Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Nếp Sống Mới Đông 2015: Hợp Tình Hợp Lý

http://www.songdaoonline.com/e3914-nep-song-moi-dong-2015.html

­­­­­­­­Nếp Sống Mới
Tờ báo dưỡng sinh, dưỡng tâm, dưỡng linh cho người cao niên
8991 Blaine Meadows Dr.
­Jacksonville, FL 32257-1719
Số Đông 2015
  Hợp Tình Hợp Lý


Hôm nay, cô Bình vừa làm lễ thượng thọ 90 tuổi cho bà ngoại, vừa ra mắt sách cô viết về bà ngoại.  Sách nhỏ, độ hơn 100 trang, in đẹp tựa là “Hợp Tình, Hợp Lý, Cẩm Nang Xử Thế của Bà Ngoại tôi”.  Sách tặng cho những người tới dự, gồm bà con nội ngoại của tác giả và thân hữu.
Bà ngoại Cấn có 4 người con: con gái đầu lòng tên Cân, 2 trai kế tên Cần, Cẩn và con gái út tên là Cận. Bà có bài thơ 4 câu giải thích ý nghĩa các tên con bà:
Cân là giữ sự thăng bằng
Cần là mẫn cán, siêng năng, chẳng lười
Cẩn là thận trọng ý lời
Cận là gần gũi mọi người kết giao.
 Bà ngoại Cấn thích ca dao, tục ngữ.  Mối tình của ông bà cũng liên quan nhiều đến ca dao.  Hồi 70 năm trước, chàng trai tên Cấn gặp cô Thắm, biết cô thích hát hò, ông bèn hò:
Cây trên rừng hóa kiểng
Cá dưới biển hóa long
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng,
Chàng bèn âu yếm nhìn nàng, hò tiếp câu chót:
Đến đây Trời khiến đem lòng thương em.
Câu hò này khiến 2 người nên vợ nên chồng.  Họ sống với nhau 60 năm.  Mười năm trước, sau khi ông bà ngoại mừng lễ kỷ niệm Ngọc khánh 60 năm không lâu thì ông mất.  Từ đó, bà ngoại sống gần gũi con cháu nhiều hơn.
Tham dự buổi lễ thượng thọ hôm nay, cô Bình cho biết có nhiều bạn của bà ngoại Cấn gốc từ nhiều tiểu bang khác đã dọn về Florida sống.  Nhiều người cho biết đó là do câu hò của bà Cấn.  Khi các bạn gọi trò chuyện với bà qua điện thoại, họ hỏi về khí hậu, đời sống của tiểu bang Florida.  Bà trả lời bằng câu hò:
Đường nào ngon cho bằng đường thốt nốt
Đất nào tốt cho bằng đất Flo-ri-đa
Ai còn cha yếu, mẹ già
Mau “dìa” đây ở, kẻo mà lạnh xương!
Sở thích nhiều năm nay của bà là nghiên cứu về những câu châm ngôn của toàn thế giới.  Môn học này gọi là Paremiology. Bà thấy một sự tương đồng thú vị ở nhiều câu châm ngôn, ngạn ngữ từ các dân tộc khác nhau.  Sau khi nghiên cứu những châm ngôn trong Kinh Thánh, bà ngoại tin rằng đây là Lẽ phải chung (universal truths) mà Đức Chúa Trời khải thị từ xưa qua lương tri loài người.
 Có nhiều câu tục ngữ VN thấy trong Kinh Thánh.  Như “gieo gì gặt nấy” trong câu KT Galati 6:7;  “gieo gió gặt bão” tìm được trong câu Ô-sê 8:7; “gieo ít gặt ít, gieo nhiều gặt nhiều” trong 2 Cô-rinh-tô 9:6. Ý câu tục ngữ  “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”   tìm thấy trong câu: “Ông cha ăn trái nho chua mà con cháu phải ghê răng” trong câu Giê-rê-mi 31:29.  Câu Châm Ngôn 22:1 tương tự như “Tốt danh hơn lành áo”.  Truyền Đạo 10:8  “Kẻ nào đào hầm sẽ sa xuống đó”  nhắc chúng ta nhớ câu: “Gậy ông đập lưng ông”.  Thư thứ nhứt của sứ đồ Phi-e-rơ (4:8) “…trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi” nhắc đến câu ca dao:
Thương nhau vạn sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Lúc con cháu còn nhỏ, bà dạy: 
·         ăn coi nồi, ngồi coi hướng,
·         kính trên, nhường dưới,
·         đi thưa về trình,
·         chọn bạn mà chơi vì gần mực thì đen, gần đèn thì sáng…
Cô Bình cho biết những lời dạy giúp cho chị em cô rất nhiều, và cô còn nhớ mãi trong lòng. 
Khi con cháu trì hoãn, không làm bài sớm, hay cuống quít vào giờ chót, bà hay nói: “làm sớm, nghỉ sớm, đừng để nước tới trôn mới nhảy”.
Để giúp con cháu tập thói quen thức dậy sớm đi học, đi làm, bà thường hát câu:
Chim quyên dậy trễ hết mồi,
Anh hùng lỡ vận, đứng ngồi không yên
Để khuyên người bị thất bại, thi rớt, bà có câu: “thua keo này, bày keo khác”, “thất bại là mẹ của thành công”
Đối với cô gái sợ ế chồng, bà có câu:
Trai giỏi giắn không lo ế vợ
Gái đảm đang chẳng sợ ế chồng
Ở sao cho vẹn chữ Đồng*
Gặp người phải đạo, chỉ hồng mới xe.
Với tiền bạc, ngoại thường nói tiền là quan trọng, nhưng tiền không phải là tất cả, con cháu không nên tôn thờ đồng tiền và cũng không coi khinh tiền bạc.  Tiêu xài mua sắm trong khả năng của mình.   Khi thấy con cháu “vung tay quá trán” bà khuyên “liệu cơm gắp mắm”.  Nhưng bà cũng tin rằng ai dùng tiền của một cách hào phóng sẽ được phước, như “xởi lởi Trời cho, so đo Trời co lại” được Châm Ngôn 11:24 diễn tả.  Câu “giàu không keo, nghèo không phí” bà ngoại thường nhắc nêu lên một nghệ thuật tiêu tiền lý tưởng, khôn ngoan.   
Khi con cháu có thành kiến “quơ đũa cả nắm” bà  nhắc: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”.  Nhắc đến mía, cô Bình nhớ bà ngoại hay nói “ăn mía nên ăn từ ngọn xuống gốc”, tức là ăn từ chỗ lạt đến chỗ ngọt,  để nhắc thà chịu cực lúc đầu để về sau sung sướng.**
Để nhắc con cháu tránh vạ mồm, vạ miệng khi ăn nói bất nhã, phát ngôn buông tuồng, thiếu cân nhắc, ngoại nhắc: “ếch chết tại miệng”, “vạ tay không tày vạ miệng”, “lắm lời, lắm lỗi” cùng câu Châm Ngôn 10:19 nhắc chúng ta: “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu.”
Với người hung dữ, bà khuyên con cháu: “Tránh điên không xấu mặt nào”.  Cô Bình cho biết người Nam Mỹ có câu thành ngữ: “nên tránh người điên và con bò” (Al loco y al toro darles corro).  Bà hay nhắc con cháu giữ bình tĩnh qua câu Truyền Đạo: 7:9 Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội” tương đương câu tục ngữ:“Giận quá mất khôn”. Bà thường nhắc nhủ mọi người: “Chuyện lớn làm ra nhỏ, chuyện nhỏ làm ra không” và tránh “chuyện bé xé ra to”.
Bà ngoại hay so câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” và câu Châm Ngôn 19:21 “Trong lòng loài người có nhiều mưu kế;
Song ý chỉ của Đức Chúa Trời sẽ thành được”.
Để dạy con cháu khi đắc thế, không nên ỷ thế hiếp người, để rồi khi thất thế sẽ bị người quật lại, bà dùng tục ngữ: “Cá ăn kiến, kiến ăn cá”.
Khi nghe nhắc đến câu Truyền Đạo 3:1 “Phàm sự gì có thì tiết, mọi việc dưới trời có kỳ định”, bà ngoại ngâm:
Làm sao cho được đúng thời,
Đúng mùa, đúng lúc, đúng nơi, đúng người.
Những lời bà dạy bảo, khuyên nhủ nghe giản dị, quen thuộc nhưng chứa đựng những bài học sâu sắc.  Con cháu bà nhờ vậy có một đời sống hợp tình, hợp lý, nhân bản, hạnh phúc. 
Cô Bình cho biết là bà ngoại còn có ý kiến chính trị nữa.  Bà ước mong chính phủ Việt Nam nhìn vào Nam Hàn và Bắc Hàn mà rút ra bài học nên bắt chước ai.  Người hai xứ này là anh em đó, mà Nam Hàn ngày nay nằm trong những xứ giàu nhất thế giới, còn Bắc Hàn nằm trong những xứ nghèo nhất hành tinh.  Lý do là tự do, dân chủ, đa nguyên được thực thi ở Nam Hàn, trong khi đó thì ở Bắc Hàn là độc đảng, độc tài, độc đoán và độc ác đang cai trị.  Chính trị hà khắc làm dân kiệt quệ, chính trị dân chủ  đưa đến dân giàu, nước mạnh, thịnh vượng, phú cường.
Cước Chú:
* Giữ vẹn chữ Đồng:  giữ trong trắng.  Đồng chỉ tình trạng trai gái chưa kết hôn, như đồng nữ 童女 , đồng trinh童貞
**Đây là cách ăn mía của ông Cố Khải Chi , một nhà danh hoạ, (344-406 sống đời Đông Tấn, Trung Hoa).  Ông thích ăn mía từ ngọn tới gốc, để càng lúc càng thấy ngọt dần mới ngon.   Như sống trên đời, trước cực khổ sau vui sướng thì mới thích.  Được cảnh như vậy, người xưa gọi là cảnh ăn mía (Giá Cảnh: ), hay “Tiệm Chí Giai Cảnh”  nghĩa là từ từ đi đến cảnh đẹp.  Câu thành ngữ tương tự chúng ta thường nghe là Khổ Tận Cam Lai 苦盡甘來 là hết đắng rồi tới ngọt, hay câu “Hết cơn bỉ cực, tới hồi thái lai”.
Châu Sa ghi.

Ghi Nhớ, Làm Theo, Truyền Dạy

 “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.” - Phục Truyền  6:6-7
“Phàm kẻ nào yêu mến luật pháp Chúa được bình yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa ngã.” - 
Thi-thiên 119:165
            Ân cần dạy dỗ Lời Cha,
Cho con cháu chắt, trong nhà, mọi nơi,
            Nằm, ngồi, đi đứng, nói cười,
Cũng đều phải nói dạy Lời - Điều Răn!
            Lập đi lập lại chuyên cần,
Khắc ghi nhớ mãi để gần Chúa hơn,
            Lời Ngài gìn giữ bước chơn,
Dắt ta đi đúng, được ơn phước nhiều!
            Hằng ngày, suy gẫm, tin yêu,
Làm theo trọn vẹn, sớm chiều truyền ra,
             Mọi thời, mọi lúc, gần xa,
Luôn luôn nhắc nhở dù là khó khăn!
            Chúa luôn chăm sóc, đỡ nâng,
Ta nên hết sức siêng năng nhớ làm,
            Lời Ngài hằng hữu, bình an,
Đem ta ra khỏi muôn vàn hiểm nguy,
            Đời ta chẳng có phước gì,
Nếu không sống dạy theo y Lời Ngài!
Tiểu Minh Ngọc
Hiến Xác cho Y/Khoa học
Hỏi:  Tôi muốn hiến thân xác của tôi cho y học, khoa học vì không những muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa mà cái xác chết của mình cũng giúp cho người còn ở lại. Tôi cần phải làm gì?
Đáp:
1/ Bạn phải trên 18 tuổi
2/ In và điền mẩu đơn Uniform Donor Form trong trang mạng nầy:
3/ Cần 2 người chứng ký tên vào đơn.  Làm bản sao trao cho người nhà.  Thân nhân bạn cần đồng ý với quyết định của bạn
4/ Cơ quan, trường y khoa, hay nơi nào bạn muốn “trao thân” phải được báo trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi bạn qua đời.
5/ Nhân viên y tế sẽ phỏng vấn người thân của bạn.  Họ có thể đến tận nơi để quyết định có nhận xác của bạn không. 
6/  Nếu được nhận, họ sẽ lo tất cả mọi chi phí.  Nếu họ không nhận, người nhà bạn phải lo việc chung sự như chôn hay thiêu.
7/  Nếu bạn sống ở tiểu bang:  California, Delaware, Florida, Pennsylvania, Arizona, Colorado, Texas, Illinois, Nevada, Indiana, bạn có thể vào webpage này mà điền:
http://www.sciencecare.com/body-donation-overview/    hoặc gọi số 800-417-3747


Chuyện Trái Ớt…
Tử Thiện dịch từ cmoney.tw 
Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này, “ớt của anh (chị) có cay không?”, gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?
 Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay, như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.
Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào. Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng:
“Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia”.
Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói: “Không cần đâu!”
Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp…..
Quả nhiên chính là hỏi câu đó: “Ớt của chị có cay không?”
Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: “Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!”
 Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi.
Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu.
Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?”
Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói …..
Lần này bà chủ trả lời: “Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!”
Quả nhiên, nguời mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa.
Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch.
Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ :
“Lần này xem chị còn nói thế nào đây?”
Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: “Ớt có cay không?”
Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!”.
Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nêm mềm nhũn đi. Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng: “Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi”.
Thật là thần kỳ vậy!
Thật ra bạn có bao giờ nghĩ rằng, những gì bạn bán đi không phải là hàng hóa, mà lại chính là:
1. Đối với những khách hàng lạ, điều cần bán đi chính là sự lễ phép.
2. Đối với những khách hàng quen thuộc, điều cần bán đi chính là sự nhiệt tình.
3. Đối với những khách hàng nóng tính, điều bán đi chính là hiệu suất.
4. Đối với những khách hàng ngạo mạn, điều thật sự bán đi chính là lòng nhẫn nại.
5. Đối với những người có tiền, điều mà bạn bán đi chính là sự tôn quý.
6. Đối với những người nghèo khổ, điều bán đi chính là lợi ích thiết thực.
7. Đối với những người thời thượng, điều bán đi chính là sự sang trọng.
8. Đối với những người chuyên nghiệp, điều mà bạn bán đi chính là sự chuyên nghiệp.
9. Đối với những người hào sảng, điều mà bạn bán đi chính là sự phóng khoáng.
10. Đối với những người keo kiệt, điều thật sự bán đi chính là lợi ích.
11. Đối với những người sống hưởng thụ, điều cần bán đi chính là sự phục vụ.
12. Đối với những người hư vinh, điều bán đi chính là vinh dự.
13. Đối với những người hay bắt bẻ, điều bán đi chính là sự tinh tế.
14. Đối với những người hiền lành, điều cần bán đi chính là sự chân thành.
15. Đối với những người hay do dự, điều thật sự cần bán đi chính là sự đảm bảo.
Bà Phương Diệp chuyển

6 Thế Hệ đang sống tại Hoa Kỳ
Sáu thế hệ có thể sống chung một nhà (Lục đại đồng đường), mỗi thế hệ có tên riêng theo năm sinh:
1901-1926:  GI Generation
1927-1945:  Mature/Silents
1946-1964:  Baby Boomers
1965-1980:  Generation X
1981-2000:  Generation Y / Millennium
2001- now:  Generation Z/Boomlets
Ở Việt Nam, các thế hệ được gọi:
Thế hệ 5x:  sinh năm 1950-1959
Thế hệ 6x:  sinh năm 1960-1969
Thế hệ 7x:  sinh năm 1970-1979
Thế hệ 8x:  sinh năm 1980-1989
Thế hệ 9x:  sinh năm 1990-1999
Thế hệ 10x: sinh từ năm 2000 trở về sau

Israel! Do-Thái! The Holy Land!

Từ lâu lắm rồi tôi đã mơ ước đi thăm Xứ Thánh một lần. Nhưng giấc mơ ấy sao xa vời quá.
Cách đây vài tuần, giữa những ngày cuối hè, trong lúc đang thăm gia đình cô con gái ở Pennsylvania, tôi nghe tiếng cô Hảo từ CA thủ thỉ với tôi qua điện thoại:  -Chị ơi, tụi em sắp đi Do-Thái, chị đi với tụi em cho vui nhé. Có nhiều người chị quen cùng đi nữa.
Tôi vui hẳn lên nhưng e ngại:  -Chị cũng thích lắm, nhưng không biết Passport để ở đâu rồi.
-Thôi, chị cứ liên lạc với Mục sư Nhân hỏi chi tiết và lo kiếm Passport đi nghe.
Tôi gọi nói chuyện với Mục sư Hồ Thế Nhân, và được ông cho một số tin tức về chuyến đi này. Ông rất hoan hỉ khuyến khích tôi tham gia.
Tôi cảm thấy đã có thể đi được 50% rồi. Nhưng còn chưa biết Passport cất ở đâu. Ông nói sẽ chờ tôi một vài ngày nữa trước khi kết thúc danh sách.
Tôi lấy đức tin cầu nguyện xin được biết ý Chúa cho tôi thế nào. Sau mấy lần dọn nhà, tôi hay quên, nên để thất lạc một số giấy tờ. Vừa về tới CA, thì ngày hôm sau con trai tôi gọi cho biết đã tìm được Passport cho mẹ, đồng thời cho biết ba chị em con sẽ chung góp nhau mua vé máy bay cho mẹ. Tôi gọi ngay cho Mục sư Nhân và nhanh chóng hoàn tất thủ tục cần thiết. Tôi là người cuối cùng trong danh sách 24 người tham dự chuyến đi Do-Thái này do Mục sư Hồ Thế Nhân hướng dẫn.
Con trai Út đưa mẹ rời nhà lúc 2 giờ chiều Chúa Nhật 5 tháng 9 tới phi trường quốc tế Los Angeles. Khi đến hãng máy bay Turkish Airlines chúng tôi đã thấy một số bạn quen biết có mặt.
Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên trong chuyến đi 2 tuần nầy. Trong lúc nói chuyện ở phi trường LAX tôi mới biết là mình đã không in tờ Visa mà mục sư Nhân đã email cho từ tuần trước. Thấy các bạn khác đều có Visa trong tay, tôi lo quá. Đi tới mấy quầy vé hỏi xem họ có thể giúp tôi cách nào, họ đều lắc đầu. Rồi gọi cho Billy lúc cháu đang lái xe trên freeway trở về nhà, cháu cũng chẳng giúp gì được. Giữa lúc bối rối lo sợ có thể gặp trở ngại, gây khó khăn cho cả toán du lịch, thì Mục sư Nhân đến. Thấy tôi có vẻ lo sợ, ông đã trấn an ngay là ông đã in sẵn Visa cho tôi rồi. Thật mừng, trút được gánh nặng! Cảm ơn Mục sư Nhân.
Chúng tôi đến Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ (Turkey) sau khoảng 12 giờ bay. Nhờ có viên thuốc ngủ, tôi đã ngủ thẳng một mạch tới khi máy bay sắp hạ cánh. Rồi lại chuyển máy bay để đi Do-Thái. Ông hướng dẫn viên du lịch “The Good Shepherd” đã có mặt ở phi trường Tel Aviv để đón chúng tôi, đưa về khách sạn. Trên xe bus, người hướng dẫn, tự giới thiệu tên mình, Sufian, và tài xế, Anise, nói một ít về Do Thái. Dân số khoảng hơn 8 triệu, đất rộng cỡ tiểu bang New Jersey. Khoảng 20% nói tiếng Á-rập. Trong số này, 80% theo đạo Hồi, chỉ độ 2% theo Cơ-đốc-giáo, tức khoảng 160,000 người tin Chúa. Từ ngày lập quốc, năm 1948, Do-Thái đã có nhiều cơ quan thiện nguyện, phần lớn thuộc Cơ-đốc-giáo đã đến góp phần rất lớn giúp mở mang xứ này. Năm 1967, Liên hiệp quốc phân chia lại ranh giới Do-Thái và Palestine. Nhưng người Palestine không chấp nhận ranh giới này vì họ bị thua thiệt nhiều. Tuy nhiên Do-Thái vẫn lấn đất và xây cất nhà cửa trên những vùng đất họ chiếm. Người Palestine gọi những nơi đó là vùng “di dân bất hợp pháp” (illegal immigrants). Nhà cửa được xây bằng loại đá vôi, loại đá thuộc nội địa xứ Do-thái, chứ không được nhập cảng từ nơi khác. Đó là luật lệ của chính phủ đặt ra, từ thời nước Anh cai trị xứ này, bắt đầu sau thế chiến thứ nhất đến ngày 14 tháng 5 năm 1948, khi Anh rời khỏi Do-Thái. Lúc đó thủ tướng đầu tiên của Do-Thái thành lập chính phủ, tuyên bố Do-Thái là quốc gia độc lập. Hiện nay tranh chấp giữa Do-Thái và Palestine vẫn còn tiếp tục xảy ra.
Khi Sufian cho biết sẽ đưa chúng tôi đến Bethlehem, mọi người đều reo lên và vui mừng vỗ tay. Địa danh nổi tiếng và rất thân quen bao lâu nay với mình đã gần đây rồi!
Trước khi vào Bethlehem, Sufian cho chúng tôi biết xe bus sẽ dừng lại ở trạm kiểm soát giữa biên giới Israel và Palestine.  Suốt mấy chục năm ở Mỹ, bây giờ tôi mới được gợi lại những trạm kiểm soát thường xuyên ở quê nhà mà tôi đã từng chứng kiến trước những cặp mắt sợ sệt của người dân.
Khách Sạn Bethlehem Hotel đón chúng tôi lúc đã quá nửa đêm. Nhận chìa khoá về tới phòng và tắm rửa cho mát mẻ, thì cũng gần 2 giờ sáng ngày Thứ Ba. Thời tiết nóng bức như những ngày nóng nhất ở miền nam CA.  Chị Kim-Liên và tôi được ở chung phòng. Vốn chỗ quên thân từ hơn 50 năm nay, chị em tôi rất mừng rỡ được gặp lại và đi cùng một chặng đường lý thú này.
Tôi sẽ kể lại cuộc Hành Trình "có một không hai" này.
(Tuy nhiên xin cho phép tôi nói trước về ngày chót của chuyến du lịch. Sau khi chúng tôi ăn bữa tối ở khách sạn tại Hy Lạp (Greece) mục sư Nhân đề nghị chúng tôi có thể chia xẻ vài điều ngắn gọn. Những người phát biểu đều bày tỏ lòng vui mừng, biết ơn Chúa về sức lực Ngài ban cho mỗi ngày để hoàn tất cuộc hành trình thật tốt đẹp. Không một ai bị  thương tích hay tai nạn đáng tiếc nào. Mọi người đều cảm kích và quý trọng sự hướng dẫn, sự giảng dạy và săn sóc tận tình, chu đáo của mục sư Nhân. Có mấy người nói là toán du lịch của chúng tôi hầu hết là các vị cao niên, đã về hưu. Chỉ có vài người còn đi làm hoặc là sinh viên lớp Thần học với mục sư Nhân. Có hai vị chống gậy và một vị dùng nạng, một vị cũng đã từng bị mổ tim, banh ngực… Còn các vị cao mỡ, cao máu, cao đường thì không thiếu. Vậy mà ai cũng đều hăng hái leo đồi dốc, trèo núi đá, không cản trở bước tiến của ai! Người nào cũng sẵn đội mũ, đem nước uống, và cũng không quên các loại thuốc thường dùng. Tình trạng sức khoẻ của các vị cao niên như vậy, mà không ai bị từ chối tham dự. Và quả thật quý vị rất xứng đáng là anh hùng đi bộ và…leo trèo! Một người kể rằng ở địa phương mình, có một vị cũng khá cao tuổi, rất muốn đi Do-Thái, nhưng mục sư sở tại không dám để ông đi, sợ sức khỏe ông không kham nổi. Mục sư Nhân cũng cẩn thận dự bị một số thuốc cho toán chúng tôi, theo kinh nghiệm cuả ông, vốn từng làm trong ngành y tế của quân đội Hoa-kỳ trước khi ông dâng mình hầu việc Chúa. Một tràng pháo tay và những nụ cười tươi vui, chân thành thương yêu gửi tặng Mục Sư Nhân. Chắc chắn ông đã cảm nhận được điều đó. Cũng cám ơn bà và ba cháu đã chia cho chúng tôi những thời gian quý báu đáng lẽ ông phải dành cho gia đình lúc ông vừa mới đi Việt-Nam về.)
Buổi sáng đầu tiên ở Bethlehem, ông Sufian, người hướng dẫn du lịch và tài xế Anise đã chờ đợi để đưa chúng tôi viếng thành Thánh Jerusalem, "the Holy City".  Sufian cắt nghĩa từng nơi chúng tôi đi qua. Khu Palestine, được gọi là Khu A, trông có vẻ khô khan, nghèo nàn hơn khu người Do-Thái. Những bảng số xe màu vàng là của người Do-Thái; bảng số màu trắng là của người Palestine.  Sufian nói rất lưu loát, tuy nhiều lúc cách phát âm có phần khó hiểu, nhưng mục sư Nhân thông dịch rất rõ ràng và thêm vào kinh nghiệm cùng sự hiểu biết thông thạo của ông, đã  khiến người nghe thích thú và dễ hiểu hơn.
Vì ngày hôm ấy trời mù sương như ở Đà-Lạt, nên Sufian bỏ ý định dẫn đi núi Ô-li-ve và núi Si-ôn, nên chỉ đi thành Jerusalem, qua nhà Cai-phe, đồi Gô-gô-tha… Sương mù ấy chính là những bụi mù của đất đá sa mạc bốc lên, chứ không giống sương mù Đà-Lat.
Chúng tôi đi trên đường Via Dolorosa, "Con Đường Thương Khó", nơi đã ghi dấu chân Chúa vác thập tự giá sau khi đã bị đánh đập và chịu nhiều sỉ nhục.  Ngay đến những môn đồ thân yêu nhất cũng chối Ngài và lìa bỏ Ngài.  Qua 14 cổng thành, chúng tôi được chỉ cho biết có thể nơi cổng này là lúc Chúa bị kiệt sức, và quân lính đã bắt một người tên là Si-môn từ thành Sy-ren bất ngờ đi ngang, vác thập tự thế cho Ngài một đoạn….
Lòng tràn dâng niềm xúc động thương Chúa và biết ơn Ngài sâu xa!
Cô Giáo Làng


 Lời Hay Ý Đẹp
Vàng sa xuống giếng khôn tìm,
Người sa lời nói như chim sổ lồng.

Ca Dao
Nói bừa gây cớ bất hòa
Nói năng thô bạo gây ra đau lòng
Lời khôn giải tỏa bất đồng
Lời yêu hàn gắn tấm lòng tổn thương.
-Khuyết Danh

A careless word may kindle strife,
A cruel word may wreck a life;
A timely word may lessen stress,
A loving word may heal and bless.
Anon (our daily bread Oct 20.2014)

Khi giận thì nổi cơn điên
Người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu.
(?)

Năm Dấu
Chị Huyền mang Nặng Ngã đau,
Không đi Sắc thuốc, Hỏi sao cho lành?

(2 câu thơ chứa 5 dấu
Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng)
     Mừng Tuổi Già
Chín mấy xưa nay kể quá già
Chớ than thân yếu, trí lo ra
Đường trần đã gặp nhiều an thuận
Nếp sống đang may ít xót xa
Học vấn mừng qua căn bản vững
Lương duyên may trải tuổi trăng hoa
Nay trời ban lộc, thuyền vào bến
Vui tạ ơn trên hưởng phúc nhà.
Trúc Nhi
     Lão Giả Hy Chi
Cửu thập dư niên di lão giả
Mạc ngôn thân nhược, trí vong đa
Thế đồ kinh lịch lâm lương sự
Sinh hoạt đương kim thiểu bất hòa
Trí lực dĩ tùng chân cử nghiệp
Ân tình hỷ đắc tuế niên hoa
Thanh thiên tứ lộc thuyền đình độ
Hạnh ngộ Hồng ân, tiện phúc gia.
Trúc Nhi 竹兒

Chữ Nho Tự Học
Ông Đào Mộng Nam (1940 – 2006) từng dạy Hán văn cho sinh viên y khoa Đại học Huế, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Minh Đức.  Ông soạn bộ Chữ Nho Tự Học 3 cuốn chỉ phương pháp học chữ Hán giản dị, dễ hiểu, dễ học.  Bộ sách này đã tuyệt bản, ai còn giữ trong nhà quý như vàng.  Gần đây, có người scan và cho phổ biến
https://mega.nz/#F!t5RASRJB!T0NzhGaDZmNMKL5bHoTchA
Xem cách ông dạy chữ An và chữ Tự qua bài ca dao:
Chữ An là yên, và chữ Tự là chữ nghĩa
Con ơi! Muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái () thời giữ việc trong nhà ()
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai () thời đọc sách, ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối dựng nghiệp nhà ()
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

Tri ân
Xin cảm tạ quý vị có hảo tâm, giúp NSM thêm phương tin gửi tặng món quà tinh thần này tới các đồng hương trong và ngoài nước:
HT TL York, PA                                                       $100
BTN HT Des Moines, IA                                           $50
Ông Ẩn Danh, Jacksonville, FL                               $10
Bà Cung B. Nga, Mission Viejo, CA                       $50
Ông Dương V. Hoàng, Quincy, MA                        $20
ÔB Đặng Hiếu Kính, Herdon, VA                         $100
ÔB MS Đoàn Hưng Qui, Douglasville, GA            $20
Bà Đoàn Thanh Xuân, Greenville, SC                   $20
BS Đỗ Thị Nhuận, Westminster, CA                       $50
Bà Fukuhara, Thủy LM, OKC, OK                         $30
ÔB Goffart, Alain & Tâm, S. de Béarn, Pháp    $100
Bà Hirashiki Anhue, Hackensack, NJ                    $50
Bà Hoàng Cúc, Santa Ana, CA                               $30
Cô Hoàng Lise, Scarborough, Ontario, Canada $100
Bà Hồ T. Kim Châu, San Diego, CA                      $20
ÔB MS Lê Chí Hiếu, Greensboro, NC                    $30
ÔB Lê V. Hồng Bích, Salisbury, NC                       $30
ÔB BS Lê Kim Lộc, Ocoee, FL                              $100
ÔB BS Lê Xuân Thảo, Jacksonville, FL                $20
Bà Lương Thị Liên, Honolulu, HI                           $50
ÔB BS Mạch Phước Hưng, Ocoee, FL                   $40
ÔB Nguyễn Thiên Ân, Ok City, OK                        $50
ÔB BS Nguyễn Quốc Hiệp, Gainesville, FL           $20
Bà Nguyễn Thị Huệ, Anaheim, CA                        $20
ÔB Nguyễn Tiến Lễ, Coconut Creek, FL             $100
Ông Nguyễn Hữu Nam, Hawthorne, CA               $20
ÔB Nguyễn Minh Phương, Tucker, GA                $200
ÔB Nguyễn KỳTâm, Warrington, PA                     $25
Bà Nguyễn Tăng Thanh, Houston, TX                  $30
ÔB Nguyễn Năng Tựu, Fairfax, VA                        $20
ÔB Phạm Văn Đạt, Tempe, AZ                               $20
Bà Phạm Thị Hương, Plano, TX                              $20
ÔB Phạm K. Ngôn, Tampa, FL                               $20
ÔB DS Phạm Q. Tùng, Orlando, FL                        $20
ÔB Phạm Hữu Truyền, Lakeland, TN                   $30
ÔB Phan Hữu Lợi, Gilbert, AZ                                 $20
Ông Phan Cảnh Ngưu, Warner Robins, GA           $20
Bà Trần Ngọc Lan, Everett, WA                             $25
Bà Trần Thị Nga, Halethorpe, MD                         $50
Bà Trần T. Hoàng, Lafayette, LA                          $50
ÔB BS Trần Thiện, Pasadena, CA                          $50
ÔB MS Trần Trọng Thụ, Charlotte, NC                 $50
Bà Trịnh Thị Trang, Fountain Valley, CA             $20
Nếp Sống Mới do một số người cùng chí hướng  thực hiện và phát hành mỗi năm 4 lần, nhằm mục đích:  Gây dựng một nếp sống lành mạnh, cân bằng, tích cực, tươi trẻ, lạc quan và hướng thượng cho người cao niên.   Số tới Xuân 2016 sẽ in ra vào giữa tháng 1, năm 2016.
  Quý vị có thể đọc NSM ở:
(ở ô Loạt Bài, tìm Nếp Sống Mới)

Quý vị nào muốn nhận báo biếu này, hay góp ý kiến xây dựng, hoặc góp phần ủng hộ, xin liên lạc về tòa soạn.    Email:  hiepnchau@gmail.com
Chi phiếu xin đề tên người nhận :  Hiep Chau


Trong số này:
Hợp Tình, Hợp Lý                                            tr.  1-2
Ghi nhớ, Làm theo, Truyền đạo (thơ TMN) tr.  3
Hiến Xác cho Y/Khoa học                              tr.  3
Chuyện Trái Ớt                                                  tr.  3-4
6 Thế Hệ đang sống tại Hoa Kỳ                     tr.  5
Isreal! Do Thái! The Holy Land (CGL)         tr.  5-6
Lời Hay Ý Đẹp                                                   tr.  7
Mừng Tuổi Già (thơ Trúc Nhi)                        tr.  7
Chữ Nho Tự Học (Đ.M.N.)                              tr.  7




Nếp Sống Mới
8991 Blaine Meadows Dr.
Jacksonville, FL 32257-1719




















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét