi sẽ hoạt động ráo riết hơn để vận động, tranh đấu cho nhân quyền mọi nơi được tôn trọng, nhất là tại Việt nam.
-  Khi định cư tại Hoa Kỳ, có người bà con cứ nói rằng tôi không thể nào trở lại hành nghề y khoa được.  Đối với tôi, khen tướng không bằng khích tướng, tôi cố gắng hết sức để chứng tỏ họ đã sai khi đánh giá tôi.  Chất xám tuy bị bạc đãi tại quê nhà, nhưng được biệt đãi và trọng đãi tại Hoa kỳ.  Tôi đã trở lại nghề và nay đã về hưu.  Tôi có thú tiêu khiển xử dụng internet, tôi sẽ khuyến khích, giúp đỡ cho các cụ người Việt biết cách dùng laptop, tablet… (theo cách hội AARP chỉ dẫn người cao niên.  Ai thích có thể vào aarp.org tìm TEK Technology Education Center nơi thành phố mình ở để biết lịch trình các lớp học, hay email:  TEK@aarp.org để hỏi.)
- Tuy bị stroke, không dùng được tay phải, tôi kiên nhẫn tập dùng tay trái.  Tôi vẫn theo đuổi thú vui của mình trong việc nấu ăn, làm bánh.  Quả thật, một tay với thái độ đúng vẫn hơn người còn đủ 2 tay với thái độ sai. 
-  Điều tôi học được từ BS Frankl là: “Những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, những kinh nghiệm chúng ta trải qua dù đau khổ hay vui sướng đều có thể tạo thành tài sản quí báu (asset) cho tương lai chúng ta.”  Ý nghĩa cuộc đời của ông là giúp cho người khác tìm thấy ý nghĩa cuộc đời của chính họ.  Tôi thấy đồng tình với ông.
-  Tôi thích thú săn sóc vườn rau cây thuốc mỗi ngày.  Vườn rau này cho tôi cơ hội vận động cơ thể và đồng thời cung cấp cho tôi rau quả dinh dưỡng trong bữa ăn. 
- Trong tác phẩm: “Man’s Search for Ultimate Meaning”, BS Viktor Frankl quan niệm ai tìm được lý tưởng về phương diện tâm linh là cao quí nhất.  Con người có 3 phần: thể chất, trí tuệ, tâm linh.  Thường những người trải qua đau khổ, bị bầm dập (bầm bên ngoài, dập bên trong) mới có suy nghĩ về tâm linh.  BS VF giúp tôi hiểu được ông Phao-lô khi “coi mọi sự như sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết”.  Ông Phao-lô sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu khổ nạn, đến nổi xem thường cái chết, chỉ vì ông có lý tưởng là rao truyền danh Chúa.  Những thập niên qua, câu chuyện “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc gây xúc động mọi người trên thế giới.  Hình ảnh em bé 9 tuổi trần truồng, hốt hoảng, kinh hoàng vì bị phỏng nặng năm 1972 tại Trảng Bàng đã đánh động lương tâm nhân loại về chiến tranh và hòa bình.  Cô đã sống trong mặc cảm và thù hận trong nhiều năm, sau đó cô nương nhờ lời Chúa mà học được bài học tha thứ.  Cô tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình là cổ võ hòa bình thế giới.  Năm 1997, cô Kim Phúc được UNESCO phong làm Đại sứ Thiện Chí Hòa bình (Goodwill Ambassador for Peace). 
Các bạn cao niên trong nhóm từ đó như có thêm sức sống.  Họ vui vẻ trong hiện tại, mỗi người nhắm về một tương lai tươi đẹp do chính mình tìm ra.     
Châu Sa ghi.
Chúa Là Quý Nhất

"Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ" - Phi-líp 3:8
Tôi coi mọi sự như là
Những điều thua lỗ, để mà được Cha,
Bởi vì tình Chúa bao la,
Quý hơn mọi thứ nơi nhà thế gian!
Mọi điều tôi có, Chúa ban,
Chúa là Nguồn Suối Bình An chảy hoài,
Ngài là Đấng chẳng đổi thay,
Quyền năng tuyệt đối, chẳng ai so bằng!
Chỉ Ngài là Đấng tôi cần,
Mọi điều dưới đất xa gần chóng qua,
Tin Ngài tôi được thứ tha,
Được thêm sức mới, thăng hoa, vui cười!
Ngài là tất cả, bạn ơi,
Hãy tin nhận Đức Chúa Trời hôm nay,
Để lòng bạn được đổi thay,
Được ân cứu rỗi từ giây phút này!
Đời như cơn gió thoảng bay,
Làm sao biết được ngày mai có còn?!
Tiểu Minh Ngọc


Vần Thơ Thái Trịnh
Xin Kể Bạn Nghe
 Thuở ấy,
Tôi như thuyền nhỏ giữa biển khơi
Sóng gió ba đào ập đến nơi
Chợt nhìn người lái thuyền đâu mất
Bỏ lại mình tôi giữa biển khơi.
Đời tôi như đã nghẻn lối đi
Vì chồng tối đã sớm biệt ly
Bỏ lại tôi các con thơ dại
Đất khách xa nhà thật khó nguy.
Gió thu như khúc “dứt đường tơ”
Tôi giấu giọt buồn trước trẻ thơ
Nhìn con tôi nhận ra lẽ sống
Và nguồn hy vọng thật vô bờ!

Thu Hoài Cảm
Người càng yêu thích thu bao nhiêu
Thì hãy cảm ơn Thượng Đế nhiều
Ngài đã gởi thu nguồn sinh lực
Mang về nhân thế của Ngài yêu.
Thu ơi góp hết hồn thơ lại
Để lập bài ca tạ ơn ngài
Từng tiếng suối reo làn gió mát
Từng lời chim hót dưới nắng mai.
Và từng đồi núi thay màu lá
Thu về cảnh đẹp tựa thiên thai
Ai người tâm trí như tơ rối
Hãy xem tiên cảnh giữa trần-ai.
Thái Trịnh


Cô Hà giải đáp
Nhà tôi cho tới giờ nầy vẫn còn nuôi lòng hận thù những người đã đày đọa ông ấy ở trong tù “cải tạo”.  Như vậy có trái với điều Chúa dạy không?
Trả lời:
     Thưa bà, đây là một vấn đề hết sức tế nhị và nhạy cảm.  Rất tiếc, do hoàn cảnh đất nước, một số đông người Việt Nam chúng ta đã phải ở trong hoàn cảnh nầy.
     Nói đến điều Chúa dạy về hận thù và tha thứ, chúng ta đều biết Chúa muốn chúng ta tha thứ, vì chính Chúa đã tha thứ chúng ta trước.  Nhưng muốn được tha thứ, người có tội phải ăn năn tội lỗi mình, phải thanh toán xong món nợ tội lỗi trước đã …
     Chúa là Đấng yêu thương, nhưng cũng là Đấng công chính.  Ngài không đánh giá đồng loạt theo kiểu “cá mè một lứa”.  “Đức Giê-hô-va chậm giận và có quyền lớn; nhưng Ngài chẳng cầm kẻ mắc tội là vô  tội” (Na-hum 1:3a)
     Nhưng chúng ta phải phân biệt rõ, giống như Đức Chúa Trời đã phân biệt:  Ngài ghét tội lỗi, nhưng Ngài yêu tội nhân.  Vì yêu tội nhân nên Ngài mới mở đường cho tội nhân bằng Chương Trình Cứu Rỗi mà Chúa Giê-xu đã thực hiện.
     Vậy thì, chúng ta nên học theo Chúa:  Ghét cái chủ nghĩa không tưởng đã làm cho chúng ta khốn khổ, nhưng nên thương những “con người” trong chủ nghĩa đó, vì đa số họ không ý thức hết được bản chất của chủ nghĩa đó, cũng như những người đã trực tiếp đóng đinh Chúa, mà Chúa đã nói “Xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”.   Biết đâu họ cũng chỉ là những nạn nhân của chủ nghĩa ấy không hơn không kém. Vậy vấn đề là chúng ta phải cầu nguyện, và nếu làm được gì để giúp họ nhận ra sự sai trái và tội lỗi của họ để họ ăn năn, thì rất nên làm.  Chúng tôi nghĩ, cầu nguyện cho họ và truyền bá đạo Cứu Rỗi của Chúa cho họ là cách tốt nhất!  Nếu chỉ “thù hận” suông một cách thụ động mà không làm gì giúp họ nhận ra tội lỗi của họ, thì e  rằng Chúa chẳng đẹp lòng, mà cũng chẳng có ích lợi gì về cả hai phía:  người bị thù và người “ôm lòng thù hận”. 
Cũng có người nói rằng :  “Ôm mãi lòng hận thù cũng tương tự như mình uống thuốc độc mà lại mong cho kẻ thù mình chết.”  Họ vẫn chưa chết, mà chính chúng ta “chết”  trưóc vì vẫn cứ quay quắt bởi hận thù, nên mất phước!
Tóm lại, chúng tôi nghĩ, để khỏi phải “trái với lời Chúa dạy”, chúng ta nên tha thứ đối với người đã thanh toán xong món nợ tội lỗi bằng cách ăn năn; còn đối với người mình còn “mắc nợ”, chúng ta nên truyền bá đạo Chúa cho họ, mở đường cho họ ăn năn như chính Chúa đã làm.  Hy vọng rằng sẽ có ngày:
Ngó lại mặt, mắt chúng con trào lệ
Nhưng sẽ là những giọt lệ yêu thương!
Cô Hà

Đừng Tưởng
Đừng tưởng cứ núi là cao 
Cứ sông là chảy cứ ao là tù 
Đừng tưởng cứ dưới là ngu 
Cứ cao là sáng cứ tu là hiền.
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên 
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong 
Đừng tưởng không nói là câm 
Không nghe là điếc không trông là mù 
Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan 
Đừng tưởng có của đã sang 
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây 
Đừng tưởng cứ uống là say 
Cứ chân là bước cứ tay là sờ 
Đừng tưởng cứ đợi là chờ 
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần.
Đừng tưởng cứ mới là tân 
Cứ hứa là chắc , cứ ân là tình 
Đừng tưởng cứ thấp là khinh 
Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to .
Cứ già là hết hồ đồ 
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền 
Đừng tưởng cứ quyết là nên 
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua.
Dưa vàng đừng tưởng đã chua 
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời 
Khi vui đừng tưởng chỉ cười 
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than .....! 
Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ Hứa là Thật, cứ Tay là Cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ Bè là Bạn, cứ Dân là Lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ Đất và Nước là thành Quê Hương
Đừng tưởng cứ Lớn là Khôn
Cứ Bé là Dại, cứ Hôn… là Chồng
Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người
Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn
Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường
Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ Xấu là Ghét, cứ Vương là Tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền
Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ Bên là Gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ
Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ Tranh là Được, cứ Giành thì Hơn
Đừng tưởng Giàu hết Cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua
Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người
Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…

Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.
Đừng tưởng cứ Thích là Yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may … có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.
Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?!!!
Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm
Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn (mần, làm)
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng
Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ Quan là Có, cứ Dân là Nghèo
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ Sang là Giàu
Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn 
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong 
Đừng tưởng quan chức là rồng 
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì .
Đời người lúc thịnh lúc suy 
Lúc khỏe , lúc yếu , lúc đi lúc dừng 
Bên nhau chua ngọt đã từng 
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau .
Ở đời nhân nghĩa làm đầu 
Thủy chung sau trước , tình sâu nghĩa bền 
Ai ơi nhớ lấy đừng quên .........

Bùi Giáng (1926-1998)

Sức Mạnh Của Nụ Cười

Du khách tới viếng thăm viện bào tàng Louvre ở Paris chắc là không ai mà không lên lầu ngắm bức tranh bán thân một người phụ nữ Ý do danh họa Leonado da Vinci vẽ.  Tranh Mona Lisa. Nét độc đáo của tranh đã đưa tới nhiều nhận xét khác nhau là ở nụ nười của người phụ nữ. Một nụ cười được cho là thần bí, là khó tả, là châm biếm, là dịu hiền, là thay đổi…Khi chăm chú nhìn miệng thì dường như người đẹp cười ít hơn là khi nhìn vào mắt và nụ cười của Mona Lisa thay đổi tùy theo nơi ta đứng ngắm. Và khách xem tranh ra về nhớ mãi nụ cười đó.
Lịch sử kim cổ đã có nhiều nụ cười đáng nhắc nhở như tiếng cười ô trọc, ngạo mạn của Võ Tắc Thiên; cười khêu gợi của Dương Quý Phi; nụ cười hứa hẹn của Điêu Thuyền khi chuốc rượu Lã Bố; tiếng cười đáng giá ngàn vàng của Bao Tự; cái cười khoái trá, liên tục đến chết của Trình Giảo Kim trước tình đời đen bạc tráo trở; cười hà hà, khanh khách của Bành Trưởng Lão khi bị Hoàng Dung thôi miên; cười thỏa mãn của Ngưu Cao khi nhẩy xuống sông bắt sống được tướng địch Ngột Duật…
 Đó là nụ cười trong tranh, trong sách. Còn nụ cười ở ngoài đời lại có nhiều ý nghĩa, giá trị khác nhau hơn nữa.
Dân gian ta vẫn thường nói “Nụ cười là mười thang thuốc bổ”. Thì khoa học ngày nay đã chứng minh rằng cười có thể giảm căng thẳng tinh thần, giảm huyết áp, giảm đau xương khớp cũng như tăng tính miễn dịch đối với bệnh tật. Cười kích thích não bộ sản xuất hormone hưng phấn, giảm viêm đau endorphin.
Cười cũng làm ta tự tin, yêu đời hơn, tăng giao hảo với mọi người. Nơi làm việc mà có sự hòa thuận, vui vẻ thì nhân viên làm việc hữu hiệu hơn, giảm căng thẳng, tăng sản xuất và tăng tình cảm giữa họ với nhau.
 Ngoài ra, cười là một xúc động lành mạnh dễ lan truyền, chứ không nguy hiểm như lây lan cúm gà, cúm người. Đây là một hoạt động giải trí tự nhiên, không tốn tiền, không có tác dụng xấu, thích hợp cho mọi người, mọi tuổi. Dù chỉ một nụ cười nho nhỏ vô tư nhưng nó có thể lan truyền khắp trái đất. Cho nên khi thấy một nụ cười, hãy tiếp nhận, đừng để nó lạc lõng và tạo ra một dịch cười, khiến mọi người cùng cười. Cũng may là rất ít người dị ứng với nụ cười. 
Nói về ích lợi của nụ cười trong đời sống thì nhiều vô tận. Xin kết luận với ý kiến của hai danh nhân Việt nam về nụ cười.
Cụ Nguyễn Khuyến lấy nụ cười để xóa bỏ tỵ hiềm trách móc:
“Được thua hơn kém lưng hồ rượu, 
Hay dở khen chê, một trận cười”
 
Còn như cụ Phan Bội Châu lại lấy nụ cười để xóa bỏ mọi dị biệt, oán thù giữa con người với con người:
“Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế, 
Mở miệng cười tan cuộc oán thù”.
Chí lý vậy thay.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Nhật Thao Thập Điều Tâm Niệm Ca
LTS:  Ông bà Đặng Hiếu Kính, đang sống tại Herndon, Virginia, tuy lớn tuổi (ông 93, bà 90) mà trí óc còn minh mẫn, thân thể còn tráng kiện.  Cụ ông, bút hiệu Trúc Nhi, chia sẻ bí quyết dưỡng sinh và dưỡng tâm qua bài tâm niệm ca sau đây:
Im lặng ra ngồi ghế thể thao
Đứng lên, lưng thẳng dịu dàng sao
Nâng cao, hai tạ dung tha vậy
Ngồi xuống, uốn lưng kiên nhẫn nào
Tâm thiện, vẫn  nhìn hình ảnh đẹp
Tri ân thưởng thức ý tình cao
Kết đoàn cùng bạn không xao lãng
Lạc nghiệp, an cư hạnh phúc vào!
Trúc Nhi Đặng Hiếu Kính

  Quý vị có thể đọc NSM ở:
(ở ô Loạt Bài, tìm Nếp Sống Mới)

Giới Thiệu Văn Phẩm mới:
Nhớ (Memory)
Mục Sư Phan thanh Bình, năm nay trên 80 tuổi, đã viết trên 100 đầu sách.  Ông cho biết vẫn tiếp tục viết để truyền lại cho người trẻ những kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống của ông trước khi quá trễ.
Đây là tác phẩm thứ 105 của Mục sư. Trên 300 trang, với 47 chương viết về những đề mục đáng “nhớ nhắc nhở nhau nhớ” (Remember to Remind One Another to Remember). 
Tác giả sử dụng ca dao, tục ngữ, danh ngôn đúng lúc làm tác phẩm càng tăng hương sắc.  Thêm vào đó, trên 20 bài thơ của thi sĩ Tường Lưu được đặt vào những chương thích hợp chắc chắn tăng phần thích thú cho người đọc.
Ấn phí mỗi sách $15.  Quí vị có thể liên lạc:  Rev. Phan Thanh Bình: 660 S Third St,
El Cajon, CA 92019. Tel: 619-444-1106

Chuyện Vui
 Chữ Long:  số báo kỳ trước, bài Vui học chữ Long và chuyện nhà vua, có người còn nhắc thêm vài chữ Long nữa.  Xin viết tiếp: 
Về sức khỏe thể chất, nhà vua nhờ long dược nên lục phủ ngũ tạng tương đối tốt.  Chỉ phải thay long đền* 3 lần vì chứng lỏng gối. 
Nhà vua gần nhiều tiểu long nữ quá, cả ngày nghe các nàng cãi vã nhau, vua bị long đầu, long óc, long tóc gáy.  long thể bất an,  Thái y được vời vào long cung, bắt long mạch, thử long đàm, xem xét long diên hương** (chất bài tiết của vua) để chẩn bệnh.  Điều mà triều đình lo sợ nhất là thái y phán rằng vua bị long ốc, đây là bệnh cà tửng mà tiếng Anh tương đương là “Have a Screw Loose”.  
*long đền:  từ tiếng Pháp là rondelle;  tiếng Anh là washer
**long diên hương 龍涎香: (Ambergris) chất bài tiết của cá nhà táng (sperm whale), giá đắt như vàng, dùng trong kỹ nghệ chế nước hoa.  Chất bài tiết của vua, không phải vật tầm thường, phải dùng chữ đẹp để gọi.
Tứ Chứng Nan Y
Ngày xưa, dân gian ta có câu: “Tứ chứng nan y, thầy thuốc bỏ đi (vì bó tay), trống kèn kéo tới (lo ma chay)” Vậy “tứ chứng nan y”  四症難醫  4 chứng bệnh khó trị này là gì?
1/ Phong 瘋: bệnh điên
2/ Lao 癆: bệnh lao
3/Cổ 鼓 : bệnh xơ gan cổ trướng (鼓脹)
4/ Lại 癩: bệnh cùi.
 Ngày nay, “tứ ác” là 4 bệnh giết người cao niên nhất là:
1/  Bệnh tim mạch
2/  Ung Thư
3/  Tai biến mạch máu não (Stroke)
4/  Lú lẫn (Alzheimer’s disease)

Tri ân
Xin cảm tạ quý vị có hảo tâm, giúp NSM thêm phương tin gửi tặng món quà tinh thần này tới các đồng hương trong và ngoài nước:
HT TL St Petersburg, FL                                         $200
Bà Bùi T. Tuyết Vân, San Jose, CA                        $25
Bà Đào Kỳ, Philadelphia, PA                                   $50
Bà Đoàn Thanh Xuân, Greenville, SC                   $20
Bà Hồ Đắc Trúc, Cooper City, FL                          $25
ÔB Lê Ngọc Chính, Conley, GA                              $20
ÔB MS Lê Chí Hiếu, Greensboro, NC                    $30
ÔB Lê Đình Nghĩa, Chandler, AZ                           $50
ÔB MS Lê Văn Thanh, Mattapan, MA                 $30
ÔB Lê Như Thành, Jacksonville, FL                       $20
ÔB Lê Như Tứ, Jacksonville, FL                              $20
BS Mai Thanh Hồng, Long Beach, CA               $100
ÔB Nguyễn Tấn Bài, Jacksonville, FL                   $20
Bà Nguyễn Kim-Cúc, Plano, TX                             $50
ÔB BS Nguyễn Quốc Hiệp, Gainesville, FL           $20
ÔB Nguyễn Hữu Huyên, St Cloud, MN                 $20
ÔB BS Nguyễn Minh Khiêm, Deland, FL              $30
ÔB BS Nguyễn Văn Lập, Palm Coast, FL             $20
ÔB BS Nguyễn Mai Nghi, Bakersfield, CA         $200
Ông Nguyễn Văn Ngọ, Honolulu, HI                      $40
ÔB Nguyễn Thành Nhẫn, Harvey, LA                   $50
Bà Nguyễn Tăng Thanh, Houston, TX                  $30
ÔB BS Nguyễn Hữu Tùng, Orlando, FL                 $50
ÔB Nguyễn Năng Tựu, Fairfax, VA                        $20
ÔB Phạm Hữu Truyền, Lakeland, TN                   $30
Bà Trần Ngọc Lan, Everett, WA                             $25
Cô Trương T. Thanh Vân, San Diego, CA           $100
ÔB MS Võ Xuân Sinh, Lakewood, CA                  $30
Nếp Sống Mới do một số người cùng chí hướng  thực hiện và phát hành mỗi năm 4 lần, nhằm mục đích:  Gây dựng một nếp sống lành mạnh, cân bằng, tích cực, tươi trẻ, lạc quan và hướng thượng cho người cao niên.   Số tới Đông 2015 sẽ in ra vào giữa tháng 10, năm 2015.
Quý vị nào muốn nhận báo biếu này, hay góp ý kiến xây dựng, hoặc góp phần ủng hộ, xin liên lạc về tòa soạn.    Email:  hiepnchau@gmail.com
Chi phiếu xin đề tên người nhận :  Hiep Chau



Trong số này:
Ý Nghĩa Cuộc Đời                                       tr.  1-3
Chúa Là Quý Nhất  (thơ TMN)                                tr.  3
Vần Thơ Thái Trịnh                                    tr.  3
Thu Hoài Cảm (thơ Thái Trịnh)               tr.  4
Cô Hà giải đáp                                             tr.  4
Đừng Tưởng (thơ Bùi Giáng)                     tr.  4-6
Sức Mạnh của Nụ Cười (BS N. Ý Đức)      tr.  6-7
Nhật Thao Thập Điều..  (Trúc Nhi ĐHK)  tr.. 7
Giới thiệu Văn Phẩm mới:  Nhớ                  tr.  7
Chuyện Vui (Chữ Long)                                tr.  7    
Tứ Chứng nan y                                              tr.  8    


Nếp Sống Mới
8991 Blaine Meadows Dr.
Jacksonville, FL 32257-1719

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét