Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Bên Ấm Trà




Tri Ân:

Bác sĩ Hoàng Cầm
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tín
Bác sĩ Trần Vĩnh Kỳ
Bác sĩ Nguyễn Đức Thụ
đã đọc và góp ý kiến quý báu trong
việc hoàn thành tập sách này.




… bên ấm trà
Châu Sa




Thương tặng:

            Hiền thê:        Minh Chung
            Các con:         M. Triết & Q. Hương
                                    M. Ngọc & V. Điền
            Các cháu:       Solomon, Benjamin
                                    Luke, Zeke, Jake
                                       

Mục lục:

Đôi Lời Giới Thiệu (BS Hoàng Cầm)
Nhận Định (Ô. Nguyễn Ngọc Nam)
1. Bên Ấm Trà                                    trang     8
2. Cơm Gạo                                                    12
3. Cười                                                            16
4. Chúc Tết                                                    28
5. Chuyện 3 Cái Tượng                                 31
6. Chuyện 5 Con Sâu                                     35
7. Chuyện Ông Địa                                        38
8. Dỗ Giấc Ngủ                                              42
9. Du Tử Ngâm                                              44
10. Mẹ Con Kangaroo                                   45
11. Mộng Lý Bạch                                         47
12. Nam Nữ Thụ Thụ Bất Thân                    49
13. Nam Phương Hoàng Hậu                        51
14. Người Đẹp và Mỹ Nhân Kế                     56
15. Phiếm Luận về Bộ Ba                              71
16. Phước                                                       77
17. Sức Khỏe Cao Niên                                 81
18. Tuổi Cao Niên                                          82
19. Xuân Phiếm                                              85
20. Yểu Điệu Thục Nữ                                   96

Tủ Sách CHAUSA
[Creative, Healthy, Active, Useful, Simplified Aging]

In lần thứ tư (4-2009)

Đôi Lời của tác giả nhân kỳ in lần thứ ba (tháng 9 năm 2008

200 cuốn BAT in kỳ thứ hai được tiêu thụ một cách nhanh chóng (trong tháng 6-8/2008).  Nay lại sẵn sàng cho kỳ tái bản để kịp Lễ Lao Động, chúng tôi sẽ đi dự trại bồi linh Nguồn Phước tại Lake Wales, FL, tại đây sẽ trao tặng sách  cho một số bạn bè yêu mến thơ văn Châu Sa. 
Việc in ấn tác phẩm này như là việc thủ công tại nhà.  Tự in, tự đóng, tự cắt xén.  Mỗi lần cho ra đời khoảng vài trăm cuốn.  Hết tới đâu, “xâu” tới đấy.  Vợ chồng tôi nhận thấy đây là một thú tiêu khiển lành mạnh, bổ ích.  Những cuốn sách này đã giúp chúng tôi liên lạc được nhiều bạn cũ, cũng như làm nhịp cầu cho những tình bạn mới. 
Dịp in lại này giúp chúng tôi sửa đổi vài nơi theo những góp ý của  những độc giả yêu mến.   Trong bài đầu tiên, Bên Ấm Trà, năm sinh của thi sĩ Trần Tử Ngang được đổi lại là 661; trong bài Ông Địa, chữ thõng trong “thõng tay vào chợ”, trước viết với dấu hỏi, nay đổi thành dấu ngã; trong bài Xuân Phiếm, câu 5-6 của bài Primavera được dịch lại là:  “Muôn vật cùng chung lối, Lá rụng lại về cội”. 
Chúng tôi xin cảm tạ chị Lưu thị Vĩnh Phúc đã giúp phổ biến qua e-file, cảm tạ tấm chân tình của một số bạn đã khích lệ chúng tôi:  BS Trương Đăng Hiếu, BS Trần Đình Hoàng, Anh Hồ Phú Bông, Anh Nguyễn Thành Đức, Chị Nguyễn Thị Ba, MSư Hồ Xuân Phong, BS Thái Thanh, MSư Huỳnh Quốc Bình, Bà Amy Nguyễn, Anh Vũ Trung Hiền, BS Minh Tường…
Đôi Lời của Tác giả nhân kỳ in lần 2 tác phẩm “…bên ấm trà”

            Vào cuối tháng 4, 2008 tôi chỉ in 300 cuốn sách … bên ấm trà, cốt để biếu cho bạn bè thích đọc sách.  Không ngờ tác phẩm được tiếp đón nồng hậu, nhiều người hỏi thêm cho gia đình, cho bạn hữu của mình, nên vào cuối tháng 5, tôi chỉ còn vỏn vẹn 10 cuốn.  Tác phẩm này được sửa chữa và dự trù in lại vào  tháng 6. Trong tháng Năm qua, tôi đã nhận được nhiều ý kiến quí báu từ độc giả, nên đã sửa những chỗ sai chính tả.  Một câu ở cuối trang 55 sách cũ:  “Bởi những lý do trên, tuy đức Phật rất yêu mến người đệ tử trung kiên, ngài cũng đã chối từ không nâng ông lên bậc A la hán, trước khi ngài nhập diệt.” đã được bỏ ra vì có 2 người bạn rành về Phật học cho biết bài dịch của ông Nguyễn Phúc Bửu Tập (theo Alfred Foucher) chỗ này không đúng với tinh thần Phật giáo.
            Kính xin quý vị sau khi đọc xong tác phẩm, vui lòng cho ý kiến xây dựng để những kỳ in lại hoàn hảo hơn. 
Châu Sa

Đôi Lời Giới Thiệu

Cách đây hai tuần, BS Châu Ngọc Hiệp cho đọc bản thảo “…bên ấm trà” anh vừa soạn xong.
Cuốn sách độ 100 trang với  20 bài.   Có bài dài 15 trang, có bài ngắn 2-3 trang.  Ngoài ít bài thơ dịch  từ chữ Hán, thơ anh sáng tác duới bút hiệu Châu Sa, phần lớn là những bài phiếm luận về cuộc sống, dựa trên suy tư riêng và sách đông-tây, kim-cổ.
Bàn về nữ sắc, giai nhân đã đi vào lịch sử văn học khắp nơi trong mọi thời gian  với những sắc thái khác nhau.  Người đẹp Tây Thi, sắc nước hương trời, đã làm thành đổ nước tan, để người xưa phải than rằng:
Ghê gớm thay! Ôi tâm địa của loài người!
Muợn cành hoa để đập tan điện ngọc,
Đem mong manh mà áp đảo oai hùng,
            Nhưng trong bài Yểu Điệu Thục Nữ, nói tới vẻ đẹp của người con gái dịu dàng trầm lặng hàm chứa  tính hạnh bên trong.  Tác giả viết:  “Yểu Điệu Thục Nữ  tuy sống nơi thôn dã vẫn toát vẻ cao quí, tuy sống trong cung điện vẫn không mất vẻ hồn nhiên, bình dị.”
Có vốn về chữ Nho, anh  giải thích, hiệu đính  ngắn gọn những điển tích, và chữ Hán  đã đưọc dùng.  Anh viết giản dị, dí dỏm, đem lại cho người đọc những phút giây thoải mái,  thú vị.
Các bài “…bên ấm trà” trình bày một quan niệm sống cởi mở, bình dị, vui với mọi người, vui với hiện tại, thể hiện một  tâm hồn thanh thản.  Anh thường nói:
- Vào tuổi này, cái gì ngoài tầm tay, thì chẳng nên thắc mắc.
- Việc gì phải làm thì làm ngay để khỏi bận tâm.”
Vậy, xin hãy cùng tác giả:  “Ôm vui trước mặt, quăng sầu sau lưng”, cùng nhau nâng tách trà thơm thưởng thức hương vị  đậm đà, thanh khiết và đọc từng trang sách.
BS Hoàng Cầm 

Nhận định về “Bên Ấm Trà”

Khi đọc cuốn “Bên Ấm Trà” tôi có cảm tưởng như đang ngồi cạnh khay trà thưởng thức vị trà ngon cùng đàm đạo với người bạn tương đắc về thế sự.  Chúng tôi đồng ý với nhau về nhiều điểm: 1/ Gạo lứt làm giảm cholesterol, ngừa được phần nào bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, táo bón, kéo dài tuổi thọ, nên gia đình chúng tôi vẫn dùng gạo lứt. Nạn thiếu gạo một phần do Trung Cộng có nhiều dollar và vì dollar bị mất giá nên tích trữ gạo đang lên giá có lợi hơn.  Nhật cũng tích trữ gạo, không phải để ăn mà nuôi gia súc. Nếu Tầu, Nhật bán gạo ra thì thế giới đỡ đói.  Gạo có thể được thay thế bằng thức ăn khác, nên người Việt chúng ta không sợ xảy ra nạn đói làm chết 2 triệu người như năm Ất Dậu.  2/  Đọc bài 3 về “Cười” tôi thấy tiếng cười rất lợi cho sức khỏe và cho cuộc sống, nhưng rất nhiều người không chịu cười, và một số chỉ cười với người ngoài, không cười với người nhà. Trước kia, tôi cũng có viết một bài nhan đề “Lợi Ích của Tiếng Cười Trong Cuộc Sống.”  Xin gửi tác giả bản sao để nói lên sự đồng ý của chúng tôi về quan niệm sống.  3/ Chuyện 3 cái tượng và 5 con sâu đượm màu triết lý cao xa.  3 pho tượng là biểu hiệu của 3 lối nghe.  Nghe mà biết bỏ qua những lời thị phi, lời nói xấu; nghe mà suy ngẫm để tìm cách sửa mình, học hỏi thêm; nghe mà biết truyền bá những điều tốt cho người khác … là cả một nghệ thuật.  Tiếc rằng, nhiều người không biết nghe hoặc không thèm nghe.  THAN SHWE không chịu nghe lời phẫn nộ của dân chúng, lời phản đối của thế giới về việc chặn đồ cứu trợ khiến cho hàng triệu dân Miến Điện bị đói khổ vì thiếu ăn, thiếu nước, dịch tễ, sau trận bảo Nargis.  Giận hờn, cay đắng, ganh ghét, buồn thảm, lo lắng là 5 con sâu độc.  Điều đáng buồn là có quá nhiều người trên cõi đời này đã nuôi dưỡng những con sâu đó trong lòng.  Wahhabism của Hồi Giáo dạy hận thù.  Vì hận thù nên mới có những vụ bắn giết ở Columbine, VA Tech, vụ 9/11, và rất nhiều vụ khủng bố vô nhân đạo.  Cần phải loại những con sâu đó ra khỏi lòng, và trong việc di dưỡng, tinh thần cần được thay thế bằng lòng thương yêu, sự vui vẻ, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.  4/  Được dân Việt chiêm ngưỡng về sắc đẹp, Nam Phương Hoàng Hậu nêu cao lòng yêu nước, thương nòi và đạo đức của Bà trong 2 bức thư:  kêu gọi bạn bè ở Âu Châu lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của thực dân Pháp.  Trong thư cho Lý Lệ Hà, Bà không hề tỏ sự hờn ghen mà chỉ xin chăm sóc cho cựu Hoàng Bảo Đại.  Vị hoàng hậu cuối cùng của triểu Nguyễn  đáng được nêu danh về đức tính cao quý của Bà. 

Tác giả Châu Sa có vốn … về chữ Hán, một ngôn ngữ mà rất nhiều công ty Mỹ đang khuyến khích nhân viên học.  Ông có tài dịch thơ và cũng là một nhà thơ.   “Luơng y như hiền mẫu’’ bác sĩ Châu chăm lo cho bệnh nhân không những về bệnh tật mà còn về sức khỏe tinh thần nữa. “Nếp Sống Mới’’ được phát hành từ gần hai mươi năm nay đã đem lại nhiều lợi ích về dưỡng sinh, dưỡng tâm và dưỡng linh nữa.

Nguyễn Ngọc Nam

1.  Bên Ấm T

Lá trà và công dụng của trà đã được ông
Thần Nông phát hiện trên 6000 năm trước đây tại
Trung Hoa.  Thuật trồng trà, sấy trà, ướp trà và
uống trà được phát triển thành một nghệ thuật nhờ
công ông Lục Vũ sống vào thời nhà Đường (thế kỷ
thứ 8). Trà trứ danh Long Tỉnh tại vùng Hàng
Châu, tỉnh Triết Giang thuộc gia đình họ Lục này.
Ở những vùng núi cao, người ta nuôi và huấn luyện
đàn khỉ leo lên núi hái đọt trà non vào sáng sớm.
Trà này gọi là “hầu trà”.  Người Nhật đã nâng nghệ
thuật uống trà lên hàng lễ nghi tôn giáo, gọi là Trà
đạo (Chado). Ông Tổ Trà đạo là Nisuzu Huiniken
đã thọ giáo với môn đệ đời thứ năm của Lục Vũ.
Thuật uống trà được nhập vào văn hóa của xứ Anh
rất sớm (thế kỷ thứ 17). Bên xứ này người ta uống
trà trong bữa ăn, trong buổi họp, ngay cả có giờ
uống trà giữa hai bữa ăn chánh, gọi là “tea time”.
Những lúc đọc một quyển sách hay, hay lúc
tìm hứng làm thơ, viết văn là những lúc uống trà
rất ngon.  Hớp từng ngụm nhỏ, lúc nước trà hãy còn
nóng, ta thấy một vị chan chát trong miệng, sau khi
nuốt thì nghe hậu vị ngòn ngọt trong cổ họng.  Bây
giờ, xin hãy: “Cảo thơm lần giở trước đèn…”
Trong một đêm trăng sáng lành lạnh, ngồi
uống trà suy gẫm chuyện đời cũng thật thú vị.  Nếu
có bạn tương đắc cùng uống thì càng tốt, nhưng
trong khi thưởng thức trà, tránh nói nhiều, tránh nói
lời bất nhã, tránh bàn chuyện thị phi của thiên hạ.
Lúc này, chỉ cần nói vài lời để gợi ý cho sự suy tư
mà thôi.
Người Anh thích uống trà trong buổi họp
để được tỉnh táo khi bàn thảo.  Dầu được tiếng
“phớt tỉnh Ăng-lê”, nhưng trong khi họp hành bàn
bạc, có nhiều người cũng đổ quạu, lớn tiếng cãi vã.
Có những người bảo vệ ý kiến riêng của mình, có
thể tới mức đập bàn, gấu ó nhau, bôi nhọ lẫn nhau
nữa.  Về sau mới thấy mình thật là vô lý đến tức
cười vì chuyện đâu còn đó.  Có chuyện lúc cãi
nhau, mình thấy nó quá quan trọng, sau một thời
gian mới thấy quá nhỏ nhoi và rồi nó chìm vào…
quên lãng.  Người Anh gọi cảnh lao xao không
đáng, đem “chuyện bé xé ra to” này là “Cơn bão tố
trong tách trà!” (The storm in a teacup).  Dần dần
về sau, câu nói này biến dạng thành “Bão tố trong
bình trà” (The tempest in the teapot).  Châm ngôn
này nói lên một sự nghịch lý khôi hài vì trà tượng
trưng cho sự trầm mặc suy tư.  Vì vậy, uống trà
phải có thái độ dung dị, tao nhã, lời nói phải thận
trọng, từ tốn, tránh nóng nảy, tức bực hay hằn học.
Trong cuộc họp, trà nhắc cho chúng ta tôn trọng ý
kiến người khác.  Có chống đối, có đưa ra phản đề
là để tìm cho ra chân lý, chứ không nên đặt tự ái
mình cao quá lẽ.  Không nên gây sóng gió bên ấm
trà! Thỉnh thoảng, chúng ta nghe câu dặn dò chí lý:
“Enjoy your tea and take it easy” (hãy thưởng thức trà và .. tà tà).
Khi dùng trà, người ta dùng tre hoặc gỗ, tránh dùng vật kim khí chạm vào trà, vì kim khắc mộc.  Người Trung Hoa thích uống nhâm nhi từng ngụm nhỏ, người Nhật thích uống ngụm lớn để vị trà thấm đầy đủ vào niêm mạc của miệng lưỡi.
Người Trung Hoa pha trà với nước sôi già, người
Nhật pha với nước nóng ở nhiệt độ khác nhau. Với
trà ngon, lần pha đầu, họ dùng nước ở nhiệt độ 60°C, lần pha thứ hai: 80°; lần thứ ba 90°. Nên thử cả hai cách, coi cách nào hợp với mình để có thể
thưởng thức trọn vẹn hương vị của trà.
Người với tuổi đời chồng chất, với một bề
dày lịch sử phía sau lưng thường thích độc ẩm,
nghĩa là uống một mình để suy nghĩ.  Suy tư về đời
người quá ngắn ngủi và thời gian chóng qua:
Thời gian: nước chảy nhanh,
Như giấc ngủ qua canh.
Đời người như hoa cỏ,
Sáng tươi, chiều héo tàn.
(ThiThiên 90:56)

Đời người chỉ bảy mươi,
Khỏe mạnh được thêm mười.
Kiêu căng thêm khổ lụy,
Tháng ngày chóng vánh trôi.
(ThiThiên 90:10)

Vừa nhâm nhi vừa nghĩ đến sự nhỏ nhoi, cô
độc của thân phận con người trong cõi vô cùng mà
ngâm lên mấy vần thơ bất hủ của Trần Tử Ngang
陳子昂 (661-702), một thi nhân đời Đường. Ông
cảm tác bài này khi đứng trên đài U Châu:
Tiền bất kiến cổ nhân                   前不見古人
Hậu bất kiến lai giả                      後不見來者
Niệm thiên địa chi du du              念天地之悠悠
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.           獨愴然而涕下

Tạm dịch:
Nhìn trước chẳng bóng người
Nhìn sau cũng vắng tanh
Gẫm đất trời dằng dặc
Bồi hồi, lệ đoanh tròng.

Con người chỉ là một sinh vật cực kỳ yếu
đuối, cực kỳ bé nhỏ trong không gian vô cùng và
thời gian vô tận.  Dầu vậy, chúng ta được diễm
phúc sinh ra làm người, được diễm phúc sống vào
thiên niên kỷ này, được diễm phúc có thể thưởng
thức chung trà trong phút giây hiện tại.  Xin hãy
cùng tôi nâng tách trà thơm…






2. Cơm Gạo


Có lối 3 tỉ người trên thế giới dùng gạo làm thức ăn cơ bản lo âu vì từ tháng 3 năm 2008 có khủng hoảng về gạo.  Nguyên do chính của khủng hoảng được đổ cho hiện tượng “hâm nóng địa cầu” (global warming) làm cho hạn hán tại nhiều nơi nhất là Úc Châu và Trung Hoa, hay tình trạng cây lúa bị bệnh tại Việt Nam...  Sản lượng lúa bị giảm rất nhiều nên nhiều xứ không xuất cảng gạo nữa hoặc hạn chế xuất cảng .  Ấn Độ chỉ cho xuất cảng gạo basmati, còn các loại khác giữ lại cho người dân trong xứ.  Vào đầu tháng 4, giá gạo tăng lên đến 40-50%.  Người thích ăn cơm gạo, sợ nạn đói, lo chạy mua gạo về trữ.  Vài quốc gia, như Phi-luật-tân, chính phủ đang lo dân nghèo sẽ nổi loạn vì ở xứ này, nền kinh tế nằm trong tay những người Phi gốc Hoa và họ hay đầu cơ tích trữ.  Chính phủ Phi ban hành lệnh các nhà hàng có bán cơm, phải cắt bớt phần cơm xuống 50% vì nhiều người khi vào nhà hàng ăn uống hay phí phạm cơm.  Những khó khăn hiện nay khiến chúng ta thấm thía câu ca dao:

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Hạt lúa có lớp trấu bao ngoài, kế đến là lớp cám (bran), trong là hạt gạo (kernel) nõn nà, một đầu hạt gạo có cái mày, đây chính là cái mầm (germ) của gạo. 

Ca dao có câu:
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,
Ăn gạo nhớ kẻ giã xay giần sàng.
           
            Những chữ “giã xay giần sàng” khá khó hiểu với người thành thị và người trẻ, tôi xin giải thích:
Giã:  bỏ lớp cám và mày ra.
Xay:  lấy lớp trấu ra khỏi hạt gạo.
Giần:  giống cái sàng nhưng có những lỗ nhỏ để tách cám ra khỏi gạo.
Sàng:  có những lỗ to để tách trấu ra khỏi hạt gạo

Hạt gạo khi chỉ bỏ lớp trấu, còn giữ cám và mày gọi là gạo lứt, hay gạo nguyên (whole grain). Phân tích hạt gạo lứt này, chúng ta thấy khối tinh bột (carbohydrate) có chất xơ (fiber), chất béo, vitamines, chất khoáng, diếu tố (enzymes), kích tố (hormones), và hàng trăm chất hoá học sinh thực (phytochemicals) khác.  Những hạt gạo này hơi cứng làm chúng ta phải nhai nhiều hơn khi ăn.
Những người trưởng giả không thích nhai mỏi răng nên tìm cách xay giã bỏ đi cám và mày để được hưởng “gạo trắng nước trong”.  Gạo chà trắng như vậy dễ nhai, dễ tiêu và cất giữ được lâu. (Trong khi đó, gạo lứt để lâu sẽ bị hôi dầu vì mày gạo chứa chất dầu unsaturated oils).  Những hạt gạo còn nguyên hạt sau khi “xay giã giần sàng” gọi là gạo cội, còn gạo bị bể gọi là tấm.  Gạo cội bán được tiền hơn, nên về sau chữ “gạo cội” chỉ thành phần ưu tú.

Khi ăn gạo trắng, người ta đã bỏ phí đi bao nhiêu là chất bổ dưỡng.  Phần cám có  nhiều sinh tố  B lại đem nuôi heo.   VN có  lúc người ta ăn cám để trị phù thũng.   Chất xơ (fiber) trong cám cản trở việc biến tinh bột thành đường.  Nhờ biến thành đường chậm như vậy nên Chỉ số Đường huyết (Glycemic Index = GI) của gạo lứt (gạo nguyên hạt) thấp hơn gạo trắng. 

Người bị bệnh tiểu đường nên ăn những gì có Chỉ số Đưòng huyết (GI) thấp.  Người cao niên muốn dưỡng sinh cũng nên ăn như vậy, tức là ăn gạo lứt mà không ăn gạo trắng.  Chất xơ chia ra làm 2 loại:  loại hòa tan (soluble fiber) vào trong máu làm giảm chất béo cholesterol; loại không hòa tan (insoluble fiber) có nhiệm vụ quét rác, đem chất bã ra khỏi đường ruột.  Chất xơ còn kích thích hệ thống chống đông máu, nên ngừa được heart attacks và strokes.
 
Ăn gạo lứt có thể ngừa được nhiều bệnh, mới không hổ danh với câu “mạnh vì gạo”:
  1. Tim mạch:  gạo lứt làm giảm cholesterol, giảm LDL, giảm triglycerides, nên giảm bệnh tim mạch.
  2. Tiểu đường:  như đã giải thích về chất xơ trong cám (bran), gạo lứt tác dụng tốt cho đường huyết nhờ GI thấp.  (GI của gạo lứt dưới 55, gạo trắng trên 70).
  3. Ung Thư:  ngừa được phần nào ung thư đường ruột.
  4. Ngừa được chứng táo bón.
  5. Kéo dài tuổi thọ:  một tường trình của Iowa Women’s Health Study theo dõi trong 17 năm những người ăn gạo lứt thấy họ ít bệnh tật và tuổi thọ tăng.  Có lẽ do gạo lứt chứa các chất magnesium, selenium, copper, manganese, cùng nhiều chất antioxidants chống lão hoá.

Những thứ có thể thay thế gạo:

Trong trường hợp gạo bị khan hiếm, xin đừng lo. Chúng ta có những thứ có thể thay thế được.  Chúng ta có rau trái đậu hạt khoai, thịt cá, sữa, dầu… Cốc loại thì có oat, barley, couscous, quinoa, gạo basmati gốc Ấn Độ…
Gạo basmati, nguyên gốc trồng tại chân núi Hi mã lạp sơn từ nhiều ngàn năm trước.  Chữ basmati có nghĩa là “Queen of Fragrance”  (giống như VN có gạo Nàng Thơm Chợ Đào ở Long An).  Gạo này hạt dài, nấu lên có mùi hương thơm, chỉ số GI thấp dưới 55, nên thích hợp cho người ăn dưỡng sinh và người bị tiểu đường.  Ấn Độ sản xuất nhiều nhất và chính phủ hiện nay không cấm xuất cảng gạo này, nên chúng ta vẫn còn có thể mua ăn được.  Gạo này cũng được trồng tại Texas, Hoa Kỳ. 
Chúng ta phải cảm ơn những người nông dân đã đổ mồ hôi cần lao để chúng ta có chén cơm hằng ngày.  Tuy vất vả, nhưng họ luôn nuôi hi vọng:
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.

  3.  Cười
           
         Người ta thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.  Nhiều người chịu tốn tiền để uống thuốc bổ mỗi ngày, mà quên thứ thuốc bổ không tốn tiền mua là CƯỜI. 
            Cười giúp cho toàn thân chúng ta vận động, nhờ đó mà khí huyết trong lục phủ ngũ tạng được lưu thông.  Cười làm tiêu tan uất khí, bổ dưỡng thần thái, đồng thời giúp ích cho hệ miễn nhiễm (Immune System) trong việc phòng bệnh. Thời gian gần đây:  thiên tai, chiến tranh, bệnh dịch; thêm vào đó, nền kinh tế trì trệ đã làm nhiều người lo âu.  Hằng ngày chúng ta thấy những khuôn mặt đăm chiêu thay vì hớn hở, nghe những lời than nhiều hơn tiếng cười.  Nhiều người chắc hiểu được tâm trạng của Pierre-Augustin : “ Tôi tự ép mình phải cười với mọi sự vì sợ rằng tôi phải khóc” (I force myself to laugh at everything for fear of being obliged to weep).    Vậy, chúng ta nên cười thường xuyên, ai không quen cười thì tập cười, ai ít cười thì nên năng cười.  Ai có óc hài hước thì “thà chọc cười hơn là chọc tức” thiên hạ. 
            Khi đọc báo, mục mà người ta thường hay tìm đọc trước là những mẩu chuyện vui, chuyện tiếu lâm.  Những câu chuyện vui cười (jokes) có thể giúp mọi người được “xoa bóp nội tạng” (internal jogging) quên đi nỗi ưu sầu trong đời sống hằng ngày.  Nhiều nơi đã đưa hài hước vào việc trị bệnh, tiếng Anh là Humor Therapy (chúng ta có thể dịch là “u mặc liệu pháp” ) nhất là đối với chứng trầm cảm.    Người hết lòng cổ võ cho liệu pháp này là Norman Cousins.  Ông bị thấp khớp rất nặng và ông kinh nghiệm được mỗi 20 phút cười vui vẻ giúp ông quên đau đớn 2 tiếng đồng hồ.   
            Những khám phá trong y học nhận thấy khi chúng ta vui vẻ, cười đùa thì thùy tiền trán bên trái (left prefrontal lobe) của não làm việc nhiều hơn, tiết ra nhiều chất dopamine, endorphin khiến chúng ta thấy thư thái, sảng khoái (các vị nghiên cứu về bộ não chắc sẽ nói là do hạch hạnh nhân “amygdala” mà ra); ngược lại khi chúng ta phiền muộn hay bị căng thẳng quá lâu, phần tiền trán bên phải làm việc mạnh lên, tiết ra quá nhiều những chất như Epinephrine, Norepinephrine làm tăng áp huyết có thể gây ra những tai biến mạch máu não và tim..  (Tuy sự hiện diện của hai chất Epinephrine và Norepinephrine này rất cần thiết giúp chúng ta đối phó với những nguy hiểm trong đời sống khi phải quyết định “chiến hay chạy” fight or flight, nhưng thời gian xung động của nó cần phải ngắn hạn, nếu dài hạn thì sẽ gây tai hại vào não và tim vô cùng.)
            Điều thú vị là bộ não của chúng ta rất “vô tư”, nó nhận tín hiệu là phản ứng ngay không cần biết đó là tín hiệu thật hay giả.   Khi chúng ta gặp hỉ sự như cưới gả, thi đậu… thì dĩ nhiên thùy trán bên trái phản ứng thuận lợi; trong khi đó, dầu gặp hoàn cảnh bất lợi, nhưng chúng ta không buồn nản mà tự nhủ “mọi việc rồi cũng tốt thôi” thì bộ não vẫn có phản ứng tốt tại thùy trán trái.  Đó là lý do mà có người (mục sư Norman V. Peale 1898-1993) đưa ra trường phái “tư duy tích cực” (positive thinking) khuyên chúng ta nuôi dưỡng những tư tưởng lạc quan, tích cực dù gặp hoàn cảnh đen tối, bế tắc. 

Giáo sư Dacher Keltner, thuộc trường Đại học Berkeley, California, phân ra hai kiểu cười: 
1. Cười xã giao (Pan American smile) là cái cười của các cô tiếp viên hàng không, của người bán hàng, cái cười chào hỏi thường ngày của chúng ta; 
2. Cười hồn nhiên thực lòng (Duchenne Smile) là cười tít cả mắt khi chính mình có gặp hỉ sự, hay đang có niềm vui sâu kín từ đáy lòng như đang yêu hay mới tìm được chân lý…  Người có cái cười thứ hai này dễ thu hút cảm tình người khác.  Kiểu cười này do Ông Duchenne, một nhà vật lý học Pháp thuộc thế kỷ 18 diễn tả.  GS Keltner làm một nghiên cứu (research) nhỏ:  Ông tìm những quyển kỷ yếu vào thập niên 1960 của một số trường học, tìm hình ảnh các nữ sinh và dựa vào cách cười của các cô mà phân làm 2 nhóm.  Sau khi tìm hiểu về cuộc đời của các cô gái này thì ông nhận thấy rằng ai có cái cười hồn nhiên “Duchenne smile” khi chụp ảnh thì thường lập gia đình sớm, có hạnh phúc hơn các cô chỉ cười xã giao.  Ca Dao Việt Nam cho thấy các chàng trai cũng “mết” cái cười tươi tắn dễ thương của các nàng:
Gặp em hớn hở miệng cười
Cũng bằng như uống chín mười lượng sâm.
Hay:
Tóc em dài em cài bông hoa lý,
Miệng em cười anh để ý anh thương.

            Truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ”   được nhiều người thích đọc vì nó có chữ Tiếu trong tựa.  Ngày nay, “tiếu ngạo giang hồ” đã trở thành một thành ngữ trong văn chương Việt Nam.  Sách chuyện tiếu lâm bằng tiếng Việt bán chạy nhất từ trước tới giờ là “Chuyện Cấm Đàn Bà” do ông Đặng Trần Huân xuất bản từ năm 1969, đã tái bản nhiều lần trong và ngoài nước (bán được 30 ngàn cuốn).    Khi giới thiệu tác phẩm này trong bản in lần thứ 9, ông Đỗ Thông Minh, giám đốc nhà xuất bản Tân Văn, tại Đông Kinh,  viết:  Đó là “Chuyện Cấm Đàn Bà” mà thực thì không cấm gì cả, các bà cứ việc đọc, và cười thầm hay khúc khích, đỏ mặt mà không phản đối, muốn đọc thêm nữa mới lạ.  Phần phụ lục sách này có kể trên 450 kiểu cười của con người. 
Cười từ đầu ải Nam Quan,
Cười vang đến tận cuối ngàn Cà Mâu
Cười cho nước mắt tuôn trào,
Cười quên đau khổ, đón chào Ngày Mai…
(Đỗ Thông Minh)

            Cha mẹ cần biết cười đùa với nhau và cười đùa với con cái, đó là cách tạo không khí lành mạnh trong gia đình.  Hạnh phúc của con cháu là thấy cha mẹ, ông bà còn có thể đùa giỡn với nhau được.  Người cha đi làm về mà thấy các con chạy tới mừng rỡ là “đạt”, còn nếu thấy các con sợ hãi, lấm lét như sắp gặp ông kẹ thì nên xét lại mà tập .. cười.
            Có một bài văn nhỏ về nụ cười (A Smile) mà các sách báo tiếng Anh thường hay trích đăng, chúng tôi xin tạm dịch:

Nụ  Cười:
            Nụ cười không tốn tiền mua, nhưng cho rất nhiều.  Nó làm người nhận giàu hơn, mà không làm người cho nghèo đi.   Nó chỉ thoáng qua trong phút chốc, nhưng đôi khi nó lưu lại kỷ niệm thật lâu dài.  Không ai quá mạnh hay quá giàu đến nỗi không cần nụ cười, cũng không ai nghèo đến nỗi nụ cười không làm cho đời sống họ phong phú.  Nụ cười tạo hạnh phúc trong gia đình, nuôi dưỡng thiện chí trong nghề nghiệp và là dấu hiệu của tình bằng hữu.  Nụ cười giúp người mệt nhọc được nghỉ ngơi, người xuống tinh thần được phấn khởi, người u phiền được ánh sáng mặt trời và nó là chất giải độc tốt nhất cho những rắc rối cuộc đời.  Vậy mà nó không thể bị mua chuộc, xin, mượn hay bị cướp đoạt vì nó chỉ có giá trị khi được ban cho.  Có người quá mệt mỏi không thể cho bạn nụ cười.  Bạn hãy ban cho họ nụ cười vì không ai cần  nụ cười cho bằng những người  không còn có nụ cười  để cho nữa.

            (A smile costs nothing, but gives much.  It enriches those who receive, without making poorer those who give.  It takes but a moment, but the memory of  it sometimes lasts forever.  None is so rich or mighty that he can get along without it, and none is so poor but that he can be made rich by it.  A smile creates happiness in the home, fosters good will in business, and is the countersign of friendship.  It brings rest to the weary, cheer to the discouraged, sunshine to the sad, and it is nature’s best antidote for trouble.  Yet it cannot be bought, begged, borrowed, or stolen, for it is something that is of no value until it is given away.  Some people are too tired to give you a smile.  Give them one of yours, as none needs a smile so much as he who has no more to give.)

            Nhiều khi hai người xa lạ gặp nhau trên đường phố nở nụ cười chào nhau cũng như tặng nhau một đóa hoa thơm, như bài thơ sau đây của thi sĩ Ngô Minh Hằng:

 

LOÀI HOA QUÝ
(tặng một người đi bách bộ ngược chiều)
Chào nhau bằng một nụ cười
Chị dân bản xứ, tôi người tạm cư
Lòng tôi thương tích đau nhừ
Nhà tan nước mất nên chừ tha phương
Chiều nay, gặp chị trên đường
Chào nhau, nghe cõi vô thường chợt vui
Một giây quên nỗi ngậm ngùi
Nỗi buồn của kẻ quê người náu nương
Chào nhau ở giữa chặng đường
Chào xong, hai lối, hai phương, hai đời
Đường nhà, chị bước chân vui
Đường tôi, tôi mượn nên đôi chân sầu
Lạ lùng, giữa nỗi niềm đau
Chị ơi, có nụ nhiệm màu nở hoa
Cánh hoa nhân loại ngọc ngà
Hồn tôi bỗng chốc chan hoà sắc hương
Cám ơn hạnh ngộ con đường
Cám ơn hoa đã thơm hương cho đời
Cám ơn nhân loại tình người
Cám ơn chị nở nụ cười chào nhau…

            Bài  Cười Mấy Kiểu do Ông Vũ Văn Dân viết trên bán nguyệt san Tuổi Trẻ Cười năm 2004 rất thú vị.  Chúng tôi xin trích:
            Cái gì thích mê, Thì cười tít mắt.  Việc không làm được, Tính chuyện cười trừ. Ngây thơ, vô tư,  Cười hì, cười nhoẻn.  Bạn bè rôm chuyện, Cười góp thêm vui.  Giận gì, khinh ai, Cười gằn, cười khẩy.  Chê ngầm ai đấy, Là kiểu cười thầm.  Những người vô tâm, Hay cười hềnh hệch.  Cười khi buồn, bực, là kiểu gượng cười.  Hết sức mừng vui, Cười giòn khanh khách.  Không “nêm mắm ruốc”, Cười nhạt, cười ruồi.  Cười khi quá vui, Lăn bò ra đất.  Người hay cười cợt, Là thiếu nghiêm trang.  Cái cười dễ thương, Cười duyên cười nụ.  Làm lành với vợ, Dùng kiểu cười xòa.  Như khỉ được quà, Là cười nhăn nhở.  Cười “bung mái chợ”, Ấy kiểu cười vang.  Em đến thăm chàng, Nụ cười mắc cỡ.  Cái cười quá khổ, Toe toét tùm lum.  Cười rồi… “chết” luôn, Là cười đứt ruột.  Cười như… mít ướt, Chảy nước mắt dư.  “Vỏ chuối” mùa thi, Cái cười ngao ngán.  Cười “bung phủ tạng”, Cười bể bụng ra.  Tài mọn tiến xa, Bằng chiêu cười nịnh.  Cười không toan tính, Là cười vô tư.  Gái được chồng ưa, Hay cười tủm tỉm.  Còn như cười mỉm, Tiết kiệm mà vui.  Những kẻ khinh đời , Hay cười nhếch mép.  Muốn không… lịch thiệp, Hô hố mà cười.  Hồn nhiên, vui tươi, Cười như nắc nẻ.  Niềm vui con trẻ, Nụ cười ngây thơ.  Mở khẩu độ to, Là cười ha hả.  Thành công dư dả, Rạng rỡ nụ cười.

            Có một điều thú vị mà ít người biết là chúng ta cũng có “Ngày Thế Giới Cười” (World Laughter Day).  Ngày này là ngày Chúa nhật đầu tiên của tháng Năm.  Như năm 2008, Ngày Thế giới Cười rơi vào ngày 4 tháng 5.  Ngày này do BS Madan Kataria, người Ấn Độ và Ông Steve Wilson, nhà tâm lý học, dạy tại đại học Ohio, Hoa Kỳ, khởi xướng vào năm 1998 tại Mumbai, Ấn Độ.  Hiện nay, nhiều người trên nhiều quốc gia ăn mừng ngày này.  Bác sĩ Kataria phối hợp Cười và Yoga để tạo thành một môn dưỡng sinh đặc biệt “Hasya Yoga”.  Ông khuyên chúng ta nên cười ít nhất 15 phút mỗi ngày để trị bệnh và phòng bệnh.  Tập cười đến mức chúng ta không cần đọc chuyện tiếu lâm mà vẫn hả họng cười “hô hô hô, ha ha ha” được.  Ông cho rằng cười lớn, cười lâu sẽ tống được khí thặng dư (residual air) trong phổi ra, để dưỡng khí vào thay, nhờ vậy tim phổi được khỏe hơn.    Trong tuần báo Time số tháng 1-2005 có một tấm hình rất buồn cười, trong đó nhiều bà Ấn Độ đang hả miệng thật to, le lưỡi, trợn mắt, hai bàn tay xòe ra như sư tử sắp vồ.  Đây là kiểu “Lion Laughter”, trị đau cổ, giúp cai thuốc lá… là một trong những phương pháp tập cười của BS Kataria.  (www.laughteryoga.com)
            Kinh Thánh cũng ghi lại nhiều câu nói về lòng vui vẻ:
Làm lành và vui vẻ
Chẳng có gì tốt hơn.
Truyền Đạo (Ecclesiastes)  3:12

Lòng vui vẻ là thang thuốc bổ
Lòng vỡ tan làm khô khốc tủy xương.
Châm-Ngôn (Proverbs)  17:22

            Trừ vài trường hợp đặc biệt như dự đám tang hay dự những nghi lễ cần trang nghiêm, còn ngoài ra, chúng ta nên tìm dịp để cười.   Nhiều bài hát của nhạc sĩ Lam Phương “được” sửa lời thành những câu hát khôi hài, như:  “Cười lên đi cho răng vàng sáng chói, hát lên đi để cho đời tươi rói...” (Khúc Ca Ngày Mùa).

            Mình cười, người cười, chúng ta cùng cười.  Còn khóc thì mình chỉ khóc một mình mà thôi.   Bài thơ của Ella Wheeler Wilcox viết từ đầu thế kỷ thứ 20 vẫn còn ý nghĩa:
Laugh, and the world laughs with you;
Weep, and you weep alone;
For the sad old earth must borrow its mirth,
But has trouble enough of its own.

Cười lên thiên hạ cười vang
Khóc than bạn sẽ khóc than một mình.
Ai ai cũng có sầu riêng,
Chung vui thì dễ, chia phiền mấy ai!

            Người táo bón ít khi cười; người bị bệnh trĩ lắm khi cười không nổi; người trong tu viện không dám cười;  người “đạo đức” thường nghiêm mặt, nhăn mặt, hiếm khi cười.  Nếu chúng ta không thuộc vào những loại người trên, tại sao không cười, hay không tập cười cho đời thêm tươi?

 

Phụ Lục

1
Someone gave me a smile today
I tried my best to give it away
To everyone I chanced to meet
As I was going along the street.

But everyone that I could see
Would give my smile right back to me
When I got home, besides one smile
I had enough to reach a mile.
Anonymous Author

Cho Nhau Nụ Cười

Một người mỉm cười chào tôi buổi sáng
Tôi vui lòng chào lại với nụ cười
Trên đường đi tôi  không hề do dự
Nở nụ cười với tất cả mọi người.

Những người thấy tôi mỉm cười chào họ

Trả lại tôi nụ cười thật dễ thương

Nghĩ lại chỉ với nụ cười nho nhỏ
Có thể giúp tôi đi mấy dặm đường.
 6- 2004


2
The Word LAUGH means:
L= Laugh
A= Amuses
U= yoU
G= Good
H= Health.


3
            Laughter Yoga says: Laughter is a positive and powerful emotion that has all the ingredients required for individuals to change themselves and to change the world in a peaceful and positive way.

4
            Thi sĩ Đào Tiềm (365-427) sống đời nhà Tấn, nổi tiếng vì viết nhiều bài thơ điền viên như “Qui Khứ Lai Từ”, “Đào Nguyên ký”, “Đào Uyên Minh tập” mà một số không nhỏ thi gia đời sau chịu ảnh hưởng.    Đào Tiềm cũng để lại giai thoại “Hổ Khê Tam Tiếu” .  Vào năm 407, lúc ông đã treo ấn từ quan, vui thú với thiên nhiên, làm bạn với nhà sư Huệ Viễn trụ ở chùa Ðông Lâm (sau chùa có dòng Hổ Khê) và đạo sĩ Lục Tu Tĩnh. Một hôm, ba người vui câu chuyện tâm đắc bước đi qua khỏi cầu Hổ Khê thì nghe tiếng cọp gầm.  Ba người giật mình, nhìn lại biết mình đi quá sâu vào lãnh địa của cọp.  Bất giác, cả ba nhìn nhau rồi cất tiếng cười vang.  

5
            Một câu chuyện vui cười “Đề Thơ Tam Giáo” ghi trong Văn Đàn Bảo Giám quyển I:
Xưa kia, có người theo đạo Lão, nhà có bức tranh vẽ Lão-tử ngồi đàm đạo với Phật tổ, mà dưới đất thì có Khổng-tử nằm phục xuống mà nghe.  Một hôm, người đó đang tiếp một nhà sư thì có một nho sĩ ghé qua chơi.  Hai ông nhân muốn lỡm nhà nho mà chỉ vào bức vẽ mà mời đề thử một bài thơ.  Nho sĩ nhanh trí, đề rằng:
Lão thị thuyết pháp    老氏
Phật thị đàm kinh       佛氏談經
Khổng tử văn chi        孔子聞之
Tiếu nhi trụy địa         笑而墜地.

Nghĩa là:
Lão tử giảng pháp
Ông Phật bàn kinh
Khổng tử vừa nghe
Cười lăn xuống đất.

6
            Trong Phật Giáo, cái cười chúm chím “Niêm hoa vi tiếu”   của ông Ca Diếp khi Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên cũng rất nổi danh trong Thiền.

4.  Chúc Tết

Nhân dịp cuối năm hợi
Và đầu năm mậu tý
Xin kính chúc quý vị
Vạn sự được như ý.

Trên khắp nơi Châu Mỹ
Âu, Á, Úc cùng Phi
Đặc biệt thành phố nhà
Và các vùng giáp mí.

Xuân đến khắp mọi nhà
Lớn bé không kỳ thị
Từ lụm cụm cụ già
Đến tung tăng trẻ nhí.

Nhà quê hay thành thị
Sang hèn không hiềm tị
Không phân biệt nghề gì
Lao công hay thư ký

Lanh lợi hay hiền ngu
Thánh thiện hay lao tù
Đồ tể hay thầy tu
Thợ thuyền hay quản lý.

Thầy giáo hay ca sĩ
Đại tướng hay binh nhì
Buôn bán hay học thi
Còn làm hay hưu trí.

Bao tai họa cũng qua
Vui vẻ thay buồn bã
Hưng thịnh thế suy vi
Hanh thông không còn bí.

Hớn hở thay sầu bi
May mắn thay xui xị
Xum họp thay chia ly,
Tốt tươi thay xấu xí.

Trong suốt năm con tý
Nên thu vén cửa nhà
Sống sao cho bình dị
Để có giờ uống trà.

Đời người thật chóng qua,
Đừng cố làm cho quá
E thành người quá cố
Rồi hối không kịp a.

Năm nay không tranh cạnh
Mà xính xái, xuề xòa
Bắt tay nhau thân cận
Vì con chuột chủ hòa.

Xin kính chúc mọi nhà
Một năm đầy thích chí
Thịnh vượng lại an hòa
Mọi điều được đắc ý.

Một năm được phước to,
 Do Thượng Đế  ban cho
Ban ngày được ăn no
Tối đến ngủ ngáy khò.
*
Mặc cho trần thế so đo,
Suốt năm con chuột không lo, không rầu
Bây giờ, tóm lại một câu,
Ôm vui trước mặt, quăng sầu sau lưng.










5.  Chuyện 3 cái tượng

        Tại một viện bảo tàng kia, người ta thấy có 3 cái tượng bán thân của người.  Ba tượng giống nhau như hệt.  Cả ba tượng đều có bàn tay phải cong khum lại đặt sau vành tai phải như nghe ngóng.  Một đám đông người đứng trước các tượng ngắm nghía, suy nghĩ mà không hiểu sự khác biệt của mỗi tượng.    Bỗng có tiếng phát biểu:  “Chắc 3 pho tượng này đang đố mình rằng: ‘Cái gì không cánh mà bay, Không chân mà chạy đến tai mọi người’.  Đây chính là lời nói.  Cả 3 pho tượng đều có bàn tay đặt sau vành tai có ý nhắn nhủ khi nghe cần phải chú ý.  Nghe cũng là một nghệ thuật.”  Chừng quan sát kỹ, người ta lại khám phá ra một tấm bảng nhỏ với câu hỏi:  “Bạn thích pho tượng nào nhất?”
            Mọi người nhìn vào tượng rồi nhìn nhau, xì xào, thắc mắc.  Bỗng họ thấy người quản thủ viện bảo tàng đi ngang qua, họ bèn hỏi ông ta ý nghĩa của 3 pho tượng.  Ông bèn lấy một cái ống hút thọc vào lỗ tai phải của pho tượng thứ nhất.  Ống hút chạy thông qua lỗ tai bên kia.  Ở pho tượng thứ hai, ông cũng làm như thế, ống hút vô tới nửa chừng thì bị kẹt lại.  Ông làm tương tự cho pho tượng thứ ba, thì ống hút lại thông ra miệng. 
Bấy giờ, tiếng người xầm xì lại nhiều hơn.  Họ phân tích từng pho tượng một: 
- Tượng thứ nhất là chỉ người bất trí vì nghe mà không hiểu gì hết;
- Theo tôi, thì người này vô tâm, nghe nỗi khổ của người mà không đáp ứng gì; 
-  Nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt;
- Theo tôi, người này khôn vì không để những lời thị phi, lời dị nghị làm phiền mình.

            Bàn qua pho tượng thứ hai, họ nói:
- Người này, nghe rồi để trong lòng, không thuật lại.  Tôi sống trong chế độ độc tài lâu năm, biết đây là người khôn, không bị vấp phạm lời nói; 
- Người này có thể đang uốn lưỡi, đang đắn đo trước khi nói mà không tìm được lời lành, lời đẹp để nói, nên làm thinh;
- Người này có thể nghe tâm sự của người khác mà giữ kín trong lòng…

Qua đến pho tượng thứ ba, có tiếng phê bình:
- Người này nghe xong là thuật lại, nếu sống trong chế độ độc tài sẽ chết có ngày;
- Người này hay bật mí những điều bí mật, vì không biết cầm giữ môi miệng;
- Người này ruột để ngoài da, vừa nghe là phản ứng liền, phản ứng có khi quá nhanh và quá sớm;
- Theo tôi, người này không đến nỗi tệ như vậy, có thể người nghe một tin tức tốt lành rồi kể lại cho người khác.

Mỗi người một ý phê bình, khen chê ba pho tượng rất sôi nổi.  Theo tôi, thì ba pho tượng này nói lên ba cách cư xử của chúng ta khi nghe lời nói. 
Có lời nói, chúng ta bỏ qua, như lời phê bình ác ý, phá hoại, lời dị nghị, lời thị phi, như có câu: 
Thị phi chung nhật hữu, Bất thính tự nhiên vô
Chuyện thị phi bao giờ chẳng có,
Bỏ ngoài tai như gió thoảng qua.
            Ông Sau-lơ trong Kinh Thánh khi đăng quang có tiếng xầm xì chê trách, ông giả đò không nghe.  Hay ông A. Lincoln trong trận nội chiến Hoa Kỳ bị một người trong nội các hay châm chọc, bêu rếu ông, nhưng ông vì đại cuộc mà bỏ qua.  Lời khen chê của người đời không khác gì mưa nắng:
Sớm mưa, trưa nắng, chiều nồm
Trời còn luân chuyển, huống mồm thế gian.

Có lời chúng ta cần suy gẫm, như khi nghe những lời phê bình xây dựng để mình tự sửa mình, để học tánh khiêm tốn như một ông vua kia, giao cho người hầu mỗi ngày nhắc rằng: “nhà vua chỉ là một con người thôi”  vì ông biết rằng bản tánh con người hay tự thần thánh hóa và hay lên mình kiêu ngạo.  Chúng ta cũng cần nghe lời khuyên của Gia-Cơ (James 1:19-20):
Mau nghe, chậm nói ai ơi
Lại thêm chậm giận, Chúa Trời mới vui.

            Có những lời hay ý đẹp chúng ta cần thuật lại cho người khác nghe để xây dựng nhau. 
(Chớ có một lời dữ
Ra từ miệng các anh)
Nhưng khi đáng phải nói
Hãy nói vài lời lành
Giúp ơn và ích lợi
Cho chính anh em mình.
Êphêsô (Ephesians)  4:29

Thánh Phao-lô nghe được lời chân lý Thánh Kinh, mà không nói lại cho người khác thì thấy rất xốn xang trong lòng:
Rao truyền Lời Chúa là thường,
Không rao mới thật thảm thương thân này.
I Côrinhtô (Corinthians) 9:16

 















6.  Chuyện Năm Con Sâu

Tại Hồng Kông, cách nay khoảng 10 năm, trong một buổi yến tiệc, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.  Bỗng một tiếng hét lớn từ một thiếu nữ làm mọi người cùng bàn giật mình.  Ai nấy quay lại, xôn xao tìm hiểu lý do.  Cô gái, mặt hãy còn xanh vì sợ, chỉ vào dĩa rau, ấp úng nói “con sâu, con sâu”.  Một người ngồi bên cạnh cô gái trấn an:  “Không phải con sâu đâu, đây chỉ là một loại rau, khi nó cuộn lại trông giống hình con sâu thôi.”  Mọi người bật cười, còn cô gái thì đỏ mặt, biện bạch: “Em rất kỵ sâu, hồi nhỏ, có lần em bị xỉu vì một con sâu róm rớt trên tay em.”  Người đàn ông trung niên ngồi bên cạnh vui vẻ tiếp lời: “Cô không phải là người duy nhất sợ sâu đâu, có rất nhiều người trên đời sợ giống vật này.  Nhưng ít người biết là mình đang nuôi nhiều sâu trong bụng, sâu đủ màu, đủ cỡ.”  Một bà sồn sồn nghe vậy, giật mình hỏi:  “Thầy nói bụng tôi có nhiều sâu đủ màu đủ cỡ?  Chắc là thầy nói tới sên lãi chớ gì?”  Người đàn ông cười xòa: “Tôi không nói về sên lãi.  Tôi muốn nói đùa về những con sâu tật xấu quấy phá cắn xé tạng phủ chúng ta.”   Câu trả lời làm bà ta tò mò dục ông ta nói về giống sâu này.   Ông ta vừa uống trà vừa khề khà như kể chuyện đời xưa:
            Con người chúng ta từ lúc sanh ra làm người đã có nhiều trứng sâu.  Khi lớn lên, có trứng không phát triển thì chết đi, có trứng phát triển thành sâu.  Có 5 loại sâu mà nhiều người vô tình hoặc cố ý nuôi cho nó lớn lên:

1. Sâu giận màu đỏ, cắn hại trái tim:  Sự giận hờn là chất bổ nuôi loại sâu này.  Lúc chúng ta nổi giận là sâu chóng lớn.  Khi nó đủ sức thì tim của chúng ta bị hư hại.  Chúng ta dễ bị những cơn đau tim, bị nhồi máu cơ tâm, bị heart attack…  Sâu này là “đệ nhất ác”.
2. Sâu cay đắng màu xanh, hại gan mật:  Ai cay đắng lâu ngày có thể kết sạn trong túi mật.  Sâu này là “đệ nhị ác”.
3. Sâu ganh ghét màu trắng, hại phổi:  Ai ganh ghen thì thường hay bị hụt hơi thở, nếu độ ganh lên cao thì có ngày tắt thở luôn.  Đây là “đệ tam ác”.
4. Sâu buồn thảm màu đen, hại thận, bàng quang:  Ai nuôi sự buồn thảm lâu ngày thì sẽ bị trầm cảm tinh thần (depression), khí huyết không lưu thông dễ dàng nữa, đi tiểu không thông, nước tiểu bị ứ đọng trong thận và bàng quang mà dễ sinh ra sạn thận.  Người bị trầm cảm có thể đi tìm cái chết.
5. Sâu lo lắng màu vàng, hại tì vị:  Ai cứ bồn chồn lo lắng thì sâu cắn phá bao tử làm bao tử tiết ra nhiều acid khiến người đó bị loét bao tử.

            Câu chuyện tới đây trở thành đề tài thảo luận sôi nổi.  Có người nói rằng muốn khoẻ mạnh thì đừng nuôi sâu, đừng giữ những tánh tiêu cực như giận hờn, cay đắng, ghen ghét, buồn lo nữa.  Có người thêm ý rằng muốn được vậy, chúng ta cần dùng những tánh tích cực để chống lại những tiêu cực kia như trầm tĩnh thay cho nóng giận;  ngọt ngào thay cho cay đắng;  thương yêu thay cho ganh ghét;  vui vẻ thay cho buồn rầu;  thỏa lòng thay cho lo lắng.
            Khoa dưỡng sinh ngày xưa cũng khuyên chúng ta ngoài việc ăn uống, tập luyện cơ thể, hô hấp còn phải chú ý đến phần dưỡng linh, hay di dưỡng tinh thần vì thiếu phần này thì kết quả dưỡng sinh không đạt.  Y học ngày nay cũng nhận ra tinh thần, tâm thần ảnh hưởng đến thể chất rất nhiều.
            Trở lại chuyện trà đàm về những con sâu xấu xí kể trên, chúng ta tìm thấy một vũ khí lợi hại là Trái Thánh Linh ghi trong sách Galati (Galatians 5:22) để phá giải ngũ độc của 5 sâu, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.  Khi một người mở lòng tiếp nhận Chúa, thì Đức Thánh Linh rải vào lòng người đó những hạt giống của Thánh Linh.  Bây giờ, tuỳ người đó muốn cho trứng sâu tiếp tục phát triển hay muốn hạt giống Thánh Linh nẩy mầm.  Theo Kinh thánh thì ai cứ để cho các trứng sâu tự do lớn mạnh là người “chăm về xác thịt”.  Thánh Phao-lô cảnh giác trong Rôma 8:13 “nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống.”  Trong Rôma 8:6, ông khẳng định:  “chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an”.


         



7.  Chuyn Ông Địa


            Ông Địa là hình ảnh rất quen thuộc với người miền Nam.  Thường người ta  dùng đất sét nắn nên một ông mập mạp, bụng bự, da mặt hồng hào, miệng cười toe toét, đầu chít khăn rằn, mình mặc áo bà ba, tay mặt cầm quạt, tay trái nắm cung lại để người ta có thể cắm vào đó một điếu thuốc lá dễ dàng.  Ông Địa xuất hiện có lẽ vào thời Nam tiến của dân Việt Nam từ mấy trăm năm trước.  Những người di dân đi vào các vùng đất trong Nam để khai khẩn, gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong đời sống, nên họ cần có một hình ảnh để nương tựa.  Cuộc sống của họ hằng ngày dính liền với đất nên họ tạo ra ông Địa (vì địa là đất).  Ông Địa phải là người vui vẻ, luôn miệng cười thoải mái để mang lại cho họ sự an ủi, may mắn, hỉ xả, xính xái, chín bỏ làm mười…  Khi nhà có chuyện là họ tâm sự cùng ông Địa.  Khi có điều thị phi oan ức thì họ kêu:  “Oan ôi! Ông Địa!”   Trước kia, họ để ông Địa ngồi dưới đất vì họ chẳng có bàn ghế gì, về sau khi khá giả, sắm được bộ bàn ghế họ mới cho ông Địa lên ngồi trên trang.  Người ta thường cho ông Địa ăn chuối, ăn chè, hút thuốc rê hoặc hút thuốc tây.  Ngày Tết đến chính ông Địa đứng ra mời gọi, hướng dẫn con lân vào múa nhà gia chủ để cả năm được phát tài phát lộc.  Nguồn gốc ông Địa có lẽ do từ hình Phật Di Lặc của Ấn Độ và hình ông Thần Tài của Trung Hoa cùng quan niệm Thổ Công mà sửa đổi, tạo thành cho thích hợp với tâm tình của những người đi khẩn hoang dạo đó. 

            Nhiều người hay lầm Phật Di Lặc với ông Thần Tài.  Tuy hai tượng cùng cười hết ga, nhưng có những điểm khác nhau.  Phật Di Lặc nguyên là con một vị Bà-la-môn, sau quy y cửa Phật, nhập diệt vào cung trời Đâu Suất, được xem là Hậu Sinh Phật hay Vị Lai Phật, thường được gọi là Di Lặc Bồ Tát.  Phật Di Lặc thường ngồi, mặc áo phơi ngực, hở bụng, có 6 đứa con nít leo trèo, quậy phá trên mình.  Sáu đứa giặc này là lục tặc tấn công vào lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.  Bồ Tát đã đắc đạo nên không còn sợ lục tặc đưa lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vào phá.  Có khi người ta chỉ làm 5 đứa trẻ là ngụ rằng ý-căn không để lộ ra vì đó là ý tưởng; hoặc 5 đứa trẻ tượng trưng cho ngũ dục là 5 thứ ham muốn:  Thanh dục, sắc dục, vị dục, hương dục và nhục dục.  Bồ Tát Di Lặc tượng trưng tinh thần từ bi, hỉ xả, tinh thần nhập thế độ đời “thõng tay vào chợ” không còn bị nhiễm bụi trần. 

            Ông Thần Tài nguyên là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà tôn giả ở Ấn Độ, cũng là một trong thập bát La Hán.  Ông là người bắt rắn.  Để giúp cho người khỏi bị rắn cắn, ông mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi.  Người Trung Hoa thì cho là Bố Đại tái sanh tại nước Lương, tên là Phó Đại Sĩ, tánh vui vẻ, ăn mặc xốc xếch, mang cái túi vải thật to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em.  Thần Tài người ta làm ra là tượng đứng có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công, hưởng thụ.  Những người buôn bán tin rằng xoa bụng bự của ông Thần Tài là sẽ hốt bạc. 

            Người dân miền Nam phải có óc khôi hài và óc sáng tạo mới tạo được hình tượng ông Địa từ mấy thế kỷ qua.  Ngày nay, ông Địa bị đem ra làm trò đùa trong các chuyện vui.  Như chuyện người lái buôn kia, khấn vái ông Địa cho làm ăn khá thì anh sẽ cúng cho ông con vật 2 chân.  Ông Địa nghĩ rằng anh sẽ cho ông con gà nên phò hộ anh làm ăn khá.  Anh ta làm ăn được, rồi quên mất lời hứa.  Chừng trong nhà có chuyện, anh xin lỗi ông Địa và hứa rằng nếu mọi chuyện êm xuôi, anh sẽ cho ông con vật bốn chân.  Ông Địa nghĩ là sẽ được cúng cho con heo.  Sau khi được chuyện, anh ta cũng quên mất (hay giả bộ quên?).  Lại có dịp làm ăn lớn, anh một lần nữa thành khẩn xin lỗi và hứa kỳ này xong việc sẽ cho ông không phải con vật 4 chân mà là 8 chân.  Ông Địa bực mình lắm, nhưng nghe lời hứa hấp dẫn: 8 chân chắc là 2 heo hoặc 1 heo và 2 gà.  Ông lại phò hộ cho anh ta.  Chừng xong việc, anh giữ lời hứa mang đến trả lễ cho ông Địa một con.. cua!! 
Một chuyện khác kể lại lời phân bì của ông Táo đối với ông Địa.  Ông Táo phàn nàn:  “Tôi phải ở trong bếp nóng bức, mặt mũi lúc nào cũng lọ lem, còn anh ở phòng khách mát mẻ, sạch sẽ, tay thì cầm quạt, tay thì cầm điếu thuốc, nên lúc nào cũng cười toe toét.  Mỗi năm họ chỉ cho tôi ăn một lần vào ngày 23 tháng chạp, còn anh thì họ cúng nhang đèn bánh trái quanh năm.”  Ông Địa phân bua: “Coi vậy mà không phải vậy anh ơi!  Con người ta ngày nay lọc lừa gian trá lắm đó anh!  Những gì anh coi rực rỡ huy hoàng xung quanh tôi chỉ toàn là đồ giả.  Nhang là nhang điện có sáng mà không thơm.  Nải chuối anh thấy để trước mặt tôi, nếu anh thích thì tôi cho liền, chuối nylon đó anh, tưởng bở cắn vô là rụng răng như chơi!”

            Hình ảnh Ông Địa vẫn còn gần gũi, thân mật đối với một số người. Ở những sạp hàng buôn bán tại các chợ miền Nam, chúng ta còn bắt gặp những ông Địa nhỏ đang được chưng, được thờ cúng tại một góc sạp.  Những người buôn bán này tin rằng ông Địa linh thiêng phò hộ cho họ buôn may bán đắt.  Họ không biết rằng muốn làm ăn phát đạt,  họ cần phải học những nguyên tắc căn bản của ngành thương mãi, như là vui vẻ, niềm nở, thành thật và kính trọng khách hàng.  Đằng này nhiều người một mặt khấn vái ông Địa phò hộ trong sự buôn bán, một mặt lại thiếu lịch sự với khách hàng. 


Múa lân ngày Tết tại Chợ Tàu Paris


8.  Dỗ Giấc Ngủ

                        Giấc ngủ rất cần thiết vì thân thể chúng ta cần nghỉ ngơi, dưỡng sức, bồi bổ, lấy lại sinh lực sau mười mấy giờ lao tâm, lao lực.  Trung bình chúng ta cần ngủ 7-8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.  Tuy nhiên, phẩm chất luôn luôn quý hơn số lượng.  Năm tiếng đồng hồ ngủ sâu, ngủ say hơn 10 ngủ gà, ngủ gật.  Có người ngủ thật dễ, “đặt lưng xuống giường là ngáy”, có người khó ngủ, cứ trăn trở, trằn trọc, thao thức cả đêm.  Người thứ nhì này cần phải học nghệ thuật dỗ giấc ngủ.  Trước tiên, chúng ta cần biết 4 điều tối kỵ khi lên giường có thể làm chúng ta dỗ giấc…THỨC:

T tiếc nuối quá khứ, tiếc hối lời nói, việc làm không hay, không khéo của mình
H hờn giận ai đó
U uất ức về một điều gì đó
C chực chờ chuyện chưa xảy ra như trời sập, đất sụp.
            Muốn ngủ ngon, ngủ thẳng giấc, chúng ta cần biết những bí quyết sau đây.  Chuẩn bị trạng thái tinh thần, tâm lý để dễ đi vào giấc ngủ.  Tâm ngủ rất khác với tâm thức.  Mỗi người sẽ tuỳ cơ thể của mình mà dùng một hoặc nhiều phương cách:

Tịnh tâm: bằng tĩnh nguyện, thiền định
Tư tưởng: để trí trống rỗng
Tắt hết đèn trong phòng ngủ.  Nằm  trong tối thì dễ ngủ hơn.
Thực tại:  đừng để gánh nặng của quá khứ hay tương lai ám  ảnh, quấy rầy mình
Thở chậm, đều, sâu.  Có thể đếm hơi thở.
Tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ
Tắm nước ấm trước khi ngủ
Thân thể cần thoải mái: quá no hoặc quá đói đều làm khó chịu và khó ngủ.
Thực phẩm:  tránh những món nhiều đạm, dầu mở vào bữa ăn chiều.  Uống một ly sữa ấm trước khi ngủ đã giúp nhiều người.
Thư giản:  tưởng tượng thân thể mình mềm như cọng bún, như con mèo, như chiếc vớ cũ…
Tưởng tượng tới cảnh vật thiên nhiên như biển, núi, rừng để tâm được thanh thản.
Tự nhủ rằng dầu đêm nay có mất ngủ, thì không có gì quan hệ lắm, ngày mai sẽ ngủ ngon hơn.
Thuốc ngủ:  bất đắc dĩ mới phải dùng.
Thi-Thiên chương 23 đã giúp nhiều người dỗ giấc ngủ.  Vừa đọc vừa tưởng tượng mình là chiên trong đồng cỏ xanh tươi nằm bên mé nước bình tịnh.. trong sự che chở, bảo vệ của Chúa là người chăn chiên hiền lành. 






9.  Du Tử Ngâm      
Mạnh Giao 

Từ mẫu thủ trung tuyến,              
Du tử thân thượng y.                   
Lâm hành mật mật phùng,          
Ý khủng trì trì quy.                       意 恐 遲 遲 歸
Thùy ngôn thốn thảo tâm,            誰 言 寸 草 心
Báo đắc tam xuân huy ?               報 得 三 春 輝?

Diễn Nghĩa:  Sợi chỉ trong bàn tay của mẹ hiền giờ đây ở trên áo người con đi chơi xa.  Lúc người con lên đường, bà mẹ khâu sợi chỉ kỹ càng lên trên áo, ý e rằng con vì vui thú rong chơi mà trễ đường về.  Ai nói rằng lòng của một tấc cỏ có thể báo đáp được ánh nắng ba mùa xuân đầm ấm.  (ý nói:  Tấm lòng nhỏ hẹp của con làm sao báo đền được tấm lòng  bao la của mẹ!). 
            Nguyễn Du mượn ý hai câu cuối cùng trong bài thơ này, viết: “Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”.
            Châu Sa dịch bài thơ Du Tử Ngâm :
Áo con đầy những chỉ
Do tay mẹ hết lòng
Đã khâu may cẩn thận
E con mải chơi rong
Hỏi làm sao tấc cỏ
Đền đáp ba xuân nồng?
*
Kim chỉ tay mẹ mỏi mòn,
May thành chiếc áo đứa con xa nhà.
Đường khâu khăng khít đậm đà,
E con vui thú la cà rong chơi.
Ba xuân đầm ấm rạng ngời,
Làm sao tấc cỏ đủ lời đáp ơn.
10.  Mẹ Con Kangaroo
Kangaroo Mother Care

            Kangaroo thuộc giống chuột (marsupial), thuộc họ Macropodidae.  Tiếng Hán Việt gọi là Đại Thử 袋鼠, đại không phải là lớn mà là cái túi, vì vậy người Trung Hoa gọi Kangaroo là Chuột Túi.   Úc Châu dùng con vật này làm biểu tượng vì nó tượng trưng cho sự tiến bộ.  Kangaroo chỉ đi tới, chớ không bao giờ đi lui.  Con vật này thường hay nhảy và nhảy rất nhanh, có thể đến 40 miles hay 60 cây số mỗi giờ.  Khi đi chậm hoặc đứng, nó dùng cái đuôi như một cái chân.  Thị giác của Kanga đáp ứng bằng vật di chuyển trước mắt nó.  Thính giác nó rất nhạy, nó có thể xoay trở vành tai về hướng có âm thanh.  Kangaroo sống theo bầy, chúng ăn cỏ, lá cây và ít uống nước.  Con đực gọi là “buck”, “boomer”, “old man”; con cái gọi là “doe”, “flyer”.  Hài nhi Kanga gọi là “joey”.  Kangaroo thường mỗi năm sinh một con, “joey” lúc mới sinh rất nhỏ, dài độ 2 phân tây (2 cm), bò từ lòng mẹ, chui vào túi bụng mẹ (pouch).  Trong đó có 4 cái vú, mỗi vú có một loại sữa khác nhau cho từng giai đoạn phát triển của chú joey.  Thường joey nằm trong túi độ 9 tháng, sau đó nó có thể nhảy ra, nhảy vào túi của mẹ để bú sữa, để tìm lại sự ấm áp, sự che chở cho tới 18 tháng.  Trong lúc này, nó có thể có một đứa em nằm chung trong túi rồi. 
            Năm 1978, bác sĩ Edgar Rey Sanabria, Giáo sư Tiểu Nhi khoa thuộc đại học Columbia, sau khi nghiên cứu đời sống mẹ con của giống Kangaroo, khuyên những bà mẹ có con sanh non, thiếu cân nên cho con bú sữa mẹ và thường ôm ấp con trước ngực mình mỗi ngày ít nhất 30 phút.  Kết quả cho thấy số tử vong rất ít ở những trẻ này và tâm lý của trẻ được ảnh hưởng tốt.  Trong khi đó, người mẹ cũng được sảng khoái về tinh thần và thấy tự tin hơn.  Người cha cũng nên thay phiên với mẹ mà ôm ấp con mình. 
            Bằng chữ KANGAROO, chúng ta hãy tìm hiểu những lợi ích cho hài nhi được chăm nuôi theo kiểu Kangaroo mother care:

K  Kích thích (Stimulate) sự tăng trưởng của hài nhi.  Sức kháng cự bệnh của trẻ cũng tăng.
A  Ấm cúng (Warmth).  Nguồn nhiệt của mẹ truyền qua con.
N  Nuôi dưỡng từ nguồn sữa mẹ  (breastfeeding),  luôn sẵn sàng, bổ dưỡng, vệ sinh.
G  Giao tế (Communication) giữa người và người đã được tập luyện sớm.
A  An toàn (Security) và An ủi (comfort).
R  Ràng buộc (bonding) giữa cha mẹ và con cái rất tốt.  Con trẻ về sau dễ nghe lời cha mẹ hơn.
O  Ôm ấp (skin-to-skin contact).  Hài nhi chỉ mặc tã, da sát liền với da thịt ngực của mẹ.
O  Ổn định (stability) về cân nặng, thân nhiệt, mạch tim, hô hấp cũng như ổn định tâm thần.
11.  Mộng Lý Bạch I
Thơ Đỗ Phủ

Tử biệt dĩ thôn thanh              聲,
Sinh biệt thường trắc trắc      惻。
Giang Nam chướng lệ địa      地,
Trục khách vô tiêu tức           息。
Cố nhân nhập ngã mộng         夢,
Minh ngã trường tương ức     ;
Quân kim tại la võng              網,
Hà dĩ hữu vũ dực                    翼?
Khủng phi bình sinh hồn        魂,
Lộ viễn bất khả trắc                測。
Hồn lai phong lâm thanh       
Hồn phản quan tái hắc                       
Lạc nguyệt mãn ốc lương       滿
Do nghi chiếu nhan sắc         
Thủy thâm ba lãng khoát       
Vô sử giao long đắc*.             使

Bản dịch của Châu Sa :


Tử biệt lời như nghẹn
Sinh ly dạ bùi ngùi
Miền Giang Nam gió chướng
Khách đày chẳng tăm hơi.

Trong chiêm bao gặp bạn
Lòng thương nhớ khôn nguôi
Bạn như chim vướng lưới
Sao có cánh tung trời?
Lo thay hồn còn mất
Ngặt đường quá xa xôi
Hồn đến rừng phong thắm
Hồn đi ải tối thui.

Trăng tà loang mái lạnh
Hình bóng bạn chơi vơi
Nơi nước sâu sóng cả
Chớ để thuồng luồng xơi*.


            Thuồng luồng:  tiếng Hán Việt là giao long, có thể là tên xưa của cá sấu.  Sách xưa chép miền đất Giao Châu và miền Nam Trung Hoa có nhiều giao long dưới sông biển.  Người dân Giao Châu (Lạc Việt) phải xuống sông biển mò ngọc trai để triều cống cho phương Bắc, hay bị thuồng luồng ăn thịt, nên họ có phong tục xâm mình (văn thân) để thuồng luồng nhìn là đồng loại.  Vào đầu thế kỷ thứ 9, Hàn Dũ vì trọng Nho chỉ trích đạo Phật, bị biếm xuống vùng Triều Châu (Quảng Đông) thấy vùng này cá sấu giết hại nhiều người, nên làm bài “Văn tế cá sấu” vào năm 820.  Sau đó, người ta không thấy cá sấu lai vãng về vùng này nữa.  Bên nước ta, đời Trần Nhân Tông, cá sấu về quấy phá tại vùng sông Hồng, sông Lô, dân tình rất khốn khổ.   Ông Nguyễn Thuyên bèn làm bài “Văn tế cá sấu” bằng tiếng Nôm, đốt, thả xuống nước thì cá sấu không còn quấy nhiễu nữa. 
            Đỗ Phủ (712-770) trẻ hơn Lý Bạch (701-762) hơn 10 tuổi, nhưng khi hai người gặp nhau đã trở thành bạn tri kỷ.  Lúc cuối đời, Lý Bạch bị đày ải, Đỗ Phủ đã hai lần nằm mộng thấy bạn, nhờ vậy hậu thế có được 2 bài thơ tuyệt tác trong kho tàng thi phú của thi hào Đỗ Phủ.
            Đỗ Phủ phải có óc hài hước mới viết câu kết:  “Vô sử giao long đắc” (Chớ để thuồng luồng xơi).  Như tại đất Hoa Kỳ, nhiều người khi có bạn di chuyển xuống Florida, vừa buồn ly biệt, vừa khuyên bạn hãy bảo trọng, coi chừng gặp cá sấu!   Như tiếng phì cười qua màn lệ!


12.  Nam nữ thụ thụ bất thân
            Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn thường thấy trên sách báo hoặc nghe câu nói này.  Ai ai cũng biết nó có nghĩa là nam và nữ không nên tiếp xúc thân mật với nhau nếu không phải là vợ chồng.  Hai chữ “thụ thụ” tuy đồng âm nhưng cách viết và ý nghĩa khác nhau.  Thụ đầu tiên có nghĩa là trao, thụ thứ hai có nghĩa là nhận.  Vậy “nam nữ thụ thụ bất thân” 男女授受不親 nghĩa là trai gái khi trao và nhận vật gì thì không đưa qua tay, mà một người đặt xuống bàn, người kia nhận lên từ bàn.  Câu này có trước thời Mạnh Tử (372-289 BC).  Chúng ta biết được điều này vì trong sách Mạnh Tử, chương Li-Lâu thượng, tiết 17, có câu chuyện nhà biện thuyết Thuần Vu Khôn hỏi Mạnh Tử  “nam nữ thụ thụ bất thân” có phải là đúng lễ không?  Mạnh Tử xác nhận đó là lễ.  Thuần Vu Khôn lại hỏi tiếp: “Nhưng khi người chị dâu sắp chết đuối, mình có đưa tay ra vớt không?”  Mạnh Tử cho biết khi chị dâu sắp chết đuối, không cứu thì không khác chi loài lang sói.  Mình phải biết quyền biến mà cứu, không nên khư khư ôm lấy lễ thường.   Thực ra, Thuần Vu Khôn dùng câu chuyện này để thuyết phục Mạnh Tử ra cứu thiên hạ đang bị chìm đắm.
             Người xưa khuyên nam nữ không nên tiếp xúc nhau để tránh bị “điện xẹt”, để rơm khỏi phải bị …phát hỏa.  Có sách ghi ra ngoại lệ là đàn ông, đàn bà trên 60 tuổi có thể ở chung nhà, có lẽ vì bình điện đã …. yếu rồi.
Một cô gái dùng điển tích “chị dâu té giếng” này để thăm dò ý của 3 chàng trai theo đuổi mình:
Tiếng các anh ăn học đã cao,
Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
Anh thứ nhất đáp:
Nắm đầu thì sợ tội trời
Nắm ngang khúc giữa, sợ lời thế gian
Giếng sâu anh phải thông thang
Thòng dây xuống giếng mà quàng chị lên.
 Anh thứ hai:
Nắm đầu thì khổ,
Nắm cổ lại không êm,
Nắm chân tay thì lỗi niềm huynh đệ,
Nên anh hoác họng “bớ làng” là hơn.
 Anh thứ ba: 
Chị dâu té giếng cái ào,
Hồn bất phụ thể, nắm chỗ nào cũng xong ...
            Dĩ nhiên, cô gái thích anh thứ ba hơn vì anh ta nhặm lẹ, phóng khoáng, biết quyền biến, không tị hiềm chuyện nhỏ khi cứu người.
            BS NTM, ở tại  Town of Andover (An Đô Vuơng Thành), Massachusetts cảm hứng làm mấy câu thơ:
Chị dâu té giếng cái ào:
Giây thừng tôi kiếm buộc vào eo tôi
Lắc qua lắc lại, chắc rồi:
Mon men nhảy xuống, khỏi nơi nguy nàn ...
*
Nắm đầu, nắm cẳng lúc nguy nan,
Thiên hạ ai kia chớ hỏi han:
Sợi tóc chẻ tư, đừng thắc mắc
Mạng sống; thị phi, khéo lạm bàn !

13.  Nam Phương Hoàng Hu

           
            Nhiều người không biết hoặc quên lãng vị hoàng hậu cuối cùng của nước Việt Nam.  Bà là người miền Nam nên được phong làm Nam Phương Hoàng Hậu.  Chữ Phương, viết với bộ thảo, không phải là phương hướng, mà có nghĩa là hương thơm.   Tôi góp nhặt tài liệu từ các nơi để tổng hợp thành bài sau đây:

            Nam Phương Hoàng Hậu, nhũ danh Nguyễn Hữu Thị Lan hay là Marie Thérèse, sinh ngày 4 tháng 12 năm 1914 (năm Giáp Dần) tại Gò Công (quê nội; còn quê ngoại tại Tân An), con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ, một trong những người giàu có nổi tiếng miền Nam.  Ông Huyện Sỹ là người đã bỏ tiền ra xây cất ngôi thánh đường nguy nga ở cuối đường Võ Tánh Sài Gòn thường được gọi là nhà thờ Huyện Sỹ.   Vào năm 1926  nàng được cho sang Pháp tòng học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng  ở Paris do các nữ tu điều hành.   Sau khi thi đậu Tú tài vào năm 1932, nàng theo chuyến tàu của hãng Messagerie Maritime trở về nước.
            Khoảng một năm sau, nhân dịp vua Bảo Đại nghỉ mát tại Đà Lạt và do sự sắp đặt của Toàn quyền Đông Dương, viên Đốc Lý thành phố Đà Lạt tổ chức một buổi dạ tiệc tại khách sạn Palace (sau gọi là Langbian) để  hai người có thể gặp nhau.  Nhờ tòng học ở một trường thuộc nhà Dòng, được các nữ tu chỉ dạy các lễ nghi Tây phương đối với Vua Chúa, nên tối hôm đó, lúc vừa diện kiến vua Bảo Đại và trong chiếc áo lụa màu thiên thanh, nàng đã quỳ một gối và cúi đầu sát mặt đất để tỏ lòng tôn kính nhà Vua.  Lẽ tất nhiên, vị vua trẻ đã thấy lòng mình xao xuyến trước vẻ yểu điệu thục nữ của nàng.   Kết cuộc, đám cưới của vị vua trẻ, đẹp trai với một giai nhân diễm lệ miền Nam đã diễn ra tại Huế ngày 20-3-1934.  Bốn hôm sau đó, Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương 南芳 có nghĩa là “hương thơm miền Nam”.  Cậu của bà là ông Lê Phát An, một nhà trí thức giàu có đã xây nhà thờ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) và mở nhiều cô nhi viện tại miền Nam, tặng cho cháu gái 1 triệu đồng bạc tiền mặt, để làm của hồi môn.
            Nhắc đến cuộc nhân duyên với Hoàng hậu Nam Phương, cựu hoàng Bảo Đại đã ghi lại trong cuốn CON RỒNG VIỆT NAM :  “Sau lần hội ngộ ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường  học một cách thích thú.  Cũng như tôi, cô rất thích thể thao và âm nhạc.  Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương.  Các vị Tiên Đế của tôi, khi chọn vợ, thường hướng về miền Nam.  Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế.  Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như các Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng (tức vua Gia Long) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn.  Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam".
            Tư cách thanh tao, phong nhã và đức hạnh của bà đã thu hút cảm tình của mọi người có dịp tiếp xúc.  Bà đã tham gia vào các công tác xã hội, từ thiện (gia đình bên ngoại của bà có khuynh hướng hoạt động xã hội, bác ái.)  Nhiều người tuy không có thiện cảm với chồng bà là vua Bảo Đai, nhưng đối với bà, họ vẫn không thiếu lòng kính mến. 
            Nhà thơ ngông Bùi Giáng  có lòng kính mến đặc biệt đối với Nam Phương Hoàng Hậu.  Ông Nguyễn Thùy viết:   Anh (Bùi Giáng) không có lời nào bông đùa, vô lễ, có lẽ anh quí trọng nét phúc đức hiền hậu, nét thiên hương quốc sắc…   Thử nghe một đoạn anh nói về  bà: “...Nhưng tại sao từ Cổ chí Kim, chỉ riêng nhịp bước khoan thai của Nam Phương Hoàng Hậu là nhu mỳ, kiều diễm mà thôi.  Thậm chí đôi phen Nam Phương Hoàng Hậu vội vàng cuống cuồng hấp tấp, thiên hạ nhìn vào vẫn cứ thấy là rất mực kiều diễm du dương?...”   
            Ông Tôn Thất An Cựu tìm thấy trong tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949:
            - Số là sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam.  Lúc đó vua Bảo Đại đã từ chức, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu.  Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gởi một Thông điệp  cho bạn bè ở Âu châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:  “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ.  Hành động nầy của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên.  Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.  Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do.  Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi".   Ký tên: Bà Vĩnh Thụy
            Có một thời, tuy biết phế đế Bảo Đại sống với vũ nữ Lý Lệ Hà, bà không ghen tức mà còn viết thư cảm tạ:  “Em Lý Lệ Hà thân quý,   Chị ở xa đức Cựu Hoàng hàng mấy vạn dậm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu Hoàng ở Hồng Kông.  Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu Hoàng, còn gặp lại nhau.  Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em.  Chị Nam Phương”.
            Bà cùng các con sang Pháp sống tại vùng Cannes vào cuối năm 1946.
             Trong tác phẩm “Bảo Đại, vị vua triều Nguyễn cuối cùng”  Phan Thứ Lang viết: “Trông gương mặt của bà sang mà không kiêu, hiền mà không tầm thường, dễ dãi.  Nụ cười mỉm kín đáo nhưng không quá e lệ.  Đôi mắt nhỏ mà tinh anh.  Chiếc cổ tròn, thon và cao hợp với khuôn mặt…. Nếu chỉ so sánh với những vị đệ nhất phu nhân trên thế giới như Hoàng Hậu xứ Monaco, Jackie Kennedy, bà Marcos (Phi Luật Tân) thì chắc chắn bà Nam Phương Hoàng Hậu phải được chấm giải nhất.  Nhất không phải chỉ vì sắc đẹp, mà nhất về tư cách và đạo đức và cách sống của bà từ ngày trở thành Hoàng Hậu cho tới ngày tạ thế.” 
            Nam Phương Hoàng Hậu sanh được 5 con (2 trai, 3 gái)* và đã trút hơi thở cuối cùng vì bệnh tim tại làng Chabrignac, một vùng quê thuộc miền Bắc nước Pháp vào ngày 15 tháng 9 năm 1963  thọ 49 tuổi.     Bà được chôn cất trong một ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp (không có chữ Việt?!) ghi lại nơi an nghỉ cuối cùng của bà Hoàng nước Nam:    (ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ)     “ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN”.
            Nếu có ai chê trách Bảo Đại (1913-1997)  về phương diện này hay phương diện khác thì lại không thấy ai than phiền hay chê trách gì tư cách hay cách cư xử của bà dù một lỗi nhỏ đối với chồng hay với người khác.
            Tuy đời sống ngắn ngủi, nhưng lúc sống bà xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ, lúc mất đi bà để lại nhiều luyến thương tiếc nhớ trong lòng người.

* Các con của Nam Phương Hoàng Hậu:
1.     Thái tử Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936,  qua đời vào ngày 28.7.2007
2.     Công chúa Phương Mai, sinh năm 1937
3.     Công chúa Phương Liên, sinh  năm 1938
4.     Công chúa Phương Dung, sinh năm 1942
5.     Hoàng tử Bảo Thắng, sinh năm 1943.
   14.  Người đẹp và Mỹ Nhân Kế

Khi nói đến người đàn bà đẹp, người ta diễn tả bằng các từ ngữ như:  mỹ nhân, mỹ nữ, giai nhân, tuyệt sắc giai nhân, mỹ nhân hồng ảnh.  Chữ “bóng hồng” chỉ người đẹp là từ “mỹ nhân hồng ảnh” mà ra:
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai.
                                                Kiều
Chữ giai-nhân lại hàm ý nghĩa tốt lành, nên khi nói về kế sách dùng người đẹp để đánh đối phương, người ta gọi là mỹ-nhân kế, chứ không gọi là giai-nhân kế.  Thục-nữ chỉ người con gái dễ thương, có nết na thùy mị, dịu dàng, là người vợ lý tưởng cho các chàng trai:
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
            Kinh Thi
            Mỹ nhân với vẻ đẹp kinh hồn từ xưa đến nay vẫn là báu vật đẹp đẽ  làm nhiều đấng nam nhi say mê, làm nhiều thành trì sụp đổ, nhiều đất nước phải mất (khuynh quốc, khuynh thành).  Người ta cũng quan niệm rằng người đàn bà mà quá đẹp, quá rực rỡ thì như các danh tướng, sẽ sống không thọ:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
美人自古如名,许人间现白头.
           
Như danh tướng, mỹ nhân đã gây sôi động, sóng gió một thời.  Những mỹ nhân như Đắc Kỷ, Bao Tự, Dương Quí Phi, Cleopatra, Tây Thi, Trần Viên Viên… đã lừng danh và đã làm thay đổi lịch sử nhân loại ít nhiều bằng ánh mắt, nụ cười, giọt lệ, giọng nói, hình dung và dáng điệu.
Để thử bản lãnh của người đàn ông,  người ta thường dùng rượu ngon và tiền tài.  Khi uống rượu nhiều mà không nói hớ, khi cầm nhiều tiền trong tay mà không lem nhem thì coi như là người khá:
Tửu trung bất ngữ chân quân tử,
Tài thượng phân minh đại trượng phu.
酒 中 不 语 眞 君 子
財 上 分 明 大 丈 夫

Các chàng qua được 2 thử thách rượu và tiền không khó, nhưng đến ải thứ ba khi tiếp xúc với nữ sắc thì  nhiều đấng tu mi nam tử  đâm ra thẫn thờ như bị người đẹp hớp hồn, rủ liệt như bị điểm huyệt:
Mưa là gông giam chân lữ khách,
Sắc là môn điểm huyệt râu mày,
Nực cười Ông Tạo lá lay,
Cứng như thép cũng chạy ngay sét tình.
                                                Châu Sa
Lịch sử ghi lại bao nhiêu anh hùng, hào kiệt bị thân bại, danh liệt vì mỹ nhân.  Người đàn ông càng hào hùng  bao nhiêu thì càng dễ bị lụy vì sắc vì tình bấy nhiêu. Nhiều tướng giỏi ở nhiều thời đại có thể oai phuông, lẫm liệt thắng trăm  trận ngoài quan ải nhưng lại không qua khỏi ải tình của mỹ nhân (英 雄 難 過 美 人 關 Anh hùng nan quá mỹ nhân quan!).  Ở Hoa kỳ, những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo bị tai tiếng về vấn đề tình dục (sex scandal).  Một số tâm lý học gia cho rằng những người lãnh đạo là những người có bầu nhiệt huyết sung mãn, luôn liều lĩnh trong cuộc sống.  Sự liều lĩnh cũng là yếu tố giúp họ thành công.  Những người đàn ông này được gọi là người nhóm alpha.  Những chất hóa học neurotransmitters của họ cũng khác người thường:  Dopamine cao, Serotonin thấp, và đặc biệt Testosterone cao.  Những yếu tố này làm họ thích phiêu lưu tình ái.
            Không ai hiểu đàn bà cho bằng đàn bà, cho nên thỉnh thoảng chúng ta nghe lời dạy bảo của mẹ cảnh giác con trai của mình:  “Trên đầu chữ sắc1  có con dao”  vì chữ Sắc viết với bộ Đao (con dao) ở trên chữ Ba.  Người mẹ  muốn nhắn rằng: “Dính vào nữ sắc coi chừng chết như chơi nghen con”.    Nhiều người chắc còn nhớ chuyện Cô Gái Đồ Long, sau khi Hân Tố Tố (mẹ của Trương Vô Kỵ) nói nhỏ vào tai  Hoà Thượng Không Văn Đại sư về chỗ ở của Tạ Tốn để giá họa cho ông ta.  Bà cho Vô Kỵ biết là bà đã đánh lừa ông ta cùng quần hùng.   Trước khi tự sát, bà căn dặn con:  “Con nên nhớ, sau nầy con lớn lên phải đề phòng đàn bà!   Đàn bà sẽ lừa dối con.  Đàn bà càng đẹp bao nhiêu càng lừa dối người bấy nhiêu.”     
Trong Kinh Thánh, sách Châm Ngôn đoạn 6:23-26 cũng ghi lời mẹ khuyên răn con:
Những điều răn này là ngọn đèn soi tỏ,
Khuôn phép mẹ trao, ánh sáng đó nghe con.
Đừng coi thường lời quở trách dạy khuyên,
Là lẽ sống, con đường lên hạnh phúc.
Nó gìn giữ con khỏi đàn bà ác độc,
Dâm phụ dùng lời đường mật dụ con.
Nhan sắc nó kia, dù tuyệt mỹ, đừng tham,
Chớ để lọt vào mắt tình đưa đẩy.
Mê gái điếm là cuộc đời bị gậy,
Chỉ mẩu bánh mì còn lại mà thôi.
Dâm phụ nguy hơn, nó là kẻ giết người,
Luôn rình rập, cướp cuộc đời con đó.
(Theo bản dịch của Phan Như Ngọc)
           
            Muốn khỏi vướng lưới tình, điều tốt nhất là tránh xa, “tẩu vi thượng sách” như câu chuyện ông Joseph trong Thánh Kinh Cựu Ước.      
            Nguyễn Phúc Bửu Tập, theo tác phẩm La vie du Bouddha, Payot Paris 1949 của Alfred Foucher, ghi lại cuộc đối thoại lý thú giữa ông Ananda và đức Phật xảy ra trên giường bệnh, lúc đức Phật sắp nhập diệt:
- Bạch Thế Tôn, con phải xử sự thế nào đối với người phụ nữ ?
- Ðừng giao tiếp với họ.
- Nhưng mà, bạch Thế Tôn, làm sao tránh không gặp được ?
- Ananda ơi, nếu gặp thì tránh chuyện trò.
- Thế họ nói chuyện với con thì sao ?
- Chỉ có cách là luôn luôn đề cao cảnh giác.
(Chỗ này, do BS TĐH chỉ, tôi thích lời trong bản dịch của Thích Minh Châu hơn:  hãy an trú chánh niệm.)
            Ananda là đệ tử thân tín của đức Phật.  Ông thuộc giòng họ Thích Ca, người thuần hậu, ông có nhân cách quyến rũ và thu hút quần chúng.  Ananda lại trẻ đẹp trai nên được giới nữ ái mộ.  Kinh thuật nhiều lần vì tính tình dễ dãi, ông bị vài người đàn bà mất nết quyến rũ.  Ðức Phật biết được nên đã  nhiều lần tháo gỡ ông ra khỏi lưới tình. 
            Câu hỏi của ông Ananda đặt ra chỉ để hỏi riêng đức Phật về hành trì của ông, và đức Phật cũng chỉ trả lời riêng cho ông  căn cứ trên điểm ngài hiểu biết quá cặn kẽ tính tình của Ananda.  
Trong tác phẩm Chu Dịch Huyền Giải, ông Nguyễn Duy Cần dùng thuyết Âm Dương  để giải thích mối tương quan nam nữ.  Qua đó, chúng ta cảm thấy chính đàn ông mới là “phái yếu”:
- Người đàn ông và người đàn bà có thể ví như hai khúc nam châm ngược chiều để cận bên nhau nên mới có sự thu hút lẫn nhau.   Âm thu hút Dương mạnh hơn Dương thu hút Âm.  Bộ óc của đàn ông thuộc âm, của đàn bà thuộc dương; bộ sinh dục của đàn ông thuộc dương, của đàn bà thuộc âm.  Sự hoạt động về tinh thần của người đàn ông bao giờ cũng do sự kích thích của ý muốn người đàn bà truyền cho.  Đầu óc của người đàn bà là chỗ sinh ra ý niệm mà chính người đàn ông thu nhận và làm cho nó thành hình:  dương sinh mà âm thành.  Đứa con trai mà thành nhân đều do sự giáo dục của bà mẹ.  Việc thành bại trong sự nghiệp của người đàn ông phải chăng đều nhờ nơi sự khuyến  khích về đường hay lẽ quấy của người đàn bà.  Cho nên người đàn ông đối với người đàn bà chỉ là một vật thụ động hoàn toàn.
Người đàn ông sở dĩ thu hút người đàn bà là nhờ ở bộ óc vĩ đại của họ, nên đàn bà dễ yêu những bậc vĩ nhân hay những bậc anh hùng cái thế:  từ lòng thán phục đến tình yêu rất gần trong gang tấc.  Tóm lại, cái mà người đàn ông thu hút được người đàn bà là bộ óc thông minh, là tài và đức của họ. 
Trái lại, bộ phận phía dưới của người đàn ông thuộc dương, còn của đàn bà thuộc âm. Cho nên đàn bà thu hút đàn ông bằng hấp dẫn nhục tình và khêu gợi về vật chất.  Tình yêu người đàn ông đối với người đàn bà thuộc về dục tình.  Tình yêu của người đàn bà đối với đàn ông là tình yêu cao thượng, quý tài trọng đức.  Tình yêu của người đàn ông đối với đàn bà, trái lại là tình yêu nhục thể trước hết.
Luồng khí chạy từ cực Dương tới cực Âm:  ở người đàn ông luồng khí chạy từ bộ sinh dục lên đầu vì vậy khi người đàn ông bị tình dục dấy động thì đầu óc rủ liệt, không còn lý trí, họ yêu ngông cuồng, say đắm.  Đối với người đàn bà thì trái lại: luồng khí chạy từ đầu đến bộ sinh dục nên tình yêu của họ rất bình tĩnh, đắn đo, tính toán, lý trí họ không bị hỗn loạn.
            Tình dục người đàn ông bao giờ cũng nồng nàn hấp tấp, trái lại tình dục người đàn bà lạnh lùng và không vội vàng bởi dục khí đàn ông do vật dục khuấy động, còn dục khí của người đàn bà do thần khí chỉ huy.

Mỹ Nhân Kế:
            Mỹ Nhân Kế là kế thứ 31 trong Tam Thập Lục Kế của các nhà chánh trị và quân sự của Trung Hoa.  Đây là kế sách rất hiểm độc, khéo dàn dựng thì đối phương khó chống đỡ.  Nguyên tắc của kế này là: Binh đối phương mạnh thì tấn công vào vị tướng của họ.  Tướng họ mưu trí thì đánh vào mặt tình cảm của tướng.  Khi tướng suy nhược thì binh sĩ hủ hoại, khí thế tự giảm sút…     
            Đánh vào tình cảm của người lãnh đạo địch quân là tìm hiểu sở thích hay chỗ yếu của ông ta mà đầu tư vào đó.  Mỹ nhân là vưu vật của Tạo hoá, có tính âm nhu cực điểm.  Anh hùng hào kiệt vừa gặp thì mê mẩn tâm thần, đụng vào thì mất hết ý chí chiến đấu, nên “Mỹ nhân kế” thường đắc dụng:
Gái quốc sắc như cơn sóng lượn,
Trai anh hùng tựa chiếc thuyền lan.
                                                Ca Dao?
Coi lại tích truyện xưa, chúng ta thấy có chuyện vua Việt Câu Tiển dùng mỹ nhân Tây Thi để phá tan cơ nghiệp của Ngô Phù Sai; chuyện quan Tư Đồ Vương Doãn vì lòng tận trung báo quốc đã dùng người đẹp Điêu Thuyền và liên hoàn kế để chia rẽ hung thần Đổng Trác và con nuôi hắn là Lữ Bố.  Kim Thánh Thán phê bình Điêu Thuyền như sau: “Mười tám lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác.  Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lữ Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền lại thắng nổi.  Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy sóng mắt nụ cười làm gươm sắc giáo nhọn, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ.  Xem thế thì bản lãnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ lắm thay!  Tây Thi với Điêu Thuyền cùng lấy sắc khuynh thành.  Nhưng việc làm của Tây Thi còn dễ, việc của Điêu Thuyền khó hơn.  Tây Thi chỉ phải đánh ngã một mình Ngô vương Phù Sai.  Điêu Thuyền phải đồng thời đánh ngã cả Lữ Bố lẫn Đỗng Trác.  Phải luôn luôn nghĩ mưu kế trong lòng, thay đổi bộ mặt để đối phó với cả hai bên.  Ta nghĩ rằng cái công của Điêu Thuyền đáng ghi vào sử xanh.”
Lịch sử Do Thái ghi lại câu chuyện nổi tiếng Samson và nàng Dalilah.  Samson có sức mạnh như thần tướng, có lần chỉ dùng cái hàm lừa mà đánh giết được cả ngàn người.  Samson có nhược điểm là mê nữ sắc.  Chàng yêu say đắm người đẹp Dalilah.  Không ngờ nàng đã bị quân thù Philistin mua chuộc để tìm ra bí quyết sức mạnh của chàng là mái tóc.  Dalilah phục rượu và cắt tóc chàng.  Quả thật, thần lực đã rời khỏi Samson, quân thù ùa vào bắt trói chàng dễ như trở bàn tay.  Bị quân thù hành hạ, bị khoét mắt, bị bắt làm việc khổ sai.  Sau khi tóc dài lại, sức lực trở lại, chàng chờ dịp trả thù.  Một hôm có lễ hội của người Philistin, họ mang Samson ra đền để làm trò.  Samson cầu nguyện Đức Chúa Trời cho chàng ta một cơ hội cuối cùng trong đời.  Chàng đã đến được giữa 2 cột của đền, dùng hết sức xô gẫy được 2 cột.  Cả nóc đền sụp đổ, giết chết trên 3000 người.  Samson cũng bị tử nạn trong đống gạch vụn.
Khổng Phu Tử được người đời sau tôn là “vạn thế sư biểu”, nhưng lúc sinh thời ông là người bất đắc chí, đi chu du thiên hạ mà không được trọng dụng, sau cùng làm đến Tể Tướng nước Lỗ, quyền hành nước nằm trong tay, nhưng được vài năm thì ông lại phải thất vọng mà từ quan.  Tại sao?  Xin đọc câu chuyện xứ Tề dâng 80 mỹ nữ cho vua Lỗ để phá tan nền chính trị đang phục hưng của xứ Lỗ và làm Đức Khổng Phu Tử phải bỏ đi và để lại lời than thở ghi trong Luận Ngữ:  Ta chưa thấy ai yêu cái đức tốt như yêu cái sắc đẹp vậy (Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã  吾未見好徳 如好色 者也).
Khổng Phu Tử thuộc dòng giỏi nhà Tống, nhưng ông nội đã dời qua nước Lỗ sinh sống, nên ông được xem như người nuớc Lỗ.  Cha ông có 9 người con gái mà không có con trai, mới lấy thêm 2 vợ lẽ nữa.  Người vợ thứ ba là Nhan Thị sanh hạ một trai vào đời vua Lỗ Tương Công (551 trước CN).  Vì có trán cao và gồ lên, nên ông được đặt tên là Khâu (Khâu là cái gò).  Lúc lên 3 thì cha mất, nhà nghèo nên đời sống thiếu thời khá vất vả.  Ông nổi tiếng giỏi từ nhỏ nên đã có người theo học rất sớm, nhưng trước 51 tuổi thì đường hoạn lộ không thông vì chủ trương Lễ Nghĩa của ông không được vua nào dùng.  Mãi đến năm 51 tuổi (năm 501 trước CN), vua Lỗ Định Công bổ nhiệm ông làm Trung Đô Tể, sau thăng lên Đại Tư Khấu.  Đến năm 56 tuổi, làm Tể Tướng, cầm quyền chính trị trong nước.   Khổng Tử lên giữ chức Tể Tướng được 7 ngày thì đem tên Thiếu Chính Mão, là một gian thần hạch tội và giết đi.  Trong vòng ba tháng, sau ngày nhiếp chính, việc chính trị trong nước được chỉnh trang rất hoàn tất:  trật tự, lề lối phân minh, trai gái riêng biệt, người người bỏ tánh tham lam, của rơi ngoài đường không ai nhặt, bọn gian phi cải tà qui chánh, hình pháp đặt ra cũng không cần áp dụng.  Nền đạo đức được chấn hưng, nền kinh tế được phồn thịnh.  Muôn dân vỗ bụng âu ca! 
Nước láng giềng là nước Tề thấy vậy đâm lo, sợ bị thôn tính!  Quan Đại phu nước Tề là Lê Di hiến kế:  “Nước Lỗ được như vậy là có Khổng Khâu.  Chúng ta hãy tìm mỹ nữ dâng cho vua Lỗ.  Con người khi được thảnh thơi, cường thịnh thì tất sanh lòng kiêu dật.  Vua Lỗ say mê nữ sắc, sanh lòng biếng nhác, không dùng Khổng Khâu nữa, ông ta sẽ bỏ đi, lúc đó chúa công mới ngồi yên được.”  (Kế sách này cũng còn gọi là Phủ Để Trừu Tân2rút củi dưới đáy nồi nhằm gián tiếp giải trừ khí thế của đối phương.)
Tề Cảnh Công bằng lòng, giao cho Lê Di thực hiện kế hoạch.  Lê Di cho tìm trong các kỹ viện 80 cô gái xinh đẹp, tuổi  18-20 chia làm 10 đội.  Các cô được trang phục gấm vóc lộng lẫy và dạy múa hát điệu Khang nhạc, có những điệu bộ mới lạ, ẻo lả, có những cử chỉ hấp dẫn, gợi tình.  Khi tập luyện đã xong, 80 mỹ nữ và 30 cỗ ngựa đẹp có cương vàng, yên bạc được đem dâng cho vua Lỗ tại cửa Nam thành nước Lỗ.  Quan Đại phu Quý Tôn Tư ba lần ra tiếp diện có ý rất ưa thích nên tâu bẩm với Lỗ Định Công ra xem.
Sau đây, câu chuyện đuợc Nguyễn Tử Quang kể tiếp trong tác phẩm “Điển Hay Tích Lạ”: 
Tám mươi mỹ nữ trải qua các con đường trong kinh thành nước Lỗ tha thướt như những nàng tiên trong những truyện truyền kỳ diễm ảo.  Vua nước Lỗ ngự chu trên bờ hồ nhìn thân hình uyển chuyển của các nàng từ trên bờ nhảy xuống thuyền nhẹ nhàng, phất phới như một đàn bướm trắng lượn hoa.
Thuyền vừa đổ bến, các mỹ nữ ấy nhẹ nhàng nhảy lên, reo cười trong trẻo vui tươi như đàn chim non.  Rồi người đàn, kẻ múa, họ  xô đùa viên hoàng môn quan và tiến đến ngân loan điện.  Vua mỉm cười khoan khoái, kêu hỏi, cả bọn đồng thanh đáp: - Chúng tôi đều là thế nữ của nương nương đây.
Vừa nói họ vừa trỏ vào một người đẹp nhất trong bọn uy nghi, đường bệ như một bà chúa, một nữ hoàng.  Nàng mặc một chiếc áo trắng thưa như màn sương khói mỏng để lộ ra những đường cong của bắp thịt, của một vóc mình thon chắc, yểu điệu tuyệt mỹ.  Thật là một tác phẩm linh động vĩ đại do một kỳ công kỹ xảo của Hóa Công.  Nhà vua đến gần hoa khôi, ngập ngừng ngọt dịu hỏi tên.  Nàng mỉm nở một nụ cười như hoa hàm tiếu e lệ dưới ánh trăng thanh, đoạn cất giọng oanh thỏ thẻ:
- Tâu bệ hạ!  Thần thiếp chính là Văn Khương3, nay được diễm phúc vào hầu bệ hạ.
Lỗ Định Công ngây ngất, truyền ngay bãi chầu.
Tiết xuân hòa ấm, cành quế đều mọc chồi non.  Hai bên đường, hoa thuỷ tiên đâm chồi, nẩy lộc.  Nhà vua cảm thấy như mình ở chốn Đào nguyên, được gần giai nhân là người mà vua đã từng khao khát mơ ước từ lâu.  Trên đường về cung, nhà vua nhẹ mình cúi xuống hái mấy cành thủy tiên, âu yếm trao cho mỹ nhân.
            Người đẹp không từ chối.  Nàng đưa bàn tay trắng nuột, xinh xắn cầm lấy cánh hoa.  Hoa và bàn tay là một.  Nàng ngoan ngoãn đưa hoa lên mũi, nhoẻn một nụ cười tươi thắm mê hồn.
            Trông vào mỹ nhân, hai má ửng hồng, đôi mắt lóng lánh hữu tình như nước hồ thu, một nụ cười tươi thắm nở mãi trên đôi môi son hé ra bày đôi hàm răng trắng nhỏ đều như ngọc làm nhà vua ngây ngất, bàng hoàng.  Tâm trí rối loạn, thần hồn mê mẫn, tấm thân bảy thước, địa vị ngai vàng của vua Lỗ đã bị nhận chìm trong sóng sắc biển tình.  Cầm lấy bàn tay ngà ngọc của giai nhân, nhà vua nhìn nàng bằng đôi mắt say đắm mờ mệt và chỉ lẩm bẩm được có một câu: “Ta yêu mỹ nhân lắm lắm!”
Rồi cả hai, đôi mình ép sát vào nhau lần bước vào chốn thâm cung.
Trời sâm sẩm tối.  Bốn phía, đèn đuốc nổi lên sáng rực như một hội hoa đăng.  Một đoàn mỹ nữ, trang phục bằng một thứ tơ trắng mỏng như sương lả lướt theo một vũ khúc mê ly trên con đường chung quang hồ Thưởng nguyệt.  Thân hình uyển chuyển, tha thướt theo điệu nhạc, nhìn họ có lúc ẩn lúc hiện, lúc mờ như hình bóng của khói, của sương… đương bao phủ hoàng cung.
Bấy giờ, hàng võ quan bỏ cả binh thư.
Bấy giờ, hàng văn thần quên hết kinh sách.
Trên hồ, thuyền bè đua nhau tấp nập, rượu trà yến ẩm, đàn dịu hát hay, tiếng nói giọng cười lả lơi, diêm dúa bay bổng đến mấy từng sao.
Thỉnh thoảng, một vị hoàng thân, một viên đại tướng ghé thuyền vào bờ, ôm lấy một mỹ nữ đem về tư thất, rồi mày xanh tóc bạc bên cốc rượu nồng tha hồ ân ái phỉ tình.
Rồi từ ấy…
Tiếng đàn, điệu vũ từ giữa hồ trong thâm cung truyền ngoài thành; sự hoan lạc từ kẻ quyền quý trong vòng khuê các lan tràn đến hàng trưởng giả phong lưu.  Chỉ có bọn dân đen ngày ngày tắm mưa gội gió, dãi nắng dầm sương, chui rúc trong những túp lều tranh xiêu vẹo thiếu cơm, thiếu thuốc ở chốn bùn lầy nước đọng.
  Thói xấu, tật dâm là những ngòi thuốc rất nhạy, những chất men dễ cho con người tập nhiễm, say đắm.  Thế rồi, ai ai cũng nong nả cởi bỏ đạo nghĩa, cho là một cái ách nặng nề quàng cổ bấy lâu.  Những cửa phòng khuê bỗng mở to.  Trong bóng tối, thấp thoáng những bóng nữ nhi đi tìm hoan lạc.  Nhiều vị Lễ quan đương cúng tế ở Thái miếu cũng vội vàng ném hương, đốt giấy cho mau để bươn bả chạy tìm đến chốn yên hoa.  Nơi Tam pháp tư, một viên Đô sát già lụ khụ dừng chân trước cửa viện, thở một hơi dài cất giọng phều phào thểu não:  “Hỡi ơi! Thời niên thiếu của ta đâu rồi!”
 Không còn đủ sức cản ngăn được, Khổng Tử phải bỏ nước Lỗ mà đi.  Lỗ suy nhược dần, cuối cùng bị Tề thôn tính.  Đạo binh mỹ nhân 80 người đã phá tan nước Lỗ, quê hương của một đấng thánh nhân. 
*
nh hưởng của người vợ đối với sự nghiệp của chồng rất lớn.  Gia đình sẽ là thiên đàng hay là địa ngục trần gian phần nhiều do phụ nữ mà ra.  Có nhiều bà vợ giúp chồng thành công, cũng không ít người vợ đưa chồng vào… gông.  Ai tìm được một người vợ ôn nhu, hiền thục, vượng phu ích tử thì quả là có phước.    Ca dao có câu:
Làm trai lấy được vợ hiền
Như cầm đồng tiền mua được của ngon. 4

Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh ghi:  
Vợ tài đức ai mà tìm được,
Giá trị nàng trổi vượt ngọc châu.
            Châm-Ngôn (Proverbs) 31:105

Gần đây, nhà tỉ phú Bill Gates xác nhận rằng chính bà vợ của ông giúp ông phát được từ tâm, ông đã dâng rất nhiều tiền vào việc từ thiện.  Mong  rằng các chàng trai khi kén vợ đừng quá đặt tiêu chuẩn trên nhan sắc, mà khôn ngoan tìm cho ra người nết na, đức hạnh.

Cuớc Chú:

1 (Sắc)

2釜 底 抽 薪  (Phủ Để Trừu Tân:  kế thứ 19 trong Tam Thập Lục Kế)
3Người viết bài không nghĩ nương nương này là Văn Khương, vì Văn Khương được gả cho Lỗ Hoàn Công, sống lối 200 năm trước.
4Hai câu kế tiếp là:
Phận gái lấy được chồng khôn,
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.
5Who can find a virtuous wife? For her worth is far above rubies.  (New King James Version.)

Tham Khảo: 
-        Minh Tâm Bảo Giám,
-        Chu Dịch Huyền Giải của Thu Giang Nguyễn Duy Cần,
-        Điển Hay Tích Lạ của Nguyễn Tử Quang,
-        Tam Thập Lục Kế do Nguyễn Nguyên Quân biên dịch,
-        Tự Điển Thành Ngữ Điển Tích do Diên Hương soạn,
-        Thành Ngữ Điển Tích do Trịnh Vân Thanh soạn,
-        Thi Ca Thánh Kinh do Phan Như Ngọc dịch.
-         Ðịa Vị Người Đàn Bà Trong Kinh Phật (Nguyễn Phúc Bửu Tập)

 
Phụ Lục
TÂY THI
Hỡi ai, về Trữ La thôn,
Chẳng hay nơi ấy có còn Tây Thi?
Suối xuân, bờ trắng hoa lê,
Mày xanh in dấu bên lề nước trong;
Tay thon rũ tấm lụa hồng;
 Má đào, mắt biếc, mây lồng bóng mơ.
Bên giòng, cỏ dệt lơ thơ;
Đá vơ vẩn bến, nước lờ đờ trôi;
Cá ngây, quên cả đớp mồi;
Công ngưng điệu múa, bên người  vương phi.
Người vương phi của hoa ngàn cỏ nội,
Còn sang Ngô quốc để làm gì?
Cho rượu đào pha máu đỏ,
Cho mắt xanh trộn kiếm vàng,
Cho gót hoa giày xéo giang san,
Cho môi thắm cười nghiêng xã tắc,
Khiến giai nhân thành nữ tặc.
Ghê gớm thay! Ôi tâm địa của loài người!
Mượn cành hoa để đập tan điện ngọc,
Đem mong manh mà áp đảo oai hùng.
Rồi tranh giành sông núi,
Cho trăm họ lầm than.
Ví cũng: rượu đầy nai, thơ đầy túi;
Ngửa nghiêng trăng nước bến Tầm Dương.
Thì giai nhân đâu phải ngậm hờn oan,
Cho ta khô suối lệ,
Và muôn năm tài tử khóc hoa tàn!
(Khuyết danh)








15.  Phiếm Luận về Bộ Ba

            Trong lời nói hằng ngày cũng như trong văn tự, người ta thường gom gộp 3 nhân vật, 3 sự kiện, 3 vấn đề liên quan nhau lại với nhau thành bộ ba. 
            Trong “ba ngày Tết”, người ta thường chơi cờ tướng, bài tứ sắc hay bài tam cúc (tại sao lại gọi là tam cúc nhỉ?) có những bộ ba như: tướng-sĩ-tượng, xe-pháo-ngựa.  Người xứ Huế trọng học hành thi cử nên thường chơi bài Tam Hường.
            Khi gấp rút, người ta thường ăn “3 hột cơm”, nhưng 3 hột đây chỉ là cách nói khi ăn không nhiều (chừng 1 chén cơm) chứ không phải đếm cho đúng 3 hột cơm để ăn.
            Trong CD ban tam ca AVT, chúng ta nghe bài “ba bà đi bán lợn sề”, trong văn học có “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” là tác phẩm của Alexandre Dumas.  
            Ba tháng đi liền nhau gọi là Tam Cá Nguyệt. 
            Tượng ba ông già Phước Lộc Thọ để chung với nhau thì gọi là Tam Đa. 
            Trên trời, dưới đất, giữa là ta (thiên - địa – nhân) gọi là Tam Tài. 
            Mèo có 3 màu gọi là mèo Tam Thể. 
            Trong nghề nghiệp, anh thợ hồ cần vôi, cát và nước gọi là Tam Hợp Thổ. 
            Cờ Tam Sắc ba màu của nước Pháp là xanh, đỏ, trắng.  Tam Sắc còn có nghĩa là 3 màu căn bản của quang phổ là màu xanh, màu đỏ và màu vàng. 
            Tam Bản có nghĩa là chiếc thuyền làm bằng 3 tấm ván ghép lại với nhau. 
            Tam Giác là hình 3 cạnh. 
            Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. 
            Tam Tạng là 3 bộ sách kinh nhà Phật. 
            Tam Giáo là Phật, Khổng, Lão, từ đó có lịch Tam Tông Miếu. 
            Tam Cương là 3 giềng mối xã hội ngày xưa, đó là Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ. 
            Tam Tùng là 3 giềng mối người phụ nữ ngày xưa phải noi theo (tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử). 
            Cộng sản chủ trương Tam Vô là vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. 
            Tôn Dật Tiên chủ trương Tam Dân là Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. 
            Các xứ tư bản tôn trọng Tam Quyền Phân Lập tức là các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải riêng rẻ, độc lập nhau. 
            Tam Đại nói về 3 thế hệ:  ông, cha và mình. 
            Tam Tộc là 3 họ:  họ cha, họ mẹ, họ vợ (ngày xưa, người ta rất sợ Tru Di Tam Tộc). 
            Thời phong kiến, không ai ham chọn một trong ba thứ ân điển vua ban cho để kết liễu cuộc đời của mình là thuốc độc, con dao, và tấm giải lụa (3 thứ này gọi là Tam Ban Triều Điển). 
            Tam Sinh là ba con vật bò, heo, dê để tế thần thuở trước.  Người trong Nam khi cúng kiếng dùng 3 món: quả trứng, con cua, miếng thịt heo.  Họ gọi là Tam Sênh. 
            Chúng ta thường nghe thành ngữ “quá tam ba bận”  lấy từ câu “Sự thể bất quá tam”  cũng như người Anh có luật “Three Strikes and You're Out Law”. 
            Ba thứ hiểu biết căn bản mà mọi người cần biết là biết đọc, biết viết, biết làm toán.  Tiếng Anh viết là 3R’s (Reading, wRiting, aRithmetic).
            Lưu Bị đã chịu khó, chịu khổ đến lều tranh thỉnh mời cho được Khổng Minh ra giúp nên có tích truyện “tam cố thảo lư” ghi trong Tam Quốc Chí về sự tranh hùng của 3 nước Nguỵ, Thục, Ngô.  Cũng trong truyện này, chúng ta cũng biết được chuyện Tam Anh chiến Lữ Bố. 
            Thành ngữ “Trình Giảo Kim ba búa” chỉ người hoặc công việc “đầu voi đuôi chuột” rút từ truyện “Thuyết Đường”.
            Tam quân là từ ngữ trong quân đội gồm có trung quân, tả quân, hữu quân.
            Nguyễn Khuyến (1835-1909) đỗ đầu 3 khoa tam trường (thi Hương, thi Hội, thi Đình) nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đỗ.  Khoa thi Đình có 3 hạng trúng cách:  Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa được gọi là Tam khôi.
            Tam tự kinh là sách giáo khoa dạy chữ Nho do Tống Ứng Tinh soạn từ đời nhà Tống.  Sách gồm những câu 3 chữ để trẻ con học dễ thuộc dễ nhớ, như:  Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập tương viễn…
            Thuốc Tam Tinh Hải cẩu bổ thận hoàn được quảng cáo là có thể trị dứt 3 thứ tinh là di tinh, mộng tinh, hoạt tinh.
            Một câu thai đố cho nhi đồng học Hán văn có câu “tà nguyệt tam tinh” (斜月三星) để đố chữ Tâm .  Trong câu thơ của Nguyễn Du: “Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời” ngụ ý Kiều nghĩ đến Thúc Sinh, tên Tâm.
            Trong khi không gian có 3 chiều, thời gian cũng có 3 khoảng:  quá khứ, hiện tại, vị lai.
            Tam Tỉnh Ngô Thân :  3 câu hỏi tự xét mình hằng ngày của Tăng Sâm:  1. có bất trung không;  2. có bất tín không;  3. có bất tập không (tập là rèn luyện).
            Tam Tiêu:  3 lò lửa trong thân mình là thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu.
            Tam Bành:  3 ông họ Bành (Bành Cư, Bành Kiểu, Bành Chất) hay đổ dầu vào lửa khiến cho chúng ta dễ nổi cơn thịnh nộ.
            Tam Giới:  3 điều răn (sắc, đấu, đắc) cho từng lứa tuổi được ghi trong Luận ngữ:  Lúc còn ít tuổi, khí huyết chưa ổn định, cần ngăn ngừa sắc dục.  Tuổi tráng niên, khí huyết đang mạnh, cần ngăn ngừa thói ham thích đấu đá.  Tới tuổi già nua, khí huyết đã suy, cần răn thói cố tham lấy cho được.  (少之時血氣未定, 戒之在色; 及其壯也, 血氣方剛, 戒之在斗; 及其老也, 血氣既衰, 戒之在得  Thiếu chi thời, huyết khí vị định, giới chi tại sắc;  cập kỳ tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu; cập kỳ lão dã, huyết khí ký suy, giới chi tại đắc.)
            Có 3 hạng người dù phạm tội có thể được luật pháp tha là trẻ dại, già cả, ngu si, gọi là Tam xá.
            Tam tòa:  3 tòa quan lớn dưới triều vua Minh Mạng có 3 viên chức cao cấp trong 3 cơ quan  Bộ Hình, Đô Sát viện, Đại Lý Tư.  Tại đây có một cái trống lớn để ai có oan ức thì đánh trống cho người trên nghe biết (kích cổ đăng văn).  Triều vua Tự Đức, bà Bùi Hữu Nghĩa đánh trống kêu oan cho chồng sắp bị án tử hình.  Nhà vua biết được nỗi oan ức mà tha cho ông Bùi Hữu Nghĩa.  Trong bài văn tế khóc vợ, ông Thủ khoa đã nói lên được khí phách của bà:  “Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch nầy oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng.
Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều hết vía...”
            Tam Tai là 3 thứ tai hoạ:  phong tai (như bão tố, hurricane), hỏa tai (cháy rừng, cháy nhà), thuỷ tai (lụt lội).  Tam Tai cũng có thể nhắc đến 3 thứ tai họa khác là đói kém, dịch lệ và động đất. 
            Người tu hành theo Phật giáo rất sợ Tam Độc là 3 thứ Tham luyến, Sân hận, Si mê vì Tham-Sân-Si làm tâm phiền não, mất thanh tịnh, mất an lạc.  Người nhập thế (dấn thân vào đời sống) nên cảnh giác 3 thứ Tam Độc khác là  Danh-Lợi-Quyền dễ làm mờ ám lương tri.  Đây là 3 thứ cạm bẫy, 3 thứ mồi bả như Cung Oán Ngâm Khúc ghi:
Mồi phú quý nhữ làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
Để rồi một ngày:
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

            Có 3 điều con người hay nghĩ tới, nhưng không bao giờ là điều chắc chắn:  mộng mơ (dream), thành đạt (success), vận may (fortune).
            Có 3 điều trong đời một đi không trở lại là Thời gian, Lời nói và Cơ hội.
            Có 3 điều gây dựng con người : Cần, Kiệm và Khiêm, tức là siêng năng, tiết kiệm và khiêm nhường.  Người nào có 3 đức tính này không sợ bị đói khổ.
            Ba điều phá hoại con người:  rượu, giận dữ, kiêu ngạo (viết bằng chữ Anh là 3A:  Alcohol, Anger, Arrogance).  Kinh Thánh ghi lại chuyện Satan đem 3 thứ cạm bẫy ra để cám dỗ Chúa Jesus ghi trong sách Phúc Âm Mathiơ đoạn 4.  Cám dỗ thứ nhất:  dùng đồ ăn, thức uống, tượng trưng cạm bẫy vật chất.   Cám dỗ thứ hai:  tham vọng về danh và quyền.  Cám dỗ thứ ba:  nhắm vào tánh tự cao tự đại của con người, muốn được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ.  Chúa Jesus đã dùng Lời Kinh Thánh để chống trả và Satan đã chịu thua.    
            Chúng ta cũng thường nghe “Tam Vị nhất thể”:  Tam vị là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêxu, và Đức Thánh Linh.  Ba vị này tuy ba mà một.   Muốn dễ hiểu “Giáo Lý Ba Ngôi” (Trinity) này, chúng ta có thể dùng hình ảnh của nước có 3 trạng thái (Tam Thái) tuỳ theo điều kiện vật lý và môi trường mà có thể ở thể lỏng, thể đặc hay thể hơi. 
            Thánh Phao lô viết trong thơ Côrinhtô 1 (13:13) …có ba điều nầy: Đức tin (faith), sự trông cậy (hope), tình yêu thương (love); nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. 
Nói về tình yêu, ca dao Việt Nam có câu:
Yêu nhau đắp điếm mọi bề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

            Sức mạnh của tình yêu thương có thể thay đổi lòng mình, chinh phục lòng người, và giúp vượt hết mọi trở ngại trên trần gian.  



16.  Phước 

            Phước, Lộc, Thọ là 3 điều mà người dân Á Đông thường hay ao ước cho mình cũng như chúc tụng cho người.  Họ hay khắc ra 3 hình tượng cát tường là 3 ông già: một ông quan mặc triều phục có vài con dơi bay lượn trên đầu, tượng trưng cho Phước; một ông bồng cháu nhỏ, có dắt theo con nai, tượng trưng cho Lộc; ông già nhất râu tóc bạc phơ, tay cầm trượng, tay cầm trái đào, dựa gốc tùng có con hạc đậu lên trên, tượng trưng cho Thọ.   Ba dân tộc Việt, Nhật, Hoa đều thích ý niệm tam đa trên, nhưng có sự khác biệt một chút.  Người Việt trọng Phước, người Hoa trọng Lộc, người Nhật trọng Thọ.  Vì lẽ trên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy người Hoa thích buôn bán, kinh doanh; người Nhật để ý tới dinh dưỡng, ăn uống sao cho có lợi cho sức khỏe,  để tăng tuổi thọ; người Việt khi làm việc này, việc nọ hay suy nghĩ coi có phạm âm đức mà mất phước hay không.
            Ai ai cũng tìm phước, lánh họa.   Ngày xuân, chúng ta thường thấy nhiều người viết trên giấy điều cầu xin Ngũ Phúc Lâm Môn ( ) là mong 5 thứ phước vào nhà mình, đó là Phú, Quý, Thọ, Khương, Ninh  tức là Giàu, Sang, Sống Lâu, Khỏe Mạnh, Bình An.    Kinh Thi chia ra năm thứ phước là  1Giàu (phú ), 2Yên lành (an ninh ),  3Thọ , 4Có đức tốt (du hảo đức ), 5Vui hết tuổi trời  (khảo chung mệnh ). 
            Vào những ngày Tết âm lịch, một số người Trung Hoa lại hay treo chữ Phước ngược đầu mà họ gọi “phúc đáo nhãn tiền 到 眼 前” (phước đến ngay trước mắt).  Sự tích này bắt đầu từ triều Minh bên Tàu.  Sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, phong cho người vợ lấy từ thuở hàn vi làm hoàng hậu.  Mã hoàng hậu vốn con nhà nghèo, lúc trẻ phải làm lụng cực nhọc nên tay chân thô to, khác với các tiểu thư khuê các tay chân thon nhỏ.  Một năm vào đêm trừ tịch (đêm 30 tháng chạp), Chu Nguyên Chương giả dạng thường dân đi dạo phố, xem dân đón xuân.  Nhà nhà treo đèn kết hoa, vui vẻ đón mừng năm mới.  Đi dần đến một khu phố, ông thấy một đám đông đang cười nói ồn ào trước một căn nhà.  Họ cười chỉ vào chiếc đèn kéo quân có vẽ hình một người phụ nữ cưỡi ngựa, hai tay ôm trái dưa hấu, hai chân lớn quá khổ.  Nguyên Chương biết họ trêu chọc vợ mình vì cưỡi ngựa là họ Mã,  trái dưa hấu là “tây qua”, nhắc tới quê quán bà là Hoài Tây, chân to là ngụ ý lai lịch bần hàn của Mã hoàng hậu.  Nguyên Chương tức giận vô cùng, chờ tới khuya mọi người giải tán, ông tới căn nhà có chiếc đèn kéo quân đó, quan sát, thì thấy như mọi nhà có treo chữ Phước ngoài cửa, ông bèn quay ngược chữ Phước lại, để ngày mai ra lệnh bắt giết nhà này.  Khi về hoàng cung, mặt ông vẫn còn hầm hầm,  Mã hậu gạn hỏi thì biết được câu chuyện.  Bà có tính hiền lành, thấy vì một chút chuyện cỏn con mà ngày đầu năm sẽ có đầu rơi máu đổ thì không phải là điều tốt.  Bà cũng biết khó mà khuyên nhủ ông vua chồng đang tức giận.  Bà ngầm sai mấy thái giám và vệ sĩ tâm phúc đi ra kinh thành lật ngược chữ Phước ở mọi nhà trên các đường phố.  Sáng hôm sau, toán cẩm y vệ được sai phái đi tìm nhà có chữ Phước treo ngược thì sững sờ khi thấy mọi nhà đều treo ngược chữ Phước.  Về báo cáo lại, thì Nguyên Chương biết chuyện này do kế của hoàng hậu, vả lại lúc đó, triều thần tới chúc Tết nhà vua, nên ông cũng hết giận và kể lại cho các quan biết.  Mọi người đều ca ngợi hoàng hậu hiền đức.  Chu Nguyên Chương vui vẻ, nói rằng bỏ qua chuyện này.  Câu chuyện được truyền ra dân gian, họ cho rằng đảo ngược chữ Phước thì được phước ngay trước mắt.
            Có sự phát âm khác nhau về chữ này giữa người Việt hai miền Nam Bắc.  Người miền Bắc hay nói là chữ Phúc, còn người miền Nam gọi là Phước, tránh nói Phúc vì kỵ huý các vua chúa nhà Nguyễn. Tương truyền vào năm 1563, bà vợ của Nguyễn Hoàng khi mang thai người con trai thứ sáu của Nguyễn Hoàng, nằm mộng thấy thần nhân cho một tờ giấy hồng điều trên có nhiều chữ Phúc , lại có một chữ Phúc rất lớn rơi vào lòng, sau đó sanh ra  một trai đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên, tức là Chúa Sãi.  Các con trai cháu trai về sau của Chúa Nguyễn đều dùng chữ lót là Phúc. 
            Chúng ta cũng cần phân biệt chữ Phước và chữ Phú .  Phú và Phước đều có các bộ chữ Nhất, Khẩu, Điền, nghĩa là nói lên một đời có của ăn, có của để, nhưng Phước khác với Phú ở chỗ bỏ ra bộ miên là nóc nhà, mà thêm vào bộ Thị nghĩa là thần.  Điều này nói lên một phước nguyên từ trời, phước từ thiên thượng đổ xuống, không chỉ nói phước vật chất mà còn là phước tinh thần,  tâm linh.
            Trong Kinh Thánh, sách Mathiơ chương 5 ghi lại Chúa Giê-xu đảo lộn tư tưởng thông thường của loài người khi Ngài đưa ra quan niệm Phước về phương diện tâm linh.  Xin ghi lại 8 mối phúc này theo “Bản Phổ Thông”:  1Phúc cho những ai đang nghèo khó về tâm linh, vì nước thiên đàng thuộc về họ.  2Phúc cho những ai đang buồn bã, vì Thượng Đế sẽ an ủi họ.  3Phúc cho những ai khiêm nhường, vì họ sẽ nhận được đất.  4Phúc cho những kẻ lúc nào cũng cố gắng làm điều phải, vì Thượng Đế sẽ thỏa mãn họ.  5Phúc cho những ai tỏ lòng thương xót đối với kẻ khác, vì Thượng Đế cũng sẽ tỏ lòng thương xót đối với họ.  6Phúc cho những ai có tư tưởng trong sạch, vì sẽ được ở với Thượng Đế.  7Phúc cho những ai mang lại hòa bình, vì Thượng Đế sẽ gọi họ là con cái Ngài.  8Phúc cho những ai bị ngược đãi vì làm điều phải, vì nước thiên đàng là của họ.
            Sách Thi-Thiên, bài 1 đã diễn tả người được phước như sau:         
 Người được phước như cây trồng gần nước
Đơm hoa và kết quả đúng theo mùa
Lá cây ấy chẳng bao giờ héo úa
Việc người làm luôn thịnh, chẳng hề thua.
Thi-Thiên (Psalm) 1:3



blsl01010

17.  Sức Khỏe Cao Niên
         
          Người lớn tuổi nên vận động để giữ sức khỏe nhưng phải nhẹ nhàng, nếu muốn vận động mạnh thì phải tuần tự tiến lên từng bực và nên tham khảo bác sĩ gia đình.  Nhiều lúc quý vị cao niên, nhất là các ông, thấy “sung sức”,  coi chừng đó là báo hiệu ánh lửa phựt sáng khi dầu sắp cạn.  Nên luôn luôn phải cẩn thận đừng phí sức vì cơ thể sẽ bị đuối sức rất mau.  Hệ thống tuần hoàn và tim mạch ở tuổi này không còn dẻo dai như thanh niên nữa, nên có thể bị tổn hại nghiêm trọng nếu vận động quá đà, quá trớn.  Một số người đã bị “heart attack” trong lúc chơi quần vợt. 
Tránh ù lỳ cũng như tránh thái quá trong vận động là hai điều người cao niên nên nhớ.

Tránh Thái Quá
(Riêng tặng các cụ ông)
Những người ở tuổi già
Tánh khí cần ôn hòa
Tránh những hồi thái quá
Tránh những lúc bôn ba.

Tránh trèo cao, vác nặng
Tránh chạy rút đường xa
Tâm chí tuy vẫn trẻ
Nhưng tâm cơ đã già.

Người đang chơi quần vợt
Không thể đánh từ từ
Chẳng lẽ ngừng lại thở
Lắm người đã ngất ngư.

Người mê nhong chiến mã
E có lúc ngựa lồng
Sức già kềm sao nổi
Coi chừng bị trúng phong.

Khi tóc đã trổ hoa
Là nhắc nhở chúng ta
Bắt đầu sống nhàn nhã
Khề khà bên tách trà.
           


18.  Tuổi Cao Niên

            Khi chúng ta nói “tuổi cao niên” thì đã dư chữ tuổi vì “cao niên” là ngụ ý tuổi trong đó rồi.  Người ta dùng chữ cao niên để tránh tiếng già vì nhiều người rất kỵ chữ “già” dù đã trên tuổi “cổ lai hi” (70 tuổi).
            Tuổi cao niên bắt đầu từ lúc nào?  Thật khó, vì mỗi người một ý.  Từ tuổi 30, một số tế bào bắt đầu suy thoái, nên ngành thể thao tranh giải, trên 30 là có thể về hưu.  Trong khi đó, người tranh cử chức vụ tổng thống mà dưới 50 tuổi thì bị chê là còn trẻ.  Hội người hưu trí Huê kỳ (AARP) nhận hội viên tuổi 50.  Nhiều nơi thương mãi cho người cao niên (senior citizen) được giảm giá, người trên 55 tuổi là được hưởng quyền lợi này.  Đối với người làm việc trên đất Mỹ, muốn lãnh tiền an sinh xã hội, phải đợi ít nhất là 62 tuổi (gọi là hưu non).  Tốt nhất là đợi đến 65 (những người trẻ phải đợi đến 67) tuổi thì được hưởng trọn quyền lợi. 
            Trong chữ Nho, trên 60 gọi là Kỳ 耆,  nên kỳ lão 耆老 chỉ người trên 60 tuổi.  Lấy con số 60 năm để định tuổi cao niên cũng có lý khi chúng ta nghĩ đến “lục thập hoa giáp” trong khoa số của Đông phương.  Người xưa dùng 10 can và 12 chi kết lại thành 60 năm.  Người sinh năm Mậu Tý 1948 đến năm nay 2008 sau ngày 7 tháng 2 gặp lại năm Mậu Tý.  Những người tuổi Tý này đã sống đủ hết 60 năm trong lục thập hoa giáp, tức là đã sống trải vinh nhục, thăng trầm, sướng khổ, nếm đủ mùi vị từ ngon ngọt béo bùi đến chua cay mặn đắng.  Lúc bắt đầu ngày đầu năm Âm lịch năm nay, người tuổi Mậu Tý xứng đáng được xem là người cao niên, và những ngày còn sống trên trần gian này trong chu kỳ “lục thập hoa giáp” mới có thể gọi là dư niên. 
            Chu kỳ “lục thập hoa giáp” 60 năm gồm 5 chu kỳ nhỏ 12 năm, thường gọi là “12 con giáp” hay gọi tắt là “con giáp”.  Khi ai nói ông chồng đó lớn hơn bà vợ một con giáp tức là nói người chồng lớn hơn người vợ 12 tuổi.  Dùng ý niệm “con giáp” để phân chia các lứa tuổi cũng hợp lý.  Người đã sống qua 3 con giáp (36 tuổi) là bước vào tuổi trung niên, hay tuổi mùa thu cuộc đời.  Quá 60 là vào tuổi mùa đông.  Sơ đông là từ 60 đến 72,  chính đông là từ 72-84, người tuổi trọng đông sống qua được 7 con giáp (từ 84 tuổi trở lên).  Dân số các cụ trên 85 tuổi mỗi ngày một đông và người trên 100 tuổi không còn hiếm thấy nữa.
            Tuy nhiên, như chúng ta được nhắc đi nhắc lại, con số tuổi là chỉ để dùng trong thống kê, trong giấy tờ nên không quan trọng bằng tinh thần bằng tâm hồn.  Ngày xưa, ông Môi-se 80 tuổi mới được Đức Giê-hô-va dùng vào việc giải phóng dân tộc, Khương Tử Nha cũng đến 80 tuổi mới được Chu Văn Vương trọng dụng.  Câu trả lời của Bá Lý Hề với Tần Mục Công thường được người sau kể lại.  Mục Công sau khi đưa 5 tấm da dê nước Sở để chuộc Lý Hề về triều, thấy thất vọng khi nhìn thấy đầu tóc bạc phơ của Lý Hề và ngỏ lời lo âu rằng ông ta không thể cáng đáng việc quốc gia đại sự được.  Biết ý, Bá Lý Hề liền thưa: “Nếu Chúa Công cần dùng người săn thú, đuổi chim thì quả thật hạ thần không làm nổi. Nhưng nếu Chúa Công cần người tài để chung lo việc nước, bình trị thiên hạ, thì tuổi thần vẫn còn trẻ.”  Mục Công lấy làm hài lòng, tỏ lời xin lỗi và phong cho Lý Hề chức Thượng Khanh nắm giữ quyền bính trong nước.

            Người càng lớn tuổi càng cần phải lạc quan, yêu đời và cần phát huy tinh thần hài hước.  Pablo Picasso (1881-1973) nói cần phải tốn nhiều thời gian để trở nên trẻ trung  (It takes a long time to grow young).  Dennis Wolfberg lúc 102 tuổi mừng mà thấy rằng mình không còn bị áp lực của bạn bè nữa  (There’s one advantage to being 102.  No peer pressure.)  Sophie Tucker (1884-1966) khi được hỏi bí quyết sống lâu, đã trả lời rằng “Cứ tiếp tục thở”  (The secret to longevity is to keep breathing).  Oliver Wendell Holmes, Sr (1809-1894) nói câu này khi ông 70 tuổi:  To be seventy years YOUNG is sometimes far more cheerful and hopeful than to be forty years OLD nghĩa là:  70 tuổi trẻ đôi khi vui hơn và tràn trề hy vọng hơn 40 tuổi già.

          19.  Xuân Phiếm

         Chữ Xuân () theo Hán tự gồm có 3 chữ đơn: tam (), nhân (), nhật () ghép lại, hàm ý là vào ngày mà nhiều người dắt dìu nhau đi ngoạn cảnh.  Trong khi đó, Tết là chữ gọi tắt của Nguyên Đán Tiết, là lễ tiết mừng ngày đầu tiên của năm.
            Dịch Lý luận về sự tuần hoàn của bốn mùa:  Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn thì mùa Xuân là lúc tam dương khai thái (      ), đất trời đang mở hội giao hòa.  
            Người xưa quan niệm rằng vào ngày đầu Xuân, nếu chúng ta bắt đầu một việc gì cũng sẽ được hanh thông, ngay cả việc viết lách:
“Khai bút đầu Xuân ý chẳng mòn”
           
            Chỉ nghĩ đến Tết hay Xuân cũng khiến cho lòng người vui vẻ, hớn hở:
Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.

            Cảnh hoạt náo ở chợ Tết được ông Đoàn Văn Cừ diễn tả thật thú vị như sau:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đương chít cũng bung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi

            Ngày Tết, người bình dân hay mua về những bức tranh có màu sắc sặc sỡ treo lên tường như Tranh Lợn, Tranh Gà, Tranh Đám Cưới Chuột, Tranh Cóc Tây Múa Kỳ Lân… Họa sĩ Mạnh Quỳnh phát biểu:  “Tranh Tết ở nước ta cũng như nước Tàu, không phải chỉ là những thứ tiêu khiển vô ích, nhưng trái lại, là một cách phô diễn tư tưởng thầm kín, nhu cầu thầm kín của cả một dân tộc chất phác, chỉ mong có ba điều là:  Hạnh phúc, Thịnh vượng và Hòa bình.”
            Trong một tập xuân văn nghệ, nhà văn Lê Văn Hòe có viết: “Tranh gà lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc, thân mến từ bao nhiêu đời rồi.  Những màu sắc ấy in sâu vào tâm não nông dân hết thế hệ này đến thế hệ khác thành các màu sắc dân tộc rồi…”  
            Ngày Xuân ở quê nhà, chúng ta thường thấy những câu liễn viết chữ vàng trên giấy đỏ, thường viết bằng chữ Hán để mong ước mọi sự tốt lành đến cho gia đình mình.  Ở cửa ra vào thì dán câu:  Xuất nhập bình an” ( ), hoặc “Ngũ Phúc lâm môn”   ( ).  Phòng đọc sách thì câu: “Tâm tưởng sự thành” ( ).  Phòng khách thì có thể thấy câu:  “Vạn sự như ý” ( ).  Trên cây cối trong vườn nhà thì dán chữ “Cát” (có thể đọc là Kiết: ) để mong cho cây sanh nhiều hoa quả.
            Người nông dân mộc mạc miền Nam thường trưng bốn món họ gọi là tứ quý:  một trái mãng cầu, một trái dừa, một trái đu đủ và một trái xoài.  Họ đọc trại ra “cầu vừa đủ xài” nói lên triết lý sống trung dung của quảng đại quần chúng.
            Hai câu thơ, mà cũng là câu đối sau đây diễn tả đủ các món thường thấy vào ngày Tết thời trước:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
            Câu đối là hai câu thơ có ý và lời chọi nhau, thường hay viết vào dịp Tết hay các dịp vui khác, treo hay dán trên hai cột nhà.  Tú Xương đã viết: 
Ngày Tết đến, cũng một vài câu đối.
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

            Những câu đối cổ chúng ta thường gặp như:
Niên niên tăng phú quí, ( )
Nhật nhật hưởng vinh hoa.  ( )

Oanh ca yến múa mừng xuân trẻ
Nước thịnh dân giàu hưởng phước chung.


Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
Có nghĩa là:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về.

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ,
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.
 
滿 滿 
có nghĩa là:
Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi,
Xuân đầy trời đất, phước đầy nhà.

            Xin mở một dấu ngoặc ở đây, để kể lại một giai thoại về hai câu đối trên.  Xưa, có một thầy đồ ngồi viết câu đối bán ở chợ, nẩy ý là bỏ mỗi câu chữ cuối, cho lời thêm mạnh, ý thêm đậm.  Câu đối trở thành:
Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng…
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn…
            Một bà góa giàu trong huyện mua câu đối này về treo ba ngày Tết.  Có người xấu miệng dèm với bà rằng ông đồ già này xỏ lá có ý châm biếm tiết hạnh của bà.  Ông ta giảng hai câu thơ như thế này: “Trời tăng năm tháng, người tăng; Xuân đầy trời đất, bụng phình.”  Ông ta cố ý giảng chữ phúc là bụng () thay vì nghĩa là phước.  Bà nghe vậy, tức giận, liền đâm đơn kiện ông thầy đồ.  Cũng may cho ông đồ là vị chánh án lúc ấy là cụ Nghè Chu Mạnh Trinh.  Cụ Nghè rầy bà nguyên đơn nghĩ xằng bậy, và truyền bà phải trả tiền bồi thường danh dự cho ông đồ.
            Ngày xưa ở đồng quê nước ta, người dân có tục lệ trồng nêu để đuổi quỉ.  Đốt pháo cũng có mục đích ấy:
Duyên với giang sơn nên dán chữ,
Nợ gì trời đất phải trồng nêu?
(Bà Huyện Thanh Quan)

Đuột trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri là Tết
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa cũng Xuân.
(Nguyễn Công Trứ)
           
            Nguyễn Khuyến có một câu đối tếu:
Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó,
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo.

            Nói đến tếu mà không kể đến Hồ Xuân Hương thì không được:
Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại, kẻo Ma Vương đưa quỉ tới,
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra, cho Thiếu Nữ đón Xuân vào.

            Có người ước ao Xuân cứ kéo dài mãi:
Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết,
Một năm mười hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân.

            Hương đăng hoa quả (nhang đèn, bông trái) là các món ta thường thấy trên bàn thờ nhiều nhà:
Đấp gốc cây cao, Tết đến thắp hương thơm đèn sáng,
Khơi nguồn nước mát, Xuân về dâng trái ngọt hoa thơm.
            Bây giờ ta hãy xem qua cái Tết nhà nghèo, chủ nợ tới đòi vào cuối năm để thanh toán mọi sự trước khi năm mới đến:
Tối ba mươi, nợ réo tít mù, ấy mới Tết,
Sáng mồng một, rượu tràn quí tị, ái chà Xuân.

            Nhà nho nghèo Nguyễn công Trứ cũng bị cảnh ấy:
Chiều ba mươi, công nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,
Sáng mồng một, rượu chè say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi,
Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng.
            Hãy để ý câu đối trên, cụ Nguyễn công Trứ cho vào đó: cóc, ểnh ương, tỏi, cà riềng là những món rẻ tiền, dễ kiếm.  Cụ Tú Xương cũng hài lòng vì ngày Tết, bà Tú đã sắm được rượu, nem, bánh chưng:
Nực cười thay!  Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết,
Thôi cũng được!  Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân.

Một anh học trò nghèo mua được trái bưởi về mừng Xuân:
Ủa!  Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt,
Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn.
            Thi sĩ Đông Hồ kể câu chuyện một anh học trò nghèo không có tiền mua xôi chè, hoa quả, nhang đèn, mới lấy một gáo nước lã và một que củi đang cháy bốc khói đãi ông Táo và làm bài thơ sau đây:
Nhất chước thủy, nhất chi yên,
Táo quân thượng tấu cửu trùng thiên
Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự
Vạn sự nhân gian chỉ vị tiền.
一勺水一支烟
灶君上奏九重天
玉皇若問人間事
萬事人間只爲錢
            có nghĩa là:
Nước lã một gáo, củi khói một que,
Táo quân lên đó, nói cho nghe Ngọc Hoàng
Trời mà phán hỏi chuyện nhân gian
Tâu rằng:  Muôn việc nhân gian,
Chỉ có tiền bạc là hơn nhất đời.

            Lê Thánh Tôn là một ông vua sính thi ca, làm nhiều bài thơ còn truyền tụng.  Một Xuân kia, nhà vua ra lệnh cho tất cả mọi nhà phải dán câu đối để mừng Xuân.  Nhà nào có câu đối hay sẽ được thưởng.  Chiều ba mươi Tết, nhà vua cải dạng đi “thăm dân cho biết sự tình”.  Hầu hết các nhà đều đã có câu đối.  Câu nào cũng đẹp mắt và ý nghĩa thật thâm thúy.  Nhà vua để ý một căn nhà nhỏ lụp xụp chưa có câu đối.  Vua bước vào gặp một người đàn ông trung niên ngồi chống cằm, coi bộ buồn thiu.  Nhìn vào hai bức vách thấy màu sắc lem nhem.  Hỏi ra mới biết ông làm nghề thợ nhuộm và đang lo lắng về câu đối.  Tự viết thì ông ta không đủ chữ, thuê người viết thì lại không đủ tiền.  Nhà vua thương tình, bảo tìm giấy mực và viết, đoạn nhà vua múa bút cho cặp câu đối.  Ông thợ nhuộm cảm ơn rối rít.  Qua sáng mồng một, một đại quan được lệnh đi chấm câu đối trong kinh thành.  Đọc câu đối nhà ông thợ nhuộm, ông quan mặt mày tái mét vì khẩu khí của hai câu này nếu không phải của một vị vua, thì phải là của một tên giặc có mộng mưu bá đồ vương:
Thiên địa thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều đình chu tử tổng ngô môn.
天地青黄皆我手
朝廷朱紫總吾門
            Có nghĩa là:  “Màu xanh, vàng trong trời đất đều từ tay ta; màu đỏ, màu tía trong chốn triều đình cửa nhà ta tóm hết.”  Ông quan ra lệnh bắt người thợ nhuộm, nhưng sau khi nghe tả dáng dấp của người cho câu đối thì ông quan biết chính là Đương Kim Thánh Thượng đã viết cho.  Hú hồn cho ông thợ nhuộm!
             
            Dầu đang sống ly hương, những người thích văn thơ vẫn làm câu đối Tết:
Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc,
Lung linh ánh lửa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.
           
            Những câu đối, câu liễn ngày một ít người thích.  Ngày nay, ai nấy đều đầu tắt, mặt tối, bận bịu vì sinh kế, không có thì giờ để ngâm vịnh.  Phong vị cũ ngày một tàn đi, hầu như ngày nay nó trở thành một món đồ cổ.  Khi đọc đoạn chót bài “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, chúng ta không khỏi cảm thấy một nỗi buồn man mác:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

            Sau ngày Tết, có người viết:
Xuân vẫn còn dài, hướng tới tương lai vùng đất mới,
Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa.

            Mùa Xuân tượng trưng cho tuổi thanh tân của cuộc đời.  Ai ai cũng có một giấc mộng trường xuân!  Theo lẽ biến hóa tự nhiên, rồi có một ngày mọi người bỗng thấy mình đã rời bỏ tuổi hoa niên   mà trở nên già lão.   Thể xác tuy có hư hoại, nhưng tinh thần và tâm hồn của chúng ta có thể giữ cho  trẻ trung bằng những hoạt động thể xác lành mạnh, những hoạt động tinh thần hướng thượng, những học hỏi không ngừng để làm chậm đi tiến trình lão hóa. 
            Ai có mối tâm giao mật thiết với Chúa của mình có thể đồng tình với nhà thơ nữ Thái Trịnh:
Tình Ngài hơn vạn mùa Xuân,
Không tàn, không héo, thanh tân muôn đời.
            Ước ao mỗi người chúng ta có thể giữ được một mùa Xuân bất tận trong lòng. 

Primavera
Carlos Santana
Lluvia de sol
Como una bendicion
La vida renace a plena luz
La primavera ya llego

Todo es asi
Regreso a la raiz
Tiempo de inquieta juventud
En primavera ya

La tierra negra se vuelve verde
Y las montanas y el desierto
Un bello jardin

Como la semilla
Lleva nueva vida
Hay en esta primavera una nueva era

En el aire de este nuevo universo
Hoy se respira libertad
En primavera ya

Mùa Xuân

Ánh mặt trời chiếu rạng
Như mưa trút phước lành
Đời mới được tái sanh
Vì mùa xuân đã tới.

Muôn vật cùng  chung lối,
Lá rụng lại về cội
Tuổi trẻ khi xuân sang
Nhựa sống cứ căng tràn.

Đất đang màu nâu đen
Xuân biến nên xanh thẳm
Núi và sa mạc hèn
Bỗng thành vườn thượng uyển.

Như từ một hạt giống
Nẩy sinh ra mầm sống
Mùa xuân vừa tới nơi
Mang theo thời đại mới.

Ngày nay trời đất mới
Không khí thật trong lành
Tự do ta hít thở
Tận hưởng mùa xuân thanh.
Châu Sa dịch




20.  Yểu Điệu Thục Nữ

            Trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, cô gái lém lỉnh Hoàng Dung muốn Hồng Thất Công truyền thụ võ công cho người yêu Quách Tỉnh nên nàng ta tìm cách nấu những món ăn ngon, lạ miệng vì biết lão Hồng rất sành ăn.  Có một thứ canh Hoàng Dung nấu với anh đào có dồn thịt chim thư cưu, có lá sen và măng non.  Đây là lần đầu Hồng Thất Công được thưởng thức món này và rất thích thú.  Hoàng Dung đặt tên là canh Hảo Cầu nghĩa là Xứng Đôi Vừa Lứa.  Trái anh đào tượng trưng cho người con gái hiền thục, măng non từ tre trúc cũng như sen, tượng trưng cho quân tử, chim thư cưu là người mai mối.  Câu chuyện này lấy từ ý của 4 câu đầu trong bài ca dao Quan Thư thuộc bộ Kinh Thi, trong văn chương cổ đại của Trung Quốc:
Quan quan thư cưu           關關雎鳩
Tại hà chi châu                 在河之洲
Yểu điệu thục nữ               窈窕淑女
Quân tử hảo cầu               君子好逑
           
            Thư-cưu* 雎鳩 là loài chim hay ăn cá, đi đâu cũng có đôi trống mái với nhau, thường âu yếm nhưng không suồng sã, lả lơi.  Chúng thường lẩn quẩn tại bến sông, thỉnh thoảng kêu lên tiếng “guan guan”.   Nhân vật quan trọng trong bài hát này là “yểu điệu thục nữ” tức là cô con gái hiền thục, dịu dàng.   Chữ “yểu điệu” không có nghĩa ẻo lả như nhiều người nghĩ.  Tự điển Hoa Anh của nhà Oxford dịch 窈窕 : graceful and gentle (duyên dáng và dịu dàng);  Tự điển Hán Việt của cụ Thiều Chửu dịch “yểu điệu” là u-nhàn (có nghĩa là trầm lặng).  Khi nói về đức tính cao quý của người phụ nữ, Thánh Kinh dùng nhóm từ “gentle (or meek) and quiet spirit” (I Peter 3:4)  mà học giả Phan Khôi vào năm 1925 đã dịch rất nhã là “tâm thần dịu dàng im lặng”.    “Dịu dàng im lặng”  có lẽ nói được tánh “Yểu Điệu” của người con gái.  Chữ “hảo cầu” trong câu thứ tư làm nhiều người hiểu lầm là  (quân tử) muốn đi tìm cầu.  Cầu () có nghĩa là đôi lứa, phối ngẫu, nên hảo cầutốt đôi.  Bài Quan Thư là một bài ca dao gồm 20 câu, mỗi câu 4 chữ.**  Có nhiều thuyết về nguồn gốc của bài này, nhiều người cho rằng bài này tả mối tình của Chu Văn Vương và nàng Hậu Phi Thái Tự.  Bà Hậu Phi này có đức hạnh được nhiều người khen tặng, xứng đáng là một mẫu nghi thiên hạ.  Ông Khuông Hành đời nhà Hán viết về bà: “Những rung cảm về tình dục không hề lẫn vào nghi dung, những ý vui riêng không hề lộ ra cử chỉ, được như thế mới có thể phối hợp với bậc chí tôn mà chủ tế tông miếu…”  Giả thuyết về mối tình vương giả này e rằng có gượng ép, vì khi đọc toàn bài thơ ca, chúng ta có thể hình dung ra một thôn nữ đang chèo xuồng nhỏ hái những dây rau hạnh sợi ngắn sợi dài hai bên bờ sông.  Chàng trai mới gặp đã bị tiếng sét ái tình, về nhà tương tư, trăn trở ăn ngủ không ngon:
Gặp người sao có một lần,
Để ai thương nhớ tần ngần suốt năm.
                                                Ca Dao
            Chàng có thể làm mọi việc cho nàng vui như gảy đàn, khua chuông, đánh trống… Ý bốn câu đầu của bài ca  chúng ta có thể diễn như thế này:  Một chàng trai (có thể là một vị vương gia) đi ngang qua thấy cô gái thùy mị, dịu dàng nên lần dò tới làm quen (có thể xuống xuồng hái rau giúp).  Trên bờ có những chim thư cưu đứng từng cặp, thỉnh thoảng hót vang lên (có lẽ trông thấy cá).  Chàng trai trêu chọc:  Cô có biết thư cưu nói gì không?  Cô gái dĩ nhiên lắc đầu nói không.  Chàng làm bộ nghe ngóng một hồi rồi nói với vẻ mặt quan trọng:  Chim thư cưu cho biết rằng người con gái hiền thục và chàng quân tử rất đẹp đôi.  Cô gái xấu hổ, đỏ mặt.   
            Việc mượn chim, cò, quạ, cá hoặc cây cỏ thiên nhiên để tỏ tình cũng thường thấy trong ca dao Việt Nam.  Như chàng trai miền Nam nước Việt có câu ca dao trữ tình sau đây, cô nào nghe chắc cũng phải cảm động lắm:
Cây trên rừng hóa kiểng,
Cá dưới biển hóa long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng,
Đến đây trời khiến đem lòng thương em.

            Châu Sa mượn lục bát để diễn tả 4 câu đầu bài Quan Thư như sau:
Thư-cưu trống mái có đôi,
Bến sông âu yếm, từng hồi hót vang:
- Gái ngoan im lặng dịu dàng,
Cùng người quân tử rõ ràng xứng duyên.

            Tánh “dịu dàng im lặng”  của người phụ nữ, theo Phiêrơ, rất được Thượng Đế coi trọng vì nàng  không quá trau chuốt nhan sắc bề ngoài, mà trau dồi tánh hạnh bề trong.  Vẻ sắc nước hương trời của mỹ nhân tuy có làm một số chàng trai chết mê, chết mệt, nhưng rồi sắc đẹp bên ngoài sẽ chóng tàn phai.  Chỉ có những nữ tính như e ấp, im lặng, dịu dàng, nhường nhịn, mới thu hút trái tim của các đấng nam nhi một cách bền lâu.   “Yểu điệu thục nữ” tuy sống nơi thôn dã vẫn toát vẻ cao quí, tuy sống trong cung điện vẫn không mất vẻ hồn nhiên, bình dị và không nhiễm tánh kênh kiệu, kiêu sa.  Tư cách này được bà Ann Landers diễn tả rất rõ trong bài “What is Class”***. 
            Các bà, các cô ai cũng có ít nhiều tánh “yểu điệu thục nữ” này lúc mới lập gia đình, nhưng dần dà về sau, sự khó khăn, căng thẳng của đời sống làm các bà đánh mất dần những nữ tánh đáng yêu mà “nhiễm” những tánh đáng ghét của đàn ông chúng tôi như cứng nhắc, khô khan, không kiên nhẫn, dễ đổ quạu…
            Các bà, các cô muốn được Thượng Đế thương yêu cũng như loài người trân quí,  có lẽ nên nghe lời khuyên của ông Phiêrơ:  “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc quần áo lòe loẹt; nhưng hãy tìm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời” (I-Phiêrơ 3:3-4).

Quan Thư  

Quan quan thư cưu,   
Tại hà chi châu          
Yểu điệu thục nữ,      
窈窕淑女
Quân tử hảo cầu          君子好逑
Sâm si hạnh thái,       
參差荇菜
Tả hữu lưu chi            左右流之
Yểu điệu thục nữ,      
窈窕淑女
Ngụ mỵ cầu chi          窹寐求之
Cầu chi bất đắc,         
求之不得
Ngụ mỵ tư phục          窹寐思服
Du tai du tai,              
悠哉悠哉
Triển chuyển phản trắc 輾轉反側
Sâm si hạnh thái,       
參差荇菜
Tả hữu thái chi           左右菜之
Yểu điệu thục nữ,      
窈窕淑女
Cầm sắt hữu chi          琴瑟友之
Sâm si hạnh thái,       
參差荇菜
Tả hữu mạo chi    左右芼之
Yểu điệu thục nữ,      
窈窕淑女
Chung cổ lạc chi.        鐘鼓樂之

Quan Thư

Thư cưu cất tiếng hót vang
Trên triền cát mịn bến sông êm đềm
Hỡi cô thục nữ dịu hiền
Có chàng quân tử xứng duyên vợ chồng.
Rau hạnh ngọn ngắn ngọn thòng
Thuyền ta thả bến xuôi dòng vớt lên
Hỡi cô thục nữ dịu hiền
Ngày đêm thức ngủ cầu duyên với mình
Cầu duyên chẳng được đáp tình
Nên chi thức ngủ ta đành nhớ nhung
Nhớ nhung, nhung nhớ vô cùng
Nhớ nhung trằn trọc, trong lòng vấn vương.
Rau hạnh ngọn ngắn ngọn thòng
Thuyền ta thả bến xuôi dòng hái lên
Hỡi cô thục nữ dịu hiền
Đờn cầm ta gảy tỏ niềm luyến thương.
Rau hạnh ngọn ngắn ngọn thòng
Thuyền ta thả bến xuôi dòng ngắt lên
Hỡi cô thục nữ dịu hiền
Trống chuông ta gióng cho em vui lòng.
Tường Lưu dịch (Tìm Lại Hưong Xưa)

 
 
Quan Thư
Bản dịch của Châu Sa
Thư-cưu trống mái có đôi,
Bến sông âu yếm, từng hồi hót vang:
- Gái ngoan im lặng dịu dàng,
Cùng người quân tử rõ ràng xứng duyên.
Đôi bờ ta dạo con thuyền,
Vắn dài rau hạnh ta liền vớt lên
Hỡi người thục nữ dịu hiền
Nhớ nhung thức ngủ cầu duyên với nàng.
Cầu mà chẳng được ngó ngàng
Đêm ngày thức ngủ, bàng hoàng ngẩn ngơ
Vì ai sầu nhớ bơ phờ,
Vì ai trằn trọc lơ mơ mộng vàng?
Vắn dài rau hạnh đôi hàng
Ta xuôi dòng nước vì nàng hái thu
Hỡi người thục nữ ôn nhu,
Đờn cầm đờn sắt ta nhờ kết thân.
Vắn dài rau hạnh hái dần
Nấu xong ta trải ra sân hai hàng.
Gái ngoan im lặng dịu dàng
Ta rung chuông trống cho nàng vui tươi.

* Nhiều người đọc nhầm chữ Thư trong thư-cưu 雎鳩 là con mái như trong thư hùng (雌雄).

** (có 3 vị đã dịch trọn bài ra tiếng Việt là Tản Đà,  Tạ Quang Phát trong dịch phẩm Kinh Thi và   Tường Lưu trong “Tìm Lại Hương Xưa” hay “Vấn Cựu Tầm Hương”).

*** What is Class  (by Ann Landers): 
            Class never run scared.  It is sure-footed and confident in the knowledge that you can meet life head on and handle whatever comes along. 
            Class never makes excuses.  It takes its lumps and learns from past mistakes.
            Class is considerate of others.  It knows that good manners are nothing more than a series of small sacrifices.
            Class bespeaks an aristocracy that has nothing to do with ancestors or money.  The most affluent blueblood can be totally without class while the descendant of a Welsh miner may ooze class from every pore.
            Class never tries to build itself up by tearing others down.  Class is already up and need not strive to look better by making others look worse.
            Class can walk with kings and keep its virtue and talk with crowds and keep the common touch.  Everyone is comfortable with the person who has class because he is comfortable with himself. 
            If you have class you don’t need much of anything else.  If you don’t have it, no matter what else you have, it doesn’t make much difference.


            Một số bài trong tập sách này đã được đăng trên báo  Nếp Sống Mới, tờ báo dưỡng sinh, dưỡng linh cho người cao niên, xuất bản mỗi năm 4 kỳ vào tháng 1, 4, 7, 10 dương lịch.  Quý vị nào muốn nhận báo này (cũng như tập sách này), xin liên lạc về địa chỉ:
Hiep Chau
8991 Blaine Meadows Dr.
Jacksonville, FL 32257-1719




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét